Tìm kinh sách
 
        Kinh Sách FULL

Bác Sĩ Trương Tú Mẫn - Sám Hối về việc Nhận Tiền Phong Bì

Trước khi bắt đầu việc báo cáo với mọi người, tôi xin hỏi các vị quan khách ở đây một vấn đề. Xin hỏi: “Trong số các vị ở đây có bao nhiêu người đã từng đưa tiền phong bì cho bác sĩ rồi, xin mời giơ tay?”. “Được rồi, xin mời bỏ tay xuống!”. Thật sự, mỗi lần tôi đến mỗi thành phố, khi hỏi đến vấn đề này đều thấy mọi người tại khán đài giơ tay rất nhiều, trong lòng tôi rất hỗn loạn. Dù đã rất sám hối nhưng tôi cũng rất đau lòng, đồng thời cũng đã kiên định được tôi ở trên bục giảng này nói ra quyết tâm của mình. Chỉ cần trên khán đài vẫn còn một người giơ tay thì tôi sẽ còn ở trên giảng đài mãi mãi nói ra vấn đề này. Xin cảm ơn mọi người!

Tôi đến từ Liêu Ninh, là một bác sĩ khoa nội, làm việc được 18 năm. Tôi đã phải trải qua một khoảng thời gian để phản tỉnh chính mình, bởi vì nhiều năm trước tôi đã nhận tiền phong bì, vả lại tôi còn nhận tiền trích phần trăm và tiền chiết khấu. Thật lòng mà nói, cảm giác đếm tiền khi đó thật sự rất vui sướng, nhưng việc đó khiến tôi tuyệt đối không ngờ tới chính là nó đã đem lại cho tôi những tai họa về sau không thể nghĩ tới, khiến cho cuộc sống của tôi trở nên đau khổ vô cùng.

Chương 2: Bác Sĩ Trương Tú Mẫn Sám Hối về việc Nhận Tiền Phong Bì - Phần 2

Thứ hai, bệnh tật.

Số tiền bất chính này còn đem đến điều gì cho tôi nữa vậy? Là bệnh tật. Tôi năm nay sắp được bốn mươi ba tuổi, nhưng tình hình sức khỏe của tôi thì không bằng một người năm mươi hai tuổi, thậm chí là không bằng một người sáu mươi hai tuổi. Tôi ở trong đoàn luôn được liệt vào hàng ốm yếu bệnh tật, luôn phải nhờ sự giúp đỡ của các thầy cô và các thiện nguyện viên giúp tôi mang hành lý. Thể chất của tôi rất kém, đi lên lầu hai, lầu ba mà tôi đã phải thở hổn hển rồi. Vả lại, tôi cũng thường cho rằng mình là trung tâm, tự tư tự lợi, tính toán được mất, lo lắng cái này cái nọ, nghi bóng nghi gió. Sau đó tôi đã mắc phải chứng bệnh nghiêm trọng gọi là chứng bệnh u sầu, thường xuyên mất ngủ. Cả đêm không ngủ chỉ biết ngồi đó, đến sáng không hề chợp mắt, đầu cứ nhức như bị bổ ra không khác. Sự đau khổ đó không phải ngồi trên giảng đài nói đôi câu, nếu nói cho rõ hơn một chút thì người chưa từng trải qua việc đó thì không có cách nào cảm nhận được sự đau đớn đó, thật sự vô cùng khó chịu. Cuối cùng, tôi cũng không thể chịu đựng nổi sự đau đớn này, liền bắt đầu uống một lượng lớn thuốc an thần. Mười viên, hai mươi viên, ba mươi viên, bốn mươi viên, nhưng cũng chỉ ngủ được hai giờ đồng hồ, có hôm còn không thể nào ngủ được. Sau đó tôi cũng không còn đếm là bao nhiêu viên nữa, chỉ bốc một nắm rồi uống. Khoảng ba lần tôi bị người nhà phát hiện và đưa tôi đến bệnh viện để súc ruột cấp cứu, bởi vì tôi đã bị hôn mê, rất là đau khổ.

Năm đó, sau khi nhận số tiền từ tay người điều trị bệnh tim, tôi không những đã mất lương tâm mà chức năng tim của tôi cũng bắt đầu có vấn đề. Tôi cũng mắc chứng bệnh tim. Khi tôi được ba mươi sáu - ba mươi bảy tuổi thì thường xuyên bị đau tim đến mức tỉnh giấc trong đêm. Thường sau khi đau quá bật dậy như vậy thì mồ hôi hột cứ tuôn ra, tôi bắt đầu cảm thấy có điều không ổn. Nhờ vào sự nhạy cảm của nghề nghiệp (tôi là người làm nội khoa), tôi cảm thấy tim tôi đã có vấn đề rồi. Sau cùng, trải qua sự kiểm tra nghiệm chứng thì thật sự như vậy, tim của tôi bị thiếu máu ở mức nghiêm trọng và suy tim cũng rất nghiêm trọng. Bởi vì tôi cũng biết căn bệnh này về sau sẽ phát triển như thế nào, kết quả sẽ ra làm sao, tính nguy hiểm của nó tôi đều rõ ràng cả, cho nên tôi nghĩ tôi cuối cùng cũng có thể có một ngày nào đó trong lúc ngủ mà qua đời, hoặc có thể là đột nhiên té ngã mà lìa khỏi đời. Bởi vì tôi ở trong bệnh viện đã nhìn thấy có rất nhiều người trẻ tuổi vì bệnh tim tái phát đột xuất mà lìa khỏi thế gian, không kịp trăn trối với ai một lời nào, ra đi đột ngột như vậy. Tôi nghĩ đến bi kịch của mình, tôi không muốn bi kịch này xảy ra đối với tôi. Tôi không muốn khi tôi rời khỏi thế gian mà không để lại lời nào với người thân của mình. Tôi đã không để cho người nhà tôi biết là tôi đã viết sẵn một di thư. Đây là người còn sống lại viết những việc bàn giao sau khi chết, thật sự là một việc hết sức tàn nhẫn. Lúc đó, tôi không thể đặt bút xuống viết. Vào lúc đó tôi đã suy nghĩ đến cha mẹ già của tôi, tôi vẫn chưa tận hiếu với họ. Cũng lúc đó tôi nghĩ đến đứa con thơ dại của mình không có ai chăm sóc. Nhưng vào lúc đó, việc sinh tử đã không do mình quyết định nữa, tôi không thể quyết định hay lựa chọn được nữa. Những ngày tháng đó có thể nói là tôi sống không được mà chết cũng không xong, sống không phải người mà cũng chẳng phải ma, sống mà không bằng chết. Cho nên, ngày hôm nay tôi có thể ngồi ở đây, có thể báo cáo và tự phản tỉnh với tất cả mọi người ở nơi đây, tôi nghĩ là ông trời đã mở cho một con đường sống, biết tôi có một ngày được ngồi ở diễn đàn để thuyết pháp, để cảnh báo tất cả y bác sĩ trên đời này không nên đi theo con đường của tôi, không nên phạm lỗi lầm mà tôi đã phạm, cho nên đã để cho tôi sống đến ngày hôm nay. Tôi nghĩ không phải tất cả ai cũng đều có kết quả giống như tôi.

Điều thứ ba mà đồng tiền bất chính mang lại là chết yểu.

Tuy không xảy ra đối với tôi, nhưng hai người bạn ở bên cạnh tôi đã cho hai minh chứng sống động. Tôi ở đây nói về sự việc của họ không phải là để chế nhạo họ, mà muốn thay họ ở nơi đây để thể hiện sự ăn năn sám hối, cũng là để cảnh tỉnh người khác. Trước tiên là một người nam, phụ trách mua sắm thiết bị chữa trị. Anh cũng đã kiếm được rất nhiều tiền bất nghĩa bỏ vào trong hầu bao của mình. Sau cùng, khi anh được bốn mươi tuổi, kiểm tra ra anh bị bệnh hạch bạch huyết, đã rời khỏi thế gian này từ lâu rồi. Còn một người bạn thân thiết khác với tôi là một cô gái. Cô phụ trách công việc thu chi cho quỹ cứu tế. Cô cũng đã không đem những món tiền này dùng vào sự nghiệp công ích cứu tế, mà đã đem số tiền này để hưởng thụ cuộc sống cho chính mình, dùng để ra vào những nơi sang trọng, mua sắm quần áo cao cấp. Cuối cùng vào năm ngoái, cô bị chuẩn đoán mắc bệnh ung thư tuyến tụy, cũng đã qua đời cách đây không lâu. Tôi nghĩ đến hai người bạn này của tôi, kể từ khoảnh khắc đưa tay ra để lấy đồng tiền bất chính thì họ tuyệt đối không hề nghĩ đến họ sẽ phải trả giá bằng chính sinh mạng của mình. Họ đưa tay ra thì khoảnh khắc đó đã bắt đầu đưa họ đi xuống suối vàng, đưa họ đi vào ngõ cụt, vào nơi không có lối ra.

Học tốt “Đệ Tử Quy”, làm một người công dân tốt.

Người xưa có câu nói: “Trời gây tai vạ còn có thể tránh, người gây tai vạ chỉ có thể chết”. Vì vậy, ở đây tôi cũng xin khuyên nhủ mọi người và cả những người xem qua truyền hình, bạn lấy những đồng tiền bất nghĩa thì hãy nhanh tay mà ngừng lại. Bạn không nên có tâm lý cầu may, bởi vì sau khi hết may mắn thì tất nhiên sẽ là bất hạnh.

Vào tháng bảy năm nay, tôi đã gặp và giao lưu trao đổi được một vị bác sĩ ở buổi tọa đàm tại Trạm Giang. Sau khi nghe tôi báo cáo chia sẻ xong, anh đã nêu ra vài vấn đề với tôi. Vấn đề thứ nhất anh muốn hỏi tôi: “Thiện ác không nhất định đều có báo ứng, cô nói sự việc của hai người bạn đó thì chỉ là một ví dụ, không đủ để làm chứng cứ, không đủ để tin, bởi vì bên cạnh tôi có rất nhiều bạn bè họ cũng làm rất nhiều việc không tốt mà tôi cũng không thấy họ bị một tai họa nào, hiện tại cũng sống rất là vẻ vang và ung dung”. Tôi nói: “Anh đừng hâm mộ họ. Chúng ta nhìn nhận vấn đề phải nhìn cốt lõi bên trong, họ có đó đều là tạm thời, bởi vì việc ác của họ vẫn chưa đủ lớn. Khi họ làm thêm nữa thì tai họa liền sẽ đến với họ, bởi vì đây là một quá trình tích lũy. Cuối cùng cũng sẽ có một ngày đủ số lượng và bắt đầu thay đổi, gọi là ác không tích thì không đủ để diệt thân. Bạn làm những việc đi ngược lại đạo nghĩa thì bạn tuyệt đối sẽ không tránh khỏi sự trừng phạt của phép tắc, quy luật tự nhiên đối với bạn, cũng gọi là lưới trời lồng lộng tuy thưa mà khó thoát, không có một ai là ngoại lệ, cũng không có một sai xót nhầm lẫn nào”. Anh nói: “Đúng vậy! Đó là việc xưa nay không hề thay đổi, đến nay cũng vậy. Nếu đã là chân lý ngàn đời không thay đổi thì nó cũng nhất định có đạo lý lưu truyền đến ngày nay, cũng là có lý do để nó tồn tại”. Tôi nói: “Đúng vậy, anh không tin không có nghĩa là nó không có”. Anh hỏi thêm một câu: “Đã nói như thế thì nếu tôi lấy những đồng tiền như vậy, lấy tiền không may ấy đi mua nhà thì nhà đó là nhà không may, đem mua xe thì chiếc xe đó là không may, nếu mua quần áo mặc thì là quần áo gì đây, vậy thì tôi cũng không dám mặc”. Tôi nói: “Đúng vậy”. Anh cũng hỏi thêm một vấn đề thực tế: “Vậy cô nói khi những tiền tài này mê hoặc, bày ra ở trước mắt, có ai mà chê tiền, có ai đi sợ tiền cắn tay chứ, vậy thì tôi làm sao có năng lực để tự khống chế để cự tuyệt sự dụ hoặc của những đồng tiền này?”. Tôi nói: “Đây cũng là việc anh phải có lý trí, cũng phải biết cách nhìn cho thấu đáo”. Tôi nói: “Anh phải ghi nhớ câu nói tôi sắp nói ra với anh. Những đồng tiền không may đó nó nhiều hơn những đồng tiền bình thường bốn chữ”. Anh nói: “Là bốn chữ gì vậy?”. Tôi nói: “Hai chữ đầu tiên đó là “tai họa”, hai chữ phía sau chính là “mất mạng””. Bạn bỏ vào túi của bạn một tờ tiền, sẽ có một tờ tiền vừa mang tai họa vừa lấy mạng của bạn. Chỉ cần một đồng tiền thì hạt giống ác đó đã được bỏ vào túi của bạn. Bạn đếm bao nhiêu tờ tiền thì có bấy nhiêu những hạt giống ác đó rơi vào trong túi tiền của bạn. Vả lại, những đồng tiền có thuộc tính như vậy sẽ theo bạn cả đời như hình với bóng, hai mươi bốn giờ một ngày, không rời bạn nửa bước, cũng không biết là ngày nào nó sẽ mang lại tai họa cho bạn, thậm chí là tai họa ngập đầu. Sau khi anh nghe tôi nói xong những điều này, anh đã hiểu được, cũng cảm thấy sợ. Anh nói: “Thật sự nếu là người không học tập văn hóa truyền thống thì muốn làm gì thì làm, không có gì ngăn được. Không có gì ngăn cản thì việc gì cũng dám làm”. Không học văn hóa truyền thống thật sự là một người không may. Đến nay cũng đã hơn năm tháng, tôi hiện tại đều nghĩ là một người bác sĩ tốt.

Tháng trước, tôi làm luận đàm ở Hồ Nam. Khi ở Trường Sa, một nữ sinh viên năm thứ ba đến gặp tôi cũng hỏi một vấn đề. Người hiện tại đều nói hiện thực, họ đều muốn hỏi một số vấn đề rất hiện thực“Thưa Bác sĩ Trương! Chúng ta làm bác sĩ nếu như không nhờ vào việc nhận số tiền ngoài lương này, không nhờ vào tiền phong bì, không nhận tiền chiết khấu thì chúng ta sống như thế nào đây?”. Tôi nói: “Cháu hỏi rất hay!”. Trước khi trả lời cháu cô cũng muốn hỏi cháu một vấn đề: “Từ xưa đến nay các vị lão tiền bối của chúng ta, những vị làm việc trong ngành y cũng không có nhận qua tiền phong bì, cũng không nhận tiền chiết khấu, có vị bác sĩ đức hạnh nào mà chết vì đói hay không, chết vì nghèo hay không?”. Cô bé nói: “Đúng là xưa nay chưa hề nghe qua có bác sĩ nào chết vì nghèo, vì đói cả”. Tôi nói: “Vậy thì đúng rồi, hễ là người có đức hạnh thì họ đều sẽ có một cuộc sống tốt đẹp”. Tôi nói: “Đây không phải là cô nói, mà là văn hóa truyền thống từ xưa đã nói với chúng ta rồi”.

Văn hóa truyền thống đã nói như thế nào? “Gọi là người thiện, người người kính trọng, đạo trời phù hộ, yêu tà xa lánh, phước lộc theo cùng, làm gì thành nấy”. Cô bé nói: “Đúng vậy, đích thực là như vậy”. Tôi nói: “Còn một điểm thứ hai cô muốn nói với cháu là gì? Đổi trở lại nếu như cháu không phải là người lấy bệnh nhân làm gốc, cháu không lấy con người làm gốc mà cháu để tiền bạc lên hàng đầu, cháu là vì tham tiền, vì muốn thỏa mãn dục vọng tiền bạc, nếu lấy việc này làm điểm xuất phát thì tiền đó đều là đồng tiền không may, sau khi cháu cầm vào trong tay rồi thì nó sẽ mang lại gì cho cháu vậy?”.

Trong văn hóa truyền thống cũng đã nói với chúng ta: “Hễ là người tích cóp đồng tiền bất nghĩa, ví như đói ăn thịt độc, khát uống rượu độc, được no chốc lát, cái chết đã cận kề”. Cô bé nói: “Vậy là có ý nghĩa gì?”. Tôi nói: “Hễ cháu lấy đồng tiền bất nghĩa thì giống như gì vậy? Giống như việc ta đói mà ăn thịt có độc, khát lại dùng rượu độc để uống, không những không hết đói, không hết khát mà sự chết chóc thì đã cận kề rồi, đã đến rồi!”. Tôi nói: “Cô cũng muốn nói với cháu, văn hóa truyền thống lại nói với chúng ta kết cục bi thương nhất là gì vậy? Cái chết có thừa, lại còn để tai ương đến đời con cháu. Chưa cần gặp phải đại họa nhưng chúng ta hối hận thì đã muộn rồi, hà tất gì phải như vậy. Không đạo thiện ác nào không có người thấy, xa là ảnh hưởng con cháu, gần là quả báo với chính mình. Mình còn gây tai ương cho con cháu của mình thì sẽ bị đời sau mắng trách, sẽ trở thành tội nhân của gia tộc”. Tôi nói: “Còn một điều nữa cô muốn nói với cháu, trong tuyên ngôn của bác sĩ có nói, đó là chúng ta bất luận trong tình trạng như thế nào cũng đều không thể bán đi lương tâm của chính mình, bán đi sự tôn nghiêm của chính mình, hay bán đi giá trị làm người của chính mình được. Không thể đem lương tâm ra để mua bán, để kiếm về những đồng tiền bất nghĩa thì ta mới là một bác sĩ tốt chân chính”. Cô bé nói: “Bác sĩ Trương à! Nghe cô nói cháu thật sự rất vui mừng. Lúc này, khi cháu vẫn chưa đi làm, được cô chỉ dạy như vậy, được nghe báo cáo như vậy, được nghe những lời giáo huấn của người xưa, cháu cảm thấy rất vui mừng. Nếu không thì cháu cũng sẽ là một bác sĩ thiếu đạo đức, cũng sẽ có một cuộc sống đầy tai họa”. Cô sinh viên này thật sự rất may mắn.

Bây giờ nghĩ lại, nếu như năm xưa tôi đã kịp học được văn hóa truyền thống thì tai nạn của tôi có thể đã không bị như vậy trong cuộc sống. Tai nạn của tôi vẫn còn chưa xong, bởi vì tôi còn chưa học tốt văn hóa truyền thống. Tôi đã tổn hại gia đình bệnh nhân nhiều đến như vậy, đã tổn hại đến sức khỏe và lợi ích của bệnh nhân, khiến cho gia đình người ta không thể đoàn viên hạnh phúc thì gia đình tôi có thể tốt được hay sao? Tôi có thể nói tôi đã kết hôn được mười tám năm thì cũng là mười tám năm chiến tranh. Tôi là một người phụ nữ mạnh mẽ. Tôi ngày ấy không hiểu quy luật tự nhiên: “Nam là trời, nữ là đất”, tôi vốn cho mình là trời trong gia đình, đẩy chồng xuống mặt đất, vậy gia đình tôi rốt cuộc thế nào? Là trời đất đảo lộn. Hai - ba ngày cãi vã nhỏ, năm - bảy ngày cãi vã lớn, thật sự là một người lấn lướt uy thế. Sau cùng, kết cục của tôi rất bi thảm. Nếu không học văn hóa truyền thống thì tôi hiện tại có thể là một người phụ nữ đã ly dị chồng rồi. Vậy con cái của tôi ở trong hoàn cảnh gia đình như vậy sẽ lớn lên như thế nào đây? Còn nhỏ thì tương đối biết vâng lời, lớn lên thì bắt đầu xung đột với tôi, thường xuyên đóng cửa lại không  nghe lời của tôi, thậm chí còn đẩy tôi ngã ra sàn nhà mặc kệ tôi sống hay chết. Nó nói: “Hiện tại con biết mẹ đau khổ, bây giờ thì mẹ biết rồi, vậy trước kia khi mẹ và ba cãi vã nhau thì mẹ có nghĩ qua cảm nhận của con như thế nào hay không? Mẹ ngày nay đau khổ là đáng lắm rồi, mẹ tự mình làm ra cái khổ thì tự mình chịu”. Khi tôi nghe những lời tuyệt tình như vậy của đứa con nói, tôi nản lòng thối chí. Sự đau khổ trong cuộc sống của tôi, sức khỏe tôi đã suy sụp, càng trở nên đau khổ hơn, bị giày vò hơn. Hôn nhân của tôi bất hạnh như vậy, con cái lại không hiếu thảo, không ngoan ngoãn như vậy, lúc đó có thể nói tôi rớt xuống đáy của cuộc sống, thất vọng não nề. Tôi cảm thấy tôi đến thế gian này là để chịu khổ, số mạng tôi sao khổ như vậy. Người khác đều hỏi tôi: “Bạn có biết đủ hay không? Bạn hạnh phúc như vậy nhưng bạn lại không biết đủ thôi”. Tôi nói: “Tôi hạnh phúc ở chỗ nào chứ?”. Gia đình hạnh phúc thì nó như thế nào, cảm giác hạnh phúc như thế nào chứ, xưa nay tôi chưa từng cảm nhận qua, tôi chưa từng thể hội qua.

Trong khi cuộc sống của tôi suy sụp nhất, thất vọng nhất, cảm thấy bất lực nhất, tôi lại rất may mắn nghe được giáo huấn của Thánh Hiền, được xem đĩa “Đệ Tử Quy”. Tôi tham gia vào Trung tâm Văn hóa Truyền thống Cao Bia Điếm, là diễn đàn công ích Cao Bia Điếm Hồ Bắc. Tôi vừa học, vừa xem, vừa nghe, tôi đã hiểu được: “Hành hữu bất đắc phản cầu chư kỷ”, “họa phước vô môn duy nhân tự chiêu”, cả cuộc đời bất hạnh của tôi đều do chính tay một mình tôi tạo ra. Tôi chưa có làm tốt đạo làm vợ, chưa có đôn luân tận phận. Tôi không biết làm một người phụ nữ thì phải nên như thế nào, đức hạnh như thế nào, tôi đều không hiểu. Sau khi tôi hiểu được những đạo lý này rồi, tôi rốt cuộc cũng đã khiến cho cái đầu ngẩng cao của một người bốn mươi hai tuổi cúi thấp xuống. Tôi tìm chồng của tôi, cúi đầu với anh, rửa chân cho anh, khẩn cầu anh tha thứ cho tôi, tha thứ cho sự giày vò và tổn thương anh trong suốt mười tám năm qua. Chồng tôi anh ấy cũng rất khoan dung đối với tôi, anh nói: “Em chịu sửa là được rồi, chúng ta vẫn còn có tương lai hạnh phúc”. Từ đó về sau tôi chăm lo cho chồng, lại cùng đến trước mặt cha mẹ hai bên quỳ lạy, cầu xin họ tha thứ cho tôi suốt mười tám năm nay đã khiến họ lo lắng bất an. Tôi còn hứa với cha mẹ hai bên tôi nhất định sẽ làm một người con tốt, làm người dâu tốt, làm người vợ tốt, làm người mẹ tốt, chăm lo tốt gia đình của mình, để khiến cho cha mẹ hai bên không còn lo lắng nữa. Sau đó thì đứa con của tôi cũng thay đổi rất nhanh, hiện tại cũng đang làm thiện nguyện trong Trung tâm văn hóa truyền thống, vả lại còn cố gắng hết sức để truyền bá văn hóa truyền thống. Gia đình tôi đã hồi phục lại thành một gia đình hạnh phúc rất nhanh. Vào lúc này, tôi mới biết một gia đình hạnh phúc thì như thế nào. Thật sự tôi rất biết ơn nền văn hóa truyền thống.

Nhưng sau khi gia đình tôi chuyển biến thì tôi lại nghĩ đến tôi còn vai trò trong xã hội, vẫn là một bác sĩ. Năm xưa tôi đã làm ra những sự việc vô đạo đức, đã tổn hại rất nhiều bệnh nhân, cho nên tôi thật sự rất có lỗi với họ. Trước tiên tôi có lỗi với đất nước bao nhiêu năm đào tạo bồi dưỡng cho tôi. Tôi có lỗi với cha mẹ. Cha mẹ đã chọn nghề nghiệp bác sĩ cho tôi. Tôi cũng có lỗi với lãnh đạo trong bệnh viện của tôi khi xưa đã tín nhiệm tôi. Tôi cũng có lỗi với những bác sĩ có y đức, đã để vết nhơ cho ngành y. Tôi cũng có lỗi với tên gọi là thiên thần áo trắng. Tôi có lỗi nhất chính là đối với những bệnh nhân năm xưa của tôi và cả người nhà của họ. Tôi muốn tất cả những người xem ở Thành phố Phúc Châu này làm sự chứng kiến cho tôi. Tôi ở nơi đây dùng tâm chân thành nhất của mình để nói với họ một tiếng: “Tôi xin lỗi, tôi sai rồi!”.

Người không phải Thánh Hiền ai mà không có lỗi, lỗi mà biết sửa là thiện của thiện. Khi tôi ở bệnh viện, nhìn thấy bệnh nhân tôi đều nhìn họ thành cha mẹ người thân của tôi, thành anh chị em của tôi, thường đứng trên góc độ của họ để mà suy nghĩ, có thể dùng ít tiền để giúp thuốc men trị hết bệnh cho họ. Tôi không những dùng mấy mươi đồng, thậm chí là mấy trăm đồng tiền thuốc để giúp đỡ những người không thể khám bệnh hoặc là những người không mang đủ tiền để khám bệnh. Tôi đều lấy tiền túi của chính mình ra để trả hộ cho họ, để cho họ có thể kịp thời trị liệu, để phục hồi sức khỏe kịp lúc. Trong những buổi luận đàm văn hóa, sau khi trở xuống, tôi vào lúc này mới biết được thứ quý báu nhất là gì vậy? Là giá trị của làm người, là tôn nghiêm của làm người, đến nay tôi đã tìm được rồi. Mỗi ngày tôi đều cảm thấy tâm an lý đắc, rất dễ chịu, rất vui sướng. Loại vui sướng này phát xuất từ trong nội tâm, tuyệt đối không phải là việc bạn cho tôi phong bì, hay cho tôi bao nhiêu tiền chiết khấu mà mua được, nó là vô giá, cho nên hôm nay tôi mới có thể có dũng khí, có dũng cảm để ngồi ở đây mà báo cáo với mọi người ở nơi này.

Phía trước, tôi đã kể việc tôi nhận tiền phong bì của người bị bệnh tim, người bệnh này đã qua đời rồi lâu rồi. Tôi đời này đã không còn cơ hội nào để đứng trước mặt người đó nói lời xin lỗi, xin anh tha thứ, nhưng tôi nghĩ, có thể nào đứng trước người nhà của họ, đối mặt với họ và xin họ tha thứ, có như vậy thì lòng tôi mới cảm thấy an ổn được. Người có thiện nguyện trời đất sẽ phù hộ. Khi làm đến buổi tọa đàm thứ ba, tôi ở trên giảng đài đã nêu ra cái nguyện vọng này. Thông qua sự giúp đỡ của bạn bè, trải qua cố gắng mười mấy ngày, trong biển người mênh mông, rốt cuộc cũng đã tìm được gia đình của họ. Vào ngày 07 tháng 04 hôm ấy, tôi đã đích thân đến nhà xin lỗi, khẩn xin gia đình họ tha thứ cho hành vi không đạo đức năm xưa của tôi, đồng thời tôi cũng đã đem số tiền tương đương với mười lần số tiền phong bì ngày xưa để trả lại cho người ta.

Bởi vì thời gian cũng đã hết rồi, tôi muốn xin nói thêm một phút nữa. Việc bản thân tôi sau khi học tập văn hóa truyền thống đã thể hội được ba điểm:

Thứ nhất, người quân tử yêu tài thì phải có đạo nghĩa, không phải bạn có tiền nhiều thì bạn sẽ hạnh phúc. Bạn muốn tâm không hổ thẹn, tâm được an thì tiền của bệnh nhân bạn không thể lấy một đồng một xu nào. Tôi xin tính ra một chút. Nếu như một người bác sĩ một ngày xem bệnh cho khoảng năm mươi người, một tháng cộng lại cũng hơn 1.000 người, vậy thì một năm tính lại cũng hơn vạn người. Người xưa có câu: “Người người lên án, không bệnh cũng chết”, nếu như bạn đắc tội nghìn vạn người như vậy thì dù bạn không mắc bệnh, chỉ bị mắng thôi cũng đủ chết. Số lượng nghìn vạn người bạn đắc tội đó chính là người người lên án, vậy thì kết quả sẽ như thế nào? Tôi nghĩ mỗi người đều thông minh hơn tôi, mọi người đều biết phải lựa chọn thế nào, trong tự mình đều có đáp án.

Thứ hai, không những làm bác sĩ mà làm giáo viên, làm cảnh sát, các ngành các nghề, quyền cao chức trọng, chỉ cần bạn vì xã hội đại chúng mà phục vụ. Công chức hay nhân viên, bạn đều không thể lợi dụng quyền hạn chức vụ trong tay mà lấy những đồng tiền bất nghĩa này, lấy những phong bì này. Nếu như bạn lấy thì tội của bạn tăng lên bội phần, tai họa sẽ kéo nhau đến với bạn. Làm điều bất nghĩa tất tự đẩy mình vào chỗ chết. Chúng ta phải nên nhớ một câu của Hồ chủ tịch: “Thường tu đức chánh trực, thường nghĩ đến điều hại của tham, thường biết tự kiềm chế bản thân”.

Thứ ba, chúng ta sanh ra ở trên đời này không nên làm những việc trái lương tâm, trái trời đất, có như vậy mới không thẹn với trời, không thẹn với người, có như vậy thì chúng ta sẽ không có lỗi với cha mẹ đã dẫn dắt chúng ta đi đến thế gian này. Làm người tốt chân thật thì chúng ta hãy cố gắng hết sức để làm, làm một cách triệt để, một cách thoải mái nhẹ nhàng. Một người đường đường chính chính, đó là dáng vẻ của con người, có như vậy chúng ta mới có thể không phải xảy ra điều hối tiếc, không làm kẻ phạm tội.

Sau cùng, tôi nguyện tất cả bác sĩ đều là bác sĩ tốt, tất cả mọi người đều khỏe mạnh, tất cả gia đình đều hạnh phúc. Cũng nguyện mong văn hóa truyền thống của chúng ta có thể truyền đời này sang đời khác. Xin cảm ơn mọi người!                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                              

A Di Đà Phật!

Cẩn dịch: Vọng Tây Cư Sĩ, Viên Đạt Cư Sĩ, Mộ Tịnh Cư Sĩ, Phước Tịnh Cư Sĩ.

/2
 

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây