Tìm kinh sách
 
        Kinh Sách FULL

Thái Thượng Cảm Ứng Thiên

Thái Thượng Cảm Ứng Thiên là một quyển sách khuyến thiện đệ nhất trong kho tàng kinh điển của Đạo gia, được Ấn Quang Đại Sư hết sức tán thán. Ấn Quang Đại Sư một đời cung kính ấn tống “Thái Thượng Cảm Ứng Thiên” ước khoảng có hơn ba triệu bản. Hơn nữa Lý Bỉnh Nam cư sĩ, Tịnh Không Lão Pháp Sư cũng đều khích lệ thế nhân “Khuyến đọc, khuyến hành, khuyến in, khuyến giảng”. Quyển sách này cùng với Đệ Tử Quy, Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh là ba căn bản của Nho-Thích-Đạo, bất luận là ai cũng phải từ ba căn bản này mà học tập vun bồi cọi rễ, như thế mới có thể đạt được thành tựu chân thật trong một đời.

Chương 10: Đạo Là Gì?

Đạo Là Gì?Đạo là con đường mà mọi người nên đi theo. Đó là con đường nào? Đó chính là con đường “đại công, vô tư”.

Hôm nay chúng ta nghiên cứu về đề tài: Thế nào gọi là Đạo? Đạo là con đường mà mọi người đều nên đi theo. Con đường đó là gì? Đó là con đường “đại công vô tư” (công bằng, không thiên lệch). Trong sách Lễ Ký, thiên Lễ Vận có nói: “Khi Đại Đạo được thi hành thì thiên hạ là của chung” (Đại Đạo chi hành dã, thiên hạ vi công) [1]. Đó là chủ đề, đoạn văn tiếp theo chẳng qua chỉ là giải thích nghĩa lý của con đường Đại Đạo. Tôi thường nói rằng: “Nho giáo giống như bậc Tiểu học, Đạo giáo giống như bậc Trung học, và Phật giáo ví như bậc Đại học.” Học trò Tiểu học thì không thể hiểu được bài vở của bậc Trung học, và học trò Trung học thì không thể hiểu được bài vở của bậc Đại học.

Có thể có người thắc mắc: “Thầy nói thế thì có gì làm căn cứ?” Sau khi hỏi Lão Tử về Lễ, Khổng Tử tán dương Lão Tử, nói rằng Lão Tử ví như con rồng du phương, có thể lúc ẩn lúc hiện khôn lường và biến hóa vô cùng. Do đó mà thấy thì hình như Khổng Tử chưa hoàn toàn hiểu về Đạo của Lão Tử. Có phải thật là không hiểu không? Không phải! Thật ra, Khổng Tử đã hiểu rõ nhưng không muốn nói ra đấy thôi. Vì sao? Bởi môn sinh của Khổng Tử lúc bấy giờ chưa đủ trình độ. Họ vẫn chưa lên đến bậc Trung học, cho nên Khổng Tử không thể giảng về giáo lý này cho họ được.

Lão Tử cũng hiểu về Phật giáo, nhưng cũng không giảng. Vì sao? Bởi lúc bấy giờ con người chưa đủ trình độ, cho nên Lão Tử chỉ nói về đạo lý của Đạo giáo mà không nói đến giáo nghĩa của Phật giáo.

Đạo Lão và Đạo Khổng đã mở đường cho Đạo Phật. Nói chung, ngoại đạo lót đường cho chánh đạo, và tà giáo trải đường cho chánh giáo. Họ dọn dẹp trước, làm cho con đường được sạch sẽ, không có vật chướng ngại.

Bàng môn tả đạo là sự kích động khiến cho con người khai mở được cánh cửa trí tuệ trong tâm, để sau đó có thể tiếp nhận được chất đề hồ cam lồ của Phật giáo.

Khổng Tử nói: “Sáng sớm được nghe Đạo, tối chết cũng đành lòng!” Điều này nói lên tánh trọng yếu của Đạo và cái chết. Nghe Đạo là để hiểu rõ đạo lý làm người, so ra thì vẫn còn trọng yếu hơn cái chết. Nếu biết làm người là như thế nào rồi, thì chết mới nhắm mắt được. Đừng nên nhìn mặt chữ mà giải thích ý nghĩa của nó. Quý vị nên chú ý về điểm này! Ở đây không phải nói là buổi sáng tôi được nghe Đạo, rồi đến chiều tối thì tôi sẽ tự sát. Nếu mà tự sát thì còn có ý nghĩa gì nữa?

“Đại công vô tư” nghĩa là không ích kỷ và không truy cầu lợi ích cá nhân. “Đại công vô tư” cũng tức là không có dục niệm ham muốn–là đã thoát khỏi những mối quan hệ với ngũ dục tài, sắc, danh, thực, thùy–và không tham, không ái. Người nào có thể thực hành Lục Đại Tông Chỉ của Vạn Phật Thánh Thành, thì người đó có đủ tư cách làm người Phật tử.

Lục Đại Tông chỉ này–Không tranh, không tham, không cầu, không ích kỷ, không tự lợi, không vọng ngữ–, nếu dùng đạo lý của Phật giáo, đạo lý của Đạo giáo hoặc đạo lý của Nho giáo mà giảng, thì đều được cả. Nói tóm lại, giảng giải thế nào cũng được, vì đạo lý này viên dung vô ngại và rất hợp với lôgíc luận lý học.

Thế tại sao không có ai giảng về đạo lý đó? Để tôi nói cho quý vị nghe! Đây là Lục Đại Tông Chỉ mà tôi phát minh ra cho Phật giáo trong thời đại khoa học. Lục Đại Tông Chỉ này bao gồm các giáo lý của hết thảy tôn giáo, và là phương pháp rất thực dụng. Thậm chí nếu giảng về giới luật của Phật giáo, thì giảng tới giảng lui cũng đều không rời khỏi phạm vi của Lục Đại Tông Chỉ.

Theo Hán tự, chữ Đạo (道) là do chữ Thủ (首) và chữ Tẩu (走) hợp thành. Thủ là đầu, cũng tức là trước nhất; Tẩu là đi, cũng tức là thực hành. Điều trước nhất là dạy quý vị đi thực hành. Nếu không thực hành thì dù quý vị có nói bao nhiêu cũng bằng thừa, toàn là lời giả dối, là lừa phỉnh người khác. Cho nên có câu: “Nói một trượng, không bằng hành được một tấc.”

Đạo này không phải là đạo nào khác mà chính là Đạo làm người. Đạo làm người này so với đạo sanh tử còn trọng yếu hơn nhiều. Có sanh tất có tử, cho dù là những bậc thánh hiền hào kiệt cũng không miễn được cái chết. Nhưng phân biệt thì chết có khi nặng như núi Thái Sơn, song cũng có lúc lại nhẹ tợ lông hồng. Buổi sáng được nghe Đạo, đến tối dẫu phải chết thì cũng có giá trị rồi. So với người phải chết mà không được nghe Đạo “đại công vô tư” thì mình vẫn hay hơn nhiều. Chữ “nghe” này nghĩa là hiểu rõ, sau khi hiểu rõ thì mới biết đạo lý làm người.

Lại nói thêm: Đạo là gì? Đạo là chân lý, và không ai có thể lật đổ được chân lý này. Chân lý là tuyệt đối chứ không phải là tương đối. Chân lý thì chỉ có một chứ không có hai. Đạo này là đạo chung cho tất cả những người tu hành chân thật. Và Đạo có thể giảng theo Nho giáo, có thể giảng theo Đạo giáo và lại càng có thể giảng theo Phật giáo. Đạo là Chân Lý. Bất kỳ tôn giáo nào cũng có thể giảng dạy về Đạo, không có ai là độc quyền về nó. Không ai có thể nói là chỉ mình tôi mới được phép giảng, còn người khác thì không. Nhưng giảng thì phải có căn cứ vào lịch sử. Quý vị không thể nói về chuyện Khổng Tử đã giảng Phật Pháp như thế nào, bởi vì vào thời bấy giờ, e rằng ngay cả danh từ “Phật” vẫn còn chưa được ai biết đến.
Cho nên chúng ta phải tìm hiểu rõ ràng về lịch sử, hầu khỏi làm trò cười cho thiên hạ!.

[1] Thế Giới Đại Đồng

Xưa, Trọng Ni (Khổng Tử) làm tân khách, dự lễ tế chạp ở nước Lỗ. Việc đã xong, đi ra du ngoạn trên lầu cổng ngoài, đột nhiên thở dài. Trọng Ni thở dài chừng thở dài cho nước Lỗ. Ngôn Yển đứng bên cạnh hỏi: “Người quân tử có gì mà phải thở dài?” Khổng Tử đáp: “ Đại đạo thi hành và các bậc anh hiền ở Tam đại (Hạ, Thương, Chu) thì Khâu này chưa được thấy, nhưng chí thì hướng về chỗ ấy. Đại đạo mà thi hành thì thiên hạ là của chung, tuyển chọn người hiền, cử người tài năng, giảng điều xác thực, thực hiện trên thuận dưới hòa, nên người ta không riêng thân người thân mình, không riêng yêu con cái mình, khiến cho người già có nơi nương dựa cuối đời, người khỏe mạnh có chỗ dùng tới, trẻ em có sự chăn dắt để lớn lên; hạng cô phu, quả phụ, côi cút, đơn chiếc và tàn tật đều được nuôi dưỡng; con trai có phận, con gái có nơi chốn để nương về. Về tài hóa, thì không nên để cho rơi vãi phung phí, mà cũng bất tất cất giấu cho mình. Về sức lực thì ưa được thi thố ra, thi thố thì chẳng cứ là cho riêng mình. Ấy cho nên mưu mô đều không dấy lên, trộm cắp giặc cướp không nổi dậy; cổng ngoài không phải đóng, thế gọi là Đại Đồng.”

/16
 

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây