Chùa ĐậuChùa còn có tên là chùa Pháp Vũ hay chùa Đậu tọa lạc ở xã Nguyễn Trãi, huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội (tỉnh Hà Tây cũ)
CHÙA ĐẬU
Thôn Gia Phúc, xã Nguyễn Trãi, huyện Thường Tín, TP Hà Nội
Chùa Thành Ðạo (Ðậu)
Thứ ba - 01/06/2021 13:31 - Đã xem: 234
Chùa có tên chữ là Pháp Vũ Tự và Thành Ðạo Tự ở làng Gia Phúc huyện Thường Tín, tỉnh Hà-Ðông. Chùa thờ nữ thần Pháp Vũ (một vị trong Tứ Pháp) tục gọi là Bà Ðậu nên chùa thường được gọi là chùa Ðậu.
CHÙA THÀNH ĐẠO (CHÙA ĐẬU) Nguyễn Bá Lăng Theo truyền thuyết, chùa được lập từ thời Sĩ Nhiếp đời Tam Quốc (T.K. III) đồng thời với chùa Dâu (chốn tổ của Tứ Pháp) ở Luy Lâu nay thuộc Bắc Ninh, nhưng theo văn bia thì chùa được lập từ triều Lý. Chùa được trùng tu nhiều lần, lần tu tạo quan trọng đáng kể có lẽ đã được thực hiện vào thời Mạc (T.K. XVI). Di tích là những viên gạch đỏ son có in hình trang trí hoa lá và một số bia có niên hiệu Sùng Khang (1566-1577). Theo bia Dương Hòa năm thứ 5 (1639) thì lại có một cuộc đại trùng tu vào năm 1635 đời vua Lê Thần Tôn do cung tần Ngô Thị Ngọc Nguyên đứng ra làm hội chủ hưng công. Chùa có quy mô rộng lớn như ngày nay, trên căn bản có thể kể là bắt đầu từ thời này. Khuôn viên chính là 1 hình chữ nhật 43m x 32m gồm phía trước là một tòa tiền đường 7 gian 2 chái. Hai đầu phía sau nối vào 2 dẫy hành lang 11 gian thì gian đầu một bên thờ Ðức Ông, một bên thờ Ông Giám Trai, 6 gian sau đắp tượng La Hán và Kim Cương, 2 gian cuối dùng làm phòng ngủ chư tăng. Lưng khuôn viên là hậu đường cũng 7 gian 2 chái như tiền đường. - đây có bàn thờ các vị sư tổ, tượng và bàn thờ hậu và chính phi (bà Ngọc Nguyên ?), có cả tượng và bàn thờ ông đốc công điều khiển việc trùng tu chùa (năm 1635 ?).
Hai đầu hậu đường là 2 phòng của hành lang 2 bên kéo dài. Trong lòng khuôn viên là 2 tòa trung điện và thượng điện dựng trên nền cao, có nhà thiên tượng hay ống muống rộng nối vào nhau từ tiền đường, qua trung điện đến thượng điện thành thế chữ vương là kiểu đặc biệt của chùa này mà không nơi nào có.
Trước mặt tiền đường là 1 sân gạch rộng, hai bên có xây nhà giải vũ 5 gian làm nơi sửa soạn nghi lễ rước sách, hội hè và là nơi nghỉ ngơi cho khách hành hương. Trước sân dựng 1 gác chuông và 2 cửa phụ ra vào. Gác chuông kiểu đẹp, dưới xây tường, trên lầu gỗ với 8 mái đao góc uốn cong. Hình như tòa gác chuông này đã được tôn nền cao lên để khoảng giữa đủ chiều cao cho kiệu rước đi lọt qua.
Tòa thượng điện và trung điện là phần xưa nhất của chùa. Hai tòa này và cả ống muống, vách bọc chung quanh được làm hoàn toàn bằng gỗ theo kỹ thuật ván đổ nong như ở các kiến trúc xưa, nhưng ở đây trên mỗi thanh đổ đầy đặn đều được trang trí bằng những hình chạm nổi hạt ngọc bốc lửa (hỏa châu). Còn trong mỗi ô cửa sổ thông gió trổ ở 2 bên hông sườn kiến trúc thì chạm thủng tứ linh: long, ly, quy, phượng vùng vẫy, múa chầu giữa những cụm mây lửa hoặc chạm từng chữ thánh thọ vô cương nổi giữa những rồng, phượng, rùa, lân và mây lửa, bố cục sôi nổi. Trên mỗi cây cột lim, chạm 1 ổ rồng hình bầu dục nhọn đầu trong chiều dài của cột. Trong những tai trượng nghiêng, ôm bọc đầu những khuôn cửa, thì chạm tiên nữ đội mũ cánh sen, xòe đôi cánh, dang cánh tay trần, cầm quạt và uốn ngón múa may. Những cánh cửa cũng chạm rồng uốn khúc giữa những cụm mây hoặc trên nền triện gấm, qui tiền1 trổ thủng. Chùa Ðậu vì vậy nổi tiếng là được trạm trổ công phu và rực rỡ trong Kiến trúc Việt Nam.
Mái hai tòa thượng điện, trung điện này cùng ống muống được lợp bằng loại ngói mũi hài cổ đặc biệt là to dầy khoảng cỡ 20 cm x 30 cm x 3 cm.
Nếp tiền đường bên ngoài cũng được đục chạm, trang trí rực rỡ, sống động với những rồng mây, nhưng chỉ ở bộ phận rường kèo bên trên và được tô mầu thuốc phần nhiều là xanh lam và trắng, mang phong dạng của nghệ thuật T.K. XVIII không mạnh và độc đáo bằng hai tòa điện bên trong. Cột kèo của tòa nhà này cũng không to mập, vững vàng như hai tòa kia. Ðáng tiếc là hai tòa điện cổ kính và nổi tiếng về phong cách chạm trổ công phu rực rỡ này đã bị quân đội viễn chinh Pháp đốt cháy năm 19472. Khoảng năm 1952 nhà sư trụ trì chỉ xây cất lại một am gạch kiểu long đình trên nền điện cũ để thờ bà Ðậu; mà không hiểu do may mắn nào mà tượng còn tồn tại được vì thượng điện hay cung cấm chính là nơi thờ Bà. Pho tượng bà Ðậu ở đây có mặt trái soan, tay phải giơ lên đưa hai ngón tay giữa hướng lên trời, là kiểu khác với các tượng Tứ Pháp thờ tại nhiều nơi trong vùng đồng bằng Bắc bộ và có thể coi là đẹp hơn cả.
Chùa xưa có nhiều đồ cổ quý hiếm như bình, choé sứ, quạt tê giác, đai ngà, trống đồng, gương đồng và những hòm áo gấm thất thể do vua Lê, chúa Trịnh dâng cúng. Sau vụ hỏa hoạn do quân Pháp gây ra, bới đống tro tàn, người ta chỉ nhặt lại được cuốn kim phả, là một cuốn sách bằng đồng gồm khoảng chục tờ có khắc sự tích Tứ Pháp và lịch sử chùa. Nhưng cuốn sách này đã bị lửa nóng làm cho cong queo hoặc chẩy nát một phần.
Các chùa thờ Tứ Pháp phần nhiều đều thiết trí theo kiểu: tiền Phật hậu thánh nghĩa là thờ Phật ở đằng trước, thờ thánh ở đằng sau. Vì vậy ở đây tòa thượng điện hay cung cấm là nơi thờ thánh Pháp Vũ (bà Ðậu), căn trước trung điện (chính thức là thượng điện) mới là nơi thờ Phật. - căn ngoài: tiền đường chỉ đắp có hai ông hộ pháp mặc giáp phục ngồi ngang trên lưng sư tử. - hai giẫy hành lang và ở nhà hậu có những bàn thờ và những tượng như đã kể trên. Tại những giẫy nhà này còn dựng nhiều tấm bia đá kể từ T.K XVII đến T.K XVIII. Có nhiều kiểu khác nhau và đẹp như tấm do Bích quận công Vũ Tất Trân dựng mà người soạn văn bia là tiến sĩ Nguyễn Công Thái. Chùa cũng còn bài minh do Tứ Xuyên Bá Phạm Trọng Xuyên soạn khắc trên một chiếc khánh đồng đúc năm 1774 và hai tấm biển gỗ sơn son thiếp vàng khắc hai bài thơ nôm của chúa Trịnh Căn (1862-1709) và chúa Trịnh Cương (1709-1729).
Chùa Pháp Vũ
Thanh quang mơn mởn chốn giao quang, Gấp mấy trần gian mấy thế thường Cả mở tượng đồ, đô tuệ chiếu Vẹn gồm khoe lục, lục kim cương Doành thậu bích hải, doành quanh quất Sắc ánh từ vân sắc rỡ ràng Ðức thịnh càng ngày càng hiển ứng Ðừng thay đừng lạnh dấu dâng hương.
Trịnh Căn
Chùa được một bà cung phi đứng ra hưng công, lại được các vua chúa đến thăm, đề thơ như vậy đủ tỏ rằng là một danh lam đến như thế nào?
Chùa Ðậu nằm ở giữa vùng quê bằng phẳng nhưng có sông Nhuệ chảy phía sau lưng, có hồ nước vòng bọc xung quanh khiến chùa được tạo dựng như một hòn đảo. Do đó quang cảnh cũng khá đặc biệt. Nếu khéo sửa sang tô điểm, hài hòa kiến trúc với thiên nhiên: cỏ thông reo liễu rũ, có cổ thụ, sen hồ thì cũng sẽ xứng đáng với những buổi thịnh trị thời xưa.
Phía tay trái từ ngoài đi vào góc tây nam khuôn viên chính còn dựng thêm một ngôi chùa nữa, gọi là Công Minh Tự. Chùa nhỏ thôi nhưng kiến trúc khá đặc biệt là binh đồ chữ nhật đứng, thờ dọc, mặt tiền mở ra đầu hồi, dưới làm hàng hiên, trên làm mái cong có hai cây trụ gạch đứng trấn hai bên. Mái đầu hồi bên trên làm nhô ra thành điểm dốc, lại thêm một mái hắt trong lòng để che khung bảng đề tên chùa. Chùa có nhiều tượng, tượng đẹp, nét mặt tươi nhuận, từ bi và hầu hết đều sơn thếp rực rỡ. Ngoài hiên có dựng một cây bia đá vuông kiểu cách cổ kính và bên trong có một pho tượng đá sơn mầu trắng, một phiến đá chạm phù điêu đều đáng chú ý.
Tại chùa Ðậu, ngoài những đồ đá, bia, tượng nói trên còn phải kể đến đôi rồng đá ở bậc thềm tiền đường đi xuống sông. Rồng chạm với cái mào mũi khoang và giải tóc lướt dài trên thân mình uốn khúc là nét đặc trưng của mỹ thuật thời Trần.
Và đặc biệt nhất của chùa Ðậu là hai pho tượng hay chính xác hơn là hai nhục thân của hai nhà sư đã tu ở chùa này vào thế kỷ XVII, là thiền sư Ðạo Châu Vũ Khắc Minh và thiền sư Ðạo Tâm Vũ Khắc Trường.
Tương truyền hai vị là người thôn Gia Phúc sống vào đầu và giữa thế kỷ XVII, đã kế tiếp nhau tu tại chùa Ðậu. Trước khi viên tịch, hai vị có dặn dò đệ tử là khi thấy các ngài ngồi tĩnh tọa, siêu thoát rồi thì hãy cứ để yên vậy một thời gian; nếu thấy có mùi hôi thì hãy đem chôn. Ðệ tử thấy xác không hư thối nên để vậy mà thờ. Có lẽ các vị đã ứng dụng phương pháp dùng lửa tam muội (nhân hỏa) để tự thiêu hủy dần dần các chất hữu cơ dễ hư nát trong người rồi kết tinh, để lại những thành phần ít ô trọc như xương da. (Có thể vì hiện tượng này mà chùa có tên là Thành Ðạo Tự đó chăng? Và rồi phong tục gọi là chùa Ðậu? Những bia cổ của chùa vẫn khắc là Pháp Vũ Tự). Về sau để bảo vệ nhục thân của hai vị được tốt hơn, người ta đã thêm một lớp sơn bó bên ngoài rồi phủ quang dầu lên trên, biến nhục thân thành một loại tượng riêng biệt. Tượng thiền sư Vũ Khắc Minh ngồi theo thế nhập thiền, mình cong gấp xuống vì thời gian, đầu hơi cúi xuống phía trước và thân gầy đét lộ xương da. Sau năm 1931 ở đầu tượng có một vết nứt độ 2mm lộ ra ở bên trong cùng là xương sọ, tiếp đến một lớp bồi dầy từ 2 đến 4 mm, chất bồi là đất gò mối mịn trộn sơn sống và mạt cưa giã nhỏ, đoạn phủ một lớp sơn ta mầu cánh gián, và ngoài cùng thì phủ quang dầu. Gần đây các nhà nghiên cứu chiếu quang tuyến X, thấy rõ xương cốt còn nguyên vẹn bên trong tượng xác. Pho tượng hiện nay cao 57 cm và nặng 7 kg.
Thiền sư Vũ Khắc Tường là người thừa kế thiền sư Vũ Khắc Minh, theo tương truyền là người đã cho khắc tấm bia năm Dương Hòa thứ 5 và như vậy là nhà sư đã tham gia trực tiếp vào cuộc đại trùng tu Pháp Vũ Tự vào những năm trước đó. Tượng thiền sư đã bị nước lụt tràn đến (khoảng đầu T.K XX?) làm trôi gẫy làm hai đoạn nên người ta đã gắn lại và tô bọc bằng cát vôi mật, vì thế pho tượng xác này nặng hơn pho kia. Tượng được sơn trắng, tô môi vẽ mắt, ngồi ngay hơn nên vì thế mà kém nét tự nhiên hơn. Hai pho tượng trước kia được thờ trong hai ngôi miếu nhỏ, xây bằng gạch, ở bên ngoài khuôn viên chính, nay được di chuyển vào thờ trong hai khám gỗ tại hậu đường.
Tương truyền là khi công cuộc đại trùng tu chùa Pháp Vũ hoàn tất rồi còn dư nhiều gỗ tốt, bà cung phi Ngọc Nguyên (thường gọi là bà Chúa) cho chôn dìm hàng bè gỗ lim và truyền lại là để dành cho hậu thế. Khi nào cần đến để sửa chữa lại chùa thì vớt lên mà dùng.
Nhưng từ hồi phần chánh điện chùa bị đốt cháy đến nay đã nửa thế kỷ, mà phần này vẫn chưa được phục hồi lại. Gần đây dân làng mới dựng được mấy gian nhà cầu đơn sơ để làm chỗ tạm thờ Phật.
Nguyễn Bá Lăng Xuân 1996
(1) Qui tiền: hoa văn chạm hình những bát giác như trên mu rùa, những lồng chếch lên nhau thành những dáng đồng tiền có lỗ vuông. (2) Trong cuộc tuần sát ở vùng này, năm 1947, quân đội Pháp thấy có nhiều thùng dầu tây chứa trong buồn kho chùa, bèn đem ra dội hắt vào tòa thượng điện rồi châm lửa đốt cháy. Dân làng chỉ kịp chữa được có tòa tiền đường, hành lang, nhà hậu chung quanh.
Phục chế pho tượng
có cốt xương ở chùa Đậu Tượng thiền sư Vũ Khắc Minh với vết nứt trên đầu.
Trước tình trạng xuống cấp nghiêm trọng của pho tượng cổ có xá lợi (xương cốt) nhà sư Vũ Khắc Trường (thế kỷ 17) tại chùa Đậu (Hà Tây), mới đây, Sở Văn hóa - Thông tin Hà Tây đã lập phương án bảo tồn và khôi phục pho tượng này. Theo đó, công việc khôi phục sẽ chia làm nhiều bước, từ việc xử lý ẩm mốc, gia cố cấp thời lại bộ khung, hàn gắn những phần rịa vỡ đến chỗ phục hồi nguyên trạng pho tượng. Tiến sĩ nhân chủng học Nguyễn Lân Cường, người cách đây 8 năm đã phục chế một pho tượng cổ có cốt xương như vậy, cho biết, nếu như pho tượng nhà sư Vũ Khắc Trường còn xương sọ (để kiểm tra phải khoan một lỗ nhỏ sau gáy) thì ông có thể lặp lại phương pháp nói trên để phục chế. Tuy nhiên, theo ông, pho tượng nhà sư Vũ Khắc Trường không còn là nguyên bản (như từ thế kỷ 17) nữa. Cách đây khoảng 100 năm, pho tượng đã được làm mới lại hoàn toàn, chất liệu cũng thay đổi và có thể cả diện mạo nữa. Vậy thì nên giữ nguyên trạng nh hiện nay hay nên khôi phục lại như ở thế kỷ 17? Vấn đề này phải cân nhắc thật kỹ. Cá nhân ông cho rằng tốt nhất là nên làm lại từ đầu như ở thế kỷ 17.
ở chùa Đậu, ngoài pho tượng Vũ Khắc Trường còn có pho tượng Vũ Khắc Minh có phần còn quý hơn. Nếu tính cả pho tượng Từ Đạo Hạnh ở chùa Thầy (cũng ở Hà Tây) và pho tượng tổ sư Chuyết Chuyết ở chùa Phật Tích(Bắc Ninh) nữa thì ở Việt Nam có tới bốn pho tượng có cốt xơng. Các pho tượng này phải có chế độ bảo vệ và bảo quản đặc biệt, bởi ngay pho tượng Vũ Khắc Minh bây giờ cũng có chỗ vỡ, nứt. Tiến sĩ Nguyễn Lân Cường nói, nên chụp lồng kính bảo vệ lên các pho tượng này như bây giờ vì lồng kính không những kém mỹ quan mà còn làm đọng hơi nước và không giữ được nhiệt độ thích hợp trong đó. Trước đây ở chùa Phật Tích, nhà chùa đã đặt tượng trong một khám gỗ, tiếc thay khám gỗ ấy không còn nữa.
(Báo Thể thao và Văn hóa) Biện pháp bảo quản các pho tượng
có cốt xương ở chùa Đậu Đọc tin "Phục chế pho tượng có cốt xương ở chùa Đậu" (Nhân Dân điện tử ngày 17-700) tôi thấy Việt Nam có bốn pho tượng cốt xương vô cùng quý giá. Đây là tài sản văn hóa quốc gia. Việc phục chế và bảo quản lâu dài mang một ý nghĩa lớn lao cho bây giờ và cho các thế hệ con cháu mai sau. Chúng ta sẽ hiểu đợc công nghệ nặn đúc các pho tượng cốt xương tài tình của ông cha ta như thế nào.
Tuy nhiên, Việt Nam lại nằm trong vùng khí hậu nóng ẩm. Yếu tố đó có thể gây mục nát và rêu mốc các pho tượng cốt xơng nếu không có phương pháp bảo quản hữu hiệu. Về cách bảo quản, tôi có ý kiến như sau:
Hiện nay, tại thị trờng Việt Nam có bán các loại máy hút ẩm và điều hòa nhiệt độ. Loại hiện đại của Nhật Bản giá cũng chỉ trên dưới 10 triệu đồng. Có hai cách để bảo quản các pho tợng này ở một chế độ nhiệt độ và độ ẩm thích hợp:
Cách thứ nhất là vẫn chụp một hộp kính kín lên pho tượng có trang bị kèm một máy hút ẩm và một máy điều hòa nhiệt độ. Với cách này, chúng ta chỉ cần chi khoảng 100 triệu mà có thể bảo quản an toàn các pho tợng một cách lâu dài. Tuy nhiên theo tác giả bài báo cách này có thể làm mất vẻ đẹp của pho tượng.
Cách thứ hai tốn kém hơn là trang bị cho cả gian chùa nơi đặt pho tượng cốt xương những máy móc ổn định nhiệt độ và độ ẩm phù hợp. Cách này cần ít nhất hai máy mỗi loại. Số tiền có thể tăng lên 200 triệu đồng, nhưng ngược lại có thể bảo quản thêm được các pho tợng khác cũng trong gian chùa. Cách này cũng đòi hỏi dán kín các kẽ hở của gian chùa chống thất thoát điện năng cũng nh luôn luôn yêu cầu khách thăm phải khép cửa mỗi khi vào.
Tôi cho rằng dù bỏ ra vài trăm triệu đồng, nhưng bảo quản đợc bốn pho tượng cốt xương quý báu này một cáhc hữu hiệu và lâu dài cho các thế hệ mai sau là việc nên làm và hoàn toàn làm được trong điều kiện kinh tế hiện nay. Nói rộng ra, các ngôi chùa còn quý hiếm có thể trang bị các loại máy này. Tôi thấy trong Trung tâm Khoa học và Công nghệ Quốc gia, chúng ta trang bị được cho mỗi phòng thí nghiệm một máy điều hòa và một máy hút ẩm để bảo quản máy móc thí nghiệm còn được huống chi bốn pho tượng là di sản văn hóa quốc gia. Máy móc thí nghiệm hỏng có thể trang bị máy mới tốt hơn, nhưng di sản văn hóa mà hỏng nát coi như mất không bao giờ tìm lại đợc.
Về phần phục chế: Nếu chúng ta ghi lại được nguyên trạng các pho tượng trước khi phục chế và quá trình phục chế cũng như sau khi phục chế dưới dạng ảnh, băng video hay CD thì rất tốt cho công tác nghiên cứu sau này.
Tiến sĩ Quyền Đình Thi
Đại học Kobe, Nhật Bản
Hai xác ướp cổ ở chùa Đậu đang kêu cứu:
xác ướp hay những khả năng kỳ diệu của con người? Theo những thông tin mà sách sử còn ghi lại, chùa Đậu được xây dựng từ đời Lý, mãi tới đời Lê mới có văn bia sổ sách ghi lại việc tu sửa chùa. Theo đó, chùa Đậu được thiết kế theo kiểu "nội công ngoại quốc", "tiền phật hậu thánh" là cấu trúc theo hệ thống từ pháp nhà phật. Tại chùa hiện còn lưu giữ một cuốn sách bằng đồng, chữ Hán nói về lịch sử của chùa.
Cách đây khoảng 300 năm, vào giữa thế kỷ 17, chùa Đậu có 2 thiền sư Vũ Khắc Minh (pháp danh Tự Đạo Chân) và Vũ Khắc Trường (pháp danh Tự Đạo Tâm) nối tiếp nhau trụ trì. Thiền sư Vũ Khắc Minh và Vũ Khắc Trường là hai thầy trò đồng thời cũng là hai chú cháu. Cả hai trước khi viên tịch đều nhập thất 3 tháng 10 ngày, sau đó tự hoá để lại phần xác còn vẹn nguyên. Theo dân gian kể lại: "Thiền sư di chúc, ta vào trong am tụng kinh niệm phật, hết 100 gày sau đó xác thân sẽ còn nguyên vẹn. 100 ngày sau, các phật tử bên ngoài không nghe tiếng tụng kinh gõ mõ, thấy có mùi thơm toả ra, cửa mở ra thấy thiền sư đã viên tịch, để lại xá lợi nguyên vẹn ở tư thế ngồi nhập thiền".
Tài liệu còn ghi, năm 1974, giặc Pháp đã đốt mất điện chính của chùa Đậu, vì thế, chùa được xây dựng lại trên một nền đất cạnh đó và các tượng thờ đã được di chuyển khá nhiều. Ngoài ra, trong một trận lụt cách đây khoảng 100 năm, các pho tượng của chùa đều bị trôi khỏi chùa. Vì thế pho tượng táng nhà sư Vũ Khắc Trường đã bị hư hỏng nhiều, đã được nhân dân bao lại bằng vôi, cát, mật.
Đánh giá đây là những pho tượng đặc biệt, cuối tháng 5-1983, giáo sư tiến sỹ nhân chủng học Nguyễn Lân Cường cùng các đồng nghiệp đã đưa hai pho tượng về chụp X-quang tại Bệnh viên Bạch Mai-Hà Nội. Kết quả chụp X-quang, hiện còn lưu lại toàn bộ phim tại chùa Đậu, theo giáo sư, tiến sĩ nhân chủng học Nguyễn Lân Cường là: "Tượng thiền sư Vũ Khắc Minh nặng 7 kg, chiều cao theo tư thế ngồi 57 cm, qua vết nứt rộng 2mm ở đầu, mặt thấy trong cùng là xương sọ, tiếp đến là khoảng không rồi tới lớp đất bồi dày từ 2-4mm. Lớp bồi là đất gò mới tơi, mịn, trộn sơn sống, mùn cưa, giấy bản, phủ ngoài chất bồi là lớp sơn ta dày 0,1 mm màu cánh gián. Hiện nay đôi chỗ lộ ra những lá bạc mỏng phủ ngoài lớp sơn ta, ngoài cùng là một lượt quang dầu. Nhận thấy điểm đặc biệt nhất của pho tượng này là hộp sọ còn nguyên vẹn, chứng tỏ não không bị lấy ra trước khi bồi, tám xương cổ tay và bảy
xương cổ chân khớp với nhau rất đúng vị trí giải phẫu, các xương chi không có cốt bên trong, không có hiện tượng xương gắn với nhau bằng chất keo,
chứng tỏ chất bồi chỉ được phủ sau khi chết, không có hiện tượng xếp lại xương". Về pho tượng thiền sư Vũ Khắc Trường, do đã bị bao bằng chất hỗn hợp
cát, vôi, mật nên pho tượng nặng và có độ cản quang lớn, không chụp được X-quang. Giáo sư, tiến sĩ nhân chủng học Nguyễn Lân Cường nhận xét: "Đây là pho tượng táng bằng phương thức đặc biệt chưa từng gặp trên thế giới". Phải chăng cách đây 300 năm, người Việt đã biết đến kỹ thuật ướp xác đặc biệt hay đây là khả năng kỳ diệu của hai vị thiền sư trên con đường đạt đạo?
Xác ướp... kêu cứu!
Cả hai xác ướp tượng táng này hiện nay đang ở tình trạng hư hỏng rất nặng. Theo quan sát trực tiếp của chúng tôi, tượng thiền sư Vũ Khắc Minh có một vết nứt dài 25cm từ đầu xuống mặt, rộng chừng 1,2cm và có chiều hướng nứt sâu. Tượng thiền sư Vũ Khắc Trường có một lỗ thủng ở ngực, đầu gối và tay bị trật xương, lớp bao bọc bên ngoài đã bị vỡ lộ ra phần bên trong, phần dưới bị mục nhiều nên phần trên rất dễ bị sụt xuống bất kể lúc nào.
Theo các nhà nghiên cứu, ở Việt Nam có 4 pho tượng có cốt xương là pho tượng Từ Đạo Hạnh ở Chùa Thầy, pho tượng tổ sư Chuyết Thuyết ở chùa Phật Tích và 2 pho tượng nói trên. Đây là những pho tượng quý, hiếm của văn hoá nước nhà, rất cần được bảo vệ và gìn giữ. Cách đây 2 năm vào khoảng tháng 5 (âm lịch) năm 1998, bọn trộm đã mò vào chùa Đậu định ăn cắp tượng song bị chú tiểu Minh Anh phát hiện. Pho tượng thì vẫn còn, không mất song chú tiểu đã bị bọn kẻ gian đâm chết. Rõ ràng, sự tham lam mất tính người cùng với việc không bảo vệ các tài sản quý của dân tộc đã gây nên những tổn thương.
Nay thì những pho tượng táng-xác ướp đang kêu cứu. May sao là may, (?!) Cục bảo tồn bảo tàng (Bộ VHTT) vừa có công văn cho phép SVHTT Hà Tây xây dựng dự án tu sửa hai pho tượng quý hiếm vô giá này. Cách đây 6,7 năm, pho tượng tổ sư Chuyết Thuyết có cốt xương ở chùa Phật Tích đã được phục chế đúng với diện mạo thật. Và hy vọng hai pho tượng táng-xác ướp vô giá ở chùa Đậu cũng sẽ được gìn giữ như những tài sản cực kỳ quý hiếm của dân tộc Việt.