Tìm kinh sách
 
        Kinh Sách FULL

Pháp Uyển Châu Lâm

Giới thiệu bộ "Pháp uyển châu lâm"

Pháp uyển châu lâm một trăm quyển do pháp sư Đạo Thế tự Huyền Uẩn soạn vào đời Đường, Trung Quốc, Thị lang Lí Nghiễm viết tựa. Sách đã được ban Dịch thuật Pháp Âm chuyển sang tiếng Việt và xuất bản vào năm 2011, gồm bảy tập. Trải qua bảy năm lưu thông, năm nay theo nhu cầu của người đọc, ban Dịch thuật đã cho tái bản có sửa chữa và gom lại thành 5 tập với khổ lớn hơn.

 

Chương 31: Quyển 9 - Thiên thứ 5: Nghìn Phật - Bộ Thứ Mười Bốn: Niết Bàn

PHÁP UYỂN CHÂU LÂM

Giảng giải: Pháp Sư Đạo Thế, Đời Đường
 

THIÊN THỨ NĂM

NGHÌN PHẬT
 

TẬP MƯỜI NĂM

BỘ THỨ MƯỜI BỐN

NIẾT BÀN

 

Gồm có năm phần: Thuật Ý, Thao Quang, Phó Ai, Thì Tiết, Đệ Tử.

Thứ nhất: Phần Thuật Ý.

Chỉ vì chúng sinh hết phúc, Pháp Vương mới bỏ ra đi. Gây nên vĩnh biệt ở sông Đề lúc Ngài vừa chẳn tám mươi tuổi.

Thần uy vận dụng, tán nhỏ hóa thân, lệ huyết dù rơi, ăn năn há kịp. Nỗ lực giải đáp nghi vấn cuối cùng, tranh thủ cúng dường tiễn biệt lần chót.

Than ôi!

Đuốc tuệ mây lành, nửa đêm vụt tắt, bơ vơ đệ tử, thật đáng não nùng. Tuy nhiên, Pháp Thân tĩnh lặng, vốn đã như như, ứng thấn giáo hóa tùy thuận trần thế.

Đã gọi hiện hình, được không diệt?

Thánh phàm tuy khác, chẳng ai thoát đâu.

Thế nên, miệng dù rên nhỏ đau lưng, cũng vừa chuyển xong cam lộ, giả bộ nằm nghiêng bên phải, vẫn còn chiếu diệu hào quang. Điều ấy chứng tỏ dấu tích vô bệnh. Đến khi liệm vải nghìn tấm, còn ló hai chân, kim quan sắp đóng, chắp tay đứng chào. Điều ấy biểu hiện bằng cớ bất diệt. Do đó, tro tàn để chỉ quyền nghi, thường trụ mới là thật tướng.

Mượn Trăng thí dụ, ý nghĩa minh bạch biết bao.

Những điển tích trên đây, đọc các phần sau, sẽ được lần lượt giải thích rõ ràng.

Thứ hai: Phần Thao Quang.

Như Luận Trí Độ nói: Tu Bạt Đà La sống một trăm hai mươi tuổi, mơ thấy tất cả Trời người đều mùmắt, trần truồng trong bóng đêm.

Bảo rằng: Mặt Trời sẽ rơi xuống, núi non biển lớn sẽ khô cạn. Gió sẽ xé tan núi Tu Di. Tỉnh dậy xong, kinh hoàng sợ sệt.

Trời bảo rằng: Đấy là điềm bậc Nhất Thiết chủng trí sẽ nhập Niết Bàn, chẳng liên quan gì đến nhà ngươi. Sáng mai, đi vào rừng xin ra mắt Đức Phật, suốt ba lần, A Nan đều không cho phép. Đức Phật biết được, từ xa gọi đến trước Ngài để cùng từ biệt.

Lại nữa, Kinh Bồ Tát Xử Thai nói: Nửa đêm mồng tám tháng hai, Đức Như Lai tự tay xếp áo Cà Sa, áo giữa và áo trong, mỗi thứ gấp làm ba, đặt lên mình Ngài trong kim quang, lấy bát và gậy trao cho A Nan xong, nhập Định kim cương, biến thân thành Xá Lợi nhỏ. Từ trong kim quan, Ngài đưa cánh tay kim cương hỏi tin hai người, Ca Diếp và Ngưu si.

A Nan thưa: La Hán Ngưu si đã nhập Niết Bàn.

Ngài bảo: Nay ta vĩnh viễn nhập diệt. Rồi rút tay vào kim quan, nằm lặng yên không nói.

Ngài lại đưa ra hỏi A Nan ba lần: Ta đã giảng Kinh Ma Ha Thừa cho Bát Bộ, ông có nghe chăng?

Thưa rằng, Chỉ có Đức Phật biết được điều ấy.

Ngài lại hỏi: Ta đã Thuyết Pháp cho mẫu hậu trên Thiên Cung Đao Lợi, ông có biết chăng?

Thưa rằng: Không biết.

Lại hỏi: Ta đã Thuyết Pháp ở Long Cung, các rồng con đắc đạo, lưu lại toàn thân Xá Lợi cao một trăm ba mươi trượng, ông có biết chăng?

Thưa rằng: Không biết. Ta ở trong thai mẹ mười tháng, thị hiện pháp luân không thối chuyển cho các Bồ Tát. Thế Tôn dùng thần lực hiển hiện trong mẫu thai, đi đứng nằm ngồi. Tất cả đều tự tập trong mẫu thai ấy.

Ông có biết chăng?

Thưa rằng: Không biết.

A Nan là bậc Đại Thánh, lẽ nào không biết?

Sở dĩ nói không biết là để thôi thúc Đức Phật thị hiện thần lực vi diệu, nên mới trả lời như thế.

Lại nữa, Kinh Niết Bàn nói: 

Thiện Nam Tử!

Ta thị hiện phép Sư Tử rống lớn gọi là Đại Niết Bàn tại hai cây Sa La này. Hai cây ở phương Đông là phá vô thường để được Hữu thường.

Còn hai cây ở phương Bắc là phá Bất tịnh để được Thanh tịnh. Hết thảy đại chúng ở đây, vì hai cây Sa La, phải bảo vệ rừng Sa La, không cho người khác đến hái lá bẻ cành, đốn chặt phá hoại.

Ta cũng thế, vì tứ pháp, nên bắt các đệ tử phải bảo vệ Phật Pháp. Bốn cây Sa La này là do bốn Thiên Vương cai quản. Ta cũng làm bốn Thiên Vương bảo vệ Chánh Pháp của ta. Thế nên, ta cũng nhập Niết Bàn ở trong đó.

Lại nữa, Kinh Trung A Hàm nói: Bấy giờ, Đức Như Lai đi đến bên hai cây Sa La gấp bốn áo giữa để làm chỗ nghỉ, gấp bốn áo Cà Sa để làm gối, nằm nghiêng bên hông phải, hai chân xếp lên nhau rồi nhập Niết Bàn.

Lại nữa, Kinh Bồ Tát Xử Thai nói: Bấy giờ tám vị Quốc Vương lớn đều đem năm trăm xấp nỉ trắng mịn, trầm hương, mộc hương, bỏ hết vào kim quan. Bọc lấy kim quan bằng năm trăm xấp nỉ trắng mịn. Lại đem năm trăm xe dầu hương thơm tưới lên lớp nỉ trắng mịn ấy.

Khi ấy, Thiên Vương Đại Phạm hướng dẫn Phạm Chúng đứng bên phải. Đế Thích hướng dẫn Thiên Chúng trên Trời Đao Lợi đứng bên trái.

Bồ Tát Di Lặc và các Bồ Tát khắp Mười Phương đứng ở phía trước. Bấy giờ, Đức Thế Tôn sắp nhập Định kim cương, vận dụng thần lực bóp nát hóa thân thành Xá Lợi ở cõi Ta Bà, chuyển hóa chân pháp này. Ngài vừa suy nghĩ như thế xong, khắp Mười Phương Thế Giới lại chấn động đủ sáu lượt.

Thứ ba: Phần Phó Ai.

Như Kinh Ma Da nói: A Na Luật lên Trời Đao Lợi để thông báo với mẫu hậu Ma Da. Mẫu hậu liền giáng hạ. Kim quan tự mở nắp ra.

Đức Phật chắp tay đứng dậy bạch rằng: Thật nhọc lòng mẫu hậu từ xa xôi hạ cố.

Rồi Ngài bảo A Nan: Ông nên biết rằng, ta vì muốn làm gương cho những kẻ bất hiếu sau này, nên đã từ kim quan hiện ra vấn an mẫu hậu.

Luật Tăng Chi nói:  Hỏa táng thân Phật bên cạnh Tháp Mũ Trời.

Kinh Ca Diếp phó Phật Niết Bàn nói: Bấy giờ, Ca Diếp từ biệt Đức Phật, đi vào núi Y Trà Lê cách nước Xá Vệ hai vạn sáu nghìn dặm. Núi ấy sản xuất nhiều thất bảo, quả ngọt, đủ thứ cây hương, nhiều loại cây thuốc, không thể tính hết.

Cũng có kỳ lân, phụng hoàng, sẻ đỏ, đạo Sĩ ngoại giáo. Bấy giờ, có khối đá vuông vức bằng phẳng, sắc óng vàng như lưu ly, ngang dọc rộng một trăm hai mươi dặm.

Trên mặt đất mọc đầy cây lá ngũ sắc, xanh tốt suốt các mùa Đông, Hạ. Trước sau, Ca Diếp dạy dỗ một ngàn đệ tử, đều chứng được quả La Hán. Thường ngồi trên tảng đá này Tụng Kinh hành đạo.

Cùng một đêm nọ, bảy đệ tử đều nằm mơ. Một Tỳ Kheo mơ thấy chính giữa phiến đá bể nát, cây cối bật gốc. Một Tỳ Kheo lại mơ thấy nước suối trong trẻo suốt bốn mươi dặm đều cạn kiệt, bông hoa đều rơi rụng.

Một Tỳ Kheo lại mơ thấy bên tòa Câu la nghiêng ngửa, sụp đổ. Một Tỳ Kheo lại mơ thấy núi Tu Di đổ xuống. Một Tỳ Kheo lại mơ thấy Vua Kim luân băng hà. Một Tỳ Kheo lại mơ thấy Mặt Trời Mặt Trăng rơi rụng, mặt đất tối tăm. Sáng mai thức dậy, mỗi vị đều đem giấc mơ bạch lại cùng Ca Diếp.

Ca Diếp nói rằng: Trước đây, chúng ta từng thấy sáng sủa mà đất còn chấn động.

Các ông nằm mơ như thế, phải chăng Đức Phật sắp nhập diệt?

Lập tức bảo các đệ tử cùng trở về nước Câu Di Na.

Lại nữa, Bồ Tát xử thai nói: Khi Đại Ca Diếp đến nơi, Đức Phật đưa hai chân ra.

Ca Diếp nói kệ rằng:

Đệ tử được Phật dạy,

Đều đã siêu độ hết,

Ta đi bị lạc đường,

Ân hận không gặp Phật.

Liền đó đi quanh kim quan bảy vòng. A Nan đứng ở góc Tây bắc. Nan Đà đứng ở góc Đông bắc, Chư Thiên đứng phía sau. Cách hai cây Sa La bốn mươi chín bước thẳng về hướng Bắc, Đại Ca Diếp tự tay cầm bó củi thơm bốc cháy.

Lại nữa, Kinh Tạp A Hàm nói: Đức Phật nhập Niết Bàn xong, hai cây Sa La đơm bông rũ xuống cúng dường.

A Nan nói kệ rằng:

Năm trăm tấm nỉ quấn kim thân,

Lửa đỏ thiêu xong cháy nát tan,

Nghìn chiếc áo nỉ bằng lông mịn,

Đem ra mặc hết khắp kim thân.

Chỉ còn hai chiếc thiêu không cháy:

Chiếc phủ trên cao, chiếc liệm thân.

Thứ bốn: Phần Thời Tiết

Như Kinh Niết Bàn nói: Vì sao Đức Như Lai nhập Niết Bàn vào tháng hai?

Đức Phật bảo:

Thiện Nam Tử!

Tháng hai gọi là tháng Dương Xuân, vạn vật sinh trưởng. Bấy giờ chúng sinh ra nhiều ý tưởng thường tồn. Để phá tâm thường tồn như thế của chúng sinh, ta nói tất cả pháp đều vô thường và nói chỉ có Như Lai là thường trụ bất biến.

Trong sáu mùa, tháng Mạnh Đông khô héo, chúng sinh không ưa thích. Tháng Dương Xuân điều hòa, được người ham chuộng. Để đả phá tham luyến thế gian của chúng sinh, ta diễn thuyết Thường Lạc Ngã Tịnh.

Cũng thế, để đả phá Ngã tịnh của thế gian, ta nói Ngã tịnh chân thật của Như Lai. Từ lúc sơ sinh đến Xuất Gia, thành đạo, chuyển pháp luân nhiệm mầu, đều chọn ngày mồng tám.

Tại sao lại nhập Niết Bàn ngày rằm?

Đức Phật bảo:

Thiện Nam Tử!

Vào ngày rằm, Trăng không vơi đầy. Chư Phật cũng thế, khi nhập Niết Bàn, không có vơi đầy. Vì ý nghĩa ấy, nên Chư Phật đều cho ngày rằm để nhập Niết Bàn.

Lại nữa, Kinh Trường A Hàm nói: Bấy giờ, có vị Bà La Môn họ Hương hỏi Vua A Xà Thế rằng:

Đức Phật ra đời vào lúc nào? 

Xuất Gia vào lúc nào?

Thành đạo vào lúc nào?

Nhập diệt vào lúc nào?

Vua A Xà Thế trả lời: Đức Phật ra đời lúc sao phí vừa mọc. Nhập diệt lúc sao phí vừa mọc.

Vào lúc nào sinh ra bậc Lưỡng Túc Tôn?

Vào lúc nào ra khỏi rừng rậm khổ?

Vào lúc nào thành tựu vô thượng đạo?

Vào lúc nào nhập Niết Bàn?

Sao Phí vừa mọc sinh ra bậc Lưỡng Túc Tôn,

Sao Phí vừa mọc ra khỏi rừng rậm khổ,

Sao Phí vừa mọc thành tựu vô thượng đạo,

Sao Phí vừa mọc nhập Niết Bàn.

Mồng tám Đức Phật sinh,

Mồng tám Đức Phật Xuất Gia,

Mồng tám Đức Phật Thành Đạo,

Mồng tám Đức Phật nhập Niết Bàn.

Tháng hai Đức Phật sinh,

Tháng hai Đức Phật Xuất Gia,

Tháng hai Đức Phật thành đạo,

Tháng hai Đức Phật nhập Niết Bàn.

Tháng hai sinh bậc Lưỡng Túc Tôn,

Tháng hai ra khỏi rừng rậm khổ,

Tháng hai thành vô thượng đạo,

Tháng tám nhập Niết Bàn.

Lại nữa, Luận Tát Bà Đa nói: Vào ngày mồng tám tháng hai, lúc sao phí vừa mọc, Đức Phật vừa thành Đẳng Chánh Giác. Cũng vào lúc ngày mồng tám tháng hai, lúc sao phí vừa mọc, Đức Phật ra đời. Vào ngày mồng tám tháng tám, lúc sao phí vừa mọc, Đức Phật chuyển pháp luân. Vào ngày mồng tám tháng tám, lúc sao phí vừa mọc, Đức Phật nhập Niết Bàn.

Thứ năm: Phần Đệ Tử.

Theo Luận Trí Độ nói: Trưởng Lão Ca Diếp kết tập Tam Tạng ở núi Kỳ Xà Quật để độ chúng sinh rồi theo Đức Phật nhập Niết Bàn.

Sáng sớm, Ngài mang bát vào thành Vương Xá khất thực xong, lên núi Kỳ Xà, bảo các đệ tử: Hôm nay ta nhập Niết Bàn Vô Dư. Tất cả mọi người nghe nói đều hết sức lo buồn. Xế chiều, Ca Diếp xuất Định, và an tọa giữa đại chúng, giảng pháp vô thường khổ không vô ngã. Giảng đủ các pháp ấy xong, mang áo Cà Sa do Đức Phật truyền lại, cầm bát, đưa cao gậy, dáng như chim Kim Sí hiện hình, bay vọt lên không trung.

Thi triển mười tám phép biến hóa rồi đứng trên đỉnh núi Kỳ Xà Quật, giao phó y bát đầy đủ và nói rằng: Hôm nay, thân ta thành kim cương bất hoại. Đến khi Đức Phật Di Lặc thành đạo, thân tướng ta sẽ xuất hiện lại. Dứt lời, liền nhập vào tảng đá trên đỉnh núi, giống như nhập vào bùn mềm.

Xong xuôi, đá núi khép lại như cũ. chúng sinh về sau thọ tám vạn bốn nghìn tuổi. Thân cao tám mươi thước. Thân Đức Phật Di Lặc cao một trăm sáu mươi thước. Mặt Đức Phật ấy lớn hai mươi bốn thước. Hào quang tròn chiếu sáng mười dặm. Bấy giờ, khi chúng sinh nghe Đức Phật ấy xuất thế, sẽ có vô lượng người xin theo Xuất Gia.

Lại nữa, Kinh Đại Bi nói: Nhờ nguyện lực bản thân hộ trì, Ca Diếp ấy đứng vững giữa Hư Không, thị hiện đủ mọi phép thần thông biến hóa, rồi dùng hỏa lực của chính mình thiêu đốt bản thân. Xong xuôi, không thấy tro than hiện ra.

Lại nữa, Luận Tát Bà Đa nói: Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên, vì không nỡ nhìn thấy cảnh Đức Phật nhập Niết Bàn, nên đã nhập diệt từ trước. Bảy vạn vị La Hán cũng đồng thời nhập diệt.

Lúc ấy, tứ chúng đều hoảng hốt. Vì thế, Đức Phật đã dùng sức thnầ thông thị hiện thành hai vịđệ tử đứng đầu hai bên Ngài. Nhờ thế, chúng sinh đều vui mừng, phiền não tiêu tan mất. Đức Phật bèn Thuyết Pháp, khiến cho tất cả đều được lợi lạc.

***

/72
 

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây