Tìm kinh sách
 
        Kinh Sách FULL

Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao

ẤN QUANG PHÁP SƯ VĂN SAO
(Tăng Quảng Chánh Biên)
Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa chuyển ngữ
(trọn bộ - giảo duyệt hoàn tất ngày 26 tháng 11 năm 2006)
QUYỂN THỨ NHẤT

 

Chương 63: [THƯ 63]: Trả lời thư cư sĩ Vưu Hoằng Như

Các hạ túc căn sâu dầy, tâm mộ đạo tha thiết, lại là bạn thân thiết với đại sư Hoằng Nhất, nay muốn buộc Quang làm pháp khế[62] trong hội Liên Trì, khôn ngăn vui sướng, nhưng do nhân duyên phơi kinh nên chẳng rảnh rỗi để trả lời ngay, thiếu sót quá! Quang tuổi nhỏ thiếu học vấn, đến già không biết gì. Hai ba năm gần đây, thường có những người lầm nghe lời người khác, hỏi đến, chỉ đem những gì mình biết được, mình làm được ra đáp. Còn như những nghĩa lý tinh vi trong Phật pháp, thật chứng nơi Thiền Định, Quang không biết được, cũng chẳng dám không biết coi như biết, vọng động bàn luận. Sư Hoằng Nhất bác học đa văn, còn Quang hèn kém, nhưng giữ tấm lòng khá chân thật, chuyện tu hành đương nhiên y theo bổn phận của kẻ kém hèn, nên châu toàn cho nhau, quả thật chẳng dám chạm mặt. Nay Sư phát tâm bế quan, cự tuyệt hết thảy, ắt sẽ tự chứng Niệm Phật tam-muội hòng giúp hết thảy kẻ hữu duyên, khôn ngăn mong mỏi. Người đời nay nghiên cứu Phật pháp, đa số muốn thành một bậc đại thông gia, mong đối trước hết thảy đại chúng thanh đàm cao luận, khiến cho người khác nể phục, ít ai vì liễu sanh tử mà chuyên học Phật pháp. Nếu các hạ muốn thành một người bậc nhất thì tri kiến của Quang trọn chẳng thể đưa lại lợi ích kém cỏi nào, hãy nên cầu học với bậc đại thông gia trong giới Tăng tục đương thời mới hòng chẳng uổng lòng kỳ vọng. Còn nếu muốn trong cõi tục tu chân, dùng quang âm hữu hạn để kiêm lo liệu chuyện đời, lại mong ngay trong đời này nhất định liễu sanh tử thì Quang chẳng ngại đem những gì mình nghe được từ cổ nhân thuật lại cùng các hạ.

Ngài Mộng Đông nói: “Thật vì sanh tử, phát Bồ Đề tâm, dùng tín nguyện sâu trì danh hiệu Phật”.Mười sáu chữ này là đại cương tông của pháp môn Niệm Phật. Đoạn khai thị này tinh vi, khẩn thiết đến cùng cực, hãy nên đọc kỹ. Mộng Đông Ngữ Lục từ ngữ lẫn lý lẽ đều châu đáo, là kim chỉ nam cho Tịnh tông. Nếu muốn tìm cầu cao hơn thì có bộ Di Đà Yếu Giải của Ngẫu Ích lão nhân gia, quả thật là người hướng dẫn tốt lành thiên cổ độc nhất vô nhị. Nếu có thể chết lòng nương theo hai bộ sách ấy thì chẳng cần phải nghiên cứu hết thảy kinh luận, chỉ thường xem đọc ba kinh Tịnh Độ và Thập Yếu, ngửa tin lời thành thật của Phật, Tổ, sanh lòng tin chân thật, phát nguyện khẩn thiết, dùng lòng chí thành cung kính trì danh hiệu Phật. Dẫu ở trong nhà tối phòng kín vẫn như đối trước Phật, trời, khắc kỷ, giữ lễ, cẩn thận, kiêng dè, giữ lòng thành, chẳng học đòi những phường thông nhân trong thế gian gần đây trọn chẳng câu thúc, phóng túng không kiêng dè. Quang tuy là sanh tử phàm phu, dám bảo đảm các hạ trong đời này sẽ từ tạ Sa Bà, cao dự hải hội, đích thân làm đệ tử Phật Di Đà, làm bạn lành của Đại Sĩ. Nhưng đối với pháp Tịnh Độ, nếu chẳng chết sạch cái lòng mong ngóng ngấm nghé[63], quyết chí tu trì, trọng lòng kính, giữ lòng thành, khắc kỷ, giữ lễ, lại toan đem lẽ không chấp trước để làm lá bùa khéo léo che đậy thói coi thường, tán loạn, buông lung mà hòng được lợi ích thì Quang do hiểu biết kém tệ chẳng thể nào hiểu được chuyện ấy! Những điều khác trong bộ Văn Sao dở tệ của Quang đã trình bày rõ. Do vậy, không cần đọc nhiều, xem kinh thì chỉ có cung kính mới được lợi ích. Nếu không cung kính, dẫu có được lợi ích thì chẳng qua cũng chỉ là hiểu ý nghĩa theo mặt chữ, chứ nghiệp tiêu trí rạng, triệt ngộ tự tâm, trọn chẳng thể cầu may như thế. Huống chi cái lỗi khinh nhờn càng không thể nói được. Đấy là căn bệnh chung của cả thế gian, chỉ đành đau đớn khóc lóc thở dài mà thôi!

Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao

Quyển Thứ Nhất

(Phần 3 hết)

 

[1] Gọi là “hai sách Sớ Sao”, vì ngài Liên Trì viết Di Đà Sớ Sao, đệ tử Ngài viết cuốn A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa để chú giải thêm lời Sớ Sao.

[2] Lão nạp: Tiếng tự xưng của các vị tăng sĩ. Do ca-sa bằng các mảnh vải khâu chằm lại, nên thường gọi là nạp-y (áo chằm vá), các tăng sĩ cũng thường xưng là lão nạp hay nạp tử.

[3] Âm Chất Văn là thiên sách tương truyền do Văn Xương Đế Quân soạn ra. Ông Châu Mộng Nhan chú giải thiên sách này tường tận nên gọi là công thần của Đế Quân. Người ta thường đồng nhất Đế Quân với sao Văn Xương (tức Văn Xương Tinh Quân). Theo thiên Kê Chí của Minh Sử, Văn Xương Đế Quân còn có hiệu là Tử Đồng Đế Quân, họ Trương, tên Á Tử, làm quan nhà Tấn, tử trận được lập miếu thờ tại Độc Thất Khúc Sơn (thuộc huyện Tử Đồng, tỉnh Tứ Xuyên). Có thuyết nói Ngài sống vào thời Đường, sùng tín Đạo Giáo, do phẩm đức cao đẹp nên sau khi chết được dân lập miếu thờ tại Độc Thất Khúc Sơn. Miếu ấy nay vẫn còn tên là Thanh Hư Quán. Lúc đó, Ngài chỉ mới được gọi là Tử Đồng Thần. Đến thời nhà Nguyên, vào năm Diên Hựu thứ 3 (1316), Đế Quân được Nguyên Nhân Tông phong tặng là Phụ Nguyên Khai Hóa Văn Xương Tư Lục Hoằng Nhân Đế Quân, nên từ đó ngài thường được gọi là Văn Xương Đế Quân. Theo Đạo Giáo, Ngài được Thượng Đế giao cai quản phủ Văn Xương, chủ trì văn học, đỗ đạt. Bản Âm Chất Văn xuất hiện vào thời Nam Tống.

[4] Thương Thư là một thiên sách của kinh Thư, gồm những bài ngắn ghi lại những sự việc liên quan đến nhà Thương.

[5] Bành Thiệu Thăng (1740-1796), cư sĩ học giả đời Thanh, người Trường Châu (Ngô Huyện), tỉnh Giang Tô, tự Doãn Sung, hiệu Xích Mộc, còn hiệu là Nhị Lâm cư sĩ, pháp danh là Tế Thanh. Ông đậu tiến sĩ đời Càn Long, nhưng không ra làm quan. Ông thông suốt sách Nho, rất giỏi về Lý Học, tu Tiên suốt ba năm không thành tựu gì. Về sau, đọc kinh Phật mãi đến năm 29 tuổi mới chuyển sang tin Phật, tự đặt hiệu là Tri Quy Tử. Ông xem khắp Đại Tạng Kinh, thọ Bồ Tát giới, ăn chay, trì giới. Rồi lại học Tịnh Độ với ngài Văn Học Định Công (1712-1788), bế quan ở Văn Tinh Các tại Tô Châu tu Nhất Hạnh tam-muội. Bình sinh ông tận lực hoằng dương Tịnh Độ, chủ trương Thiền Tịnh dung hợp, Phật Nho nhất trí. Những tác phẩm tiêu biểu của ông là Hoa Nghiêm Niệm Phật Tam Muội Luận, Tịnh Độ Tam Kinh Tân Luận, Cư Sĩ Truyện, Thiện Nữ Nhân Truyện, Tịnh Độ Thánh Hiền Lục v.v…

[6] Trình Minh Đạo, Trình Y Xuyên và Châu Hy là những người sáng lập Tống Nho, đã vay mượn lý thuyết Phật giáo để đưa những khái niệm như Lý và Khí vào trong Nho Giáo, rồi lại quay ra đả kích Phật giáo.

[7] Thích Thị Kê Cổ Lược (gọi tắt là Kê Cổ Lược) là một bộ biên niên sử Phật giáo do sư Bảo Châu Giác Ngạn soạn vào niên hiệu Chí Chánh thứ mười bốn đời Nguyên (1354), gồm bốn cuốn, được xếp vào tập 46 của Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh. Nguyên lai, bộ này chép từ lúc đạo Phật được truyền vào Trung Hoa cho đến cuối đời Nam Tống. Năm Sùng Trinh thứ 11 (1638) đời Minh; Huyễn Luân soạn tiếp bộ Thích Thị Kê Cổ Lược Tục Tập gồm ba quyển, chép từ năm Chí Nguyên nguyên niên đời Nguyên (1264) đến năm Thiên Khải thứ 7 (1627) đời Minh.

[8] Ý nói sách chép theo lối biên niên, tức là những sự kiện được trình bày theo thứ tự thời gian.

[9] Liễu Hoa Dương không rõ năm sanh, môn nhân của ông ta thường ngoa truyền họ Liễu sanh vào năm đầu niên hiệu Càn Long (1736) để chứng tỏ ông ta đã thành tiên sống rất lâu. Họ Liễu là người làng Hồng Đô (nay là Nam Xương, tỉnh Giang Tây), lúc nhỏ học Phật từng xuất gia tại chùa Song Liên ở Hoán Thủy, sau bỏ theo học tu tiên với đạo sĩ Ngũ Thủ Dương của Toàn Chân Giáo Long Môn Phái. Do vậy, đôi khi các sách vở Đạo Giáo vẫn gọi ông ta là Liễu Hoa Dương thiền sư thay vì Liễu Hoa Dương Chân Nhân. Theo môn nhân, một đêm kia, Hoa Dương nghe một vị trưởng lão nói: “Xưa Ngũ Tổ vào lúc canh ba, bí mật truyền đạo cho Lục Tổ”, bèn hoát nhiên đại ngộ, biết chứng đạo phải được bí truyền! Tìm không được vị thầy nào khai ngộ, ông ta bèn tham học khắp các vị thầy thuộc Tam Giáo. Về sau, gặp được Ngũ Thủ Dương (Xung Hư Chân Nhân) bèn ngộ áo chỉ, biết được huệ mạng. Tương truyền, ông ta gặp Hồ Linh đạo sĩ núi Khuông Lô căn dặn: “Pháp tu Phật - Đạo song hành nay đã thất truyền, ngươi nên khéo nối tiếp huệ mạng”. Phái đạo sĩ của Ngũ Thủ Dương và Liễu Hoa Dương được gọi là Ngũ Liễu Tiên Tông. Họ vay mượn một số khái niệm Thiền học để pha trộn với bí quyết luyện đan, vận khí cũng như luyện phù chú Ngũ Lôi. Xin trích một đoạn Huệ Mạng Kinh để minh thị những lập luận nhập nhằng của họ Liễu: “Tu luyện tánh mạng không gì bằng quy nhất. Cổ thánh tiên hiền đem tông chỉ tánh mạng quy nhất khéo léo ví dụ với ngoại vật, chẳng chịu chỉ rõ bàn thẳng, nên hậu thế không ai tu được. Tôi đọc được đồ hình [luyện khí], chẳng dám tiết lộ bừa bãi, tức là tuân theo pháp Lậu Tận trong kinh Lăng Nghiêm, biểu thị diệu chỉ của kinh Hoa Nghiêm, gom những lời rải rác trong các kinh để đưa về đồ hình chánh yếu… Lập ra đồ hình này là nguyện những aicùng chíhướng hiểu rõ cơ trời song tu này, chẳng đọa bàng môn, mới biết chủng tánh chân thật do đây mà thành, Lậu Tận do đây mà thành, xá-lợi do đây mà luyện…”Trong đoạn này, y đã nhập nhằng bảo phải do luyện đan, vận khí theo đồ hình do y chỉ dạy mới đạt được Lậu Tận, thành tựu xá-lợi!

[10] Tam luân thể không, tứ hoằng phổ nhiếp: Tam luân thể không là người thí, người nhận, vật được thí thể đều không; tứ hoằng phổ nhiếp là bao gồm trọn vẹn bốn Hoằng Thệ Nguyện.

[11] Thân kiến: chấp thân này thật có.

[12] Hiếu liêm vốn là một khoa thi phát xuất từ thời Hán nhằm tuyển người ra làm quan, tiêu chuẩn thời ấy là những người ấy phải vừa hiếu thuận vừa liêm khiết. Đến thời Minh - Thanh vẫn giữ khoa này, tuy thế chỉ thuần là khoa cử, không còn dựa trên tiêu chuẩn hiếu và liêm nữa! Người đậu khoa này được gọi là Hiếu Liêm.

[13] Do ngài Phổ Tế đời Nam Tống soạn, gồm 25 quyển, được xếp vào tập 138 của Tục Tạng Kinh. Bộ sách này toát yếu năm bộ sách Cảnh Đức Truyền Đăng Lục, Quảng Đăng Lục, Tục Đăng Lục, Liên Đăng Hội Yếu, Phổ Đăng Lục, nên gọi là Ngũ Đăng Hội Nguyên. Nội dung chép sự tích quá khứ thất Phật, hai mươi tám vị Tổ Ấn Độ, các vị tổ Thiền Tông Trung Hoa từ Lục Tổ cho đến ngài Nam Nhạc và những vị thiền sư đích truyền thuộc pháp hệ này.

[14] Thiền Tông Lâm Tế dùng gậy đánh và tiếng hét để khai thị cho học nhân.

[15] Tức Tô Thức (1036-1101), người huyện Mi Xuyên, tỉnh Tứ Xuyên, sống vào đời Bắc Tống, tự là Tử Chiêm, hiệu Đông Pha, là một trong tám đại văn hào thời Đường - Tống; rất hâm mộ Phật pháp, chủ trương Thiền Tịnh song tu, thường giao du mật thiết với ngài Phật Ấn. Ông biện luận Phật pháp rất thông suốt, thường mang theo một bức tượng Phật Di Đà bên mình, nói “đây là sự nghiệp chung thân của ta” nhưng không chuyên tâm tu Tịnh nghiệp, cuối cùng vẫn không được vãng sanh.

[16] Câu thành ngữ “lãnh hôi đậu bộc”, có nghĩa là trong tro lạnh chợt nổ ra hạt đậu nóng, ngụ ý chuyện không thể có được. Ở đây, Tổ dùng thành ngữ này với ngụ ý: thực hiện được chuyện tưởng chừng như không thể nào xảy ra được.

[17] Vương Mãng người đời Hán, vốn là cháu của Hiếu Nguyên Hoàng Hậu. Sau được làm Đại Tư Mã cầm binh quyền. Hán Ai Đế băng, Mãng lập Bình Đế lên ngôi, bắt vua lấy con gái mình làm hoàng hậu. Mãng độc đoán chuyên quyền, coi mình như Châu Công, tự xưng là Hán An Công. Không lâu sau, Mãng giết Bình Đế, lập con Bình Đế là Lưu Anh lên ngôi, gọi là Nhụ Tử, được ba năm bèn soán ngôi, đổi quốc hiệu là Tân. Mãng làm vua được 15 năm (từ năm thứ 9 sau CN đến năm 23 sau CN), khi tông thất nhà Hán là Quang Vũ Đế nổi dậy, khôi phục nhà Hán, thương nhân Đỗ Ngô bèn lập mưu giết Vương Mãng.

[18] Bùi Công Mỹ tên thật là Bùi Hưu, tự Công Mỹ, làm tể tướng đời Đường Tuyên Tông, đắc pháp với thiền sư Hoàng Bá Hy Vận. Ông có để lại tác phẩm Truyền Tâm Pháp Yếu.

[19] Nguyên văn: “Bào đinh giải ngưu, Do Cơ xạ viên”. “Bào đinh giải ngưu”là điển cố xuất phát từ thiên Dưỡng Sanh Chủ của Trang Tử: Văn Huệ Quân thấy mổ trâu bèn nói: “Ôi! Giỏi thay! Tuyệt đến mức ấy”, người bào đinh (đầu bếp) thưa: “Thần khéo léo được như vậy là do tập quen, khéo léo dần”. Từ ngữ “bào đinh giải ngưu” được dùng để ví sự khéo léo, nhanh nhẹn đến cùng cực do tập luyện. Dưỡng Do Cơ là một tay thiện xạ nổi tiếng bách phát bách trúng “bách bộ xuyên dương” (bắn trúng lá dương liễu ở cách xa một trăm bước) thời Chiến Quốc. Tương truyền, Dưỡng Do Cơ đi săn, loài vượn thấy ông ta bèn khóc ròng vì biết không thể nào tránh tên được, cho nên ở đây mới nói: “Do Cơ bắn vượn”.

[20] Đây là những vị nữ nhân tu pháp Trì Danh Niệm Phật được vãng sanh, tiểu truyện của họ được ghi lại trong Tịnh Độ Thánh Hiền Lục.

[21] Hoằng Biện là người nối pháp (pháp tự) của ngài Chương Kính Huy thiền sư, sống vào thời Đường Tuyên Tông. Câu nói trên trích từ sách Ngũ Đăng Hội Nguyên trong cuộc vấn pháp của nhà vua vào năm 851.

[22] Trường Sa Cảnh Sầm là người nối pháp của ngài Nam Tuyền Phổ Nguyện. Câu nói trên cũng trích từ sách Ngũ Đăng Hội Nguyên.

[23] Thập Vãng Sanh kinh chính là kinh Phật Thuyết Thập Vãng Sanh A Di Đà Phật Quốc, được xếp vào quyển 87 của Vạn Tục Tạng Kinh, không rõ ai đã dịch kinh này từ Phạn sang Hán. Nội dung kinh này dạy 10 pháp quán niệm để được vãng sanh Cực Lạc thế giới.

[24] Mã Tăng Ma là thọ nghiệp sư của hòa thượng Pháp Tràng.

[25] Điển cố “học phú ngũ xa”(học khắp năm xe) xuất phát từ câu văn trong sách Trang Tử: “Huệ Thí hữu phương, kỳ thư ngũ xa”. Huệ Thí là một triết gia thời Chiến Quốc, học vấn rất rộng. Câu trên có ý nói Huệ Thí học rất rộng, đọc rất nhiều sách, phải dùng năm cái xe mới chở hết được!

[26] Ý nói: Nếu viết nhiều chữ trong một tờ giấy, trẻ có thể nhớ âm đọc, cầm lên đọc nằm lòng nhưng không nhận biết từng chữ.

[27] Nguyên văn: “Tự liễu hán”, từ điển Phật Quang Sơn giảng: “Tự liễu hán: Chỉ hạng người không có ý niệm lợi tha, chỉ mong chính mình được lợi ích. Chỉ biết đến thân mình, không quan tâm đến đại cuộc. Nhà Thiền thường gọi kẻ chỉ tự mình tu hành, không có ý niệm độ sanh là Tự Liễu Hán”. Ở đây, Tổ tự xưng mình là Tự Liễu Hán vì có những người chỉ trích pháp môn Tịnh Độ là ích kỷ, chỉ lo cầu giải thoát cho riêng mình.

[28] Đây là một tác phẩm của Bành Thiệu Thăng, xiển dương Tịnh Độ, đồng thời dẫn dụng những công án bên Nho để xiển dương Phật pháp. Ông viết tác phẩm này trong khi đang bế quan tu Nhất Hạnh tam-muội tại Văn Tinh Các.

[29] Nguyên văn là “lược hư hán”, tự điển Phật Quang Sơn giải thích: Đây là thuật ngữ nhà Thiền chỉ kẻ thích nói xuông, làm ra vẻ tu hành. Lược là “lược thủ” (cướp lấy), Hư là hư vọng không thật. “Lược hư” tức là nói xuông, mô phỏng ngôn ngữ của người khác, làm ra vẻ.

[30] Bài thuốc này được đăng tải trong phần phụ lục thuộc quyển 4 của Ấn Quang Văn Sao.

[31] La Đài Sơn: người Giang Tây, đậu Cử Nhân thời Càn Long, sống cùng thời với Bành Thiệu Thăng. Ông mất sớm, chỉ thọ bốn mươi sáu tuổi. Trong Nhất Hạnh Cư Tập có sao lục những thư từ trao đổi giữa Bành Thiệu Thăng và La Đài Sơn.

[32] Hòa nam (Vandana): có nghĩa là kính lễ, đảnh lễ.

[33] Ngọc Lâm Thông Tú (1614-1675): Người Thường Châu, tỉnh Giang Tô. Năm 19 tuổi xuất gia thọ Cụ Túc Giới với ngài Khánh Sơn Viên Tu (thuộc dòng pháp Long Trì Huyễn Hữu. Ngài Viên Tu còn được gọi gọi là Thiên Ẩn Viên Tu) thuộc tông Lâm Tế. Sau khi ngài Thiên Ẩn Tu viên tịch, bèn được kế thừa pháp tịch, trụ trì chùa Báo Ân ở Vũ Khang, tỉnh Chiết Giang. Năm Thuận Trị 15 (1658), vâng chiếu vào cung, hoằng dương đại pháp tại Vạn Thiện Điện. Không lâu sau, Ngài lui về núi, lưu đệ tử là Hành Sâm ở lại hoằng pháp nơi Bắc Kinh. Năm Thuận Trị 17, vua thọ giới Bồ Tát, đặc biệt yêu cầu ngài Ngọc Lâm làm bổn sư truyền giới, ban hiệu Đại Giác Phổ Tế Năng Nhân Quốc Sư. Khi giảng pháp trong cung, Sư có soạn một thiên sách gọi là Khách Vấn. Đại học sĩ Kim Chi Tuấn phụng chiếu viết lời bình chú và viết lời tựa để lưu hành. Về già, Sư sáng lập chùa Thiền Nguyên tại núi Tây Thiên Mục thuộc Chiết Giang, thường trụ nơi đó. Ngài thị tịch vào ngày mồng Mười tháng Tám năm Khang Hy 14 (1675) tại am Từ Vân ở Hoài An, thọ 62 tuổi. Đệ tử nối pháp hơn 20 người, lưu lại Ngữ Lục gồm 12 quyển. Vua Ung Chánh do đọc Ngữ Lục này mà lãnh hội pháp yếu.

[34] Câu này dựa theo thành ngữ “Dĩ tha sơn thạch công tự kỷ chi ngọc”: Lấy đá nơi núi khác làm ngọc cho mình.

[35] Kiên Mật: Cao tăng đời Thanh, người huyện Khâm, Huy Châu. Xuất gia năm 28 tuổi, tham học rộng khắp các bậc tông tượng Thiền, Giáo. Đến khi gặp được Liên Trì đại sư, kính mộ vô cùng, thề suốt đời y chỉ hoằng truyền đạo thầy. Ngài tịch năm Khang Hy 17 (1678). Ba ngày trước khi đại sư vãng sanh, mùi hương lạ tràn ngập thất (theo Tịnh Độ Thánh Hiền Lục).

[36] Ngọc Phong đại sư pháp húy Cổ Côn, người cuối đời Thanh, tự Ngọc Phong, hiệu Luyến Tây, người huyện Thượng Nhiêu, tỉnh Giang Tây, không rõ sanh vào năm nào, xuất gia năm mười tuổi tại chùa Phổ Ninh, thọ Cụ Túc Giới tại chùa Quốc Thanh ở núi Thiên Thai, nhân nghe tiếng chuông bèn đại ngộ. Về sau, Sư trụ tại chùa Sùng Phước ở Hàng Châu, đọc bộ Di Đà Viên Trung Sao của đại sư U Khê Truyền Đăng bèn cảm ngộ, tự xưng mình là hậu duệ truyền pháp của ngài U Khê. Sư nghiêm trì giới luật, nhất tâm thệ nguyện cầu vãng sanh. Tự hạn định mỗi ngày trì danh sáu vạn biến, hai thời hồi hướng. Sư cực lực san khắc kinh luận Đại Thừa và những sách đề cao Tịnh Độ. Năm Quang Tự thứ mười lăm (1892), Sư thị hiện có bệnh rồi nhập diệt. Trước tác gồm các bộ: Tịnh Độ Tùy Học (2 quyển), Tịnh Độ Tất Cầu, Liên Tông Tất Độc, Niệm Phật Yếu Ngữ, Niệm Phật Tứ Đại Yếu Quyết (bộ này được đưa vào Tục Tạng Kinh), Tịnh Độ Tự Cảnh Lục, Tịnh Độ Thần Châu, Tây Quy Hành Nghi, Vĩnh Minh Thiền Sư Niệm Phật Quyết, Niệm Phật Khai Tâm Tụng, Thượng Phẩm Tư Lương v.v…

[37] Xin xem bài ký Quán Âm Bồ Tát Ứng Tích Tại Chùa Viên Quang thuộc Nam Ngũ Đài Sơn trong phần Phụ Lục của quyển 4.

[38] Theo sách Phật Tổ Tâm Đăng, đây là bài kệ truyền thừa pháp phái của ngài Khuê Phong Tông Mật thuộc tông Hiền Thủ đời Đường.

[39] Minh Thái Tổ tên là Châu Nguyên Chương.

[40] Chữ Thù gồm chữ Ngạt và chữ Châu ghép lại.

[41] Pháp danh của đại sư vốn là Thù Hoằng, nhưng thay bộ Ngạt bằng bộ Y nên thành Châu Hoằng (trong âm Quan Thoại, hai chữ này có âm đọc gần giống nhau). Châu 袾 (bộ Y) là màu đỏ sậm; còn chữ Châu 祩 (bộ Thị) lại có nghĩa là nguyền rủa. Chữ Châu thứ hai nghĩa không đẹp, trong tiếng Tàu âm lại không giống với chữ Thù lắm, nên Tổ mới chê những người viết sai là tâm khí thô phù!

[42] Hàn Tương Tử là một trong bát tiên của Đạo Giáo (những người kia như Lã Động Tân, Hà Tiên Cô, Lý Thiết Quải, Tào Quốc Cữu v.v…), là một nhân vật có thật thời Đường. Ông ta chính là cháu của văn hào Hàn Dũ. Sự tích ông tiên này được chép trong cuốn tiểu thuyết Đông Du Bát Tiên.

[43] Nguyên văn “hướng Dương”, phía Nam của núi gọi là Dương.

[44] Tam Đế: Không, Giả, Trung.

[45] Nhận: Đơn vị đo chiều dài. Đời Châu tám thước là một nhận, tức khoảng 6.48 m.

[46] Tề Đông: Tương truyền, dân vùng này hay đồn nhảm nên những lời nói không căn cứ thường được gọi là “Tề Đông dã nhân chi ngữ”.

[47] Cái sai này đến nay vẫn còn. Nay ở Phổ Đà vẫn còn tảng đá khắc rất to ba chữ Quán Âm Khiêu. Thậm chí người ta còn đặt ra truyền thuyết Quán Âm đại sĩ giành núi Phổ Đà với xà vương, và tảng đá Quán Âm Khiêu là do lúc Bồ Tát từ Cực Lạc trở về nhảy xuống in dấu chân trên tảng đá này.

[48] Châu Khắc Phục là một vị cư sĩ đầu đời Thanh. Cuốn Quán Thế Âm Bồ Tát Kinh Chú Trì Nghiệm Ký được xếp vào Vạn Tục Tạng Kinh.

[49] Đường Nghi Chi là một danh sĩ cuối thời Minh, đậu Tiến Sĩ trong niên hiệu Gia Tĩnh. Châu Khắc Phục lấy câu chuyện này từ sách Kỷ Cầu của ông Đường Nghi Chi.

[50] Diệu Phong: Cao tăng đời Minh, tên Phước Đăng, quê ở Bình Dương, Sơn Tây. Ngài sanh ra có hình dáng lạ lùng, môi hớt, răng vẩu, mũi huếch, hầu lộ. Năm bảy tuổi mồ côi phải đi chăn dê cho người khác. Năm 12 tuổi, xin xuất gia tại một ngôi chùa gần nhà, bị Tăng chúng ngược đãi quá mức phải bỏ đi ăn xin ngoài chợ, đêm ngủ tại Văn Xương Các do Sơn Âm Vương dựng. Sư xin vị trụ trì chùa Vạn Cố là Lãng Công cho ở nhờ. Một ngày nọ, Sơn Bình Vương trông thấy, bảo Lãng Công: “Đứa nhỏ này ngũ quan đều lộ, nhưng thần thí ngưng đọng, xương cứng, sau này sẽ thành bậc đại pháp khí, nên thâu làm đồ chúng”. Vương tu bổ Thê Nham lan nhã ở Điều sơn, dạy Sư bế quan ở đó chuyên tu Thiền quán. Về sau, Sư trụ tại Thanh Lương thuộc Ngũ Đài.

[51] Bạch Cập (Hyacinth Bletilla): là một loại thảo mộc thuộc họ Lan, có tên khoa học là Bletilla Striata, rễ nó thường được dùng làm chất cầm máu trong Đông Y.

[52] Viết bình hay đề bình: Lối viết chữ đề trên bình phong, trên quạt hoặc trên những mảnh giấy dài rộng để phô diễn tài thư pháp.

[53] Hải Thi Đạo Nhân chính là cư sĩ Phạm Cổ Nông (1881-1951), một nhà nghiên cứu Phật giáo cận đại. Ông có hiệu là Huyễn Am, biệt hiệu là Ký Đông, thường dùng bút danh là Hải Thi Đạo Nhân, quê ở Gia Hưng tỉnh Chiết Giang. Thoạt đầu, ông đã không thích con đường cử nghiệp, không hâm mộ Phật pháp. Sau giao du với các ông Quế Bá Hoa, Lê Đoan Phủ, bèn chịu ảnh hưởng. Sau ông đọc được bộ Viên Giác Kinh Đại Sớ, tâm vô cùng khâm phục, tự theo đuổi chương trình học Phật do ông Dương Nhân Sơn đề ra, lãnh hội sâu sắc. Năm 1911, nhân nghe giảng kinh A Di Đà, nghiên cứu Đại Thừa Khởi Tín Luận, ông tin tưởng sâu xa pháp môn Tịnh Độ. Năm 1918, quy y, thọ Cụ Túc Giới với Đế Nhàn đại sư, lại thông hiểu giáo nghĩa Thiên Thai. Về sau, ông chuyên giảng kinh hoằng pháp tại Thượng Hải, Hàng Châu, Giang Tô, Dương Châu v.v… Ông cũng thông hiểu sâu xa Duy Thức Tông, thường nói: “Học lý cao sâu không gì bằng Thành Duy Thức Luận, phương pháp hành trì không gì hơn được Du Già Sư Địa Luận”.Ông cũng xuất bản các báo Phật Học Bán Nguyệt San, biên tập bộ Phật Học Tiểu Tùng Thư, Phật Học Bách Khoa Tùng Thư, Hải Triều Âm Văn Khố, cũng như chủ trì việc ấn tống Đại Tạng Kinh theo bản đời Tống.

[54] Hà Bá: Họ Mã, tên Di, còn có tên khác là Băng Di. Do qua sông chết đuối nên được Thượng Đế phong làm thần sông. Thiên Thu Thủy của sách Trang Tử có câu: “Hà Bá vui sướng vô ngần, cho mọi vẻ đẹp trong thiên hạ đều thuộc về mình”.Do vậy mới có thành ngữ “Hà Bá chi câu kiến”(sự thấy biết câu nệ, hẹp hòi của Hà Bá). Ở đây, Tổ dùng điển tích này với ý nghĩa khiêm nhường, cho cái thấy biết của mình cũng như sự thấy biết của Hà Bá, không thể sánh với sự hiểu biết rộng rãi như biển cả của Hải Thi Đạo Nhân.

[55] Huệ Mạng Kinh là tác phẩm của Liễu Hoa Dương, Tiên Phật Hiệp Tông Ngữ Lục là tác phẩm của Ngũ Thủ Dương. Hai người này trộm lấy rất nhiều ý nghĩa trong kinh Phật, diễn giải xuyên tạc để chứng minh cách tu Tiên luyện đan của họ.

[56] Tuyết Nham Khâm thiền sư là một vị cao Tăng thuộc tông Tào Động. Sư từng nói: “Sơn tăng xuất gia lúc năm tuổi, được hầu Thượng Nhân, nghe ngài trò chuyện cùng khách, liền biết có sự này, liền tin tưởng đến nơi, bèn học tọa thiền… Nếu luận về sự thực hành thì phải vận dụng công phu, như người đi đường, điđược một hai dặm chỉ nói được những gì thuộc một hai dặm. Đi được ngàn dặm, vạn dặm mới nói những lời ngàn dặm, vạn dặm”.

[57] Thạch: Đơn vị đo dung tích thời xưa. Mỗi thạch là mười đấu, tức một trăm thăng (ta thường gọi là Thưng). Ngoài ra, Thạch còn là đơn vị đo trọng lượng, mỗi thạch bằng 120 cân Tàu (gần bằng 120 pounds).

[58] Yểm nhĩ đạo linh: Bịt tai để khỏi nghe tiếng linh kêu, hòng ăn trộm cái linh đó. Ý nói làm chuyện ngây ngô, rồ dại, tự mình dối mình.

[59] Nguyên văn “dĩ luyện đan vi phụ quách điền”(coi pháp luyện đan là khoảnh ruộng gần bờ thành): “Phụ quách điền” là một điển tích xuất phát từ Tô Tần Liệt Truyện trong sách Sử Ký. Tô Tần nói: “Nếu ta có được hai khoảnh ruộng gần thành Lạc Dương, ta há còn có thể mong đeo ấn sáu nước nữa ư?” Đời sau thường dùng chữ “Phụ Quách Điền” để chỉ được chút ít đã thỏa mãn, không còn mong mỏi tiến lên nữa.

[60] Trang Phục Chân là một danh sĩ thời Minh tên là Quảng Hoàn, người Đồng Hương, tỉnh Chiết Giang. Lúc nhỏ học Nho, năm bốn mươi chán ngán sự đời bèn học thuật Dưỡng Sinh của đạo sĩ, lâu ngày thành bệnh, bèn tậu một miếng vườn nhỏ, trồng hoa cỏ, sắp xếp sơn thủy tự vui. Một bữa thấy hoa nở rồi tàn, ngộ thân vô thường, liền hủy khu vườn ấy, bế quan tọa Thiền, tụng kinh Kim Cang. Về sau, qua chơi Hàng Châu, cùng người khác bàn về đạo Phật. Người ấy nói: “Ông học Phật, ai là thầy ông?” Đáp: “Chưa có ai!” Người kia lại hỏi: “Chưa đọc cuốn Phục Khí của Liễu Tử Hậu phải không? Sách ấy nói ở Vân Thê có Liên Trì thiền sư đó!” Ông bèn đến yết kiến ngài Liên Trì. Đại sư dạy niệm Phật, bèn thọ Ngũ Giới. Trở về nhà lập thường khóa mỗi ngày niệm năm vạn câu danh hiệu Phật, chưa đầy nửa năm, tâm địa rỗng rang. Năm ông 80 tuổi lại đến thọ Bồ Tát Giới với đại sư Liên Trì. Do thương xót người trong làng không biết chánh pháp, thường sùng tín tà thuyết bèn soạn bộ Tịnh Độ Tư Lương Tập để khuyến hóa họ.

[61] Chước: Đơn vị đo lường dung tích rất nhỏ, có thuyết nói khoảng chừng 1centilitre (cl). Sách Tôn Tử Toán Kinh chỉ mô tả như sau: “Mười toát là một sao, mười sao là một chước, mười chước là một hợp, mười hợp là một thăng…”Nếu hiểu Thăng tương ứng 1 lít hiện thời thì một Chước bằng một centilittre. Nhưng Thăng biến đổi theo các triều đại nên cũng khó thể nói nhất định một Chước là bao nhiêu.

[62] Pháp khế: bạn đạo

[63] Nguyên văn: Thâu tâm (có nghĩa là cái tâm trộm cắp). Đây là dụng ngữ nhà Thiền, chỉ cái tâm hướng ngoại phân biệt, khởi tâm mong ngóng, luôn đứng núi này trông núi nọ. Hòa Thượng Tịnh Không giảng “thâu tâm” là cái tâm không kiên định tu một pháp môn nào, nay chạy theo pháp này, mai chạy theo pháp khác, luôn nghĩ cách tu tắt, cầu may, chẳng hạn nghe nói trì chú này có công hiệu bèn trì chú đó, được vài bữa, thấy nghe nói chú khác có công hiệu lớn lao bèn bỏ chú này trì chú khác. Nay học pháp thiền này, mai đi nghe giảng lại bỏ theo cách thiền khác, suốt đời học táp nham, không chuyên tu được một pháp nào.

 

Nam Mô A Di Đà Phật!
ẤN QUANG PHÁP SƯ VĂN SAO
(Tăng Quảng Chánh Biên)
Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa chuyển ngữ
(trọn bộ - giảo duyệt hoàn tất ngày 26 tháng 11 năm 2006)
QUYỂN THỨ NHẤT- Phần 3

/199
 

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây