Tìm kinh sách
 
        Kinh Sách FULL

Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao

ẤN QUANG PHÁP SƯ VĂN SAO
(Tăng Quảng Chánh Biên)
Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa chuyển ngữ
(trọn bộ - giảo duyệt hoàn tất ngày 26 tháng 11 năm 2006)
QUYỂN THỨ NHẤT

 

Chương 11: [THƯ 11]: Thư trả lời cư sĩ Đặng Bá Thành (thư thứ nhất)

Kể từ khi quen biết đến nay, chớp mắt đã sáu năm, chẳng những tinh sương đã mấy lượt thay đổi, mà quốc lịch cũng chẳng còn y như cũ[52]. Tướng thế gian vô thường, thật đáng than thở. Nhận được thư, biết ông không phế Tịnh nghiệp, thật quá tốt đẹp, nhưng ông nói thân tâm đến nỗi chẳng an. Vì cảnh ngộ không tốt mà đến nỗi bất an hay sao? Hay là bệnh tật triền miên, nên đến nỗi bất an vậy?

Nếu do cảnh ngộ không tốt thì hãy lùi một bước, suy nghĩ, thử nghĩ coi trong đời kẻ hơn được mình cố nhiên là nhiều, nhưng những người không được như mình cũng chẳng ít! Chỉ cần không đói, không rét, mong chi đại phú, đại quý? Vui theo mạng trời, tùy ngộ nhi an (an vui theo cảnh duyên). Như thế sẽ chuyển được phiền não thành Bồ Đề, há chẳng thể chuyển ưu khổ thành an lạc ư?

Nếu bị tật bệnh dây dưa thì hãy đau đáu nghĩ thân này là gốc khổ, sanh lòng nhàm lìa hết mức, ra sức tu Tịnh nghiệp, thề cầu vãng sanh. Chư Phật lấy khổ làm thầy, nên thành Phật đạo. Chúng ta nên lấy bệnh làm thuốc, mau cầu xuất ly. Phải biết phàm phu đầy dẫy phiền não, nếu không khổ vì bần cùng, tật bệnh v.v... ai có thể sẽ không suốt ngày rong ruổi trong trường thanh sắc, danh lợi, ai chịu trong lúc đắc ý lừng lẫy, quay đầu nghĩ đến lúc chìm đắm trong tương lai? Mạnh Tử nói: “Trời vì muốn giao phó trách nhiệm lớn lao cho người nào thì trước hết phải làm khổ tâm chí, nhọc nhằn gân cốt người ấy, khiến thân người ấy đói khát, thân thể trống thiếu, gây nên những điều trái ngược với những gì người ấy làm. Do vậy, nẩy sanh tánh Nhẫn, tăng thêm [khả năng làm được] những điều người ấy không thể làm”. Do vậy, biết rằng: Trời muốn thành tựu người thường hay tạo ra nghịch cảnh, con người chỉ nên thuận theo mạng trời là được.

Cái gọi là “trách nhiệm lớn” như Mạnh Tử đã nói chính là tước vị thế gian, vậy mà còn phải lo âu, nhọc nhằn như thế mới chẳng phụ lòng trời. Huống chi chúng ta là phàm phu sát đất, muốn trên thì gánh vác gia nghiệp của đấng Pháp Vương, dưới hóa độ pháp giới hữu tình, nếu không bị chút nghèo - bệnh vùi dập thì phàm Hoặc ngày càng lẫy lừng, Tịnh nghiệp khó thành, mê muội bản tâm, vĩnh viễn đắm trong ác đạo đến tận đời vị lai, không mong có lúc thoát ra. Cổ đức từng nói: “Chẳng trải một phen lạnh buốt xương, há được hoa mai thơm ngát mũi”, chính là nói về điều này vậy. Hãy nên chí tâm niệm Phật để tiêu nghiệp cũ, trọn chẳng nên khởi lòng bực bội, lo nghĩ, oán trời hận người, cho là nhân quả hư huyễn, Phật pháp không linh.

Phải biết: Chúng ta từ vô thỉ đến nay, ác nghiệp đã tạo vô lượng vô biên. Kinh Hoa Nghiêm nói: “Giả sử ác nghiệp có thể tướng thì mười phương hư không chẳng thể chứa đựng nổi”, huống gì tu trì lơ là, hờ hững, há có thể tiêu hết được nổi ư? Do vậy, Thích Ca, Di Đà, hai vị giáo chủ hai cõi, đau đáu nghĩ chúng sanh không sức đoạn Hoặc, riêng mở ra pháp môn cậy vào Phật từ lực, đới nghiệp vãng sanh này. Lòng từ, đại bi sâu thẳm, dẫu trời đất, cha mẹ cũng chẳng thể ví bằng một phần Hằng hà sa. Chỉ nên phát lòng hổ thẹn, phát tâm sám hối, sẽ được Phật gia bị, nghiệp tiêu, thân an. Nếu bệnh khổ đến mức dữ dội, chẳng thể nhẫn chịu được, thì ngoài lúc niệm Phật hồi hướng sáng tối ra, hãy chuyên tâm dốc ý, niệm Nam Mô Quán Thế Âm Bồ Tát. Quán Âm hiện thân trong sát-na, tầm thanh cứu khổ. Người nào trong lúc nguy cấp, nếu có thể trì tụng, lễ bái, không khi nào không thuận theo lòng cảm mà ứng, Bồ Tát liền rủ lòng từ che chở khiến cho thoát khỏi khổ não, được an vui.

Một pháp Niệm Phật là pháp giản dị nhất, dễ dàng nhất, rộng nhất, lớn nhất, nhưng phải khẩn thiết, chí thành đến cùng cực mới có thể cảm ứng đạo giao, được lợi ích thật sự ngay trong đời này. Nếu biếng trễ, lười nhác, không mảy may kính sợ, dẫu gieo được viễn nhân, nhưng cái tội khinh nhờn khó thể tưởng được nổi. Dẫu cho được làm người, sanh lên trời, trọn khó thể dự vào hải hội. Đối với tượng Phật nên coi như là Phật thật, chẳng thể xem như đất, gỗ, đồng, sắt v.v... Kinh điển là thầy của tam thế chư Phật, như xá-lợi của Pháp Thân Như Lai, cũng nên xem như Phật thật, chẳng được coi như giấy, mực v.v... Lúc đối trước kinh tượng, nên như trung thần thờ thánh vương, như con hiếu đọc di chúc. Làm được như thế thì không nghiệp chướng nào chẳng tiêu, không phước huệ nào chẳng đủ. Nay những sĩ đại phu học Phật thì nhiều, nhưng thảy đều là đọc kinh văn, hiểu ý nghĩa, lấy đó để ăn nói, hòng được tiếng là một tay thông gia mà thôi. Còn như cung kính chí thành, y giáo tu trì, thật khó được mấy kẻ!

Tôi thường nói: “Muốn được lợi ích thật sự nơi Phật pháp thì phải hướng về cung kính mà cầu. Có một phần cung kính thì tiêu tội nghiệp một phần, tăng phước huệ một phần. Có cung kính mười phần, thì tiêu tội nghiệp mười phần, tăng phước huệ mười phần. Nếu không cung kính đến nỗi khinh nhờn thì tội nghiệp càng tăng, phước huệ càng giảm”. Than ôi! Hễ gặp bạn tri giao, hãy nên ra rả đem lời này bảo cho họ biết, không còn pháp thí nào lớn hơn.

Pháp môn Tịnh Độ nếu tin đến nơi, còn tốt chi bằng! Nếu trí mình chưa tỏ, hãy nên ngửa tin lời thành thật của chư Phật, chư Tổ, trọn đừng có một niệm nghi tâm. Hễ nghi ắt trái nghịch Phật, lâm chung chắc chắn khó thể cảm thông. Cổ nhân nói: “Pháp môn Tịnh Độ chỉ có Phật với Phật mới có thể thấu suốt rốt ráo. Đăng Địa Bồ Tát[53] còn chẳng thể biết được chút phần”. Ôi! Đăng Địa Bồ Tát còn chẳng thể biết trọn vẹn, nữa là phàm phu sát đất vọng sanh ức đoán ư?

Nếu muốn nghiên cứu, nên xem sách Tịnh Độ Thập Yếu. Cuốn sách này do Ngẫu Ích đại sư chọn lấy những tinh hoa trong các sách Tịnh Độ, khéo léo khế hợp với thời tiết và căn cơ, thật là bậc nhất. Mở đầu sách là Di Đà Yếu Giải, kể từ khi đức Phật nói kinh này đến nay, trong Tây Thiên, Đông Độ, là bản chú giải có một không hai, nên khéo tuân thủ, chớ nên xem thường. Nay người thông minh tuy học Phật pháp, do chưa thân cận bậc thiện tri thức có đủ hai mắt, thảy đều chuyên trọng Lý Tánh, bác bỏ Sự Tu[54] và nhân quả. Đã bác Sự Tu, nhân quả thì Lý Tánh cũng mất. Do vậy thường có những kẻ tài cao, ngôn từ kinh khiếp quỷ thần, xét đến hành vi chẳng khác gì gã vô tri vô thức đầu đường xó chợ. Gốc bệnh đều là do phế Sự Tu, nhân quả mà nên nỗi, khiến bậc thượng trí nẩy lòng xót thương, kẻ hạ ngu dựa theo đó làm xằng. Đấy đúng là dùng thân báng pháp, tội lỗi vô lượng.

Sách Pháp Uyển Châu Lâm (một trăm quyển. Chùa Thiên Ninh ở Thường Châu phân thành ba mươi tập. Mã Não Kinh Phòng ở Tô Châu chia thành hai mươi bốn tập. Bản của Mã Não Kinh Phòng hư nát, mờ mịt. Bản của chùa Thiên Ninh là khắc mới) bàn luận chi tiết về nhân quả, Lý - Sự cùng nêu, rành mạch phân minh. Đọc đến khiến người không lạnh mà rét buốt; dẫu ở trong nhà tối, phòng kín thường như đối trước Phật, trời, chẳng dám chớm một tí ác niệm. Thượng, trung, hạ căn trọn chẳng đến nỗi nhận lầm đường nẻo, chấp Lý phế Sự, xuôi theo cái tệ thiên tà cuồng vọng. Ngài Mộng Đông nói: “Người khéo bàn tâm tánh ắt chẳng lìa nhân quả. Người tin sâu nhân quả, cuối cùng ắt hiểu được thấu suốt tâm tánh. Lẽ tất nhiên là phải như vậy”. Mấy lời này của ngài Mộng Đông đúng là lời bàn luận chí lý ngàn đời chẳng thay đổi được, mà cũng là nhát kim đâm xuống đảnh đầu bọn rông rỡ cuồng huệ vậy. Sách này các chỗ phát hành kinh sách đều có, hãy nên thỉnh về xem. Lợi ích nên tự biết, cũng nên làm cho hết thảy tri giao đều đọc sách ấy. Lệnh đệ[55] mùa Thu năm ngoái lên núi, tôi cũng từng đem thuyết cung kính khuyên lơn, nhưng không biết anh ta có coi lời tôi là đúng hay không?

 

Nam Mô A Di Đà Phật!

ẤN QUANG PHÁP SƯ VĂN SAO
Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa chuyển ngữ

/199
 

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây