Kinh Bản Nguyện của Bồ Tát Địa Tạng
Ý kiến bạn đọc
BỒ TÁT ĐỊA TẠNG
PHẨM THỨ BA
Nói Rõ Về Những Nghiệp Duyên
Của Các Chúng Sinh.
Ngay bấy giờ, Bồ Tát Địa Tạng liền đáp với Thánh Mẫu Ma Gia rằng: “Trong nghìn muôn ức thế giới, cho đến các quốc độ, hoặc nơi có địa ngục, hoặc nơi không có địa ngục, hoặc nơi có nữ nhân, hoặc nơi không có nữ nhân, hoặc nơi có Phật pháp, hoặc nơi không có Phật pháp, nhẫn đến bậc Thanh Văn, Bích Chi và Bồ Tát... cũng sai khác như thế, chứ chẳng riêng tội báo, của các loại chúng sinh, khổ đau nơi địa ngục”.
Bà Thánh Mẫu Ma Gia, lại bạch với Bồ Tát Địa Tạng Đại Sĩ rằng: “Ý tôi nay muốn hỏi, về nghiệp báo chúng sinh, chịu khổ trong đường ác, nơi cõi Diêm Phù Đề”.
Ngài Địa Tạng đáp rằng: “Thánh Mẫu xin lắng nghe, tôi sẽ nói lược qua”.
Thánh Mẫu liền bạch rằng: “Xin Bồ Tát cứ nói, tôi một lòng chờ nghe”.
Ngay bấy giờ, Bồ Tát Địa Tạng liền thưa với Thánh Mẫu Ma Gia rằng: “Tên của những tội báo, ở cõi Diêm Phù Đề, xin được kể lược qua, Thánh Mẫu hãy lắng nghe: Nếu có chúng sinh nào, bất hiếu với cha mẹ, hoặc mắng nhiếc đánh đập, nhẫn đến cho giết hại, thì những kẻ ác đó, đọa Địa Ngục A Tỳ, trải qua muôn ức kiếp, không biết kì nào ra.
Nếu có chúng sinh nào, làm thân Phật chảy máu, giết hại cả Thánh Tăng, lại hủy báng Tam Bảo, không tôn trọng kinh Phật, những kẻ ác như thế, đọa Địa Ngục A Tỳ, trải qua muôn ức kiếp, không biết kì nào ra.
Nếu có chúng sinh nào, xâm chiếm của thường trụ, làm nhơ hạnh Tăng Ni, ở ngay trong chùa tháp, mà túng tứ buông lung, cùng nhau hành dâm dục, làm các việc trái đạo, hoặc đánh mắng giết hại, Tăng Ni chúng đồng tu, những kẻ ác như thế, đọa Địa Ngục A Tỳ, trải qua muôn ức kiếp, không biết kì nào ra.
Nếu có chúng sinh nào, giả bộ là Tăng Ni, kì thật mình chẳng phải, nếu là người xuất gia, mà lợi dụng chùa tháp, chẳng trì trai giữ giới, ăn bám của thường trụ, sống tâm chẳng ngay thật, lừa gạt hàng bạch y, tạo vô lượng tội lỗi, chẳng một chút ăn năn, những kẻ ác như thế, đọa Địa Ngục A Tỳ, trải qua muôn ức kiếp, không biết kì nào ra.
Nếu có chúng sinh nào, trộm cắp của thường trụ, hoặc tiền tài, lúa, gạo, cùng thức ăn đồ uống, nhẫn đến các vật dụng, cho đến một vật nhỏ, không cho mà cứ lấy, những kẻ ác như thế, đọa Địa Ngục A Tỳ, trải qua muôn ức kiếp, không biết kì nào ra.
Bồ Tát lại bảo rằng: “Xin Thánh Mẫu lắng nghe, nếu có các chúng sinh, tạo những tội như thế, tất sẽ đọa A Tỳ, chịu khổ không dừng nghỉ, dù chỉ là một giây, bởi thế địa ngục kia, còn gọi Ngục Vô Gián”.
Thánh Mẫu lại hỏi rằng: “Vì sao địa ngục ấy, lại gọi Ngục Vô Gián?”
Bồ Tát liền đáp rằng: “Thánh Mẫu hãy lắng nghe, tất cả các địa ngục, đều ở trong núi lớn, tên gọi Đại Thiết Vi. Những địa ngục lớn có, tất cả mười tám nơi, những địa ngục nhỏ hơn, tổng cộng có năm trăm, kế dưới có một nghìn, tên gọi đều khác nhau. Trong mỗi mỗi ngục đó, lại có các ngục nhỏ, nhiều đến muôn ức nghìn, thật chẳng thể đếm được. Trong các ngục vừa kể, có ngục tên A Tỳ, chu vi rộng lớn một muôn tám nghìn dặm, tường ngục kia dày chắc, cao tới một nghìn dặm, do nghiệp cảm tạo nên, được làm toàn bằng sắt. Lửa cháy luôn rừng rực, suốt cả ngày lẫn đêm, thông từ trên xuống dưới, bốc từ dưới lên trên. Lại ở trên ngục đó, có chó và rắn sắt, phun lửa cắn đuổi nhau, chạy khắp trên mặt thành. Trong ngục có chiếc giường, biến hiện muôn nghìn dặm, một mình người tội nhân, nằm cũng chật cả giường, nhẫn đến muôn ức người, nằm cũng chẳng khuyết thiếu. Vì nghiệp cảm gây nên, có quả báo như thế. Lại có những tội nhân, chịu mọi nỗi thống khổ, bị trăm nghìn quỷ dữ, Dạ Xoa và La Sát, móng vuốt nhọn như gươm, mắt sáng như điện chớp, răng nanh dài chìa ra, cắn ngoạm và cấu xé. Lại có quỷ Dạ Xoa, cầm cây kích sắt lớn, đâm vào người tội nhân, hoặc đâm thẳng vào miệng, hoặc đâm vào mắt mũi, hoặc đâm thẳng vào bụng, hoặc tung lên trên không, hoặc ném xuống giường sắt, đâm nhiều lần như thế, không lúc nào dừng nghỉ. Lại có các loài chim, thân mỏ đều bằng sắt, dùng mỏ sắc cứng ấy, moi mắt của tội nhân. Lại có loài rắn sắt, quấn chặt đầu tội nhân, mà cắn và phun độc, khiến đau đớn vô cùng. Hoặc mình mẩy chân tay, đều bị đóng đinh sắt. Hoặc dùng móc sắt dài, lôi kéo lưỡi dài ra, rồi dùng dao, cày, kéo, xới cắt lưỡi tội nhân. Rồi dùng nước đồng sôi, đổ vào miệng bắt uống. Lại dùng thanh sắt nóng, đem áp sát vào mình, khiến chết đi sống lại, trải qua muôn nghìn lần. Các tội báo như thế, đều do nghiệp tạo ra, không biết đến bao giờ, mới mong thoát ra được. Dù cho thế giới này, tới thời kì hư hoại, thì chúng tội nhân kia, chuyển sang thế giới khác. Khi thế giới ấy hoại, lại chuyển sang phương khác, cứ lần lượt như thế, không biết lúc nào dừng.
Những sự khổ nêu trên, là cảnh các tội nhân, trong Địa Ngục Vô Gián, ngày đêm thường chịu khổ, nấu nung chẳng tả xiết, những tội khổ như thế, do ác nghiệp tạo ra, ai làm thời nấy chịu, chẳng ai thế thân được. Lại có năm nghiệp cảm, nên gọi là Vô Gián: Một là trải ngày đêm, lâu xa bao đời kiếp, chịu khổ báo không dừng, nên gọi là Vô Gián; Hai là một tội nhân, nằm giường sắt cũng chật, hoặc là nhiều tội nhân, nằm cũng thấy vừa đủ, bởi thế nên ngục kia, tên gọi là Vô Gián; Ba là những dụng cụ, để hành hình tội nhân, như giáo, côn, chim sắt, rắn sắt và chó sắt, cối xay cùng cối giã, cưa, đục, dao, cày, kéo, vạc dầu và lưới sắt, trâu, ngựa cùng lừa sắt... đói thời ăn sắt nóng, khát uống nước đồng sôi, thống khổ nhiều như thế, trải qua vô số kiếp, không lúc nào dừng nghỉ, nên gọi là Vô Gián; Bốn chẳng luận đàn ông, cùng chẳng luận đàn bà, thổ, mán, mường, mọi rợ, già, trẻ, sang hay hèn; Chư Thiên, Long, Quỷ, Thần, cùng các loại chúng sinh, đã gây ra tội ác, tất phải theo nghiệp báo, bởi thế nên ngục kia, mới gọi là Vô Gián; Năm nếu đọa ngục ấy, chịu khổ báo vô cùng, chết đi rồi sống lại, ngày đêm cả vạn lần, trải qua nhiều kiếp số, thật chẳng thể nghĩ bàn, trừ khi nào nghiệp tiêu, tội hết mới đầu thai, bởi thế nên ngục ấy, mới gọi là Vô Gián”.
Lúc bấy giờ, Bồ Tát Địa Tạng lại thưa với Thánh Mẫu rằng: “Đấy vừa mới chỉ là, nói lược qua các khổ, của những tội nhân kia, trong Địa Ngục Vô Gián. Nếu mà nói rộng ra, thêm tên các khí cụ, dùng hành hình tội nhân, chịu báo trong ngục đó, cho dù có nói ra, một kiếp cũng không hết”.
Bà Ma Gia Thánh Mẫu, vừa nghe được tới đó, lòng ảo não cảm thương, cung kính và chắp tay, đỉnh lễ mà thoái lui.