Tìm kinh sách
 
        Kinh Sách FULL

Pháp Uyển Châu Lâm

Giới thiệu bộ "Pháp uyển châu lâm"

Pháp uyển châu lâm một trăm quyển do pháp sư Đạo Thế tự Huyền Uẩn soạn vào đời Đường, Trung Quốc, Thị lang Lí Nghiễm viết tựa. Sách đã được ban Dịch thuật Pháp Âm chuyển sang tiếng Việt và xuất bản vào năm 2011, gồm bảy tập. Trải qua bảy năm lưu thông, năm nay theo nhu cầu của người đọc, ban Dịch thuật đã cho tái bản có sửa chữa và gom lại thành 5 tập với khổ lớn hơn.

 

Chương 43: Quyển 16 - Thiên thứ 6: Kính Phật - Thứ ba - Tán Thán

Thứ ba: TÁN THÁN

Như kinh Bồ-tát-bản-hạnh nói rằng: “Ngay như hóa độ vô số ức chúng sinh thành Bích-chi Phật, cũng như có người hằng ngày cúng dường đức Phật và chư Tăng y phục, thức ăn, thuốc men, phòng ốc suốt hằng trăm năm, công đức sẽ rất nhiều, nhưng tất cả đều không bằng người đem lòng hoan hỷ tán thán đức Phật một bài kệ bốn câu. Công đức người này sẽ nhiều vô lượng.” Lại nữa, như kinh Thiện-giới nói: “Đem tất cả châu báu của bốn đại châu cúng dường đức Phật và đem thành tâm tán thán đức Phật. Hai công đức này sẽ như nhau, không chút khác biệt.” Lại nữa, kinh Đại-bi nói: “Chỉ cần niệm danh hiệu Nam-mô Phật, nhờ vào thiện căn này, sẽ được nhập Niết-bàn không cùng tận. Hơn nữa, nếu biết thành khẩn tâm niệm công đức của chư Phật, thậm chí, rải một bông hoa cúng dường giữa hư không, vào kiếp sau, sẽ được làm các Phạm vương, hưởng phước báo vô tận. Nhờ phước báo vô tận ấy, cuối cùng sẽ được nhập Niết-bàn.” Lại nữa, kinh Niết-bàn nói rằng:

“Ca-diếp dùng kệ tán thán đức Phật rằng:

Đại bi thương chúng sinh
Mới khiến ta quy y.
Nhổ sạch các tên độc,
Nên gọi là Y vương.
Thế gia y trị liệu,
Tuy lành sẽ tái phát.
Đức Phật trị liệu xong,
Không bao giờ tái phát.
Thuốc cam lộ của ngài,
Ban bố cho chúng sinh.
Sau khi đã uống xong,
Sẽ không còn sinh tử.
Nay ngài vì giúp ta,
Nói kinh Đại-Niết-bàn.
Chúng sinh nghe diệu pháp,
Liền thoát vòng sinh tử.”

Lại nữa, kinh Đại-phương-đẳng-Đà-la-ni nói: “Bấy giờ, Bồ-tát Hoa Tụ liền tán thán đức Phật rằng:

Thế tôn thân tướng như núi vàng,
Tựa ánh mặt Trời chiếu thế gian,
Phá tan tất cả mọi phiền não.
Nay tôi cúi đầu lạy Pháp vương.
Pháp vương chúa tể đã hiếm có,
Diệu pháp của ngài còn hơn nữa,
Hiếm thấy, hiếm nghe và hiếm gặp.
Nếu ai thấy được, thành Chánh giác.”

Bấy giờ, A-tu-luân dâng kệ tán thán đức Phật rằng:

Thế tôn diện mạo như nhật nguyệt,
Thường diệt tất cả mọi hắc ám.
Nay lại cứu độ giúp chúng tôi.
Chúng tôi kính lễ vua chư Thiên.”

Trong kinh Văn-thù-sư-lợi-vấn, Bồ-tát Văn-thù nói kệ ca tụng đức Phật rằng:

“Tôi đảnh lễ chư Phật,
Điều ngự rất tuyệt luân.
Pháp thân một trượng 6,
Và đảnh lễ tháp Phật,
Nơi sinh và thành Đạo,
Thuyết pháp và nhập diệt,
Nơi nằm ngồi đi đứng.
Tất cả đều đảnh lễ.
Chư Phật thật siêu việt,
Diệu pháp cũng như thế.
Thành tâm và tin tưởng,
Thật không thể nghĩ bàn.
Thường đem lời kệ này,
Tán thán các Như lai.
Nghìn vạn ức kiếp sau,
Không đọa vào Đường ác.

Đức Phật bảo: “Văn-thù! Lành thay, lành thay! Như lai thật không thể nghĩ bàn.” Rồi ngài nói kệ rằng:

“Phật sinh dòng Cam giá,
Nhập diệt không sinh lại.
Nếu người quy y Phật,
Không sợ địa ngục khổ.”

Lại nữa, kinh Hoa-nghiêm có kệ tán rằng:

“Thà chịu mọi đau khổ,
Để được nghe lời Phật,
Hơn hưởng mọi lạc thú,
Nhưng chẳng nghe tên Phật.
Sở dĩ muôn vạn kiếp,
Chịu mọi phiền não này,
Xoay vần trong sinh tử,
Vì chẳng nghe tên Phật.”

Lại nữa, kinh Di-lặc-Bồ-tát-sở-vấn-bản-nguyện nói: “Đức Phật bảo A-nan: “Bồ-tát Di-lặc không những chỉ dùng kệ tán thán ta, thậm chí vào 10 vô lượng kiếp xa xưa, có đức Phật xuất thế, hiệu là Diễm Quang Hưởng Tác Vương Như Lai, có Trưởng giả Bà-la-môn tên là Hiền Hạnh, ở chổ đức Phật ấy, đã chứng được phép Bất khởi pháp nhẫn. Trưởng giả đương thời chính chính là Bồ-tát Di-lặc hiện nay vậy.” A-nan bạch đức Phật rằng: “Bồ-tát Di-lặc chứng phép Bất khởi pháp nhẫ đã quá lâu như thế, tại sao đến nay chẳng nhanh chóng chứng quả Chánh giác?” Đức Phật bảo A-nan: “Bồ-tát Di-lặc vì bốn pháp vụ, nên không chứng Phật quả. Ấy là bốn pháp vụ nào? Một là làm thanh tịnh quốc độ. Hai là hộ trì quốc độ. Ba là làm thanh tịnh tất cả. Bốn là hộ trì tất cả. Khi Bồ-tát Di-lặc phát đại nguyện thành Phật, cũng có bốn pháp vụ này, nên không chứng Phật quả.” Đức Phật bảo tiếp A-nan: “Khi ta phát đại nguyện thành Phật, cũng có bốn pháp vụ này. Bồ-tát Di-lặc phát đại nguyện trước ta bốn mươi hai đại kiếp, ta phát đại nguyện sau Bồ-tát ấy, nhưng vào Hiền kiếp này, đã dùng đại tinh tiến vượt qua chín kiếp, chứng được quả Vô thượng.” Đức Phật bảo tiếp A-nan: “Ta nhờ mười điều để đạt Chánh quả. Ấy là mười điều nào? 1/ Có tất cả nhưng không luyến tiếc gì cả. 2/ Không luyến tiếc thê thiếp. 3/ Không luyến tiếc con cái. 4/. Không luyến tiếc quan lại. 5/ Không luyến tiếc thuộc hạ. 6/ Không luyến tiếc lãnh thổ. 7/ Không luyến tiếc châu báu tiền tài. 8/ Không luyến tiếc tủy não. 9/ Không luyến tiếc máu huyết. 10/ Không luyến tiếc thân mạng. Ta nhờ không luyến tiếc mười điều ấy mới mau thành Phật đạo.”

Lại nữa, kinh Đại-bi nói: “Đức Phật bảo A-nan: “Ông xem khi Như lai đi trên đường, thường khiến chổ đất cao hóa thành thấp, chổ thấp hóa thành cao. Các chổ cao thấp đều trở nên bằng phẳng. Sau khi Như lai đi qua, mặt đất trở lại như cũ. Tất cả cây cối đều nghiêng mình về phía Như lai. Thần cây hiện hình cúi đầu đảnh lễ. Sau khi Như lai đi qua, cây cối trở lại như cũ. Tất cả gò đống hang hầm, hố xí dơ uế, bụi rậm đá sỏi đều được dọn dẹp bằng phẳng sạch sẽ, tỏa hương thơm tho, trăm hoa nở đầy. Chân Như lai dẫm lên mà bước qua. Chúng sinh vô tình còn biết nghiêng mình, huống hồ chúng sinh hữu tình lại không biết tôn kính hơn nữa? Tại sao thế? Vì khi tu hạnh Bồ-tát, đối với mọi chúng sinh, ta đều nghiêng mình khiêm nhường kính lễ. Nhờ duyên lành này, khi đã thành Phật, mỗi lần ta đi, mọi chúng sinh hữu tình vô tình đều nghiêng mình đảnh lễ. Ta đã từng tự tay đem các của cải trong bóng đẹp đẽ đáng yêu bố thí cho mọi chúng sinh. Nhờ duyên lành này, mỗi lần ta đi, mặt đất trở thành bằng phẳng, được quét dọn sạch sẽ, không còn sỏi đá. Đối với vô lượng bậc Thánh hiền mỗi khi đi, ta từng quét dọn đường sá, tô sửa phòng ốc, đem lòng bình đẳng, không nghĩ sang hèn, dọn dẹp tươm tất. Tâm ta luôn luôn cầu Đạo Bồ-đề, làm lợi chúng sinh. Nhờ duyên lành này, nếu ta đi đến bất cứ chổ nào, đường sá sẽ tự nhiên sạch sẽ, mặt đất phẳng bằng như lòng bàn tay. Thậm chí núi chúa Tu-di cao đến tám vạn bốn nghìn do-tuần, đáy đại hải cũng sâu như thế, cùng núi Thiết vi cao đến mười sáu vạn tám nghìn do-tuần, toàn bằng kim cương cứng rắn, khi Như lai nhập Niết-bàn, tất cả đều nghiêng mình cúi đầu đảnh lễ. Dẫu muốn trốn chạy thật xa, khỏi phải nghiêng mình đảnh lễ, cũng không thể được!”

Nhờ duyên lành tán thán đức Phật, đến nỗi Xá-lợi-phất nghe được bài kệ tán thán đức Phật từ người khác, cũng chứng được Đạo quả. Thế nên, trong kinh Phổ-diệu, Tỳ-kheo An-lục dùng bài kệ đáp lại Xá-lợiphất rằng:

“Thầy ta, Trời của Trời.
Tôn quý nhất Tam giới.
Thân tướng một trượng 6,
Thân thông như vũ trụ.
Hoa xông trừ ngũ uẩn,
Nhổ mười hai nhân duyên.
Không ham phước vị Trời,
Thanh tịnh mở pháp môn.

Bấy giờ, Xá-lợi-phất vui mừng hớn hở, như tối gặp đèn, thốt lên rằng: “Lành thay! Xưa nay ta vẫn ôm mối hoài nghi. Ta lại hiếu học, lên tám tuổi đã theo thầy, đến năm mười sáu tuổi, tất cả đều thấu đáo. Đi khắp 16 nước lớn trong thiên hạ, tự cho mình đã thông thái. Nay mới được nghe điều mới lạ, chân chính vô cùng. Thật thỏa mãn tâm nguyện! Do thời tiền kiếp, tâm Như lai trong sạch không bợn, không làm hại chúng sinh, nên hôm nay đi qua mọi chổ, chân không dính bụi, kiến trùng không cắn.” Do đó, kinh Xứ-nữ nói: “Đức Phật không mang dép, vì ba nguyên do: 1/ Làm cho hành giả bớt dục vọng. 2/ Để vân bàn chân hiện ra. 3/ Để mọi người trông thấy, sinh lòng hoàn hỷ. Khi đức Phật bước đi, bàn chân cách mặt đất bốn tấc, vì ba nguyên do: 1. Vì mặt đất có nhiều côn trùng kiến mối. 2/ Vì mặt đất có cỏ non. 3/ Để thị hiện thần thông và cũng để ý nghiệp của chúng sinh dừng lại. Khi đức Phật bước đi, mặt đất dù thấp cao, đều trở nên bằng phẳng vì ba nguyên do: 1.Ngài muốn thực hành bốn tâm bình đẳng cho tất cả chúng sinh đều an ổn. Đất ở trên nước, trong nước có thủy thần. Tất cả các loài côn trùng gặp bàn chân của ngài, đều được an ổn. Thế nên, chổ thấp hóa cao, chổ cao hóa thấp. 2. Quỷ thần và chư Thiên ra tay dọn dẹp giúp ngài, nen các chổ cao thấp đều bằng phẳng. 3/ Khi ngài còn làm Bồ-tát, đã sửa chửa đường sá cầu cống giúp cho chúng sinh, tạo nên công đức. Vì vậy mặt đất đều bằng phẳng. Ý muốn tâm chúng sinh cũng được như thế.”

Lại nữa, luận Trí-độ nói: “Thân tướng đức Thế tôn đẹp đẽ, có lớp da mỏng, bụi bặm không bám, giống như cánh hoa sen không dính bụi và nước. Nếu ngài đi giữa chổ núi non, đất không dính chân. Dù gió núi nổi lên, thổi tung núi đất tan thành bụi bặm, một hạt nhỏ cũng chẳng bám lên mình ngài. Khi ngài đưa thức ăn vào miệng, bấy giờ hai bên cổ ngài tiết ra dịch cam lồ hòa hợp các hương vị trở nên thanh tịnh, nên gọi là trong hương vị có hương vị thượng hạng.” Lại nữa, kinh Tăngnhất-a-hàm nói: “Kẻ nào không cung kính chư Phật sẽ bị sinh làm loài Rồng rắn. Do từ quá khứ xa xưa bị đọa vào loài ấy, nay còn dư nghiệp bất kính, nên sinh ra ngủ nhiều và đờ đẫn.” Lại nữa, luật Tứ-phần có kệ rằng: “

“Biết cung kính trưởng lão,
Kẻ ấy biết hộ pháp.
Đời này có danh dự,
Đời sau sinh Đường thiện.”

Bài văn đoạn tán thán đức Phật Di-lặc, do pháp sư Huyền Trang phiên dịch từ trong kinh:

1. Thành tâm kính lạy đức Phật Di-lặc tương lai.

Chư Phật đều chứng quả tự tại.
Chúng sinh chưa ngộ lý Chân như.
Vì dạy chư Thiên, hiện Đâu-suất.
Như ảo thuật gia tạo đủ hình,
Vốn không người ngựa, nhìn thành có.
Người ngộ biết giả, không có thật.
Phật thân thanh tịnh cũng như thế,
Kẻ ngu không hiểu, bảo giống phàm.
Biết rõ như như là thấy Phật.
Từ đây mãi mãi được hân hoan.
Thế nên, con lạy Phật Di-lặc,
Xin nguyện Từ tôn cứu chúng sinh.

Xin nguyện cùng tất cả chúng sinh đều sinh lên Trời Đâu-suất, được gặp đức Phật Di-lặc.

2. Thành tâm kính lạy đức Phật Di-lặc tương lai.

Phật có thần lực không hiểu tới,
Bỏ nhiều quốc độ vào hạt bụi.
Huống nay hiện xuống điện Đâu-suất.
Ngồi kết-già trên tòa Sư tử.
Thân như trầm vàng sáng vô lượng.
Tướng tốt cao quý chiếu hào quang.
Vô số Bồ-tát có thần thông,
Giúp Phật hóa độ cứu muôn loài.
Chúng sinh chỉ cần thành khẩn lễ,
Tội lổi bao đời sẽ tiêu tan.
Thế nên, con lạy Phật Di-lặc,
Xin nguyện Từ tôn cứu chúng sinh.

Xin nguyện cùng tất cả chúng sinh đều sinh lên Trời Đâu-suất, được gặp đức Phật Di-lặc.

3. Thành tâm kính lạy đức Phật Di-lặc tương lai.

Trên mũ báu có nhiều hóa Phật,
Số lượng vượt quá mấy trăm nghìn.
Đây đó, mười phương Bồ-tát đến,
Vận dụng thần thông ngồi khắp cửa.
Mày bạc, tám vạn hào quang chiếu.
Đức Phật thường thuyết pháp bất tuyệt.
Chúng sinh chỉ cần tu thiện nghiệp
Vừa duỗi co tay, thấy Phật liền.
Hà sa chư Phật đều xuất hiện,
Huống gì đức Phật Thích-ca-văn!
Thế nên , con lạy Phật Di-lặc,
Xin nguyện Từ tôn cứu chúng sinh.
 
Xin nguyện cùng tất cả chúng sinh đều sinh lên Trời Đâu-suất, được gặp đức Phật Di-lặc.

4. Thành tâm kính lạy đức Phật Di-lặc tương lai.

Chư Phật thường ngự cõi thanh tịnh,
Hưởng thụ phước báo thật vô cùng.
Phàm phu mắt thịt không thể biết.
Phổ hiện kim thân cao nghìn thước,
Chúng sinh chiêm ngưỡng hoài chưa thỏa.
Vì mang nghiệp báo, đọa Ta-bà.
Nếu biết nghe kinh, siêng đọc tụng.
Ắt sẽ tiêu diêu lên Đâu-suất.
Từ nay Ba đường sẽ đoạn tuyệt,
Mai sau cùng chứng một Pháp thân.
Thế nên, con lạy Phật Di-lặc,
Xin nguyện Từ tôn cứu chúng sinh.

Xin nguyện cùng tất cả chúng sinh đều sinh lên Trời Đâu-suất, được gặp đức Phật Di-lặc.

/72
 

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây