Phát Khởi Bồ Tát Thù Thắng Chí Nhạo Kinh Giảng Ký
發起菩薩殊勝志樂經講記
Chủ giảng: Lão Hòa Thượng Thích Tịnh Không
Chỉnh lý: Cư sĩ Truyền Tịnh
Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Ý kiến bạn đọc
Di Lặc! Thị vi Bồ Tát ư hậu mạt thế, ngũ bách tuế trung, pháp dục diệt thời, thành tựu tứ pháp, an ổn vô não, nhi đắc giải thoát.
Nhĩ thời, Thế Tôn dục trùng tuyên thử nghĩa, nhi thuyết kệ ngôn:
- Đương xả ư giải đãi,
Viễn ly chư hội náo,
Tịch tĩnh, thường tri túc.
Thị nhân đương giải thoát.
彌勒。是為菩薩。於后末世。五百歲中。法欲滅時。成就四法。安隱無惱。而得解脫。爾時世尊。欲重宣此義。而說偈言。
當舍於懈怠。
遠離諸憒鬧。
寂靜常知足。
是人當解脫。
(Này Di Lặc! Đấy là Bồ Tát vào đời mạt sau, trong năm trăm năm, lúc pháp sắp diệt, thành tựu bốn pháp, an ổn, không phiền não, bèn được giải thoát.
Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn muốn nhắc lại nghĩa này, bèn nói kệ rằng:
- Hãy bỏ rời giải đãi,
Xa lìa các ồn náo,
Tịch tĩnh, thường biết đủ,
Người ấy sẽ giải thoát)
Phật dùng kệ tụng nhắc lại lần nữa những pháp nghĩa ở trên.
Chánh kinh:
Nhĩ thời, Thế Tôn thuyết thử kệ dĩ, cáo Di Lặc Bồ Tát ngôn:
- Di Lặc! Thị cố Bồ Tát ư hậu mạt thế, ngũ bách tuế thời, dục tự vô não, nhi giải thoát giả, trừ diệt nhất thiết chư nghiệp chướng giả.
爾時世尊。說此偈已。告彌勒菩薩言。彌勒。是故菩薩。於后末世。五百歲時。欲自無惱。而解脫者。除滅一切。諸業障者。
(Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn nói bài kệ ấy xong, bảo Di Lặc Bồ Tát rằng:
- Này Di Lặc! Vì thế các Bồ Tát vào đời Mạt sau, trong năm trăm năm, muốn tự không phiền não, được giải thoát, trừ diệt hết thảy nghiệp chướng thì...)
Đoạn kinh văn này dùng để tổng kết các đoạn kinh văn trong phần trước. Di Lặc Bồ Tát thay chúng ta thỉnh giáo đức Thế Tôn: Trong thời kỳ Mạt Pháp (tức là trong xã hội hiện đại đây), chúng ta học Phật phải nên tu bao nhiêu pháp mới hòng gìn giữ an ổn, được độ thoát? Đức Thế Tôn dạy chúng ta tu bốn pháp, nói xong, lại dạy thêm bốn pháp nữa; tổng cộng là tám pháp. Ngài nói xong lại phó chúc Di Lặc Bồ Tát, chứ thật ra là phó chúc mọi người chúng ta, Di Lặc Bồ Tát là người thay mặt cho chúng ta. Đoạn kinh này hết sức quan trọng.
Nói “trong đời mạt sau, lúc năm trăm năm” là nói đến xã hội hiện tại. Nếu chúng ta muốn được không phiền não, mong đạt giải thoát - hai chữ “giải thoát” này rất trọng yếu - chúng ta đọc [chữ Giải theo âm Quan Thoại] là xiè thì sẽ thành động từ, còn nếu đọc là jiẻ sẽ thành danh từ; tháo gỡ, dứt bỏ phiền não nên gọi là “giải trừ”. “Thoát” là liễu thoát lục đạo sanh tử luân hồi mới coi là thành tựu. Nếu chẳng đoạn phiền não, chẳng thể liễu thoát sanh tử luân hồi, chẳng được kể là thành tựu, bất luận tu pháp môn gì, tu giỏi đến đâu cũng chẳng thành tựu, quý vị vẫn phải sanh tử luân hồi y như cũ. Bởi thế, hai chữ “giải thoát” trọng yếu phi thường, có thể nói nó chính là mục tiêu tu học hiện tiền của chúng ta.
Điều thứ hai là “trừ diệt hết thảy các nghiệp chướng”. Tôi tin là người có nguyện vọng đạt mục tiêu thứ nhất “liễu sanh tử” chẳng có mấy ai, dường như mục tiêu kế đó là “tiêu nghiệp chướng” thì mọi người đều mong. Ít người có quan niệm liễu sanh tử, nhưng mong tiêu nghiệp chướng lại rất phổ biến. Nếu như quý vị mong tiêu trừ hết thảy nghiệp chướng thì có tám pháp như vậy, đủ thấy tám pháp ấy hết sức quan trọng. Tiếp theo đây, Phật nói:
Chánh kinh:
Ưng đương xả ly hội náo chi xứ.
應當舍離。憒鬧之處。
(Phải nên lìa bỏ những nơi ồn náo).
Phải lìa bỏ những nơi ồn náo. Chúng ta là phàm phu, chẳng phải là thánh nhân tái lai. Các vị Phật, Bồ Tát tái lai tu hành chẳng giống chúng ta, mà là: “Trong pháp Đại Thừa, ở trong chỗ ồn náo mà lìa ồn náo”, chẳng phải là điều người bình thường [có thể làm được]. Nếu ta học đòi các Ngài, xa lìa ồn náo trong chỗ ồn náo, ta nhất định đọa địa ngục A Tỳ; bởi thế, chắc chắn là chẳng học được.
Cuối bản kinh này có nói: Sơ nghiệp Bồ Tát chẳng giống như huệ hạnh Bồ Tát. Huệ hạnh Bồ Tát phá một phần vô minh, chứng một phần Pháp Thân, họ được kinh Hoa Nghiêm gọi là Pháp Thân Đại Sĩ. Hạnh của các vị ấy đích thực là “phiền não chính là Bồ Đề, sanh tử chính là Niết Bàn”. Chúng ta là sơ học Bồ Tát, sanh tử là sanh tử, phiền não là phiền não, tuyệt đối chẳng thể “phiền não chính là Bồ Đề”, chúng ta làm không được!
Chúng ta nhất định phải hiểu rõ thân phận mình là như thế nào, trình độ của mình ra sao, phải nên tu học những gì; hoàn cảnh nhất định ảnh hưởng đến tâm tình của chúng ta. Bất cứ hoàn cảnh bất hảo nào cũng sẽ khiến cho thân tâm ta chẳng đạt được hoàn cảnh thanh tịnh, cho nên nhất định phải xa lìa chúng. Vì thế, đức Phật mới dạy chúng ta xa lìa những nơi náo nhiệt, xô bồ.
Chánh kinh:
Trụ A-lan-nhã, tịch tĩnh lâm trung.
住阿蘭若。寂靜林中。
(Ở A-lan-nhã, trong rừng vắng lặng)
Tuy câu này tựa hồ để nói với người xuất gia, nhưng người tại gia mà muốn thành tựu thì cũng chẳng thể tránh khỏi. Bây giờ ta phải hiểu câu kinh này như thế nào đây? Chính là dạy quý vị phải chọn lựa địa phương để cư ngụ. Chúng ta ở chỗ nào mới là tốt? Ở chỗ nào an tịnh thì mới tốt! Người Trung Quốc đặc biệt những ai sống ở Đài Loan, náo nhiệt đã biến thành thói quen, đột nhiên thanh tịnh thì tựa hồ chẳng thể chịu đựng nổi. Chúng tôi ở ngoại quốc thấy người quen sống ở Đài Loan, đến Mỹ quốc sẽ chẳng thể chịu đựng nổi.
Nước Mỹ rất thanh tịnh, hoàn cảnh cư trú rất êm đềm. Họ quy hoạch từng khu vực rất phân minh, trong khu vực buôn bán nhất định không thể ở được, trong khu vực gia cư nhất định không thể buôn bán được. Họ mong cầu hoàn cảnh yên vắng, tuy khoảng cách giữa các nhà lân cận chẳng xa, nhưng nhất định quý vị chẳng nghe thấy âm thanh nhà hàng xóm. Đấy là hoàn cảnh cư trú hiện tại của Mỹ quốc, yêu cầu của họ rất phù hợp với điều được dạy trong kinh này đây. Có những người Trung Quốc già cả, về hưu, sang Mỹ, sống trong hoàn cảnh ấy cảm thấy rất tịch mịch, rất quạnh quẽ nên chẳng sống lâu ở đấy được. Đó đều là vì đã quen ưa chỗ náo nhiệt, đột nhiên an tịnh bèn chẳng thể chịu được!
Thế nhưng đức Phật dạy chúng ta: người tu hành nhất định phải sống nơi thanh tịnh. “A-lan-nhã” (Aranya) là tiếng Phạn, có nghĩa là chỗ tịch tĩnh. Thời cổ, tiêu chuẩn an tịnh là chẳng nghe thấy tiếng trâu rống. Do người tu hành quá nửa là sống trong vùng núi hoang, trong thôn quê có nông phu nuôi gia súc. Tiếng trâu rống vang xa nhất. Chỗ nào chẳng nghe thấy tiếng trâu rống, chỗ đấy gọi là A Lan Nhã. Chúng ta phải thấu hiểu ý nghĩa, cảnh giới ấy. “Tịch tĩnh lâm trung” là chọn lựa chỗ tu học, chọn lựa chỗ cư trú. Câu thứ ba là:
Chánh kinh:
Ư bất ưng tu, nhi tu hành giả, cập chư lãn nọa, giải đãi chi thuộc, giai đương viễn ly.
於不應修。而修行者。及諸懶惰。懈怠之屬。皆當遠離。
(Với những kẻ tu hành những pháp chẳng nên tu, và những hạng lười nhác, biếng trễ, đều nên xa lìa).
Câu này dạy chúng ta phải xa lìa ác tri thức. Hạng người ấy gây trở ngại cho sự tu học của chúng ta, ta cần phải xa lìa. “Ư bất ưng tu, nhi tu hành giả”, quý vị thử nghĩ xem, những gì là “bất ưng tu” (chẳng nên tu)? Bọn họ hằng ngày tu những gì? Tu tham, sân, si đấy! Tu tham, sân, si thì quả báo là tam ác đạo. Chúng ta tu hành mong thành Phật, bọn họ tu hành mong thành ngạ quỷ, súc sanh, địa ngục, đấy là những điều chẳng nên tu. Nhưng người thế gian tu tam ác đạo rất nhiều, trong số đó có cả chúng ta nữa! Bởi vậy, chúng ta phải tự phản tỉnh, phải tự kiểm điểm xem chính mình có tham, sân, si hay không? Tập khí tham, sân, si của chúng ta có nghiêm trọng hay không? Nếu đã có mà lại nghiêm trọng nữa thì phải dùng phương cách đối trị. Dùng phương cách nào? Đức Phật dạy chúng ta dùng Giới, Định, Huệ để phá Tham, Sân, Si “và những hạng lười nhác, biếng trễ”.
Đấy mới chỉ là một loại, nếu muốn kể ra thì chẳng thể kể hết đượ! Đó đều là những hạng trái nghịch lời Phật răn dạy, chúng ta đều phải xa lìa!
Chánh kinh:
Đản tự quán thân, bất cầu tha quá.
但自觀身。不求他過 。
(Chỉ tự xét mình, chẳng cầu lỗi người).
Đây chính là điều kinh Vô Lượng Thọ dạy “tẩy tâm dịch hạnh” (rửa lòng, đổi hạnh). Người tu đạo chân chánh thường phải phản tỉnh, kiểm điểm lỗi lầm của chính mình, chẳng chuyên chú tìm lỗi người khác. Thấy lỗi người khác là một chướng ngại lớn nhất, quý vị tu học Phật pháp công phu chẳng đắc lực, chẳng thể thành tựu. Niệm Phật chẳng những không đạt được Sự Nhất Tâm, mà công phu thành một khối cũng chẳng đạt được, nguyên nhân là vì đâu? Hằng ngày lo ngó lỗi người khác, hằng ngày kể tội người khác, tạo nghiệp đấy nhé! Dù miệng niệm Phật, nhưng tâm hạnh đều là tạo nghiệp, làm sao quý vị thành tựu cho được! Vì thế, phải nhớ kỹ: “Chỉ tự xét mình, đừng cầu lỗi người”.
Chánh kinh:
Nhạo ư điềm mặc.
樂於恬默。
(Ưa thích lặng lẽ).
Câu này dạy chúng ta phải an trụ tịnh tu, phải biết thân tâm tịch tĩnh chính là chân lạc.