Tìm kinh sách
 
        Kinh Sách FULL

Tịnh Độ Đại Kinh Khoa Chú giảng lần thứ 4 năm 2014

Phật sở hành xứ, quốc ấp khu tụ, mĩ bất mông hóa, thiên hạ hòa thuận, nhật nguyệt thanh minh, phong vũ dĩ thời, tai lệ bất khởi, quốc phong dân an, binh qua vô dụng, sùng đức hưng nhân, vụ tu lễ nhượng, quốc vô đạo tặc, vô hữu oan uổng, cường bất lăng nhược, các đắc kỳ sở.
Tịnh Độ Đại Kinh Khoa Chú
(Tập 1) 
Người giảng: Lão pháp sư Tịnh Không.
Thời gian: ngày 09 tháng 03 năm 2014
Địa điểm: giảng tại Hiệp Hội Giáo Dục Phật Đà HongKong.
(Đây là bộ khoa chú giảng lần thứ 4 khi ngài ở độ tuổi gần 90)
Các vị pháp sư, các vị đồng tu, xin chào mọi người, xin mời ngồi. Hôm nay là ngày 09 tháng 03 năm 2014, chúng ta bắt đầu học tập “Đại Kinh Khoa Chú” lần thứ 4. Mỗi lần học tập đều giúp cho chính chúng ta hướng nâng lên trên.

 

Chương 28: Tịnh Độ Đại Kinh Khoa Chú 2014 - Tập 14 - Phần 2

Đại sư Ngẫu Ích làm chứng cho chúng ta, bản thân Ngài khi tuổi về chiều có biệt hiệu khác, gọi là Tây Hữu Đạo Nhân. “Tây” là Tây phương, “Hữu” chính là thật có thế giới Cực-lạc, có A-Di-Đà Phật, quyết định là có, nó không phải không, chúng ta đem tâm đặt ở trong đây, đặt ở thế giới Cực-lạc, niệm niệm không quên A-Di-Đà Phật . Cái này so với trong “Kinh Kim Cang” nói “Nếu thấy các tướng chẳng phải tướng tức thấy Như Lai”,dễ dàng quá nhiều rồi, câu nói này rất dễ dàng làm được. Bốn câu nói này trong “Kinh Kim Cang” ý là:

“Tức tướng ly tướng, ly tận hư vọng chi tướng”[29]:

Bạn sẽ nhìn thấy thực tướng, thực tướng chính là Như Lai. Cái mà chỗ này chỉ chính là pháp thân Như Lai, Pháp thân Như Lai không có tướng, hoàn toàn sáng suốt, ở trong Tịnh độ tông gọi là gì vậy? Gọi là Thường Tịch Quang. “Thường” là bất sanh bất diệt. “Tịch” là không nhơ không sạch, quyết định không có ô nhiễm, thanh tịnh bình đẳng. “Quang” là sáng suốt chiếu khắp, khắp pháp giới hư không giới không có chỗ nào không chiếu. Cái chiếu này là bình đẳng gia trì, nhưng vấn đề là chúng sanh có muốn tiếp nhận hay không? Nếu không muốn tiếp nhận thì nó (cái chiếu này) không thể gia trì được, tuy không thể gia trì được, nhưng không hề lìa khỏi, nó là bình đẳng gia trì. Nó chiếu bạn, bạn không để nó chiếu, vì bạn có cái gì đó chướng ngại nó, cái gì chướng ngại vậy? Nghiệp chướng. Đó chính là bạn hoài nghi, bạn không biết, không biết là vô minh, không biết có cái sự việc này, đây là vô minh, không tin, hoài nghi. Cho nên tuy là nó chiếu bạn, nhưng bản thân bạn một mảy may cảm giác cũng không có. Nhưng nếu như là người học Phật, họ có học qua “Kinh Vô Lượng Thọ” thì họ hiểu rõ cái chân tướng sự thật này, họ liền sinh tâm hoan hỷ “ta mỗi ngày sống ở đâu vậy? Sống ở trong Như Lai Thường Tịch Quang”. Cái gia trì này họ hoàn toàn được thọ dụng, nghiệp chướng của họ tiêu rất nhanh, là Phật quang chiếu vào họ, trí tuệ của họ nâng lên, họ thật sự lìa khổ được vui, rất hoan hỷ, bản thân hợp thành một thể với Phật, hợp thành một thể.

Đây có phải thật không vậy? Là thật! Ngay cả nhà khoa học cũng biết “Tất cả pháp từ tâm tưởng sanh”. Cái tâm này của chúng ta tốt biết bao, ý nghĩ tốt biết bao, vậy thì hợp thành một thể với Thường Tịch Quang của Phật. Phật có pháp thân, ta cũng có pháp thân, Pháp thân của ta có, không phải không có, chẳng qua là do mê rồi thôi. Còn ta hiện nay không mê, giác ngộ rồi thì Pháp thân của ta cùng pháp thân của Phật là một thân, lập tức liền nhận được sự gia trì của 10 phương vô lượng vô biên vô số Như Lai. Sống ở trong Như Lai Thường Tịch Quang, nhất tâm niệm Phật đâu có lý nào không thấy Phật, đâu có lý nào không vãng sanh chứ? Chúng ta xem tiếp xuống phía dưới:

“Pháp thân Như Lai, ly nhất thiết tướng. Cố vân: Thực tướng vô tướng”[30]

Tại sao vậy? Pháp thân Như Lai không khởi tâm, không động niệm, ở trong tất cả pháp không có khởi tâm động niệm, đây là pháp thân Phật. Ở vào mọi lúc, ở mọi nơi, không khởi tâm, không động niệm, điều này ta không thể làm được, bởi vì khởi tâm động niệm bản thân ta không biết, nó quá vi tế. Thế cho nên chúng ta chỉ có thể nương tựa A-Di-Đà Phật, chúng ta khởi tâm động niệm đều là thế giới Cực-lạc, là A-Di-Đà Phật. Chúng ta phân biệt, chấp trước cũng là thế giới Cực-lạc, cũng là A-Di-Đà Phật. Ngoài thế giới Cực-lạc, A-Di-Đà Phật ra, ta thảy đều buông xả. Vậy thì đúng rồi, đây chính là người niệm Phật chân chánh, đây chính là đệ tử Như Lai chân chánh, đệ tử Di-Đà. Chú giải phần dưới nói:

“Đản phi vô pháp thân, cố vân: Thật tướng vô bất tướng”[31]:

Pháp thân Như Lai lìa tất cả tướng, nhưng lìa tất cả tướng hoàn toàn không phải không có pháp thân. Cho nên lại nói “Thực tướng không phải là không có tướng”[32].

“Sanh diệt chi pháp toàn thuộc hư vọng, đản sanh diệt chi trung, hữu cá bất sanh bất diệt đích”[33]:

Cái này phải biết, ở trong sanh diệt có cái bất sanh bất diệt, đó chính là pháp thân, pháp thân không có tướng. Tịnh tông gọi là Thường Tịch Quang, nói rất hay. Trong kinh đại thừa “Hoa Nghiêm” nói Đại Quang Minh Tạng, cũng chính là nói Thường Tịch Quang, nó không có tướng. Cái “Quang” này mắt thường chúng ta không thể nhìn thấy, 6 căn không thể duyên đến, A-lại-da thức cũng không thể duyên đến được. A-lại-da chỉ có thể duyên đến tướng tam tế[34], duyên hư không pháp giới thảy đều là duyên vọng tướng, phàm cái gì có hình tướng nó đều có thể duyên đến được, nhưng không thể duyên đến Thường Tịch Quang, không thể duyên đến pháp thân, cho nên nó có cái bất sanh bất diệt.

“Chư sanh diệt pháp thị sai biệt tướng, đản sai biệt chi trung, hữu cá vô sai biệt đích. Bất sanh bất diệt, vô hữu sai biệt, tức thị bình đẳng tướng”[35] 

“Thực tướng” là tướng bình đẳng, hoàn toàn sáng suốt. Bồ-tát tiến nhập vào Thường Tịch Quang không những bình đẳng với tất cả chư Phật Như Lai mà thảy đều bình đẳng với muôn sự, muôn vật trong khắp pháp giới hư không giới, đây gọi là bình đẳng nhất tướng.

“Một” là bình đẳng, “hai” là không bình đẳng rồi. Bình đẳng nhất tướng là gì vậy? Là hợp thành một thể với vạn sự vạn vật. Giống như lời mà Ngài Huệ Năng nói “Nào ngờ tự tánh vốn năng sanh muôn pháp.” “Năng sanh” với “Sở sanh” là một không phải hai. Vạn pháp chính là nhất tâm, nhất tâm chính là vạn pháp. Đoạn dưới đây nói:

“Thực tướng nghĩa thâm”[36]:

Là nói Thực tướng nghĩa lý quá sâu. Bồ-tát tam thừa cũng không thể nhìn thấy. Pháp thân Bồ-tát nhìn thấy rồi. Đại sư Huệ Năng nói ra rồi, ngài nhìn thấy rồi, đây gọi là “kiến tánh” thành Phật, cho nên y bát của Hòa thượng Ngũ tổ Hoàng Nhẫn đã truyền cho ngài làm Lục Tổ rồi. “Thực tướng” chính là 5 câu nói mà ngài nói[37], 5 câu nói này chính là thực tướng.

“Nhược minh thực tướng, tức vi ngộ đại thừa lý”[38]

Lý của Phật pháp Đại thừa, lý thể, lý tánh, họ thảy đều hiểu rõ rồi. Dưới đây Niệm lão nêu ra một ví dụ:

Lấy vàng dụ cho thực tướng, lấy vàng làm tháp, làm tượng Phật, làm bình, làm chén, làm xuyến, làm vòng (xuyến vòng là trang sức đeo ở trên cổ, trên tay). Mỗi cái hiện ra một tướng khác biệt, nhưng thảy là làm bằng vàng cả, nhưng tướng khác nhau.

“Thảng tương chúng khí, trùng nhập dã lư, phục hóa vi kim, nguyên hữu chư tướng tận giai tiêu diệt”[39]

Đem những thứ tháp, tượng, bình, chén, xuyến vòng này, thảy đều cho vào “dã lư” (dã lư là lò luyện kim), thảy đều nấu chảy ra thành vàng thì các tướng vốn có trước đó của những đồ này thảy đều tiêu hết.

“Đản các khí bản thể chi kim, nhưng cựu như thị”[40]

Ý nghĩa là vàng dụ cho thực tướng, biết bao nhiêu muôn sự muôn vật ở bên ngoài này đây cũng như các món đồ vàng kia đều là giả tướng. Nhưng mà tất cả mọi hiện tượng không thể lìa khỏi thực tướng. Lìa khỏi thực tướng thì nó không còn nữa. Thực tướng là bản thể của tất cả tướng, bản thể gọi là thực tướng. Thực tướng không phải là tất cả tướng nhưng không thể nói nó không có tướng. Cho nên thực tướng vô bất tướng. Dưới đây Niệm lão lại vì chúng ta mà nói:

“Khả kiến các khí sai biệt chi tướng, hữu sanh, hữu diệt, giai thuộc hư vọng. Đản, các khí bản thể chi kim, bình đẳng nhất tướng, bất sanh bất diệt, bất tăng bất giảm.”[41]

Có thể thấy tướng sai biệt của các món đồ có sanh, có diệt, đều là hư vọng; nhưng chất vàng là bản thể của các món đồ là một tướng bình đẳng, chẳng sanh, chẳng diệt, chẳng tăng, chẳng giảm. Lão cư sĩ dùng cái phương pháp này để làm ví dụ cho chúng ta:

“Dĩ thượng, dĩ kim dụ chân thực bình đẳng chi Thực tướng. Dĩ kim khí dụ chủng chủng sai biệt tướng”[42]:

Trên đây, dùng vàng để sánh ví Thật Tướng bình đẳng chân thật, dùng các vật dụng bằng vàng để sánh ví các tướng sai biệt. Từ ví dụ trên chúng ta có thể hiểu rõ, nhìn thấu những đồ dùng bằng vàng này như tháp, tượng bình, chén, xuyến, vòng, đều là những tướng khác biệt hư vọng này.

“Tức kiến chư khí trung bình đẳng chân thực chi kim”[43]:

Sẽ liền thấy chất vàng bình đẳng chân thật trong các món đồ này. Dùng cái ví dụ này.

“Dĩ dụ ly nhất thiết pháp hư vọng chi tướng, tức kiến thực tướng.”[44]

Bạn đã nhìn thấy rồi. Người thông minh không cần đem vàng cho vào trong lò luyện kim nấu chảy nó ra, nấu chảy ra chúng là giống nhau, không cần cho chúng vào lò luyện kim, chỉ cần nhìn thấy những thứ tháp, tượng, bình, chén này nó chính đều là vàng ròng, là bình đẳng, không có khác biệt.

“Ly hư vọng sai biệt chi tướng, cố vân vô tướng”[45]:

Do lìa tướng sai biệt hư vọng nên gọi là vô tướng. Bạn không chấp tướng, cho nên gọi là vô tướng”

 “Ư hư vọng sai biệt chư tướng chi trung, hữu chân thực bình đẳng chi bản thể, cố vân vô bất tướng”[46]:

Trong các tướng sai biệt hư vọng, có cái bản thể chân thật bình đẳng, nên nói chẳng phải là không có tướng. Phần sau tổng kết  bằng 12 chữ này:

“Đương tướng ly tướng, tướng nhi vô tướng, nãi hiển Thật Tướng”[47] 

Thực tướng ở đâu vậy? Là ngay nơi tướng. Chúng ta khi học tập, bởi vì chúng ta thường dùng truyền hình, dùng mạng Internet, nên ví dụ gần gũi nhất không gì bằng màn hình ti vi, màn hình máy tính. Tôi thường hay đem màn hình dụ cho thực tướng, tự tánh, lý, thể. Hình ảnh trên màn hình là dụ cho vọng tướng, hình ảnh là có sanh có diệt, thiên biến vạn hóa. Thể thì vĩnh viễn bất biến, bất sanh, bất diệt. Thể ở đâu vậy? Thể ở trong tướng. Chúng ta nhìn thấy hình ảnh trên màn hình ti vi, đồng thời cũng nhìn thấy màn hình, tự thể của màn hình. Không có màn hình thì cũng không có hình ảnh. Hình ảnh nhất định phải dựa vào màn hình mới có thể hiển hiện được, cho nên bạn nhất định phải biết, cái có sanh có diệt là hình ảnh, hình ảnh thiên biến vạn hóa. Cái bất sanh bất diệt là màn hình. Ở trong hình ảnh có sinh có diệt nhưng không có lìa khỏi màn hình, màn hình là “thể”. Cái gì là thật, cái gì là giả, nhìn thấu rõ ràng, rất minh bạch. Đoạn dưới đây:

“Thực tướng ly ngôn thuyết”[48]:

Thực tướng có thể nói ra được không vậy? Không thể nói ra được. Chúng ta xem đoạn dưới đây, Đại sư Nam nhạc nói:

Thuyết tự nhất vật, tức bất trúng, Cố vân: Phàm hữu ngôn thuyết, giai vô thật nghĩa”[49]:

Chúng ta xem nguyên văn của lão Niệm giải, thế nhưng “thực tướng ly ngôn thuyết” không thể nói ra được. Đúng như Đại sư Nam Nhạc Hoài Tượng nói “Thuyết tự nhất vật, tức bất trúng”[50]. Sai rồi!

“Cố thật phi nhậm hà thế gian thí dụ sở năng thâm minh”[51]

Phần trước nêu ví dụ, vàng với đồ dùng bằng vàng làm ví dụ, sai lầm cho rằng thực có một cái vàng, có các tướng như bình, bát, tượng, vòng xuyến…là giả, nhưng vàng là thật, vẫn là chấp tướng rồi. Không có cách gì tỉ dụ được, cũng không có cách gì nói ra được. Thật sự cần trí tuệ chân thật mà thể hội. Nếu sai lầm cho rằng thực có một cái tướng vàng cụ thể có thể được, thì vẫn ở trong tướng, chứ chưa phải thực tướng là vô tướng. Vì thế, nói: Hễ có ngôn thuyết đều chẳng phải là thật nghĩa[52]: Cho nên Phật pháp không được chấp trước. Tại sao trong “Kinh Kim Cang” nói: “Tất cả pháp hữu vi, như mộng huyễn bèo bọt”. Pháp hữu vi là pháp có sinh diệt, ngôn ngữ là có sinh có diệt. Phàm cái gì có sinh có diệt, thì gọi là pháp hữu vi, thảy đều là hư vọng.

Phật Thích Ca Mâu Ni 49 năm giảng kinh thuyết pháp, ngôn ngữ có sinh có diệt. Cho nên Bồ-tát Mã Minh ở trong “Khởi Tín Luận” nói với chúng ta, phải nghe như thế nào bạn mới thật sự nghe được Phật pháp vậy? Văn (nghe) pháp rồi?

Thứ nhất: Phải lìa tướng ngôn thuyết, không được chấp trước ngôn thuyết, ngôn thuyết là sinh diệt. Nếu như xem kinh thì sao? Kinh là tướng văn tự, mà văn tự là ký hiệu của ngôn ngữ, nó cũng là pháp sinh diệt. Nếu ngôn ngữ không được chấp trước, thì văn tự cũng không được chấp trước.

Thứ hai: Phải lìa tướng danh tự, không được chấp trước tướng danh tự. Ở đây nói thực tướng, thực tướng là danh từ, vô bất tướng cũng là danh từ. Bạn phải từ trong danh từ hiểu được ý nghĩa của nó, không nên chấp trước tướng văn tự. Không được chấp trước ngôn thuyết, không được chấp trước văn tự, không được chấp trước danh từ thuật ngữ, toàn là giả.

Thứ ba: Cũng không được chấp trước tướng tâm duyên, ví dụ “tôi vừa nghe thấy vậy là ý gì?” Không có ý. Ý là do chính bạn nghĩ ra. Không có ý. Không có ý có thể sinh ra vô lượng nghĩa. Có một cái ý là chết mất rồi, là cái ý này, không thể nói cái ý thứ hai.

Cho nên kinh điển của Phật tuyệt diệu. Bạn thật sự có thể hiểu được, không chấp tướng văn tự, không chấp tướng danh tự, không chấp tướng tâm duyên, bạn cứ một mạch đọc như vậy là sẽ khai ngộ. Số lần đọc nhiều rồi, sẽ tự thấy nghĩa của nó. Nghĩa gì vậy? Vô lượng nghĩa. Từng câu từng chữ đều là vô lượng nghĩa. Ở trong mỗi một chữ, đều có tất cả ý nghĩa ở trong đó, viên mãn không có thiếu một cái nào.

Cái hiện tượng này giống như điều mà nhà khoa học hiện đại phát hiện cái triết lý 3 chiều. Bạn xem phim 3 chiều là dùng 2 chùm ánh sáng laser chiếu ra. Chiếu hình ảnh của một người, khi dưới sự chiếu xạ của tia laser, hình ảnh nhìn thấy rồi, chân dung nhìn thấy rồi, đem một ảnh tách thành hai ảnh, mỗi một ảnh dưới sự chiếu xạ của tia Laser là hoàn chỉnh, không phải 1 nửa, là hoàn chỉnh. Bạn đem nó chia, cắt thành 100 tấm, cắt thành 200 tấm, mỗi tấm đều là hoàn chỉnh, đây là khoa học cận đại phát hiện.

Cái hiện tượng này trong kinh Phật đã nói rõ từ sớm rồi. Trong kinh điển này mỗi một câu kinh văn, cái văn tự này, bên trong đã hàm chứa ý nghĩa của toàn kinh. Hoặc giả nói với bạn, một Đại tạng giáo mà Phật Thích Ca Mâu Ni 49 năm nói, đều ở trong một tí, một chút văn tự này, thảy đều là như vậy. Trong “Kinh Hoa Nghiêm” nói: Một tức tất cả, tất cả tức một. Đây là đạo lý gì vậy? Đây là tánh đức. Tự tánh vốn dĩ đầy đủ. Phải biết tự tánh không có lớn nhỏ. Bạn nghĩ lớn, lớn mà không ngoài, bạn nghĩ nhỏ, nhỏ mà không trong, không có lớn nhỏ, tùy chúng sanh tâm, ứng sở tri lượng. Chúng sanh là vọng tâm, ứng là huyễn tướng. Thế là chúng ta đã biết, chúng ta nghĩ đến Phật liền hiện tướng Phật, chúng ta nghĩ đến Bồ-tát liền hiện tướng Bồ-tát, nghĩ cái gì hiện cái nấy, niệm cái gì hiện cái nấy, sẽ không làm bạn thất vọng. Nhưng ý nghĩ phải thiện.

Tôi hôm nay dành ra chút thời gian xem một phần tư liệu của Tạ Tổng Triều Châu tặng. Ông ở bên đó mở lớp dạy học, trong đó có một bài học, mà mọi người không thể không xem, đó là thí nghiệm khoa học. Thí nghiệm này là gì vậy? Thí nghiệm nước của tiến sĩ Giang Bổn Thắng–Nhật Bản[53] cho mọi người xem, dùng khoa học để nói chân tướng của nhân quả cho bạn xem. Đó là: Khi bạn khởi một cái ý nghĩ thiện, thì nước kết tinh vô cùng đẹp, bạn khởi niệm ác, thì nước kết tinh vô cùng xấu. Ông cho nước xem, cho nước nghe, chúng ta khởi tâm động niệm cho nước đến cảm ứng, hàng triệu thí nghiệm không hề sai chạy.

Qua đây nói cho người biết, sức khỏe thể chất của bạn, sự nghiệp thành hay bại, cho đến vận mệnh cả đời của bạn, tất cả là do ý niệm của chính bạn tạo nên chứ không liên quan đến người nào khác. Lời khuyên này là lời cảnh giác cao độ cho mọi người, mọi người không được phép không có thiện niệm. Vì sao? Nhà khoa học nói cho chúng ta biết, cơ thể người chiếm 70% là nước. Trong thí nghiệm nước kết tinh này đã chứng minh rồi, chúng ta một cái niệm ác, thì 70% nước trong cơ thể chúng ta, phản ứng đều vô cùng không tốt, cơ thể của bạn sao có thể khỏe mạnh được chứ? Bạn sao có thể có hạnh phúc được?

Tạ Tổng, ông hoàn toàn dùng đĩa CD dạy học, ông chọn ra những tài liệu này, đồng thời sắp xếp khóa học cũng rất hay. Bài học đầu tiên là khiến bạn tin ý nghĩ của bạn quan hệ với sức khỏe thân tâm của bạn, quan hệ với hạnh phúc gia đình bạn, quan hệ với tiền đồ của bạn, quan hệ đến sự thành công hay thất bại của bạn, vô cùng gây sốc với người sau khi bạn xem rồi. Đây là nhà khoa học nói, không phải do tôn giáo nói, không phải do cổ nhân nói. Hiện nay khoa học đã thí nghiệm, thì bạn tự mình cũng có thể thí nghiệm, khoa học đã chứng minh thì mọi người có thể nào không dám không tin. Ý nghĩ và tự tánh của chúng ta là hai mặt của một thể: Tự tánh là năng hiện, năng sinh; Ý nghĩ có thể thay đổi, là hiện tượng sở sinh, sở hiện. Đây chính là “Tất cả pháp từ tâm tưởng sanh”, đây chính là “tướng do tâm sinh, cảnh tùy tâm chuyển”.

Vậy có thể cứu cái thế giới này hay không vậy? Có thể! Cái khóa trình này của ông gồm đĩa 1 là cái thí nghiệm này của tiến sĩ Giang Bản Thắng, là cái phim này. Ngoài ra còn có một đĩa khác là “Thiên hạ phụ mẫu tâm” nói về đạo hiếu, hai đĩa này có thể đem nó hợp thành một đĩa, lưu thông rộng rãi, còn có Giáo sư Lưu Dư Lợi cùng chia sẻ với mọi người “Quần Thư Trị Yếu” cũng nên lưu thông riêng lẻ, giảng quá hay rồi. Hai đĩa này tôi nghe rồi. Chúng ta không có cơ hội đến hiện trường để nghe cái bài giảng này cùng với mọi người. Đĩa tặng cho chúng ta, chúng ta tự mình ở nhà nghe cũng giống nhau, cũng tương đương với tham gia khóa học của họ. Cho nên khóa học của ông có một số bài vô cùng hay, đem nó chọn ra, chúng ta copy nhiều, tặng cho học viên có duyên. Người trong gia đình này nghe rồi thì gia đình hòa hợp, cái đoàn thể này nghe rồi thì cái đoàn thể này hưng vượng, công đức vô lượng vô biên, có thể giúp cho xã hội hài hòa, giúp hóa giải xung đột, giúp xã hội hồi phục về ổn định hài hòa. Một đoạn sau cùng, đoạn này:

“Tam: Viên Giác vân: Chư huyễn tận diệt, giác tâm bất động”[54]Giác tâm là thanh tịnh, bình đẳng, giác.

“Huyễn diệt diệt cố, phi huyễn bất diệt”[55]Đây chính là thật.

“Cố vân: Bất dụng cầu chân, duy tu tức kiến”[56]Kiến đều là vọng, không phải thật. Chúng ta xem nguyên văn chú giải của Niệm lão:

“Hựu Viên Giác kinh vân: Chư huyễn tận diệt, giác tâm bất động. Huyễn diệt diệt cố, phi huyễn bất diệt, thí như ma kính, cấu tận, minh hiện”[57]

Câu nói này người hiện đại khó mà hiểu được. “Kính” mà trong kinh nói, vào thời xưa cái thời đại đó chưa có pha-lê, vì pha lê là cận đại mới phát minh, trong kinh Phật nói pha lê thì hiện nay gọi là thủy tinh, không phải pha lê hiện nay của chúng ta mà là thủy tinh, là một trong bẩy báu. Gương trước đây là gương bằng đồng, làm bằng đồng, phải thường xuyên lau chùi, càng lau chùi nó càng sáng, có thể soi thấy. Nếu đem bụi bẩn ở trên gương lau chùi sạch, chùi sạch sẽ, nó sẽ sáng, bẩn hết thì sáng hiện. Nếu như cái gương này để một tháng, nửa tháng thì soi bị mờ rồi, nhất định phải lau chùi, gương phải thường xuyên lau chùi, càng chùi càng sáng. Dùng gương để làm ví dụ.

“Kinh trung sở vân: Huyễn diệt hậu, chi giác tâm, dữ cấu tận hậu chi minh hiện, quân chỉ ly vọng sở hiện, bình đẳng nhất vị chi thực tướng dã”

Nếu có thể thể hội được cái ý này. Giác tâm sau khi huyễn diệt, đem thí dụ với chùi gương, bụi bẩn ở trên mặt gương sau khi lau chùi sạch thì sáng hiện, soi rất là rõ ràng. Ý nghĩa đều là nói lìa vọng thì chân tướng hiện ra một mực bình đẳng. “Ma kính”, nói thực ra gương đâu có cần phải lau chùi. Thế chùi là chùi cái gì? Là chùi bụi bẩn. Nó ô nhiễm, cái thứ này đem nó chùi sạch. Sau khi chùi sạch rồi thì gương cái tính năng chiếu này là cái vốn có của nó, không phải do bạn chùi mà có. Nó vốn dĩ là có thể chiếu soi, không lau chùi thì bụi bẩn chướng ngại nó. Trên mặt nó có đồ dơ bẩn, khi soi sẽ mờ, soi không rõ ràng, đem bụi bẩn của nó lau chùi sạch sẽ, chùi sáng rồi, thì soi rất rõ ràng. Cái chiếu này là vốn xưa nay nó là năng chiếu. Cho nên nó không phải có từ bên ngoài.

Chân tướng của chúng ta cũng như thế, chân tướng vốn dĩ là có, giống như gương vậy, vốn dĩ là năng chiếu, đây là bản năng của nó. Hiện nay tại sao không thể chiếu vậy? Nó có bụi bẩn, có ô nhiễm. Thực tướng của chúng ta là cái vốn có, hiện nay tại sao không có vậy? Bạn có phiền não, bạn có nghiệp chướng. Trong kinh thường nói là trược ác, “trược” chính là ô nhiễm, “ác” chính là ác nghiệp, thập ác nghiệp. Có vô minh, có phiền não thì không thấy thực tướng rồi, không phải không có, có đó, vĩnh viễn có đó. Giả tướng không phải vĩnh viễn tồn tại, còn chân tướng vĩnh viễn tồn tại. Cái vĩnh viễn tồn tại chúng ta không nhìn thấy, cái chúng ta nhìn thấy toàn là hư vọng, toàn là giả. Giống như chiếc gương này vậy, gương đồng, để thời gian rất dài không lau chùi, trên mặt bị rỉ sét rồi, soi cái gì cũng không thấy. Hoàn toàn không có cái năng lực chiếu này. Chúng ta đem nó lau chùi sạch sẽ, hồi phục rồi, nó lại có thể chiếu rồi, chiếu rất rõ ràng. Cái có thể chiếu này chính là bản năng của nó. Cho nên nói tánh gương vốn sáng, không phải có từ bên ngoài, bụi bẩn tiêu trừ thì sáng hiện, lìa vọng tức chân. Nếu chúng ta muốn hiểu rõ thực tướng, chân tướng, thì lìa vọng chính là chân tướng.

Cho nên Phật dạy chúng ta, thầy dạy chúng ta đều phải buông xả là như vậy. Bởi vì bạn không chịu buông xả, cho nên bạn không có cách gì nhìn thấy chân tướng, nếu bạn buông xả rồi, thì chân tướng hiện tiền ngay. Buông xả cái gì vậy? Buông xả vọng tưởng, buông xả phân biệt, buông xả chấp trước. Phật nói cho chúng ta biết 3 loại phiền não lớn này, đã chướng ngại tự tánh của chúng ta, đã chướng ngại thực tướng các pháp. Tự tánh chính là thực tướng, thực tướng chính là biệt danh của tự tánh. Chúng ta có trí tuệ viên mãn, có đức năng vô lượng, có tướng hảo trang nghiêm, mọi thứ đều có, không thiếu, vậy mà hiện nay biến thành cái hình dạng này. Tại sao vậy? Chính là 3 loại chướng ngại này, đem tánh đức của chúng ta, đem bản năng trí tuệ của chúng ta thảy đều chướng ngại rồi, mới biến thành cái hình dạng này. Cho nên cổ nhân nói:

“Bất dụng cầu chân, duy tu tức kiến.”[58]:

Kiến đây chính là vọng kiến, vọng tưởng. Phải đem vọng kiến, vọng tưởng thảy đều dứt sạch, thì chánh tri, chánh kiến tự nhiên sẽ hiện tiền.  

“Chúng sanh chi kiến, giai vọng kiến dã. Chân giả, Phật tri kiến dã.”[59]

Cái gì là thật? Phật tri, Phật kiến là thật. Tri kiến của chúng sanh đều là sai lầm. Chúng ta cần nên thừa nhận, phải tin, không nên hoài nghi. Ngày nay dùng cái gì để điều chỉnh quan niệm sai lầm của chúng ta vậy? Cái điều chỉnh này chính là dùng kinh giáo. Lời mà trong kinh giáo nói là Phật tri Phật kiến. Đoạn dưới đây này là hướng dẫn chúng ta:

“Yếu chi, ly nhất thiết tướng, tức nhất thiết pháp.”[60]Ở trong kinh đại thừa Phật nói rất nhiều, hai câu này chúng ta rất quen thuộc.

“Ly cố vô tướng, tức cố vô bất tướng, bất đắc dĩ cưỡng danh Thật Tướng”[61]:

Cho nên có được chấp trước thực tướng hay không? Không được. Nếu bạn chấp trước có cái thực tướng, là sai rồi. Đây là một cái danh từ giả thiết để dạy học của Phật Thích Ca Mâu Ni, đây gọi là tướng danh tự. Bạn chấp trước cái thực tướng này, bạn vĩnh viễn không thể nhìn thấy thực tướng, còn bạn không chấp trước thì bạn liền nhìn thấy ngay. Hay nói cách khác không khởi tâm, không động niệm, không phân biệt, không chấp trước, thì mắt bạn nhìn thấy chân tướng, tai nghe được chân âm, mũi ngửi được chân hương, lưỡi nếm được chân vị, tất cả đều là chân thật, không có hư vọng.

Hôm nay thời gian đã hết, chúng ta chỉ học đến chỗ này.

A Di Đà Phật!

Ghi chú:

  • Chữ viết đậm đứng: Nội dung của Tịnh độ đại kinh khoa chú
  • Chữ viết đậm nghiêng: Những lời trong các kinh phật
  • Chữ viết nghiêng: Các câu của tổ sư, đại đức, hội thoại, hoặc các câu cần trích dẫn
  • Chữ viết gạch chân: Những điểm cần nên lưu ý
  • Các chú thích cuối trang không ghi danh người chuyển ngữ (“footnote”) là trích dẫn trong “Tịnh độ đại kinh giải diễn nghĩa” lần thứ 1- Năm 2010, chuyển ngữ “Bửu Quang Tự – Đệ tử Như Hòa”

 

 

 

[1] Đức đại thánh rủ lòng Từ, đặc biệt lưu lại kinh này. Kinh nói: Trong đời tương lai, kinh đạo diệt hết. Ta do lòng từ bi thương xót, riêng lưu lại kinh này tồn tại trong thế gian một trăm năm;

[2] một trăm năm sau cùng của thời kỳ Mạt pháp

[3] Nếu có chúng sanh gặp được kinh này, tùy lòng mong muốn đều được độ thoát

[4] Lại nữa, trong Kinh Pháp Diệt Tận cũng có nói chi tiết tình cảnh Kinh Vô Lượng Thọ sẽ diệt cuối cùng

[5] Còn như trong đời Mạt Pháp này, nhơ bẩn, ác độc sâu khắp, các căn tánh càng kém hèn, con người thọ mười tuổi, ô nhiễm nặng, nghiệp chướng sâu.

[6] Vào thuở ấy, sóng ác ngập trời, lửa độc trọn khắp cõi đất. Đức thế tôn rủ lòng từ, đặc biệt lưu lại kinh này, làm chiếc bè từ, tuôn cam lộ. Trình bày rõ rệt nhân duyên hưng khởi thù thắng của bộ kinh này và tác dụng mầu nhiệm của trì danh niệm Phật vãng sanh Tịnh Độ. Ơn Phật sâu nặng, nát thân khó đền

[7] Lại giống như toa thuốc có hiệu quả đặc thù, hay toa thuốc thần kỳ, có thể trị lành căn bệnh trầm kha chẳng trị được

[8] Ban lợi lạc trọn khắp

[9] Vì thế, nói: “Tác dụng mầu nhiệm lớn lao thay, chẳng thể nghĩ bàn”

[10] Còn như trong đời Mạt Pháp, nhơ bẩn, ác độc sâu khắp, các căn tánh càng kém hèn, con người thọ mười tuổi

[11] Còn như trong thời Mạt pháp

[12] nhơ bẩn, ác độc sâu khắp

[13] Sóng ác ngập trời, lửa độc trọn khắp cõi đất

[14] Đức thế tôn rủ lòng từ, đặc biệt lưu lại kinh này, làm chiếc bè từ, tuôn cam lộ. Ơn Phật sâu nặng, nát thân khó đền.

[15] Là thể tánh của kinh này

[16] Hết thảy kinh điển Đại Thừa đều lấy Thật Tướng làm Thể

[17] Thật Tướng là tướng chân thật, là chân tướng của vạn vật trong vũ trụ. Mà cũng là một tướng bình đẳng

[18] Hết thảy kinh điển Đại Thừa đều lấy Thật Tướng làm Chánh Thể của kinh

[19] Cổ đức nói “các kinh Đại Thừa đều lấy một Thật Tướng làm ấn”

[20] “Thực tướng giả, chân thực chi tướng dã”

[21] Thật tướng không có tướng, lìa hết thảy các tướng hư vọng, phàm những gì có hình tướng đều là hư vọng

[22] Mà cũng chẳng phải là không có tướng, tướng mà không có tướng nên gọi là Thật Tướng

[23] Hết thảy các pháp sanh từ tâm tưởng

[24] Thật Tướng chẳng phải là không có tướng, chẳng phải như hư không trơ trơ và đoạn diệt,  

[25] Nhớ Phật niệm Phật hiện tiền, tương lai nhất định thấy Phật

[26]Nếu thấy các tướng chẳng phải là tướng thì chính là thấy Như Lai

[27] Lại nữa, Thật Tướng chẳng phải là không có tướng, chẳng phải như hư không trơ trơ và đoạn diệt, chẳng giống như lông rùa, sừng thỏ hết thảy hư vô

[28] Kinh Kim Cang nói “Phàm những gì có hình tướng đều là hư vọng”

[29] Từ ngay nơi tướng mà lìa tướng, lìa hết sạch các tướng hư vọng

[30] Pháp Thân Như Lai lìa hết thảy tướng, nên nói Thật Tướng vô tướng

[31] Nhưng chẳng phải là không có Pháp Thân, nên nói Thật Tướng chẳng phải là không có tướng.

[32] Cố vân: Thật tướng vô bất tướng

[33] Pháp sanh diệt hoàn toàn thuộc về hư vọng, nhưng trong sanh diệt có cái chẳng sanh, chẳng diệt  

[34] Nghiệp tướng, chuyển tướng, cảnh giới tướng

[35] Các pháp sanh diệt là tướng sai biệt, nhưng trong sai biệt có cái chẳng sai biệt. Chẳng sanh chẳng diệt, chẳng có sai biệt, tức là tướng bình đẳng

[36] Thực tướng nghĩa này quá sâu

[37]“Nào ngờ tự tánh, vốn tự thanh tịnh; Nào ngờ tự tánh, vốn không sanh diệt; Nào ngờ tự tánh, vốn tự đầy đủ; Nào ngờ tự tánh, vốn không dao động; Nào ngờ tự tánh, vốn năng sanh vạn pháp”

[38] Nếu hiểu Thật Tướng, tức là ngộ lý - Đại Thừa

[39] Nếu đem các món đồ lại bỏ vào lò nung, chúng lại hóa thành vàng, các tướng vốn có đều bị tiêu diệt sạch,

[40] Nhưng chất vàng là bản thể của mỗi món vẫn y như cũ

[41] Có thể thấy tướng sai biệt của các món đồ có sanh, có diệt, đều là hư vọng; nhưng chất vàng là bản thể của các món đồ là một tướng bình đẳng, chẳng sanh, chẳng diệt, chẳng tăng, chẳng giảm

[42] trên đây, dùng vàng để sánh ví Thật Tướng bình đẳng chân thật, dùng các vật dụng bằng vàng để sánh ví các tướng sai biệt

[43] Sẽ liền thấy chất vàng bình đẳng chân thật trong các món đồ này

[44] để tỷ dụ lìa tướng hư vọng của hết thảy các pháp, tức thấy thật tướng

[45] Do lìa tướng sai biệt hư vọng nên gọi là vô tướng

[46]Trong các tướng sai biệt hư vọng, có cái bản thể chân thật bình đẳng, nên nói chẳng phải là không có tướng

[47] Từ ngay nơi tướng mà lìa tướng, có tướng mà vô tướng, nên mới hiển lộ Thật Tướng

[48] Thật Tướng lìa ngôn thuyết

 “Nói dường như có một vật thì chẳng trúng”, Vì thế, nói: Hễ có ngôn thuyết đều chẳng phải là thật nghĩa.

[50] Nói dường như có một vật thì chẳng trúng”

[51] Cho nên đúng là bất cứ thí dụ nào của thế gian cũng chẳng thể giảng rõ rệt sâu xa được

[52] “Cố vân: Phàm hữu ngôn thuyết, giai vô thật nghĩa”

[53] Masaru Emoto,

[54] Kinh Viên Giác chép: “Các huyễn tận diệt, giác tâm bất động”

[55] Sự diệt mất hư huyễn ấy đã bị diệt, chứ cái chẳng huyễn không bị diệt,

[56]  Vì thế nói: “Chẳng cần cầu chân, chỉ cần dứt Kiến”

[57] Lại như kinh Viên Giác chép: “Các huyễn tận diệt, giác tâm bất động. Sự diệt mất hư huyễn ấy đã bị diệt, chứ cái chẳng huyễn không bị diệt, giống như mài gương, chất dơ hết, ánh sáng sẽ hiện”

[58] Vì thế nói: “Chẳng cần cầu chân, chỉ cần dứt Kiến”

[59] Cái thấy của chúng sanh đều là vọng kiến. Chân là tri kiến Phật

[60] Tóm lại, lìa hết thảy tướng, tức là hết thảy pháp

[61] Do lìa nên vô tướng, do “tức” nên chẳng phải là không có tướng, bất đắc dĩ cưỡng gọi là Thật Tướng

/30
 

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây