Tìm kinh sách
 
        Kinh Sách FULL

Tịnh Độ Vấn Đáp

1. Sách Phật Học Vấn Đáp
Tác Giả: Pháp Sư Tịnh Không
Nhóm Hoa Tạng Giảng Ký cung kính ghi chép
Download .doc: Phat-Hoc-Van-Dap-HT-Tinh-Khong-Nhom-Hoa-Tang-Ghi.doc
Download .pdf: Phat-Hoc-Van-Dap-HT-Tinh-Khong-Nhom-Hoa-Tang-Ghi.pdf

2. Học Phật Vấn Đáp 2004
Tác Giả: Pháp Sư Tịnh Không
Địa điểm: Hiệp Hội Phật Đà Giáo Dục Hồng Kông
Thời gian: 30-7-2004

Chương 7: Câu hỏi 31 đến câu hỏi 35

TỊNH ĐỘ VẤN ĐÁP CỦA HÒA THƯỢNG TỊNH KHÔNG
Câu hỏi 31 đến câu hỏi 35
Câu Hỏi 31: Kính thưa Hòa thượng! Giả như có hai hạng người niệm Phật. Một người hiểu rõ lý tự tánh, sinh hoạt hàng ngày không khởi niệm, không chấp tướng, thời thời khắc khắc tỉnh giác tu tập tinh tấn, lý sự viên dung, dù hiện tại vẫn chưa được vãng sinh. Đây là công phu tu tập của hạng người thứ nhất. Còn một hạng khác là chẳng cần hiểu biết gì cả, chỉ cầu đủ ăn qua ngày, dành thì giờ công phu tu tập nhiều hơn, quyết chí một đời vãng sinh về Tịnh độ. Xin hỏi làm sao đánh giá được hai cách tu này nhanh hoặc mau? Kẻ hậu học nghiệp chướng sâu nặng, mong muốn công phu tu tập sớm thành tựu, nương theo người đi trước mà học. Kính xin Hòa thượng chỉ dạy cho đệ tử rõ!
Đáp: Hai hạng người này đều có cái hay, khi tu tập đều có thể thành tựu. Nhà Phật thường nói kẻ dễ được độ nhất là hàng thượng căn và hạng ngu căn. Người thượng căn nghe một hiểu mười, tâm không hoài nghi, tinh tấn dụng công tu tập không gián đoạn, dễ buông bỏ các tạp niệm nên công phu rất dễ thành tựu. Có hạng người ngu căn tuy chẳng biết nhiều nhưng tâm họ chân thật, mà điều này là vô cùng đáng quý. Thầy dạy họ thế nào thì họ vâng theo và thọ trì như thế ấy. Họ chẳng có xen tạp vọng tưởng, tinh tấn tu tập chẳng có gián đoạn. Hai hạng người này thành tựu như nhau. Quý vị đều biết Pháp sư Đế Nhàn, Ngài có người đệ tử chỉ chuyên làm công quả cuốc đất, nhổ cỏ ngoài vườn, một chữ cũng chẳng biết. Đây là hạng người ngu căn, khi vào xuất gia tu tập, cũng không học gì nhiều nhưng thầy dạy gì đều nhất mực vâng lời. Pháp sư dạy ông ta niệm sáu chữ Nam Mô A Di Đà Phật, từ sáng đến tối dù làm công việc cũng không buông lơi. Ngài nói: "Niệm khi nào mệt thì nghỉ, nghỉ rồi thì niệm tiếp. Nhất định tương lai sau này sẽ có lợi ích". Nghe lời thầy dạy, ông chẳng biết có lợi ích gì hay không mà chỉ biết niệm từ sáng đến tối. Ba năm sau, một hôm, ông nói với mọi người trong chùa là hôm nay ông vãng sinh. Và ông đứng niệm Phật mà vãng sinh. Đây là một người nhìn bên ngoài bình thường nhưng sự thành tựu công phu tu tập thật vô cùng phi thường. Tại sao ông ta thành tựu được như thế? Là nhờ vào tâm chân thật, tuy chẳng học và hiểu nhiều, mà chỉ có lòng chân thật và khiêm tốn, biết vâng lời thầy chỉ dạy, nhất tâm, nhất mực tu hành nên cuối cùng được thành tựu. Còn người tự cho mình là giỏi, mọi người xung quanh chẳng ai bằng mình, mình cao hơn, giỏi hơn họ thì khó mà thành tựu. Cho nên, con đường thế gian hay xuất thế gian, dù bất cứ trong lĩnh vực nào, muốn có sự thành tựu thì phải sống chân thật và lòng khiêm hạ với mọi người xung quanh. Ngày xưa các bậc cổ đức dạy người học đạo, trước phải học ngu. Đó mới thật sự là người có trí tuệ. Học ngu là không học thông minh, mới thật sự là người có trí huệ chân chánh, chân thật.
Câu Hỏi 32: Kính bạch Hòa thượng! Người không nghe theo một tôn giáo hay tín ngưỡng nào nhưng tâm của họ rất hiền thiện. Vậy thưa Hòa thượng: Khi lâm chung, họ có được vãng sinh về Tây Phương Cực Lạc không?
Đáp: Nếu một người sống hiền từ nhưng không tin vào thế giới Tây Phương Cực Lạc thì khi lâm chung không thể sinh về đó được. Còn một người trước đó có tập khí nóng giận nhưng khi lâm chung họ nghe được danh hiệu của Phật A Di Đà, sinh tâm hoan hỷ, phát nguyện vãng sinh  thì nhất định họ sẽ được sinh về thế giới Tây Phương Cực Lạc của Phật A Di Đà. Còn người thiện căn, có khi mới học Phật một hôm mà đã phát khởi tín tâm thì họ cũng vãng sinh về thế giới của Phật A Di Đà.
Câu Hỏi 33: Bạch Hòa thượng! Nghi thức thâu xá lợi như thế nào? Xin Hòa thượng chỉ dạy cho con rõ!
Đáp: Thâu xá lợi hoàn toàn không có nghi thức, điều quan trọng là chúng ta phải có tâm thành kính. Việc kết xá lợi có rất nhiều dạng, không nhất định: có loại xá lợi kết từ xương, có loại bằng nhục thể, cũng có loại từ tóc. Màu sắc mỗi loại không giống nhau, điều này tùy theo cách nhìn của mỗi người.
Điều quan trọng là chúng ta phải hiểu xá lợi được hình thành như thế nào? Vì sao mà có xá lợi? đại sư Chương Gia nói rằng: "Xá lợi có được là do công phu tu tập đưa đến sự thanh tịnh tại tâm. Tâm tán loạn thì nhất định không có vấn đề này. Vì vậy, tâm người nào thanh tịnh, có công phu thiền định thì nhất định có xá lợi".
Nhiều loại xá lợi màu sắc không giống nhau, tùy theo công phu sâu cạn. Lưu lại xá lợi hoặc nhục thân xá lợi không những nói lên kết quả mà nói đến quá trình công phu tu tập của mỗi người. Lưu lại xá lợi còn tùy theo tâm nguyện của mỗi quý vị. Có những vị chân chánh tu hành chẳng muốn lưu lại xá lợi, cũng như nhục thân. Thường những người lưu lại xá lợi - như lời dặn của người đời sau cho biết - đây là kết quả của việc tinh tấn tu tập của họ để lại nhằm khích lệ tinh thần tu học của mọi người.

Câu Hỏi 34: Kính bạch Hòa thượng! Nếu một người bị bệnh nặng mà niệm Phật, trì chú có thể giúp tiêu trừ bệnh tật được không? Xin Hòa thượng chỉ bày cho đệ tử hiểu!
Đáp: Niệm Phật trì chú có hiệu nghiệm hay không là tùy thuộc vào chính mình. Nghĩa là thế nào? Niệm Phật - Phật tử biết niệm không? Nếu Phật tử biết niệm thì linh, không biết niệm thì không linh. Thế nào là người không biết niệm? Là chỉ miệng niệm mà không phải tâm niệm thì nhất định chẳng linh. Người biết niệm là tâm và miệng nhất như, miệng có A Di Đà Phật thì trong tâm cũng có A Di Đà Phật. Cách này rất linh, rất được. Niệm chú cũng vậy!  Niệm chú nhất định phải có thầy chỉ dạy. Chú thuộc về mật pháp,  chú trọng đến tam mật tương ưng. Nếu bạn chỉ niệm ngoài miệng, không tương ưng với ý và thân thì không linh. Phải hội đủ và yếu tố như trên thì việc trì chú mới linh. Hiện nay, trong Mật giáo mọi người phần nhiều niệm Quán Thế Âm Bồ Tát và câu Lục Tự Đại Minh Chú. Những người niệm chú này rất nhiều, rất nhiều: "Um Ma Ni Pa Me Hum", nhưng phần đông chỉ có miệng niệm, thân và ý chẳng có Mật, chẳng tương ưng! Dù cho niệm cách nào cũng không có hiệu lực, giống như các em bé ca hát rất hay, nhịp cũng không sai, nhưng nội dung, ý nghĩa bài hát đó là gì không biết. Chỉ biết hát, không biết nghĩa thì có tác dụng gì đâu! trước kia, khi mới học Phật, Chương Gia đại sư dạy tôi niệm câu Lục Tự Đại Minh Chú.  Ngài còn đem câu thần chú này giảng cho tôi nghe rồi từ đó tôi mới hiểu. Khi trì chú phải có quán tưởng. Quán tưởng là ý mật. Như chữ "Um" là chỉ về thân. Trong chữ "Um" này bao gồm cả pháp thân, báo thân và ứng hóa thân, đầy đủ viên mãn. "Ma Ni" là hoa sen. "Pame" là bảo trì. "Hum" là ý. Ý nghĩa câu chú này là: "Bảo trì thân tâm của Phật tử giống như hoa sen, mọc từ nơi bùn dơ mà không bị nhiễm bùn". Bạn nghĩ xem ý nghĩa của câu lục tự này hay biết mấy! Cho nên khi trì chú, chúng ta nghĩ đến thân tâm thanh tịnh, mảy trần không nhiễm. Đó là linh. Nếu chỉ niệm chú mà vẫn tự tư, ích kỷ, thị phi nhân ngã, tham sân, ngạo mạn thì làm sao linh được? Không linh rồi! Do đó, niệm Phật hay trì chú phải hỏi lại: Tâm mình có niệm hay không? Nếu có thì linh. Tại sao linh? Trong kinh Phật dạy rằng: "Tất cả các pháp đều từ tâm sinh". Tâm niệm của bạn chân chánh thì bệnh nơi thân đương nhiên không còn nữa. Bác sĩ gọi đó là tâm lý khỏe mạnh. Nơi thân thể có tí bệnh vặt đâu có gì đáng kể, không cần điều trị cũng có thể lành. Chúng ta phải hiểu rõ việc này: Niệm Phật, trì chú có linh hay không là ở nơi chính mình. Điều quan trọng là bạn có biết niệm hay không?
Câu Hỏi 35: Kính bạch Hòa thượng! Người kết hôn hai lần tu hành có được vãng sinh hay không? Có được đến đạo tràng sám hối không? Khi có người mất, đi theo hội chúng hộ niệm có hiệu quả không? Một vị thầy nói là không nên. Con không biết sự việc này đúng sai như thế nào? Kính xin Hòa thượng từ bi chỉ dạy cho con hiểu!
Đáp: Chúng ta là người học Phật cần phải nhớ một nguyên tắc đó là: "Y pháp bất y nhân". Người kết hôn hai lần tu hành có thành tựu được vãng sinh về thế giới Tây Phương Cực Lạc hay không? Chúng tôi thấy trong năm bộ kinh và các luận của tông Tịnh độ không nói những người kết hôn hai lần mà tu thì không được vãng sinh. Các kinh khác cũng không nói những người này không được đi đến đạo tràng lễ Phật, nghe kinh, sám hối hoặc là trợ niệm cho người mất.
Vì vậy, các vị Phật và Bố Tát vẫn cho phép. Còn vị thầy đó không cho phép thì Phật tử không đến đạo tràng đó mà tìm đạo tràng khác và vị thầy khác để tu học.
/15
 

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây