Tìm kinh sách
 
        Kinh Sách FULL

Truyện cổ Phật giáo

Truyện cổ Phật giáo

 

Chương 19: 19. Vua Lưu Ly

TRUYỆN CỔ PHẬT GIÁO
Diệu Hạnh Giao Trinh sưu tầm và kể chuyện, Nguyễn Minh Tiến hiệu đính và giới thiệu

PHẦN I: Những chuyện đương thời Đức Phật

19. Vua Lưu Ly

Sinh ra thân phận tỳ nữ, một bước lên ngôi hoàng hậu, thật là một điều không phải dễ. Thế mà điều ấy đã thật sự xảy ra cho phu nhân Mạt Lợi. Bà sinh ra làm tỳ nữ, sau được làm vợ vua Ba Tư Nặc và trở thành hoàng hậu của nước Kiều Tát Di La. Chuyện gì đã xảy ra khiến cho cuộc đời bà có sự thay đổi to lớn ấy? Đó là do nhân duyên sau đây:

Thời ấy nước Ấn Độ cũng giống như dưới thời Chiến Quốc ở Trung Hoa, phân thành rất nhiều nước nhỏ, mà giàu mạnh nhất phải nói là nước Kiều Tát Di La.

Có một hôm, vua của nước Kiều Tát Di La là Ba Tư Nặc xin cầu thân với nước lân bang là Ca Tỳ La Vệ, vì ở Ấn Độ lúc ấy, Ca Tỳ La Vệ nổi tiếng là nước có nhiều mỹ nhân. Nước Ca Tỳ La Vệ tuy nhỏ bé nhưng không muốn đưa nàng công chúa xinh đẹp tuyệt vời của họ về làm vương phi nước Kiều Tát Di La, vì thế trưởng giả Ma Ha Nam trong thành mơi nghĩ ra một kế, đó là đưa cô tỳ nữ Mạt Lợi trong nhà cải trang làm công chúa, gả về làm hoàng hậu của vua Ba Tư Nặc.

Cả nước Kiều Tát Di La đã bị mắc lừa, và đây cũng là nguyên nhân đưa nước Ca Tỳ La Vệ đến chỗ diệt vong sau này.

Phu nhân Mạt Lợi tiến cung rồi, được tất cả mọi người tán thán nhan sắc kiều diễm cùng đức tính phúc hậu hiền lành, nên không một ai nghi ngờ hay đặt câu hỏi về thân thế của bà.

Được làm hoàng hậu, mặc thì chỉ mặc lụa là gấm vóc, ăn thì chỉ ăn sơn hào hải vị, lại được quốc vương sủng ái, cuộc sống của phu nhân Mạt Lợi thật là sung sướng.

Chẳng bao lâu sau, bà sinh hạ cho vua Ba Tư Nặc một vị thái tử. Vị thái tử này không ai xa lạ, chính là người sở hữu khu vườn xinh đẹp nhất được ông trưởng giả Cấp Cô Độc mua bằng vàng để dâng cúng cho đức Phật, tức là thái tử Kỳ-đà. Nhưng về sau thái tử không được lên làm vua vì bị người em là thái tử Lưu Ly giết chết.

Lưu Ly là hoàng tử thứ hai của phu nhân Mạt Lợi, không những giết anh mà còn giết luôn vua cha, đồng thời cũng đã tiêu diệt cả nước Ca Tỳ La Vệ, quê hương của mẫu hậu. Tại sao thái tử Lưu Ly tạo ra tội ác tày trời này? Đó cũng là do nhân duyên sau đây:

Lúc thái tử Lưu Ly còn bé đã cùng công tử Khổ Mẫu, con của một vị đại thần, sang nước Ca Tỳ La Vệ học bắn cung. Kỹ thuật bắn cung của dân nước Ca Tỳ La Vệ rất điêu luyện nên có rất nhiều vương tôn công tử từ các nước khác đến xin theo học.

Một hôm trong nước Ca Tỳ La Vệ, trên đường đi đến trường, thái tử Lưu Ly cùng công tử Khổ Mẫu đi ngang một ngôi nhà nguy nga tráng lệ, trong đó có một tòa giảng đường rất trang nghiêm. Thái tử Lưu Ly bèn trèo lên bảo tòa sư tử ngồi chơi. Lúc ấy có một đoàn người bước vào, thấy thái tử Lưu Ly trên tòa báu, nổi giận mắng rằng:

– Mi là con của một đứa nữ tỳ hạ tiện, làm sao cả gan bước vào tòa giảng đường linh thiêng của ta và làm ô uế bảo toà sư tử này? Mi có biết là bọn ta xây ngôi giảng đường này để tiếp rước bậc đại thánh là đức Phật Thích-ca về quê không? Làm sao một đứa ti tiện như mi lại có thể đặt chân đến một chỗ thanh tịnh như thế này, có mau mau cút đi cho ta không?

Tuy thái tử Lưu Ly còn rất trẻ nhưng tự ái đã bị tổn thương trước những lời sỉ nhục như thế, khuôn mặt đỏ bừng xấu hổ. Chàng lặng lẽ rời ngôi giảng đường đi thẳng một mạch về nước Kiều Tát Di La, cắn răng nghiến lợi nói với Khổ Mẫu rằng:

– Khổ Mẫu! Chuyện ngày hôm nay huynh hãy nhớ giùm tôi! Ngày nào tôi lên ngôi vua, thì việc thứ nhất là báo thù rửa cái nhục hôm nay!

Khổ Mẫu bản tính vốn hiếu chiến, nên nghe thái tử nói thế, khen ngợi rằng:

– Thái tử thật là dũng cảm! Tôi quyết sẽ giúp thái tử báo cừu, chỉ cần thái tử giữ vững chí khí ngày hôm nay!

Từ ngày hôm đó trở đi, thái tử ghi khắc trong lòng chuyện mình đã bị nhục mạ, lúc nào câu chuyện ấy cũng như đang diễn ra trước mắt, cho đến trong giấc ngủ, trong giấc mơ cũng không quên được. Vì thế mà chàng canh cánh lo nghĩ đến chuyện lên ngôi kế vị. Chàng thường thất vọng trước sức khoẻ tráng kiện của vua cha, và còn phiền não hơn nữa là sau vua cha còn có người anh là thái tử Kỳ-đà.

Ý muốn sớm rửa hận đã che mờ lương tâm lý trí của thái tử Lưu Ly, chàng hãm hại anh rồi giết chết vua cha, lập tức lên ngôi và phong Khổ Mẫu làm đại thần. Khổ Mẫu vô cùng kiêu ngạo, tâu rằng:

– Đại vương! Ngài có nhớ đã bị giòng họ Thích-ca sỉ nhục không? Chúng ta phải báo thù!

Vua Lưu Ly ngày đêm nhớ nghĩ chuyện cũ trong đầu, làm sao mà quên cho được. Ông nói một cách sôi nổi:

– Từ ngày hôm ấy trở đi, mối thù này đã khắc ghi sâu đậm trong lòng ta, vĩnh viễn không thể nào quên, chỉ hận là không được lên ngôi sớm! Khổ Mẫu, bây giờ đã đến thời rửa hận, ta không thể nhẫn nại được nữa. Khanh hãy mau triệu tập ba quân, chuẩn bị mọi sự!

Lệnh vua đưa ra ai dám không tuân, Khổ Mẫu bèn chọn lựa một cách nghiêm khắc những vị tướng sĩ tinh nhuệ nhất, và vua Lưu Ly thân hành kiểm duyệt. Xong đâu đó, họ kéo quân đến nước Ca Tỳ La Vệ.

Nước Ca Tỳ La Vệ giáp giới với nước Kiều Tát Di La, từ xưa đến nay hai nước vốn giữ tình lân bang tốt đẹp, quen sống hoà bình, dân chúng hai bên thường qua lại buôn bán với nhau, nên ngày vua Lưu Ly bất thần khởi binh vấn tội, khi quân lính giữ thành biết là tình thế không ổn thì đã quá trễ, đoàn quân của vua Lưu Ly đã rầm rộ tiến vào thành như nước triều dâng, bao vây cung điện của vua như một vòng vây sắt.

Chỉ trong vòng nửa ngày, trọn thành Ca Tỳ La Vệ bị họ tàn sát, và bất cứ người nào của dòng họ Thích-ca, dầu nam hay nữ cũng bị giết sạch. Tử thi ngổn ngang đầy đường, thật là một cảnh thảm thương không thể chịu thấu. Hôm ấy, dòng họ Thích-ca đã bị vua Lưu Ly diệt tận.

Lúc ấy, đức Phật đang thuyết pháp ở tinh xá Kỳ Viên trong thành Xá Vệ. Ngài biết chuyện, chỉ thở dài mà nói:

– Kẻ tội nhân vô đạo đại nghịch ấy chỉ trong bảy ngày là sẽ bị chết cháy trong lửa dữ, và chết rồi sẽ đọa xuống địa ngục Vô gián chịu khổ!

Đức Phật là bậc đại thánh, nói ra lời nào đều là lời chân thật, không thể không tin. Vì thế, khi các vị đại thần đương triều đem tin này trình lên vua Lưu Ly, thì ông vua này mặt xanh mày xám, tóc tai dựng đứng! Làm tội ác tày trời thì làm, nhưng làm người trên thế gian, ai là người không sợ chết, ai là người muốn chịu khổ? Đằng này đã chết mà còn phải chịu khổ, sức người nào kham nổi! Do đó vua Lưu Ly rất phiền não và sợ hãi. Khổ Mẫu đứng bên cạnh thấy thế tâu rằng:

– Đại vương! Xin ngài đừng sợ, đó chỉ là những lời dối trá bịp bợm. Đại vương thử suy nghĩ cũng biết, khi một người Bà-la-môn tới đây cầu xin chuyện gì mà không được, họ bèn nguyền rủa ngài, cầu cho ngài gặp đủ chuyện xui xẻo. Hôm nay ngài đã giết sạch dòng họ Thích-ca của Phật, thì làm sao ông ấy không thốt lời oán than? Phật và Bà-la-môn có điểm khác nhau là ông Phật hiện đang buồn rầu. Kệ, cho ông ấy cứ việc nguyền rủa. Đại vương, xin ngài hãy an tâm.

Tuy Khổ Mẫu nói những lời bùi tai như thế nhưng vua Lưu Ly không thể nào an tâm nổi, Khổ Mẫu bèn nghĩ ra một giải pháp:

– Đại vương, nếu thật sự ngài không an tâm được, thì thần có một giải pháp này bảo đảm chắc chắn thoát nạn. Chúng ta có thể lên một con tàu bơi ra ngoài khơi, chờ bảy ngày sau tai nạn qua rồi thì lại bơi về. Đó không phải là một giải pháp hoàn hảo hay sao?

Vua Lưu Ly quá phiền não nên đâm ra mê muội, chỉ còn biết nghe theo lời bày vẽ của Khổ Mẫu và ra lệnh chuẩn bị tàu bè. Ngay chiều ngày hôm ấy, vua Lưu Ly, Khổ Mẫu và một đoàn rất nhiều cung nữ mang theo những thứ cần dùng lên tàu, vội vàng nhổ neo ra khơi.

Những người này bình thường có bao giờ đi biển, nên đời sống trên biển đối với họ rất khổ sở. Tuy được bao nhiêu mỹ nữ bao quanh, được ăn những món ăn tuyệt diệu, nhưng vua Lưu Ly tâm vẫn bất an và sống thì không thoải mái, cảm thấy khó chịu vô cùng, một ngày dài dằng dặc tưởng bằng ba năm! Nhưng cứ qua đi một đêm là Khổ Mẫu lại lớn tiếng cổ võ:

– Qua được mấy ngày rồi, chỉ còn mấy ngày nữa thôi là chúng ta có thể trở về thành!

Tuy Khổ Mẫu hô hào như thế nhưng tai nạn vẫn không thể tránh khỏi.

Buổi sáng sớm ngày thứ bảy, Khổ Mẫu oang oang nói:

– Chỉ một đêm nữa thôi, ngày mai chúng ta sẽ về thành!

Đoàn cung nữ chịu hết nổi đời sống tù túng vô nghĩa trên tàu, cô nào cũng phiền trách Khổ Mẫu, nhưng nghe nói ngày mai sẽ về thành, ai nấy đều vui mừng tột độ.

Đêm về khuya, đèn đuốc trên tàu được đốt sáng choang huy hoàng, mọi người ca xang múa hát vô cùng huyên náo, họ trầm mình trong cuộc vui, quên hẳn mình đang ở trên biển để lánh nạn.

Có lẽ phúc báo của vua Lưu Ly đã đến thời kiệt tận, hay trời không dung dưỡng tội ác của ông nữa, nên đương lúc mọi người đang ăn chơi thích thú thì mặt trăng đang chiếu sáng trên không trung bỗng bị mây đen giăng phủ che kín và một trận cuồng phong nổi dậy.

Con tàu của vua Lưu Ly to lớn như thế mà cũng theo sóng biển lắc lư dao động không ngừng. Những tấm phướng, tấm màn treo trên cao bị gió thổi bay phần phật, chạm phải các ngọn đèn, lập tức bén lửa. Ngọn lửa bắt qua các tấm vách bằng gỗ và trong khoảnh khắc, giống như những con rắn lửa bay lượn khắp nơi.

Mọi người kinh hoàng, tuy trước mặt không có đường thoát nhưng ai nấy cũng luống cuống chạy loạn xạ. Cuối cùng vua Lưu Ly, Khổ Mẫu và đoàn cung nữ không một người nào trốn thoát, tất cả đều cùng con tàu to lớn chịu chung một số phận, là bị chết cháy ngay trên mặt biển, để rồi tất cả đều chìm xuống dưới đáy biển sâu.

Quả báo nhãn tiền mà vua Lưu Ly phải chịu là một tấm gương cho dân chúng Ấn Độ đương thời, đồng thời cũng cho chúng ta thấy rõ ràng rằng nhân quả báo ứng không sai một đường tơ kẽ tóc.

 
/99
 

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây