Tìm kinh sách
 
        Kinh Sách FULL

Pháp Uyển Châu Lâm

Giới thiệu bộ "Pháp uyển châu lâm"

Pháp uyển châu lâm một trăm quyển do pháp sư Đạo Thế tự Huyền Uẩn soạn vào đời Đường, Trung Quốc, Thị lang Lí Nghiễm viết tựa. Sách đã được ban Dịch thuật Pháp Âm chuyển sang tiếng Việt và xuất bản vào năm 2011, gồm bảy tập. Trải qua bảy năm lưu thông, năm nay theo nhu cầu của người đọc, ban Dịch thuật đã cho tái bản có sửa chữa và gom lại thành 5 tập với khổ lớn hơn.

 

Chương 61: Quyển 20 - Thiên thứ 9: Trí Kính - Thứ tư: Phần Danh Hiệu

Thứ tư: PHẦN DANH HIỆU

Than ôi! Đạo và đời khác hẳn, danh với thật trái nhau. Nếu thấy được lối về, sẽ thể nhập vào diệu lý. Tại sao thế? Bởi vì thế gian có tục kỵ húy, không dám nhắc tên tổ tiên. Luận theo kinh điển, nếu tụng niệm danh hiệu chư Phật, sẽ được phước đức vô lượng, chư Phật vốn rất Từ bi, thương hết muôn vật, hóa thân giáng thế, cứu độ chúng-sinh. Nếu có lòng thành, đều được lợi lạc. Hoặc tụng bằng miệng, hoặc niệm bằng tâm, hoặc lạy bằng thân, ba nghiệp này càng kính, ba độc sẽ tiêu dần. Nhờ thế, nhổ sạch não phiền giải thoát tục lụy. Có đức hạnh ấy, gọi là được phước. Những kẻ phàm phu làm trái hạnh ấy. Suốt cả cuộc đời chỉ thầm kỵ húy. Riêng tổ tiên xa và con cháu nhỏ, mới không kiêng tên. Xem lệ Trưng tại cũng đủ thấy rõ.

Nay dựa vào luận, đưa ra theo nghĩa, một số tên Phật rất có quyền năng và tạm giải thích để làm thông lệ. Như Ấn Độ gọi là Thích-ca, Trung hoa gọi là Năng Nhân. Thử hỏi đức Phật nào lại chẳng Năng Nhân? Ấn Độ gọi là A-di-đà, Trung hoa gọi là Vô Lượng Thọ. Thử hỏi đức Phật nào chẳng lượng thọ? Đến như đức Phật Đông Phương Thiện Đức hay đức Phật Hạ Phương Quảng Chúng Đức, thử hỏi đức Phật nào lại chẳng có đức độ tốt đẹp, rộng lượng? Danh hiệu chư Phật có thể sai khác, nhưng về mặt uy lực và hóa độ cũng đều như nhau. Chúng-sinh chỉ cần tâm niệm danh hiệu, mắt ngắm dung nhan, cung kính hành lễ, sẽ hưởng được phước đức vô lượng. Vì thế, luận Thập-trụ-tì-bà-sa có kệ nói rằng:

“ Nếu có người nghe được
Danh hiệu chư Phật ấy
Sẽ được phước vô lượng.
Như nghe hiệu bảo Nguyệt,
Kính lễ chư Phật ấy,
Đang ở khắp mười phương.
Nếu ai tụng danh hiệu,
Sẽ chứng quả bất thối”.

Thuật rằng: Nay trước tiên đề cập đến “Nhất thiết cung kính”. “Nhất” nghĩa là nói khắp cả, thiết nghĩa là nơi cùng hết, cung nghĩa là nói thu mình ngước lên, kính nghĩa là nói tâm không vướng tạp niệm. Nếu không xướng lên như thế, sợ tâm sẽ bị phân tán, nên phải dốc tâm cung kính, chánh quán trước mắt. Về “kính lễ thường trụ Tam bảo”, theo kinh Niết-bàn nói, nếu có người nghe đến hai chữ thường trụ, đời đời sẽ không bị đọa vào đường ác. Vì pháp nhân lắng sạch bất biến nên gọi là thường, báo thân liên tục không dứt nên cũng gọi là thường. Hoa thân hoạt động không ngừng nên gọi là bất biến. Lại nữa, Phật thân vốn chỉ là một, tùy theo nghĩa nói ra thành ba. Cho nên đức Phật Thích-ca nói rằng: “Kim thân của ta cũng chính là pháp thân. Như những hình tượng bằng đất bằng cây, được chế tạo theo kim thân của ta để làm biểu tượng. Nếu biết đem lòng thành kính đảnh lễ sẽ được phước đức vô lượng, nếu khinh thường phỉ báng, sẽ chịu mọi tội lổi tai ương. Sau đó cúng dường, sắm sửa hương hoa, dụng tâm tinh tiến cử hành mọi lễ nghi theo phép Phật. Dù ta còn tại thế hay không, cũng phải thường xuyên cung phụng hương hoa, y phục, thức ăn, âm nhạc và cùng các chúng-sinh khác đồng tâm thờ phụng không dứt”. Do đó, trong kinh Hoa-nghiêm nói; “Khi các Bồ-tát thực hiện phép cúng dường, theo tâm chỉ vật, như thấy núi cao, mây lớn, nước thẳm, lửa to, liền gọi là hương sơn, hương vân, bát công đức thủy, thất tịnh diệu hoa. Tâm ý nghĩ suy đều thành phẩm vật cúng dường, đến nỗi hoa rừng trái dại cũng là phẩm vật”.

Lễ Phật là hành lễ chư Phật mười phương, hai mươi lăm đức Phật, ba mươi lăm đức Phật, năm mươi ba đức Phật, một ngàn đức Phật thời hiền kiếp và 1năm ngàn đức Phật. Ý nghĩa tụng niệm danh hiệu chư Phật, phần trên đã nói rõ.

Sám hối là ăn năn tất cả mọi tội lổi trước đây đã phạm. Gồm hết mọi tội lổi nặng nhẹ, hoặc do chính mình gây nên, hoặc sai người khác gây nên, hoặc bị bắt buộc gây nên, hoặc đồng tình gây nên. Cần phân tích rõ ràng ý nghĩa. Vần phải tủi hổ thống thiết đầm đìa lệ tuôn. Nếu không nhờ chỉ bảo cách sám hối, sẽ chịu khổ đau đến chết. Phép này sẽ nói đầy đủ trong thiên sám hối ở sau. Khuyến thỉnh là chí thành cầu nguyện. Chư Phật xem mọi chúng-sinh lớn nhỏ đều bình đẳng như nhau. Chư Phật trông mong hoàn thành thệ nguyện, có thọ mạng lâu dài, trụ thế nhiều kiếp để độ hết tất cả chúng-sinh.

Tùy hỷ là thấy người làm phước, mình sinh vui mừng.

Hồi hướng là đem mọi công đức quy hướng về Vô thượng đạo.

Phát nguyện thì nguyện là động lực hướng dẫn, hành là thực hiện. Nếu chỉ có nguyện mà không có hành thì nguyện sẽ trở thành hư hão. Nếu chỉ có hành mà không có nguyện thì hành lễ trở nên đơn độc. Do

có hành nên nguyện không hư hão. Nguyện và hành hổ trợ cho nhau, chắc chắn sẽ chứng được quả. Vì thế, khi sám hối tội lổi, cũng cần phát nguyện. Nguyện cầu kiếp này không đọa vào đường ác, mọi điều ở đây đã được nói rõ, còn những điều khác, mỗi khi gặp phải, cần suy nghĩ theo cơ duyên để thực hành cho đúng phép mới được.

Thuật rằng: Phần này nói về sắc tướng uy nghi. Hai nước Ấn Độ và Trung Quốc có chổ khác nhau về lễ nghi, nên phải tùy theo phong tục mỗi nước mà hành lễ, cốt lấy kính làm gốc. Vấn đề này, những kẻ mới nhập môn chưa học qua, nên không thông hiểu. Vì thế, phải trình bày cặn kẽ để chỉ dẫn cho họ, không nhắm vào những bậc đức trọng tu tập lâu năm.

Phép cung kính của Ấn Độ và Trung Quốc thật không giống nhau. Bên ấy thì lạy ít mà đi vòng quanh thì nhiều, bên này thì lạy nhiều mà đi vòng quanh ít. Bên ấy để vai trần, chân trần, lấy làm cung kính. Bên này thì đội mũ mang giày làm cung kính. Đây là nét khác biệt giữa đạo và đời, cũng như điểm dị biệt về phong tục của từng nước Ấn Độ và Trung Quốc. Do đó, cần xét rõ lễ nghi để thực hành mỗi khi cần đến như khi thong thả chiêm bái thì thân, khẩu, ý thung dung, khi gấp rút thì tay chân phải thật lẹ làng, tùy theo trường hợp, không đợi nghĩ suy, cốt sao phải thật cung kính. Đó là điểm đồng nhất giữa hai nước Ấn Độ và Trung Quốc, nên kinh xuất diệu nói rằng: “Có cách uy nghi của tín đồ, có cách uy nghi của Tăng sĩ, có cách uy nghi của bậc trưởng lão, có cách uy nghi của Tăng sinh, nhờ khéo thực hành bước căn bản vào đạo này mà được sinh vào các cõi tốt đẹp”. Lấy đoạn Kinh trên làm chứng, rõ ràng thành tín uy nghi là bước đầu tiên để nhập môn vào đạo, nên không thể che đậy, bỏ qua, cần phải nói rành mạch để dặn bảo. Theo sách Châu-lễ của thế gian, có 9 phép lạy xuất phát từ các quan thái chúc. Những phép lạy ấy không thuộc về đạo Phật, nhưng lễ nghi cũng cần tùy theo phong tục mà thực hành, nên trình bày ra đây:

1. Khể thủ bái: Nghĩa là cách lạy của quần thần đối với nhà vua, bằng cách đặt đầu sát đất, dừng lại một chút rồi mới cất đầu lên.

2. Đốn thủ bái: Nghĩa là cách lạy chào nhau của các vua chư hầu, đầu cúi xuống thấp, giật nhẹ nhưng không đụng đất.

3. Không thủ bái: Đây là cách lạy một lạy của nhà vua đáp lễ quần thần, đầu cúi xuống ngang tầm tay, tức là phép vái bằng tay.

4. Chấn động bái: Nghĩa là cách lạy run run xúc động vì tôn kính.

5. Cát bái: Nghĩa là lạy bằng cách vái trước rồi sau mới cúi trán sát đất. Đây là cách lạy trong tang lễ_

6. Hung bái: Nghĩa là lạy bằng cách cúi trán xuống sát đất rồi sau mới vái. Cách này dùng trong khi để tang ba năm.

7. Kỳ bái: Nghĩa là phép lạy bằng cách khom một đầu gối. Nay gọi là Nhã bái. Cũng có thuyết nói đây là phép lạy một lạy để đáp lễ quân thần.

8. Bao bái: Nghĩa là phép lạy trả lần thứ hai đối với Thần Thánh và thần thi.

9. Túc bái: Nghĩa là phép lạy bằng cách hạ tay xuống thấp. Nay là cách vái, cũng chỉ phép lạy của phụ nữ. Lối này có khi vái đến ba lần. Không thủ bái và Kỳ bái chỉ vái một lần. Các phép khác vái lạy đến hai lần.

Trên đây là nguyên văn về phép lạy của thế gian được Trịnh Huyền chú thích. Theo Phật giáo, lại lấy kính làm đầu. Đại khái có hai yếu tố là thân và tâm. Tâm là gốc, thân là ngọn, nên khi Tu-Bồ-đề ngồi lặng quán tưởng trong phòng, đức Phật tán thán uy đức trang nghiêm hiện tỏ khắp pháp thân, khi ni sư Liên Hoa Sắc vừa bươc đến bậc của bảo tọa, đức Phật chê là đến chiêm bái Hóa Phật. Thế mới biết rằng tịnh lặng chiêm nghiệm huyền cơ, mỗi niệm đều hướng về đại đạo, chỉ lo chăm chút hình dung, đua đòi thế tục, phô trương nhân ngã, chỉ làm cản trở đại đạo. Do đó, đức Phật châm chước phân thành hai loại kính lễ trong tâm và kính lễ ngoài thân. Hành giả đời nay cần vận dụng cả hai loại kính ấy để dần dần hướng thiện, tinh tiến tu trì. Đạt đến giải thoát.

Lại nữa, kinh Đại-từ nói: “Đức Phật bảo A-nan, Nam-mô Phật nghĩa là xác định danh hiệu chư Phật bằng âm thanh, nên mới xưng tụng Nam-mô đức Phật. Ngày xưa có vị đại thương gia cùng các thương gia khác sắp bị cá ma-kiệt rất lớn nuốt thuyền, nhờ niệm danh hiệu Nammô Phật ba lần nên được thoát nạn. Cá kia nghe danh hiệu Phật, sẵn có lòng lành, liền thoát kiếp cá, sau còn xuất gia đắc đạo, huống gì có người nghe được danh hiệu đức Phật, được nghe chánh pháp, được gần chổ Phật, được gieo các hạt giống lành, há chẳng thâu được lợi ích.”

Lại nữa, luận Thập-tụng nói rằng: “Đức Phật bảo Ưu-ba-ly, khi nói “hòa nam” là do miệng nói. Nếu khom mình xuống gọi là tâm tịnh. Như khi Tỳ-kheo hành lễ, từ chổ ngồi đứng dậy, để lộ vai phải, cởi giày da, quỳ gối xuống đất, đưa hai tay chạm vào chân vị thượng tọa mà hành lễ”.

Thuật rằng: “Theo kinh nói, “hòa-nam” là tiếng phạm, có khi

gọi lại Na-mô-bà-nam. Các tiếng này chưa đúng, thật ra, phải nói bàn đạm nghĩa là tôi làm lễ, đôi khi còn gọi là quy lễ. Quy là tình cảm chân thật của ta, lễ là gốc cùng tột của kính. Có người nói quy mệnh thay cho Nam-mô thì nghĩa lý và sự việc đều phù hợp, nội tâm và ngoại giới đều thấu đáo. Thế gian lại chuộng Nam-mô mà coi nhẹ kính lễ vì không hiểu rõ lối phiên dịch giữa Phạm ngữ và Hán ngữ, lại càng mờ mịt khi nghe nói hòa-nam chư Phật, đến nỗi phát lên cười rân! Hơn nữa, hòa-nam thì luận Thiện-Kiến dịch là quy mệnh và cũng dịch là lễ Đại thọ. Lại nữa, hòa-nam thì Xuất yếu-luật-nghi lại dịch là cung kính, luận Thiện-kiến dịch là độ tôi. Theo đó mà nói, nếu cung kính và độ tôi mang ý nghĩa chung cả phàm lẫn Thánh, thì hòa-nam không thể chỉ riêng cho tôn sư mà còn dùng chung cho đức Phật và các Thánh Tăng, mong cầu cứu độ chúng-sinh. Thế nên trong kinh, mỗi khi đến trước chổ Phật, xưng rằng Nam-mô vô sở trước chí chân đẳng chánh giác, nghĩa là buột miệng xưng tán công đức của chư Phật vậy.

/72
 

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây