Tìm kinh sách
 
        Kinh Sách FULL

Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao

ẤN QUANG PHÁP SƯ VĂN SAO
(Tăng Quảng Chánh Biên)
Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa chuyển ngữ
(trọn bộ - giảo duyệt hoàn tất ngày 26 tháng 11 năm 2006)
QUYỂN THỨ NHẤT

 

Chương 176: Luận - Quyển 2 - Phần 4 - 3. Tông - Giáo Bất Nghi Hỗn Lạm Luận

3. Tông - Giáo Bất Nghi Hỗn Lạm Luận

(Bài luận về chuyện không nên lẫn lộn giữa Thiền và Giáo)

Do người giảng kinh thường thích bàn về Thiền nên làm luận này.

Như Lai nói kinh, chư Tổ tạo luận. Hai môn Tông và Giáo vốn là một pháp. Dẫu không thể tách rời, nhưng cũng không thể hợp lại! Tùy theo căn cơ mà được lợi ích, tùy theo từng lợi ích mà đặt tên. Thượng căn vừa nghe liền nhanh chóng liễu giải tự tâm, viên tu đạo phẩm, nên gọi là Tông (Đây là ước theo đời sau mà nói, chứ thoạt đầu chỉ gọi là giáo pháp Viên Đốn). Hàng trung hạ nghe đến, tấn tu đạo phẩm, dần dần ngộ được chân lý, nên gọi là Giáo.

Đến cuối thời Tượng Pháp, Phật pháp truyền sang cõi này (Trung Hoa), căn cơ con người thông minh, nhạy bén, đa số đắc Văn Trì nên chú trọng chuyện ghi nhớ, đọc tụng, giảng nói. Tăng chúng chú trọng đến chuyện bổn phận, hướng thượng, chứ người thật chứng, thật ngộ thì ít, kẻ nói chuyện ăn, đếm của báu thì nhiều. Do vậy, đại sư Đạt Ma đặc biệt sang đây, xiển dương pháp Trực Chỉ Nhân Tâm (chỉ thẳng vào cái tâm của con người) khiến cho con người tự thấy được bản lai diện mục. Đời sau gọi đó là Tông. Đã thấy được bản lai diện mục rồi, sau đó xem kinh, tu hành, mới biết giáo pháp của toàn bộ Đại Tạng đều là những lời nói trong nhà mình, Lục Độ vạn hạnh đều là chuyện trong nhà mình. Do vậy, sự ngộ giải của Tông môn là mắt, sự tu trì của Giáo là chân. Không mắt thì không cách gì thấy đường được; không chân không thể về đến nhà. Như vậy, Tông - Giáo cần nhau, chứ không hề trái nghịch, hợp cùng nhau chứ chẳng tách lìa. Xét đến chỗ chỉ quy rốt ráo của các vị Nam Nhạc, Thiên Thai thì đại lược đều giống nhau. Do vậy, hai bộ sách Truyền Đăng Lục và Chỉ Nguyệt Lục[24] đều xếp hai vị này vào bậc Thánh Hiền ứng hóa, Cao Tăng Truyện không kể tên hai vị trong những vị nghĩa giải[25] mà xếp vào tiểu loại tu Thiền. Đấy là những vị tri thức đầy đủ con mắt thời xưa, cho Tông và Giáo là nhất quán.

Từ ngài Tào Khê (Lục Tổ Huệ Năng) trở về sau, Thiền Đạo thạnh hành, loại văn tự “chẳng lập văn tự”truyền khắp hoàn vũ. Đường giải ngày càng mở rộng, cửa ngộ[26] ngày càng lấp. Vì thế, các vị tổ Nam Nhạc, Thanh Nguyên đều dùng cơ ngữ để tiếp độ người, khiến cho Phật - Tổ đều thành ngữ ngôn, không cách nào trả lời câu hỏi được. Nếu không thật sự liễu ngộ thích đáng sẽ không thể suy lường được lời Tổ. Dùng điều đó để khám nghiệm hòng phân biệt vàng - thau, tách rời ngọc - đá vĩnh viễn, không thể giả dối để làm hại pháp đạo được! Đấy là duyên do của cơ phong chuyển ngữ!

Từ đấy về sau, pháp này ngày càng thịnh. Tri thức nêu bày, chỉ sợ lạc vào lối cũ của người khác thành ra sáo rỗng, gây nghi ngờ, lầm lạc cho người học, khiến Tông phong bị bỏ phế, rối bời; vì vậy, cơ phong được dùng ngày càng cao chót vót, không cách chi chuyển biến được, khiến cho người ta không cách nào dò dẫm, nắm níu được! Do vậy, mới có kẻ quở Phật mắng Tổ, bài xích kinh giáo, phế bỏ Tịnh Độ (hai câu của Nam Nhạc Huệ Tư đại sư đã nói trọn tác dụng như vậy: “Siêu quần xuất chúng thái hư huyền, chỉ vật truyền tâm nhân bất hội”(Tạm dịch: Siêu quần xuất chúng huyền diệu như hư không. Chỉ vật để truyền thọ tâm pháp, con người không hiểu thấu được). Nếu hiểu đó là thật pháp thì tội giống như Ngũ Nghịch!) Dùng ngôn ngữ này để tước đoạt tình kiến của con người, lấp mất lối hiểu của họ. Người căn cơ chín muồi sẽ ngay lúc đó biết đường về, triệt ngộ nẻo hướng thượng. Người căn cơ còn sống sít sẽ thật sự tận lực tham cứu đến khi nào đại triệt đại ngộ mới thôi!

Ấy là do hàng tri thức còn đông, căn cơ người vẫn còn bén nhạy, giáo lý minh bạch, tâm sanh tử thiết tha. Dù chưa thể liễu ngộ ngay khi đó, quyết chẳng chịu sanh tâm kém hèn, cho đó là thật pháp. Người đời nay đa phần ít đọc sách Nho, chẳng hiểu lẽ đời, chưa cùng tột giáo thừa, chẳng hiểu Phật pháp. Vừa mới phát tâm bèn vào ngay Tông môn. Còn hàng tri thức chỉ nhằm duy trì môn đình, cũng học đòi cổ nhân chỉ bày, xiển dương, chẳng đoái hoài chuyện lợi - hại cho pháp đạo. Người học chẳng hạ nghi tình chân thật, ai nấy cho đó là thật pháp. Hoặc có những điều người đời nay nêu lên đều là những đạo lý do họ tự ý suy lường, phỏng đoán những chuyện trong sách của cổ nhân xưa, nói chung không ngoài chuyện dựa theo văn tự để giải thích ý nghĩa, lại tự cho là mình triệt ngộ hướng thượng, đã tham học xong xuôi, tự dự vào địa vị tri thức để mở mang, chỉ dạy cho hàng hậu học!

Kẻ nắm giữ một môn đình, chỉ sợ người khác bảo mình không phải là bậc thông gia; do đó, cùng hoằng dương cả Thiền lẫn Giảng, muốn được gọi là bậc “Tông thuyết đều thông”.Bàn đến Tông thì những gì họ giảng về những lời chỉ quy hướng thượng của cổ đức toàn là giải thích ý nghĩa dựa theo văn tự. Giảng về Giáo thì đạo tu nhân chứng quả của Như Lai bị họ biến thành thuyết “dùng pháp để tượng trưng, nhằm thuyết minh ý nghĩa”. Dùng Giáo phá Tông, dùng Tông phá Giáo, người mù dẫn lũ đui, kéo nhau vào lửa! Đến nỗi về sau chẳng được nghe khuôn mẫu hay đẹp của cổ nhân, uổng công học đòi khinh Phật khinh Tổ, bài bác nhân quả mà thôi, trọn chẳng hiểu được lời lẽ của cổ nhân. Bổn phận của Tăng chúng há còn mộng thấy! Nay tôi sẽ đem lời lẽ, bản ý của Tông và Giáo phân biệt đại lược, ngõ hầu ai nấy chỉ được lợi ích, chẳng bị bệnh vậy!

Tông là gì? Giáo là gì? Về mặt diễn nói thì Tông và Giáo đều là Giáo, về mặt khế ngộ thì Tông và Giáo đều là Tông. Giáo cố nhiên có Tông, mà Tông cũng có Giáo. Tông của bên Giáo chính là diệu lý Thật Tướng, tam đức bí tạng; đấy chính là bổn phận hướng thượng của tăng chúng bên Tông vậy (Đây là đối với Tông mà nói, nên gọi Thể là Tông. Nếu luận theo Giáo thì gọi là Thể. Tông trong Giáo chính là cửa ngõ để nhập Thể, không giống như chỗ chú trọng hướng thượng của bên Tông).

Giáo của bên Giáo chính là văn tự, lời lẽ trong kinh luận và hành tướng của pháp môn, không gì đều chẳng nhằm diễn tả diệu lý, đều quy về bí tạng; cũng giống như những tác dụng của cơ phong chuyển ngữ bên Tông. Nhưng Giáo thì chưa ngộ vẫn làm cho hiểu được, còn Tông nếu chưa ngộ sẽ không biết. Đấy gọi là chỗ khác nhau [giữa Tông và Giáo].

Giáo của bên Tông chính là cơ phong chuyển ngữ, giơ nắm tay, dựng đứng phất trần, hoặc nói, hoặc im lặng, mọi thứ tác dụng đều thuận theo căn cơ của người đến tham vấn để chỉ quy hướng thượng. Những câu chuyển ngữ ấy nhằm để nêu bày lẽ hướng thượng, là ngón tay chỉ mặt trăng thật sự, chứ không phải những câu chuyển ngữ đó chính là lẽ hướng thượng hay mặt trăng thật sự. Nếu có thể nương theo ngón tay nhìn vào mặt trăng thì ngay khi đó sẽ tự thấy được vầng trăng thật sự. Vầng trăng thật sự được thấy ấy mới chính là Tông của Tông gia. Người đời nay lấy cơ phong chuyển ngữ làm Tông, chẳng cầu khế ngộ, chỉ cho rằng học theo đó sẽ hiểu thấu, tức là coi ngón tay chính là mặt trăng, không còn biết đến vầng trăng thật sự! Tiếc thay!

Vả nữa, Giáo thích hợp khắp ba căn, lợi - độn cùng thâu; ví như tờ chiếu sáng suốt của bậc vua thánh, muôn nước đều khâm phục, tôn sùng. Dù trí hay ngu, dù hiền hay tệ đều hiểu được, đều phải tuân hành; kẻ nào không tuân sẽ bị xử cực hình. Kẻ nào không tuân lời Phật dạy sẽ đọa trong ác đạo. Tông chỉ độ riêng bậc thượng căn, chẳng thâu nhiếp trung hạ. Ví như mật lệnh của vị tướng quân, kẻ trong doanh mới biết, người ngoài doanh dẫu cho thông minh cũng không thể hiểu được! Do vậy, toàn quân mới diệt được giặc, thiên hạ thái bình. Quân lịnh hễ bị tiết lộ thì ba quân sẽ tan vỡ; Tổ ấn bị tiết lộ, năm tông chết sạch. Trước khi ngộ, chỉ cho phép tham cứu thoại đầu, chẳng cho phép đọc sách Thiền thật ra là vì sợ hiểu lầm ý Tổ, coi mê là ngộ, đem giả loạn chân, đấy gọi là “tiết lộ”, cái hại rất lớn! Sau khi đại ngộ, ắt phải rộng xem ngữ lục của chư Tổ hòng quyết trạch kiến địa của mình, hòng mở mang Sai Biệt Trí, để hiểu thấu chỗ cấm kỵ của thuốc.

Lại còn phải trải qua nhiều duyên rèn luyện, khiến cho hạnh giải tương ứng mới thành bậc xuất thế, hoằng dương, xiển phát Tông phong. Người đời nay chẳng dạy người tận lực tham cứu, cứ vì người diễn giảng, khiến cho đường hiểu mở rộng, khởi ý suy đoán, dùng ý kiến của mình để hiểu ý Tổ, dường như gần giống, suy tưởng nghĩa lý. Hoàn toàn sai lầm, nhưng cứ cho là đúng. Nói không sai cho lắm thì chỉ toàn là rồng bằng đất nặn, bánh vẽ, há có thể phun mưa, đỡ đói được chăng? Do vậy, nhà Thiền phải thật sự tham cứu mới có lợi ích thật sự! Người chưa mở mắt, nghe những lời giảng nói đó, mừng rỡ lộ ra ngoài. Còn người có đầy đủ con mắt ắt sẽ đau thấu xương tủy. Hoằng dương Tông kiểu đó chỉ có tổn hại lớn, chẳng có mảy may lợi ích thật sự gì! Khác nào đem quân lịnh bảo khắp quân địch, mời mọc chúng nó đánh nhau với mình mà không tự diệt vong thì hiếm lắm! Do vậy, kẻ giả vờ ngộ đạo không biết là bao nhiêu! Kẻ hoại loạn Phật pháp thật là đông đảo!

Thêm nữa, Giáo thì do văn tự hiển lộ ý nghĩa, y nghĩa tu Quán. Quán thành tựu sẽ chứng Lý, khiến cho con người do hiểu rồi bèn nhập. Vì vậy, ngài Thiên Thai dùng Tam Chỉ, Tam Quán[27] để truyền Phật tâm ấn. Còn Tông thì lìa văn tự để hiển ý, hễ lãnh hội được ý thì minh tâm, minh tâm rồi bèn khởi hạnh, dạy hành nhân do tham cứu mà chứng đắc. Do vậy, Thiền Tông lấy “trực chỉ nhân tâm”để truyền Phật tâm ấn.

Vả nữa, nhân - quả, tu - chứng, phàm - thánh, chúng sanh - Phật, sự - lý, hành - tướng được nói trong kinh giáo vằng vặc phân minh. Nếu tu được nhân thì tự nhiên sẽ chứng quả, siêu phàm nhập thánh, tức là chúng sanh thành được Phật đạo! Đã đạt được sự này thì chẳng dính dáng đến lý nhân - quả, tu - chứng, phàm - thánh, chúng sanh - Phật, há còn mong cầu bên ngoài nữa ư? Những gì nhà Thiền nói đều quy về bổn phận, chẳng dính dáng đến “nhân - quả, tu - chứng, chúng sanh - Phật” (Đây là Lý Tức Phật). Nếu hiểu được ý này (Đây gọi là Danh Tự và Quán Hạnh Sơ Tâm), quyết định y theo cái lý “chẳng dính dáng nhân - quả, tu - chứng, phàm - thánh, chúng sanh - Phật” để khởi sự tu nhân chứng quả, siêu phàm nhập thánh thì đó chính là Sự để chúng sanh thành Phật đạo vậy (Đây là từ Quán Hạnh cho đến Cứu Cánh).

Do vậy, cổ đức sau khi đại ngộ có những vị ba lần bảy lượt xem Đại Tạng Kinh (Phần Châu Vô Nghiệp ba lượt đọc hết Đại Tạng. Ngài Tri Vi ở chùa A Dục Vương, là môn nhân của ngài Đại Huệ Tông Cảo, giam mình trên tháp viện hơn mười năm, bảy lượt đọc hết Đại Tạng. Xem trong sách Dục Vương Sơn Chí). Có người cho ngồi đọc là không cung kính, bèn quỳ đọc, đi thì đội lên đầu, đứng tụng (ngài Thê Hiền Đề ba lần đọc hết Đại Tạng đều như thế). Có vị suốt đời hằng ngày trì một bộ kinh Pháp Hoa (như các vị Vĩnh Minh Diên Thọ, Thủ Sơn Niệm). Có vị xem kinh chỉ sợ bị làm phiền, bèn dán thiếp ở cửa phương trượng, ghi: “Lúc xem kinh chẳng được hỏi han”(ngài Ngưỡng Sơn Tịch). Có vị trì thánh hiệu Quán Âm (ngài Minh Giáo Tung, mỗi ngày trì mười vạn thánh hiệu Quán Âm. Kinh sách thế gian, xuất thế gian không đọc nhưng đều biết. Lại còn có ngài Hoa Lâm Giác thường niệm Quán Âm, cảm được hai con hổ thường theo hầu). Có vị trì chú Chuẩn Đề (như Kim Hoa Câu Chi hòa thượng). Có vị mỗi ngày làm 108 Phật sự (Vĩnh Minh Diên Thọ, tụng một bộ Pháp Hoa cũng thuộc trong 108 việc ấy). Có vị đối trước tượng đứng không dám ngồi, đối trước tượng ngồi không dám nằm (ngài Đại Thông Bổn. Hễ thấy những vật thực mang tên thịt cá, Ngài không ăn). Có vị một ngày không làm sẽ không ăn suốt ngày đó (ngài Bách Trượng Hoài Hải). Còn những vị niệm Phật cầu sanh Tây Phương thì nhiều không biết bao nhiêu mà kể!

Ấy là vì ngài Bách Trượng là đích tử truyền đạo của Mã Tổ, Ngài có lời khai thị rằng: “Tu hành dùng niệm Phật là ổn thỏa, thích đáng”.Ngài còn lập ra Thanh Quy, phàm kỳ đảo cho vị Tăng bị bệnh, hóa tống Tăng đã mất, đều quy về Tịnh Độ. Do vậy, chư sư trong năm tông[28] đều chăm chú ngầm tu. Có lắm vị nhiều năm tận tụy làm những việc khó khăn (như ngài Quy Sơn làm Điển Tọa[29], ngài Tuyết Phong làm phạn đầu). Không vị nào chẳng nhằm viên mãn Lục Độ, tự lợi, lợi tha, đều trọng Pháp này như của báu, coi thường cái thân như bụi bặm, trọn chẳng hề như người đời nay khinh mạn cổ kim, khinh nhờn kinh luận! Do vậy, biết Tông là đội xung kích, Giáo là quân mạnh mẽ theo sau. Những việc họ tu là một sự, những gì họ nói là một pháp, nhưng do lập bày ngôn ngữ, kiến lập môn đình bất đồng! Kẻ ngoài cửa chẳng biết duyên do “tuy đồng nhưng không thể hợp, tuy khác nhưng chẳng thể tách lìa”, lầm lạc dựa theo ý mình, cưỡng làm chủ tể, nếu không báng bổ lẫn nhau thì cũng xen lộn.

Cái lỗi báng bổ lẫn nhau may ra kẻ ngu còn biết, chứ cái tội xen lộn thì người trí vẫn khó lòng hiểu được. Ấy là trở về nguồn thì không hai, nhưng phương tiện lắm cửa. Phương tiện của nhà Thiền vô cùng khác biệt, tợ hồ quét sạch tất cả ngôn ngữ. Kẻ không hiểu được ý, chẳng lãnh hội ý chỉ “lìa ngôn ngữ” chỉ nhai bã hèm: Nơi Tông môn bèn mở ra đường hiểu, chẳng chịu tận lực tham cứu; nơi Giáo bèn lầm học viên dung, phá hoại sự tướng. Chỉ có bậc đại đạt mới được lợi ích ở cả hai bên. Nếu không, đề-hồ, cam lộ chứa trong đồ đựng dính thuốc độc bèn biến thành phê sương, trầm độc.

Giáo tuy thường minh thị “vạn pháp duy tâm”,nhưng cần phải dựa trên Sự để luận Sự. Sự - Lý, nhân - quả, chẳng được lẫn lộn mảy may. Vốn đã có đầu thì phải có cuối, chẳng ra ngoài duy tâm. Nhà Thiền thương lượng đích thực cũng giống như thế. Nếu chỉ nêu bày hướng thượng, thì dù có chỉ muôn pháp muôn sự trọn khắp thế gian để hỏi nhưng lúc đáp luôn quy về bổn phận, trọn chẳng đem Sự luận Sự. Đó gọi là “hỏi ngay nơi đáp, đáp ngay tại chỗ hỏi”.

Dù tợ hồ dùng Sự để nói, nhưng ý nhằm đến chỗ khác chứ không phải ở tại đây. Nếu hiểu ngay nơi sự đó sẽ thành mây trắng ngàn dặm! Những thương lượng đích thực sách Thiền không chép, chỉ ghi chép những lời thuộc về bổn phận. Nếu muốn biết phải coi khắp mọi sách. Nếu không thì hãy xem bộ Vạn Thiện Đồng Quy Tập và những trước thuật của bậc Thiền Tượng trong Tịnh Độ Thập Yếu, cũng có thể thấy được đại khái.

Bàn rạch ròi Phật pháp về mặt đại thể, thì chẳng ngoài Chân - Tục nhị đế. Chân Đế thì một pháp chẳng lập, đó gọi là “Thật Tế Lý Địa chẳng nhiễm mảy trần”. Tục Đế thì không pháp nào chẳng đủ, đó gọi là “trong cửa Phật sự, chẳng bỏ pháp nào!”Giáo thì Chân - Tục cùng xiển dương, nhưng đa phần luận về Tục. Tông thì ngay từ Tục bèn nói Chân, nhưng quét sạch Tục tướng. Phải biết: Chân và Tục đồng thể, không phải là hai vật. Ví như gương báu tròn lớn, trống rỗng, sáng ngời, thông suốt, trọn không có một vật gì. Tuy trọn chẳng có vật gì nhưng lại có thể “người Hồ đến bèn hiện bóng người Hồ, người Hán đến bèn hiện bóng người Hán”. Sâm la vạn tượng thảy đều hiện. Dẫu cho mọi tướng cùng hiện, nhưng vẫn trọn không có một vật nào. Dẫu không có một vật nào, nhưng chẳng ngại gì mọi tướng cùng hiện!

Đối với chỗ “mọi tướng cùng hiện”, nhà Thiền chuyên nói “trọn không có một vật”; còn Giáo đối với chỗ “trọn không có một vật” lại nói cặn kẽ “mọi tướng đều hiện”. Ấy là đối với Sự Tu, Tông bèn chỉ rõ Lý Tánh; chứ không vứt bỏ Sự Tu. Còn Giáo thì bèn luận Sự Tu nơi Lý Tánh, nhưng vẫn quy về Lý Tánh. Đấy gọi là “xứng tánh khởi tu, toàn tu nơi tánh, bất biến tùy duyên, tùy duyên bất biến, Sự - Lý cùng được, Tông - Giáo bất nhị”vậy! Tuy trung căn, hạ căn được lợi ích nơi Giáo, nhưng nếu không phải là bậc thượng thượng căn sẽ chẳng thể thông suốt vì phải học biết rộng rãi. Tuy trung hạ căn khó thể gởi lòng nơi Tông, nhưng bậc thượng căn lại có thể đại triệt; do đó phải ước theo căn cơ vậy!

Giáo thì thế gian pháp, Phật pháp, sự - lý, tánh - tướng đều phải thông đạt, lại phải đại khai viên giải (tức là “đại triệt đại ngộ”trong nhà Thiền) thì mới có thể làm đạo sư cho trời người. Tông phải tham sao cho thấu suốt một câu thoại đầu, đích thân thấy được bản lai mới hòng xiển dương tông phong Trực Chỉ. Lúc Phật pháp đại hưng thịnh và nếu là bậc thông đạt Phật pháp thì nên y theo Tông để tham cứu. Ví như ông Tăng Dao[30] vẽ rồng, vừa chấm mắt, rồng bèn bay lên ngay lập tức. Lúc Phật pháp suy nhược, và nếu là kẻ túc căn hèn kém, hãy nên y theo Giáo tu trì. Ví như thợ vụng làm đồ vật, bỏ dây mực sẽ hoàn toàn không làm được gì.

Giáo phần nhiều nói rõ (hiển thuyết), còn Tông hay nói kín (mật thuyết). Chuyện rõ ràng trong nhà Thiền là như Tổ Đạt Ma nói: “Tịnh trí diệu viên, thể tự không tịch”hay Mã Tổ nói: “Tâm chính là Phật”,ngài Bách Trượng nói: “Linh quang riêng chiếu, thoát khỏi căn trần; thể lộ chân thường, chẳng câu nệ văn tự, tâm tánh vô nhiễm, vốn tự viên thành. Chỉ lìa vọng niệm thì chính là Như Như Phật”.Những câu này chẳng khác các kinh Đại Thừa như Pháp Hoa, Lăng Nghiêm… mảy may nào! Nói chung, trước thời Lục Tổ đa phần là hiển thuyết, kể từ Lục Tổ trở đi đa phần là mật thuyết.

Kẻ ngu chẳng biết căn cội giống nhau – khác nhau giữa ngôn ngữ của Tông và Giáo, thường thấy khi Thiền sư nêu câu hỏi, những vị thuộc bên Giáo không thể đáp được, bèn đề cao Thiền Tông, miệt thị kinh sách bên Giáo, xem kinh Phật như giấy cũ, coi lời Tổ trọng hơn luân âm (luân âm tức là thánh chỉ). Nay muốn báo ơn Phật, lợi lạc hữu tình thì bên Thiền dù chuyên xiển dương Tông phong, vẫn phải dùng đến Giáo để ấn chứng, bên Giáo thì tận lực tu quán hạnh, chẳng xen lạm lời Thiền. Ấy là vì tâm thông diệu đế, gặp duyên bèn chính là Tông. Nếu “cây bách, que phẩn khô, quạ kêu, sẻ hót, nước chảy, hoa rơi, khạc nhổ, vung tay, cười chê, giận chửi”,pháp gì, chuyện gì cũng đều là Tông, thì lẽ đâu diệu pháp viên đốn do chính kim khẩu Như Lai nói ra lại chẳng đáng coi là Tông ư?

Cần gì phải vay mượn cái then chống cửa nhà người ta để chống đỡ môn đình của mình, còn những cây tiện, cây nam[31] đẹp đẽ nhà mình sẵn có lại bỏ đi không dùng? Phải biết: Pháp không thù thắng hay kém hèn, chỉ là một đạo thường nhiên. Căn cơ có sống - chín, nên tuy chỉ là một pháp mà thành ra hết sức sai khác đó thôi. Nếu vậy, cái thuyết “giáo ngoại biệt truyền”(truyền riêng ngoài giáo) chẳng đúng hay sao? Thưa: Nói “giáo ngoại biệt truyền”nhằm để cho con người thấy được mặt trăng ở ngoài ngón tay. Vả lại cách đề trì[32] trong nhà Thiền vượt ra ngoài cách thức thông thường, nên gọi là “giáo ngoại biệt truyền”.“giáo ngoại biệt truyền”khiến bao hào kiệt mai một, nay nói toạc ra. Đối với Giáo mà nói thì là“giáo ngoại biệt truyền”, chứ cơ phong, chuyển ngữ v.v… cũng vẫn là Giáo. Đối với Tông mà nói thì [Giáo chính là] “cơ phong chuyển ngữ ngoại biệt truyền”,mới khỏi cô phụ ơn Phật, uổng công gây tạo khẩu nghiệp. Nhưng bốn chữ

Nếu thật sự những lời Phật dạy chẳng thể truyền được Phật tâm ấn, thì những vị Ca Diếp, A Nan, Mã Minh, Long Thọ đã được biệt truyền, đương nhiên sẽ truyền riêng cái pháp biệt truyền ấy, cần gì phải kết tập Tam Tạng, chú giải kinh, tạo luận để làm chi nữa? Tông phải dùng Giáo để ấn chứng cũng giống như gỗ phải cưa theo vạch dây mực mới ngay được! Tôi thường khuyên một vị cuồng Tăng niệm Phật, ông ta nói: “Lỗ mũi của nạp tăng[33] tam thế chư Phật còn chẳng mò trúng được, niệm Phật để làm gì?” Tôi nói: “Nếu quả thật mò trúng được cái mũi mà tam thế chư Phật chẳng mò trúng được thì vẫn phải thường dẫm theo vết chân của tam thế chư Phật mà đi. Nếu chẳng dẫm theo vết của tam thế chư Phật mà đi thì không phải là mò trúng lỗ mũi của nạp tăng mà là mò đúng lỗ lửa trên giường sắt, cột đồng trong A Tỳ địa ngục!” Tổ Đạt Ma nói: “Hơn hai trăm năm sau, người hiểu đạo thì nhiều, người hành đạo thì ít; người nói lý thì nhiều, người thông lý thì ít”.Ngài Trí Giả thị hiện chứng địa vị Ngũ Phẩm, ngài Nam Nhạc thị hiện chứng địa vị Thiết Luân. Do vậy, biết rằng người đời nay đối với hai môn Tông và Giáo, mở mắt còn khó, huống gì thật chứng?

Có những ai từ bi, nguyện sâu nặng, tâm sanh tử khẩn thiết, hãy nên noi theo các ngài Huệ Viễn, Trí Giả, Vĩnh Minh, Liên Trì, chuyên dốc sức nơi một môn niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ. Viết đến đây, có người bên cạnh chẳng cam lòng, quở rằng: “Phật pháp rộng lớn như pháp giới, rốt ráo như hư không, diệu tánh viên minh, lìa các danh tướng, sao ông lại đôi co, chia ranh vạch giới vậy?” Tôi đáp: “Diệu tánh tuy lìa danh tướng, nhưng danh tướng nào trở ngại diệu tánh. Hư không, pháp giới tuy không có ranh giới, nhưng ranh giới nào trở ngại hư không, pháp giới! Tôi muốn bỏ Đông về Tây nên phải biện định Nam Bắc, ngõ hầu chẳng mê phương hướng, có nơi tá túc. Lại sợ mình thấy sai lầm, muốn thỉnh giáo bậc thông đạt. Đây chính là lộ trình của kẻ thọt chân, chứ không phải là “dư bản” của Luân Vương đi!” (“Dư bản” là bản địa đồ).

Nếu là bậc Khai Sĩ hiểu thấu suốt phương hướng, là bậc đại nhân đại lượng thì pháp thế gian đều là Phật pháp, không nghiệp đạo nào chẳng phải là Phật đạo, ý Tổ, giáo lý, kinh Phật, sách Thiền vốn tự dung thông, há nào xen lộn? Tận hết cái trí của tôi chẳng thể suy lường được cảnh giới ấy. Dốc cạn sức tôi, chẳng thể trộm bén mảng ngoài rào! Lời luận hèn tệ của tôi chỉ để dành cho những người căn cơ kém tệ như tôi vậy. Sao ông lại đem chuyện bay lượn của Ca Lâu La[34] vương để quở trách loài ruồi nhặng muỗi mòng, muốn coi đều ngang như nhau vậy!
 
/199
 

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây