Tìm kinh sách
 
        Kinh Sách FULL

Pháp Uyển Châu Lâm

Giới thiệu bộ "Pháp uyển châu lâm"

Pháp uyển châu lâm một trăm quyển do pháp sư Đạo Thế tự Huyền Uẩn soạn vào đời Đường, Trung Quốc, Thị lang Lí Nghiễm viết tựa. Sách đã được ban Dịch thuật Pháp Âm chuyển sang tiếng Việt và xuất bản vào năm 2011, gồm bảy tập. Trải qua bảy năm lưu thông, năm nay theo nhu cầu của người đọc, ban Dịch thuật đã cho tái bản có sửa chữa và gom lại thành 5 tập với khổ lớn hơn.

 

Chương 12: Quyển 5 - Thiên Thứ Bốn - Lục Đạo - Bộ thứ 3: A TU LA

III. Bộ thứ 3: A TU LA
Gồm có bảy phần: Thuật ý, Hội danh, Trụ xứ, Nghiệp thân, Quyến thuộc, Y thực, Chiến đấu.

Thứ nhất: PHẦN THUẬT Ý

Than ôi! Luận về đường A-tu-la: sinh vào lối này, giỏi tài nịnh hót. Hoặc reo hò nổi loạn, hoặc cất quân xâm lăng. Hình dáng khổng lồ, bụng dạ đói khát. Tướng mạo thô bỉ, thường chứa giận hờn. Lêu nghêu đáng sợ, lụng thụng ghê người. Tám tay mọc chồng, ba đầu hiện đủ. Dẫm tuốt ngọc cao, đạp tung biển cả. Nắm lấy mặt trời, bưng đám mây biếc. Thượng giới xin ăn, biển sâu chế rượu. Các loài như thế, cùng xin quy y. Sang tới các A-tu-la chúa, Thiểm bà lợi, gia quyến của Tỳ ma chất đa, bằng hữa của Khư la khiên đà, thậm chí đồng bọn của Bà trĩ la hầu, hàng ngũ của Xá-chi bạt đà, đều nguyện: chừa thói kiêu mạn, lìa tâm bốc tâng. Cung điện quang minh, đình tạ đầy đủ. Dẹp bỏ binh đao, ngăn chận tham giận. Không còn đớn đau dao kiếm, hết tuyệt thống khổ triền miên. Hâm mộ Chánh pháp, khao khát Đại thừa. Trút bỏ thân thể xấu xí, thọ nhận sắc tướng đoan nghiêm. Giữ gìn lãnh thổ, che chở nước nhà. Xây đắp cõi Phật, phát triển Chánh pháp.

Thứ hai: PHẦN HỘI DANH

Sao gọi là đường A-tu-la? Theo luận Lập Thế A-tỳ-đàm giải thích rằng: “At tu la nghĩa là không biết phục thiện, không biết hạ mình. Lắng nghe các lời giáo hóa, lòng không lay chuyển, vì thói kiêu mạn gây ra. Nên mạnh mẽ chống trái điều thiện. Lại không phải là trời, nên gọi là A-tu-la”. Các kinh khác cũng gọi là A tu luân. Nay theo luận Tân Bà-sa nói: “Đúng âm từ Phạm ngữ là Tố lạc. Tố lạc là Trời. Loài ấy không phải là trời, nên gọi là A tố lạc”. Hơn nữa Tố-lạc gọi là đoan chánh. Loài ấy không đoan chánh, nên gọi là A-tố-lạc. Hơn nữa, kinh Trường A-hàm nói: “A-tu-la sinh con gái thì đoan chính, sinh con trai thì xấu, nên gọi là không đoan chính, hoặc gọi là không uống rượu. Về điều này có hai lối giải thích: một là do tiền kiếp giữ giới không uống rượu, nay còn lực của đời trước tu tập, nên gọi là không uống rượu, hai là tiền nhân vốn thích uống rượu. Đi khắp thiên hạ, hái hoa bỏ vào biển, ủ rượu không thành, hóa ra nước mặn. Vì không được rượu, khiến phải chừa bỏ, nên gọi là không uống rượu”. Luận Bà-sa nói: “Có người bảo A-tu-la thuộc về đường trời, nhưng vì ton hót, quanh co phản phúc nên không được chấp nhận. Có người bảo A-tu-la thuộc về đường quỷ, nhưng vì con gái là Xá-chi, nên cùng được chư Thiên giao du”. Thế nên, kinh Già Đà nói: “Có phần quỷ, có phần súc sinh, có phần Trời”. Kinh Chánh Pháp Niệm cũng nói: “Có phần quỷ, có phần súc sinh, có phần Trời yếu. Trời yếu, ấy là Tỳ ma chất đa. Tỳ ma chất đa ở đây nghĩa là âm hưởng cao, cũng có nghĩa là ở hang. Nghĩa là từ đáy biển lớn, phát ra âm thanh lớn, bảo rằng: “Ta là Tỳ ma chất đa”. Thế nên, gọi là âm hưởng cao, vì ở tận đáy biển, nên gọi là ở hang”.

Thứ ba: PHẦN TRỤ XỨ

Theo kinh Chánh Pháp Niệm nói: “A-tu-la cư trú tại năm chỗ: một là tại trên mặt đất, trong núi Chúng Tướng. Sức lực của loài này yếu ớt nhất. Hai là tại phía Bắc núi Tu-di, đi xuống biển hai vạn một ngàn do tuần, có A-tu-la tên là La Hầu thống lãnh đám A-tu-la. Ba là, lại đi thêm hai vạn một ngàn do tuần, có A-tu-la tên là Tráng Kiện. Bốn là, lại đi thêm hai vạn một ngàn do tuần, có A-tu-la tên là Tràng Hoa. Năm là, lại đi thêm hai vạn một ngàn do tuần, có A-tu-la tên là Tỳ ma chất đa. Từ trong mình của A-tu-la này phát ra âm thanh rất lớn, xuyên suốt lên mặt biển, tự xưng: “Ta là A-tu-la Tỳ ma chất đa”. Thế nên mới gọi là âm hưởng cao”. Về mẹ của Tỳ ma thì kinh Trường A-hàm nói: “Vào thưở xa xưa, khi kiếp mới thành, có Trời Quang Âm xuống biển tắm rửa, có một cục thủy tinh lọt vào mình, sinh ra cái trứng bằng thịt. Trải qua tám ngàn năm, trứng ấy sinh ra một người nữ, có thân thể lớn như núi Tu-di, có chín trăm chín mươi chín cái đầu. Mỗi cái đầu có một ngàn con mắt và có chín trăm chín mươi chín cái miệng, đặc biệt mỗi miệng chỉ có bốn răng. Trên răng phát ra lửa giống như sấm sét. Có hai mươi bốn chân và chín trăm chín mươi chín tay. Một dạo, người nữ này xuống biển nô đùa, một cục thủy tinh lọt vào mình, sinh ra cái trứng bằng thịt. Lại trải qua tám ngàn năm, trứng ấy sinh ra Tỳ ma chất đa, có chín cái đầu, mỗi đầu có một ngàn con mắt, miệng thì thường phun ra nước. Có chín trăm chín mươi chín tay nhưng chỉ có tám chân. A-tu-la Tỳ ma chất đa cưới con gái của Càn Thát Bà ở Hương Sơn sinh ra Xá-chi La Hầu. Xá-chi này là phu nhân của Đế-thích. A-tu-la La hầu cũng gọi là Che mặt trời. Mặt trời là tiền quân của Đế-thích, ra tay trước, phóng ánh sáng vào mặt A-tu-la, không cho phép thấy được chư Thiên. Vì thế, Atu-la này lấy tay che mặt trời lại. Do có thế lực, A-tu-la này đã nhiều lần tranh luận cùng chư Thiên”.

Lại nữa, luận Tân Bà-sa có câu hỏi: “Các A tố lạc rút về ở đâu? Có người bảo: “Trong lòng núi Tu-di, có chỗ trống khuyết, giống như bồn quý úp xuống. Trong đó có thành trì, đây là chỗ cư trú của loài ấy”.

Hỏi: Vì sao kinh bảo rằng A tốc lạc nói làng mạc do ta thống lãnh ở dưới đáy biển, mà chúa A tố lạc lại ở trong núi ấy?.

– Có người nói: “Dưới đáy biển có lâu đài lớn bằng vàng, cao rộng mỗi chiều năm trăm du thiện na, trên đó có thành trì, là chỗ cư trú của A tố lạc ấy. Chúa A tốc lạc cũng có bốn khu vườn: một tên là Mừng vui, hai tên là Vui vẻ, ba tên là Vui nhất, bốn tên là Đáng yêu. Giống như Trời Tam thập tam có cây Ba lợi dạ đát la, chỗ cư trú của chúa A tố lạc cũng có cây như thế”.

Hỏi: Hình dáng A tố lạc ra sao?.

Đáp: Hình dáng thẳng đứng.

Hỏi: Tiếng nói ra sao?.

Đáp: Đều nói tiếng Thánh.

Hỏi: “Thuộc về đường nào?”. Có người bảo: “Thuộc về đường trời”. Có người lại bảo: “Thuộc về đường quỷ”.

Lại nữa, kinh Khởi Thế nói: “Cách phía Đông núi Tu-di hơn một ngàn do tuần, ở dưới đáy biển, là quốc độ của chúa A-tu-la Tỳ ma chất đa tọa lạc. Ngang dọc rộng tám vạn do tuần, có bảy lớp lan can, bảy lớp lưới gắn lục lạc bằng vàng bạc. Phía ngoài có bảy lớp hàng cây Đa la. Tất cả đều làm bằng bảy loại bảo vật trần thiết trang nghiêm không thể kể hết. Trong thành lớn có riêng một cung điện tên là Thiết ma bà sí, phạm vi của cung điện rộng một vạn do tuần, có bảy lớp tường thành làm bằng bảy loại bảo vật, cao một trăm do tuần, dày năm mươi do tuần, có vườn ao hoa quả, chim chóc hòa ca (kinh đã nói rộng, không cần phải chép lạ rườm rà). Cách phía Nam núi chúa Tu-di hơn một ngàn do tuần, ở dưới đáy biển, có cung điện của chúa A-tu-la nhảy nhót, lãnh thổ này ngang dọc rộng tám vạn do tuần. Cách phía Tây núi chúa Tu-di hơn một ngàn do tuần, có cung điện của chúa A-tu-la Xa bà la, lãnh thổ này ngang dọc rộng tám vạn do tuần. Cách phía Bắc núi chúa Tu-di hơn một ngàn do tuần, ở dưới đáy biển, có cung điện của chúa A-tu-la La hầu la, lãnh thổ này ngang dọc rộng tám vạn do tuần (chỗ cư trú cũng đẹp đẽ như đã nói ở trên). Tại kinh thành của chúa loài Ma bà cứ trú, có chỗ tụ họp của chúa A-tu-la La hầu la, cũng tên là Bảy đầu. Chỗ này ngang dọc rộng tám vạn do tuần, có bảy lớp tường thành, bảy lớp lan can, đều làm bằng bảy loại bảo vật. Bốn phía cận kề đều có rất nhiều A-tu-la nhỏ, không thể kể hết (kinh đã nói đầy đủ).

Thứ tư: PHẦN NGHIỆP NHÂN

Theo trong kinh Nghiệp Báo Sai Biệt có nói đầy đủ về mười nghiệp phải chịu quả báo A-tu-la: một là thân làm các việc ác nhỏ, hai là miệng làm các việc ác nhỏ, ba là ý làm các việc ác nhỏ, bốn là nổi lên kiêu mạn, năm là nổi lên ngã mạn, sáu là nổi lên tăng thượng mạn, bảy là nổi lên mạn lớn, tám là nổi lên mạn tà, chín là nổi lên mạn quá mạn, mười là đem các thiện căn hồi hướng về đường A-tu-la. Nếu theo kinh Chánh Pháp Niệm diễn rộng, phần nhiều do ba loại nghiện nhân sân, mạn và nghi bắt phải chịu quả báo sinh vào đường ấy.

Hơn nữa, kinh Tạp A-hàm nói: “Vào thời tiền kiếp, A-tu-la từng làm người nghèo ở gần bên sông, thường vác củi qua sông. Bấy giờ, nước sông sâu lại chảy xiết. Người ấy mấy lần bị nước cuốn phăng đi sắp chết, may mắn thoát được. Có vị Phật Bích Chi đến nhà khuất thực, người ấy vui vẻ cúng dường. Thọ thực xong, liền bay mất lên trời. Người nghèo khổ ấy thấy vậy, bèn phát tâm nguyện rằng: “Kiếp sau, xin cho thân thể của tôi lớn lao đến nỗi bất cứ dòng nước nào cũng không ngập quá đầu gối!”. Nhờ nhân duyên này, A-tu-la có được thân thể rất khổng lồ. Nước bốn biển lớn không ngập quá đầu gối, đứng trong biển lớn, thân vượt lên khỏi núi Tu-di. Chống tay vào đỉnh núi, khom mình xuống nhìn Trời Đao lợi”.

Thứ năm: PHẦN QUYẾN THUỘC

Theo kinh Chánh Pháp Niệm nói: “Vị thứ nhất là chúa A-tu-la La hầu. Chúa này có bốn ngọc nữ, do tưởng nhớ sinh ra: một tên là Như bóng, hai tên là Các hương, ba tên là Rừng đẹp, bốn tên là Đức hơn. Trong bốn ngọc nữ này, mỗi một vị đều có mười hai ức thị nữ để làm gia quyến. Tất cả đều vây quanh chúa A-tu-la, cùng nhau vui chơi, mặc sức hưởng lạc, không thể nào nói hết được. Vị thứ hai tên là Tráng Kiện, gia quyến có uy thế trội hơn. Vị thứ ba tên là Tràng Hoa, gia quyến có uy thế càng trội hơn. Vị thứ tư tên là Tỳ ma chất đa, gia quyến có uy thế trội hơn gấp đôi, càng không thể nói hết. Cho nên, sự cách biệt giữa sang hèn, không thể luận xem như nhau được”.

Thứ sáu: PHẦN Y THỰC

Nếu theo kinh Chánh Pháp Niệm nói, nhu cầu y phục, ăn uống của A-tu-la có sẵn tự nhiên. Mũ dải, áo quần thuần bằng bảy loại bảo vật đẹp đẽ, tinh khiết như chư Thiên. Các thức ăn, tùy theo ý thích mà hiện ra, có đầy đủ vị ngon, không thua kém của chư Thiên. Như các luận lớn nói, y phục và thức ăn của A-tu-la tuy hơn người, nhưng khi ăn thì không bằng người. Nghĩa là, trong hết thảy mọi bữa ăn của A-tu-la, đến miếng cuối cùng, đều phải biến thành bùn xanh. Cũng như Long vương, tuy ăn đủ trăm món, nhưng đến miếng cuối cùng, đều phải biến thành cóc nhái. Vì thế, kinh mới nói không bằng người.

Thứ bảy: PHẦN CHIẾN ĐẤU

Như kinh Tăng-nhất-A-hàm nói: “Bấy giờ, đức Thế-tôn bảo các Tỳ-kheo, thọ được hình dáng khổng lồ, không ai hơn chúa A-tu-la. Thân thể cao lớn hơn tám vạn bốn ngàn do diên. Miệng rộng hàng ngàn do tuần. Một khi muốn xâm phạm mặt trời, lại hóa thân lớn thêm một ngàn sáu vạn do tuần, rồi xuống trước mặt trời, vua Mặt trời Mặt trăng thấy thế đều mang lòng sợ hãi, bồn chồn không yên chỗ, vì hình dáng đáng khiếp ấy. Tuy vua Mặt trời Mặt trăng sợ hãi không phát ra ánh sáng, nhưng chúa A-tu-la không dám xông đến chụp bắt. Tại sao thế? Vì vua Mặt trời Mặt trăng đầy đủ uy đức, có thần lực lớn, thọ mạng hết sức lâu dài. Tướng mạo đoan chính, hưởng thụ lạc quả vô cùng, lên đến một kiếp. Hơn nữa, ở đấy còn nhiều chúng sinh đem phước lực che chở, khiến vua Mặt trời Mặt trăng không bị khổ não vì chúa A-tu-la xâm lăng. Lúc ấy, chúa A-tu-la đâm ra ưu sầu, liền chết ở đấy”.

Lại nữa, kinh Trường A-hàm nói: “Vì chúa A-tu-la có rất nhiều uy lực, nên suy nghĩ rằng: “Thiên vương Trời Đao lợi và các vua Mặt trời Mặt trăng cứ đi lại trên đầu ta hoài. Ta thề sẽ bắt vua Mặt trời Mặt trăng để làm đôi bông tai!”. Càng nghĩ, càng giận dữ muốn ra tay. Liền sai hai chúa A-tu-la Xá ma lê và Tỳ ma chất đa cùng các đại thần sửa soạn khí giới, kéo nhau đi đánh chư Thiên. Bấy giờ, hai Long vương lớn là Nan đà và Bạt nan đà lấy thân mình quấn bảy vòng quanh núi chúa Tu-di, làm rung chuyển cả núi và kéo mây giăng đầy, quẫy đuôi dậy sóng, nước văng tung tóe lên khắp núi chúa. Trời Đao lợi nói: “A-tu-la sắp gây chiến. Các Long vương, quỷ thần hãy cầmbinh khí lần lượt giao phong, nếu thua mới bỏ chạy!”. Bốn Thiên vương vũ trang chuẩn bị lâm chiến, trước tiên vào báo động cùng Đế-thích, Đế-thích báo động lên Trời Tha hóa tự tại, cho đến vô số chư Thiên khác, cùng các Long thần, quỷ sứ. Tất cả đều vây kín trước sau. Đế-thích ra lệnh: “Nếu quân ta thắng, hãy lấy năm sợi dây trói chặt A-tu-la Tỳ ma chất đa giải về Thiện pháp đường. Ta muốn xem nó thế nào!”. A-tu-la cũng nói: “Nếu bọn ta thắng, cũng lấy năm sợi dây thừng trói chặt Đế-thích giải về Thất diệp đường. Ta muốn xem nó thế nào!”. Quyết chiến một trận, hai bên đều không bị thương, nhưng do thân thể va chạm nhau, gây ra đau đớn khổ sở. Đế-thích liền biến ra nghìn mắt, tay cầm chày kim cương, đầu phun ra khói lửa phừng phực, A-tu-la trông thấy bèn bỏ chạy, Tỳ ma chất đa bị bắt trói giải về. Trông thấy Đế-thích, liền buông lời mắng nhiếc. Đế-thích liền trả lời: “Ta muốn cùng nhà ngươi nói chuyện đạo nghĩa, cần gì phải dùng lời thô lỗ làm tuổi trời ngàn năm giảm nhiều tăng ít? Nhà ngươi đã phá giới, đem ác tâm gây chiến, dù đã tu nhiều hạnh bố thí, nhưng vì kiêu mạn như thế, nên đành phải thọ lấy báo thân này”. (Các kinh khác cho rằng vì đem tâm nịnh hót tu hạnh phước đức nên phải thọ lấy báo thân này).

Kinh Quán Phật Tam Muội nói: “Mẹ của chúa A-tu-la Tỳ ma chất la ăn theo lối quỷ, chỉ toàn sình lầy và rễ ngó sen. Con trai bà ấy lớn lên, thấy các thể nữ xinh đẹp vây quanh chư Thiên, liền thưa mẹ rằng: “Người ta đều có lứa đôi, sao con chỉ cô độc một mình?”. Bà ấy trả lời: “Thần núi Hương là Càn thát bà có con gái nhan sắc mỹ miền, trắng trẻo hơn bạch ngọc, các lỗ chân lông trên mình đều phát ra tiếng nhạc du dương. Mẹ rất đẹp lòng, nay sẽ đi hỏi cưới cho con, con có vừa ý không?”. A-tu-la nói: “Hay quá! Hay quá! Xin mẹ đi hỏi cưới cho con!”. Bấy giờ, mẹ của A-tu-la ấy đi đến núi Hương, bảo với thần âm nhạc ấy rằng: “Ta có một đứa con trai, đầy đủ thần thông tự tại, khắp bốn châu lớn, chẳng ai sánh bằng. Ông có cô con gái lớn, thật xứng đôi với con của ta”. Con gái của thần ấy nghe xong, xin vui lòng về làm dâu. A-tu-la cưới cô gái ấy chưa được bao lâu, liền mang thai. Trải qua tám ngàn năm sinh ra một cô con gái, dung nhan đoan chính lạ thường. Trên trời dưới thế, không ai có thể sánh bằng. Trên mặt có tám vạn bốn ngàn nét đẹp, bên phải, bên trái đều có tám vạn bốn ngàn nét đẹp, trước sau cũng thế. A-tu-la trông thấy cho là tuyệt diệu, như trăng ngự giữ ngàn sao, thật là độc đáo. Kiêu thi ca nghe tiếng, cưới về làm vợ. A-tu-la vui mừng đồng ý gả cho. Đế-thích đặt tên là Đẹp ý. Chư Thiên trông thấy ca tụng là đẹp chưa từng thấy, đâm ra ngẩn ngơ. Nhìn bên đông quên bên tây, nhìn phía nam quên phía bắc, đến nỗi tóc lông đều sinh vui mừng. Một hôm Đế-thích vào vườn Vui vẻ, cùng các thể nữ xuống ao chơi. Bấy giờ, Đẹp ý nổi ghen, sai năm trăm Dạ-xoa chạy đi báo với A-tu-la cha rằng: “Nay Đế-thích không sũng ái con nữa, cùng các thể nữ thỏa thích vui chơi”. A-tu-la nghe xong, sinh lòng giận dữ, liền kéo bốn đạo quân đi đánh Đế-thích. Đứng trên biển lớn, chống chân trên đỉnh núi Tu-di, chín trăm chín mươi chín con mắt cùng hiện ra một lượt, lay thành Hỷ Kiến, lắc núi Tu-di, khiến cho bốn biển lớn nhất tề dậy sóng. Đế-thích kinh hoảng, không biết chạy đi đâu. Bấy giờ có vị thần bảo Đế-thích rằng: “Xin chớ kinh hoảng nhiều. Ngày xưa, Phật có dạy thần chú Bát nhã ba la mật. Thiên vương nên trì tụng, quỷ binh sẽ tự tan rã”. Lúc ấy, Đế-thích ngồi trên Thiện pháp đường, đốt các loại danh hương, phát ra lời thệ nguyện lớn: “Bát nhã ba la mật là thần chú rất sáng láng, là thần chú cao siêu nhất, là thần chú không thể sánh nổi, chân thật không hư huyễn. Nay ta tụng trì, sẽ thành tựu Phật đạo, khiến cho A-tu-la tự nhiên giải tán”. Phát nguyện như thế xong, do công đức của Đế-thích, giữa không trung bỗng nhiên có rừng dao rơi xuống trên mình A-tu-la. Bấy giờ, tai, mũi, chân tay của A-tu-la tự nhiên rụng sạch, làm cho nước biển lớn đỏ hồng như ngọc trai. A-tu-la đâm ra kinh hoàng. Không biết chạy trốn đi đâu, bèn chui tuốt vào ống tơ của ngó sen”.

NHÂN DUYÊN CẢM ỨNG

Trích dẫn sơ lược ba chuyện linh nghiệm.

1. Sách Tây Quốc Chí nói: “Trong khe núi đá về phía Tây Nam nước Chiêm Bà ở Trung Ấn có hang của A-tu-la. Người nọ nhân lên núi tu hành, gặp hang ấy liền vào bên trong. Thấy được chốn cung điện của A-tu-la, các loài hoa tuyệt đẹp như trên thiên cung, vườn tược ao hồ, cây trái đủ thứ, không thể nào kể hết. Bọn A-tu-la thấy người nọ đi một mình liền bảo: “Nhà ngươi có thể ở đây lâu không?”. Người nọ trả lời: “Tôi sắp về nhà, không thể ở lâu”. A-tu-la thấy không ở lâu, bèn đưa cho một trái đào ăn xong, mới nói: “Nhà ngươi nên đi ra thật nhanh, sợ thân hình hóa lớn, hang không chứa nổi!”. Nghe dứt lời ấy, người nọ vội vàng chạy ra, nhưng thân thể bỗng nhiên hóa lớn, tướng mạo trở thành thô tháp. Đầu vừa chui khỏi, thân hình quá lớn đã lấp kín miệng hang, bị mắc kẹt lại, không tài nào chui hết ra được. Từ đó về sau, gần mấy trăm năm, chỉ thấy ló ra cái đầu lớn như cái lu chứa ba tạ. Có người trông thấy, hỏi chuyện. Người nọ kể rõ nhân duyên. Người ấy thương quá, nói rằng: “Bọn tôi sẽ đào đá cho thân ông chui ra, liệu thế được chăng?”. Đáp rằng: “Ơn đức biết mấy!”. Ngưới ấy đem câu chuyện và ý kiến tâu rõ lên nhà vua. Vua tôi cùng nhau bàn luận: “Đấy là kẻ phi phàm, sức địch ngàn người. Nay đào đá giúp cho chui ra, lỡ có ý đồ không tốt, ai có thể chống nổi?”. Vì thế, vẫn để yên như cũ. Người đương thời gọi là Ông tiên to đầu. Sứ giả nhà Đường là Vương Huyền Sách đã ba lần đến đó, lấy tay sờ đầu, cùng nhau nói chuyện vanh vách rõ ràng. Gần đây, có lửa hoang tàn trong núi bốc cháy sém đen cả đầu, nhưng không chết”.

Tây Quốc Chí gồm sáu mươi quyển, do triều đình soạn thuật. Nhà vua xuống sắc sai các họa sĩ vẽ tranh minh họa, cùng họp nhau làm việc ở trung đài. Còn lại bốn mươi quyển, bắt đầu làm từ năm Lân Đức thứ hai đến cuối mùa hạ năm Càn Phong nguyên niên mới hoàn thành. Ta gặp Vương Huyền Sách, được ông ấy đem chuyện này kể lại cho nghe.

2. Lại nữa, truyện Huyền Trang Pháp sư nói: “Nước Đà Na Yết Trách Ca thuộc vùng Nam An. Hai phía Đông, Tây của kinh thành dựa vào chốn núi non, đều có cảnh Tùng Lâm. Trong đó, có Luận sư Bà Tỳ Phệ Già (đời Đường dịch là Minh Biện), thường ngồi trước tượng Bồ tát Quán tự tại (đời Tấn dịch là Quán Thế Âm), tuyệt thực, chỉ uống nước, suốt ba năm, lập chí cầu nguyện được gặp Bồ tát Di-lặc. Vì thế, Bồ tát Quán tự tại hiện ra, bảo đến trước tượng lực sĩ cầm chày kim cương trong hàng lớn phía Nam kinh thành, trì tụng chú kim cương. Đủ ba năm, lực sĩ kim cương hiện ra dặn dò: “Trong hang đá này có cung điện của A tố lạc (đời Tấn gọi là cung điện của A-tu-la). Theo đúng phép mà cầu xin, vách đá sẽ mở. Hãy lập tức vào trong, chờ Di-lặc hiện xuống. Ta sẽ thông báo dùm cho”. Lại trải qua ba năm, miệng tụng chú, tay ném hạt cải vào vách đá. Bỗng nhiên vách đá mở toang ra. Bấy giờ, có hàng trăm nghìn vạn người đi xem, đều kinh hoàng thán phục. Luận sư chận chân lên miệng hang, quay lại mấy lượt, bảo mọi người cùng vào. Chỉ có sáu người vào theo, số còn lại bảo đấy là hang rắn độc, không dám bước vào. Luận sư vừa vào xong, miệng hang lập tức khép lại, liền lạc y như vách đá trước đây”.

3. Lại nữa, Pháp sư Huyền Trang nói: vào năm Trinh Quan thứ 13, Trang tôi đang ở chùa Na Lạn Đà tại nước Ma Ca Đà thuộc Trung Ấn , gặp một người thế gian kể lại rằng: “Có kẻ hiếu sắc nọ, nhân thấy kinh nói A-tu-la sinh ra con trai rất xấu, sinh con gái lại đoan chính. Nghe đồn trong núi kia có động A-tu-la gồm cả cung điện rất đẹp đẽ lạ lùng, giống hệt cảnh tượng trên trời. Kẻ ấy mơ tưởng đến chuyện dâm dục, mong được gặp nữ A-tu-la, cùng sánh lứa đôi. Do đó, thường xuyên trì tụng thần chú ròng rã suốt ba năm. Gần mãn hạn, liền được toại nguyện. Trước tiên, đem thử cho đệ tử và thân hữu thấy khả năng linh ứng. Khi sắp ra đi, kẻ ấy gọi đệ tử cùng lên đường. Đệ tử tin tưởng cũng đi theo. Chú đã hiệu nghiệm, bèn vào được cửa cung, có người giữ cửa rất nghiêm, phải đem thành tâm năn nỉ nhờ thông báo với phu nhân. Người này mới vào trình bày giúp mọi chuyện. Nữ A-tu-la vui mừng hớn hở, bảo rằng: “Mấy người đi đến?”. Thưa rằng: “Hai người”. Nữ A-tu-la căn dặn:”Cho người trì chú được vào, kẻ tùy tùng tạm chờ ngoài cửa”. Người giữ cửa ra thông báo: “Đưa người trì chú vào trong”. Khi đệ tử thấy thầy được dẫn vào xong, không ngờ mình cũng đã về đến nhà rồi, đang đứng trước cửa phía Nam. Từ đó về sau, không còn nghe tin của kẻ ấy. Nhân thế, đệ tử phát tâm xuất gia cầu đạo, tình nguyện ở chùa thờ phụng Tam bảo. Chính miệng người thế gian ấy kể lại đầu đuôi câu chuyện cho Pháp sư Huyền Trang nghe.

/72
 

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây