Tìm kinh sách
 
        Kinh Sách FULL

Pháp Uyển Châu Lâm

Giới thiệu bộ "Pháp uyển châu lâm"

Pháp uyển châu lâm một trăm quyển do pháp sư Đạo Thế tự Huyền Uẩn soạn vào đời Đường, Trung Quốc, Thị lang Lí Nghiễm viết tựa. Sách đã được ban Dịch thuật Pháp Âm chuyển sang tiếng Việt và xuất bản vào năm 2011, gồm bảy tập. Trải qua bảy năm lưu thông, năm nay theo nhu cầu của người đọc, ban Dịch thuật đã cho tái bản có sửa chữa và gom lại thành 5 tập với khổ lớn hơn.

 

Chương 68: Quyển 21 - Thiên thứ 12: Nam Nữ Thế Gian - Bộ 1

Thiên thứ 12: NAM NỮ THẾ GIAN

(gồm có 2 bộ; Nam giới thế gian, Nữ giới thế gian.)

Bộ I: NAM GIỚI THẾ GIAN

Gồm có ba phần: Phần Thuật ý, Phần răn đời, Phần Khuyến cáo.

Thứ nhất: PHẦN THUẬT Ý

Luận về Nam giới thế gian chia thành hai bậc cao thấp khác nhau: 1- Sang, 2 là hèn. 1- Giàu. 2- Nghèo. Người giàu sang đa số hay phóng túng kiêu ngạo, khinh khi nhục mạ, lấn lướt kẻ nghèo nàn. Hoặc có người dựa vào quyền thế, tự cao lấn lướt người ta. Hoặc có người học nhiều hiểu rộng, cậy tài lấn lướt người ta, hoặc có người khua mồm múa mép, hùng biện lấn lướt người ta. Hoặc có người khoe giàu xa xỉ, khi dễ lấn lướt người ta. Hoặc có người mặt đẹp dáng hay, ỷ sắc lấn lướt người ta. Hoặc có người lừa nhanh ngựa khỏe, cậy xe sang lấn lướt người ta. Hoặc có người nhiều tiền của, lắm nô tỳ, cậy giàu lấn lướt người ta. Tình trạng như thế rất nhiều, không thể đem ra nói hết.

Chúng-sinh ngu muội, thật đáng xót thương. Không biết vô thường sẽ đến, cứ nổi lòng kiêu. Quả báo nước sôi than đỏ, luộc nướng đang chờ. Cai ngục cầm xiên, lăm le chực sẳn, không hề lo lắng, thảnh thơi vui chơi, khác gì dê không biết cái chết đang đến, khác gì ruồi nhặng ham hố thây ma đang sình? Suy xét xưa nay, giàu sang vốn chẳng cố định sống chết kéo đến liền tay, sang hèn đều thành cát bụi. Giàu có lắm, chỉ trơ lại nấm mồ hoang nghèo hèn mấy, cũng nằm yên trong lòng đất, đã biết sang hèn đều thành cát bụi, cần phải hạ mình cung kính bậc trên. Cho hay, thân sơ không chắc, sang hèn chẳng bền; khổ vui đắp đổi, chìm nổi thế nhau mà thôi!

Thứ hai: PHẦN RĂN ĐỜI

Như kinh Hoa Nghiêm nói: “Có mười loại nghiệp mạn, cần phải tránh xa:

1. Đối với các phước điền đáng tôn trọng như Hòa thượng, A-Xàlê; cha mẹ, Sa-môn, Bà-la-môn, lại không tôn trọng, cung kính cúng dường. Ấy là nghiệp mạn,

2. Đối với các pháp sư chứng pháp cao siêu, biết đường giải thoát sinh tử theo giáo lý đại thừa, hiểu nhiều thần chú Đà-la-ni, có đầy đủ trí tuệ, có tài thuyết pháp, lại không tin tưởng cúng dường. Ấy là nghiệp mạn.

3. Khi nghe thuyết pháp đến chổ cao xa, phải phát tâm lìa dục, vô cùng hớn hở, lại không ca tụng pháp sư, khiến đại chúng cùng hớn hở. Ấy là nghiệp mạn:

4. Nỗi lòng ngã mạn tự đại lấn lướt người khác, không xét sức mình, không dằn lòng mình. Ấy là nghiệp mạn

5. Nỗi Lòng so đo, thấy người có công đức, trí tuệ không chịu ca tụng ngợi khen. Thấy người thiếu công đức, lại ngợi khen ca tụng. Thấy ai ca tụng ngợi khen người có công đức trí tuệ, nổi lòng ganh ghét. Ấy là nghiệp mạn.

6. Nếu có pháp sư biết đấy chính là pháp, là luật, là chân chính, là lời của đức Phật dạy, lại đem lòng ganh ghét, bảo không phải là pháp, không phải là luật, là không chân chính, không phải là lời của đức Phật dạy, vì muốn hủy hoại đức tin của người khác. Ấy là nghiệp mạn.

7. Tự đặt ngôi cao, tự phong pháp sư, không chịu thi hành, không chịu cung kính cúng dường người khác. Cho rằng các bậc tu theo phạm hạnh, các bậc tôn túc có đức đều phải cung kính cúng dường mình. Ấy là nghiệp mạn.

8. Xa lánh, nhăn mày cau mặt đối với các bậc đạo đức trọng ấy, thường đối xử hòa nhã với mọi người, lời nói dịu dàng, không thô lổ, không giận hờn, mà tìm tòi lổi xấu của bậc đạo cao đức trọng . Ấy là nghiệp mạn.

9. Vì lòng ngã mạn, nên đối với bậc thiện tri thức, không chịu cung kính, không chịu nghe thuyết pháp. Gặp chổ khó, cứ bỏ mặc, không chịu hỏi han điều gì thiện, điều gì bất thiện, điều gì nên làm, điều gì không nên làm. Làm điều gì có ích cho tất cả chúng-sinh, làm điều gì không có ích cho chúng-sinh. Làm điều gì sẽ từ sáng suốt đến sáng suốt hơn, làm điều gì sẽ từ tối tăm đến tối tăm hơn. Hạng người này bị ngã chấp nhận chìm, không thể nhận thức được chánh pháp thiết yếu. Ấy là nghiệp mạn.

10. Do lòng ngã mạn nổi dậy, không thể gặp được chánh pháp khó tìm của chư Phật, sẽ tiêu tan mầm thiện đã ươm từ tiền kiếp. Nói điều không nên nói, lộ lòng oán than, cùng nhau chế nhạo. Nuôi dưỡng tâm địa như thế, sẽ rơi vào tà đạo. May nhờ uy lực của hạt giống Bồ-đề, nên không đến nỗi mất hết hạnh Bồ-tát. Tuy nhiên, trải qua vô lượng ức kiếp, sẽ không được gặp gỡ chư Phật, huống gì là được nghe chánh pháp! Ấy là nghiệp mạn.

Lại nữa, kinh xuất diệu có kệ nói rằng:

“Chúng-sinh bị mạn trói
Mắc phải chứng ngã mạn.
Bị ngã kiến mê hoặc,
Nên chịu sinh tử hoài”.

Thế nên, kẻ phàm phu tuy làm ác ít, nhưng đời sau sẽ chịu vô lượng quả báo, đau khổ vô cùng, giống như ung độc nhức nhối tim gan. Chúng-sinh tâm ý khác nhau, nhắm mắt mưu cầu danh lợi, không hề nghĩ đến cái chết. Cái sống không thể giữ bền cái chết đương nhiên phải ập đến. Mạng sống này mỏng manh như thế, chẳng sớm thì muộn, chỉ trong nháy mắt, biến đổi không ngờ. Uổng công xây đắp ruộng vườn, lưu luyến thân thích. Kinh Pháp-cú-dụ có nói: “Khi đức Phật ở tại nước Xá-vệ, trong thành có một người Bà-la-môn, tuổi gần tám mươi, giàu có vô số. Ông ta là người cứng đầu, không biết đạo lý, không kể sống chết, quanh năm chỉ lo xây cất mái trước nhà sau. Nào đài cao hóng mát, nào phòng kín sưởi ấm. Riêng hai phía đông tây, hành lang gồm mười dãy. Bấy giờ chỉ còn lại chái trước dùng để che nắng, đang xây dựng chưa xong. Một mình ông ta gánh vác lo toan mơi chuyện. Đức Phật dùng pháp nhãn nhìn thấy ông ta sẽ chết trong ngày hôm ấy, nhưng ông ta không hề hay biết, vẫn thản nhiên xây cất. Động lòng Từ bi, đức Phật dắt A-nan đến nhà, hỏi rằng: “Cụ già có mệt nhọc không? Ngôi nhà đang xây này, chổ nào yên ổn nhất?” Ông ta đáp: “Mái trước kiếp khách, nhà sau để ở. Hai chái đông tây dành cho con cháu, chất chứa của cải và bọn người làm. Riêng ta, mùa hạ lên đài cao hóng mát, mùa đông vào phòng kín sưởi ấm”. Đức Phật bảo: “Nghe tiếng ông cụ đã lâu, ta muốn đến bàn luận nhiều điều. Có bài kệ liên quan đến vận mạng sống chết, ta muốn đem tặng. Ông cụ hãy dừng tay một lát, cùng ta đàm luận, được không?” Ông ta đáp: “Hôm nay bận quá, không rảnh chút nào. Xin bữa khác hãy đến đàm luận. Còn bài kệ, có thể đọc liền bây giờ”. Đức Phật đọc kệ rằng:

“Có con, có của
Kẻ ngu lăng xăng.
Ta chẳng phải ta,
Nói gì con, của!
Nắng ở chổ này,
Lạnh ở chổ kia.
Kẻ ngu lo nhiều,
Chẳng biết tai họa.
Ngu che, ngu lấp
Tự cho là khôn,
Ngu mà nói khôn
Ngu ơi là ngu!

Ông già Bà-la-môn nói: “Ngài nói bài kệ thật hay, nhưng hôm nay bận quá, bữa khác sẽ bình luận”. Đức Phật thương xót ra về. Lát sau, ông ta một mình gác cái đòn tay, vô ý rơi xuống, đập vỡ đầu chết ngay. Cả nhà òa khóc lớn. Vang động xóm làng. Đức Phật đi chưa xa, biết tai họa đã ập đến. Đầu làng có mấy chục vị phạm chí hỏi đức Phật: “Ngài đi đâu về?” đức Phật đáp: “Vừa đến thuyết pháp trong nhà ông cụ mới chết. Ông không tin lời ta, không biết lý vô thường. Bấy giờ đã hóa kiếp khác”. Nói xong, đức Phật đọc cho các vị ấy nghe bài kệ trước đó. Nghe qua, tất cả đều vui mừng hiểu được chánh pháp. Đức Phật lại đọc cho các vị ấy nghe thêm bài kệ:

“Ngu gần người trí
Như bầu châm mật.
Tuy gần gũi lâu,
Nhưng không biết pháp.
Sáng gần người trí,
Như lưỡi nếm mùi,
Chỉ trong nháy mắt,
Hiểu thấu đạo vị.
Kẻ ngu hành động,
Vì thân chuốc họa.
Hớn hớ làm càn,
Dẫn đến tai vạ.
Đã làm điều ác,
Phải biết ăn năn,
Nước mắt tuôn tràn,
Xưa vay, nay trả.”

Bấy giờ, các vị Phạm chí được nghe thêm bài kệ này, càng sinh lòng kính tin, chắp tay đảnh lễ đức Phật, hoan hỷ tu trì”.

Thứ ba: PHẦN KHUYẾN CÁO

Lòng ngã mạn ấy, đạo đời giống nhau, trí ngu không thoát, sang hèn đều có. Đắn đo luận bàn thật kỹ, người đời ngã mạn nhiều hơn. Cũng có kẻ lấy lời suông ca tụng bản thân, phê phán hiền triết, chỉ trích Thánh nhân. Phần đông người đời đều làm như thế. Chẳng có ai dành trọn một ngày tỏ vẻ hổ thẹn mắc cỡ, thành thật tìm kiếm chánh đạo, cúi mình xét lại bản thân. Vì thế, sách thế gian có nói rằng: “Nỗ lực hâm mộ đường thiện, có thể yên bản thân, nỗ lực hâm mộ hiếu đễ, có thể vinh hiển gia tộc. Cũng có bậc quân tử tôn sùng Phật pháp, giữ giới tu hành, nhân từ khiêm nhượng, cung kính tin tưởng. Tất cả vốn do bản chất tự-nhiên, phù hợp với đạo. Cũng có kẻ xuất gia không theo chánh giáo, vi phạm giới luật, không chịu tu học, chẳng khác người đời. Tuy thế, đạo với đời, hình dung khác hẳn, phạm giới luật chia ra phạm ít, phạm nhiều. Tâm lại có sáng, tối; lổi có nặng, nhẹ. Vì vậy, kẻ xuất gia khi chưa phạm giới, niệm niệm đều hợp đạo, nhờ đã huân tập nghiệp lành, vun đầy cội phước nên lỡ làm điều ác nhỏ, không thể lung lay, chỉ cần biết xấu khổ đôi chút, sẽ trong trắng lại. Nói về người đời, thân ở vào chổ không biết xấu hổ, lòng quen thói không biết thẹn thùng. Nuôi dưỡng vợ con, tiền tài sắc thanh đầy nhà cửa. Ngọt bùi rượu thịt, mặc sức no say. Ham thích si mê, không biết chán ngán. Mầm ác chứa sẳn, không thể thoát khỏi. Đây chính là chổ sáng tối khác đường, đen trắng phân cách. Đã biết rằng sáng có thể diệt trừ được tối, tối không thể diệt trừ nổi sáng, nên ánh sáng của ngọn đèn dù nhỏ, cũng có thể soi sáng khắp phòng. Kẻ xuất gia lỡ phạm giới nhỏ, nhờ đức sáng đã hình thành từ trước, tuy chẳng sáng hơn, nhưng nguồn sáng vẫn luôn luôn chiếu diệu. Giống như bầu đèn còn thì tim vẫn cháy, ruộng vườn còn thì cơ nghiệp vẫn bền. Hơn nữa, kẻ xuất gia gây ác rất khó, giống chèo ghe trên mặt đất bằng; người thế gian làm ác thật dễ, tựa giong thuyền giữa biển bao la. Ghe thuyền tuy giống, nhưng môi trường khác nhau nên sinh ra chậm, nhanh không đồng và giữ phạm khó dễ. Do đó, luân hồi hay mắc, chánh pháp khó thành. Phải biết tinh thành cầu mong tự độ và tinh tiến mến mộ giải thoát mới được .

Lại nữa, kinh Hiền ngu nói rằng: “Công đức xuất gia giải thoát, hưởng phước rất nhiều. Như phóng thích nô tỳ nam nữ, như nghe theo ý dân, như tự mình xuất gia cầu đạo, công đức dẽ lớn vô lượng, không thể tính toán nghĩ bàn, công đức xuất gia cao hơn núi Tu di, sâu hơn biển cả, rộng hơn hư-không, vì nhờ xuất gia, chắc chắn sẽ thành tựu Phật quả. Khi đức Phật còn tại thế, trong thành Vương-xá có vị Trưởng giả tên phúc Tăng tuổi ngoài một trăm, bị mọi người lớn nhỏ trong nhà chán ghét. Phúc Tăng nghe nói xuất gia được vô số công đức, liền đến chổ đức Phật xin xuất gia. Gặp lúc đức Phật đi vắng, liền đến cầu xin Xálợi-phất. Thấy ông quá già, Xá-lợi-phất không chịu thế độ. Lần lượt cả năm trăm vị A-la-hán cũng không ai chịu nhận. Phúc Tăng bước ra cổng chùa, òa lên khóc lớn. Đức Phật về đến, đem lời an ủi, rồi bảo Mụckiền-liên cho xuất gia. Mục-liên vâng lời truyền giới. Sau đó, Phúc Tăng thường bị các Tỳ-kheo trẻ tuổi, châm chọc đến phẫn uất, phải nhảy xuống sông, chìm lỉm sắp chết. Mục-liên trông thấy, dùng phép thần thông vớt lên bờ, hỏi rõ đầu đuôi. Mục-liên suy nghĩ, nếu không đem chuyện sinh tử luân hồi khuyến cáo, người này sẽ không thành đạo, liền bảo ông ta định tâm nắm chéo áo của mình, rồi đằng vân đến bờ biển lớn. Thấy xác của một phụ nữ có con giòi từ miệng bò ra, chui vào mũi, ra mắt, lại chui vào tai. Mục-liên toan bỏ đi. Lấy làm lạ, Phúc Tăng hỏi thầy: “Xác người nữ nào đây?” Mục-liên đáp: “Đây là vợ của một đại-tát-bạc trong thành Xá-vệ có dung nhan tuyệt thế. Người đàn bà này liền dùng kiếng gắn trên giá ba chân ra soi, thấy nhan sắc kiều diễm, sinh ra ngã mạn, nên rất yêu thích chính mình. Chồng vốn quý vợ, chở theo trên biển. Gặp bảo, thuyền vỡ, bị chết chìm, xac nổi lên bờ. Người này vì quá yêu mình, đầu thai làm kiếp giòi chui rúc lưu luyến xác cũ. Khi hết kiếp sâu bọ, sẽ bị đọa vào địa ngục lớn, chịu khổ vô cùng, Phúc Tăng đi lên, gặp một người nữ vác cái vạc đồng kê xuống đất, đổ đầy nước vào, nhen lửa nấu sôi phừng phừng. Xong xuôi, cởi áo nhảy vào. Thịt chín nhừ ra khỏi xương, nước sôi hất xương văng ra ngoài. Cơn gió thổi qua, lại thành người, ngồi bốc thịt của mình ăn ngấu nghiến. Phúc Tăng hỏi: “Đây là người nữ nào?” Thầy đáp: “Trong nước Xá-vệ có nữ cư sĩ kính tin Tam bảo, mời một Tỳ-kheo đến cúng dường suốt mùa hạ, xây dựng căn phòng đầu ngõ để Tỳ-kheo an cư. Lại thân hành nấu các món ăn ngon, cho nữ tỳ mang đến. Qua chổ kín, nữ tỳ lựa ra ăn trước, rồi mới cúng dường. Trong nhà phát hiện được, hỏi: “Có ăn lén không?” Nữ tỳ đáp: “Không! Khi Tỳ-kheo ăn xong, cho phần dư, mới dám ăn. Con xin thề, nếu có ăn lén, đời đời sẽ xui khiến tự ăn lấy thịt của mình!” Do nghiệp nhân này, trước tiên phải chịu báo ứng như thế, sau mới đọa vào địa ngục”. Sa-di Phúc Tăng lại đi, thấy một cây bằng thịt, vô số con sâu bám đầy, đục ăn nát thân, không chừa chổ nào. Cây khóc lóc kêu la như tiếng dưới địa ngục. Sa-di hỏi thầy: “Cây này là gì?” Mục-liên đáp: “Đây là Tỳ-kheo tri sự Lại-Lợi-Tra, vì hoang phí, đã đem hoa quả thức ăn của chư Tăng phân phát cho người đời. Do nghiệp nhân này, phải chịu báo ứng như thế, sau mới đọa vào địa ngục. Lũ sâu ăn thịt cây là bọn người đã thọ nhận phẩm vật lúc bấy giờ”. Sadi tiếp tục đi thêm, gặp một người nam bị nhiều ác quỷ đầu thú mình người vây quanh, tay cầm cung nõ, tay cầm ba mũi tên độc, tranh nhau bắn vào người ấy, đầu tên bốc lửa cháy đỏ, khiến toàn thân cháy xém. Sa-di hỏi thầy: “Đây là người nào?” Mục-liên đáp: “Người này kiếp trước làm thợ săn, sát hại nhiều muông thú, nên phải chịu báo ứng như thế. Sau khi chết xong, phải đọa vào địa ngục”. Sa-di tiếp tục đi nữa, gặp ngọn núi lớn, dưới sắp dao kiếm la liệt, trên có một người buông mình lao xuống, thân thể nát nhừ. Xong lại trèo lên núi lao xuống, cứ thế không ngừng. Sa-di hỏi thầy: “Người này là ai?” Thầy đáp: “Đây nguyên là đại tướng của vua Vương-xá. Vì có sức mạnh, được làm tiên phong, giết chết nhiều người. Trước tiên phải chịu đau đớn như thế, sau đó mới đọa vào địa ngục”. Lại tiếp tục đi tới, gặp một núi xương cao lớn khoảng bảy trăm do-tuần, che lấp mặt Trời, làm cho biển cả tối đen. Bấy giờ, Mục-liên nhảy lên núi xương ấy, đi kinh hành lui tới. Sa-di hỏi thầy: “Đây là núi xương gì?” Mục-liên trả lời rằng: “Nếu con muốn biết, thì đây chính là xương của con trong kiếp trước”. Phúc Tăng vừa nghe xong, run sợ đến dựng tóc gáy, mồ hôi ướt đẩm, bạch rằng: “Nay con nghe lời thầy dạy, dù sao lòng vẫn chưa tan nát hết. Xin thầy mở lượng Từ bi kể hết đầu đuôi”. Mục-liên bắt đầu giảng giải: “Sống chết đắp đổi xoay vần, không có bến bờ. Gây nghiệp lành dữ, chắc chắn sẽ chịu báo ứng. Ngày xưa, cõi Diêm-phù-đề có vị Quốc vương tên Pháp Tăng, thích làm bố thí, giữ giới nghe kinh, thương xót chúng-sinh, không hại muôn vật. Theo đúng chánh pháp trị vì suốt hai mươi năm. Một hôm rảnh rổi ngồi chơi cờ. Bấy giờ có kẻ phạm tội giết người, đình thần đem tâu lên, nhà vua đang mê nước cờ, buột miệng phán: “Cứ theo phép nước xử trị”. Đình thần chiếu luật, giết người phải thường mạng, lập tức thi hành. Hết ván cờ, nhà vua hỏi lại: “Tội nhân lúc nãy đâu rồi?” Đình thần tâu: “Đã giết chết”. Vừa nghe xong nhà vua ngã xuống hôn mê, đình thần phải lấy nước lạnh đắp một lát mới tỉnh lại. Nhà vua rơi lệ bảo đình thần: “Mai đây, cung nga thể nữ, xe ngựa bạc vàng đều còn đủ, chỉ một mình ta sẽ rơi xuống địa ngục mà thôi! Ta vừa phạm tội giết người, dù là đương kim Quốc vương chiên-đà-la, cũng chưa biết sẽ rơi vào đường ác nào trong muôn kiếp! Ta không thể làm vua nữa, phải thoái vị xuất gia”. Sau khi mênh chung, nhà vua sinh làm kiếp cá ma-kiệt-đà giữa biển cả, thân xác to lớn đến bảy trăm do-tuần. Quần thần cậy thế lực, bóc lột dân chúng, giết hại rất nhiều khi chết, bị đọa làm kiếp ký sinh trùng rúc ráy cá ấy. Cá nổi cơn ngứa, nổi lên gãi vào núi làm chết vô số ký sinh trùng, máu loang đỏ nước biển hàng trăm dặm. Cá ngủ một giấc suốt cả trăm năm, khi khát uống nước biển. Nước ùa vào ồ ạt như dòng sông lớn. Bấy giờ, có đoàn thương khách năm trăm người ra biển mua châu báu, gặp cá miệng thuyền trôi nhanh vào. Đoàn thương khách kinh hoàng, kêu khóc vang rân. Sắp lọt vào miệng, bỗng cả đoàn niệm to Nam-mô Phật. Cá nghe danh hiệu Phật, gấp gáp ngậm miệng, không hút nước nữa. Nhờ thế cả đoàn đều sống sót. Cá bị đói chết đi, đầu thai vào thành vương-xá làm nhà ngươi đấy! Sau khi cá chết, bọn Dạ-xoa, La-sát rủ nhau khiên bỏ lên bờ, thịt tiêu tan hết, chỉ còn lại núi xương này. Quốc vương Pháp Tăng chính là tiền thân của nhà ngươi, vì tội cố sát bị đọa xuống làm cá. Sa-di Phúc Tăng nghe xong, vô cùng sợ sệt lý sinh tử luân hồi, quán tưởng suốt cả tiền kiếp, đốn ngộ các pháp vốn vô thường, liền chứng được quả A-la-hán”.

/72
 

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây