Tìm kinh sách
 
        Kinh Sách FULL

Pháp Uyển Châu Lâm

Giới thiệu bộ "Pháp uyển châu lâm"

Pháp uyển châu lâm một trăm quyển do pháp sư Đạo Thế tự Huyền Uẩn soạn vào đời Đường, Trung Quốc, Thị lang Lí Nghiễm viết tựa. Sách đã được ban Dịch thuật Pháp Âm chuyển sang tiếng Việt và xuất bản vào năm 2011, gồm bảy tập. Trải qua bảy năm lưu thông, năm nay theo nhu cầu của người đọc, ban Dịch thuật đã cho tái bản có sửa chữa và gom lại thành 5 tập với khổ lớn hơn.

 

Chương 34: Quyển 9 - Thiên thứ 5: Nghìn Phật - Bộ Thứ Mười Năm: Kết Tập - Phần 3

Nhân Duyên Cảm Ứng.

Trích dẫn sơ lược mười hai chuyện linh nghiệm:

Xét rằng: Bậc chí nhân đáp ứng nguyện cầu, theo thế sự hưng vong, chìm nổi.

Từ tâm hóa độ chẳng phân cương giới, há chấp trước sắc tướng dạy dỗ quần sinh?

Đến nỗi, nghe cùng giải khác, nói trắng hiểu đen. Do đó, đăng bảo vị để siêu thăng, dọn đường mê mà giáng hạ. Toàn thân, nát thân chỉ là diệu dụng, tạo Tháp, phát Tháp cốt tỏ thần uy. Hào quang chiếu diệu khiến tà kiến tiêu tan, linh tích hiển dương để sâu thêm tín phục.

Từ khi suối Tháp cuồn cuộn chảy về Đông, ánh đạo huy hoàng bừng sáng ở Tây Vực, cao hiền hội tụ, linh ứng dẫy đầy. Thế nên, Dục vương dựng Tháp, bắt đầu từ thuở Tây Châu, từ phụ tượng hình, hưng thịnh dưới thời Đông Hán. Các đời kế tiếp, tô điểm càng nhiều. Mới hay, chẳng phải Thiên Trúc độc tôn Thánh Giáo.

Vì vậy, Kinh nói: Chánh Pháp về sau truyền khắp. Trước hết, ở tại Bắc phương, sang tới Đông độ, đến giữa thì hết. Nay tạm liệt kê những điều mắt thấy tai nghe về linh tích của Tam Bảo ở Trung Quốc, từ thời Hán Minh Đế đến này và đem ra thuật lại mấy phần. Hãy còn vô số sự tích thần kỳ chép đủ trong các truyện lục.

1. Xét sách Châu thư dị ký chép: Châu Chiêu Vương năm thứ hai mươi bốn, Giáp Dần 607 trước công nguyên ngày mồng tám tháng bốn, sông suối, ao hồ bỗng dâng lớn, nước giếng tràn đầy. Núi non chấn động.

Có đạo hào quang ngũ sắc xuyên suốt bầu Trời. Khắp cả phương Tây toàn một sắc xanh hồng. Thái Tử Tô Do bảo: Có bậc Đại Thánh sinh ra ở phương Tây.

Hơn một ngàn năm sau, tiếng tăm, giáo lý sẽ truyền bá sang đây. Chiêu Vương ban sắc khắc lời này lên bia đá để ghi nhớ và cho chôn trước đền thờ Trời ở Nam Giao. Đây là thời điểm Đức Phật giáng sinh. Tướng quốc Lữ Hầu cưỡi xe tám ngựa đi tìm Đức Phật để khấn vái cúng Ngài.

2. Châu Mục vương năm thứ năm ba, Nhâm Thân, vào sáng sớm ngày rằm tháng hai, gió lớn bỗng nhiên nổi lên, phá hại nhà cửa cây cối. Mặt đất chấn động. Trời hóa tối đen.

Mười hai đạo cầu vồng màu trắng bạch hiện lên ở phương Tây.

Thái sử Hỗ Đa bảo: Thánh Nhân ở phương Tây mất rồi. Đây là điềm báo hiệu Đức Phật nhập diệt.

3. Lại xét Xuân Thu, Lỗ Trang công năm thứ bảy, tháng bốn mùa Hạ Quý Tỵ, 688 trước công nguyên, tinh tú không mọc, đêm sáng như ban ngày.

Đây là điềm chỉ cho thời điểm Đức Phật giáng sinh. Vốn do Ngài có hai thân là chân thân và báo thân, hai trí là quyền và thật, Tam minh và Bát giải, Ngũ nhãn và Lục Thông. Thần uy thật là không thể nghĩ bàn.

Diệu chỉ gọi là Tâm hành xứ diệt. Đạo của Ngài nhằm đưa Bậc Thánh trí tới cõi Niết Bàn. Sức của Ngài cốt giúp kẻ phàm phu thoát khỏi biển khổ. Thật là lồng lộng nguy nga, chỉ có thể nói qua sơ lược.

Thế nên, sách Liệt sử chép rằng: Ngày xưa, Thái Tử nước Ngô là Bá Hy hỏi đức Khổng Tử đúng là Thánh Nhân chăng?

Đức Khổng Tử trả lời: Khâu này là người học rộng nhớ nhiều, không phải là Thánh Nhân.

Lại hỏi: Tam hoàng là Thánh Nhân chăng?

Trả lời: Tam hoàng giỏi sử dụng đức trí và dũng. Họ có phải là Thánh Nhân chăng, khâu này không thể biết được.

Lại hỏi: Ngũ đế là Thánh Nhân chăng?

Trả lời: Ngũ đế giỏi sử dụng đức Nhân và Tín. Họ có phải là Thánh Nhân chăng, khâu này không thể biết được.

Lại hỏi: Tam Vương là thành nhân chăng?

Trả lời: Tam Vương hành động hợp thời. Họ chính là Thánh Nhân chăng, khâu này không thể biết được.

Thái Tử quá kinh ngạc, hỏi rằng: Như vậy, ai mới là Thánh Nhân?

Phu Tử thay đổi hẳn thần sắc, trả lời: Người bên phương Tây có Bậc Thánh Nhân. Không cai trị mà không hỗn loạn.  Không nói mà có tín nghĩa. Không dạy dỗ mà biết hành động. Lồng lộng thay, người ta không thể nào quan niệm được.

Nếu cho rằng Tam Hoàng Ngũ Đế là những bậc Đại Thánh, há Khổng Khâu còn giấu diếm không chịu nói ra?

Như thế sẽ mang tợi che đây bậc Đại Thánh. Đắn đo cho cùng, phải suy tôn Đức Phật làm bậc Đại Thánh.

Lại nữa, Kinh Lão Tử Tây Thăng chép: Thầy ta đi giáo hóa bên Thiên Trúc, thanh thản nhập Niết Bàn. Theo đó mà nói, có thể biết được ai hơn kém vậy.

4. Trong niên hiệu Nguyên thú đời Vua Hiếu Vũ Đế thời Tiền Hán, Hoắc Khử Bệnh đi dẹp Hung nô, đến Dịch Lan, vượt núi Cư Diên, bắt sống bọn Vua Côn Da, Hưu Đồ.

Lại còn thu được tượng người bằng vàng, cao khoảng hơn một trượng một thước. Đem về đến cung Cam Tuyền, Nhà Vua cho là tượng bậc Đại Thánh, thắp nhang lễ bái.

Đến khi thông thương với Tây Vực, sai Trương Khiên đi sứ Tây Hạ.

Lúc trở về, tâu rằng: Các nước Quyên Độc, còn gọi là Thiên Trúc, bắt đầu nghe giáo pháp Phù Đồ. Đây chính là thời kỳ Tượng giáo bắt đầu vậy.

5. Niên hiệu Nguyên thọ đời Vua Ai đế thời Tiền Hán, sai Cảnh Hiến đi sứ nước Đại Nguyệt Chi. Nhân đó, thỉnh kinh trong bản văn là chữ tụng , nếu chữ này đặt ở đây, không hợp với ngữ cảnh hơn chữ, chắc do chép lầm về sau, nên dịch theo nghĩa chữ thỉnh Phật mang về Trung Quốc. Bấy giờ, đã thực hành đôi chút phép trai giới của đạo Phật.

Đời Vua Thành đế nhà Tiền Hán, tiểu truyện của Quang lộc đại phu Lưu Hướng làm Đô thủy sứ chép:

Hướng xem nhiều sách sử, thường thấy Kinh Phật.

Đến khi làm sách Liệt tiên truyện có nói: Ta sưu tra tàng thư, thấy Thái Sử mới soạn sách Liệt Tiên Đồ, sưu tầm chuyện thật của một trăm bốn mươi sáu nhân vật từ đời Hoàng Đế đến nay. Trong đó có bảy mươi bốn nhân vật đã thấy được Kinh Phật. Căn cứ vào đó thì biết rõ trước các đời Châu Tần, Đạo Phật đã sớm truyền bá tại Trung Quốc.

Làm sao biết được?

Nhờ căn cứ vào sách Liệt Tiên Đồ.

Vì thế, trong Phật truyện chép rằng: Sau khi Đức Phật nhập diệt 116 năm, nước Đông Thiên Trúc có vị Thiết Luân Vương cai trị cõi Diêm Phù Đề, thu thập Xá Lợi, động Quỷ Thần, điều xây dựng tám vạn bốn nghìn bảo Tháp. Lãnh thổ chín châu này Trung Quốc đều có di tích.

Đấy là các Tháp do Vua A Dục xây dựng. Tháp này ở trong số đó. Châu Kính vương năm thứ hai mươi sáu, đinh mùi, trùng hưng lại Tháp cũ. Trải qua mười hai đời Vua, đến đời Tần Thủy Hoàng năm thứ hai mươi bốn, tiêu hủy sách vở, các Tháp của Vua A Dục vì thế, bị mất dấu.

6. Kiểm tra lại sách Đẳng Kinh Mục Lục của Thích Đạo An và Châu Sĩ Hoành, có chép: Đời Tần Thủy Hoàng, có các Sa Môn người nước ngoài Thích Lợi Phòng gồm mười bảy vị, mang Kinh Phật đến giáo hóa. Thủy Hoàng không tin theo, bèn bắt bỏ tù. Ban đêm, Hộ Pháp Kim cương cao một trượng sáu xông vào phá ngục giải cứu. Thủy Hoàng kinh sợ, phải cúi đầu tạ lỗi.

Theo đó mà nói, trước đời Tần Hán, đã có Phật Pháp rồi. Truy tìm danh sách mười hai Hiền Giả do đạo An ghi chép, thì cũng nằm trong số bảy mươi vị nói trên. Nay trong sách Liệt tiên truyện hiện còn bảy mươi hai vị.

Xét Kinh Văn Thù Bát Nê Hoàn, nói rằng: Sau khi Đức Phật nhập diệt bốn trăm năm mươi năm, Văn Thù lên giữa núi Tuyết Thuyết Pháp cho các Tiên Nhân.

Lại nữa, xét truyện Tây Vực trong Địa lý chí nói: Núi Tuyết chính là rặng núi Thông. Phía dưới có ba mươi sáu nước. Trước đây có đến cống nhà Hán. Rặng núi Thông dài dằng dặc. Phía Đông đến tận núi Chung Nam. Văn Thù đến hóa độ các Tiên Nhân, chính là chỗ này. Suy nghiệm tường tận, lập luận của Lưu Hướng cũng có bằng chứng

7. Sách Giao Tự Chí đời Hậu Hán chép: Phật, tiếng Hán gọi là Giác, ý chí giác ngộ chúng sinh. Tóm tắt giáo lý, lấy tu sửa thiện tâm làm chính, không sát sinh, cốt giữ thanh tịnh. Kẻ siêng năng tu tập gọi là Sa Môn, tiếng Hán là tức ác dứt ác.

Hủy dung nhan, cắt tóc, Xuất Gia thoát tục, cắt đứt tình dục để hướng đến thanh tịnh vô vi. Lại còn cho rằng người chết đi, nhưng tinh thần vẫn bất diệt. Sau đó lại đầu thai và làm thiện ác, kiếp sau đều có báo ứng.

Chú trọng làm thiện tu đạo để luyện tập tinh thần không ngừng, nhằm đạt đến mức Vô sinh mà thành Phật. Thân cao một trượng sáu, óng ánh sắc vàng. Cổ đeo vòng hào quang sáng láng như vầng nhật nguyệt.

Biến hóa vô lường, đến khắp mọi nơi, nên có khả năng cảm thông cùng muôn vật và cứu độ hết mọi chúng sinh. Kinh Sách có mấy nghìn quyển, lấy hư vô làm tôn chỉ. Bao trùm lớn nhỏ, tóm gom tất cả. Khéo dùng lời lẽ tuyệt diệu mênh mông, cốt đưa đến trọng tâm nhất thể. Thuyết minh cái vượt ngoài nhận thức, quy hết về nơi áo diệu khó lường.

Thế nên, các bậc vương hầu khanh tướng xem đến chỗ báo ứng sống chết, mấy ai không khỏi giật mình tự trách?

8. Các sách khác, như Pháp Bản Nội Truyện chép: Đời Vua Minh Đế nhà Hậu Hán, ở Chùa Bạch Mã tại lạc dương có Nhiếp Ma Đằng, người nước Trung Thiên Trúc. Dáng mạo hiền hòa, thông hiểu Kinh Điển Đại Thừa. Thường lấy việc hành hóa phương xa làm nhiệm vụ. Niên hiệu Vĩnh bình năm thứ ba, Vua Minh Đế ban đêm nằm mộng thấy người vàng cưỡi Hư Không bay đến, bèn thiết đại triều để giải giấc mơ.

Bác Sĩ Phó Nghị đáp rằng: Tôi nghe bên Tây Vực có bậc thần nhân gọi là Phật.

Người bệ hạ mơ thấy phải chăng là Phật?

Nhà Vua cho là phải, liền sai bọn Trung lang Sái Âm và đệ tử là Bác Sĩ Tần Cảnh đi sứ sang Thiên Trúc dò tìm Phật Pháp. Ở bên ấy, bọn Sái Âm gặp được Ma Đằng, bèn mời sang Trung Quốc.

Ma đằng phát nguyện Hoằng Pháp, không sợ gian khổ, xông pha lặn lội giữa sa mạc gió cát, đi đến Lạc Dương. Vua Minh Đế khen thưởng rất long trọng, thân hành ra nghinh đón tận ngoài cửa thành phía Tây. Sai lập Tinh Xá cho ở. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc có Sa Môn.

Lại nữa, Vua Hán Minh Đế triệu được Pháp Sư Ma đằng từ đất xa xôi đến tại Lạc Dương. Cho lập Chùa Bạch Mã ở ngoài cửa Ung Môn phía Tây Kinh Thành. Đây là ngồi Chùa đầu tiên của Trung Quốc. Tương truyền có vị Quốc Vương ở nước ngoài hay phá hủy các Chùa, chỉ còn Chùa Chiêu đề chưa kịp phá.

Ban đêm, có con ngựa trắng chạy vòng quanh Tháp buồn bả hí vang. Có người đem báo lên. Nhà Vua liền đình chỉ việc phá hoại. Nhân đó mới đổi tên Chiêu Đề thành Bạch Mã. Do đó, các Chùa đặt tên, phần nhiều chọn theo lệ này.

Lại nữa, Chùa Bạch Mã ở Lạc Dương có Trúc Pháp Lan là người Thiên Trúc, thổ lộ đã tụng mấy vạn chương kinh và làm giáo thọ cho đệ tử ở Thiên Trúc. Khi Sái Âm sang bên ấy, Pháp Lan và Ma Đằng có hẹn nhau đi hành hóa phương xa, bèn cùng sang Trung Quốc.

Bị đồ chúng ngăn cản, Pháp Lan đi bằng đường tắt qua Trung Quốc. Khi đến Lạc Dương, ở chung với Ma Đằng. Chẳng bao lâu đã rành tiếng Trung Quốc, liền dịch Kinh Điển do Sái Âm thu thập từ Tây Vực.

Ấy là năm Bộ Kinh: Thập Địa, Đoạn, Kết, Phật Bản Hạnh và Tứ Thập Nhị Chương.

Về sau, khi dời đô bị cướp phá, bốn bộ thất lạc bản thảo, không được lưu truyền ở vùng giang tả. Hiện chỉ còn lại bộ Tứ thập nhị chương khoảng hai ngàn lời. Bộ còn lại này là bộ đầu tiên của Kinh Điển Trung Quốc. Về sau, Pháp Lan mất tại Trung Quốc, tuổi thọ được hơn sáu mươi.

Lại nữa, vào thời Hán Minh Đế, Sa Môn Pháp Lan người Thiên Trúc mang sang tượng vẽ Đức Phật Thích Ca đang ngồi. Đây là họa phẩm thứ tư do họa sư Chiên Đà của Vua Ưu Điền vẽ ra.

Khi được mang đến Lạc Dương, Vua Minh Đế liền sai họa sư vẽ lại, đem tôn trí trong đài Thanh lương và treo lên trên các tranh cũ ở Thiết Lăng. Nay đều không còn.

Đây là Tượng Phật có trước tiên ở Trung Quốc Nguỵ thư cũng nói rõ ý nghĩa: Vào thời Hán Minh Đế, Tam Bảo bắt đầu du nhập vào Trung Quốc.

Ngày xưa, Vua Hán Vũ Đế cho đào ao Côn minh, bắt gặp lớp tro dưới đáy, liền đem hỏi Đông Phương Sóc.

Sóc trả lời: Chưa từng gặp, nên đem hỏi các Sa Môn Tây Vực.

Về sau, khi Pháp Lan đến, mọi người lại đem ra hỏi, Pháp Lan bảo rằng: Khi tận thế, hỏa tai thiêu cháy rụi tất cả. Đây là tro tàn còn sót lại. Thấy lời Sóc nói có chứng nghiệm, rất nhiều người tín mộ Pháp Lan.

9. Ngày xưa, vào niên hiệu Mẫn Đế nguyên niên 313 đời Tây Tấn, có hai tượng đá Phật Duy Vệ và Phật Ca Diếp nổi trên mặt biển, trôi vào cửa sông Hỗ độc ở huyện Tùng giang thuộc đất Ngô.

Từ xa, nhìn thấy hai hình người nổi lờ đờ trên mặt biển, ngư dân chẳng dám đến gần xem. Rước đồng cốt thì bảo là thần biển, Thầy lễ thì bảo là Linh tiên.

Hoặc gõ mõ xin rước, hoặc khăn áo cầu đảo thì sóng nổi, mù che, tượng ngược nước trôi ra xa. Tín đồ đạo Lão cho là Thiên Sư, đến xin nghinh đón. Sóng gió lại nổi lên như trước.

Châu Ưng ở Ngô huyện, nhà vẫn thờ phụng Chánh Pháp, rước Bạch Ni tại Chùa Đông linh, cùng mấy chục tín chủ trai giới thanh tịnh đến nghinh đón tượng. Liền đó, mây tanh Trời quang, gió ngừng sóng lặn. Tượng theo dòng nước trôi vào, xoay mình cho thấy chữ khắc.

Mới đở lên thuyền, tượng nhẹ như lông. Khi đưa lên xe, lại nặng như núi. Bèn rước về tôn trí ở cổ tự Thông huyền tại Ngô quận. Nguồn gốc đầu đuôi, có ghi chép rõ ở bia cũ.

Đến niên hiệu Vĩnh Minh thứ bảy đời nhà Nam Tề 489, lại có tảng đá quý nổi trên mặt biển, trôi vào đất Ngô. Chất liệu cứng chắc, sáng láng tươi đẹp. Gối sóng lướt thủy triều, nhẹ nhàng như thuyền gỗ bách.

Bấy giờ, có chủ Thư Pháp Nhượng, chính là tằng tôn của Châu Ưng đã vớt tượng đá trước đây, bị sai phái sang đất Ngô, bắt gặp tảng đá, liền đem dâng làm đài sen. Khi ấy, Tề Vũ Đế vừa dựng bảo Tháp Thiền linh, bảy tầng cao vút, hùng tráng tôn nghiêm. Gặp đá báu xa xôi trôi đến, thật hợp cơ duyên. Quần thần đều bàn, nên kính trọng hồng ân, tôn vinh pháp tướng.

Nhà Vua bèn sai bọn thợ đá Lôi Ty tạc thành Tượng Phật Thích Ca Văn. Thân cao ba thước năm tấc. Chạm khắc đạt mức nhập thần, tô vẽ cực kỳ tinh xảo. Sắc tướng sống độn, xứng hợp âm linh.

Trộm nghĩ, tính đá vốn chìm, hiển linh nên nổi. Vượt biển đến Ngô, cách đời lại gặp. Tuy chế tác xưa nay có khác, nhưng đều quy về thất Phật như nhau. Người bắt được đá, cũng chính họ Châu. Hợp với âm linh, trước sau như một, nên mới nhắc lại chuyện xưa, cốt để trưng ra bằng chứng.

Hai pho tượng bắt gặp đời Tấn có dáng đứng, cao bảy thước. Trên lưng được khắc chữ. Tượng thứ nhất là Phật Duy Vệ, tượng thứ hai là Phật Ca Diếp. Chẳng biết thuộc đời nào, nhưng nét chữ rõ ràng.

Được tôn trí tại Chùa Thông nguyên ở Ngô Quận nên nhớ hai tượng đá trên đây là hai tượng đá có trước tiên ở Trung Quốc. Tượng Phật bằng đá quý do Vua Tề sai tạc, xưa kia được tôn trí ở Chùa Thiền Linh.

10. Vào đời Vua Văn Tuyên nhà bắc Tề, có Tiên Sư Thống Thượng, gia đình lập nghiệp ở Lương Châu. Năm lên mười ba tuổi, phát nguyện sang Tây Vực. Vào tháng năm trong niên hiệu Nguyên huy thứ ba 475 mới từ Kinh Độ khởi hành. Năm năm đến nước Nhuế Nhuế, rồi đến Vu Điền.

Khi ra đi, một vị Tăng lấy từ mật thất một hộp bằng đồng, trao tận tay Tiên Sư, bảo rằng: Trong này có Xá Lợi răng của Đức Phật, lớn hai tấc, dài ba tấc, hãy đem về phương Nam để rộng đường làm lợi ích. Tiên Sư hoan hỷ, đảnh lễ thọ nhận, tôn kính như thấy được Đức Phật.

Vị Tăng còn bảo: Ta lấy được Xá Lợi này ở nước Ô triền hết sức gian nan.

Còn có thêm một ấn đồng chạm mặt của Quốc Vương để đóng lên hộp này… Sau đó, Tiên Sư nghe Chư Tăng bàn bạc: Nước Ô Triền mất Xá Lợi răng của Đức Phật.

Không biết vị Tăng đầy phước đức của nước nào sẽ thọ lãnh được?

Tiên sư nghe xong, hoan hỷ mừng thầm và càng tăng thêm lòng tôn kính Xá Lợi ấy. Liền đó, mang về Chung Sơn. Suốt mười năm năm, dù hàng đệ tử thân cận cũng không biết được chuyện ấy.

Tiên sư chỉ kín đáo thổ lộ cùng Luật Sư Pháp Dĩnh ở Chùa Linh căn. Thành kính ân cần, kể ra lời Chư Tăng bàn bạc. Luật Sư là một Tăng Sĩ ở Cưu Tư, không thể nào biết được giả thật.

Bấy giờ, tư đồ Cánh Lăng Vương Văn Tuyên tuổi nhỏ nhưng thông tuệ khác người. Lập chí tìm tòi huyền lý. Khẫn thành cầu nguyện, mau phát hiển linh.

Vào ngày mồng tám tháng hai năm Vĩnh Minh thứ bảy 489, trong Pháp Hội ở Tây Phủ, mơ thấy Đức Phật từ phương Đông đi đến. Thần uy hiển hách, Văn Tuyên ngước theo hành lễ và đứng hầu cận.

Bỗng thấy mũ đang đội dài thòng tận dưới mắt cá chân. Đức Phật nhìn xuống mĩm cười, nhỏ nước bọt trắng như tuyết đọng. Văn Tuyên đưa tay hứng lấy thì biến thành hạt ngọc. Sau đó, dời về phủ Thái Tử.

Ngày hai mươi chín tháng sáu, lại nằm mơ đi đến Định Lâm, gặp Tiên Sư lâm bệnh đang nằm, liền hỏi: Sinh già bệnh chết, dù có bậc ngũ thông cũng không thoát khỏi.

Ngoài chuyện gia phong nhật dụng, Pháp Sư còn tạo dựng thêm chút công đức gì chăng?

Đáp rằng: Trong kho của bần tăng có báu vật linh thiêng vô giá. Xin đem giao phó lại. Ngài nên tự mình đi lấy. Văn Tuyên theo lời, thân hành tìm kiếm.

Thấy có hòm rương, liền lần lượt mở ra. Đa số là Kinh tượng. Cuối cùng thấy một hộp nhỏ treo lơ lững trong hòm. Cầm ra mở xem, hào quang biến hiện phi thường. Mới cho là tượng, nhưng không phải tượng.

Bảo không phải tượng, thì lại là tượng. Văn Tuyên tỉnh mộng, cho là điềm lành. Sáng mai, sai kẻ tay chân Dương Đàm đi làm sáng tỏ điềm mộng. Dương Đàm cho rằng trong kho của Pháp Sư có báu vật hy kỳ, nên đem tặng Thái Tử Văn Tuyên.

Đang lúc vội vàng, tiên sư suy nghĩ Văn Tuyên muốn tìm kiếm châu báu thế gian, không nhớ đến Xá Lợi răng. Vì thế, Tiên Sư tìm cách đối đáp cho qua chuyện. Sau đó, thao thức suy nghĩ, đến nửa đêm mới chợt hiểu ra. Không thể nhờ người bẩm lại, Tiên Sư phải thân hành đến phủ, kể rõ ngọn ngành.

Tiên sư bảo: Bần đạo chỉ đem nói với một mình Luật Sư Pháp Dĩnh, lại không có ai hay. Nay thí chủ cảm ứng thông thần, rõ ràng chính xác. Đúng là nhân duyên huyền diệu không thể nghĩ bàn. Dấu tích đã hiện, bần tăng không dám để khuất lấp Thánh uy lâu hơn nữa, đến nỗi phế bỏ Phật Sự.

Nay kính dâng lên cúng dường. Ba hôm sau, Tiên Sư tự mình đến Phủ Đông Cung. Văn Tuyên được xa lợi, chừng mười hôm sau lại mơ thấy Xá Lợi ở giữa không trung, hình dáng như sừng bò, dài hơn ba thước. Thần quang chiếu diệu sáng trưng, rọi lên tay phải. Giây lát, lại thấy một tượng bằng thiếc bạc.

Cũng cao chừng ba thước, chớp mắt bào ba lần: Cực tốt. Tại Vu Điền, Tiên Sư lại thưa được mười năm hạt Xá Lợi, bèn đem phân chia khắp nơi. Khi bảo Tháp Thiền linh ở Chùa Chỉ viên được xây lên, Tiên Sư cũng phân ra cúng dường và tặng cho Văn Tuyên một hạt.

Bấy giờ, tại Đông Cung, Văn Tuyên dùng nước trong để thử giả thật. Hạt Xá Lợi nổi lên mặt bát, giây lát biến mất. Đạo tục gồm mấy chục người cố công kiếm tìm, khắp cả trong ngoài, tuyệt đối không thấy. Ai nấy mệt nhoài.

Văn Tuyên thành tâm sám hối, giây lát lại hiện ra dưới đất. Hào quang vọt sáng, cao hơn một thước, rực rỡ huy hoàng. Mọi người đều thấy cùng tán thưởng. Còn lại hai hạt, Tiên Sư đựng mỗi hạt vào một hộp bạc, cho vào tráp, niêm phong gửi tặng Văn Tuyên.

Về sau, khi đem kiểm nghiệm thì hạt Xá Lợi và hộp ấy đều biến mất. Gần ba năm sau, nhân mở hòm lấy Xá Lợi răng, bỗng nhiên lại thấy hạt Xá Lợi ấy vẫn ở trong tráp như cũ.

Hai hạt Xá Lợi dài trước đó cùng với hạt ấy, thành ra ba hạt, cùng ở tại một chỗ, nhưng hộp bạc trước đây bỗng dưng biến mất. Sự thần hóa kỳ diệu không thể nào lường.

Trước đây, Văn Tuyên vốn nghe bên Tây Vực có Xá Lợi răng và tóc của Đức Phật, lòng vô cùng hâm mộ. Đến năm Kiến nguyên thứ ba 481 bèn tâu lên phụ hoàng Cao đế phái Sa Môn người nước ngoài là Đàm ma đa la đi tìm làm của cúng dường, để thỏa lòng kính ngưỡng.

Lại chế ra tấm màn quý che lên, đưa Sa Môn về tận Tây Vực. Thế rồi, mọi chuyện đình lại. Trong tâm Văn Tuyên bồn chồn như sắp được báu vật.

Chẳng bao lâu, Tiên Sư lên kinh và quả nhiên thâu thập Xá Lợi linh ứng. Tấm màn quý ấy đem ra cúng dường Xá Lợi. Chuyện âm linh phù hợp, chẳng phải chỉ trong sớm chiều.

Về sau, Văn Tuyên lên ngôi, tạo bảo đài để đựng màn quý, bảo tạng để đựng hộp Xá Lợi và dốc hết tâm lực kính cẩn phụng thờ. Những chuyện trên đây rút từ các bội pháp bản nội truyện, tạp sử và Cao Tăng truyện.

11. Đại Sư Thích Trí Khải ở Chùa Quốc thanh tại núi Thiên Thai là Quốc Sư Trí Giả đời Tùy. Vốn họ Trần, người Dĩnh xuyên. Đức cao đạo lớn, xưa nay ít ai sánh kịp. Thường thích ở chỗ núi non để tĩnh lự hành Thiền. đạo đời sùng kính, Vua tôi đều trọng vọng.

Khi Ngài mới đến Thiên Thai Thỉ trước đó, Thiền Sư Định Quang người Thanh châu đã ở đây trên ba mươi năm. Thiền Sư là một dị nhân, định tuệ đều thông. Vừa lên núi, Ngài đến ra mắt Thiền Sư, trình bày tâm nguyện.

Thiền Sư bảo: Đại thiện tri thức còn nhớ trước đây ở trên núi, ta từng vẫy tay gọi nhau chăng?

Ngài vô cùng kinh dị, biết rằng đã có lúc gặp nhau trong mộng. Bấy giờ, nhằm tháng chín năm Thái kiến thứ bảy đời nhà Trần 575. Lại nghe tiếng chuông đổ dồn vang dội cả khe núi. Đại chúng đều lấy làm lạ.

Thiền Sư bảo: Chuông cốt để triệu tập khách có nhân duyên hôm nay đến ở vậy. Ngài bèn chọn chỗ đất tốt tại đầu khe Loa phía Nam núi Phật lụng và phía Bắc nơi ấn cư của Thiền Sư. Địa thế cao ráo, bằng phẳng, nước suối trong trẻo, thuận lợi cho sự cầu đạo. Bèn lưu luyến dừng chân nghỉ lại.

Bỗng có ba người, khăn đen áo đỏ, cầm sớ thỉnh cầu: Nên ở đây hành đạo. Ngài liền dựng lên thảo am, trồng tùng có quả. Trong khoảng vài năm, tiếp tục phát triển, thành ra đường sá lưu thông khắp nơi.

Thiền Sư bảo rằng: Hãy tạm ở yên chờ thời.

Đến khi đất nước thanh bình, ba phương thống nhất, sẽ có bậc quý nhân giúp Ngài lập Chùa, đi nệ đài đầy núi.

Bấy giờ, chẳng ai lường được lời ấy hư thực thế nào.

Sau đó, Ngài một mình thực hành phép khổ hạnh trên chóp núi Hoa đỉnh ở phía Bắc Chùa. Gió lớn bứt cây, sấm sét nổ rền. Yêu quái nghìn bầy, biến hóa một hình trăm dáng. Phun lửa reo hò, đe dọa đủ cách, khó tả hết được.

Ngài nén lòng nhẫn nhục, cuối cùng bọn chúng cũng đều biến mất. Rồi lại chịu thân tâm đau đớn như bị lửa thiêu. Rồi lại thấy Cha Mẹ đã chết hiện về, dập đầu trên gối, kêu rên khổ sở, xin hãy xót thương. Ngài điềm tĩnh giữ hạnh Nhẫn Nhục vững vàng như núi đá, khiến cho hai duyên mềm cứng khiêu khích đều bị tiêu diệt.

Bỗng có vị thần tăng Tây Vực đến bảo rằng: Chế ngự địch thủ, chiến thắng oán thù mới đáng gọi là dũng mãnh.

Điều này sách vở ít ghi chép lại.

Vua Tuyên đế nhà Trần ban chiếu rằng: Thiền Sư Phật Pháp cao siêu, đương thời tôn kính. Dạy khắp đạo tục, là biểu tượng của Quốc Gia. Xứng đáng cắt huỵên Thủy phong để sung vào chi phí. Tha thuế hai bộ để rảnh rang lo việc củi nước. Đổi huyện núi Thiên Thai thành An Lạc Lịnh.

Viên Tử Hùng, người quận Trần, sùng mộ Chánh Pháp, mỗi mùa Hạ an cư, thường đến nghe giảng Kinh Tĩnh danh. Bỗng thấy ba bậc thang báu từ Trời hạ xuống, có vài chục vị Tăng Ấn Độ theo nấc thang bước xuống, vào điện hành lễ, tay cầm lò hương đi vòng quanh Ngài ba lần rồi biến mất.

Mọi người đều thấy, cùng nhau reo hò vang động núi non. Đạo Hạnh của Ngài đạt đến linh cảm, đại khái như thế, không thể nói hết.

Vào ngày hai mươi hai tháng mười một năm Khai Hoàng thứ bảy đời nhà Tùy 587, Ngài bỗng nhiên bảo các đệ tử: Ta sắp đi đây. Nói xong, ngồi ngay ngắn như nhập định rồi Viên Tịch ở trước tượng đá lớn ở núi Thiên thai, thọ sáu mươi bảy tuổi. Sau đó, Ngài vẫn linh hiển rất nhiều.

Tính đến cuối niên hiệu Nhân thọ, Ngài đã hiện về Chùa cũ tất cả bảy lần, chống tích trượng, mặc Cà Sa giống hệt thuở còn tại thế.

Một lần Ngài hiện về núi Phật lũng, bảo các đệ tử: Sống giữa gia phong, tất cả đều ổn cả chứ?

Đại chúng đều thấy, bùi ngùi thỉnh an, một hồi lâu Ngài mới biến mất.

12. Sa Môn Thích Đàm Vinh ở Chùa Pháp trụ tại Lộ Châu đời Đường, vốn họ Trương, người Định châu. Thần sắc tôn nghiêm, Phạm Hạnh thanh tịnh. Siêng năng Thiền quán, hóa độ rộng rải tùy duyên, không hề chấp trước. Hằng năm, đến các mùa Xuân Hạ, mở Pháp Hội Phương đẳng Tam Muội. Các mùa Thu Đông, mở Pháp Hội tụng Thiền.

Ngài bảo đại chúng: Công đức của Xá Lợi vượt bực, biến hóa vô biên, không hạn chế nơi chốn. Nếu nghiệp khổ tiêu trừ, nhất tâm cầu nguyện, chắc chắn sẽ được toại nguyện.

Thế là trước mắt mỗi người đều đặt một bát nước, có thêm lò hương, chân thành suốt đêm cầu nguyện. Đến sáng, trong bát thâu được hơn bốn trăm viên Xá Lợi. Về sau, điện đường đang ở bỗng nhiên sụp đổ, nhưng khám thờ, Tượng Phật và Xá Lợi bày ra sừng sững giữa sân, y nhiên như cũ không bị hư hao.

Đến năm Trinh Quan thứ bảy 633, các đệ tử giữ giới thanh tịnh như bọn Thường Ngưng Bảo xin lập pháp đàn sám hối Phương đẳng ở Chùa. Vào ngày mười bốn tháng bảy, Sa Môn Tăng Định trong Chùa, vốn giữ giới hạnh tinh nghiêm, thấy trong điện đường, hào quang ngũ sắc lớn lao, rành rành từ trên chiếu xuống.

Trong đó có Thất Phật sắc tướng phi phàm, bào Sa Môn Tăng Định rằng: Ta là Phật thành tựu Đẳng Chánh Giác vô trước Tỳ Bà Thi. Vì nhà ngươi đã tiêu tan tội nghiệp, nên đnế chứng minh giúp, nhưng ta không phải là Bổn Sư của nhà ngươi, nên không thể thọ ký dùm được. Lần lượt sáu Đức Phật ấy đều nói như thế.

Đức Phật cuối cùng bảo: Ta là Phật Thích Ca Mâu Ni, Bổn Sư của nhà ngươi. Do nhà ngươi đã hết tội, nên đến đây thọ ký. Đàm vinh là nhân duyên diệt tội của nhà ngươi. Trong thời hiền kiếp, tên là Phật Phổ Ninh. Thân nhà ngươi đã thanh tịnh, sau này sẽ thành Phật, hiệu là Phổ Minh.

Cảm ứng hiện thành điềm lành như thế, thật khó ngĩ bàn. Đến niên hiệu Trinh quan thứ mười ba 639 Sa Môn Đàm Vinh Viên Tịch ở Chùa Phật trụ, thọ tám mươi lăm tuổi. Hai truyện trên đây rút từ sách Đường Cao Tăng truyện.

***

/72
 

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây