Tìm kinh sách
 
        Kinh Sách FULL

Phát Khởi Bồ Tát Thù Thắng Chí Nhạo Kinh Giảng Ký

Phát Khởi Bồ Tát Thù Thắng Chí Nhạo Kinh Giảng Ký
發起菩薩殊勝志樂經講記
Chủ giảng: Lão Hòa Thượng Thích Tịnh Không
Chỉnh lý: Cư sĩ Truyền Tịnh
Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa

Chương 2: II. BẢO TÍCH - PHÁP BẢO TÍCH TẬP

Trước khi giảng kinh, trước hết, tôi sẽ giới thiệu đơn giản về bộ kinh này. Bản kinh này là một hội của kinh Đại Bảo Tích; vì thế, trước hết, tôi sẽ giới thiệu sơ lược kinh Đại Bảo Tích.
          Ngẫu Ích đại sư nói: “Bắt đầu từ Hoa Nghiêm, kết thúc tại Đại Niết Bàn”. Câu nói này bao quát toàn bộ bốn mươi chín năm giảng kinh thuyết pháp của đức Thích Ca Mâu Ni Phật. “Hết thảy pháp tạng của hàng Bồ Tát đều gọi là Phương Đẳng”. Do vậy, phạm vi của Phương Đẳng hết sức rộng rãi.
“Phương” () là phương tiện. Trong nhà Phật thường nói: “Từ bi là gốc, phương tiện là cửa”. Hết thảy kinh pháp do đức Phật đã nói đều là pháp phương tiện, chứ pháp chân thật không thể nói ra được. Luận về chân thật, [kinh văn] thường nói: “Ngôn ngữ đạo đoạn, tâm hành xứ diệt” (Ngôn ngữ dứt bặt, tâm hành xứ diệt). Bởi thế pháp gì có thể nói ra được thì đều là pháp phương tiện cả.
“Đẳng” () là bình đẳng, ý nghĩa giống với chữ “Bình Đẳng Giác” trong đề mục kinh Vô Lượng Thọ. Sở dĩ, chữ Phương Đẳng tượng trưng cho toàn bộ Phật pháp là vì xưa kia, Tổ Sư đại đức đem giáo pháp cả một đời của đức Thế Tôn chia thành năm thời kỳ. Phương Đẳng thuộc thời kỳ thứ ba, điều này có ý nghĩa đặc biệt.
“Nay trong pháp Đại Thừa, chọn riêng những pháp thích hợp với căn cơ Đại Thừa gọi là Hoa Nghiêm bộ”. Vì thế, đối tượng của kinh Hoa Nghiêm là người căn tánh thượng thượng thừa, bốn mươi mốt địa vị Pháp Thân Đại Sĩ nói trong kinh đó chính là đương cơ của hội Hoa Nghiêm. Còn thì “dung thông Không - Hữu”, Không - Hữu bất nhị, tánh - tướng như một, những pháp được nói như thế thuộc về Bát Nhã bộ. Ấy là vì dùng trí tuệ chân thật thì mới có thể thấu hiểu rõ ràng chân tướng sự thật. “Khai Quyền hiển Thật” là Pháp Hoa. “Hiện diệt, bàn Thường, gọi là Niết Bàn bộ”. Duyên giáo hóa của Phật Thích Ca Mâu Ni đã hết, Ngài bèn thị hiện nhập Niết Bàn, lời di giáo tối hậu nhằm cảnh tỉnh chúng ta tu học phải dụng công ở chỗ nào. Những lời răn dạy ấy xếp vào bộ Niết Bàn. Đó là bốn giai đoạn của pháp Đại Thừa.
“Ngoài ra, dù Hiển hay Mật, hoặc đối Tiểu hiển Đại” (trái với Tiểu Thừa gọi là Đại Thừa) “hoặc dạy khắp nhân quả, sự lý, hạnh vị, trí đoạn của chư Phật, Bồ Tát” (Hạnh là tu hành, Vị là quả vị chứng đắc. Ví như năm mươi mốt địa vị Bồ Tát: Thập Tín, Thập Trụ, Thập Hạnh, Thập Hồi Hướng... đều thuộc vào Vị. “Trí đoạn”: Trí là trí huệ, Đoạn là đoạn phiền não, đoạn vô minh. Nói đến đoạn phiền não thì nhất định phải khai trí huệ; Định chỉ có công năng khuất phục phiền não, chẳng thể đoạn nổi phiền não) “đấy đều là bộ Phương Đẳng” (do đó, có thể biết là nội dung của Phương Đẳng rộng lớn phi thường), “chẳng giống như lời ngoa truyền trong đời, nói [thời Phương Đẳng] chỉ gồm tám năm”. Đấy là lời giảng thông thường về năm thời thuyết giáo, ý nghĩa hết sức hạn hẹp.
[Ý nghĩa của chữ] Phương Đẳng được giảng ở đây so ra chẳng giống với ý nghĩa được giảng trong tông Thiên Thai, [tôi giảng] chữ “Phương Đẳng” này bao gồm hết thảy kinh giáo đức Thế Tôn đã nói trong bốn mươi chín năm. Do kinh Đại Bảo Tích thuộc bộ Phương Đẳng nên trước hết, tôi giới thiệu sơ lược qua ý nghĩa của Phương Đẳng.
          Kinh Đại Bảo Tích có bốn mươi chín hội, gồm bảy mươi bảy phẩm. Mỗi một hội là một bộ kinh. Do đó, có thể biết là bộ kinh Đại Bảo Tích này giống hệt như tụ tập các kinh để tạo thành một bản hợp tuyển vậy. Nội dung kinh rất phong phú, người phiên dịch bộ kinh này cũng chẳng phải là một người, mà là do nhiều người phiên dịch. Vì thế, các sư có vị phiên dịch một hội, cũng có vị phiên dịch hai, ba hội. Trước đời Đường, chưa có ai tập hợp các kinh này lại, nên chúng được lưu hành từng bộ riêng rẽ. Kinh Vô Lượng Thọ của Tịnh tông chúng ta cũng nằm trong kinh Đại Bảo Tích, bản được phiên dịch vào thời Đường là hội thứ năm của kinh Đại Bảo Tích [mang tên] “Vô Lượng Thọ Hội”.
Ngài Bồ Đề Lưu Chí đến Trung Quốc vào thời Võ Tắc Thiên nhà Đường. Ngài thấy đại bộ phận kinh Đại Bảo Tích gần như đã được phiên dịch, nhưng chưa hoàn chỉnh. Vì thế, một lần nữa Ngài lại đem những bản kinh đã được người khác chú thích nhưng chưa phiên dịch, dịch toàn bộ ra. Vì vậy, Ngài dịch được ba mươi sáu hội, gồm ba mươi chín quyển. Sau đó, đem các bản dịch của những vị pháp sư khác (gồm hai mươi ba hội, tám mươi mốt quyển) gộp vào [bản do Ngài đã dịch], gạn lọc, tạo thành một bộ kinh Đại Bảo Tích hoàn chỉnh, tổng cộng bốn mươi chín hội, một trăm hai mươi quyển. Hiện thời chúng ta có thể xem [toàn bộ kinh Đại Bảo Tích] trong Đại Tạng Kinh, hình như ở Đài Loan kinh này cũng có bản lưu hành riêng. Đấy là toàn bộ kinh Đại Bảo Tích.
         
          * Vì sao gọi là Bảo Tích?
 
          Có cách giải thích như sau:
“Pháp bảo tích tập. Là pháp Đại Thừa thâm diệu nên gọi là Bảo”. Bốn mươi chín hội trong kinh này là bốn mươi chín bộ kinh, mỗi một bộ đều thâm diệu chẳng thể nghĩ bàn, vì thế sánh ví với “Bảo” (: của báu). “Vô lượng pháp môn gồm thâu trong đây” cho nên gọi là “Tích” (), Tích nghĩa là tụ tập. “Bảo Tích Kinh Luận quyển một chép:” Bảo Tích Kinh Luận là sách chú giải kinh này, nhưng không còn toàn vẹn, chỉ có bốn quyển, ai chú giải cũng không biết, đã thất truyền, nhưng lời bàn luận được lưu trong Đại Tạng Kinh, sách này giải thích đơn giản đề mục kinh. Sách ấy viết: “Hết thảy các pháp sai biệt trong pháp bảo Đại Thừa được kinh này gom sạch, nên gọi là Bảo Tích”. Từ một câu này, chúng ta có thể hiểu đại khái ý nghĩa của đề mục kinh này. Giới thiệu giản lược về Phương Đẳng và kinh Đại Bảo Tích thuộc Phương Đẳng Bộ như thế.
 
                                                                                     ---o0o---

/14
 

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây