Tìm kinh sách
 
        Kinh Sách FULL

Pháp Uyển Châu Lâm

Giới thiệu bộ "Pháp uyển châu lâm"

Pháp uyển châu lâm một trăm quyển do pháp sư Đạo Thế tự Huyền Uẩn soạn vào đời Đường, Trung Quốc, Thị lang Lí Nghiễm viết tựa. Sách đã được ban Dịch thuật Pháp Âm chuyển sang tiếng Việt và xuất bản vào năm 2011, gồm bảy tập. Trải qua bảy năm lưu thông, năm nay theo nhu cầu của người đọc, ban Dịch thuật đã cho tái bản có sửa chữa và gom lại thành 5 tập với khổ lớn hơn.

 

Chương 24: Quyển 9 - Thiên thứ 5: Nghìn Phật - Bộ Thứ Bảy: Chiêm Tướng

BỘ THỨ BẢY

CHIÊM TƯỚNG

 

Gồm có tám phần: Thuật Ý, Sắc Chiêm, Trình Cung, Hiện Tướng, Nghiệp Nhân, Đồng Dị, Giáo Lượng, Bách Phúc.

Thứ nhất: Phần Thuật Ý.

Xét rằng: Bậc chí Thánh không kể địa phương, tùy nhân duyên ẩn hiện. Vận thần thông chiếu giám, đáp ứng tiếng kêu cầu. Tuy tịch lặng điềm nhiên, nhưng cảm thông vi diệu.

Do đó, giáng thần từ Đâu Suất Vương Cung, thị hiện xuống Ca Tỳ La Vệ. Nối nghiệp chuyển luân gia thế, kế thừa Thánh Đạo uy danh. Nước giữa ba nghìn, khác xa Lạc ấp, hoàng triều tám vạn, vượt quá non Kê. Hoàng gia nổi tiếng đương thời, sử sách rành chép rõ.

Dẫu Lữ Vọng làm tướng giúp Văn Vương, đời bảo biết người, hoặc A Tư Đà trên núi Hương xem tướng Đức Bổn Sư, cũng không thể ví ngang ngửa. Nếu đem so sánh phẩm chất hơn thua, sẽ thấy hai đường cao thấp khác hẳn.

Thứ hai: Phần Sắc Chiêm.

Như Kinh Thụy Ứng nói: Bấy giờ, Vua Bạch Tịnh ra lịnh tìm năm trăm tướng sư thông thái đến xem tướng cho Thái Tử.

Các tướng sư tâu rằng: Thái Tử của Nhà Vua đây là thần nhãn của thế gian, giống như vàng ròng, có đủ có tướng tốt hết sức trong sáng. Nếu Xuất Gia, sẽ thành một bậc Nhất Thiết Chủng Trí. Nếu ở thế gian, sẽ là một vị Thánh Vương chuyển luân thống lãnh thiên hạ vào bậc nhất.

Họ lại tâu thêm: Trên núi Hương, có một vị Phạm Tiên tên A Tư Đà, chứng được đầu đủ năm phép thần thông, có khả năng giải đoán giúp Nhà Vua mọi điều nghi hoặc.

Nhà Vua suy nghĩ, núi Hương đường sá xa xôi hiểm trở, người không lên tới, làm sao có thể mời về đây?

Khi Nhà Vua vừa động niệm, Tiên Nhân A Tư Đà đã biết được, liền cưỡi Hư Không bay đến xem tướng giúp cho. Nhà Vua thấy xong, vui mừng không nói nên lời, cùng Phu Nhân bồng Thái Tử bước ra, sửa soạn hành lễ.

Tiên Nhân xin Nhà Vua dừng lại: Đây là bậc chí tôn trong Tam Giới, sao lại có thể bắt phải hành lễ ta?

Bấy giờ, Tiên Nhân đứng thẳng lên, chắp tay lạy dưới chân Thái Tử.

Nhà Vua và Phu Nhân liền bảo: Xin nhờ Ngài xem tướng thật kỹ cho Thái Tử. Tiên Nhân xem xong, bổng dưng khóc lóc thảm thương, không thể nào nguôi. Nhà Vua và Phu Nhân thấy thế, toàn thân run rẩy, vô cùng buồn rầu.

Tâm thần chao đảo như sóng lớn nhồi chiếc thuyền con, bèn hỏi rằng: Con ta có điềm gì không tốt, đến nỗi phải khóc lóc như thế?

Tiên Nhân đáp rằng: Tướng mạo của Thái Tử cực tốt, không có gì xấu cả. Riêng ta chỉ ân hận nay đã sống đến một trăm hai mươi tuổi, nay mai sẽ chết, được sinh vào Trời Vô Tưởng, không kịp thấy Đức Phật ra đời hành đạo, không được nghe lời Ngài Thuyết Pháp, nên phải đau buồn.

Nếu có người được đầy đủ ba mươi hai tướng tốt như thế, nhưng không trúng cách và lại không được tươi sáng, chắc chắn người ấy sẽ trở thành một Thánh Vương Chuyển Luân.

Nay ta xem Thái Tử con của Đại Vương, các tướng tốt đều trúng cách và lại hết sức tươi sáng. Do đó, nhất định Ngài sẽ thành Chánh Giác.

Tiên Nhân nói xong, liền xin từ biệt ra về.

Lại nữa, Kinh Phật Bản Hạnh nói: Thưa Đại Vương, hôm nay ta tự thở than tuổi tác già nua, sức lực suy yếu, sợ không thể thấy được ngày ấy, mất điều lợi lớn lao. Thế nên, ta đâm ra đau thương buồn tủi. Thái Tử hoàn toàn chẳng có điềm gì không tốt cả.

Xin nói bài kệ cho Đại Vương:

Tự hận sao ta ngang trái quá,

Không gặp được lúc Ngài đắc Đạo.

Sống phí một đời không nghe gì,

Há chẳng phải ta mất lợi lớn?

Nay ta tuổi già, trí chín chắn,

Cái chết sắp đến, chẳng còn xa.

Nghĩ đến cuối đời còn được gặp,

Vì thế, nửa mừng, nửa lo sợ.

Đại Vương họ Thích đang hưng thịnh,

Sinh được Thái Tử rất phúc đức.

Tất cả khổ sở trên thế gian,

Ngài đều làm cho được an lạc.

Thứ ba: Phần Trình Cung.

Theo Kinh Phật Bản Hạnh nói: Bấy giờ, Phu Nhân Ma Da bồng hài nhi đến nơi xong, lấy tay ôm đầu hài nhi xoay về phía Tiên Nhân, như muốn đảnh lễ dưới chân Tiên Nhân. Khi ấy, nhờ uy đức của mình, thân hình hài nhi tự xoay hai chân về phía Tiên Nhân. Thấy thế, Vua Tịnh Phạn cùng đỡ tiếp để xoay đầu hài nhi kính đảnh lễ Tiên Nhân.

Nhờ uy đức của mình, hai chân hài nhi lại tự xoay về phía Tiên Nhân. Khi Vua Tịnh Phạn lại xoay đầu hài nhi về phía Tiên Nhân, hai chân hài nhi vẫn tự xoay về phía Tiên Nhân như trước. Cứ thế đến ba lần. Từ xa, A Tư Đà đã trông thấy mọi chuyện.

Khi ấy, hài nhi phóng hào quang chiếu diệu cả Trời Đất. Hài nhi uy nghi, đoan trang, khả ái, sắc óng ánh như vàng ròng. Đầu như tán quý, mũi thẳng và tròn, tay dài buông xuống. Các ngón tay, chân đều bằng nhau, không chút so le, trang nghiêm đầy đủ.

A Tư Đà rời chỗ đứng lên, bạch với Nhà Vua: Xin Đại Vương đừng bắt đầu của hài nhi phải đảnh lễ ta.

Tại sao?

Vì đầu ấy không thể đảnh lễ dưới chân ta được.

Trái lại, ta phải đảnh lễ dưới chân của đầu ấy.

Rồi Tiên Nhân lại cất tiếng lên rằng:

Hy hữu, hy hữu!

Vĩ nhân đã ra đời!

Ta từng nghe nói ở trên Trời, chính là hài nhi này. Thật đúng không sai. Tiên Nhân A Tư Đà liền sửa lại y phục, bày vai bên phải, quỳ chân phải xuống đất, giang hai tay bồng lấy hài nhi đặt lên đỉnh đầu và đi về chỗ ngồi. Ngồi xuống xong, lại bồng hài nhi đặt lên hai gối.

Thứ bốn: Phần Hiện Tướng.

Như Kinh Phật Bản Hạnh nói:

Bấy giờ, Vua Tịnh Phạn lại hỏi Tiên Nhân: Đại Sư!

Ý ta muốn bắt con ta luôn luôn ở bên ta thì phải làm sao?

Vã lại, con ta còn nhỏ dại, ta không muốn phải xa ta.

A Tư Đà tâu lại rằng: Thưa Đại Vương, thật tình ta không thể nói ra phương cách ngăn cản ấy được.

Vua Tịnh Phạn liền nói: Đại Sư hãy nghe đây!

Dù sao ta cũng phải tìm đủ mọi cách khiến con ta, từ nay cho đến lúc trưởng thành, không thể xa rời ta một giây lát để Xuất Gia.

Tiên Nhân A Tư Đà liền hỏi Nhà Vua: Thưa Đại Vương, hôm nay vì lẽ gì, Ngài lại nói ra lời này?

Lúc ấy, Vua Tịnh Phạn bèn trả lời: Xin tôn sư biết cho, tất cả các tướng sư trong nước đều bảo với ta rằng, nếu hài nhi này ở lại thế gian thì sẽ làm một Thánh Vương chuyển luân. Do đó, ta mới nói như thế.

A Tư Đà liền tâu rằng: Xin Đại Vương biết cho, tất cả các tướng sư ấy đều nói dối cả.

Tại sao?

Vì tất cả các tướng tốt ấy không phải là tướng của Thánh Vương chuyển luân. Hài nhi này có đến hằng trăm tướng tốt và tám mươi tướng đẹp phụ bên mình, độc đáo lạ lùng, rõ ràng tươi sáng. Tất cả đều hiện ra đầy đủ.

Nhà Vua hỏi Tiên Nhân: Đại Sư!

Đâu là tám mươi tướng đẹp phụ bên mình hài nhi?

Bấy giờ A Tư Đà mới trình bày rõ ràng với Nhà Vua:

Tám mươi loại tướng ấy là:

1. Không thể thấy được đỉnh đầu.

2. Xương đầu rắn chắc.

3. Trán rộng, thẳng và vuông.

4. Mày cao và dài, giống như Trăng mới nhú.

5. Mắt to và dài.

6. Mũi cao, tròn, thẳng và không thấy lỗ.

7. Tai dày, lớn, dài và có trái tai rủ xuống.

8. Thân thể tráng kiện như lực sĩ.

9. Thân thể không bị hủy hoại.

10. Đốt xương bền cứng.

11. Toàn thân xoay chuyển như voi chúa.

12. Thân có hào quang.

13. Thân thẳng đều.

14. Thường trẻ, không già.

15. Thân thường tươi mát.

16. Thân tự bảo vệ, không cần người khác.

17. Thân thể tròn trịa.

18. Tri thức đầy đủ.

19. Tác phong đầy đủ.

20. Uy đức đồn xa.

21. Không nhìn trộm người khác.

22. Đứng vững vàng, không lắt lay.

23. Khuôn mặt vừa vặn, không lớn, không dài.

24. Mặt rộng và bằng.

25. Mặt tròn như vầng Trăng đầy.

26. Không có vẻ tiều tụy.

27. Đi đứng uy nghi như voi chúa.

28. Dáng dấp hiên ngang như Sư Tử Chúa.

29. Bước chân khoan thai như thiên nga Chúa.

30. Đầu tròn như quả Ma Đà Na.

31. Sắc thân sáng sủa, hòa nhã.

32. Lòng bàn chân đầy đặn.

33. Móng tay đỏ như lá đồng.

34. Dấu chân in xuống đất khi bước đi.

35. Chỉ trên ngón tay trang nghiêm.

36. Chỉ trên ngón tay rõ ràng, không lờ mờ.

37. Chỉ trên bàn tay thẳng và rõ.

38. Chỉ trên bàn tay dài.

39. Chỉ trên bàn tay không đứt đoạn.

40. Chân tay vừa ý.

41. Chân tay trắng hồng như búp sen.

42. Thất khiếu có đầy đủ.

43. Không đi chậm lại đằng sau.

44. Không đi nhanh quá đằng trước.

45. Đi đứng ngay ngắn, yên ổn.

46. Rốn dày, sâu, giống như rắn quấn về bên phải.

47. Sắc tay xanh hồng như cổ chim công.

48. Sắc lông bóng sáng.

49. Lông trên mình mọc xoay về phía phải.

50. Miệng tỏa mùi thơm tuyệt diệu, lông cũng như thế.

51. Sắc môi hồng tươi như quả Tần Bà.

52. Môi thắm vừa phải.

53. Lưỡi mỏng.

54. Luôn luôn lạc quan.

55. Vui vẻ, hòa thuận nói chuyện với mọi người.

56. Ở đâu cũng nói lời tốt đẹp.

57. Nếu gặp người, nói ra trước.

58. Tiếng nói vừa phải, vui vẻ với người khác.

59. Chọn lời thích hợp Thuyết Pháp cho người.

60. Thuyết Pháp không vấp váp, nhầm lời.

61. Đối xử với chúng sinh bình đẳng như nhau.

62. Quan sát trước, hành động sau.

63. Phát ra một lời đáp lại nhiều người.

64. Thuyết Pháp có đầu đuôi mạch lạc.

65. Không chúng sinh nào thấy được chỗ kín.

66. Người ngắm nhìn sắc tướng không biết chán.

67. Có đầy đủ mọi âm sắc.

68. Toát ra vẻ hiền từ.

69. Kẻ ngang ngạnh trông thấy đều thần phục.

70. Tiếng nói trong trẻo.

71. Thân hình không nghiêng ngửa.

72. Thân thể to lớn.

73. Thân thể cao ráo.

74. Thân không ô nhiễm.

75. Hào quang phát ra đầy mình, dài một trượng.

76. Hào quang chiếu sáng khi đi.

77. Thân thanh tịnh.

78. Hào quang tươi sáng như ánh ngọc trai xanh.

79. Chân tay no tròn.

80. Tay chân có chữ vạn.

Theo Kinh Phật Thuyết Bảo Nữ nói:

Liền đó, Bảo nữ hỏa Đức Thế Tôn: Nay Như Lai có đủ ba mươi hai tướng tốt của bậc Đại Nhân.

Không biết Ngài đã làm công đức nào trong tiền kiếp, khiến cho các tướng ấy hiển hiện khắp trên thân như thế?

Phật bảo: Trong tiền kiếp, ta đã tạo vô lượng công đức, gom góp lại mới có các tướng ấy hiện ra khắp trên thân.

Nay ta đem kể sơ qua:

Như Lai có tướng chân đứng vững vàng của bậc Đại Nhân là do tiền kiếp đã kiên trì khuyến khích, giúp đỡ không sờn lòng và không che giấu công đức của người khác.

Như Lai có tướng chân tay có bánh xe pháp của bậc Đại Nhân là do tiền kiếp đã thực hành nhiều loại bố thí.

Như Lai có tướng chỉ tay thường xuyên mịn, dài và đẹp của bậc Đại Nhân là do tiền kiếp đã đặc biệt Thuyết Pháp cứu hộ chúng sinh thoát khỏi đau khổ.

Như Lai có tướng chân tay sinh màng lưới bao bọc liền lạc của bậc Đại Nhân là do tiền kiếp đã không phá hoại gia đình của kẻ khác.

Như Lai có tướng chân tay mềm mại uyển chuyển của bậc Đại Nhân là do tiền kiếp đã từng ban ơn bố thí các loài y phục mỏng nhẹ.

Như Lai có tướng bảy hợp đầy đặn của bậc Đại Nhân là do tiền kiếp đã bố thí rộng rãi cho các kẻ khốn cùng.

Như Lai có tướng đầu gối rất thẳng, không có đốt khớp hất đá như loài nai của bậc Đại Nhân là do tiền kiếp đã thọ trì Kinh Điển không sai lầm.

Như Lai có tướng chỗ kín giấu vào trong của bậc Đại Nhân là do tiền kiếp đã giữ gìn cẩn thận bản thân, lìa xa sắc dục.

Như Lai có tướng hai má đầy đặn như Sư Tử Chúa của bậc Đại Nhân là do tiền kiếp đã tu hành đầy đủ các nghiệp thanh tịnh.

Như Lai có tướng chữ vạn hiện ra thường xuyên trước ngực của bậc Đại Nhân là do tiền kiếp đã trừ bỏ các hành động ô trọc, không tốt đẹp.

Như Lai có tướng thân thể tay chân hoàn toàn đầy đủ của bậc Đại Nhân là do tiền kiếp đã bố thí lòng dũng cảm và biết an ủi người khác.

Như Lai có tướng hai tay dài quá gối của bậc Đại Nhân là do tiền kiếp đã ra tay giúp đỡ người khác khi có chuyện không may xảy ra.

Như Lai có tướng thân thể toàn hảo không tì vết của bậc Đại Nhân là do tiền kiếp phụng hành Thập Thiện không ngừng.

Như Lai có tướng trí não sâu xa đầy đủ của bậc Đại Nhân là do tiền kiếp đã bố thí nhiều loại thuốc men và săn sóc trị liệu cho người có bệnh.

Như Lai có tướng hiên ngang như Sư Tử Chúa xuất hiện của bậc Đại Nhân là do tiền kiếp đã vun trồng đầy đủ các cội rễ Đạo Đức.

Như Lai có tướng đầy đủ bốn mươi cái răng trắng muốt của bậc Đại Nhân là do tiền kiếp đã đối xử với chúng sinh hết sức nhân từ, tận tụy.

Như Lai có tướng các răng không thưa thớt của bậc Đại Nhân là do tiền kiếp đã can gián, hòa giải mọi tranh cãi của người khác.

Như Lai có tướng nhiều răng cấm của bậc Đại Nhân là do tiền kiếp đã đem những vật đẹp đẽ yêu thích của mình bố thí cho người khác.

Như Lai có tướng tóc và lông mày trong sáng đẹp đẽ của bậc Đại Nhân là do tiền kiếp đã biết giữ gìn cẩn thận thân khẩu ý của mình.

Như Lai có tướng lưỡi rộng dài của bậc Đại Nhân là do tiền kiếp đã nói năng rất thành thật để phòng ngừa tội lỗi của khẩn nghiệp.

Như Lai có tướng tinh tiến của bậc Đại Nhân là do tiền kiếp đã đem vô lượng phước đức cúng dường cứu cánh Niết Bàn, đem từ tâm nhân ái đáp ứng nguyện vọng cầu xin được che chở của chúng sinh.

Như Lai có tướng Phạm thanh trìu mến của bậc Đại Nhân là do tiền kiếp đã nói năng ôn hòa, cẩn thận ngôn từ đối với chúng sinh, khiến cho vô lượng chúng sinh nghe lời đều được vui vẻ.

Như Lai có tướng Đồng Tử màu xanh tía của bậc Đại Nhân là do tiền kiếp đã xem xét chúng sinh bằng đôi mặt hiền hòa.

Như Lai có tướng mắt như Trăng mới nhú của bậc Đại Nhân là do tiền kiếp đã không có tính thô bạo, lòng thường nhu mì.

Như Lai có tướng lông bạc trong mày của bậc Đại Nhân là do tiền kiếp đã ân cần ca tụng các đức hạnh của lối sống tịch lặng.

Như Lai có tướng bướu thịt trên đầu của bậc Đại Nhân là do tiền kiếp đã cung kính Thánh Hiền, tôn trọng Trưởng Lão.

Như Lai có tướng cơ thể mềm mại của bậc Đại Nhân là do tiền kiếp đã đem lòng gom góp cất giữ các Kinh Điển.

Như Lai có tướng thân hình óng ánh sắc vàng tía của bậc Đại Nhân là do tiền kiếp đã bố thí rất nhiều giường nệm.

Như Lai có tướng thân thể đều mọc lông của bậc Đại Nhân là do tiền kiếp đã biết xa lìa chỗ tụ hội náo nhiệt.

Như Lai có tướng đầu lông xoay về bên phải của bậc Đại Nhân là do tiền kiếp đã tôn kính sư trưởng, nhận lời chỉ giáo của bạn tốt và cúi đầu xin nghe theo.

Như Lai có tướng tóc trên đầu toàn màu xanh hoe của bậc Đại Nhân là do tiền kiếp đã thương xót chúng sinh, không dùng dao gậy sát hại.

Như Lai có tướng thân hình ngay ngắn cân đối, không cong queo của bậc Đại Nhân là do tiền kiếp đã đem thân mình khuyên răn giáo hóa chúng sinh có chánh định.

Như Lai có tướng xương sống như các móc sắt lớn rất uy lực, vòi vọi uy đức của bậc Đại Nhân là do tiền kiếp đã xây đắp hình tượng, tu bổ Chùa hư. Khuyên nhủ kẻ ly tán đoàn tụ lại, trấn an kẻ khiếp sợ có lòng dũng mãnh và hoà giải kẻ tranh kiện.

Bảo nữ! Nhà ngươi nên biết, vào thời quá khứ, ta đã phụng hành vô lượng vô số điều đạo đức căn bản như thế, nên mới có thể thành tựu được ba mươi hai tướng tốt của bậc Đại Nhân.

Về tướng tốt thứ hai mươi hai, Luận Tân Bà Sa nhận định rằng: Tướng Phạm thanh của Như Lai, nghĩa là trong cổ của Đức Phật có nhiều loại tốt đẹp lớn lao có khả năng phát thành các Phạm Âm hòa nhã, vui vẻ như tiếng chim Yết La Tần Ca. Lại có khả năng phát ra tiếng sấm động thâm trầm xa thẳms như tiếng trống của Đế Thích.

Các âm thanh ấy có đủ tám công đức:

1. Thâm trầm xa thẳm.

2. Êm ái.

3. Rõ ràng.

4. Vui tai.

5. Thấm nhập vào lòng.

6. Sinh vui.

7. Dễ hiểu.

8. Không chán.

Luận Đại trí độ nói: Tướng tốt Phạm thanh của Như Lai cũng giống như năm loại âm thanh của Thiên Vương Đại Phạm từ miệng phát ra:

1. Rất thâm trầm như tiếng sấm.

2. Trong trẻo vang dội đi xa, người nghe đều vui vẻ.

3. Thấm nhập vào lòng sinh ra yêu kính.

4. Dễ nghe dễ hiểu.

5. rất thích nghe, không chán.

Các vị Bồ Tát cũng có năm loại âm thanh như thế từ miệng phát ra, giống như tiếng chim Ca lăng tần già đáng yêu, giống như tiếng trống của Chư Thiên thâm trầm, xa thẳm.

Lại nữa, Luận Tân Bà Sa có câu hỏi rằng: Tướng nghĩa là gì?

Đáp: Tiêu biểu là tướng. Rất tốt đẹp là tướng. Điềm lành là tướng.

Hỏi: Tại sao tướng của Đại Nhân chỉ có ba mươi hai loại?

Liệu không thêm không bớt chăng?

Hiếp Tôn Giả trả lời rằng: Nếu thêm lên hay bớt xuống thì chỉ sinh ra nghi ngờ và trái với quy cách của tướng. Khi nói có ba mươi hai tướng thì thế gian đều chấp nhận.

Vì đấy là ý nghĩa tốt lành, không thể tăng giảm. Nếu có đủ ba mươi hai tướng trang sức trên thân của Đức Phật thì đấy là điều tốt đẹp nhất, không có gì sánh bằng ở giữa thế gian. Nếu giảm xuống thì sẽ thiếu sót. Nếu tăng lên thì sẽ tạp nhạp, đều không tốt đẹp. Như thế, chỉ có ba mươi hai tướng của Đại Nhân mà thôi.

Lại nữa, Luận Trí Độ có câu hỏi rằng: Về ba mươi hai tướng, trong ba nghiệp, do nghiệp nào tạo nên. Không phải do thân và khẩu nghiệp. Vì ý nghiệp lanh lợi. Lại nữa, trong sáu thức, do ý thức tạo nên, không phải là do năm thức kia. Vì năm thức kia không có khả năng phân biệt.

Hỏi: Ba mươi hai tướng ấy được tạo thành trong bao lâu?

Đáp: Chậm nhất là trong một trăm kiếp, nhanh nhứt là trong chín mươi mốt kiếp. Bồ Tát Thích Ca Mâu Ni tạo thành ba mươi hai tướng tốt trong chín mươi mốt kiếp tu hành.

Như trong Kinh nói: Vào thời quá khứ xa xưa, có một Đức Phật tên là Phất Sa.

Bấy giờ, có hai vị Bồ Tát: Một vị tên là Thích Ca Mâu Ni, một vị tên là Di Lặc. Đức Phật Phất Sa muốn biết tâm của Bồ Tát Thích Ca Mâu Ni đã thuần thục chưa, liền quan sát và biết rằng tâm của Bồ Tát này chưa thuần thục, trong tâm các đệ tử của Bồ Tát này đều thuần thục cả. Bồ Tát Di Lặc thì tâm đã thuần thục, nhưng tâm của các đệ tử vẫn chưa được thuần thục.

Khi ấy, Đức Phật suy nghĩ thế này: Tâm của một người có thể cảm hóa dễ dàng nhanh chóng. Tâm của nhiều người rất khó sửa trị cấp tốc được. Suy nghĩ xonh rồi, Đức Phật muốn làm cho Bồ Tát Thích Ca mau chóng thành Phật, liền lên núi Tuyết, vào trong động báu, nhập Hỏa Thiền Định. Bấy giờ, Bồ Tát Thích Ca đang làm Tiên Nhân ngoại đạo, lên núi hái thuốc.

Thấy Đức Phật nhập định, phóng hào quang to lớn, sinh lòng hoan hỷ kính tin, bèn nhón một chân đứng lên, chắp tay hướng về Đức Phật ấy, dốc lòng quán tưởng suốt bảy ngày đêm, mắt không hề chớp.

Bồ Tát làm một bài kệ ca tụng Đức Phật ấy rằng: Trên Trời dưới thế không ai bằng Đức Phật. Các Thế Giới mười phương cũng không sánh kịp. Ta đã thấy hết chúng sinh trong thế giới, suốt bảy ngày đêm trôi qua, xem kỹ, mắt Bồ Tát vẫn không hề nhấp nháy. Ngài đã vượt qua chín kiếp và trong chín mươi mốt kiếp nữa, cuối cùng chứng được A Nậu Bồ Đề.

Bồ tat Thích Ca đã quý tâm hơn lời, nếu Ngài đã dùng nhiều bài kệ để ca tụng Đức Phật Phất Sa thì tâm của Ngài có lẽ đã bị tán loạn. Thế nên, suốt bảy ngày đêm, Ngài chỉ dùng một bài kệ duy nhất để ca tụng Đức Phật ấy.

Hỏi: Vì sao tâm của Bồ Tát Thích Ca không thuần thục mà tâm của đệ tử lại thuần thục?

Tâm của Bồ Tát Di Lặc thuần thục mà tâm của đệ tử lại không thuần thục?

Đáp: Vì tâm lợi tha của Bồ Tát Thích Ca nhiều mà tâm tự lợi ít. Tâm tự lợi của Bồ Tát Di Lặc nhiều mà tâm lợi tha ít.

Thứ năm: Phần Nghiệp Nhân.

Như Kinh Đắc vô cấu nữ nói: Phật bảo, nếu Bồ Tát hoàn thành bốn pháp, sẽ được ba mươi hai tướng tốt.

Là bốn pháp nào?

1. Đem vàng rải lên Phật hoặc rải lên Chùa.

2. Thường đem dầu thơm xức lên Tháp Phật.

3. Bố thí đủ loại ca nhạc.

4. Cùng gia quyến cúng dường các Hòa Thượng và A Xà Lê.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn bèn nói kệ rằng:

Đem vàng rải lên Chùa,

Dầu thơm xức Tháp Phật,

Bố thí hương hoa, nhạc,

Thành kính cúng dường tăng.

Làm bốn pháp như thế,

Sẽ được ba hai tướng,

Đoan trang rất kỳ diệu,

Đầy đủ các công đức.

Nếu Bồ Tát hoàn thành bốn pháp, sẽ được tám mươi tướng đẹp phụ.

Là bốn pháp nào?

1. Đem đủ loại pháp phục đẹp đẽ trang sức pháp tọa.

2. Cúng dường tha nhân không mõi mệt.

3. Không gây náo động ở pháp đàn.

4. Dạy dỗ chúng sinh tu hành Bồ Đề.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn bèn nói kệ rằng:

Pháp phục tô điểm pháp tọa,

Cúng dường người không mõi mệt,

Dạy người tu đạo Bồ Đề,

Sẽ được tám mươi tướng phụ.

Vì các Bồ Tát biết tu

Bốn loại công đức như thế,

Nên vào tất cả mọi lúc,

Được tám mươi tướng trang nghiêm.

Thứ sáu: Phần Đồng Dị.

Như Luận Tân Bà Sa có câu hỏi: Tám mươi tướng đẹp phụ nằm ở chỗ nào?

Đáp: Nằm giữa các tướng tốt, xoay chuyển theo các tướng tốt, trang sức thân Phật trở thành tốt đẹp vô cùng.

Hỏi: Tướng tốt và tướng đẹp phụ không cản trở nhau chăng?

Đáp: Không phải thế, tướng tốt và tướng đẹp phụ lại cùng phát huy cho nhau, như hoa trong rừng tô điểm cây cỏ thêm rực rỡ. Thân Phật cũng thế, hai loại tướng ấy cùng phát huy, tô điểm thêm vào, cũng như các loại châu báu trang sức chen lẫn giữa Núi vàng vậy.

Hỏi: Ba mươi hai tướng tốt của Bồ Tát và các tướng tốt của Chuyển Luân Vương có gì khác biệt chăng?

Đáp: Bồ Tát có bốn sự kiện hơn hẳn:

1. Rực rỡ hơn.

2. Rõ ràng hơn.

3. Đầy đủ hơn.

4. Đúng chỗ hơn.

Ngoài ra, còn có năm sự kiện hơn hẳn khác:

1. Đúng chỗ hơn.

2. Rất trang nghiêm.

3. Dấu vết sâu hơn.

4. Tùy thuận thắng trí.

5. Tùy thuận ly nhiễm.

Thứ bảy: Phần Giáo Lượng

Kinh Phật A Tỳ Đàm nói: Gom tất cả công đức của chúng sinh trong một nghìn hằng sa Thế Giới mới thành được một lỗ chân lông của Phật. Cứ thế, tạo thành công đức một lỗ chân lông của Phật. Gom tất cả công đức của các lỗ chân lông khắp trên mình Phật mới thành được một tướng đẹp phu.

Cứ thế, tạo thành công đức của tám mươi tướng đẹp phụ, tăng lên trăm lần, mới thành được một tướng tốt trên mình Phật. Cứ thế, tạo thành công đức của ba mươi hai tướng tốt, tăng lên nghìn lần, mới thành được một tướng tốt lông mày bạc trên trán của Phật.

Gom công đức của một ngàn tướng tốt lông mày bạc, tăng lên trăm lần, mới thành được một tướng tốt bướu thịt trên đầu của Phật mà tất cả người Trời đều không thể thấy được. Cứ thế, gom tất cả vô lượng công đức thanh tịnh mới thành được thân của Phật. Thế nên, Phật xứng đáng là bậc chí tôn trong tất cả Trời người vậy.

Thứ tám: Phần Bách Phúc.

Theo Kinh Ưu Bà Tắc Giới nói: Phật bảo, nếu Bồ Tát tu dưỡng mỗi một tướng tốt, sẽ được hằng trăm phước đức vây bọc giúp chung quanh. Nếu tu dưỡng năm mươi tướng tốt, sẽ được năm mươi tư tâm vây bọc đầy đủ giúp chung quanh. Như thế gọi là trăm loại phước đức.

Thiện Nam Tử!

Tất cả phước đức của thế gian không bằng công đức một lỗ chân lông của Như Lai. Tất cả công đức các lỗ chân lông của Như Lai không bằng công đức một tướng đẹp phụ. Gom góp công đức tám mươi tướng đẹp phụ không bằng một công đức một tướng tốt. Tất cả công đức các tướng tốt không bằng công đức của tướng lông mày bạc.

Công đức của tướng lông mày bạc lại không bằng công đức của đỉnh tướng bướu thịt không thể thấy được. Thế nên, Như Lai đã thành tựu đầy đủ vô lượng công đức.

Ba mươi hai tướng tốt này chính là quả báo đại bi.

Lại nữa, Luận Tân Bà Sa có câu hỏi rằng: Theo Khế Kinh nói, mỗi một tướng tốt của Đức Phật đều có hằng trăm phước đức điểm tô.

Vây trăm phúc là gì?

Đáp: Ở đây, trăm tư duy gọi là trăm phúc.

Trăm tư duy là gì?

Nghĩa là khi Bồ Tát tạo nghiệp tu dưỡng mạnh mẽ hoàn hảo một tướng tốt, trước tiên phải phát khởi năm mươi tư duy tu sửa bản thân cho trong sạch điều hòa.

Kế đến, phát khởi một tư duy dìu dắt tướng ấy. Sau đó lại phát khởi năm mươi tư duy làm cho thành tựu tướng ấy. Giống như người nông phu trước tiên sửa sang ruộng đất, kế đến gieo trồng. Sau đó, dùng phân bón nước nôi vun tưới.

Tướng cũng thế, nếu được tu dưỡng mạnh mẽ hoàn hảo, sẽ được trăm phúc điểm tô. Cho đến nghiệp quả của đỉnh tướng bướu thịt không thể thấy được, lại cũng như thế. Do đó mới nói rằng mỗi mộv tướng tốt của Đức Phật đều có trăm phúc điểm tô.

Hỏi: Năm mươi tư duy là gì?

Đáp: Trong Thập Nghiệp Đạo, mỗi nghiệp đạo đều có năm tư duy.

Như nghiệp đạo ly sát có năm tư duy:

1. Tư duy lìa sát.

2. Tư duy khuyến khích dẫn dắt.

3. Tư duy ca tụng.

4. Tư duy tán thán.

5. Tư duy hồi hướng.

Nghĩa là do đem công đức hướng về cứu cánh Bồ Đề. Cho đến chánh kiến lại cũng như thế. Đấy gọi là năm mươi tư duy.

Có người nói trong Thập Nghiệp Đạo, mỗi nghiệp đạo đều phát khởi năm bậc tư duy tốt đẹp: Thấp, vừa, cao, cao hơn và cao nhất. Giống các lối Thiền Định của ngoại đạo.

Có người nói trong Thập nghiệp đạo, mỗi nghiệp đạo phát khởi năm tư duy:

1. Thanh tịnh gia hành.

2. Thanh tịnh căn bản.

3. Thanh tịnh hậu khởi.

4. Không tìm làm hại.

5. Nghĩ đến nhiếp thụ.

Có người nói: Noi theo một tướng của Đức Phật, phát khởi năm mươi sát na chưa từng nhiễm tư duy rồi liên tục chuyển hóa.

Hỏi: Trong trăm phúc này, mỗi một phúc lượng là gì?

Có người nói: Nếu có thể thọ được nghiệp quả làm Chuyển Luân Vương thì ngự trị tự tại ở bốn Châu lớn để chuyển hóa. Đó là một phúc lượng.

Có người nói: Nếu có thể thọ được nghiệp quả làm Đế Thích thì tự tại giữa hai Thiên Chúng để chuyển hóa. Đó là một phúc lượng.

Có người nói: Nếu có thể thọ được nghiệp quả làm Thiên Vương ở Trời Tha Hóa Tự Tại thì tự tại giữa tất cả Thiên Chúng ở Dục Giới để chuyển hóa. Đó là một phúc lượng.

Có người nói: Nếu có thể thọ được nghiệp quả làm Thiên Vương Đại Phạm thì tự tại ở cõi Sơ Thiền và Thiên Chúng của Dục Giới để chuyển hóa. Đó là một phúc lượng.

Có người nói: Khi Thiên Vương Đại Phạm là Vua của Thế Giới Ta Bà đến cầu xin Đức Phật Thuyết Pháp là một phúc lượng.

Hỏi: Khi Thiên Vương ấy đến cầu xin Đức Phật đem công đức Thuyết Pháp thì Dục Giới còn mang tính trung hòa, không bị che lấp,

Không thiện không ác, sao gọi là phúc lượng được?

Có người nói: Khi sửa sọan đến cầu xin Đức Phật Thuyết Pháp, Thiên Vương ấy đang ở tại Phạm thế.

Trước hết, suy nghĩ thế này: Ta phải đến cầu xin Đức Phật Thuyết Pháp để tạo lợi ích lớn lao cho các chúng sinh. Bấy giờ, đã có thể gọi là phúc lượng của Thiên Vương ấy rồi. Điều này không hợp lý.

Tại sao?

Vì cho rằng khi chưa tạo nghiệp thì đã thành tựu phúc lượng ấy rồi, nên mới nói như thế. Thật ra, khi Thiên Vương ấy đến cầu xin Đức Phật Thuyết Pháp xong, liền trở về Phạm cung.

Sau đó, khi Đức Phật Thuyết Pháp, Địa Thần loan báo trước tiên. Cứ Thuyết Pháp, âm thanh dội đến Phạm Cung. Pham vương nghe xong, hoan hỷ mừng thầm, phát tâm thanh tịnh, kính xin tán thán. Bấy giờ, mới thực sự thành tựu được phước lượng ấy.

Có người nói: Khi Thế Giới sắp thành, tất cả chúng sinh thọ được nghiệp lự mạnh mẽ của Đại Thiên Thế Giới. Đó là một phúc lượng.

Có người nói: Trừ các Bồ Tát gần đạt Phật địa, tất cả các chúng sinh khác có khả năng thọ được nghiệp quả phú lạc, đó là một phúc lượng.

Có người nói: Trong mỗi một phúc lượng ở đây, phải dùng thí dụ mới lộ rõ ý nghĩa. Thí dụ như tất cả chúng sinh đều bị mù loà. Nếu có một chúng sinh dùng phương tiện lớn lao khiến cho họ đều được mở mắt thấy đường thì phước đức của chúng sinh ấy là mốt phúc lượng.

Lại nữa, giả thiết tất cả chúng sinh đều uống độc dược, mê man sắp chết. Nếu có một chúng sinh ra tay giải độc, khiến cho họ đều được tỉnh táo thì phước đức của chúng sinh ấy là một phúc lượng.

Lại nữa, giả thiết tất cả chúng sinh đều bị bắt trói, sắp sửa mất mạng. Nếu có một chúng sinh ra tay giải thoát, khiến cho họ đều được sống còn thì phước đức của chúng sinh ấy sẽ là một phúc lượng.

Lại nữa, giả thiết tất cả chúng sinh đều phá giới phá kiến. Nếu có một chúng sinh ra tay đồng thời làm cho giới, kiến đều phục hồi đầy đủ thì phước đức của chúng sinh ấy cũng là một phúc lượng.

Bình luận rằng: Những điều nói trên đều rất trong sáng và thích ứng, ca tụng phúc lượng của Bồ Tát, nhưng đều không đúng với sự thật. Ý nghĩa đúng nhất là khi Bồ Tát tạo nên mỗi một phước lượng thì sẽ vô lượng vô biên.

Vì Bồ Tát đã tích tụ đầy đủ xong các pháp Ba La Mật suốt ba Đại kiếp vô số lượng, đã phát khởi Hạnh Nguyện hết sức lớn lao mà chỉ có Đức Phật mới có khả năng biết được. Những chúng sinh khác không tài nào ước đoán nổi.

Nói như thế, mỗi một phúc lượng lớn lao đều có đầy đủ trăm phúc điểm tô. Từ một tướng tốt cho đến ba mươi hai tướng tốt đều có đầy đủ trăm phúc điểm tô như thế cả. Nhờ có ba mươi hai tướng tốt đầy đủ trăm phúc và tám mươi tướng đẹp phụ điểm tô Pháp Thân, nên Đức Phật thật xứng đáng là bậc chí tôn chí thắng khắp cả trên Trời dưới thế vậy.

Phần Bách phúc mà tác giả rút từ Luận Tân Bà Sa rất súc tích và uyên thâm. Chúng tôi đã cố gắng rất nhiều khi chuyển dịch sang Việt ngữ, nhưng còn vài chỗ chưa mấy rõ ràng và ít danh từ chuyên khoa khó giải thích trong bài dịch. Vì tác giả viết cho những người rành Phật Học. Xin tham khảo thêm Phật Quang Đại Từ điển quyển ba trang 2498, 2499 mục Bách phúc trang nghiêm.

***

/72
 

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây