Tìm kinh sách
 
        Kinh Sách FULL

Báo Cáo Tâm Đắc Học Tập Nữ Đức

Báo Cáo Tâm Đắc Học Tập Nữ Đức

Chương 1: Báo cáo tâm đắc về việc học tập Nữ Đức (Tập 1) - Phần - 1

Các vị thầy cô tôn kính, xin chào mọi người!

Hôm nay tôi xin phép báo cáo với quý vị về những trải nghiệm tâm đắc khi tôi học tập “Nữ Đức”. Tính đến năm nay tôi đã làm phụ nữ ba mươi tám năm rồi, nhưng trên thực tế thì tôi chưa bao giờ tiếp xúc với “Nữ Đức”, cũng chưa từng học tập một cách có hệ thống. Vào tháng tư khi đến Hồng Kông, tôi nhận được sự quan tâm của Tiến Sĩ Chung, Ngài hy vọng tôi có thể phát tâm vì đại chúng giảng giải về “Nữ Đức”, nên tôi mới trở về nhà bắt đầu học tập vì vậy cảm thấy rất xấu hổ. Ngày hôm nay tại đây, tôi xin đem những trải nghiệm tâm đắc mà bản thân tự tu học “Nữ Đức” ở nhà trong hai tháng qua chia sẻ với quý vị.

Bởi vì bản thân tôi ban đầu khi mới bước chân vào xã hội, chịu sự ảnh hưởng của xã hội, nên tôi có một khái niệm rất kiên cố, đó chính là làm phụ nữ thì phải độc lập, phải có công ăn việc làm, phải tự kiếm tiền để nuôi sống bản thân, phải làm chủ về mặt kinh tế. Cho nên khi vừa tốt nghiệp đại học, vốn dĩ tôi được nhà trường cử đi học nghiên cứu sinh miễn phí, nhưng lúc đó tôi liền nói với chủ nhiệm lớp: “cho dù như thế nào thì em cũng không thể học tiếp được, em nhất định phải nhanh chóng ra ngoài kiếm tiền, nên thầy hãy nhường vị trí này cho người khác”. Lúc đó mới hai mươi mốt tuổi tôi đã tốt nghiệp đại học, sau khi tốt nghiệp thì vào xã hội làm việc. Lúc mới bắt đầu thì tôi làm nhân viên nhà nước. Làm hết một năm, cảm thấy tiền kiếm được quá ít nên tôi đã từ chức, chuyển sang làm việc tại một công ty chứng khoán. Lúc đó, tôi làm nhân viên giao dịch trong công ty chứng khoán nên kiếm được nhiều tiền. Quan niệm này liên tục ảnh hưởng đến tôi, cho đến trước khi tôi học tập “Nữ Đức”.

Năm ngoái, tôi còn nhớ trong buổi họp cho nhân viên, tôi còn nói với các nhân viên nữ là: “Các cô cần phải tự lập để làm một phụ nữ mạnh mẽ, phải có công ăn việc làm. Trong những lúc quan trọng trong túi phải có tiền, phải có thể làm chủ”. Những nhân viên nữ của chúng tôi đều cho rằng nên như vậy.

Thế nhưng, tôi nhớ khoảng mười năm trước lần đầu tiên tôi đến Hồng Kông, tôi gặp được một hướng dẫn viên, khi đó là đi theo đoàn du lịch. Hướng dẫn viên đó nói một câu, để lại cho tôi ấn tượng khá sâu sắc. Người đó nói: “Trên thế gian, phàm là dùng tiền để giải quyết công việc, thì việc đó không gọi là việc”. Tôi thường xuyên suy ngẫm về câu nói này. Tôi còn nhớ trước khi chưa học “Đệ Tử Quy”, tôi còn nói với con tôi: “Con à! Con xem thế giới này có thứ gì mà tiền không thể mua được nào?”. Lúc đó con tôi liền mở miệng trả lời là: “Cha mẹ không thể mua được bằng tiền, hạnh phúc cũng không thể mua được bằng tiền”. Nhưng làm sao có thể sống hạnh phúc, làm thế nào để tạo dựng một cuộc sống mỹ mãn thì không biết làm từ đâu? Cho đến năm ngoái, gặp được “Đệ Tử Quy”, cùng với văn hóa truyền thống , tôi đã bắt đầu từ từ quay đầu.

Hai tháng nay ở nhà học “Nữ Đức” tôi đã dùng cuốn sách của Ban Chiêu thời Đông Hán, gọi là “Nữ Giới” để bắt đầu học tập. Việc đầu tiên mà tôi học được đã để lại cho tôi ấn tượng khá sâu sắc. Tháng tư, từ Hồng Kông quay về tôi đã nói với chồng tôi rằng: “em chuẩn bị học “Nữ Đức”, giảng “Nữ Đức”, bây giờ phải giúp chồng dạy con, quay về với gia đình”. Ông xã tôi rất phấn khích, rất vui vẻ. Bởi vì anh cũng làm kinh doanh, sự nghiệp rất lớn, cũng rất bận. Như có những lúc tôi cùng với những đối tác làm ăn lớn ở bên ngoài đi ăn cơm thì anh rất không vui. Hai đứa con ở nhà còn rất nhỏ, một đứa tám tuổi, một đứa ba tuổi. Người lớn trong nhà tuổi tác cũng đã cao, cha mẹ chồng tôi không an tâm. Lúc đó tôi rất cố chấp, tôi nói tôi nhất định phải kiếm tiền. Chồng tôi nói tôi cũng không nghe. Nên lần này quay về, việc đầu tiên tôi nói với anh là việc này. Anh rất vui và nói: “Anh rất ủng hộ em”. Tôi nói: “Vậy còn việc làm ăn của em thì phải làm sao?”. Bởi vì tôi còn một công ty. Anh nói: “Anh là Chủ tịch công ty mà, em có thể buông nó xuống, cứ giao cho anh”. Tôi nói: “Tốt!” . Tôi lúc đó còn một chút may mắn. Bởi vì trước giờ trong nhà tôi luôn có hai người bảo mẫu, vào tháng ba trước khi tôi đến Hồng Kông, cô bảo mẫu do có việc nhà nên đã xin nghỉ. Tôi vốn cũng định sau khi từ Hồng Kông quay về trước tiên là tìm thêm một bảo mẫu. Khi tôi về đến nơi, tôi suy nghĩ, “không cần tìm thêm bảo mẫu nữa, vẫn còn một người, vẫn được”. Rốt cuộc khi tôi quay về nhà, chưa đến ba ngày thì cô bảo mẫu kia (chính là người giúp tôi trông nom trẻ), cô ấy nói nhà có chuyện và cũng nghỉ việc. Khi đó tôi mới nghĩ, một người khi đã nói sẽ phát tâm làm việc gì đó, lập chí làm việc gì đó, thì sẽ có khá nhiều thử thách. Lời tôi nói là sự thật. Tôi xin thưa với quý vị, tôi đã do dự hơn mười ngày là có nên tìm bảo mẫu hay không? Tôi kiên trì hết hơn mười ngày, cuối cùng tôi đã buông xuống. Tôi quyết định thôi không nghĩ ngợi thêm nữa, tự mình ở nhà chăm nom vậy. Dù gì đứa lớn đã đi học, đứa nhỏ học mầm non, trong nhà thì buổi sáng tôi dọn dẹp làm việc nhà, sau đó làm ba bữa cơm. Vạn sự khởi đầu nan.

Tôi kết hôn được mười sáu năm, cũng luôn có bảo mẫu. Cho nên khi bắt đầu làm việc nhà, tôi cảm giác tôi làm chưa được mấy ngày thì da tay đã bắt đầu nổi sần, rất thô ráp. Lúc đó tôi có chút suy nghĩ không duy trì được nữa. Tôi nghĩ, nhà mình cũng không phải không có điều kiện, người xung quanh họ cũng khuyên tôi nên tìm một người giúp việc bán thời gian. Tôi bắt đầu dao động. Tôi đặc biệt cảm ân vì xung quanh tôi luôn có những người bạn tốt. Vị thầy mà chúng tôi học văn hóa truyền thống đã kể cho tôi một câu chuyện. Thầy nói, thầy quen một diễn viên ca múa, vì muốn bảo vệ đôi tay của mình mà người đó chưa từng làm qua việc nhà. Kết quả là sức khỏe của cô không được tốt. Sau đó cô học Phật biết được phải tiếc phước, phải biết cảm ân, nên cô ấy mới bắt đầu làm việc nhà. Khi mới bắt đầu làm thì tay của cô  cũng giống như tôi vậy, nổi rất nhiều nếp nhăn, nếp sần. Lúc đó cũng có một thầy nói với cô ấy: “Cô làm một thời gian đi sẽ khỏi thôi. Hãy kiên trì, đây là Phật Bồ Tát đang thử thách cô”. Quả nhiên cô làm một thời gian sau đó thì tay đã hồi phục lại, vả lại còn đẹp hơn so với đôi bàn tay mà trước đây cô đã tỉ mỉ chăm sóc nữa. Cho nên vị thầy này khuyên tôi, nói với tôi là phải kiên trì, vượt qua giai đoạn này sẽ tốt thôi. Thật vậy, hôm qua tôi nằm trên giường suy ngẫm, hiện giờ tay tôi rất mượt mà, việc nhà vẫn liên tục làm.

Tôi làm việc nhà có một cảm xúc rất lớn. Lúc trước tôi không cảm thấy biết ơn đối với những cô bảo mẫu kia, cảm thấy cô ấy làm việc, tôi trả công, là việc rất bình thường. Nhưng từ lúc tôi bắt đầu dọn dẹp công việc nhà, tôi đặc biệt cảm ơn bảo mẫu nhà tôi. Nhà tôi rất lớn, để dọn dẹp hết thật sự không dễ dàng. Ấy thế mà việc tôi không thuê bảo mẫu lại có lợi cho con của tôi. Hiệu trưởng trường mầm non nơi đứa con út của tôi học nói với tôi: “Tịnh Du à! Tôi kể cho cô nghe một câu chuyện. Nếu như cô có một loại vải đặc biệt tốt, muốn may thành một bộ đồ, nhưng nếu như cô đem loại vải này giao cho một người không biết gì về may vá, cô thử nghĩ xem, người này sau khi may xong bộ đồ cho cô, cô có thích không?”. Lúc đó tôi chưa hiểu lắm, tôi hỏi hiệu trưởng: “Ý của cô là sao?”. Cô ấy nói: “Đứa con này của cô rất thông minh, rất giỏi, tại sao cô lại để cho bảo mẫu chăm?”. Bởi vì bảo mẫu đều xuất thân từ nông thôn, văn hóa của họ không cao. Hiệu trưởng nói: “Cô có biết đứa con út này của cô học hỏi rất nhanh, học những lời nói xấu cũng rất nhanh, mà học nói những điều tốt cũng học rất nhanh”. Sau một thời gian bảo mẫu không còn làm nữa, tôi thật sự có một trải nghiệm. Con trẻ rất dễ dàng nhiễm phải thói hư tật xấu, nhưng khi bạn muốn nó sửa đổi, hình thành một thói quen tốt, thì điều này rất khó. Đứa thứ hai của tôi hay nói lời thô tục, ban đầu tôi nghe thấy rất nóng giận, tôi không nhịn được nên đã mắng bảo mẫu. Sau đó ba tôi mới nói với tôi: “Con đừng có trách người khác nữa, quan trọng là con đó. Nếu như con sớm quay về nhà chăm con như bây giờ, thì làm gì xảy ra chuyện này?”. Sau đó tôi không còn oán hận nữa.

Khi tôi thật sự đem tâm mình buông xuống làm công việc nhà, thì đúng lúc đó cha mẹ tôi vừa đi du lịch ở Hoa Kỳ trở về. Nhìn thấy tôi cực khổ như vậy, họ đã từ nơi khác chuyển đến Đại Liên, toàn tâm toàn ý giúp tôi trông nom việc nhà. Ba tôi lúc ấy nói với tôi một câu làm tôi rất cảm động. Ông nói: “Con học “Nữ Đức” không phải học cho riêng mình, mà còn học vì mọi người. Ba với mẹ con sức khỏe vẫn còn tốt, còn trẻ, chỉ sáu mươi mấy tuổi thôi, không sao, ba mẹ tình nguyện sang đây giúp con thành tựu”. Lúc ấy tôi rất cảm động, tôi nói: “Dạ được!”. Nhưng ở đây có một vấn đề rất quan trọng. Bởi vì từ nhỏ tôi đã không sống cùng cha mẹ, tôi từ nhỏ sống cùng ông bà nội. Tôi luôn có một khoảng cách với cha mẹ mình. Tôi nghĩ cha mẹ cũng chưa từng nuôi tôi, học lực của mẹ lại không cao. Tôi tự nhận thấy mình kiến thức nhiều, học lực cao, lại kiếm được nhiều tiền, nên trong tâm luôn không xem trọng cha mẹ của mình. Nhưng khi cha mẹ tôi thật sự chuyển qua đây sống cùng với tôi, tôi mới phát hiện ra, để hiếu kính và hiếu thuận cha mẹ thật là khó khăn.

Tôi còn nhớ, có một lần đang trên lầu học giáo trình về “Nữ Đức”. Nhà tôi là một biệt thự, tôi ở trên tầng bốn. Mẹ tôi thì đang bế đứa nhỏ, chuẩn bị đi xuống dưới lầu ăn cơm. Đứa con lớn của tôi đứng đằng sau, có thể là chọc ghẹo đứa em của nó. Mẹ tôi lúc đó lo lắng sợ mình đi cầu thang bị vấp, nên đã lớn tiếng nói: “Con đừng phá nữa, con muốn bà ngoại té à!”. Tôi đang trên tầng bốn, nghe được câu nói này tôi đặc biệt lớn tiếng hét tên đứa con lớn của tôi. Tôi nói: “Con lên đây cho mẹ, mau lên tầng bốn ngay!”. Tôi nói: “Phạt con đứng đó!”, rất là nghiêm khắc. Kỳ thực, có một phần là tôi muốn nổi nóng với mẹ tôi, bởi vì lúc đó tôi cảm thấy mẹ làm gì phải lớn tiếng như thế, tôi đang học rất nghiêm túc. Sau đó ba tôi mới đi lên theo, rồi nói: “Con nó cũng đâu có làm gì có lỗi đâu, con phạt nó làm gì?”. Con tôi cũng học “Đệ Tử Quy”, nên khi tôi gọi nó một tiếng là nó giật mình, từ lầu một chạy lên nói: Mẹ ơi! Con lên ngay. Mẹ ơi! Con lên đây!”. Nó từng bước nhanh chóng chạy lên lầu bốn, và nói: “Mẹ ơi! Có chuyện gì vậy? Con xin lỗi!”. Tôi nói: “Mẹ còn phải học. Con ra đằng sau đứng mà suy nghĩ lại xem”. Ba tôi lên đến nơi và nói: “Nóng giận của con từ đâu ra vậy?”. Tôi cũng không khách khí nói với ba: “Không cần ba phải lo”. Ba tôi mới nói: “Trong “Đệ Tử Quy” có nói: “Thấy chưa thật, chớ nói bừa”. Con xem, con đã nhìn thấy chuyện gì mà lại lớn tiếng hét con trẻ”. Tôi mới nói: “Ai biểu mẹ con nói lớn tiếng vậy?”. Kết quả bởi vì tính khí của mẹ tôi rất mềm yếu, nên khi nghe tôi nói vậy mẹ liền đi vào trong phòng nằm khóc thầm. Ba tôi cũng khuyên tôi: “Con đến chỗ mẹ nói một tiếng đi”. Tôi vẫn chưa kiềm chế được mình, tôi không lên tiếng. Sau đó tôi đứng dưới tầng một suy ngẫm một lúc, tôi đột nhiên nghĩ: “Rốt cuộc mình đang học cái gì đây? Tôi học một đống lý luận, nói ra câu nào cũng là đạo lý thì có ích gì, bản thân lại không làm được. Kể cả cha mẹ mình cũng không thể kính và thuận, đối với chồng thì khỏi cần phải nói rồi”. Tôi bưng đến một chậu nước, bởi vì lúc đó là buổi tối, nên tôi đã vào phòng mẹ, muốn tìm cách để xuống nước với mẹ. Tôi nói: “Mẹ ơi! Mẹ đừng khóc nữa, con giúp mẹ rửa chân nhé!”. Mẹ nói: “Mẹ đã rửa rồi”. Tôi bưng chậu nước, đứng đó rất lâu. Mẹ tôi vẫn không lên tiếng. Lúc đó, đứa con lớn cũng ở đó. Sau đó mẹ tôi nói: “Tịnh Du à! Không phải bởi vì con lớn tiếng mà mẹ tổn thương khóc đâu, mà vì trước đó con cũng có một số lời nói, đến hôm nay mẹ nhịn không được nữa nên mới khóc”. Tôi nói: “Lúc trước con nói gì ạ?”. Mẹ nói: “Con lúc trước nói, lần này mẹ đến Đại Liên con cũng nói, con nói là mẹ lúc nào muốn đi thì cứ đi, trên thế gian này con không có nợ nần ai cả, cũng chẳng nợ cha mẹ”. Bởi vì cha mẹ không có nuôi tôi. Mẹ tôi lúc đó rất đau lòng. Đích thực lúc ấy tôi đặt chậu nước xuống, tôi lập tức quỳ xuống. Từ trước đến giờ tôi chưa bao giờ quỳ xuống. Tôi nói với mẹ: “Mẹ à! Con thật sự đã sai rồi! Vì con quá ngạo mạn, tự cao. Mẹ không nợ con bất cứ thứ gì, chỉ có con nợ mẹ một mạng sống”. Bởi vì mạng sống này của tôi là do cha mẹ ban cho, nếu như đối với cha mẹ mà mình không thể có tâm cảm ân, thì làm sao đối với cha mẹ chồng, đối với chồng, với những người xung quanh, thậm chí là đối với thầy giáo, làm sao có tâm cảm ân được? Tôi liên tục khấu đầu trước mẹ và nói là: “Thật sự con đã sai rồi!”. Tôi nói: “Con luôn luôn đối xử với mẹ như vậy, con thật sự xin lỗi mẹ!”. Tôi nói tôi đã đọc rất nhiều lần Kinh “Phật Nói Ơn Nặng Của Cha Mẹ Rất Khó Báo Đáp”, thế mà sao trong tâm mình lại không hiểu được đạo lý này vậy. Việc này tôi đã báo cáo hết hai lần, mỗi lần nhắc đến tôi đều cảm thấy xấu hổ với mẹ. Bởi vì lần này mẹ tôi đến nhà tôi bà còn nói: “Mẹ sẽ giúp con trông nom tốt mấy đứa nhỏ. Con cứ yên tâm mà đi học, học thật tốt nha con! Con đừng vì bản thân mà hãy vì mọi người”. Tôi thật sự cảm thấy mình đã xử sự rất tệ, cũng không phải là một cô giáo. Tôi một mực sám hối. Tôi khóc rất lâu.

Ngày thứ hai, tôi phát hiện đôi mắt của tôi đều rướm máu. Tôi nói với mẹ: “Mẹ à! Nếu con còn nói những lời này, con sẽ không là con người”. Mẹ tôi mới nói: “Cũng tại mẹ không tốt. Thật sự con đã rất tốt rồi, con đã không dễ dàng chút nào. Trong số những đứa trẻ hiện nay con đã rất tốt rồi”.  Tôi mới suy ngẫm, tại sao tâm của cha mẹ luôn luôn rộng lượng như vậy? Mẹ mới nói: “Năm đó tại sao con phải rời xa cha mẹ?”. Bởi vì cha mẹ tôi hồi còn trẻ làm về công trình thủy điện. Mẹ tôi kể về sự gian khổ khi phải ở trong một căn nhà, vào mùa đông buổi sáng khi thức dậy, nước rửa mặt trong chậu đã đóng thành băng. Cha mẹ thật không nhẫn tâm để cho con phải chịu khổ, nên đã để cho ông bà nội đem con đến Đông Bắc. Thật sự cha mẹ rất nhớ con, nhưng không còn cách nào khác, bởi vì hoàn cảnh công việc lúc đó. Cha mẹ tôi sinh tôi ra ở Tứ Xuyên. Tôi sinh ra ở Thị trấn Ánh Tú, kế bên nơi đã xảy ra trận động đất lớn ở Văn Xuyên. Năm 2006, tôi đã từng quay về nơi đó. Thật sự, lúc tôi quay về thì điều kiện ở đó cũng không được tốt.

Sau khi cha mẹ đến nhà tôi, cha mẹ đã dạy tôi nhiều bài học. Có một lần mới sáng sớm, tôi đã nói với chồng của mình về văn hóa truyền thống. Tôi nói anh làm việc này không được, việc kia làm không được tốt. Ông xã của tôi rất khiêm tốn, anh nói: “Đúng rồi! Anh nên học tập ở em nhiều hơn”. Nói xong rồi thì tôi đi xuống nói với mẹ: “Mẹ xem! Con đã dùng văn hóa truyền thống giáo dục anh ấy”. Mẹ tôi thấy tâm tình của tôi khá tốt nên đã nhỏ nhẹ nói với tôi thế này: “Con à! Con đừng có nói chồng con như vậy nữa, con làm việc còn thua xa chồng con. Mười sáu năm qua, mẹ chưa từng thấy qua chồng con nói một câu thô tục nào, một câu khiến người khác phiền não, một câu ly gián khiêu khích cũng không hề có, chỉ một việc luôn luôn bao dung con. Con không học hỏi người ta mà còn ở đây khoa tay múa chân”. Lúc đó tôi không lên tiếng, chỉ ở đó cúi đầu ăn cơm. Tôi ở nhà trong hai tháng này học tập nữ đức, nhưng sự thật là cha mẹ tôi đã giúp tôi thành tựu từng chút một.

Có một ngày kia, tôi cùng với ba tôi cũng xảy ra xung đột. Bởi vì sáng hôm đó ba tôi nói: “Tịnh Du à! Ba thấy con ở bên ngoài sống đối xử hòa đồng với người khác, xử sự cũng không tệ chút nào, nhưng khi trở về nhà thì con vẫn luôn làm không tốt”. Lúc đó tôi rất không vui. Trước giờ con người tôi có một đặc điểm là không thích người khác đánh giá và phê bình tôi. Bạn nói tốt thì được, hoặc là bạn dùng lời lẽ ngọt ngào khuyên tôi, tôi cũng chấp nhận. Nhưng nếu nói trực tiếp thì tôi không chấp nhận, hễ nghe được thì tôi liền không vui. Lúc đó không nói tiếng nào, tôi đi lên lầu. Tôi rất nóng giận và nói với chồng mình một hơi. Anh không dám nói gì. Sau đó anh ấy xuống dưới nhà nói với ba, tính tình của tôi không chịu được người khác phê bình. Sau đó ba mới tìm tôi và nói: “Tịnh Du! Ba không có ý nói gì con hết, ba chỉ muốn tốt cho con. Con không phải muốn học “Nữ Đức” sao? Con cần phải làm được chứ!”.

Bài đầu tiên trong sách “Nữ Giới” gọi là “ti nhược”. Năm ngoái, lúc tôi mới bắt đầu đọc sách “Nữ Giới”, tôi rất phản cảm với từ này. Bởi vì tôi không có xem tường tận nội dung bên trong, tôi mới nghe qua thì có cảm giác thấp hèn kém cỏi, đặc biệt thấp tiếng bé họng. So với quan niệm ban đầu về người phụ nữ có công ăn việc làm, rất có khí phách, có tiếng nói riêng, độc lập tự chủ, hoàn toàn không giống nhau. Nhưng thật sự khi tôi mới bắt đầu học “Nữ Giới”, Ban Chiêu giải thích từ “ti nhược” này như thế nào? Sáu câu: “Khiêm nhường cung kính, tiên nhân hậu kỷ, hữu thiện mạc danh”. Tức là bạn làm việc tốt thì không nên phô trương. “Hữu ác mạc từ”. Bạn đã làm những việc không tốt thì nên phản tỉnh, không thể cứ cho rằng không liên quan đến mình. “Nhẫn nhục hàm cấu, thường nhược úy cụ, thị vi ti nhược dã”. Khi nhìn sáu câu này, một việc tôi cũng không làm được, không làm nổi. “Ti nhược” có nghĩa là khiêm tốn và nhu thuận.

Lần trước tôi đến Hồng Kông là để sám hối với quý vị về tính ngạo mạn, đố kỵ, tham lam của tôi. Khi tôi quay về nói với chồng của mình, anh nói với tôi: “Khi kết hôn thì anh đã biết em có những tật xấu này, đặc biệt là tính ngạo mạn của em. Em cứ cho mình là đúng, nên em không thể nghe lọt tai ý kiến của người khác, người ta vừa nhắc đến thì em liền phiền não”. Tôi mới hỏi chồng mình là: “Tại vì sao lại như vậy?”. Anh ấy nói: “Những thứ em cho rằng mình đã làm đúng, kỳ thật chẳng có cái nào đúng cả, em còn xem những thứ đó là thật”. Tôi nghe được những câu nói này, tôi đã ở nhà suy nghĩ rất lâu. Từ trước đến giờ tôi chưa từng nhờ mẹ chỉ dạy mình bất cứ việc gì. Năm ngoái, mẹ rất khiêm nhường viết cho tôi rất nhiều bức thư.

Trình độ văn hóa của mẹ không cao, cũng chưa bao giờ viết thư cho người khác, vậy mà mẹ rất cung kính[pk1]  viết thư cho tôi. Tôi còn nhớ có một bức mẹ viết thế này: “Tịnh Du! Con là con của mẹ, nhưng mẹ phải nhận con làm thầy, bởi vì con học văn hóa truyền thống rất tốt. Mẹ không hiểu, con hãy chỉ dạy mẹ nhiều hơn”. Bởi vì năm rồi, tôi bắt đầu đưa cho mẹ nghe đĩa “Hạnh Phúc Nhân Sinh” của thầy Thái Lễ Húc. Mẹ tôi rất hoan hỷ, vả lại còn nghe lời hơn cả tôi, ở nhà nghe hết bốn mươi mấy lần. Sau đó tôi nói với mẹ: “Việc lễ bái tổ tiên rất tốt”. Mẹ tôi liền ra ngoài đem những tấm ảnh quá cố của bà ngoại, ông ngoại của tôi phóng lớn, mỗi buổi sáng đều lạy ba trăm lạy. Có một lần mẹ gọi điện cho tôi để sám hối: “Khi bà ngoại của con còn trẻ, mẹ cũng đối xử không tốt với bà. Hiện giờ người đã không còn, mẹ rất hối hận”. Có một lần, vào một buổi chiều, tôi pha trà xong lên lầu giả bộ tỏ vẻ đang học “Nữ Giới”. Học không có ích, quan trọng là làm được. Tôi nói với mẹ là: “Mẹ ơi! Mẹ uống ít trà”. Tôi nói là tôi muốn mẹ chỉ dạy một vấn đề. Bởi vì lần trước sau khi báo cáo xong, tôi nói chuyện với thầy Hồ (thầy Hồ Tiểu Lâm), thầy Hồ đã nói: “Tịnh Du à! Cô đừng tưởng cô có rất nhiều phước báo, nhất định là do tổ tiên của cô tích đức nên cô mới có ngày hôm nay, nên hiện giờ cô mới có thể gặp được bao nhiêu thiện tri thức đến để nhắc nhở cô. Cô không tin cứ về mà hỏi thử xem”. Khi thầy Hồ nói những lời này, tôi đã không để vào trong tâm.

Hôm đó, tôi có hỏi mẹ: “Mẹ à! Những bậc tiền bối của nhà mình lúc trước họ như thế nào vậy?”. Mẹ nói: “Trời ạ, truyền thống đều mất hết, đến đời của mẹ đã mất hết một nửa, đến đời con thì sắp không còn gì rồi”. Tôi hỏi: “Phương diện nào không còn vậy mẹ?”. Mẹ chỉ nói một từ chính là: “Cần kiệm”. Mẹ nói về bà nội của mẹ: “Tịnh Du! Con có biết không, bà sống đến chín mươi hai tuổi, cả đời khi đi ra ngoài đường chỉ có một chiếc áo khoác”. Khi đi ra ngoài, bà khoác vào một cái áo, là một cái áo khoác dài. Mẹ tôi nói bên dưới không phải là quần, ngày xưa mặc giống như một bộ quần áo khoác lên người vậy. Chiếc áo dài rất dài, che cả người. Bà có một đôi giày mang đi ra đường. Bà tự mình thêu một chiếc nón hoa để đội ra ngoài. Bà mặc như thế hết cả một đời người. Khi mẹ nói với tôi, suy nghĩ đầu tiên của tôi là gì? Nhất định là nhà mình hơi nghèo nên mới phải làm như vậy. Mẹ tôi còn muốn tiếp tục nói, thì tôi hỏi: “Mẹ à! Mẹ ngưng một chút cho con hỏi, có phải hồi trước bà rất nghèo không? Làm sao bà có thể chỉ mặc một bộ đồ được, là thật sao?”. Mẹ mới nói: “Thật đấy! Không chỉ vậy, mà nhà bà nội còn rất giàu, không nghèo một chút nào, lúc đông nhất còn thuê cả hàng trăm người làm. Bà còn đích thân dẫn con dâu vào bếp làm cơm cho những người này. Đặc biệt bà rất cung kính, chưa bao giờ đối đãi không tốt với người ở”. Tôi hỏi: “Còn có việc gì nữa ạ?”. Mẹ nói: “Hồi đó sử dụng nước làm gì giống mấy con ngày nay mỗi ngày tắm một lần, lại còn dùng nước vô tội vạ”, giống như thầy Hà nói là lãng phí tài nguyên. Mẹ tôi còn nói, ở những đời xa xưa hơn, truyền thống của họ cho rằng, nếu như bạn lãng phí bao nhiêu nước, thì đến khi bạn chết phải uống hết tất cả nước mà bạn đã lãng phí đó một lượt.

Hôm đó nghe thầy Hà giảng, tôi thật sự rất xúc động. Sau khi tôi nghe hết hai câu nói đó của mẹ, tôi không nói câu nào nữa, đi lên lầu tiếp tục phản tỉnh. Sau mấy ngày, tôi lại trao đổi với mẹ. Mẹ nói: “Đời trước của mẹ, người phụ nữ làm việc rất giỏi. Thêu thùa, làm ăn, việc nhà, làm nước tương cũng biết. Đến đời của mẹ còn lưu lại một chút, đời con thì một chút cũng không còn”. Đích thực, việc nấu cơm tôi ít ra còn tạm được, còn lại những thứ khác như dệt, thêu, đan móc thứ gì cũng không biết. Tôi nói: “Vậy con phải làm thế nào đây mẹ?”. Mẹ nói: “Cách duy nhất, nếu có thời gian con hãy tổng hợp ghi chép lại”. Tôi nói: “Con không có con gái, sau này có con dâu rồi thì có cơ hội truyền lại đời sau”. Cho nên khi học tập “Nữ Giới”, tôi có một thể hội rất lớn, chính là chữ “hiếu”. Thật sự phải nói là truyền từ đời cha đến đời con, đời đời có thể tương truyền, đây gọi là “hiếu”. Bất kể là văn hóa truyền thống ưu tú của gia đình, hay là tác phong, hoặc đối với cha mẹ phải có tâm yêu thương. Tất cả đều truyền thừa cho đời sau thì gọi là đạo hiếu.

Sau đó, tôi chia sẻ với nhân viên của mình. Tôi hỏi: “Quý vị có trao đổi với cha mẹ mình về cuộc sống của tổ tiên mình ngày xưa hay không? Bàn về chuyện của ông cố bà cố, ông sơ bà sơ xem có những gia phong nào tốt không?”. Những người xung quanh tôi đều lắc đầu nói: “Chưa từng hỏi qua”. Tôi mới nói: “Nếu quý vị có cơ hội nên trao đổi với cha mẹ, nhất định sẽ có lợi ích”. Khi tôi đang học chương “Ty Nhược” trong sách “Nữ Giới”, đối với câu: “Nhẫn nhục chịu đựng, giữ tâm kính sợ”. Đối với tám chữ này, tôi có ấn tượng rất sâu sắc. Vì sao vậy? Bởi vì bản thân tôi không thể nhẫn nhịn. Đừng nói là nhịn trong tâm, ngay cả miệng cũng không nhịn nổi, có uất ức thì nhất định sẽ nói ra. Tốt nhất là việc gì cũng thuận theo ý tôi, chỉ cần có một chút nghịch ý thì tôi sẽ phân tích, nói lý lẽ với người ta.

Tôi đặc biệt cảm ơn Hiệp hội giáo dục Phật Đà Hồng Kông. Vì sao vậy? Mỗi lần đến là mỗi lần tôi thật sự được giáo dục, được học tập. Lần trước, tôi đến và đem về một cuốn sổ tay nhỏ, hiện tại bên ngoài cũng có. Đó là “Vãng Sanh Ký của Cư sĩ Hoàng Yên Bình” và “Vãng Sanh Ký của Cư sĩ Hoàng Trung Xương”. Tại sao cuốn sổ tay này ảnh hưởng rất lớn đến tôi? Bởi vì tôi nhìn thấy Cư sĩ Hoàng, ông ấy có thể thành tựu là bởi vì ông ấy phát tâm không nói chuyện hơn hai năm. Ông liệt kê ra mười một điều lợi ích khi không nói chuyện. Tôi thì nói chuyện rất nhiều, không sai chút nào. Ví dụ như khi thấy chuyện này không hợp với ý mình, tôi nhất định sẽ phải nói ra để xem bạn xử lý như thế nào. Thấy chuyện kia không đúng, tôi nhất định phải nói. Ở nhà tôi cũng như vậy. Nếu như ba tôi không tắt đèn ở trên lầu và dưới lầu, thì tôi liền nói: “Ba không biết tiếc phước, không tắt đèn”. Sau đó, mỗi ngày tôi đều đọc một lần về những điều tốt khi không nói chuyện. Ba tôi đi đằng trước, thì tôi đi đằng sau tắt đèn.

Hôm đó mẹ tôi có nói là: Lúc trước con làm việc gì, có bao giờ con hỏi qua ý kiến của cha mẹ đâu. Từ những việc nhỏ như mua quần áo cho con cái, cho đến việc lớn như kết hôn, muốn làm gì con đều tự ý làm hết. Còn hiện tại, đúng là con có chút thay đổi”. Mỗi buổi sáng sớm tôi đều đến hỏi ý của mẹ, tôi không cảm nhận ra điều này mà mẹ tôi nói: “Đến việc hai đứa con của con mặc đồ gì là thích hợp, con cũng hỏi mẹ ”. Mẹ tôi rất vui: “Mặc bộ này đi, hay là mặc bộ kia đi”.

Có một thời gian, khi đang tu học tại nhà, bản thân tôi quyết tâm không nói chuyện, còn viết một đoạn văn phát nguyện nói với công nhân: “Các vị có việc gì thì gửi thư điện tử, nhắn tin cho tôi. Tôi có một trợ lý, tất cả những cuộc gọi cho tôi, tôi đều chuyển đến cho trợ lý hết, việc gì cũng đừng đến tìm tôi”. Kết quả có một hôm, chồng của tôi nổi nóng và nói: “Em làm bộ làm tịch gì vậy? Em có đức hạnh cao thế nào mà điện thoại này không tiếp, điện thoại kia không tiếp vậy”. Tôi nói: “Em phải tu, em phải tu thật tốt”. Chồng tôi nói: “Em đang hiểu nhầm rồi, đây căn bản không phải gọi là tu. Tu không phải là làm những chuyện như vậy”. Tôi hỏi: “Thế phải làm thế nào?”. Tôi đi xuống dưới lầu, ở đó phản tỉnh lại. Ba tôi qua nói với tôi một câu. Ngày thường tôi thường xuyên chỉ dạy ba mình, tôi khuyên ba hãy nghe Kinh nhiều, nghe nhiều bài giảng của lão pháp sư, không thể không nghe, không nghe sẽ không có trí huệ. Kỳ thực, ba tôi đã từng học lớp bồi dưỡng ở Đại học Thanh Hoa, trước khi về hưu ông từng là cán bộ hành chánh. Hôm đó ba nói một câu làm tôi rất kinh ngạc. Ba nói: “Lão pháp sư thường xuyên nói bốn chữ, gọi là “tùy duyên diệu dụng”. Con nên tùy duyên, sau đó thì mới diệu dụng được. Tiếp điện thoại cũng không trở ngại việc gì, con tâm bình khí hòa có phải là tốt rồi không?”. Lúc đó tôi mới nói: “Ba à! Sao ba lợi hại vậy? Ba nghe được ở trong Kinh nào thế?”. Ba nói: “Ba quên mất rồi. Hôm đó con đang nghe, ba đi ở phía sau nghe được, cảm thấy câu này rất hay thì liền ghi nhớ”. Sau đó tôi đã nghe điện thoại như bình thường. Tôi lật cuốn “Đệ Tử Quy” ra xem, tôi nghiên cứu. Tôi thuộc lớp phần tử trí thức, không phải người thượng căn, cũng chẳng phải người hạ căn, mà là người trung căn. Năm xưa Phật giảng Kinh thuyết pháp đặc biệt là đối trị loại người này.

Tôi nghiên cứu thấy Lão phu tử Lý Dục Tú nói những điều liên quan đến miệng, có bao nhiêu điều nói về lỗi lầm từ miệng mà ra. Tôi vừa mở ra xem thì giật mình. Mọi người có cơ hội thì nên đọc qua. Quý vị xem chương về chữ “tín”, về chữ “cẩn” trong phần “Yêu Bình Đẳng”, rất nhiều đoạn nói về khẩu. Làm sao có thể tránh được tội lỗi từ miệng? Tôi liền suy nghĩ xem, tại vì sao lại phải tránh lỗi từ miệng? Tại vì sao Cư sĩ Hoàng có thể không nói chuyện thì được vãng sanh? Bởi vì ông đã nói rất rõ: “Miệng chính là cửa của họa phước”. Tôi đem cánh cửa này đóng lại, phước đều được giữ lại, họa thì cũng không chiêu cảm đến được. Quý vị xem, giữ lại thì toàn là phước, họa thì không chiêu cảm đến, tốt biết bao! Trong “Đệ Tử Quy” có nói: “Nói nhiều lời, không bằng ít”. Ít nói chuyện. Cho nên, tôi ở nhà cố gắng ít nói chuyện nhất có thể. Ví dụ như ba mẹ tôi nói phải làm như thế này, đi ra ngoài phải chạy xe này, phải thế này thế kia. Lời nói của tôi sắp ra tới cửa miệng thì tôi phải nhịn lại, tôi sẽ không phát biểu thêm ý kiến nữa. Mẹ tôi nói: “Tịnh Du! Tối nay hãy nấu món này”. Đáng lẽ tôi nghĩ thầm, đã mấy ngày toàn ăn món này, có thể đổi sang làm món cơm được không? Đến cửa miệng thì tôi lại nhịn. Tôi nghĩ: “Cha mẹ thích món gì thì mình sẽ làm món đó vậy”. Những việc nhỏ thì bắt đầu làm từ trong nhà, khi làm xong sẽ có hiệu quả. Bởi vì tôi đã nghiệm chứng rồi.

Làm sao để tôi nghiệm chứng? Ở nhà tu học đến nay đã được hơn một tháng, bên ngoài có một nơi tổ chức một sự kiện khá lớn mời tôi đi thuyết giảng, cũng chính là giảng “Nữ Đức”. Thầy cô giáo rất nhiều, người nghe cũng khá nhiều. Sau lần đó trở đi, nếu không có việc gì, hầu như là tôi không nói chuyện. Ngoại trừ trên đài giảng giải, hoặc khi họ nhờ tôi thay phiên làm người dẫn chương trình thì tôi mới nói chuyện, còn lại thì tôi cười trừ. Người ta nói cái gì, “rất tốt! Rất tốt!”. Thật sự ai muốn tôi nói chuyện, thì tôi lấy cớ rồi đi ra ngoài. Ra ngoài thì tôi đeo tai nghe mang theo máy MP3 mà bên trong tôi đều lưu trữ bài giảng Kinh, những bài giảng của lão pháp sư và những bài mà trước đây tôi giảng giải với quý vị về “Bồ Tát Tam Trọng Chướng”, những bài học về “Hoa Nghiêm”. Tôi nghe nhiều lần, nghe đi nghe lại gần mười lần. Nghe xong rồi cảm thấy mình làm cái gì cũng không đúng, thật sự là có cảm giác đó. Cho nên, sau đó tôi nghe được từ những thầy giáo khác, chính họ truyền đến tôi, nói là cô Trần có sự thay đổi khá lớn, “cô ấy nói chuyện rất ít, rất tốt, giữ lại được phước báo”. Điều này có thể giúp quý vị thành tựu công phu nhẫn nhục.

Nhẫn nhục không dễ chút nào. Đối với hết thảy sự tướng bên ngoài chúng ta đều có thể nhẫn nhịn được, tuy nhiên đối với một người tu học Phật pháp chân chánh, công phu nhẫn nhục là gì? Chính là không ngừng tinh tấn, chịu đựng được sự khô khan, đơn điệu trong quá trình tu học.

Lần trước, tôi lại được mời đi thuyết giảng. Khi quý vị cảm thấy hình như cảnh giới của mình đã nâng lên một bước, thì ngay lập tức thử thách lớn hơn sẽ đến. Cho nên có một vị thầy giáo đã từng nói: “Tất cả là thử thách, xem bạn làm thế nào, đối mặt với thử thách mà không vượt qua được thì vẫn phải làm lại từ đầu”. Chính là thử thách này luôn lặp đi lặp lại.

Lần thứ hai tôi đi thì tâm thái hoan hỷ, có thể vì đại chúng mà tuyên giảng “Nữ Đức”. Có trên ngàn người tham dự. Tôi ở nhà đã chuẩn bị bài giảng hết một tuần, sau đó ở nhà luyện giảng rất nhiều lần, cảm thấy cái nào thích hợp để nói với đại chúng, có thể thu hút sự quan tâm của mọi người đối với việc giáo dục đức hạnh cho phụ nữ tôi đều liệt kê ra hết. Kết quả là tối hôm đó khi tôi xuống máy bay, ban tổ chức nói với tôi một câu, cũng không hẳn ban tổ chức, một người nào đó đã nói: “Xin lỗi cô Trần! Thời gian cho Hội nghị lần này chúng tôi không sắp xếp được, cô không thể giảng được rồi”. Nếu như lúc trước thì tôi nhất định sẽ rất phiền não, tôi sẽ nói lý lẽ, “không thể thuyết giảng tại sao không nói với tôi sớm một chút? Ban tổ chức xử lý như thế là không được. Tôi từ nơi xa đi đến đây, ở nhà còn có con nhỏ, còn có người già nữa”. Nhưng hôm đó tôi rất hoan hỷ, “đây không phải là bài thi hay sao?”. Tôi nói: “Anh yên tâm, tôi nhất định không có một chút tâm oán hận nào”. Ngồi ở dưới lắng nghe người khác giảng thì tôi hiểu được nhiều thứ hơn là tôi lên thuyết giảng. Tôi có nhiều cơ hội ngồi dưới đài nghe giảng, cho nên tôi đã vui vẻ mà ngồi bên dưới nghe giảng. Tôi nhớ là lúc đó có một thầy đi cùng tôi, ông ấy cảm thấy lạ nên hỏi: “Sao cô nghiêm túc vậy? Từ trước đến giờ tôi chưa từng thấy cô nghe giảng nghiêm túc đến vậy. Vì sao vậy?”. Tôi nói: “Phật Bồ Tát an bài cho tôi đến đây là phải ngồi nghiêm túc để nghe giảng, nên tôi nhất định phải làm tốt công việc này. Tôi nghiêm túc nghe giảng để xem thầy giáo khai thị cho tôi những gì”.

Bao gồm cả việc đến Hồng Kông lần này, tôi không có bất cứ sự chuẩn bị gì để báo cáo với mọi người. Tôi chính là đến để tu học, để nạp năng lượng. Tôi rất giống miếng bọt biển, đặc biệt nghiêm túc nghe bài giảng của thầy giáo Hà. Tôi nghĩ thầm, thầy hôm nay giảng đề tài “Thấy người nhan sắc, tâm khởi ý niệm chiếm đoạt”, tôi rất muốn nghe. Nếu tôi thuyết giảng thì tôi không được nghe rồi, về nhà lại phải bổ sung bài học này. Cho nên, thử thách này bạn tự nhiên vượt qua. Vậy thì, việc này so với việc thuyết giảng có hiệu quả lớn hay nhỏ hơn? Rất lớn. Bởi vì khi tôi quay về, trong ban tổ chức có một vị thầy nói: “Cô Trần à! Hai tháng nay cô tu học có tiến bộ đó. Tuy là cô không thuyết giảng nhưng chúng tôi nhận ra được”. Lúc đó tâm tôi có một chút hoan hỷ, sau đó lập tức nghĩ đến câu: “Thường sanh tâm kính sợ”, không được sanh tâm hoan hỷ. “Thận trọng dè dặt, như bước trên băng mỏng”. Lúc đó tôi nói với thầy bên ban tổ chức là: “Tôi thật sự rất tệ”. Thầy bên ban tổ chức mới nói: “Lần này bài thi đưa ra cho cô rất khó, nhưng cô đã hoàn thành rất tốt”. Tôi nói: “Không có đâu, kỳ thực tôi biết bản thân mình còn kém rất xa”. Bởi vì câu nói của ba tôi cứ mãi bên tai tôi: “Con làm việc ở bên ngoài còn coi được, ở nhà thì không được tốt”.

Nhà là gì? Nhà chính là gốc rễ. Gốc rễ còn không vững, cho dù bên ngoài có đẹp đến đâu, cũng giống như cành hoa trong bình vậy, đều vô dụng. Cho nên, tôi đặc biệt cảm ân ba của mình. Nên trong lần thuyết giảng đó, tôi đã nhắn cho ba một tin nhắn nói là: “Ba ơi! Con thật sự rất biết ơn ba. Con không biết làm sao báo đáp ân của ba. Nhân ngày Lễ Phụ Thân, con quỳ lạy ba được không?”. Khi tôi quay về, ba tôi đã nói một câu: “Tịnh Du à! Con học đã bao lâu nay, đạo lý đơn giản như vậy mà con vẫn không hiểu, chúng ta là người một nhà, cần gì phải cảm ơn chứ? Lão pháp sư khi giảng Kinh thường nói, cái gì gọi là người một nhà, cái gì gọi là một thể. Tay trái của bạn bị ngứa, thì tay phải của bạn sẽ gãi cho tay trái. Tay trái có nói tôi cảm ơn bạn, tôi biết ơn bạn hay không? Không có, không cần phải nói. Răng cắn trúng đầu lưỡi, lưỡi có đánh nhau không, có giận hờn không? Không có!”. Hôm đó tôi thực sự khóc, tôi cảm thấy rất xấu hổ. Tôi cảm thấy trước đây tôi rất khinh thường cha mẹ, tôi cảm thấy học thức của mình rất cao, sự nghiệp lại rất lớn, cha mẹ không có dạy dỗ tôi gì cả.

Hai tháng nay tôi đặc biệt cảm nhận sâu sắc, tại vì sao họ có thể trở thành cha mẹ của tôi? Họ không chỉ có ân đức đối với sinh mạng này của tôi, mà tôi không có cách gì để báo đáp ân sinh thành. Quan trọng nhất chính là ân cha mẹ dạy dỗ, thật sự là từng giây từng phút họ đều dạy dỗ tôi. Ba tôi nói: “Ba ngẫu nhiên nghe được sư phụ ngài thường hay nói, “quý vị phải làm cho được, quý vị phải làm cho được”. Cho nên Tịnh Du con không thể từ sáng đến tối cứ nghe Kinh mãi trên lầu. Làm sao để làm được đây? Tâm của con phải đồng nhất với tâm của cha mẹ, đồng nhất với tâm của chồng con, đồng nhất với tâm của con con. Nếu con có thể đạt đến nhất tâm, thì con thông rồi”. Lời nói này khiến tôi suy tư rất lâu. Bởi vì có một vị thầy giáo ở Đại Liên cũng nói tương tự. Hiện giờ thầy ấy đang thuyết giảng hoằng dương văn hóa truyền thống ở khắp nơi trên toàn quốc, thầy tên là Vương Hy Hải. Thầy Hy Hải được công nhận là một trong số “Mười nhân vật làm cảm động toàn Trung Quốc”. Người cha già của thầy từ lâu đã nằm liệt giường, sống thực vật. Thầy chăm sóc cho cha của mình. Vì phải chăm sóc cho cha nên thầy đã nghỉ việc, từ bỏ cơ hội xuất ngoại, thầy vẫn chưa kết hôn, toàn tâm toàn ý hầu hạ cho cha mình gần ba mươi năm. Thầy liên tục chăm sóc cha mình đến khi cha thầy tám mươi hai tuổi, tự tại rời khỏi thế gian. Thầy là một trong thập đại hiếu tử làm cảm động Trung Quốc. Thầy Hy Hải nói với tôi: “Tịnh Du! Điều gì mới chính là niềm vui thực sự của cô? Không phải là cô đếm xem mình có bao nhiêu tiền, không phải vậy, không phải là cô ở đó hưởng thụ. Bản thân mình rất sung sướng, đi dạo, làm đẹp, không phải như vậy. Mà thật sự đó là đối với những người bên cạnh cô, như cha mẹ cô, chồng cô, người thân của cô, con của cô. Chính vì sự có mặt của cô nên họ đều vui vẻ. Sau đó cô thấy họ đều rất vui vẻ, thì cô cũng sẽ rất vui vẻ. Đây là niềm vui thật sự”.

/8
 

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây