Tìm kinh sách
 
        Kinh Sách FULL

Chứng minh của Khoa học về nhân quả luân hồi

Kính thưa chư vị Pháp sư, chư vị Đại đức, chư vị đồng tu, xin chào mọi người!

Hậu học rất vinh dự lần đầu tiên được đến với quý đảo Đài Loan, có được pháp duyên thù thắng như thế này, có thể cùng với chư vị Đại đức ở nơi đây thảo luận: “Chứng minh của khoa học về nhân quả luân hồi”. Trong thời đại hiện nay, buổi thảo luận này rất là quan trọng.

Hậu học trước khi đến Đài Loan đã đi đến Hồng Kông để chúc tết Ân sư Tịnh Không thượng nhân. Ân sư Ngài đã ân cần dặn dò tôi: “Giáo dục nhân quả là giáo dục quan trọng nhất để cứu vãn thế đạo nhân tâm”. Vì vậy Ân sư Ngài cũng khuyến khích hậu học đi các nơi trên thế giới để thúc đẩy tuyên giảng nhân quả luân hồi. Cho nên hậu học cảm thấy rằng sứ mệnh giáo dục nhân quả vô cùng quan trọng, vì vậy không suy nghĩ, đã đi đến quý đảo để chia sẻ chủ đề này với mọi người, cũng là để thỉnh giáo với mọi người.

Chương 3: Tập 2 - Chứng minh của Khoa học về nhân quả luân hồi - Phần 1

Đây là một kiểu tư duy logic truyền thống. Phương pháp nghiên cứu này có thể nói là dễ dàng thuyết phục mọi người, bởi vì chứng cứ của nó vô cùng xác thực, sự tín nhiệm cao, tính khách quan mạnh mẽ. Nhưng vấn đề của phương pháp này là tốn kém rất nhiều thời gian. Vì vậy, mỗi một trường hợp, từ lúc phát hiện đối tượng đến lúc lập phương án xác minh điều tra cần khoảng thời gian mấy năm thậm chí là mười mấy năm. Giáo sư Stevenson chỉ trong bốn mươi mấy năm có thể sưu tầm được hơn 3.000 trường hợp, thật rất hiếm.

Xin chia sẻ với mọi người một tác phẩm, trường hợp nghiên cứu của ông. Bởi vì trường hợp này rất kỳ lạ cho nên xin được chia sẻ với mọi người. Trường hợp này nói đến một em bé trai người Ấn Độ. Vào khoảng thời gian năm 1954, cháu bé này mới ba tuổi rưỡi, chỉ vì mắc bệnh đậu mùa mà chết đi. Sau khi bé chết đương nhiên cha mẹ vô cùng đau khổ, quan tài cũng được đem về nhà, sáng sớm ngày hôm sau thì chuẩn bị đi chôn. Vào khoảng nửa đêm, người cha đang dựa mình vào bên cạnh chiếc quan tài, vô cùng đau khổ, đột nhiên ông cảm thấy bên trong chiếc quan tài có tiếng động, thế là lập tức mở quan tài ra để xem thì nhìn thấy đứa bé này đã tỉnh lại rồi. Rất vui mừng, ông lập tức đi lấy nước, lấy thức ăn cho đứa bé ăn nhưng đứa bé này cự tuyệt không chịu nhận. Đứa bé liền nói chuyện, lời của đứa bé này nói ra đều hoàn toàn không giống như đứa bé lúc ban đầu. Đứa bé này nói em là một thanh niên ở một ngôi làng của Ấn Độ. Đứa bé này bản thân nó ba tuổi của rưỡi, tên là Bối Tư Bá, nhưng đứa bé này lại tự nói mình là một thanh niên hai mươi hai tuổi tên là Hương Khắc, là một người con trai của ngôi làng Duy Hi Địch. Người thanh niên hai mươi hai tuổi này là một người Bà La Môn. Chúng ta biết sự phân chia giai cấp chủng tộc ở Ấn Độ rất khắc nghiệt. Bà La Môn là quý tộc, không ăn thức ăn ở nhà người của thường dân. Nhà của đứa bé này thuộc về nhà thường dân, cho nên sau khi chú bé đã thật sự tỉnh rồi thì lại cự tuyệt việc cha mẹ đưa thức ăn cho chú. May mắn nhà hàng xóm có một cụ già là người Bà La Môn, cho nên bà liền mang biếu thức ăn cho chú. Như vậy đứa bé này mới chịu nhận, nếu không thì phải chết dần vì đói.

Đứa bé này kể lại tình trạng của bản thân hồi kiếp trước, đề cập đến tình cảnh trước khi sắp chết của anh ấy. Anh nói có một hôm anh ấy đi dự tiệc cưới của người bạn thân, trong tiệc cưới đó anh gặp phải một kẻ thù. Người này có mượn tiền của anh nhưng không chịu trả. Vậy là hắn bỏ thuốc độc vào trong ly rượu của anh, nhưng mà anh chẳng hay biết gì liền uống ly rượu này. Trên đường về nhà thì độc tính ở trong rượu liền phát tán, anh thấy trời đất tối tăm liền té từ trên xe ngựa xuống mà chết. Sự việc này chẳng có ai biết.

Giáo sư Stevenson vì phải xác minh câu chuyện này, thật sự đã tìm được ngôi làng anh thanh niên ở kiếp trước mà đứa bé đã nói. Thật sự tìm được gia đình đó xác minh, quả nhiên có câu chuyện này. Mọi người đều không biết người này vốn bị đầu độc rượu mà chết. Mọi người đều cho rằng, sau khi tham dự tiệc cưới xong, trên đường trở về nhà không thận trọng nên anh té từ trên xe ngựa xuống mà chết. Cho nên trong lúc đứa bé kể đến kẻ thù ở kiếp trước của anh đầu độc anh như thế nào, như thế nào thì vô cùng phẫn nộ. Chúng ta biết rằng kẻ thù của anh rất là độc ác, giống như trong “Thái Thượng Cảm Ứng Thiên” có nói: “Mượn đồ người, cầu người chết”. Kẻ thù cho rằng mọi việc đã giải quyết ổn rồi, đâu ngờ rằng kẻ thù này đời đời kiếp kiếp vẫn mang nỗi hận. Đương nhiên khi gặp được cơ hội thì nhất định anh ta phải báo thù. Cho nên làm sao có thể kết oán với người khác? Làm sao có thể làm hại được người ta vậy? Giết hại người thì kiếp sau người nhất định sẽ tìm cơ hội đến để đòi nợ mạng.

Trường hợp này vào thời xa xưa chúng ta còn gọi là mượn xác hoàn hồn. Bởi vì đứa trẻ ba tuổi này thật sự đã chết rồi, thi thể trước khi chưa bị thối rữa vẫn có thể sử dụng được. Kết quả một cái linh hồn của người khác liền vào trong cái thi thể này, vì vậy nó trở thành con người khác. Cái này gọi là mượn xác hoàn hồn.

Một số truyện ghi lại vào thời xưa như “Liêu Trai Chí Dị” đều có một số câu chuyện mượn xác hoàn hồn. Sự thật đều có như vậy. Ngành y của Trung Quốc vào thời xa xưa có một tác phẩm gọi là “Hoàng Đế Nội Kinh”, trong đó cũng có ghi lại các trường hợp liên quan đến chuyện mượn xác hoàn hồn.

Chúng ta biết tại làm sao cái linh hồn này quay lại để mượn xác hoàn hồn, nó có thể nhớ rõ ràng tiền kiếp của chính bản thân mình không? Tại làm sao những người chúng ta đang ngồi ở đây không có ai có thể nhớ được tiền kiếp? Ai nhớ được kiếp trước xin giơ tay lên? Bạn xem, thật sự là không có ai. Điều này Đức Phật có dạy chúng ta, con người sau khi nhập thai, ở trong bụng của người mẹ làm thai nhi rất khổ sở. Đức Phật thí dụ nó giống như ở trong địa ngục, gọi là nỗi khổ của thai ngục. Hiện tại y học phát triển đã tiến bộ rất nhiều. Trước khi hậu học tôi đến Đài Loan đã xem một bộ phim tài liệu về y học. Hiện nay y học có thể sử dụng được hình ảnh ba chiều để chụp tình trạng cuộc sống của thai nhi trong bụng mẹ, chụp được rất rõ ràng. Thật sự nhìn thấy được thai nhi ở trong bụng mẹ không tài nào cử động được, bên ngoài có vài âm thanh tiếng động thì thai nhi sẽ phản ứng lại và sẽ chịu sự đau đớn. Cho nên trên Kinh Phật dạy chúng ta: “Người mẹ uống một ly nước nóng thật là giống như đi vào địa ngục Núi Lửa vậy, uống một ly nước lạnh thì giống như địa ngục Hàn Băng”, thật là khổ đến như vậy. Đến lúc sinh ra lại càng khổ hơn. Lúc sinh ra Đức Phật thí dụ như đi vào địa ngục Núi Kẹp, sinh ra bị kẹp chặt rất khổ. Sau khi sinh ra, bởi vì làn da của trẻ sơ sinh ở trong bụng mẹ rất mỏng manh, cho nên vừa sinh ra tiếp xúc với không khí thì đau đớn giống như bị kim đâm vậy.

Bản thân của chúng ta đều đã có kinh nghiệm, nếu như trong lúc bản thân chúng ta bị một vết thương lớn, khi tiếp xúc với không khí bạn sẽ cảm thấy như bị kim đâm. Trẻ sơ sinh cũng giống như vậy, toàn thân trẻ sơ sinh thật giống như bị kim đâm. Cho nên bạn xem trẻ sơ sinh vừa được sinh ra là khóc lớn oa oa ... Tại sao khóc vậy? Là bởi nó đau! Mọi người có thấy qua một em bé vừa được sinh ra mà mỉm cười như thế này chưa? Bởi vì có quá nhiều sự đau khổ như vậy, cho nên ký ức về kiếp trước đều bị phai mờ. Bạn xem, chúng ta đi vào bên trong bệnh viện nhìn thấy những người bị bệnh nặng, bị bệnh mãn tính, trí nhớ của những người đó đều giảm đi. Trẻ sơ sinh cũng giống vậy. Bởi vì nó chịu đựng đau khổ suốt mười tháng trong thai, chịu đau khổ của địa ngục Núi Kẹp, sinh ra rồi vẫn phải chịu khổ, cho nên những ký ức của nó thật sự đã bị mài mòn mất.

Mượn xác hoàn hồn bởi vì anh ta không có chịu sự đau khổ của thai ngục, không có nhập thai, hồn của anh ta nhập trực tiếp vào thân của đứa bé ba tuổi, cho nên anh ta có thể có được trí nhớ rõ ràng sáng suốt.

Những trường hợp liên quan đến luân hồi chuyển kiếp rất là nhiều. Trong hơn 3.000 trường hợp của Giáo sư Stevenson, ông có thể tổng kết được một số quy luật của luân hồi. Trong đó, ông chỉ ra rằng, con người đang trong luân hồi, nếu như kiếp trước bị dao đâm chết hoặc giả là bị đạn bắn chết, vết thương ở chỗ bị thương đó thường thường ở kiếp sau trên thân thể sẽ lưu lại một cái bớt, vừa sinh ra thì đã có cái bớt. Đối với lý luận này, ông kết hợp quan điểm của sinh vật học với phát hiện của luân hồi học, viết ra tác phẩm: “Where Reincarnation and Biology Intersect”, dịch là “Sự dung hợp của luân hồi học và sinh vật học”. Trong quyển sách này cũng có những trường hợp giống như vậy.

Chúng ta hãy xem ông ta lý luận như thế nào về cái gọi là “cái bớt”. Có một trường hợp nói rằng, ở Hoa Kỳ có một em bé gái tên là Winnie, sống ở trong một gia đình cùng ba mẹ và người chị gái. Vào năm 1961, Winnie mới sáu tuổi thì một lần không may bị tai nạn xe mà chết đi. Sau khi Winnie chết đi, cha mẹ và mọi người trong nhà đều bị bao trùm trong nỗi bi thương. Sáu tháng sau khi cô bé chết, chị gái của Winnie cũng là một cô gái, nằm mộng gặp được Winnie nói là muốn trở về nhà. Sau sự việc này đại khái khoảng hai năm, mẹ của cô liền mang thai. Trong thời kỳ mang thai cũng nằm mộng thấy rõ ràng Winnie nói: “Mẹ ơi, bây giờ con chuẩn bị trở về nhà đoàn tụ rồi”.

Năm 1964, cha của cô ta đang ở ngoài của phòng hộ sinh, rất tỉnh táo, liền nghe được tiếng của chính con gái đã chết của ông. Winnie đến nói với ông (tiếng nói này cũng rất rõ ràng): “Cha ơi, hiện giờ con đã trở về nhà rồi”. Sau đó thì sinh ra một bé gái, liền đặt tên là Susan. Lúc Susan được hai tuổi, cô bé liền có thể kể lại chuyện tiền kiếp của bản thân mình. Cô bé nói tiền kiếp của cô là con gái út Winnie ở trong gia đình này, đã nói rất nhiều tình huống, sau này đều được Giáo sư Stevenson xác minh lại.

Thí dụ như cháu bé nói thích hai tấm hình kiếp trước của Winnie, lúc nào cũng cầm mãi tấm hình, chỉ vào người ở trong tấm hình nói rằng người ở trong tấm hình chính là con. Một tấm treo ở trên đầu giường, một tấm thì luôn mang theo ở bên mình. Vào lúc cháu bé được hai tuổi, người ta hỏi cô bé: Cháu bé ơi! Con mấy tuổi rồi?. Cháu bé trả lời: Cháu sáu tuổi. Rõ ràng là không đúng! Nhưng vào lúc Winnie gặp phải tai nạn xe chết đi chính là sáu tuổi, cho nên cháu gái vẫn nhớ được số tuổi của cháu ở kiếp trước. Cháu cũng thường hay nhắc bản thân cháu đi học như thế nào như thế nào, thường rất thích cái ghế xích đu ở phía sau trường học. Cháu bé mới hai tuổi vẫn chưa đi học, cho nên chuyện này không phù hợp với tình hình hiện tại của cháu. Nhưng vào lúc Winnie còn sống, thật sự là có đi học và rất thích cái ghế xích đu ở phía sau trường học.

Ở mông bên trái của Susan có một cái bớt. Tình trạng và vị trí của vết bớt này cùng với vị trí vết thương bị chiếc xe đụng trong đời trước của Winnie lúc cháu bé bị tai nạn xe vô cùng phù hợp. Giáo sư Stevenson sau này tìm ra được bệnh viện mà lúc Winnie chết, căn cứ vào báo cáo khám nghiệm tử thi lúc trước của bệnh viện mà tiến hành xác minh. Cho nên trên thân có vết thương ở nơi đó, tình trạng và vị trí cùng với vị trí vết thương khi xưa là hoàn toàn như nhau.

Ở đây vẫn có một tấm hình một trường hợp khác, cũng là nói đến một em bé trai người Ấn Độ. Lúc cháu có thể nói chuyện được thì cháu kể bản thân mình kiếp trước là một người con trai ở Ấn Độ, tên là Maha. Người con trai này ở kiếp trước bị người ta mưu sát, dùng súng lục bắn chết ở cự ly gần. Chỗ viên đạn đi xuyên qua chính là ở phía trước ngực, vị trí ở trước ngực. Giáo sư Stevenson không những đi xác minh những tình huống ở kiếp trước mà cháu bé này đã kể lại, tìm được gia đình kiếp trước của cháu, còn tìm ra được bệnh viện ngày xưa mà cháu đã nói. Sau khi anh con trai bị bắn chết, được đưa đến cấp cứu ở bệnh viện, lúc đó cũng chết trong bệnh viện, thế là tìm được bản khám nghiệm tử thi và bản báo cáo tử vong. Bản vẽ ở bên phải chính là báo cáo khám nghiệm tử thi của anh thanh niên đã chết ở kiếp trước trong bệnh viện đó. Bạn xem, vị trí trước ngực của cháu bé chính là nơi viên đạn đi xuyên qua, đời này là ở bên trái đứa bé trai này. Nếu như các vị quan sát kỹ lưỡng, có thể nhìn thấy trước ngực của cháu bé thực sự là có một cái bớt, hình dạng và vị trí của cái bớt thật sự cùng với vị trí viên đạn xuyên qua ở kiếp trước rất giống nhau.

Các trường hợp như vậy, Giáo sư Stevenson đã cung cấp cho chúng ta hơn 200 câu chuyện, mỗi trường hợp đều tìm ra được kiếp trước của họ. Bản báo cáo khám nghiệm tử thi ở tại bệnh viện nơi họ đã chết, cùng tiến hành đối chiếu cái bớt trên thân của họ ở đời này, cho nên ông đem hơn 200 trường hợp này để chứng minh cho chúng ta: Cái bớt ở trên người so với kiếp trước là có liên quan.

Lý luận này chúng ta nghĩ thấy cũng hợp lý. Vì sao vậy? Vì nếu như con người bị giết chết (bị súng đạn bắn chết hoặc giả là bị xe đụng chết), trong lúc chết thân tâm nhất định đau đớn vô cùng. Nỗi đau đớn vô cùng này lưu lại cho linh hồn chúng ta một ấn tượng sâu sắc tận đáy lòng. Cái ấn tượng này thậm chí có thể mang theo đến đời sau, thậm chí còn có thể biểu hiện ra trên thân thể của chúng ta, trở thành cái bớt.

Chúng ta nhìn xem con người chết rất là đau khổ, có rất nhiều người nói: Ấy da, hiện tại vô cùng vô cùng khổ, tôi chẳng muốn làm người nữa rồi, chỉ muốn tự sát. Đâu ngờ lúc chết đi kỳ thực so với lúc anh ta còn sống khổ hơn rất nhiều. Không phải chết đi là hết. Một khi chết đi vẫn chưa xong, chết đột ngột càng đau đớn. Cho nên sự đau khổ này gây ấn tượng sâu sắc cho họ, vì vậy ở tận trong đáy lòng của linh hồn vẫn có thể mang đến đời sau, vẫn có thể biểu hiện ra ở trên cơ thể là biến thành một cái bớt. Cho nên cổ nhân dạy chúng ta: Phải tích đức mới có thể chết an lành.

Chết lành là một trong năm phúc. Bạn xem, hiện nay chúng ta đón năm mới thì trên cửa có dán cái liễng, gọi là ngũ phúc lâm môn. Cái gì là ngũ phúc? Phú quý, Trường thọ, Khang ninh, Hảo đức, Thiện chung. Chết an lành mới thật sự là phúc. Sự giàu sang của bạn không thể mang theo, nhưng chết an lành thật sự có thể ở đời sau là tốt đẹp.

Tiếp theo xin chia sẻ cho mọi người một câu chuyện nữa của Giáo sư Stevenson. Từ câu chuyện này chúng ta cũng phải tỉ mỉ mà thể hội, trong sự luân hồi rốt cuộc là sức mạnh nào quyết định sự luân hồi của chúng ta? Câu chuyện này kể một người đàn ông Alaska của Hoa Kỳ tên là Charles Porter. Ông là con cháu của người gốc bản địa Ấn Độ. Ông Porter này có thể vừa ghi chép vừa có thể kể lại tiền kiếp của mình. Ông ta kể kiếp trước của mình là một người thuộc bộ tộc da đỏ. Vào lúc đó, người da đỏ thường có những cuộc chiến tranh sắc tộc của các bộ lạc, tức là một bộ lạc này đánh với một bộ lạc khác. Người đàn ông này đời trước bị người ta giết chết trong một cuộc chiến tranh của bộ lạc người da đỏ. Ông ta mỗi lần kể đến cảnh cái chết của chính mình luôn luôn lấy tay chỉ vào sườn bên phải của mình nói rằng: Kiếp trước bị người ở chiến trường dùng một cây giáo đâm xuyên qua chỗ này chết luôn. Trong khi kể đến đoạn này, ông ta đều chỉ vào vị trí bị thương của mình. Ở vị trí đó thật sự là có một cái bớt. Hơn nữa người đàn ông này có thể nhớ được người đã giết ông trong kiếp trước. Ông ta nói người đã giết ông trong kiếp trước hiện bây giờ chính là người cậu của ông. Người kiếp trước đã giết ông vẫn còn sống, đương nhiên là già lắm rồi nhưng ông ta vẫn biết.

Cho nên chúng ta hãy nghĩ xem, ông Porter này làm sao mà biết đầu thai đến nhà ông kia? Thì ra đây thật sự là một mối hận thù, cái lực báo thù này đã lôi kéo anh ta, để cho linh hồn của ông chuyển kiếp đầu thai vào nhà của ông kia, trở thành người nhà của ông kia, cho nên ông vẫn nhớ mà kể. Người cậu của ông chính là người mà năm xưa đã giết hại ông. Thật sự chúng ta thấy được oan oan tương báo không bao giờ dứt. Sau khi oán hận đã kết, cái lực oán hận này của ông lại có thể dẫn dắt linh hồn của ông đi vào trong gia đình này. Đương nhiên ông đến đó là để báo oán.

Trong đạo Phật có một bộ Kinh rất nổi tiếng là “Đại Phật Đảnh Thủ Lăng Nghiêm Kinh”. Trong “Kinh Lăng Nghiêm” có dạy cho chúng ta một câu. Bạn xem, Phật chân thật có trí huệ, một câu nói thật là đơn giản đã đem hết thảy sự thật của sự luân hồi chỉ ra cho chúng ta. Đức Phật dạy: “Nhữ phụ ngã mệnh, ngã hoàn nhữ trái, dĩ thị nhân duyên, Kinh bách thiên kiếp, thường tại sanh tử”. Chính là nói bạn mắc nợ mạng của tôi thì phải trả, tôi đã mắc nợ bạn tiền tương lai bạn cũng phải đến đòi nợ, đời đời kiếp kiếp đều là như vậy. Nợ mạng thì trả mạng, nợ tiền thì trả tiền. Oan gia trái chủ thì báo với nhau giống như vậy, đến luân hồi cùng bồi thường nghiệp báo với nhau.

Trong “Kinh Lăng Nghiêm” còn dạy một câu, trước khi nói đến câu đó tôi xin kể cho mọi người một câu chuyện. Câu chuyện này cũng là của Giáo sư Stevenson. Ông kể về một cô gái người Miến Điện (Myanmar) tên là Đình Đình Minh. Cô ta sinh năm 1960. Cô Đình Đình Minh này sau khi được sinh ra, đại khái vào lúc hai tuổi có thể nói ra tiền kiếp của chính mình; tên của cha cô là Lapi, mẹ của cô là Tang (đây là tên của Miến Điện). Cha của cô có một người vợ cả tên là Huệ. Người vợ cả cùng với chồng của cô sống rất đằm thắm. Hai người đó có thể nói là yêu nhau rất đậm đà tha thiết, nhưng mà họ chẳng có con cái. Người vợ cả sau này chết đi. Người vợ cả có người em gái. Có một lần người em gái của cô nằm mơ thấy người chị gái (tức là người vợ cả của chồng cô) đến nói với cô: “Chị muốn ở bên cạnh em, bởi vì chỉ có ở bên cạnh em mới có thể cùng với chồng của chị mãi mãi ở bên nhau”. Người em gái nằm thấy giấc mộng này cảm thấy rất kỳ lạ. Nhưng thật sự một năm sau, cô em gái này liền được gả cho chồng của người chị.

Sau khi hai người cưới nhau chưa được bao lâu thì người em gái mang thai. Sau khi mang thai lại nằm mộng thấy chị gái của cô (người chị đã chết) đến báo với cô ta rằng: “Như vậy là tốt rồi, chị có thể ở bên mọi người rồi”. Người em gái trong giấc mộng vẫn nói chuyện với chị của mình: “Hiện bây giờ chị không phải là người ở trên cuộc đời này với chúng em rồi sao ? Em bây giờ đã g cho chồng của chị rồi, chồng của chị cùng với em hình như là không thích hợp lắm”. Người chị nói: “Không có gì đâu, mối quan hệ của chúng ta hiện bây giờ đã không còn giống như trước đây nữa”. Sau khi nằm mơ xong, người em gái sau này sinh được một bé gái chính là Đình Đình Minh. Trong khoảng thời gian Đình Đình Minh biết nói chuyện đã kể tiền kiếp của cô chính là người vợ cả trong nhà đó, cũng chính là người vợ trước của cha cô. Mối quan hệ này mọi người đều rõ.

Ở đây đã kể rất là nhiều câu chuyện, về sau tất cả đều được Giáo sư Stevenson xác minh. Qua khảo sát, sự thật cho thấy rằng Đình Đình Minh xác thực là người vợ trước của cha cô. Trong đó có một chi tiết, chính là mỗi lần Đình Đình Minh nhìn thấy lúc người cha và người mẹ của cô ngồi ở bên cạnh nhau đều là biểu hiện ra lòng ghen tị của một người con gái, liền cố tình ngồi ngay chính giữa cha và mẹ cô, cố tình làm cho ba và mẹ của cô ngồi cách xa nhau. Điều này một đứa trẻ bình thường đương nhiên rất hiếm gặp.

Cho nên gặp được quan hệ luân hồi như thế này, thật sự cái nhân duyên như thế vô cùng bất khả tư nghì. Trong “Kinh Lăng Nghiêm”, câu dưới đây cũng nói với chúng ta rằng: “Nhữ ái ngã tâm ngã lân nhữ sắc, dĩ thử nhân duyên Kinh bách thiên kiếp thường tại triền phược”. Chính là nói giữa người nam và người nữ, anh yêu em, em yêu anh đều là một loại ham muốn như vậy, làm cho hai người đời đời kiếp kiếp ràng buộc ở bên nhau. Nhưng không phải nói mỗi một đời đều có thể kết thành chồng vợ. Bạn xem, giống như thí dụ này, tuy là cô ta có cái lòng ham thích như vậy nhưng đi đến gia đình này lại biến thành mối quan hệ cha con. Như vậy vẫn còn tốt, có phước báu trở lại làm người. Có trường hợp không được làm người mà phải làm súc sanh. Bạn xem, ngày nay động vật được yêu thích nhiều như vậy, người ta nuôi thú cưng thật sự là yêu nó quá mức, quá khứ có lẽ cũng không biết do nhân duyên gì?

Từ đầu đến giờ đã nói đến những nhà khoa học ở Phương Tây đối với việc nghiên cứu về luân hồi chuyển thế. Tiếp theo xin tiếp tục được giới thiệu với mọi người về phương diện nghiên cứu thứ ba.

/8
 

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây