Tìm kinh sách
 
        Kinh Sách FULL

Làm Thế Nào Để Trẻ Thơ Tiếp Nhận Giáo Dục Phẩm Đức

GIẢNG TỌA NHÂN SANH HẠNH PHÚC
LÀM THẾ NÀO ĐỂ TRẺ THƠ TIẾP NHẬN GIÁO DỤC PHẨM ĐỨC (Tập 01)
Người giảng: Thầy giáo Thái Lễ Húc
Thời gian: Ngày 08 tháng 05 năm 2009
Địa điểm: Nghị Viện Thành Phố Hợp Nam
Cẩn dịch: Vọng Tây cư sĩ, Mộ Tịnh cư sĩ
*******************
Kính thưa ông Hồng - phó thị trưởng. Kính thưa giáo sư Trương, nghị viên Trang, trưởng khoa Vương, chư vị pháp sư, chư vị tiền bối, chư vị nhà giáo ưu tú, chư vị bằng hữu. Chào buổi sáng tốt lành.
Về lại Đài Nam, cảm giác thật là ấm áp. Bởi vì cha mẹ tôi đều tốt nghiệp tại Đại Học Sư Phạm Đài Nam, bản thân tôi cũng tốt nghiệp lớp giáo viên tại trường này, vì thế chúng tôi có tình cảm rất sâu đối với Đài Nam. Đài Nam cũng là nơi đánh dấu một giai đoạn học tập rất quan trọng trước khi tôi tham gia công tác giáo dục. Tôi học một năm tại lớp giáo viên của Học Viện Sư Phạm Đài Nam. Trong một năm học tập đó, giáo viên hướng dẫn tôi là Doãn Mai Quân. Cô đã từng hỏi chúng tôi một vấn đề: “Thầy cô giáo dạy tri thức và kỹ năng, giả dụ chỉ là dạy tri thức và kỹ năng, vậy máy vi tính có thể được xem là thầy hay không?”. Cô hỏi chúng tôi một vấn đề như vậy để chúng tôi suy nghĩ. Chúng tôi nhớ lại, ông Hàn Dũ đã từng nói: “Thầy là người truyền đạo, dạy nghề và giải đáp nghi hoặc”, thế nên giả dụ như chúng ta làm thầy, chỉ truyền dạy tri thức và kỹ năng, vậy thì máy tính và nhiều công cụ đều có thể làm được.

Chương 4: Tập 2 - Làm Thế Nào Để Trẻ Thơ Tiếp Nhận Giáo Dục Phẩm Đức - Phần 2


Tôi còn nhớ có một câu chuyện có thật thế này, một người cha nọ có hai đứa con, một đứa con trai lớn và một đứa con gái nhỏ. Đứa con trai thành tích tương đối tốt, đọc được sách. Đứa con gái tư chất tương đối không được lanh lẹ cho lắm. Xin hỏi các bạn rằng, mình nên thương đứa con gái hơn hay đứa con trai hơn? “Con gái”. Đáp án chính xác. Thế nhưng trên thực tế, đa số cha mẹ thương ai hơn? Cái thời đại này của chúng ta có học hành thì việc trả lời chính xác rất là giỏi. Phải dụng tâm, không thể chỉ có dùng đầu để trả lời mà thôi. Chúng ta hãy xem xét cho kỹ, chúng ta hiện giờ dụng tâm thiện quá ít, đều là thi cử mục đích để kiếm tiền, đều vì lợi, năng lực cảm nhận của tâm cứ thế mà giảm xuống. Mỗi một câu mà chúng ta nói ra đều có ảnh hưởng tới tâm của mình, cũng ảnh hưởng đến tâm người xung quanh. Hôm nay đứa trẻ này có thành tích tốt thì tôi đối đãi với nó tương đối tốt, còn đứa em gái thành tích không tốt thì việc nhà em đều phải làm, anh thì không cần làm, thương đứa anh hơn, vậy xin hỏi đứa anh sẽ sinh ra cái tâm gì? Tâm ngạo mạn sẽ khởi lên. Các bạn cứ nghĩ thử xem, người có thành tích tốt thì có mấy người không ngạo mạn? Các bạn  phải suy nghĩ, một đứa trẻ bởi vì thành tích tốt mà tăng trưởng ngạo mạn, thành tích tốt và ngạo mạn là lợi bất cập hại, thành tích tốt chỉ là một lần thi, còn tâm ngạo mạn sẽ chướng ngại cả một đời nó. Tôi từng gặp qua người hai mươi tuổi mà mấy lần được học vượt lớp ở trường Đại Học Đài Loan, vào trường đại học giảng dạy, về sau bình xét lên giáo sư thì lại không được, mười mấy năm trời vẫn không được xét. Tại sao vậy? Bởi vì luận văn anh ta viết rất tốt, chỉ cần viết luận văn là mắng một vị giáo sư nào đó, mắng rất gay gắt, sau này anh tự viết luận văn thì phải qua các giáo sư, những giáo sư ấy chỉ cần nhìn thấy bài của anh ta thì không thèm xem, liền bỏ sang một bên. Hết thảy các bạn anh ta đều đã đắc tội hết. Sau đó anh đi thỉnh giáo một vị bằng hữu, vị bằng hữu ấy nói: “Anh có thể đem luận văn sửa lại một chút không? Anh đem việc phê bình người khác không tốt, sửa thành tán thán, thưởng thức người khác, viết cho tốt chỗ đó vào”. Anh ta nghe đến đoạn này thì chau mày lại nói: “Để tôi thử xem”. Kết quả sau đó, anh thật sự viết luận văn, người bạn này vừa xem thấy thì nổi hết da gà, vì anh ta vốn chỉ biết phê bình người khác, nhưng bỗng chốc lại tán thán người, những lời lẽ đó thật chẳng tự nhiên lắm.
Vì vậy chúng tôi vừa mới nói, giáo dục là trưởng dưỡng tâm thiện, vả lại tâm như bơi thuyền ngược nước. Cái thiện bạn không dạy chúng thì chúng sẽ học cái ác. Hôm nay ăn cơm, bạn không dạy chúng mời ông nội bà nội ngồi trước, chúng liền nghĩ rằng chúng nên ngồi trước. Bạn không dạy chúng cái đúng thì chúng học cái sai, cho nên điều này chúng ta phải cảnh giác. Không thể nói bọn trẻ hôm nay không tiến bộ cũng không lui sụt. Con người mỗi ngày không thể không có sự tiến thoái, lúc nào cũng đang tiến thoái. Hồi trước tôi có nghe được một tin tức, có một vị Lâm tiên sinh đã viết một bức thư cho ông Lý hiệu trưởng trường Đại Học Đài Loan. Trong bức thư nói rằng, vị Lâm tiên sinh này nhìn thấy rất nhiều sinh viên trường đại học nổi tiếng, sau khi ra xã hội thì không mấy tôn trọng những vị tiền bối, những vị công chức cao tuổi này, thái độ cũng khá là không tốt, vì thế viết thư cho vị hiệu trưởng này. Ông Lý hiệu trưởng đại học cũng rất thú vị, ông đem bức thư này để cho tất cả giáo viên công chức được xem, ông nói: “Bọn trẻ tốt nghiệp trường đại học chúng ta, doanh nghiệp không tán đồng, đáng để cho ngành giáo dục từ tiểu học đến đại học của chúng ta phải suy nghĩ lại”. Những con người mà chúng ta bồi dưỡng ra lại bị đẩy trả lại, vậy phải điều chỉnh thôi. Trong đó có nhắc đến chúng thiếu sự khiêm tốn, thân thể cứng quá, lưng cúi xuống không nỗi. Các vị bằng hữu, người mà lưng không cúi xuống được thì quả thận có vấn đề, cúi đầu nhiều thì rất có ích cho quả thận, kế đến là không có quan niệm về thời gian, ích kỷ, mượn cớ thì rất nhiều, luôn sống dưới cái hào quang của sự học cao. Vậy chúng ta suy nghĩ kỹ xem, đối với chúng, học vấn cao là điều lợi hay là hại? Có thể là một điều hại, chúng không thể cúi đầu để mà đi thỉnh giáo người khác. Thế nhưng thực tế mà nói, nếu như những đứa trẻ này có học “Đệ Tử Quy” thì những vấn đề này đều sẽ được giải quyết. Khi chúng mà mượn cớ, trong “Đệ Tử Quy” nói “sai chịu sửa, dần liền hết, cố giấu che, càng thêm nặng”.  Còn như chúng ích kỷ, thì dùng câu “cha mẹ thích, dốc lòng làm, đông giữ ấm, hạ quạt mát”. Chúng luôn phải để ý đến sự ấm mát cho cha mẹ, sự cần thiết cho cuộc sống thì chúng sao có thể ích kỷ? Quan niệm thời gian, giả như chúng tôn trọng người thì chúng sẽ không thể không nắm quy tắc về thời gian. Vì thế đằng sau hành vi, quan trọng nhất vẫn là cái tâm cung kính còn chưa được đề khởi lên.
Hôm nay chúng học “Đệ Tử Quy” rồi, trong“Đệ Tử Quy” có câu: “Người có tài, không chỉ trích”, người ta có năng lực, khiêm nhường mà thỉnh giáo họ, không nên đố kỵ. Những tâm thái này, từ hồi tiểu học, kinh điển này chúng đã học hiểu rồi, thậm chí người làm giáo viên như chúng ta có thể hiểu được lúc nào là cơ hội để giáo dục cho chúng. Lúc mà sắp phát bài thi ra, chính là cơ hội tốt nhất để dạy bọn trẻ. “Này các em, kỳ thi sắp kết thúc”, nhưng thực tế, phát trả bài thi thì kỳ thi mới là bắt đầu, các bài thi này phát trả ra, các em vừa thấy thì “oh! Mình thi được 100 điểm, mình thật là giỏi quá!”, vậy thì các em thi không đạt rồi. Các em không nghĩ đến công lao cha mẹ dưỡng dục, công thầy cô dạy dỗ vất vả, thậm chí là các bạn học vào những lúc mà em không biết, cũng vô tư mà nói cho em biết, vì thế em thi điểm tốt, em phải nghĩ là nhờ có rất nhiều người đã giúp đỡ cho em. Các vị thấy, những người có thành tích tốt thì sẽ khởi lên là cái tâm gì? Tâm cảm ân. Điều này chúng ta không có dạy, trẻ sẽ bất tri bất giác tâm tính đi về hướng nào chúng ta không biết được, còn nếu nó mà thi không tốt thì sao? Tôi còn nhớ, có lần tôi thi môn tiếng Anh được 98 điểm, tôi đã khóc hơn một tiếng đồng hồ. Các vị thấy, thi không tốt thì biến thành so đo tính toán, thân tâm không thoải mái. Tôi cũng còn nhớ rất rõ ràng, hồi tôi học ba năm phổ thông cho đến lúc tốt nghiệp, trong quyển sổ lưu niệm tốt nghiệp ba năm học đó, các bạn học còn vẽ một đứa con trai rất là đẹp trai, đang khóc. Một đứa trẻ mà bài thi chỉ thiếu hai điểm mà đã khóc đến như vậy, các vị nghĩ xem, nó sẽ hạnh phúc hay không? Các vị nghĩ, sau này nó có bị chứng trầm cảm hay không? Rất có thể. Vì thế tôi học đại học, thi rất là căng thẳng, suy hơn tính thiệt, uống đến hai viên thuốc an thần mà cũng không ngủ được. Lúc thi môn đầu tiên là ngữ văn, vừa bắt đầu thi thì cảm thấy thuốc an thần quả là rất có hiệu quả, thế là môn ngữ văn của tôi thi không đạt. Con người không bỏ cái bệnh tính toán so đo này, thì cả đời dù có thành công cũng là ở trong sự đau khổ, trong sự phiền não. Vì thế khi bọn trẻ thi không đạt, đó chính là cơ hội tốt nhất để dạy chúng. “Các em, lúc này các em phải hiểu được tại sao các em thi lại không đạt, vấn đề nằm ở đâu?” khiến cho chúng sau này trong cuộc sống, gặp chuyện gì cũng đều phản tỉnh kiểm điểm thì mỗi một sự việc chúng đều sẽ có tiến bộ. Dạy cho chúng cái thái độ này, chứ không phải cứ chấp chặt ở trên điểm số thôi. Các em xem vấn đề của mình ở đâu? Lơ là, cẩu thả, sau này viết cái gì phải cẩn thận, không nên hấp tấp, gặp lại thì các em thấy nước tới chân mới nhảy. Phải giúp bọn trẻ tìm cho ra vấn đề. Tiếp đến là dẫn dắt cho các em, thấy người khác có thành tích tốt hơn mình, thì “thấy người tốt, nên sửa mình”, chứ không thể đố kỵ với người, đem tâm đố kỵ người khác của chúng chuyển thành cái tâm học hỏi người khác, cái tâm thưởng thức người khác. Hỏi chúng là, các em có biết vì sao mà người khác thi lại tốt hay không? Chúng có thể nói rằng, bởi vì bạn học này bình thường rất chăm chỉ, vả lại bạn khác có gì không hiểu bạn ấy đều chủ động nói với họ. Càng đem cho đi, trí tuệ của bản thân càng cao. Càng đi giúp người càng giành được tình hữu nghị. Những điều này đều là cơ hội để giáo dục. Ví dụ như có hai đứa ngồi gần nhau, một đứa thì thi đạt, một đứa thi không đạt, đó cũng là một cơ hội để giáo dục, cày ruộng phước trong tâm. Từ những cơ hội này mà khởi phát thiện tâm của trẻ.
Tôi học “Đệ Tử Quy” quá trễ, cho nên tôi còn nhớ lúc tôi làm bài thi, bạn học thi cao điểm hơn tôi, trong lòng tôi cảm thấy không vui, “có gì hay đâu chứ, chẳng qua là may thôi mà”. Tuy trong lòng nghĩ như vậy, nhưng trên mặt thì vẫn mang vẻ tươi cười nói: “Chúc mừng bạn, bạn làm bài giỏi quá!”. Đó cũng chỉ là lời nói không như việc làm, giả dối. Giả dối sẽ tổn âm đức! Nhìn thấy bạn học mà thi không bằng tôi, tôi rất là thích thú, sau đó còn cầm bài thi đưa qua đưa lại vài lần và nói: “Hôm qua tôi chẳng có ôn gì hết, vô tình mà lại thi còn cao điểm hơn bạn”. Cho nên các bạn thấy, người mà chua ngoa, gian thần thì rồi sẽ như thế nào? Đều thấy gầy còm, có phải không? Bởi vì cái ý niệm không tốt sẽ làm tổn thương họ trước, chưa kịp hại người khác thì đã hại mình rồi. Một ý niệm xấu khởi lên thì 80 ngàn tỉ tế bào bị đầu độc cả. Các bạn hãy xem Tần Cối hoặc là Nghiêm Tung, những người này có dáng người đều là dáng của kẻ gian thần. Các bạn đều chưa thấy qua gian thần à? Các bạn cứ nhìn lên trên này thì sẽ biết, đây là mười mấy năm trước, tâm thái tôi không đúng mà bây giờ thành ra như vầy. Vì vậy các bạn cũng nên tín nhiệm tôi để động viên cho tôi. Mười lăm năm nữa, tôi sẽ nỗ lực cố gắng cho giống với dáng của đức Phật Di Lặc, khỏe mạnh, tâm rộng lớn. Điều này xác thực tâm thái đã quyết định sự thành bại của việc mà chúng ta làm. Tuyệt đối không phải nói, hôm nay tôi nhất định phải lập tức đem toàn bộ “Đệ Tử Quy” mà đọc lại. Ngược lại, không cần nhất định phải áp đặt như thế, chúng ta có phải thật cảm thấy là đức hạnh quan trọng, có phải cảm thấy là đã đến lúc không còn có thể chậm trễ, giống như bác sĩ trị bệnh, giả như bệnh nhân đã nguy kịch thì có dễ trị không? Không dễ trị! Bác sĩ chỉ trị cái bệnh của thân thể. Chúng ta trong ngành giáo dục là trị cái tâm của học trò, trị cái trí huệ của chúng, trị cái tư tưởng sai của người, vì thế mà xã hội đều nói, thầy cô giáo là kỹ sư tâm hồn của nhân loại. Nghề nghiệp này là vô cùng thiêng liêng.
Chúng ta hiện giờ cứ suy nghĩ kỹ lại, xã hội chúng ta hiện nay đã bị bệnh đến mức độ nào rồi, đã đến mức nguy kịch chưa? Sắp sửa rồi. Chúng ta vẫn còn chút thời gian, nếu không trị, sau này đến lúc tiêu tùng rồi, các vị chỉ có thể ngồi bên cạnh mà than vắn thở dài, không làm gì được. Vì vậy chúng ta có sự nhận thức chung này, các bạn cùng nhau gánh vác sứ mệnh dân tộc xã hội thời đại này lên, kế tục tuyệt học của thánh nhân, vì vạn đời khai mở thái bình. Thật sự mà nói, không chỉ khai mở thái bình cho xã hội Đài Loan của chúng ta, hiện nay cả thế giới động loạn là đều xuất phát từ vấn đề tư tưởng, nói cho thấu, con người bây giờ đều tự tư tự lợi nhiều, trọng lợi, khinh nghĩa. Chúng ta bây giờ có thể từ xã hội Đài Loan đem đạo nghĩa phục hưng trở lại, làm Đài Loan trở thành căn cứ để phục hưng văn hóa truyền thống Trung Hoa, cả thế giới đều đi đến Đài Loan. Vì vậy phát triển nền kinh tế gì thì sẽ không có tác dụng phụ nhất? Tham quan du lịch văn hóa. Vả lại còn giành được sự tôn trọng của thế giới. Thành phố Đài Nam chúng ta là thủ phủ của Đài Loan, là nơi có văn hóa lâu đời nhất, từ thành phố Đài Nam dẫn đầu mà làm, không thể thoái thác cho ai, không ai ngoài ta, các bạn cũng hãy phối hợp một chút. Thế nhưng trong quá trình làm, quả thực sự tu dưỡng của một người rất quan trọng. Đầu tiên phải đem sự nóng vội điều phục trở lại. Vội thì sẽ hỏng việc, cho nên Khổng Lão Phu Tử nói: “Dục tốc tắc bất đạt”. Vì vậy bây giờ không phải bảo ai đó mau chóng làm, mà phải bắt đầu làm từ chính mình. Không phải bà chủ gia đình sau khi nghe xong, trở về đập bàn một cái và nói: “Tôi nói cho các bạn biết nha, tôi đến hội đồng thành phố nghe giảng tọa về giáo dục ba tiếng đồng hồ, sau này dạy dỗ bọn trẻ thì phải nghe tôi”. Vậy thì hỏng rồi, sau này tôi không dám đến thành phố Đài Nam nữa, bởi vì nếu như tôi đến thì chắc sẽ có một anh cao to nào đó chạy đến hỏi: “Ông có phải là Thái Lễ Húc không?”. Tôi vừa thấy người khôn không chịu thiệt rõ ràng, bởi vì bà nhà anh sau khi mà nghe buổi giảng xong, trở về với thái độ này, khiến anh không thể chịu nỗi. Tôi sẽ nói tôi là em trai của ảnh. “Anh ta chỉ có chị gái chứ đâu có em trai?”. Anh ta đem hộ khẩu của tôi điều tra thật rõ ràng. Tôi nói tôi là em họ anh ấy, vậy sẽ hoàn toàn ngược lại. Tại vì sao thường thường việc tốt đều làm không thành? Nguyên nhân chủ yếu nhất chính là quá vội vàng, không tiến dần từng bước. Không được để nó nước chảy thành sông, ngược lại lòng tốt thành làm hỏng việc, còn dẫn đến bị rất nhiều người oán trách.
Trong “Trung Dung”, Khổng Lão Phu Tử nói với chúng ta: “Chính kỷ nhi bất cầu vu nhân tắc vô oán”, rất nhiều sự oán trách đều là bản thân chúng ta làm không tới mà yêu cầu người khác, cho nên người ta không phục. Bạn là người lãnh đạo của một doanh nghiệp, bạn muốn công nhân có đạo đức, bản thân không làm thì hiệu quả có hạn. Trong một ngôi trường, hiệu trưởng chủ nhiệm không dẫn đầu mà làm, bạn bảo giáo viên làm thì họ cũng không phục. Lớn đến xã hội, nhỏ đến gia đình. Hôm nay các bạn trở về, bảo bọn trẻ làm mà mình lại không làm trước thì hiệu quả vẫn là không đạt, trái lại kết quả là người trong nhà, đồng nghiệp với nhau đều cảm thấy đạo đức “Đệ Tử Quy” vô dụng, vậy thì phiền phức rồi, có thể sẽ đoạn huệ mạng của họ, sẽ đoạn pháp duyên của họ. Vì vậy mà phải “lấy mình hóa người”, mà tiến dần từng bước, thật sự là từ bản thân mình mà làm.
Tại Đông Quản của tỉnh Quảng Đông, có một vị làm chủ nhiệm giáo vụ, ông tham gia khóa trình “Đệ Tử Quy” trong năm ngày, ông nói ông ghi vào sổ tay nhiều hơn việc ghi chép của bốn năm ông học đại học. Quả thực chúng tôi cảm thấy vị chủ nhiệm này làm công tác giáo dục, rất muốn dạy cho bọn trẻ được tốt. Thế nhưng những gì học được, ông không biết nó đúng là có ích cho học trò hay không. Khi ông tiếp xúc được sự giáo dục này của tổ tông, ông cảm thấy cái này rất có thể giải quyết vấn đề. Sau khi ông học xong, việc đầu tiên mà ông làm là cai thuốc lá, không hút thuốc nữa. Sau khi trở về bắt đầu làm từ chính mình. Ông tìm hai, ba người đồng nghiệp tán đồng với mình, tự mình làm trước. Ông không dùng cái vị thế chủ nhiệm giáo vụ của mình trong chốc lát yêu cầu thật nhiều người, không hề. Họ gồm có bốn người, mỗi một tuần đều gặp nhau để cùng học tập. Quả thật chỉ cần các thầy cô giáo trong cùng một khối lớp, các bạn cùng nhau mà dạy học, kinh nghiệm của mười mấy con người, hễ mà hội tụ trở lại thì rất nhiều. Mỗi một ngày lại giao lưu một chút với nhau, khoảng chừng mười đến mười lăm phút, có một số phương pháp dạy học mới hay ví dụ mới thì đem chia sẻ, như vậy thì chúng ta cảm thấy việc dạy học, đằng sau mình có cả một lực lượng to lớn giúp đỡ, chính là tất cả đồng nghiệp, và việc dạy học không bị áp lực quá lớn, thậm chí rất nhiều kinh nghiệm của những người đã từng dạy “Đệ Tử Quy” lúc trước, đều có thể làm thành tài liệu cho mình tham khảo. Họ là bắt đầu từ ba người mà làm, ông cùng với ba người là giáo viên chủ nhiệm, từ ba lớp ấy bắt đầu. Kết quả không bao lâu sau, vài tháng sau đó, học sinh trong ba lớp này ngoan ngoãn vô cùng. Có một điểm là ba người giáo viên này thường thường cho họp phụ huynh, để phụ huynh cũng đến học tập, bởi vì giáo dục là sự hợp lực, nó không phải là nỗ lực của một người, cho nên đạt được hiệu quả thật tốt. Cha mẹ đang ảnh hưởng đến con trẻ, thầy cô cũng đang ảnh hưởng tới chúng, môi trường trong trường học cũng ảnh hưởng tới chúng, nếp sống xã hội cũng đang ảnh hưởng đến trẻ, vì vậy phải cứu thế hệ sau của chúng ta, toàn dân được tổng động viên. Các bạn có thấy là “ôi chao! Không thể nào” hay không? Có thể hay không là từ chính mình mà bắt đầu.
Chúng ta là phải thật tâm thì từ từ sẽ kéo theo nữa. Vả lại, chỉ cần chúng ta làm trước, con cái của chúng ta, học sinh của chúng ta, hễ có sự phát triển tốt, ai mà không mong muốn cho con cái hiểu chuyện, ai mà không muốn bọn trẻ học những đạo đức này thì tôn trọng họ. Cho nên xã hội bây giờ thiếu nhiều nhất là gương tốt. Một khi mà có gương tốt, không có người nào mà không sẵn lòng để cố gắng, có điều bây giờ là khủng hoảng lòng tin, đều cảm thấy không thể nào. Kỳ thực chúng tôi hơn ba năm nay, tại Thang Trì Lô Giang tổ chức khóa trình văn hóa truyền thống, có khoảng hơn 30 nghìn người đã tham gia khóa trình, không có ai phản đối, đều tiếp nhận hết, đều có thể về làm. Chúng tôi có thể cảm nhận được xác thực lời tổ tiên nói, nhân chi sơ quả thực là tánh bổn thiện. Cho nên cũng phải vận động luôn cả phụ huynh đối với việc nhận thức luân lý đạo đức, trên thực tế “mười năm trồng cây, trăm năm trồng người”, nhưng phải có ảnh hưởng của phụ huynh. Đầu tiên phải nhờ nhà trường, thầy cô, bởi vì họ có chuyên môn. Tiếp đến là phải nhờ đoàn thể xã hội. Đoàn thể xã hội cũng hoằng dương luân lý đạo đức, họ nói cho phụ huynh nghe, có thể thông qua người thứ ba để cho phụ huynh hiểu được, thầy cô cũng không dễ gì, thầy cô chịu dạy đứa trẻ này, nghĩa là có sự yêu mến nó rất lớn, thông qua người thứ ba để phụ huynh cũng có thể hiểu được sự dụng tâm của thầy cô. Thời đại này phải dùng mọi phương cách để mà làm. Sau khi ba lớp này học xong rồi thì hiệu trưởng của họ biết được, mà khí chất của ba cái lớp học này rất khác nhau, thành tích đều tốt lên, bởi vì chỉ cần tôn trọng thầy cô, hiếu thảo cha mẹ, thành tích sẽ tăng lên với tốc độ rất nhanh. Đây chính là khơi dậy từ cái gốc. Sau khi tìm hiểu thì ra ba cái lớp này chúng đều học “Đệ Tử Quy”, thế là vị hiệu trưởng này liền phổ biến ra toàn trường, tất cả các lớp đều học “Đệ Tử Quy”. Vị chủ nhiệm giáo vụ này, từ việc cá nhân ông ta tìm được phương hướng thì đã đến đích. Thế là vị hiệu trưởng này là một nữ hiệu trưởng, cô vừa triển khai như vậy, chồng của cô ấy liền đọc thấy trên báo nói “Đệ Tử Quy” là hiếu một cách ngu dốt, liền nói cô ấy là phải suy nghĩ kỹ lại việc này, đã có người phê bình rồi. Kỳ thực “Đệ Tử Quy” có hiếu một cách ngu dốt hay không? “Đệ Tử Quy” nói với chúng ta, “cha mẹ lỗi, khuyên thay đổi”, cha mẹ có chỗ nào không đúng thì phải khuyên can, không phải hiếu một cách ngu ngốc. Vì vậy rất nhiều chuyên gia phê bình, có thể kinh sách này họ cũng chưa hề xem qua, như vậy là không được thỏa đáng. Bởi vì người chồng sợ cô ấy làm sai sẽ ảnh hưởng đến chức hiệu trưởng của cô ấy, thế là cô ấy nói với chồng mình: “Họ thì có cái cách nhìn của họ, em có cái trách nhiệm của em. Em thấy được học sinh của mình, chúng hiện giờ đều đang trưởng thành, mà trường trung học cơ sở bên cạnh chúng ta sau mỗi kỳ nghỉ hè đều có một lượng lớn học sinh đi phá thai. Em không muốn học sinh của em sau này lại đi vào con đường đó”. Thế là sau khi người chồng nghe cô ấy nói xong, bèn rất trang trọng nhìn cô ấy mà nói: “Anh cảm thấy em rất thích hợp để làm người lãnh đạo đất nước. Muốn có trách nhiệm với thế hệ sau, không dạy tốt thế hệ sau thì xã hội đất nước này sẽ không có tương lai”. Kết quả là vị hiệu trưởng này triển khai, hiệu quả toàn trường rất tốt. Đoàn giáo dục Hồng Kông muốn đến tỉnh Quảng Đông để tham quan, tỉnh Quảng Đông liền giới thiệu ngôi trường này. Sau này học sinh của cô ra trường và đi dạy học, đối với bác tài xế cũng rất lễ phép, ở những nơi công cộng đều có thể đi nhặt rác. Một công ty du lịch nọ còn đăng lên báo, từ trước tới giờ chưa thấy qua ngôi trường nào dạy phẩm đức tốt đến vậy, còn giúp ngôi trường của họ làm quảng cáo.
Chúng ta thấy được sự tu thân của một người có thể sinh ra sức mạnh cỡ nào. Tu thân, họ tề gia cái lớp của mình, cả trường mở rộng sức ảnh hưởng sinh ra hiệu ứng trị quốc bình thiên hạ. Chỉ cần có đức thì có thể có được sự hiệu ứng như vậy sinh ra. Đích thực đây không phải là một ví dụ mà thôi, rất nhiều trường học đều đã dần dần triển khai như vậy rồi, cho nên chúng ta có được lòng tin này, từ bản thân chúng ta mà bắt đầu làm.
Tốt rồi, hôm nay xin tạm giao lưu với các bạn đến đây thôi. Xin cảm ơn.
(Hết tập 02)
/6
 

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây