Top 100 ngôi chùa nổi tiếng sở hữu kỷ lục Việt Nam (P.33): Chùa Thành Đạo (Chùa Đậu) - Hà Nội

Thứ ba - 01/06/2021 13:26 - Đã xem: 156
(Vietkings) - Thành Đạo Tự hay Pháp Vũ Tự (tên chữ của chùa Đậu) được khởi dựng từ thế kỷ thứ 3, xây cất lớn vào đời Lý, trùng tu vào đời Lê (thế kỷ 16 - 17) theo cấu trúc hệ thống tứ pháp nhà Phật. Đặc biệt, chùa còn lưu giữ hai pho tượng nhục thân của hai vị Thiền sư Đạo Chân (thế danh Vũ Khắc Minh và Đạo Tâm (thế danh Vũ Khắc Trường, thay nhau trụ trì chùa vào đầu và giữa thế kỷ thứ 17).
Bí ẩn về nhục thân 2 vị thiền sư tại Chùa Đậu
Bí ẩn về nhục thân 2 vị thiền sư tại Chùa Đậu

Chùa Đậu (hay chùa Vua, chùa Bà) tên chữ Thành Đạo tự, thờ Bà Đậu tức nữ thần Pháp Vũ nên còn có tên Pháp Vũ tự. Chùa nằm ở làng Đậu tức thôn Gia Phúc, nay thuộc xã Nguyễn Trãi, huyện Thường Tín, Hà Nội.

 

 

 

Theo "Sách đồng", chùa Đậu được xây dựng vào thế kỷ thứ 3 sau công nguyên, cách đây gần 2000 năm. Chùa đã được nhiều đời vua chúa sau đó sửa chữa, tôn tạo. Tấm bia dựng năm 1639 (niên hiệu Dương Hoà thứ 5, đời vua Lê Thần Tông) cho biết ngôi chùa này được tôn tạo dưới triều nhà Lý.

 

 

 

Ngoài ra trong chùa còn nhiều viên gạch to thời nhà Mạc và một số bia có niên hiệu Sùng Khang (1566 - 1577). Cũng theo văn bia, chùa được trùng tu lớn vào năm 1635 (Dương Hoà thứ 1). Sử sách ghi lại ngày xưa chùa Đậu được phong tặng là "Đệ nhất đại danh lam" và chỉ dành cho các bậc vua chúa đến đây lễ bái, cầu an, dân không được vào, vì vậy còn có tên chùa Vua.

 

 

 

Chùa Đậu hiện nay vẫn giữ được 6 bia đá khắc từ thế kỷ 16-18. Tấm bia “Pháp Vũ tự tạo lệ bi” cho biết nhà sư trụ trì Đạo Tâm từng giữ chức Tăng lục ty Tăng thống, một vị trí cao trong giới Phật giáo lúc bấy giờ. Trong chùa còn treo hai tấm biển gỗ sơn son thếp vàng, khắc bài thơ chữ Nôm của chúa Trịnh Căn (1682-1709) và chúa Trịnh Cương (1709-1729). Lại có đôi rồng đá và chiếc khánh đồng đúc năm 1774 với bài minh soạn bởi danh sĩ đời vua Lê Hiển Tông là Phan Trọng Phiên.

Tượng nhục thân
 
Thiền sư Đạo Chân viên tịch khoảng năm 1639, thiền sư Đạo Tâm viên tịch 10 năm sau đó. Hai di hài của hai vị thiền sư bó sơn ta và được xem là những "quốc bảo". Tượng nhục thân nhà sư Vũ Khắc Minh nặng 7 kg, chiều cao ngồi 57 cm. Theo truyền tụng dân gian, cách đây 300 năm, thiền sư đã ngồi thiền với chum nước trong am để uống. Người dặn lại với các Phật tử, sau 100 ngày nếu không thấy tiếng mõ nữa thì hãy mở cửa am ra. Nếu thấy thiền sư ngồi im thì cứ để như thế và lấy sơn ta bả lên người và nếu thấy có mùi hôi thối thì dùng nước am xấp lên. 

Thi hài của hai thiền sư là một hiện vật lịch sử quý hiếm, ở nhiều bảo tàng trên thế giới không thấy có loại hình tượng trên. Vì vậy, tạm đặt tên là phương pháp Thiền táng hay Tượng táng tức là làm thành tượng để táng.


 

 


Tượng thiền sư Đạo Chân Vũ Khắc Minh. Ảnh tư liệu
 
 
Tượng Đạo Chân Vũ Khắc Minh cổ hơn nhưng bảo quản rất tốt. Nhục thân đã được bó, hom, lót, thí, mài theo các kỹ thuật truyền thống rồi thếp với các nguyên liệu như sơn ta, vải màn, giấy dó, mạt cưa và đất. Tổng số lớp sơn và thếp vàng là 14 lớp. Trước khi tu bổ, tượng nặng 7kg, nay nặng 7,5kg.
 
 

 


Tượng thiền sư Đạo Tâm trong hộp kính sau khi phục chế
 
 
Pho tượng Đạo Tâm Vũ Khắc Trường từng bị hỏng nặng vào khoảng năm 1983 do ngập nước trong trận lụt lớn. Tượng hồi đó được gia cố bằng đồng. Khung xương nay đã được các nhà khoa học sắp xếp đúng vị trí hơn và phủ bằng nhựa PVC rồi toàn tượng bao kín bằng sơn ta, giấy bản, vải màn, mạt cưa, đất và thếp bạc, chỗ dày nhất tới 22 lớp. Tượng sau khi phục chế nặng 31kg.
 
Chùa Thành Đạo thuộc xã Nguyễn Trãi, huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam chứng nhận các kỷ lục:
- Quyển sách ghi lịch sử chùa bằng đồng xưa nhất Việt Nam;
- Ngôi chùa có tượng nhục thân đầu tiên của Việt Nam.

VIETKINGS - kyluc.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây