Tìm kinh sách
 
        Kinh Sách FULL

Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao

ẤN QUANG PHÁP SƯ VĂN SAO
(Tăng Quảng Chánh Biên)
Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa chuyển ngữ
(trọn bộ - giảo duyệt hoàn tất ngày 26 tháng 11 năm 2006)
QUYỂN THỨ NHẤT

 

Chương 181: Luận - Quyển 2 - Phần 4 - 8. Vãn hồi kiếp vận hộ quốc cứu dân chánh bản thanh nguyên luận

8. Vãn hồi kiếp vận hộ quốc cứu dân chánh bản thanh nguyên luận

(Luận về “gốc chánh nguồn trong” của việc vãn hồi kiếp vận bảo vệ đất nước cứu dân)

Đạo đức, nhân nghĩa chính là tánh đức sẵn có của chúng ta. Nhân quả, báo ứng quả thật là phương tiện quyền biến lớn lao để sanh thành dưỡng dục của thiên địa. Con người sống giữa trời đất; cái thân bảy thước nhỏ nhoi lại đứng cùng trời đất rộng lớn, cao dày không lường thành ba yếu tố, gọi chung là Tam Tài. Ai lãnh hội được đức của trời đất sẽ đều là Nghiêu, Thuấn, đều có thể thành Phật, góp phần giúp đỡ sự sanh thành dưỡng dục vậy. Vì thế, đối với hai tượng Càn - Khôn trong kinh Dịch, thánh nhân lấy pháp“tự cường không ngơi”của Trời, lấy “đức dày chở vật”của Đất để giáo hóa con người. “Tự cường không ngơi”thì ngăn lòng tà, giữ lòng thành, khắc kỷ, giữ lễ, không đạt đến mức “làm sáng tỏ Minh Đức, trụ nơi chí thiện, trừ hết sạch lòng ham muốn của con người, thiên lý lưu hành” để khôi phục lại tánh đức sẵn có thì không đành lòng! “Đức dầy chở vật” thì yêu dân, thương vật, khiến cho chính mình lẫn người đều ôm lòng chuyên chú trung hậu, khoan thứ, hành từ bi, coi như ruột thịt, coi loài vật và ta giống hệt như nhau, không tận hết thiên chức góp phần tán trợ sự sanh thành dưỡng dục thì chẳng thôi!

Những lời này chẳng phải chỉ để nói về hạng người có địa vị, nắm quyền cai trị, mà ngay cả thất phu, thất phụ cũng đều có thể hành được; bởi lẽ, đạo của Nghiêu - Thuấn chỉ là hiếu - đễ mà thôi! Cái học của thánh hiền chỉ là tu thân mà thôi! Tu được thân, ắt sẽ tu hiếu đễ, ắt trừ sạch vật dục, mở rộng lương tri để cho riêng thân mình được thiện, nhưng sẽ có hiệu quả [giống như Văn Vương] nêu gương cho vợ, gương ấy lan đến anh em, rồi phổ biến khắp đất nước! Huống chi người có địa vị nắm quyền cai trị, há lẽ nào chẳng khiến cho thiên hạ đều cùng được tốt lành ư? Thiên hạ loạn lạc, thất phu có trách nhiệm! Nếu ai nấy đều dốc tận lòng thành, ai nấy tận sức hiếu - đễ, ai nấy làm điều từ thiện, thương cô nhi, giúp đỡ kẻ góa bụa, cứu nạn, thương nghèo, kiêng giết, phóng sanh, ăn chay, niệm Phật, thì do con người dùng điều lành để cảm, trời sẽ ứng phước xuống, tự nhiên mưa thuận, gió hòa, dân yên, vật thịnh vượng, quyết chẳng đến nỗi trời thường giáng những tai nạn như lụt lội, hạn hán, ôn hoàng[48], gió bão, động đất v.v…mà thời thế sẽ yên ổn, được mùa, dân an cư lạc nghiệp. Lại còn từ hòa, nhân nhượng, quen tập thành phong tục. Dẫu có một hai kẻ ngu độn ương bướng, cũng sẽ hóa thành lương thiện. Như cảm hóa được chàng quân tử trên kèo nhà[49] thì một phương sẽ vĩnh viễn tuyệt sạch nạn trộm cắp; điều phục được đứa dòm lén trong nhà kín thì từ đấy về sau nó sẽ thành người lành.

Cổ nhân dùng nhân từ để cai trị, chân thành yêu dân, còn cảm hóa được dị loại, như những chứng cớ tốt lành: hổ không vào cõi ấy, cá dữ bỏ sang nơi khác v.v…. chép trong các sử sách, nào phải chỉ một chuyện! Nếu ai nấy đều có thể dùng từ thiện tương cảm, quyết chẳng đến nỗi thường có những cái họa: thổ phỉ, đao binh, giày xéo, cướp đoạt v.v… Nhưng bẩm tánh con người có vàn muôn thứ chẳng giống nhau. Người căn tánh thiên bẩm sâu dày, ắt tự có thể tận lực tuân thủ đạo nghĩa để tận hết trách nhiệm con người. Những người có tập khí sâu dầy từ kiếp trước, nên tánh đức bị ngăn lấp, đến nỗi những gì tâm họ nghĩ, những gì tâm họ nói, những gì thân họ làm mỗi mỗi đều trái nghịch đạo nghĩa. Nhưng do nghe đến lẽ phước thiện họa dâm và trông thấy sự thiện ác báo ứng thì chưa ai chẳng kinh hoàng, run sợ, bèn tự tu tỉnh, mong sao được phước khỏi họa!

Do vậy, biết rằng trời đất dùng phước thiện dâm họa làm phương tiện lớn lao để thâu tóm con người đều tuân thủ đạo đức nhân nghĩa. Thánh nhân vốn dùng cái tâm của trời đất để giáo hóa. Vì vậy, những câu “thuận theo đạo lý dẫn đến điều lành, trái nghịch lại sẽ đưa đến hung hiểm, ngũ phước, lục cực, làm lành thì trăm điều tốt lành giáng xuống, làm ác thì trăm sự tai ương giáng xuống, nhà tích thiện ắt điều vui có thừa, nhà tích điều bất thiện ắt tai ương có thừa”thường thấy đầy trong các kinh. Do vậy, cảm phát thiện tâm của con người, nghiêm cấm, răn đe chí ý phóng dật của con người hết sức thâm thiết. Nhưng cát - hung, họa - phước do nhân quả báo ứng chính là chứng nghiệm sự chân thật hay giả dối của việc y thuận hay trái nghịch đạo đức, nhân nghĩa. Đã biết là chứng nghiệm thật sự thì muốn làm lành ắt sẽ càng thêm mạnh mẽ, hăng hái cho đến khi thành tựu; muốn làm chuyện chẳng lành sẽ sanh lòng sợ hãi, có khi không dám làm. Như vậy, đề xướng nhân quả báo ứng chính là vâng theo tâm thiên địa, thánh nhân để thành toàn tánh đức “đạo đức, nhân nghĩa” cho người đời.

Nếu coi nhân quả báo ứng là chuyện mông lung không bằng cớ, thì chẳng những trái nghịch tâm thiên địa thánh nhân mà thần thức của chính mình còn vĩnh viễn bị đọa trong đường ác. Lại còn khiến cho bậc thượng trí không thể dũng mãnh quyết chí ưu thời mẫn thế để tu đức của mình, kẻ hạ ngu không e dè gì, dám làm chuyện ác đến nỗi quyền nuôi dạy của thiên địa, thánh nhân bị ngăn trở không tỏ lộ được; cái lý vốn sẵn có trong tâm của chúng ta sẽ bị ẩn, không sao hiển lộ được! Cái họa ấy khôn xiết kể! Nhưng thánh nhân thế gian lời lẽ giản lược, lại chỉ nói chuyện đời này và con cháu; còn như chuyện trước khi sanh và chuyện sau khi chết, cũng như nhân duyên tội phước từ vô thỉ đến nay, luân hồi sáu nẻo, đều chưa thể làm cho sáng tỏ được! Bởi vậy, kẻ thấy biết nông cạn dù hằng ngày đọc những lời dạy về nhân quả báo ứng của thánh nhân, vẫn không tin vào nhân quả báo ứng!

Đại giáo của Như Lai hiển thị sự mầu nhiệm của tâm tánh chúng ta cũng như sự tinh vi của lẽ nhân quả ba đời. Phàm là đạo cách vật trí tri, thành ý chánh tâm, tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ và pháp đoạn Hoặc chứng chân liễu sanh thoát tử không gì chẳng nêu đầy đủ. Do vậy, gặp cha nói về từ, gặp con nói đến hiếu, anh nhường, em kính, chồng xướng, vợ theo, chủ nhân từ, tôi tớ trung thành, ai nấy trọn hết bổn phận, như vậy là trọn chẳng khác với những gì thánh nhân thế gian đã dạy; nhưng với mỗi một điều lại chỉ rõ nhân trước quả sau là những điều thánh nhân thế gian chưa hề đề cập tới. Những lời dạy về tận phận, tận nghĩa, chỉ có thể dạy được bậc thượng trí, chứ chẳng thể chế phục kẻ hạ ngu. Nếu biết nhân quả báo ứng thì thiện - ác, họa - phước rõ ràng như xem ngọn lửa, ai lại chẳng muốn xuôi theo điều tốt lành, tránh né điều hung hiểm, tránh nạn được phước ư?

Vả nữa, chẳng biết nhân quả sẽ đa phần phô bày tướng thiện bề ngoài, chứ thật ra ngầm ôm lòng ác để làm chuyện ác. Cứ nghĩ rằng người ta đã không biết, nào có trở ngại gì! Chẳng biết cái tâm chúng ta tương tức tương thông[50] với tâm thiên địa, quỷ thần, và chư Phật, Bồ Tát. Hễ mỗi khi chúng ta khởi lên một niệm, các vị ấy không điều gì không biết! Vì thế, nói:“Những lời nói riêng tư trong nhân gian, chư thiên nghe như tiếng sấm. Tâm tồi tệ trong nhà kín, trong mắt thần giống như ánh chớp”.Ông Châu An Sĩ nói: “Ai nấy đều biết nhân quả, ấy chính là đạo để thiên hạ đại thái bình vậy! Người người không biết nhân quả, chính là đạo gây đại loạn vậy!”Quả là ân Phật thấm đẫm con người; chỉ vì con người không suy nghĩ sâu xa nên chẳng hề biết đến vậy!

Đời thượng cổ, tánh tình con người thuần phác, hơn hẳn những đời sau tệ bạc biết bao lần! Ân trạch của Văn Vương thấm nhuần đến cả xương khô suốt mấy trăm năm; nhưng cái phong tục giết người tuẫn táng đầy khắp thiên hạ. Chư hầu thời Liệt Quốc[51] chết đi, giết theo những sủng thần, thiếp yêu cả mấy chục, mấy trăm người. Chẳng những không sanh lòng thương xót, lại còn ngược ngạo cho đó là vinh, ai nấy đua nhau học theo. Ngay như Tần Mục Công là vua hiền, còn giết một trăm bảy mươi bảy người để tuẫn táng theo. Ba người con của Tử Xa là bầy tôi trung lương của đất nước, mà cũng chẳng vì nước và dân mà được tính miễn trừ! Huống chi những bạo quân vô đạo khác! Vua cả một nước đã như thế thì đại phu và các quan ai nấy cũng tùy sức làm theo. Dù Khổng, Mạnh, Lão, Trang cùng xuất hiện cũng không thể ngăn dứt được!

Đến khi Phật giáo truyền sang Đông, xiển minh nhân quả báo ứng, dạy người kiêng giết, phóng sanh, bỏ ăn mặn mà ăn chay thì trùng, kiến, rận rệp còn được thương tiếc, che chở, không đành sát hại, huống chi con người! Do hết thảy chúng sanh đều có Phật Tánh, đều biết tham sống sợ chết, đều là cha mẹ quyến thuộc trong quá khứ, đều là vị lai chư Phật Thế Tôn. Vì thế phải thương xót, che chở, nào dám giết hại bừa bãi để thỏa bụng miệng. Gió Từ vừa thổi, thắng hung tàn, trừ sát hại. Đừng nói chi hàng chư hầu, đại phu, quan chức chẳng dám giết người tuẫn táng, ngay cả kẻ hướng mặt về phía Nam xưng Trẫm[52] cũng chẳng dám hành ác pháp này. Dẫu có một hai kẻ bạo ngược làm như thế, cũng trọn chẳng dám cho giết nhiều người là vinh! Nếu không có thuyết sanh tử luân hồi, nhân quả báo ứng của Phật pháp thì người đời sau hết tuổi thọ rồi mới chết cũng là chuyện hiếm hoi lắm.

Đấy mới là pháp thiển cận mà hiệu quả còn được như thế, huống gì những lý luận về tâm tánh cực sâu xa và đạo đoạn Hoặc chứng Chân ư? Như Lai tùy thuận chúng sanh, từ từ khuyến dụ khéo léo. Thoạt tiên, dùng Nhân Thiên Thừa Ngũ Giới Thập Thiện để tiếp dẫn những căn cơ kém cỏi, dùng đó làm phương tiện ban đầu để siêu phàm nhập thánh, liễu sanh thoát tử. Nếu căn cơ hơi sâu hơn, bèn giảng Tứ Đế, Thập Nhị Nhân Duyên khiến cho đoạn Kiến Tư Hoặc, chứng Thanh Văn, Duyên Giác là những quả Nhị Thừa. Nếu là căn tánh Đại Thừa bèn dạy phát Đại Bồ Đề tâm, tu khắp Lục Độ vạn hạnh, thượng cầu hạ hóa chúng sanh, khởi lòng Vô Duyên Từ, khởi Đồng Thể Bi, chẳng trụ vào Sắc, Thanh, Hương, Vị, Xúc, Pháp để hành Bố Thí và Lục Độ vạn hạnh, độ thoát hết thảy chúng sanh, khiến cho họ nhập Vô Dư Niết Bàn, nhưng chẳng thấy ta là người hóa độ và người khác cùng chúng sanh là kẻ được độ, , và tướng thọ giả của Vô Dư Niết Bàn để chứng. Do chẳng chấp vào bốn tướng nên tam luân thể không. Vì vậy, Trần Sa vô minh nhân đó bèn tiêu diệt. Tùy theo công hạnh, lần lượt chứng các quả Bồ Tát Thập Trụ, Thập Hạnh, Thập Hồi Hướng, Thập Địa, Đẳng Giác, và hiển lộ toàn thể tự tánh, triệt ngộ duy tâm, phước huệ viên mãn, Phật Quả trí đoạn rốt ráo.

Lại do căn cơ chúng sanh đời mạt kém hèn, nếu không cậy vào thệ nguyện lực lớn lao của Như Lai quyết sẽ khó thể thoát khỏi sanh tử ngay trong đời này. Vì vậy, do lòng đại từ bi, Phật đặc biệt mở ra pháp môn Tịnh Độ cậy Phật từ lực, liễu sanh thoát tử. Chỉ cần đầy đủ lòng tin chân thật, nguyện thiết tha, trì danh hiệu Phật, cầu vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, làm một mảy may điều thiện thế gian nào cũng như mọi công đức Lục Độ vạn hạnh đều đem hồi hướng vãng sanh. Đây chính là dùng tín nguyện của chính mình để cảm Phật từ bi, cảm ứng đạo giao, ắt được Phật nhiếp thọ. Đợi đến khi lâm chung, được Phật tiếp dẫn vãng sanh Tây Phương. Đã vãng sanh rồi sẽ lìa xa trọn vẹn các khổ, chỉ hưởng các sự vui, thân cận Di Đà, dự vào hải chúng, chứng Vô Sanh, thành giác đạo, như trao bằng khoán lấy lại vật cũ. So với các pháp cậy vào tự lực để liễu sanh thoát tử khác thì sự khó - dễ cố nhiên là khác biệt một trời một vực.

Hơn nữa, cậy vào tự lực thì trong trăm ngàn vạn người khó được một hai kẻ liễu thoát ngay trong đời này, bởi lẽ Định - Huệ phải trọn đủ, phải hết sạch Hoặc nghiệp thì mới được như nguyện. Nếu Hoặc nghiệp còn mảy may chưa đoạn hết thì sanh tử luân hồi quyết khó thể xuất ly. Cậy vào Phật từ lực thì tín nguyện chân thành thiết tha, vạn kẻ chẳng sót một ai! Độ khắp ba căn, gồm thâu lợi - độn, thượng căn thì mau chứng Pháp Thân, hạ căn bèn đới nghiệp vãng sanh. Bản hoài độ tận chúng sanh của Như Lai chỉ có mình pháp môn Tịnh Độ mới có thể thỏa rốt ráo được. Do có những sự lợi ích như trên cho nên xưa nay, vua thánh, tôi hiền, hào kiệt, vĩ nhân không ai chẳng tự hành, dạy người, hộ trì lưu thông, để về mặt ngầm là giúp cho việc trị nước, còn mặt hiển là yên dân tình, tiêu họa loạn khi chưa chớm nẩy, chứng Phật Tánh vốn sẵn có.

Gần đây, thế đạo nhân tâm ngày càng đi xuống, ai nấy chấp vào sự hiểu biết của chính mình, cạnh tranh với nhau đến nỗi đao binh liên miên, không lúc nào yên ổn. Hễ người trên thích điều gì, kẻ dưới ắt làm cho được. Những tên dân ương bướng đều thành thổ phỉ hết, mặc tình cướp đoạt, độc hại dân sanh. Do sự ác của con người chiêu cảm, nên trời bèn ứng thiên tai, lụt lội, hạn hán, tật dịch, gió bão, động đất, đủ mọi tai họa thảm khốc thường thấy xảy ra luôn, vận nước nguy ngập, dân không lẽ sống! Muốn ra tay cứu vớt, nhưng khổ nỗi không sức, chỉ khẩn cầu những vị đương có quyền thế và hết thảy đồng bào, ai nấy hãy dùng cái tâm trung hậu, khoan thứ sẵn có để hành đạo từ bi, coi hết thảy nhân dân đều như người ruột thịt, nâng đỡ lẫn nhau, chớ nên tàn hại! Nghĩ đến tiền nhân hậu quả ắt sẽ tu đức hành nhân, lợi người quả thật chính là lợi mình, đời này, đời khác phước báo vô cùng. Hại người gây ra sự khổ còn hơn tự hại, đời này, tương lai, khổ báo vô tận! Phô phang quyền thế trong một lúc để rồi thần thức chịu khổ mãi bao kiếp. Sao bằng tu đức suốt đời, ngõ hầu thân tâm được hưởng vui sướng nhiều đời!

Nhưng còn trong địa vị phàm phu chưa đoạn được Hoặc nghiệp, dẫu sanh vào nhân thiên, rốt cuộc vẫn chẳng phải là chỗ an ổn rốt ráo. Nếu có thể tùy phận, tùy sức, trì danh hiệu Phật, cầu sanh Tây Phương, để mong khi hết Báo Thân này sẽ cao đăng Cực Lạc, đấy là đạo thoát khổ tối thượng. Nhưng đường đường là trượng phu, nỡ để Phật tánh sẵn có thường bị Hoặc nghiệp xoay chuyển, chịu sanh tử đau khổ ư? Trong Trung Hoa Tân Báo, ông Trương Quý Loan mỗi ngày chuyên dành riêng một cột để in bài đề xướng Phật học, tùy thời đăng tải hết những chuyện Như Lai ứng hóa, pháp đạo lưu thông, tội phước do tin nhận hay hủy báng, lợi ích do tu trì, và những ngôn luận sự tích kiêng giết, phóng sanh, ăn chay niệm Phật, ngõ hầu những vị đọc báo đều cùng ngộ được lý “Phật, tâm, chúng sanh ba điều không sai biệt” và làm chuyện “đoạn ác, tu thiện, khôi phục nguồn tâm sẵn có”. Tôi cho rằng đây quả thật là đạo “gốc chánh, nguồn trong” để giữ nước, bảo vệ dân, nhân đó toan đem những điều quan trọng về thiên chức của chúng ta, sự sanh thành dưỡng dục của trời đất, tâm pháp của thánh hiền, cương yếu của Phật giáo, và nguồn gốc đời loạn, nguyên do thái bình, thuật đại lược hòng cống hiến cho bậc cao nhân có đủ con mắt trong cõi đời, nhưng thẹn mình văn tự thô vụng, chất phác, chẳng thể diễn tả sâu xa, uẩn súc. Tuy vậy, về mặt ý nghĩa cố nhiên chẳng phải là bàn xằng, bịa đặt, nên có thể chấp nhận được!

Hơn nữa, con người sống trong thế gian, việc thành đức đạt tài, dựng lập công nghiệp, cũng như thành được một tài một nghề để nuôi thân mình và gia đình đều phải nhờ vào sức văn tự chủ trì giúp đỡ thì mới được thành tựu. Chữ nghĩa là của báu quý nhất trong thế gian, có thể khiến cho phàm thành thánh, ngu thành trí, nghèo hèn trở thành phú quý, bệnh tật trở thành khỏe mạnh, yên ổn. Đạo mạch thánh hiền được lưu truyền thiên cổ, việc kinh doanh của gia đình mình được truyền đến con cháu, không gì không nhờ vào sức văn tự. Nếu cõi đời không có văn tự thì hết thảy sự lý đều chẳng thành lập, con người chẳng khác gì cầm thú! Đã có công sức như thế, cố nhiên phải nên trân trọng mến tiếc chữ nghĩa. Trộm thấy con người hiện thời mặc tình khinh nhờn, quả thật coi của quý báu nhất khác nào phân, đất; sao không đến nỗi hiện đời tổn phước, giảm thọ; đời sau trở thành vô tri vô thức ư? Thêm nữa, chẳng những không được khinh nhờn, ruồng rẫy văn tự hữu hình, mà đối với chữ nghĩa vô hình lại càng chẳng được khinh nhờn, ruồng rẫy! Hiếu, đễ, trung, tín, lễ, nghĩa, liêm, sỉ, nếu chẳng tận sức thực hiện thì chính là quên mất tám chữ đó. Đã quên mất tám chữ ấy thì sống làm hạng cầm thú mặc áo, đội mũ; chết sẽ đọa trong tam đồ ác đạo, có đáng buồn hay chăng?

Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao

Quyển Thứ Hai

(Phần 4 hết)
/199
 

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây