Tìm kinh sách
 
        Kinh Sách FULL

Làm Thế Nào Để Trẻ Thơ Tiếp Nhận Giáo Dục Phẩm Đức

GIẢNG TỌA NHÂN SANH HẠNH PHÚC
LÀM THẾ NÀO ĐỂ TRẺ THƠ TIẾP NHẬN GIÁO DỤC PHẨM ĐỨC (Tập 01)
Người giảng: Thầy giáo Thái Lễ Húc
Thời gian: Ngày 08 tháng 05 năm 2009
Địa điểm: Nghị Viện Thành Phố Hợp Nam
Cẩn dịch: Vọng Tây cư sĩ, Mộ Tịnh cư sĩ
*******************
Kính thưa ông Hồng - phó thị trưởng. Kính thưa giáo sư Trương, nghị viên Trang, trưởng khoa Vương, chư vị pháp sư, chư vị tiền bối, chư vị nhà giáo ưu tú, chư vị bằng hữu. Chào buổi sáng tốt lành.
Về lại Đài Nam, cảm giác thật là ấm áp. Bởi vì cha mẹ tôi đều tốt nghiệp tại Đại Học Sư Phạm Đài Nam, bản thân tôi cũng tốt nghiệp lớp giáo viên tại trường này, vì thế chúng tôi có tình cảm rất sâu đối với Đài Nam. Đài Nam cũng là nơi đánh dấu một giai đoạn học tập rất quan trọng trước khi tôi tham gia công tác giáo dục. Tôi học một năm tại lớp giáo viên của Học Viện Sư Phạm Đài Nam. Trong một năm học tập đó, giáo viên hướng dẫn tôi là Doãn Mai Quân. Cô đã từng hỏi chúng tôi một vấn đề: “Thầy cô giáo dạy tri thức và kỹ năng, giả dụ chỉ là dạy tri thức và kỹ năng, vậy máy vi tính có thể được xem là thầy hay không?”. Cô hỏi chúng tôi một vấn đề như vậy để chúng tôi suy nghĩ. Chúng tôi nhớ lại, ông Hàn Dũ đã từng nói: “Thầy là người truyền đạo, dạy nghề và giải đáp nghi hoặc”, thế nên giả dụ như chúng ta làm thầy, chỉ truyền dạy tri thức và kỹ năng, vậy thì máy tính và nhiều công cụ đều có thể làm được.

Chương 3: Tập 2 - Làm Thế Nào Để Trẻ Thơ Tiếp Nhận Giáo Dục Phẩm Đức - Phần 1

 Làm Thế Nào Để Trẻ Thơ Tiếp Nhận Giáo Dục Phẩm Đức (Tập 02)
Người giảng: Thầy giáo Thái Lễ Húc
Thời gian: Ngày 08 tháng 05 năm 2009
Địa điểm: Nghị Viện Thành Phố Hợp Nam
Cẩn dịch: Vọng Tây cư sĩ, Mộ Tịnh cư sĩ
*******************
Các vị trưởng bối, các vị bằng hữu nhà giáo ưu tú ngành giáo dục, chào buổi sáng tốt lành.
Bản thân tôi sau khi tốt nghiệp đại học vài năm mới thi nghiệp vụ sư phạm. Một dịp khá tình cờ, tôi đến Đài Đông sống một khoảng thời gian, đây là một chỗ non xanh nước biếc, cách xa nơi ồn náo, làm tâm của tôi khá tĩnh lặng trở lại. Vừa tịnh trở lại, đúng lúc nơi ấy có một ngôi trường, một cô giáo phải nghỉ thai sản một hai tháng, họ tìm đến tôi để nhờ tôi dạy lớp một. Xưa giờ tôi chưa từng nghĩ là mình sẽ làm giáo viên, nhờ cơ hội tình cờ này, năm đó luật cũng sửa đổi, tốt nghiệp đại học mới có thể dạy thay, hồi trước là tốt nghiệp cấp ba thì có thể dạy thay, nên họ tìm không ra được sinh viên nào, họ lại đến tìm tôi. Lần đầu tiên tôi từ chối, bởi vì tôi nghĩ rằng học sinh lớp một nhỏ như vậy, tôi thật không biết dạy thế nào. Sau đó tôi cảm thấy không thể cự tuyệt người có lòng, chính cái duyên phận như vậy mà tôi đã đi dạy thay trong thời gian một hai tháng.
Trong suốt quá trình dạy học, tôi cảm thấy rằng bọn trẻ rất là ngây thơ. Tôi còn nhớ có một lần, tôi nhìn thấy bên cạnh có một số con côn trùng đã chết, tôi nghĩ đem chôn mới được, thế là tôi đem chúng đi chôn xuống. Đúng lúc đó các bạn nhỏ nhìn thấy tôi làm như thế, rất hiếu kỳ, chạy đến hỏi: “Thầy ơi, thầy đang làm gì vậy?”. Tôi nói: “Thầy đang chôn đàn kiến, đang chôn côn trùng”. Chúng nó gật gật đầu. Đến hôm sau tôi thấy hai ba đứa nhỏ ngồi chồm hổm ở đó, như có chuyện gì đó. Tôi không biết chúng đang làm gì, nên hỏi: “Các em đang làm gì vậy?”. Chúng nó quay đầu nhìn tôi, nói rất là nghiêm túc: “Thưa thầy, chúng em đang chôn kiến ạ”. Cái tâm từ bi của chúng rất là dễ khơi dậy, vì vậy tâm thiện phát khởi càng sớm càng tốt. Tôi liền cảm thấy rằng công tác giáo dục này, nhất là giáo dục từ mẫu giáo, giáo dục tiểu học, đặc biệt có thể khởi phát tâm thiện của trẻ. Sau khi dạy thế xong, tôi liền đi tham gia lớp bồi dưỡng. Hơn bốn tháng sau đó, tôi đến Học Viện Sư Phạm Đài Nam để thi. Nhờ tổ tiên phù hộ, có thể nói là tôi thi đỗ dễ dàng. Sau khi tôi đi dạy học thì tôi có tâm tình đặc biệt sâu sắc, bởi vì mẫu thân tôi là giáo viên tiểu học, hồi trước tôi cảm thấy làm giáo viên tiểu học tốt thật, được nghỉ đông, nghỉ hè. Cho nên, người không ở trong công việc đó thì không biết những cay đắng ngọt bùi trong đó, xem ra thì rất thoải mái, về sau khi chính tôi làm giáo viên tiểu học, mới biết nghỉ đông nghỉ hè chỉ là nghỉ xả hơi mà thôi.
Công việc làm giáo viên không phải là dựa vào sức, mà phải dùng tâm. Họ luôn luôn phải để ý tới vấn đề an toàn của mấy mươi đứa trẻ này, vấn đề sức khỏe và cả vấn đề nhân cách trưởng thành của chúng, cho nên rất hao tổn tinh thần. Tôi còn nhớ, mẫu thân tôi nhắc đến việc cậu của tôi lúc trước nói với bà thế này: “Chị dạy học cũng đã hơn hai mươi mấy năm rồi, sao mà cả giấy khen, bằng khen đều không có vậy?”. Mẹ tôi nói: “Con của tôi không xảy ra chuyện gì là tốt lắm rồi, còn phải bằng khen gì chứ?”. Câu nói của mẹ tôi rất có ý nghĩa. Cậu tôi hỏi xong thì thời gian sau, mẹ liên tục nhận được nào là phần thưởng, rồi bằng khen. Thế nên việc này nói với chúng ta, cái gì đáng là của bạn thì là của bạn. Nhưng mà câu trả lời này của mẹ tôi cũng đã bộc lộ ra chỗ vất vả của một người làm giáo viên tiểu học. Những áp lực này trong lòng, bản thân tôi sau khi làm rồi, cảm thấy thật là phập phồng lo sợ. Tôi còn nhớ, có một lần làm tổng vệ sinh, có một bé gái leo lên cửa sổ, cửa sổ rất cao, nó đu người thế này, tôi đứng phía dưới, nó nói: “Thầy ơi, tháo cái này xuống để rửa có được không?”. Tôi nói: “Không được!”. Tôi vừa nói “không được”  thì nó tháo rồi, sau đó cả người ngã ngửa ra phía sau, miếng thủy tinh bể nát, bản thân bé thì hết cả hồn, các bạn học xung quanh cũng bị giật cả mình, rồi liền chạy đến. Tôi nói: “Đợi một chút, những miếng thủy tinh như vậy, các em chạy đến luống cuống đụng phải, có thể sẽ bị thương”. Tôi mau mau đi lấy cây chổi quét những thứ đó dọn đi, mau mau xem đứa học trò đó thì thấy không bị gì cả. Tôi nói việc này có ông bà phù hộ. Dạy học trò thực tế cũng thật không dễ dàng gì. Trước đó không lâu, tôi đã dạy chúng học “Văn Xương Đế Quân Âm Trắc Văn”, có thể là đã dạy cái này, như trong đó có thần linh phù hộ nên không bị gì. Từ việc này mà tôi đã thể hội được cái tâm tình dạy học của mẹ tôi.
Trong sự nghiệp giáo dục đặc biệt ở giai đoạn nền tảng là giáo viên mẫu giáo và tiểu học, tuy lượng công việc rất lớn nhưng việc dạy phẩm đức giáo dục cho các em cùng lúc tuyệt đối không làm tăng thêm gánh nặng. Sự nhận thức này cần phải khiến cho tất cả người dạy học hiểu được. Một khi họ không hiểu, họ sẽ cảm thấy rằng ta đang tăng thêm lượng công việc cho họ, kết quả có thể sẽ hoàn toàn ngược lại. Vì vậy lòng tốt của chúng ta, nếu như không thể đồng tình với tâm tình của đối phương, lòng tốt sẽ trở thành hỏng việc. Lần này tôi đến Malaysia, ông ấy nói có một đứa trẻ, hễ học “Đệ Tử Quy” thì bật khóc. Tại sao nó lại khóc? Bởi vì nó nhìn thấy “Đệ Tử Quy” là run sợ; thầy giáo của nó bảo, em học cái này cho thầy, học không thuộc thì sẽ bị phạt, thế là bọn trẻ nhìn thấy “Đệ Tử Quy” thì sợ chết khiếp. Như vậy thì có hiệu quả hay không? Không có hiệu quả! Cho nên, nếu như chúng ta là hiệu trưởng, bỗng một hôm nói: “Nào, tất cả phải dạy “Đệ Tử Quy” cho tôi”. Tất cả các thầy cô còn chưa hiểu tác dụng của “Đệ Tử Quy”, do họ không hiểu được nên trong tâm có sự chống đối, có thể lúc dạy sẽ làm hoàn toàn ngược lại. Thế nên phải khiến cho thầy cô hiểu được việc này là để giúp đỡ họ tổ chức lại lớp học. Bọn trẻ khi đã có quy củ, hiểu chuyện, tôn trọng đối với thầy cô, thì hiệu quả học tập cũng tốt hơn. Vả lại, sau khi dạy rồi, trẻ một khi đã hiểu chuyện, trở về nhà sẽ xới cơm cho mẹ chúng, làm việc lần đầu tiên trong đời. Rất nhiều phụ huynh đều đã rơi nước mắt, thế là hỏi ra, thầy cô đã dạy bọn trẻ có hiếu. Họ đi đến trường học, nắm lấy tay thầy cô giáo, nói: “Cảm ơn, cảm ơn. Con của tôi dạo gần đây rất hiểu chuyện”. Khi thầy cô giáo chúng ta dạy dỗ đức hạnh cho trẻ, thì sẽ giành được sự tôn trọng từ trong nội tâm của các em, của phụ huynh đối với chúng ta. Sự truyền đạo thụ nghiệp chân chánh có thể giành được tôn trọng của họ. Việc này nhất thiết cần phải có một quá trình. Trước tiên thầy cô phải hiểu, “Đệ Tử Quy” không hề tăng thêm gánh nặng cho họ, mà sẽ giúp đỡ cho việc dạy học của họ. Nói thực tế là, bản thân chúng ta đều dạy học qua, khi trẻ nhỏ học hành một cách thật chăm chỉ, chúng ta rất phấn khởi, cho dù là đã tan học, mà nghe chúng nói: “Thưa thầy, em còn có câu hỏi”, chúng ta sẽ vui vẻ tiếp tục nói với chúng. Nếu như trong quá trình giảng dạy, bọn trẻ không tôn trọng thầy cô, cũng không chuyên chú, giảng giảng một hồi, có lúc chúng ta cũng không biết nói cái gì nữa. Khi bọn trẻ tôn trọng chúng ta, chúng sẽ có thể biết tự trọng mà học tập.
Tôi nhớ năm đầu tiên tôi dạy học, lần đầu tôi dạy môn tự nhiên, lúc đó có ba đứa học trò không đạt. Vừa nhìn thấy thành tích của chúng không đạt, tôi cảm thấy thành tích của mình cũng bị kéo xuống, cái tâm thái này là rất quan trọng. Đó là bị lòng yêu thích hư vinh quấy phá. Vì vậy đích thực phải lấy chính mình cảm hóa người, tâm mình đoan chính rồi mới có thể cảm hóa người. Tôi nghĩ, đề bài này cũng không khó, sao mà mấy đứa trẻ này không biết? Tôi liền cho chúng thi lại, thế là ba đứa trẻ này ngồi xuống thi lại lần nữa. Tôi phát hiện ra một việc, đó là chúng đọc chữ mà không hiểu, trình độ ngữ văn yếu quá. Vì vậy tôi liền đọc cho chúng nghe, sau đó thì đều thi đạt điểm. Chúng tôi cảm giác được ngữ văn, quốc văn là một môn học căn bản, rất nhiều đứa vì ngữ văn không tốt, sau đó toàn bộ lòng tự tin đều mất đi. Nhiều người môn toán không tốt, mà chúng đã bị mắc kẹt trong suốt quá trình học tập. Có một số thì tư tưởng chưa thông. Trong khi chưa thông, thầy lại rất dữ, hoặc là thầy giáo đã bỏ mặc chúng, thì tự chúng cũng mặc kệ luôn. Giả như giáo viên có lòng quan tâm như người mẹ, đến kỳ nghỉ hè nghỉ đông, mỗi ngày đều giảng cho chúng nghe, từ năm lớp một phải giúp chúng đả thông những bế tắc. Ví dụ như chúng học lớp ba, lớp bốn, bạn bắt đầu dạy từ năm lớp một, chúng nhất định cảm thấy rất thoải mái, và cứ như vậy mà đi lên. Phải đem những khái niệm sai lầm này mà đả thông. Tôi có biết một người là thầy Trần, thời gian nghỉ hè, anh phù đạo cho một đứa học trò. Sau hơn một tháng thì đứa vốn có môn toán xếp cuối lớp, bây giờ lại đứng đầu danh sách. Trẻ con đều là có bổn thiện, chúng có tiềm lực, nhưng mà phải dùng tâm nhẫn nại, tâm yêu thương thì mới làm cho chúng khởi phát được. Vì vậy chư vị trưởng bối, các bằng hữu, có ai muốn đăng ký làm một người có lòng yêu thương như mẹ không? Xin các bạn phối hợp một chút. Mời bỏ tay xuống. Lại có cả nam giơ tay nữa. Tôi thật cảm động! Ai nói chỉ có tình yêu thương của mẹ, còn có tình thương của người cha nữa phải không? Thậm chí còn có tình thương của các anh các chị chưa kết hôn nữa. Đầu tiên là bồi dưỡng tình thương, sau này làm cha làm mẹ thì sẽ làm rất tốt.
Kết quả là sau khi giúp đỡ cho ba đứa trẻ này như vậy, đọc cho chúng nó nghe, chúng nó thi xong thì khoảng cách giữa tôi và chúng lập tức được rút ngắn lại. Kỳ thực, bọn trẻ rất đơn thuần, bạn dụng tâm thì chúng hoàn toàn cảm thấy được, thế là không lâu sau đó, trong số đó có một đứa trẻ mập mập trắng trắng, cũng không cao lắm, dái tai thì rất là lớn, tại sao đứa trẻ này tôi lại có ấn tượng rất sâu? Tôi nhớ là khi tôi vừa mới đến trường, làm hộ tống cho học sinh, tôi làm ở trường tiểu học Long Đỗ, huyện Cao Hùng, là một nơi phong cảnh rất đẹp. Cha mẹ của chúng đều là sử dụng tiếng của người Hẹ, còn tôi là người Mân Nam, cho nên về cơ bản, tiếng họ nói, tôi nghe không hiểu lắm, nhưng khi tiếp xúc nhiều thì tự nhiên khoảng cách càng ngày càng gần. Tôi là người hộ tống học sinh cho đồng nghiệp nên tôi đi giúp họ, bởi vì người đồng nghiệp đang lúc có con nhỏ mới một hai tuổi, còn phải chăm sóc rất vất vả. Tôi nói, dù gì tôi cũng ở tại trường, tuần này cứ để tôi đứng giúp cho chị. Tôi đứng ở đấy, khi nhìn thấy phụ huynh đến, tôi chào hỏi họ trước tiên, tôi nói: “Xin chào”. Ngày thứ nhất, ngày thứ hai không có biểu lộ gì, vì vậy con người cần phải có một quá trình với nhau. Ví dụ, bạn nói với phụ huynh: “Chào buổi sáng, xin chào”. Họ không để ý, vậy phải làm sao? Bạn có cảm thấy bị tổn thương không? Chúng ta cúi đầu với người ta không phải là muốn người ta cung kính mình, cúi chào là vì nghĩ rằng chúng ta làm người thì phải nên làm như vậy, không cần phải suy tính hơn thiệt nữa. Vả lại thực sự mà nói, bạn thay đổi vị trí của họ mà suy nghĩ, bạn cúi đầu chào hỏi với một người, họ không cười được, họ có khổ hay không? Bạn chỉ cần thay vị trí mà suy nghĩ thì vấn đề sẽ không còn nữa. Vì lẽ đó mà khi tôi ở Đại Lục, chúng tôi triển khai giáo dục luân lý đạo đức “Đệ Tử Quy” ở một cái trấn nọ, đến lúc qua năm mới, tôi đi chúc tết cho một số người cao tuổi, trên đường thì thấy một số người đi đường đi đến, tôi nói: “Chào năm mới”. Có rất nhiều tình huống tưởng rằng là nói với người ở bên cạnh, bạn nói với họ: “Chào năm mới”. Họ cũng đáp lại: “À! Chào năm mới”. Tôi tiếp tục bước đi thì nhìn thấy họ chạy thẳng vào trong nhà, cũng không biết để làm gì nữa, đột nhiên chừng mấy giây sau, họ đem kẹo mứt trong nhà họ chạy ra mời “ăn kẹo, ăn kẹo”. Bạn xem, con người vừa khởi thiện ý, cảm trở lại chính là “người yêu người, người hằng yêu lại”. Xã hội này cát tường vui vẻ là bắt đầu làm từ ai? Từ chính mình. Tôi cũng từng gặp qua việc cúi chào họ ba lần, “chào năm mới”, nhưng họ đều như như bất động. Đột nhiên tôi cảm thấy dường như là họ rất buồn khổ, chắc có thể hôm qua bị mất tiền rồi, họ buồn như vậy. Thế thì ta kiên trì thêm lần tới nữa, họ sẽ cảm thấy quả thực cái thế gian này vẫn có nhiều người tốt, lại nữa họ cũng là đang kiểm tra chúng ta, chúng ta có tâm được mất hay không? Chúng ta có thích sĩ diện hay không? Cái này chúng ta đều có thể buông xuống thì đức hạnh chúng ta sẽ nâng lên. Họ cũng là đang giúp chúng ta đề cao sự tu dưỡng của mình. Vì vậy hết thảy người đều là có sự giúp đỡ đối với chúng ta, chỉ cần tâm thái chúng ta thật tốt. Tôi còn nhớ, người mẹ của đứa trẻ này thật là một chút vẻ tươi cười cũng không có. Cô ngồi trên chiếc xe gắn máy, tôi đã chào hỏi với cô ấy, cô ấy không có phản ứng gì. Thế là tôi nhìn lại phía sau, biểu cảm của người bạn nhỏ này cùng với của người mẹ dường như là cùng một cái khuôn in ra, cho nên ảnh hưởng của gia đình rất lớn. Lần thứ nhất, không phản ứng. Ngày thứ hai cũng không phản ứng, nhưng mà tôi mỗi một ngày khi đi đến, tôi đều chủ động lấy cặp sách của đứa học trò xuống, giúp nó đeo lên trên lưng. Ngày thứ ba, tôi còn chưa kịp cười thì mẹ của nó đã cười với tôi trước. Còn có một người bạn học khác nói: “Thầy ơi, em nói với thầy chuyện này nè, thầy đừng có giận nha”. Tôi nói: “Không sao đâu, cứ nói”. Nó nói: “Mẹ em bảo, thầy lúc tiếp đón học sinh mà cười như thế, giống như là đang tranh cử nghị viên hay là nhà lập pháp vậy”. Chẳng lẽ nhất định là muốn được phiếu bầu thì mới cười sao? Quả thật các vị thấy, người với người lúc nào cũng ảnh hưởng lẫn nhau. Đứa trẻ này ngày hôm đó sau khi thi xong, cho nó thi lại thì nó đạt rồi. Qua mấy hôm sau, vừa lúc giờ ra chơi, nó chạy đến đứng trước bàn làm việc của tôi, bất thình lình nhìn tôi và nói: “Tham kiến sư phụ”. Lúc đó thì tôi không có cười, bởi vì tôi cảm thấy nó rất là nghiêm túc, quả thực tôi cũng không cười nỗi, vì bị nó làm cảm động. Tôi cũng rất nghiêm túc, liền đỡ nó đứng dậy. Tôi nói: “Bái sư đúng là một việc rất nghiêm túc, em phải suy nghĩ kỹ càng”. Đôi mắt nó cũng suy xét một chút, mấy giây sau tiếp tục nói: “Tham kiến sư phụ”. Kết quả, đứa học trò này lần thi thứ nhất không đạt, lần thi thứ hai được chín mươi mấy điểm, tiến bộ đến ba mươi mấy điểm. Học trò tiến bộ thì thầy cô chúng tôi phải cho ít tiền để khích lệ, thế là tôi trao thưởng cho nó, nhưng mà trao thưởng không thể thiên vị, vừa nói qua phải có tâm bình đẳng, tâm có hiếu, tâm bình đẳng những cái tốt khác cũng phải phát, nhưng mà nó thì phát sau cùng. Tại vì sao sau cùng? Tôi nói: “Các em đoán thử xem, lần thi kỳ này, người tiến bộ nhiều nhất là bao nhiêu?”. Các em học sinh nói: “10 điểm, 20 điểm”. Tôi nói: “Không đúng, ba mươi mấy điểm”. Các bạn học liền vang tiếng vỗ tay nhiệt liệt. Thế là tôi nhìn qua phía ấy, thấy cậu học trò hùng dũng oai vệ bước ra, lòng tự tin đã khôi phục mạnh mẽ, các bạn học bất giác không tự chủ đã khích lệ cho nó.
Khi chúng ta có thể khiến trẻ tôn trọng, có thể khiến bọn trẻ yêu quý và tín nhiệm chúng ta, động lực của chúng sẽ ùn ùn liên tục trỗi dậy từ tận đáy gốc. Chúng ta phải kéo cái tâm học tập, tâm thiện của bọn trẻ từ căn bản thì mới tiết kiệm sức. Bây giờ các vị không từ tâm hiếu, từ tâm cung kính, tâm cảm ân của chúng mà nắm, lại nắm điểm số thì chỉ làm chúng mệt, cha mẹ thầy cô cũng mệt, thậm chí còn phải theo dõi cái thành tích này cho đến khi chúng lên đại học, vậy thì phiền rồi. Việc học của nó đều phải có người theo dõi, nếu không có ai theo dõi nữa thì sẽ như thế nào? Chúng ta cảm thấy một việc là sinh viên bây giờ giống như là con ngựa hoang bị đứt dây cương, có quản cũng không quản nổi. Vậy xin hỏi, chúng ta để mắt tới chúng trong suốt mười mấy năm trời thì có ý nghĩa bao nhiêu chứ? Vì vậy chúng ta phải nhìn cho xa. Chúng ta bình tĩnh suy nghĩ xem, cái thời của cha tôi sinh ra năm - sáu đứa con là bình thường, bảy - tám đứa thì cũng là thường thấy, sinh mười hai đứa cũng là bản lĩnh. Thế nhưng các vị xem, con cái đông như vậy, cha mẹ mỗi ngày làm vất vả, thời gian chăm sóc cho con cái có hạn. Bây giờ sinh một đứa hay hai đứa con thì mệt sắp chết, cái khoản tiêu tốn tinh thần và tiền bạc cho chúng mãi mãi lớn hơn nhiều so với thời trước, mà hiệu quả thì sao? Hiệu quả thì mãi mãi không bằng được thời trước. Người thời trước họ có cái tâm hiếu, học bài không cần ai nhắc. Tôi nhớ chú ba của tôi là người tốt nghiệp tiến sĩ, chú kể với chúng tôi về chuyện hồi còn nhỏ, các anh chị em đang ngồi học bài, ông nội nói “đi ngủ thôi, trễ lắm rồi, đừng có học nữa”. Nghe theo lời cha, leo lên giường nằm xuống, đợi ông nội của tôi đi ngủ thì anh chị em lại leo xuống tiếp tục học bài, trong lòng nghĩ rằng cha mẹ vất vả quá, mình phải thành tựu để sau này mà hiếu dưỡng họ. Vì vậy cái động lực, cái mô tơ của họ, nhãn hiệu là tâm hiếu. Chúng ta bây giờ thì phải xem cho rõ mô tơ hiệu gì. Bây giờ bọn trẻ học hành, cái mô tơ gắn cho nó là nhãn hiệu gì vậy? Nhãn hiệu là Đài Tệ. Thi môn gì đó mấy điểm cho con một trăm. Được! Nhưng mà qua một hai năm, chúng sẽ kháng nghị là tiền ít quá, đòi tăng thêm, thế là các vị ở đó bàn điều kiện với chúng. Chúng làm bất cứ việc gì đều phải dụ dỗ chứ không phải đạo nghĩa, mà người bị dụ dỗ phải cần có dục vọng dẫn dụ chúng, chúng sẽ mất hết tính người. Các bạn phải cẩn thận, xem ra thì chúng rất có động lực, nhưng đó là lợi, là dục. Cho nên nhìn việc phải nhìn vào trong tâm địa, chúng ta mới có thể chân thật dẫn dắt con trẻ đi được phương hướng chính xác.
/6
 

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây