Tìm kinh sách
 
        Kinh Sách FULL

Pháp Uyển Châu Lâm

Giới thiệu bộ "Pháp uyển châu lâm"

Pháp uyển châu lâm một trăm quyển do pháp sư Đạo Thế tự Huyền Uẩn soạn vào đời Đường, Trung Quốc, Thị lang Lí Nghiễm viết tựa. Sách đã được ban Dịch thuật Pháp Âm chuyển sang tiếng Việt và xuất bản vào năm 2011, gồm bảy tập. Trải qua bảy năm lưu thông, năm nay theo nhu cầu của người đọc, ban Dịch thuật đã cho tái bản có sửa chữa và gom lại thành 5 tập với khổ lớn hơn.

 

Chương 13: Quyển 6 - Thiên Thứ Bốn - Lục Đạo - Bộ thứ 4: Quỷ Thần

PHÁP UYỂN CHÂU LÂM
Sa-môn Thích Đạo Thế chùa Tây Minh biên soạn
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

QUYỂN 6

Thiên thứ 4: LỤC ĐẠO


IV. Bộ thứ 4: QUỶ THẦN

Gồm có 11 phần: Thuật ý, Hội danh, Trụ xứ, Liệt số, Nghiệp nhân, Thân lượng, Thọ mệnh, Hảo xú, Khổ lạc, Quý tiện, Xá trạch.

Thứ nhất: PHẦN THUẬT Ý

Than ôi! Luận về quỷ thần phép thuật, chỉ thích yêu tà. Trong cõi u minh, chất nhiều tội lỗi. Hoặc ở hang sâu, hay nương gò lớn. Cuối ngọn khe xa, rừng thẳm, giữa lòng bụi rặm, bờ hoang. Kỳ dị âm thanh, lạ lùng hình dáng. Dọa nạt ngu tình, lay động phàm thức. Hoặc đội hình chim xác cá, lòng thú mặt người. Hoặc cử nhạc đàn ca, đánh dùi gõ mõ. Như các loài này, đều xin sám hối. Cùng thuộc chín châu miếu vũ, vạn quốc thần linh. Thái Bá ở Cô Tô, Quý Trể ở Diên Ấp. Hạ Vũ đào sông, khơi dòng đầm, động. Hà bá, sơn tinh, thần mưa, thần gió, tốt tươi bồi bổ, lộc trạch mang về. Hoặc bay trên ngọn trúc như rồng, như chim bay, nhạn liệng, hình dựa dẫm vào miếu thiêng, thể cận kề nơi lầu các. Làm mưa, phân gió nặng, nhẹ, nhỏ, to cho đến đại tướng già đầu, quỷ thần tóc kim Tú lợi lặc na, Bàn trà la sát, ba ngàn quyến thuộc, năm trăm tùy tùng, tất cả đều xin một lòng sám hối. Lại có kẻ nghiệp chướng nặng nhất, gọi là ngạ quỷ. Mắt sáng như chớp, họng nhỏ như kim, không nghe được tiếng nước nôi, mất hẳn mùi lương thực. Chân tay lửa đỏ nhất tề phát cháy, cử động rầm rộ như năm trăm xe. Hôm nay, thiện căn cũng được thấm nhuần đầy đủ.

Xin nguyện quỷ đang đói khát, ăn uống tự nhiên. Yêu mị quỷ thần, không còn nịnh hót. Xiển dương Phật pháp, che chổ thế gian. Bảo vệ tượng, kinh, cúng dường dốc chí. Ghi thiện chép ác, mãi mãi tu hành.

Thứ hai: PHẦN HỘI DANH

Sao gọi là đường quỷ? Như luận Lập Thế nói: “Đường quỷ tên là Thiểm đa. Bởi vì vua Diêm Ma La tên Thiểm đa. Chúng sinh ở đấy đồng loại với nhà vua nên gọi là Thiểm đa”.

Lại còn bảo thêm: “Đường này giao lưu với các đường khác, thiện ác tương thông, nên gọi là Thiểm đa”. Lại nữa, luận Tân Bà-sa có câu hỏi rằng: “Vì sao đường ấy tên Bế lệ đa?”. Đáp: “Luận Thi Thiết bảo rằng vua của thế giới quỷ hiện nay tên là Diệm Ma. Khi kiếp này mới thành, có vua của thế giới quỷ tên Chủy đa. Thế nên, chúng sinh vào đường ấy, sinh ra ở đấy, đều gọi là Bế lệ đa. Tức là mọi ý nghĩa trong thế giới Chủy đa, từ đây trở về sau đều mang tên này cả”. Có người nói: “Do tăng trưởng tăng thượng tham lận, tạo tác các ác hạnh về thân, ngữ, ý nên phải về đường ấy, sinh vào đường ấy, chịu nghiệp quả đói khát. Trải qua hàng trăm ngàn năm không nghe được tên nước, huống gì thấy được, huống gì đụng được? Hoặc có loại bụng lớn như núi, họng nhỏ như lỗ kim, tuy gặp đồ ăn thức uống, nhưng không thể nào thọ dụng được”. Có người nói: “Bị sai khiến nên gọi là quỷ. Thường bị chư Thiên khắp nơi sai khiến nên phải bôn ba. Vì có hy vọng nên gọi là quỷ. Nghĩa là, vì trong năm đường kia, chúng sinh có hy vọng không nhiều hơn đường này, nhân thế mới gọi là quỷ. Lại nữa, mong cầu gọi là quỷ. Nghĩa là các ngạ quỷ ở đấy thường theo người khác, mong cầu ăn uống để nuôi sống tính mệnh, nên mới gọi là mong cầu”.

Thứ ba: PHẦN TRỤ XỨ

Như luận Bà-sa nói: “Ngạ quỷ có hai chỗ ở: một là chính, hai là phụ. Thứ nhất là chỗ ở chính. Luận thuyết không nhất định. Luận ấy nói: “Cách phía dưới châu Diêm-phù-đề năm trăm do tuần, có thế giới quỷ do vua Diêm La cai quản”, đó là chỗ ở chính. Lại nữa, kinh Thiện Sinh Ưu-bà-tắc cũng đồng ý với luận thuyết này: “Dưới năm trăm do tuần, có thành trì của vua Diêm La. Chu vi bốn phía bảy vạn năm trăm ngàn do tuần. Nhà vua cư trú ở giữa để cai quản loài quỷ”. Lại nữa, như kinh Ngũ Đạo Khổ nói, loài ngạ quỷ này cư trú ở giữa hai ngọn núi Thiết Vi ấy, nên mới có kệ rằng:

“Giữa hai ngọn núi Thiết Vi ấy,
Không thấy ánh sáng mặt trời mặt trăng.
Ngạ quỷ cư trú ở trong đó,
Để đền bù tội lỗi xa xưa”.

Thứ hai là chỗ ở phụ. Như luận Bà-sa nói cũng không nhất định.

Có hai loại quỷ: một là có uy đức, hai là không có uy đức. Loại có uy đức ấy cư trú ở hang núi hoặc ở không trung, hay ở bờ biển. Loại ấy đều có cung điện, hưởng thụ phước báo hơn người. Loại không có uy đức, hoặc dựa vào phẩn uế dơ dáy để ở, hoặc dựa vào cây cỏ mộ phần để ở, hoặc dựa vào chỗ nhà xí cũ để ở. Loại này đều không có nhà cửa, phước báo thua người. Lại nữa, luận nói, trong bốn châu lớn đều có quỷ ở. Hai châu Đông Tây cùng có loại có uy đức và không có uy đức cư trú. Trong châu Bắc, chỉ có loại có uy đức, không có loại không có uy đức cư trú, do phước báo của loại ấy lớn hơn, nên mới được như thế. Thậm chí, trong Trời Đao lợi cũng có loại không có uy đức cư trú, để đáp ứng nhu cầu sai sử của chư Thiên. Từ đây trở lên, trong các Trời khác, không còn loài quỷ cư trú nữa. Thế nên, luận Bà-sa bản dịch mới nói rằng: “Trong Trời Tứ thiên vương và Tam thập tam, chỉ có loài quỷ có uy đức lớn cư trú để lo liệu việc giữ cửa, canh phòng và tùy tùng cho chư Thiên”.

Có người nói: “Về phía Tây châu Thiệm Bộ này có năm trăm bãi nhỏ. Ở đó, loài quỷ chia nhau cư trú thành hai hàng (theo luận Bà-sa bản củ thì ở phía Tây châu Diêm-phù-đề có năm trăm thành quỷ. Trong đó, tự phân chia hành hai hàng riêng biệt). Trong hai hàng bãi nhỏ này có năm trăm thành: hai trăm năm mươi thành do loài quỷ có uy đức cư trú, hai trăm năm mươi thành do loài quỷ không có uy đức cư trú. Bởi thế, ngày xưa có Chuyển luân vương tên Nệ Di bảo người đánh xe Ma đát lê rằng: “Ta muốn đi tham quan. Nhà ngươi hãy đánh xe chạy theo đường này, để ta thấy được cảnh chúng sinh thọ lãnh quả báo thiện ác”. Bấy giờ, Ma đát lê tuân theo lời nhà vua, khi đánh xe ngang qua hai hàng bãi nhỏ, nhà vua thấy loài quỷ có uy đức, đầu đội tràng hoa, mình mặc áo trời, ăn uống vị ngon giống như thiên tử, cưỡi xe voi, mọi người rong chơi vui thích. Nhà vua lại thấy loài quỷ không có uy đức thì đầu tóc rối bù, không mặc áo quần, nhan sắc khô héo, chỉ lấy tóc che thân, tay cầm bát đất đi ăn xin. Chứng kiến xong, nhà vua rất tin vào nghiệp quả thiện ác”.

– Hỏi: Đường quỷ hình dáng ra sao?.

– Đáp: Phần nhiều đứng thẳng lên giống người, nhưng cũng có loài nằm ngang, hoặc có mặt giống heo hay các loài cầm thú hung dữ khác, hệt như các hình được vẽ trên tường hiện nay”.

Hỏi: “Tiếng nói ra sao?”.

Đáp: “Khi kiếp mới thành, đều nói tiếng Thánh. Về sau, tùy theo chỗ ở mà nói thành thứ tiếng”. Hoặc có người nói: “Tùy theo chỗ nào vừa chết mà sinh vào đường này, thì sẽ có hình dáng và tiếng nói của chỗ ấy”. Bình luận rằng: “Không nên lập luận như thế. Nếu từ cõi vô sắc giới chết xong, đầu thai xuống đường này, há rằng không có hình dáng, không có tiếng nói chăng? Vậy thì, nên lập luận tùy theo chỗ sinh ra thế nào, thì sẽ có hình dáng và tiếng nói như thế ấy”.

Thứ tư: PHẦN LIỆT SỐ

Theo kinh Chánh Pháp Niệm nói rằng: “Tổng cộng ngạ quỷ có ba mươi sáu loại, do tạo nhân không giống nhau nên chịu quả đều khác biệt:

1. Quỷ trong vạc nước sôi: do nhận lời người khác thuê mướn sát sinh, bị quả báo nấu trong vạc nước sôi, hoặc nhận lời người khác giữ giùm rồi giằng co không trả lại nên phải bị quả báo này.

2. Quỷ hôi hám, miệng nhỏ như kim: đem của cải thuê mướn người sai đi sát sinh, nên có cổ nhỏ như mũi kim, một giọt nước cũng không lọt vào được.

3. Quỷ ăn ói mửa: do chồng khuyên vợ bố thí, vợ tiếc của bảo rằng không có. Bỏn xẻn gom góp của cải, nên thường bị ăn ói mửa.

4. Quỷ ăn phân: do vợ lừa dối chồng, ăn uống một mình, ghét bỏ hiềm nghi chồng, nên thường phải ăn phân của người khác tuôn ra.

5. Quỷ ăn lửa: do cấm đoán người về đường lương thực, khiến người tự sát, nên phải bị quả báo lửa đốt, kêu gào khổ sở vì đói khát.

6. Quỷ ăn mùi vị: do ăn nhiều món ngon, không chia cho vợ con, nên thường bị đói khát, chỉ được ngửi mùi vị mà thôi.

7. Quỷ ăn pháp: do tham của cải, thuyết pháp cho người, nên thường bị đói khát, da thịt tiêu tan. Phải nhờ Sa-môn thuyết pháp, mới mong giữ được tính mệnh.

8. Quỷ ăn nước: do bán rượu như nước để mê hoặc kẻ ngu si, không giữ gìn trai giới, thường bị khát cháy khô.

9. Quỷ hy vọng: do tranh giành giá cả mua bán, lừa gạt người để lấy của nên thường bị đói khát. Chờ người cúng tế tiên linh mới được ăn.

10. Quỷ ăn khạc nhổ: do đem thức ăn không tinh khiết lừa gạt người tu hành, thân thường bị đói khát, luôn bị thiêu đốt, phải cầu xin người khạc nhổ và ăn đồ dơ của người.

11. Quỷ ăn tràng hoa: do kiếp trước ăn cắp tràng hoa của Phật để làm đồ trang sức cho mình. Nếu gặp người phải cúng vái, đem tràng hoa cúng tế tạ ơn, nhờ thế được ăn tràng hoa.

12. Quỷ ăn huyết: do sát sinh để cúng tế, không chia cho vợ con, nên bị làm quỷ này. Phải dùng huyết bôi lên đồ cúng, mới có thể ăn được.

13. Quỷ ăn thịt: do lấy thịt của chúng sinh xắt nhỏ, cân lường, mua bán gian dối nên bị quả báo này. Khi cúng giỗ, phải dùng nhiều loại thịt mới có thể ăn được.

14. Quỷ ăn nhang: do bán nhang xấu để thu lợi nhiều, chỉ được ăn khói nhang, sau còn phải bị quả báo nghèo khổ.

15. Quỷ ăn nhanh: nếu có kẻ phá giới mà còn mặc pháp phục, lừa dối để lấy tiền của, nói dối đem cho người bệnh, nhưng lại không cho, tự mình ăn hết. Do bị quả báo này, thường ăn đồ dơ, tự thiêu đốt thân mình.

16. Quỷ rình cơ hội: do lập mưu mô lừa gạt lấy của cải, không cúng dường tu phước nên bị quả báo này. Lông lá trên mình phát cháy, ăn lấy khí lực dơ dáy của người để sống còn.

17. Quỷ hắc ám: do bẻ cong pháp luật, bắt người bỏ ngục để mưu cầu tiền tài, khiến người mắt chẳng thấy gì, tiếng thường rên xiết, nên phải bị quả báo ở ngục tối tăm, chứa đầy rắn độc, đau đớn như dao cắt.

18. Quỷ lớn sức: do trộm cướp của cải của người ta, đem chia cho người xấu, không cúng dường làm phước nên bị quả báo này. Có thần thông, lớn sức, nhưng chịu nhiều khổ não.

19. Quỷ rực lửa: do phá thành cướp bóc lương dân, nên bị quả báo này. Kêu gào la hét, khắp mình rực lửa. Sau đó, đầu thai làm người, thường bị cướp bóc.

20. Quỷ rình trẻ con: do giết trẻ con, khiến người sinh lòng giận lớn, nên bị quả báo này. Thường rình mò cơ hội để hại trẻ con.

21. Quỷ dâm dục: do thích dâm dục, có tiền của không cúng dường tạo phước nên bị quả báo này. Thường đi rong khắp thế gian, giao du với người, làm trò yêu quái để sống.

22. Quỷ ở hải đảo: do đi giữa đồng không, gặp người bị bệnh đau đớn, lừa gạt chiếm đoạt tiền của, phải bị sinh ra giữa hải đảo, chịu khổ sở về thời tiết nóng lạnh gấp mười lần người.

23. Quỷ cầm binh khí cho Diêm La: do kiếp trước được thân cận với vua quan, chuyên làm chuyện tàn ác nên phải chịu quả báo này. Bị sai phái làm quỷ cầm nghi trượng theo hầu nhà vua.

24. Quỷ ăn trẻ con: do đọc chú pháp mê hoặc người để lấy tiền của, sát hại heo, dê. Khi chết, bị đọa vào địa ngục. Sau đó, mới bị quả báo này, thường hay ăn thịt trẻ con.

25. Quỷ ăn tinh khí của người: do giả vờ làm bạn thân, hứa che chở người, khiến người trở nên dũng cảm, liều chết ở trận mạc. Mình không ra tay cứu giúp nên bị quả báo này

26. Quỷ la sát: do sát sinh để bày tiệc lớn nên phải chịu quả báo bị “lửa đói” thiêu đốt này.

27. Quỷ bị lửa đốt thân: do thói bỏn xẻn, ghen ghét che mất chân tâm, thích ăn đồ chay của Sa-môn, bị đọa vào địa ngục, rồi từ địa ngục thoát ra, chịu quả báo làm quỷ bị lửa thiêu đốt thân mình.

28. Quỷ đầu đường ăn dơ: do đem đồ ăn không tinh khiết cúng dường đường Sa-môn nên bị quả báo này. Thường ăn đồ dơ.

29. Quỷ ăn gió: do gặp Sa-môn đến khất thực, đã hứa nhưng không chịu cúng dường thức ăn, nên bị quả báo này. Thường chịu đói khát khổ sở như trong địa ngục.

30. Quỷ ăn than hồng: do cai quản trại giam, cấm không cho ăn uống, nên bị quả báo này. Thường phải ăn than hồng.

31. Quỷ ăn lửa độc: do đưa đồ ăn có thuốc độc khiến người mất mạng, nên phải bị đọa vào địa ngục, sau sinh làm quỷ. Thường chịu đói khát, phải ăn lửa độc thiêu đốt thân mình.

32. Quỷ ở đồng không: do ở đồng không đào thành ao hồ để cung cấp nước cho kẻ bộ hành. Lại chửa rủa, quyết tâm phá bỏ, khiến người thiếu thốn khát nước, nên phải bị quả báo này. Thường bị đói khát, lửa cháy thiêu đốt thân mình.

33. Quỷ ăn tro tàn ở mồ mả: do ăn cắp hoa quả cúng Phật để sống, nên bị quả báo này. Thường ăn tro tàn còn nóng ở chỗ thiêu xác người chết.

34. Quỷ ở dưới cây: do thấy người trồng cây tạo bóng mát cho người, đem ác tâm chặt phá lấy gỗ về dùng, nên bị đọa vào trong cây, thường chịu khổ sở nóng lạnh.

35. Quỷ ở ngã tư đường: do trộm cướp lương thực của kẻ đi đường, tạo nên ác nghiệp, nên thường bị cưa sắt cắt xẻ thân hình. Nhờ thiên hạ cúng vái ở ngã tư đường, kiếm lấy đồ ăn sống qua ngày.

36. Quỷ có thân Ma la: do làm tà đạo, không tin chánh pháp, nên bị đọa vào địa ngục. Thường phá hoại các phép lành của người khác”.

Theo luận Thuận Chánh Lý nói: “Quỷ ấy có ba loại, ấy là quỷ không của cải, quỷ ít của cải và quỷ nhiều của cải.

Quỷ không của cải lại có ba loại là quỷ miệng đuốc, quỷ miệng kim và quỷ miệng hôi. Quỷ miệng đuốc thì trong miệng thường phun lửa mạnh, cháy rực không ngừng. Thân như bị đốt cháy giống cây Đa la. Đây là quả báo gây nên do quá sức keo kiệt. Quỷ miệng kim thì quỷ này bụng lớn, có sức chứa như hang núi, miệng nhỏ như lỗ kim. Tuy thấy các loại đồ ăn uống cao sang ngon tuyệt, cũng không thể hưởng thụ được. Bị đói khát hành hạ, khó chịu đựng nổi. Quỷ miệng hôi thì quỷ này trong miệng thường phát ra mùi hôi cực kỳ thối tha, hơn cả mùi phân ô uế bốc lên ở cửa hố xí. Mùi hôi tự bốc lên, bắt phải nôn khan. Giá có thức ăn, cũng không thể nuốt được. Khổ não vì đói khát, kêu réo chạy nhảy một cách điên cuồng.

Quỷ ít của cải cũng có ba loại, ấy là quỷ lông kim, quỷ lông hôi và quỷ có bướu. Quỷ lông kim thì loại này lông lá cứng rắn, cưa bén cũng không ăn vào. Trong thì cọ nhằm nội tạng, ngoài thì găm vào loài khác. Như nai trúng tên độc, kinh hoàng chạy nhảy một cách điên cuồng. Có khi gặp được đồ dơ, tạm thời giúp cơn đói khát. Quỷ lông hôi thì loại này lông lá rất hôi hám. Ô uế thường hun húc thối tha xương thịt, bốc hơi rã nát ruột gan. Xông lên cổ họng thành nôn. Độc địa khó chịu, phải véo thịt nhổ lông, rách nát da thịt, càng thêm khổ sở. Có khi gặp được đồ dơ, tạm thời giúp cơn đói khát. Về quỷ có bướu, thì loại này do nghiệp lực xấu xa, nên cổ họng sinh ra bướu lớn, như mụt nhọt lớn. Nhức nhối, nóng sốt, đau đớn càng thêm tệ hại. Có khi máu mủ vọt lên, cùng giành nhau ăn lấy, tạm qua cơn đói.

Quỷ nhiều của cải cũng có ba loại ấy, ấy là quỷ mong cúng tế, quỷ mong đồ nhổ bỏ và quỷ có thế lực. Quỷ mong cúng tế thì quỷ này thường ngày đến trong đền thờ hưởng lộc của người cúng tế, sẵn có tự nhiên… Đôi khi du lịch phương xa, như chim tung cánh giữa trời, đi về thỏa thích. Nhờ vào kiếp trước, hiểu biết cao xa, hy vọng thế này: “Một mai, nếu ta mệnh chung, tất cả con cháu chắc hẳn sẽ cúng tế cho ta đầy đủ cho ta phẩm vật ăn uống”. Do nghiệp lực của nhận thức ấy, được sinh vào loại quỷ này. Theo nhân lành của kiếp trước, nên thọ lãnh được sự cúng tế. Hoặc có kẻ, kiếp trước vốn yêu quý người thân, vì muốn cho ai nấy đều được giàu có no đủ, nên đã không theo chánh pháp, tom góp báu vật, nuôi lòng keo kiệt, không biết bố thí. Theo ác nghiệp này, phải sinh vào trong đường quỷ, ở các chỗ bài tiết dơ dáy, bên cạnh nhà cũ. Người thân nhớ đến, đón rước Sa-môn, Phạm chí, kẻ cô đơn nghèo khổ để cúng dường làm phước. Quỷ ấy thấy xong, đối với người thân và các của cải, trong lòng nhớ lại và thấy rõ ràng quả báo keo kiệt hiện tại. Lòng sinh tin tưởng vào chuyện cúng dường tạo phước. Tiếp tục tăng trưởng, dứt bỏ được nghiệp tương ứng. Nhờ thế, thành tựu được nghiệp quả Thuận hiện pháp thụ. Nhân thế lực này, nên được giàu có no đủ.

Quỷ mong đồ nhổ bỏ thì loại này thường muốn thu dọn đàm dãi nhổ bỏ và phân dư của người để làm đồ ăn uống, cũng được sung túc. Vì loại quỷ này, ở vào kiếp trước, mỗi khi ăn uống, thấy dơ uế thì cho là không, tinh khiết thì cho là dơ uế. Nhờ vào phước lực hiện tại, tùy theo nhu cầu, đều được sung túc. Miếng ăn thức uống, tuy có sẵn tự nhiên, nhưng do quả báo không giống nhau, nên không thể mong cầu nhiều hơn được. Bởi lẽ, như trong đường địa ngục, chịu quả dị thục, dứt xong lại nối, ở các đường khác thì không. Như trong đường người, có kẻ siêu phàm, tu theo Phạm hạnh, trong các đường khác thì không. Như trong đường trời, tùy theo nhu cầu, mọi thứ hiện đủ. Về những thứ này, tuy có sẵn tự nhiên, nhưng không thể ở trong đó, mong cầu một số lượng giống nhau nhất định. Quỷ có thế lực lớn thì rất tương đồng với lời của luận Bà-sa đã nói trước đây”.

Lại nữa, luận Du Già nói: “Đường quỷ có ba loại: một là quỷ ngoại chướng, nghĩa là chúng sinh ấy, vì thói keo kiệt quá cao, phải sinh vào đường quỷ, chịu quả báo đói khát tương ứng. Da thịt héo queo, giống như than đỏ. Đầu tóc bù rối, môi miệng cháy khô. Thường hay lấy lưỡi, liếm láp miệng mặt. Đói khát kinh hoàng, chạy bay khắp xứ. Đến chỗ suối hồ, gặp chúng sinh khác, tay cầm dao gậy, chận chẳng cho vào. Nước thành máu mủ, không thể uống được. Đấy gọi là quỷ ngoại chướng.

Hai là quỷ nội chướng, nghĩa là loài ấy, miệng lớn bằng kim, bụng dạ to tướng. Nếu được miếng ăn, cũng không nuốt được. Đấy gọi là quỷ nội chướng.

Ba là có loài ngạ quỷ tên Vầng lửa dữ, trong các bữa ăn, đều bị đốt cháy. Do nhân duyên này, đói khát quá khổ. Đấy gọi là quỷ vô chướng”.

Còn như, mua danh chuốc lợi, trả báo làm vui. Độc địa hại người, sẽ rước ác quả. Tuy thế, thiện như leo núi, đương nhiên khó lên, ác giống rơi xuống, dễ dàng thực hiện. Bởi vậy, thiên đường mở rộng, người đến lưa thưa, địa ngục đậy lồng, kẻ vào chen chật!

Thứ năm: PHẦN NGHIỆP NHÂN

Như luận Trí Độ nói: “Ác có ba bậc, nhưng tạo ác bậc dưới, liền sinh vào trong đường ngạ quỷ”. Theo luận Thập Địa, cũng đồng lý thuyết này: “Trong mười nghiệp ác, vừa tạo nghiệp nào, trước tiên, tất cả phải sinh vào ba đường ác, sau đó, mới được làm thân người”. Còn theo kinh Chánh Pháp Niệm nói: “Nếu nổi tham, ghen, nịnh nọt, ton hót, lừa dối đối với người, hoặc lại tham lam keo kiệt, giữ của không chịu bố thí, đều bị sinh vào đường quỷ. Từ trong đó chết đi, phần nhiều bị sinh vào trong đường Súc sinh. Phải làm chim Già tra ca, thường xuyên đói khát, chịu nhiều thảm não. Chỉ uống nước trời mưa, ngước cổ hứng lấy, không được uống thêm các loại nước khác. Bởi thế, luôn luôn chịu khốn khổ đói khát”. Theo kinh Nghiệp Báo Sai Biệt nói: “Tạo đủ mười nghiệp sau đây, sẽ phải sinh vào trong đường ngạ quỷ: một là thân làm ác nhỏ, hai là miệng làm ác nhỏ, ba la ý làm ác nhỏ, bốn là keo kiệt bủn xỉn, nhiều tham lam, năm là tâm không phân biệt ác, sáu là ton hót ghen ghét, bảy là nổi lên tà kiến, tám là yêu quý của cải đến nỗi bỏ mạng, chín là nhịn đói đến nỗi chết mất, mười là nhịn khát đến nỗi chết mất. Do mắc mười nghiệp này, phải sinh vào đường Ngạ quỷ”.

Lại nữa, luận Phân Biệt Công Đức nói: “Có các Sa-môn thực hành phép Thiền quán, hoặc ở mồ mả, hoặc ở dưới tàn cây. Bấy giờ, ở dưới tàn cây, quán đến tử thi. Ban đêm, thấy ngạ quỷ đánh một tử thi. Sa-môn hỏi rằng: “Tại sao lại đánh tử thi này?”. Ngạ quỷ trả lời: “Vì tử thi này làm tôi khổ sở đến thế này, nên tôi phải đánh nó”. Sa-môn nói: “Tại sao không đánh tâm của nhà ngươi, lại đánh tử thi này? Liệu có ích gì!”. Một lát sau, lại có một vị Trời đem hoa Mạn đà la trên trời rải lên xác thối ấy. Sa-môn hỏi rằng: “Tại sao rải hoa lên xác thối này?”. Vị trời trả lời: “Ta nhờ tử thi này mới được sinh lên trời. Tử thi này chính là bạn tốt của ta, nên ta xuống đây rải hoa lên, để báo đáp ơn nghĩa xa xưa”. Sa-môn trả lời: “Tại sao không đem hoa rải lên trong tâm của ông, lại đem rải lên cho tử thi? Này! Cội gốc của hành động thiện ác đều do tâm tạo ra. Vậy mà lại bỏ gốc tìm ngọn!”.

Thứ sáu: PHẦN THÂN LƯỢNG

Như kinh Ngũ Đạo nói: “Tầm vóc lớn nhất của ngạ quỷ thì cao một do tuần, đầu như núi lớn, trong cổ họng nhỏ như kim, tóc tai bờm xờm, hình dung gầy guộc, chống gậy mà đi. Tầm vóc như thế, thì thật là nhiều. Nhỏ nhất thì bằng đứa trẻ mới biết đi”. Có người nói: “Kích cỡ chừng trong khoảng ba tấc, theo kinh đã nói đầy đủ, không cần phải ghi chép rõ ràng”.

Thứ bảy: PHẦN THỌ MỆNH

Như kinh Quán Phật Tam Muội nói: “Có ngạ quỷ sống thọ nhất được tám vạn bốn ngàn tuổi, yểu thì không có hạn định”. Theo luận Thành Thật, thọ nhất được bảy vạn tuổi, yểu cũng không có hạn định”.

Nếu theo kinh Ưu-bà-tắc nói: “Thọ nhất được một vạn năm ngàn tuổi. Như một ngàn năm trăm năm của nhân gian bằng một ngày đêm của ngạ quỷ. Ngạ quỷ ấy thọ một vạn năm ngàn tuổi, nếu tính theo ngày tháng của nhân gian, sẽ phải là hai ngàn bảy trăm vạn tuổi”. Nếu theo kinh Chánh Pháp Niệm nói: “Có loài quỷ sống thọ năm trăm tuổi. Như mười năm của nhân gian bằng một ngày đêm của ngạ quỷ. Ngày đêm dài như thế. Quỷ ấy thọ năm trăm tuổi, nếu tính theo số ngày tháng của nhân gian, sẽ phải là một tám mươi vạn tuổi”.

Thứ tám: PHẦN HẢO XÚ

Như luận Bà-sa nói: “Thứ nhất là đẹp. Đẹp trong đường quỷ thì như loại có uy đức, thì hình dung đoan chính, không khác chư Thiên. Vả lại, tất cả các thần núi, thần biển của ngũ nhạc, tứ độc đều rất đoan chính, gọi là đẹp cả. Thứ hai là xấu, ấy là loại quỷ không có uy đức. Hình dung xấu xí, không thể nói hết. Thân xẹp như bụng chó đói, đầu rối như mớ bòng bong. Cổ họng nhỏ xíu bằng đầu kim, chân tay teo như cành củi mọc. Miệng thường chảy dãi, mũi tuôn lòng thòng. Trong tai mưng mủ, trong mắt ứa máu. Loại quỷ như thế, gọi là xấu nhất”.

Thứ chín: PHẦN KHỔ LẠC

Như luận Bà-sa nói: “Thứ nhất là khổ trong đường quỷ, tức là loài quỷ không có uy đức ở đấy. Thường xuyên đói khát, không nghe đến tiếng nước nôi, há gặp được thứ cam lộ ngọt ngào ấy? Giả thuyết gặp được sông sâu muốn uống, liền biến thành lửa đuốc cháy phừng. Vì phỏng được đưa vào cổ, lập tức gan ruột cháy sém rã rời. Như loại quỷ này, há chẳng khổ sao? Thứ hai là vui trong đường quỷ, tức là loại quỷ có uy đức ở đấy, luôn luôn giàu có đẹp đẽ. Áo quần tự nhiên có sẵn. Thân mặc áo trời, miệng ăn mỹ vị của trời. Hình dáng lớn cao phóng khoáng, dong xe thong thả lướt đi. Chơi đùa thỏa thích, không khác gì trời. Như loại quỷ này, há chăng vui sao?”.

Hỏi: “Nếu đã vui như thế thì hơn hẳn người. Tại sao kinh nói người và quỷ khác đường?”. Đáp: “Kinh nói đường quỷ thần không bằng đường người. Tóm tắt có hai lý do: một là hưởng báo phần hiển hiện không bằng người. Vì quỷ thần ở đấy ngày núp đêm đi, nên không bằng người. Hai là nhút nhát, nhiều lo sợ, nên không bằng người. Tuy có uy đức, nhưng vì phước báo yếu kém nên thường lo sợ người. Giả sử đêm ngày gặp người, thường phải ẩn núp né tránh”.

Hỏi: Đã yếu kém hơn người, tại sao lại có phước báo uy đức bằng chư Thiên?.

Đáp: Đúng thế, vì do tiền thân đã bố thí nhiều, nên hưởng được báo thân có uy đức. Do tiền thân đã ton hót, không thành thật, nên phải sinh vào đường quỷ này.

Thứ mười: PHẦN QUÝ TIỆN

Như luận Bà-sa nói: “Quỷ có uy đức thì gọi là sang, quỷ không có uy đức thì gọi là hèn. Lại nữa, quỷ làm chúa thì gọi là sang, quỷ bị sai sử thì gọi là hèn. Giàu nghèo thì thế nào? Quỷ có uy đức thì có nhiều quần áo, có dư vật thực, được phục dịch tự tại, ấy gọi là giàu. Thân thường phải bôn ba, phải luôn luôn làm lụng, miếng cơm hẩm không nghe, manh áo rách khó gặp. Như loại quỷ này, đáng gọi là nghèo vậy”.

Thứ mười một: PHẦN XÁ TRẠCH

Như luận Bà-sa nói: “Quỷ có uy đức thì có đền đài trang hoàng bằng bảy loại châu báu. Tất cả các vị thần trong đất nước đều có đền đài làm chỗ cư trú. Quỷ không có uy đức như loại quỷ lang thang trôi nổi, như loại quỷ đói khát, đều không có nhà cửa. Tạm thời nương náu nơi mồ mả, đắp đổi dựa chân trong chốn chùa chiền, hay trong hang hốc, cỏ cây. Ấy là nơi cu trú của chúng”. Bởi thế luận Trang Nghiêm nói rằng: “Phật bảo, ngày xưa ta từng nghe có người con trai của nhà buôn lớn tên là Ức Nhĩ, vượt biển để tìm mua châu báu, xong xuôi thì trở về. Vì tách ở riêng với đồng bạn, bị thất lạc, nên đâm ra hết sức kinh hoàng. Bị đói khát hành hạ, thấy xa xa có một ngôi thành, cho là có nước, cố đến bên thành, muốn xin nước uống, nhưng thành ấy là thành của ngạ quỷ. Khi vào trong thành, ngay ngã tư đường, là nơi mọi người tu hội, thì chẳng thấy gì. Vì quá đói khát, cất tiếng lên xin: “Nước! Nước!”. Bọn ngạ quỷ nghe được tiếng “nước, nước” ấy, nhất tề xông đến: “Không biết có kẻ nào đem nước cho chúng ta đây?”. Bọn ngạ quỷ này, thân thể như cột nhà cháy, xõa tóc quấn quanh mình, cùng chắp tay nói thế này: “Xin cho bọn tôi nước uống!”. Ức Nhĩ thấy thế, nói rằng: “Tôi bị cơn khát hành hạ quá, nên mới đến đây xin nước”. Bấy giờ, bọn ngạ quỷ nghe Ức Nhĩ nói vì bị cơn khát hành hạ, nên mới đi tìm nước thì hy vọng của chúng liền tiêu tan. Tất cả đều thở dài, nói thế này: “Ông há không biết đây là thành của ngạ quỷ sao? Làm sao có thể kiếm được nước ở trong thành này!”. Bèn nói kệ rằng:

“Bọn tôi ở thành này,
Đã trăm nghìn vạn kiếp,
Còn chưa nghe tên nước,
Huống gì là chuyện uống?
Giống như cây Đa la,
Bị đốt cháy phực lên.
Bọn tôi cũng như thế,
Chân tay bị nhen lửa.
Đầu tóc như bòng bong,
Thân thể đều nứt bấy.
Đêm ngày nhớ uống ăn,
Kinh hoảng kiếm mười phương.
Đói khát hành hạ quá,
Há miệng chạy đi xin.
Có người xách gậy rượt,
Tìm, bắt đánh rất đau.
Hèo quất, không cho đến,
Bọn tôi đành cam chịu.
Làm sao có được nước,
Để đem cho người khác?
Kiếp trước của bọn tôi,
Rất tham lận, ghen ghét.
Chưa từng cho một ai,
Nước uống và thức ăn.
Của mình đã không cho,
Còn bắt người đừng cho.
Vì tạo nghiệp ác ấy,
Hôm nay chịu khổ này”.

/72
 

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây