Tìm kinh sách
 
        Kinh Sách FULL

Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao

ẤN QUANG PHÁP SƯ VĂN SAO
(Tăng Quảng Chánh Biên)
Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa chuyển ngữ
(trọn bộ - giảo duyệt hoàn tất ngày 26 tháng 11 năm 2006)
QUYỂN THỨ NHẤT

 

Chương 129: [THƯ 129]: Thư gởi cư sĩ Tạ Dung Thoát

Quê ông được biết đến pháp môn Tịnh Độ là do ông Lâm Giới Sanh thỉnh kinh sách Tịnh Độ. Nếu trong đời trước các vị cư sĩ đối với pháp môn này chưa từng gieo thiện căn, sao có thể lấy cổ nhân làm thầy, vừa mới nghe bèn sanh lòng tin, phát nguyện, tự hành, dạy người, khiến chưa đầy mười lăm năm, đạo ấy đã được thạnh hành như thế? Quán thiên tư, cảnh duyên của các hạ và pháp vận, thời cơ hiện tại, tợ hồ nên giữ Ngũ Giới hộ trì Tam Bảo, hoằng dương Tịnh Độ để khuyên khắp mọi người vãng sanh mới chính là yếu nghĩa khế lý khế cơ bậc nhất. Vì sao nói thế? Các hạ niên kỷ đã ngoài bốn mươi, thiên tư chẳng phải là bậc thượng đẳng, muốn nghiên cứu cùng tận kinh tạng, tham phỏng tri thức thì e rằng pháp môn vô lượng, quang âm không nhiều, phải than thở dẫu muốn dùi mài nhưng không thực hiện được!

Hơn nữa, hiện tại tuy có tri thức, nhưng Tăng đa phần hỗn tạp, thiếu người cùng hạnh (cùng hạnh còn gọi là “nội hộ”, tức người có thể rèn giũa, nâng đỡ mình tinh tấn nơi đạo). Nếu chí hướng thượng bị suy bèn xuôi theo lười nhác, biếng trễ, chẳng còn sốt sắng nữa. Như Bất Huệ năm hai mươi mốt tuổi, từ biệt cha mẹ đi tu, cũng có thể nói là phát chân tâm lập hạnh dũng mãnh, đến nay năm mươi ba tuổi dù Tông hay Giáo đều chẳng biết gì. Uổng công phụ ân cha mẹ, uổng làm Phật tử, may là đối với một pháp Tịnh Độ, khi xuất gia, lúc học kinh Di Đà đã sanh tín tâm, quả thật chưa từng được một vị tri thức nào khai thị, bởi nghiệp sư[80] và các vị tri thức khi ấy đều chú trọng tham cứu, bao nhiêu khai thị đều đả phá Tịnh Độ. Tôi tự lượng sức mình, chẳng bị người khác lay chuyển, dẫu Phật, Tổ hiện thân vẫn chẳng thay đổi, huống chi những lời tri thức nói!

Thêm nữa, hiện nay pháp nhược ma cường, muốn hộ trì Phật pháp, ở cõi tục thì dễ, làm Tăng lại khó. Nếu các hạ có thể nghiêm trì Ngũ Giới, chuyên niệm Phật Di Đà, khắc kỷ, giữ lễ, ngôn hạnh tương ứng; sau đấy, thực hiện việc hóa độ người khác một cách rộng rãi, lợi khắp muôn loài, chớ nghĩ mình là thầy rồi tự cao, chớ nhận tiền tài để tự lợi ích. Ở nhà vì cả nhà diễn thuyết, đối với đại chúng bèn trình bày cặn kẽ thì mọi người đều ngưỡng mộ đức, tin vào lời nói, đấy chính là không tự truyền lệnh mà người hành theo, gió thổi qua cỏ phải rạp! Lệnh lang không tin đạo này, cũng chớ nên cưỡng bách. Cứ để đến khi gặp cảnh chạm duyên, thiên cơ phát hiện, bèn chỉ bảo cho, sẽ tự có cái thế cuồn cuộn không thể chế ngự được!

Liên xã vừa mở, cần phải có quy củ nhất định, cho nữ nhân tham dự thì trọn chẳng thể được! Chẳng được bắt chước cách của người ta luông tuồng không ước thúc, khiến cho một pháp vừa lập, trăm nghiệp tệ hại bèn nẩy sanh! Điều này quan trọng lắm! Chẳng thể lễ xá-lợi, chẳng thể thân cận tùng lâm, nào có thiếu sót gì đâu? Cứ hễ thấy tượng Phật, liền nghĩ đó là đức Phật thật, thấy kinh Phật, lời Tổ, liền tưởng như Phật, Tổ đang đối mặt dạy mình, phải cung, phải kính, không biếng nhác, không coi thường thì chẳng phải là suốt ngày thấy Phật, suốt ngày thân cận chư Phật, Bồ Tát, tổ sư, thiện tri thức, xá-lợi, tùng lâm hay sao?

Người xuất gia nếu chẳng phải là chân tu thì tập khí đầu đường xó chợ còn quá kẻ tục. Nếu muốn xa lìa, trước hết phải hiểu rõ hết thảy các pháp trong thế gian đều là khổ, là không, là vô thường, là vô ngã, là bất tịnh thì tham - sân - si ba độc không do đâu khởi được! Nếu chưa ngưng dứt được thì hãy dùng trung hậu, tha thứ, nhẫn nhục để đối trị, nó sẽ tự dứt. Nếu vẫn không dứt, phải lập cách nghĩ đến chữ Tử thì tự nhiên vô biên nhiệt não hóa thành thanh lương. Kinh Báo Ân (tức kinh Đại Phương Tiện Phật Báo Ân) dạy “theo thứ tự thọ giới”;nay người xuất gia thọ giới, trước hết cũng phải thọ Tam Quy, rồi đến Ngũ Giới, tiếp đến Thập Giới, rồi đến Cụ Túc Giới, rồi đến Bồ Tát Giới. Nhưng thuở xưa, người thọ giới là vì phát tâm liễu sanh tử, người đời nay thọ giới đa phần chỉ để được làm đại Tăng cho thỏa thể diện, chuyện đắc giới chưa hề thực hiện hay nghĩ tưởng đến. Vì vậy, bọn lỗ mãng, phường hạ lưu bên ngoài không ai chẳng được dự Tam Đàn Đại Giới[81] trở thành Tăng.

Mối tệ này là do Thanh Thế Tổ (Thuận Trị) bãi lệ thí Tăng, miễn độ điệp, cũng như vì những vị sư trong thời gần đây tham lợi danh, thích quyến thuộc đông đảo mà nên nỗi! Tôi chỉ sợ chư Tăng ở chỗ ông chẳng biết đến nghĩa này, tưởng độ người xuất gia là chuyện tốt bậc nhất, đến nỗi kẻ giặc trà trộn trong pháp, pháp bị diệt theo. Vì thế, chẳng nề hà phiền phức, bao lượt bàn ra. Phải biết một pháp Tịnh Độ chính là pháp môn tối huyền, tối diệu, chí viên chí đốn trong giáo pháp của cả một đời Như Lai (một pháp trọn đủ hết thảy pháp nên gọi là Viên, tu trong đời này liền được vãng sanh ngay trong đời này nên gọi là Đốn). Hạng phàm phu lè tè sát đất cũng có thể dự vào trong pháp này, Đẳng Giác Bồ Tát cũng chẳng thể vượt ra ngoài pháp này được! Quả là một con đường tắt để thượng thánh hạ phàm mau thành Phật đạo, là một chiếc thuyền từ để chư Phật, chư Tổ phổ độ chúng sanh. Chẳng có lòng tin nơi pháp này hoặc tin không chân thành, khẩn thiết, tức là nghiệp sâu chướng nặng, chẳng hợp liễu sanh thoát tử, siêu phàm nhập thánh, muôn đời muôn kiếp ở trong thế gian này thường xoay vần trong lục đạo, không có lúc nào ra. Dù có được làm trời - người, nhưng thời gian thật ngắn ngủi như người khách ở trọ, một phen đọa tam đồ thời gian rất dài như ở yên nơi quê nhà. Mỗi phen nghĩ đến, lông tóc dựng cả lên. Chẳng sợ rát họng khẩn khoản bảo cùng đồng nhân.

Nay tôi vì các hạ dẫn một chuyện chứng minh ngõ hầu khơi gợi mạnh mẽ cái tâm tín nguyện, cổ vũ sức tán dương rộng rãi vậy! Pháp môn này chỉ có kinh A Di Đà, kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật, kinh Vô Lượng Thọ chuyên nói. Trong hết thảy các kinh Đại Thừa khác không kinh nào chẳng giảng rõ chuyện này. Khỏi cần nói đến kinh nào khác, một kinh Hoa Nghiêm chính là lúc đức Phật mới thành đạo, vì hàng Thập Trụ, Thập Hạnh, Thập Hồi Hướng, Thập Địa, Đẳng Giác, bốn mươi mốt địa vị Pháp Thân đại sĩ giảng thẳng vào đại pháp vượt khỏi các giới, chẳng chung cùng phàm phu, Nhị Thừa. Cuối cùng là phẩm Nhập Pháp Giới, Thiện Tài đồng tử (“đồng tử” là tiếng xưng tụng người đoạn Hoặc chứng Chân, phá vô minh, khôi phục bổn tánh, chứ không phải như tượng đắp thường tạc hình một đứa bé nhỏ mới là đồng tử đâu nhé! Trong kinh Hoa Nghiêm có chỗ gọi Văn Thù Bồ Tát là Văn Thù đồng tử, các kinh khác cũng chỗ gọi Ngài bằng danh xưng này) tuân lời ngài Văn Thù dạy, tham học khắp các tri thức, đầu tiên gặp Đức Vân, liền được Ngài dạy pháp môn Niệm Phật, bèn chứng Sơ Trụ. Từ đấy, hễ tham học bèn chứng, đến vị thứ năm mươi ba là Phổ Hiền Bồ Tát. Phổ Hiền dùng sức oai thần gia bị, khiến cho Thiện Tài được chứng ngang bằng với Phổ Hiền, ngang với chư Phật (đây gọi là Đẳng Giác Bồ Tát). Sau đấy, ngài Phổ Hiền dạy Thiện Tài cùng Hoa Tạng hải chúng hết thảy các đại Bồ Tát phát mười đại nguyện vương. Đem công đức của mười đại nguyện vương hồi hướng vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, mong được viên mãn Phật quả.

Lại như kinh Quán Vô Lượng Thọ, chương Hạ Phẩm Hạ Sanh, hạ phẩm hạ sanh là nếu có chúng sanh gây nghiệp bất thiện, Ngũ Nghịch, Thập Ác, đủ mọi điều bất thiện, kẻ ngu như thế đáng phải đọa vào ác đạo trải qua nhiều kiếp, chịu khổ vô cùng. Lúc mạng sắp dứt, gặp thiện tri thức dạy xưng danh hiệu Phật, đủ mười tiếng xong, diệt tội vãng sanh. Trong Long Thư Tịnh Độ Văn có kể chuyện các ông Trương Thiện Hòa, Trương Chung Quỳ v.v… đều là người như thế. Trên thì như ngài Văn Thù (Văn Thù Bồ Tát có kinh phát nguyện), Phổ Hiền, là những bậc đại Bồ Tát đã thành Phật đạo từ lâu, dưới thì như kẻ Ngũ Nghịch, Thập Ác là những chúng sanh sắp đọa địa ngục, đều nương sức tiếp dẫn của A Di Đà Phật, đều là căn cơ được nhiếp thọ bởi Tịnh Độ. Có thể thấy là pháp môn này lớn lao, trọn chẳng phải là thứ bỏ đi, Phật nguyện rộng sâu, coi chúng sanh đều bình đẳng. Tôi thường có câu liễn rằng:

Xả Tây Phương tiệp kính, cửu giới chúng sanh thượng hà dĩ viên thành Phật đạo,

Ly Tịnh Độ pháp môn, thập phương chư Phật hạ bất năng phổ lợi quần manh.

(Bỏ đường tắt Tây Phương, cửu giới chúng sanh trên dùng gì viên thành Phật đạo?

Lìa pháp môn Tịnh Độ, mười phương chư Phật dưới chẳng thể lợi khắp quần manh)

Các hạ nên phát đại dũng mãnh, đại tinh tấn gánh vác pháp này. Đem những ngôn luận hoằng dương Tịnh Độ thích hợp căn cơ của cổ nhân để đề xướng trong làng xóm, sống trong cõi trần chẳng nhiễm, tu chân ngay trong cõi tục, mới hợp ý nghĩa đặt tên là Dung Thoát, bởi Dung Thoát là hòa quang nhưng chẳng đồng trần vậy. Ý kiến hèn tệ của tôi như vậy đó, không biết các hạ nghĩ như thế nào? Mong hãy tự suy xét!

Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao,

Quyển thứ hai

(phần 1 hết)

 

[1] Nguyên văn là “sô nghị”(lời nghị luận của kẻ tiều phu), ý nói chẳng phải là cao kiến gì nên tạm dịch là “lời nghị luận ngô nghê”.

[2] Thông Châu: tên đất cũ, có hai nơi:

1) Ở tỉnh Hà Bắc, nay đổi thành Thông Huyện.

2) Tại tỉnh Giang Tô, nay đổi thành huyện Nam Thông.

Không rõ Thông Châu nói ở đây là Thông Châu thuộc tỉnh nào; nhưng trong những lá thư sau Tổ có nói là Bắc Thông Châu, nên chúng tôi đoán Thông Châu nói ở đây thuộc tỉnh Hà Bắc.

[3] Phiên Đài chức quan tương đương với Bố Chánh của ta, lo việc trị an trong một tỉnh.

[4] Thai giáo: Dạy con từ khi con còn nằm trong bụng mẹ. Người mẹ khi mang thai phải tập tánh hiền lành, ăn nói khoan thai, từ tốn, không nói lời thô ác, không làm những cử chỉ hung bạo, xem kinh sách của thánh hiền v.v…

[5] Vương Quý là sáng tổ nhà Châu. Châu Công tên thật là Cơ Đán, là con thứ của Châu Văn Vương, em của Châu Vũ Vương, từng phù tá Vũ Vương diệt nhà Ân Thương. Khi Vũ Vương chết, con là Thành Vương còn bé, ông nắm quyền nhiếp chính, tận lực bảo vệ vương quyền nhà Châu. Tương truyền, phần Tượng trong kinh Dịch do ông viết. Vì thế sau này, có rất nhiều tác phẩm bói toán được gán cho ông làm tác giả, như cuốn Châu Công Giải Mộng chẳng hạn.

[6] Tống Nho là Nho Học theo quan điểm diễn dịch của Trình Hạo, Trình Di, Châu Hy đề xướng (thường được gọi là Lý Học). Họ vay mượn, xuyên tạc những khái niệm nhà Phật để biện minh cho Nho Học, rồi cực lực đả kích Phật pháp.

[7] Tống Cát Phồn: Người quê ở Trừng Giang, tuổi trẻ đã đỗ đạt. Theo truyện ký, có một viên quan lên kinh đô tìm mua hia, thấy một đôi hia rất to, nhận ra đó là đôi hia đã chôn theo cha mình, bèn hỏi người thợ sửa hia do đâu mà có? Người đó bảo do một viên quan mang đến sửa và hứa sẽ trở lại lấy. Viên quan ấy bèn chờ, quả nhiên thấy cha mình, trả tiền lấy hia. Người con lạy cha, cha chẳng thèm ngó tới, thót lên ngựa, phóng đi. Người con đuổi theo hai ba dặm vẫn không đuổi kịp, gào lên: “Đã là cha con một thuở với nhau, sao chẳng nói một lời?” Cha bảo: “Hãy học theo Tống Cát Phồn”. Người con bèn tìm hỏi, mới biết Cát Phồn đang làm thái thú Trấn Giang. Hỏi nguyên do vì sao ông được người cõi âm nể trọng, họ Tống đáp: “Tôi thoạt đầu mỗi ngày làm một chuyện lợi người, rồi tăng dần lên cho đến mười chuyện. Suốt bốn mươi năm nay, chưa từng bỏ phế ngày nào”. Lại hỏi: “Lợi người bằng cách nào?” Cát Phồn chỉ xuống cái ghế kê chân: “Nếu như vật này không ngay, tôi kê lại cho ngay. Nếu người ta đang khát, tôi cho họ chén nước, cũng là chuyện lợi người vậy. Hễ gặp chuyện gì có lợi cho người bèn làm”. Cát Phồn làm quan ở đâu cũng lập một gian tịnh thất để thờ Phật. Có lần ông vào thất lễ tụng, cảm được xá-lợi giáng xuống. Ông thường khuyên người khác niệm Phật, cảm hóa được rất nhiều người, trong định từng dạo chơi Cực Lạc. Về già, không bệnh tật gì, ngồi ngay ngắn hướng mặt về Tây mà mất (theo Long Thư Tịnh Độ Văn và Tây Quy Trực Chỉ).

[8] Triệu Duyệt Đạo làm quan Ngự Sử thời Tống Nhân Tông, chí công vô tư, được người đời xưng tụng là Thiết Diện Ngự Sử (Ngự Sử mặt sắt).

[9] Nhũ danh: tên sữa, tên đặt lúc mới sanh ra, ta thường gọi là “tên hèm” (“hèm” là kiêng kỵ, không nhắc đến) hoặc “tên húy”. Đến khi lớn lên lại đặt tên tự và hiệu. Khi xưng hô với nhau chỉ dùng tên tự hoặc hiệu. Khi chết, căn cứ vào đức hạnh của người ấy khi còn sống lại đặt cho một cái tên gọi là “thụy hiệu” dùng để đọc trong văn tế khi cúng giỗ. Chẳng hạn Chu Văn An có thụy hiệu là Văn Trinh, Phạm Trọng Yêm có thụy hiệu là Văn Chánh.

[10] Khuê khổn: Chỗ ở của nữ nhân gọi là khuê khổn, hoặc khuê phòng.

[11] Trong chuyện ngụ ngôn Tàu có câu chuyện một anh chàng đang cầm vàng đi thấy bên đường có một đống sợi gai to. Thấy đống gai to bèn tối mắt, vứt vàng đi để cặm cụi gánh gai về.

[12] Chân Như Triết: Húy là Mộ Triết, quê ở Lâu Xuyên, theo học với ngài Vĩnh An Viên Giác Luật Sư ở Kiến Xương, thọ trì giới luật tinh nghiêm. Khi Thúy Nham Chân Thiền Sư du phương, Sư đến cầu học, Ngài bảo ba bốn mươi năm sau, Chân Như Triết sẽ làm Phật sự lớn lao. Khi Chân Thiền Sư mất, Ngài y chỉ Tổ Hoàng Bá, chấn hưng tông phong.

Đoạn Nhai Nghĩa: Trong vạn người cầu pháp với Nguyên Diệu đại thiền sư ở Thiên Mục Sơn, chỉ có ngài Đoạn Nhai và Trung Phong Minh Bổn đắc pháp. Không rõ hành tích của Ngài, chỉ biết trong Thiền Quan Sách Tấn, Tổ Liên Trì có ghi lại một đoạn pháp ngữ của Sư: “Muốn siêu phàm nhập thánh, vĩnh viễn thoát khỏi trần lao, thì phải thay da đổi xương, chết đi sống lại, như tro lạnh sanh lửa, như cây khô tươi tốt lại. Há nên nghĩ là dễ dàng”.

[13] Ngài Ngẫu Ích sanh năm 1599 (năm Vạn Lịch thứ 27 đời Minh), mất năm 1655 (nhằm năm Thuận Trị thứ 12 nhà Thanh). Dẫu nhà Thanh đã chiếm được Trung Hoa, nhưng con cháu nhà Minh vẫn chiếm cứ một số vùng ở Nam Trung Hoa, xưng là Nam Minh, như Phước Vương (Châu Do Tung), Đường Vương (Châu Duật Kiện) và Quế Vương (Châu Do Lang). Mãi đến năm Khang Hy thứ hai (1663), nhà Thanh mới hoàn toàn diệt được con cháu nhà Minh, bình định được Trung Hoa. Dư đảng di thần nhà Minh một số theo Trịnh Thành Công chạy ra Đài Loan tiếp tục phù Minh phản Thanh.

[14] Sùng Trinh là vua cuối đời Minh. Trước khi quân Mãn Châu chiếm Trung Hoa, Lý Tự Thành đã nổi loạn lật đổ nhà Minh, xưng quốc hiệu là Đại Thuận, làm vua được hai năm (1644-1645).

[15] Tướng Tông Bát Yếu: Tên gọi đầy đủ của tác phẩm này là Tướng Tông Bát Yếu Trực Giải, là một tác phẩm chú thích của ngài Ngẫu Ích cho tám tác phẩm trọng yếu của tông Pháp Tướng (Duy Thức). Tám tác phẩm ấy là: 1. Bách Pháp Minh Môn Luận của ngài Thế Thân 2. Duy Thức Tam Thập Luận cũng của ngài Thế Thân 3. Quán Sở Duyên Duyên Luận của ngài Trần Na 4. Lục Ly Hợp Thích Pháp Thức của ngài Trừng Quán (cuốn này trích từ bộ Hoa Nghiêm Kinh Tùy Sớ Diễn Nghĩa Sao) 5. Quán Sở Duyên Duyên Luận Thích của ngài Hộ Pháp 6. Nhân Minh Nhập Chánh Lý Luận của ngài Thương Yết La Chủ 7. Tam Chi Tỷ Lượng của ngài Huyền Trang và 8. Bát Thức Quy Củ Tụng cũng của ngài Huyền Trang.

[16] Đây là tác phẩm chú giải bộ Đại Thừa Chỉ Quán của ngài Huệ Tư (thầy ngài Trí Khải).

[17] Duyệt Tạng Tri Tân gồm bốn mươi tám quyển, là một loại sách tổng mục, phân định 1.773 bộ kinh sách trong Đại Tạng thành bốn loại Kinh, Luật, Luận và Tạp. Đối với mỗi tác phẩm đều có những lời giải thích thiết yếu. Nội dung gồm:

1) Kinh Tạng: gồm 976 bộ kinh Đại Thừa (căn cứ theo tiêu chuẩn ngũ thời phán giáo của tông Thiên Thai) và 211 bộ kinh Tiểu Thừa.

2) Luật Tạng gồm 30 bộ Luật Đại Thừa và 61 bộ Luật Tiểu Thừa.

3) Luận Tạng gồm luận Đại Thừa, chia thành 71 bộ Thích Kinh Luận (luận nhằm giải thích kinh theo từng đoạn kinh) và 117 bộ Tông Kinh Luận (giải thích giáo nghĩa chánh yếu của một kinh), 32 bộ Chư Luận Thích (chú giải các bộ luận)) và 47 bộ luận Tiểu Thừa.

4) Tạp Tạng gồm các thể loại: Tây Phương (những kinh điển của ngoại đạo hoặc bị nghi ngờ là ngụy tạo của Ấn Độ, gồm 48 bộ) và Thử Độ (những nghi thức sám hối, các trước tác Tịnh Độ, Thiên Thai, Thiền Tông, Hiền Thủ Tông, Từ Ân Tông, Mật Tông, Luật Tông, truyện ký, hộ pháp, âm nghĩa, mục lục, bài tựa, bài tán, pháp sự v.v… của Trung Hoa, tổng cộng 176 bộ).

[18] Thuở xưa, in sách bằng ván gỗ (thường gọi là in mộc bản). Trước hết phải nhờ người chữ tốt chép lại bản sách ấy rõ ràng, rồi đưa bản chép ấy cho thợ khắc gỗ khắc ngược những chữ ấy lên ván gỗ. Nhà in sẽ dùng những ván gỗ ấy, phết mực lên, áp xuống giấy trắng để in thành sách.

[19] Bộ sách này gồm tám quyển, biên soạn vào năm Ung Chánh thứ 11 (1733). Nguyên khởi là do sư Hán Nguyệt Pháp Tạng thuộc dòng Thiền Lâm Tế soạn cuốn Ngũ Tông Nguyên, môn nhân của Sư là Đàm Cát Hoằng Nhẫn cũng soạn cuốn Ngũ Tông Cứu để đả kích giáo nghĩa dòng Thiền Tào Động lúc ấy, gây nên tranh luận ồn ào trong chốn Thiền lâm bấy giờ, cho đến tận đời Thanh vẫn còn chưa dứt. Thanh Thế Tông bèn soạn tác phẩm này, phán định chủ trương của Hán Nguyệt và Hoằng Nhẫn là tà ma dị thuyết, phê phán những cuốn Ngữ Lục của hai vị này. Vua còn chê trách môn nhân của hai vị trên ăn thịt, uống rượu, hủy phá giới luật, gây nguy hại cho Phật giáo rất lớn, cần phải phế trừ.

[20] Viên Minh là một biệt hiệu khác của Ung Chánh. Tác phẩm này có tên là Viên Minh Bách Vấn, trích ra từ quyển thứ 12 của bộ Ung Chánh Ngự Soạn Ngữ Lục. Tác phẩm này gồm một trăm đoạn văn ngắn biện định về Thiền Tông.

[21] Tức sư Hán Nguyệt Pháp Tạng. Đệ tử tại gia của môn nhân ngài Hán Nguyệt Pháp Tạng là những kẻ đương nắm giữ quyền chức thời ấy nên họ tìm cách ngăn không cho cuốn Giản Ma Biện Dị Lục được nhập tạng.

[22] Thiền hòa: Gọi tắt của “thiền hòa tử” hoặc “thiền hòa giả”, là tiếng để chỉ những người tham Thiền.

[23] Tức Dương Châu, tự Tử Cư, người nước Vệ, sống vào thời Chiến Quốc, chủ trương Vị Ngã, nhổ một cái lông mà có lợi cho người khác cũng không làm.

[24] Ở đây, xin đừng hiểu lầm ý Tổ. Tổ nói quở trách người thâm nhập một môn là người chấp khăng khăng vào pháp môn của chính mình, bài xích các pháp môn khác, không chịu học hỏi kinh điển nhà Phật, chứ không hề dạy tu tập tràn lan, pháp nào cũng tu, pháp nào cũng học, không biết lượng sức. Vì thế, chư Tổ Tịnh Độ thường đề xướng “thâm nhập một môn, trường thời huân tu”. Đọc kỹ những lời giáo huấn của Tổ, sẽ thấy Tổ quở trách chuyện học tràn lan không chuyên nhất. Ý của Tổ ở đây nhằm quở trách những kẻ chỉ cho niệm Phật là đủ, không bận tâm tu tập các trợ hạnh khác để hỗ trợ chánh hạnh Niệm Phật.

[25] Mạnh Do là anh ruột của Châu Quần Tranh.

[26] Pháp khí: Chỉ những người có thể tu hành Phật đạo. Sách Sơn Đường Tứ Khảo chép: “Nhị Tổ Huệ Khả thờ ngài Đạt Ma đã lâu, chưa được nghe giáo huấn, bèn chặt tay cầu pháp, Sư biết là pháp khí, bèn trao cho y bát”.

[27] Chính là ông Vương Nhật Hưu, tác giả bộ Long Thư Tịnh Độ Văn.

[28] Nguyên văn “đương đầu bổng hát”: Tông Lâm Tế dùng gậy đánh, tiếng hét để khai ngộ. Nên “đương đầu bổng hát” cũng có nghĩa là nhân duyên, cảnh tượng giúp mình tỉnh giác.

[29] Âu Giang: Con sông lớn thứ hai của tỉnh Chiết Giang, phát nguyên từ núi Đồng Cung, chảy theo hướng về Đông Nam đến huyện Thanh Điền mới có tên là Âu Giang, đổ ra biển ở thành phố Ôn Châu.

[30] Họ Đinh ở đây là ông Đinh Phước Bảo, trong lá thư trả lời cư sĩ Ninh Đức Tấn, Tổ có nói: “Cuốn Phật Học Đại Từ Điển do ông Đinh Phước Bảo biên soạn, danh tướng thật rộng, nhưng khảo cứu chưa thật tường tận. Nói chung, cứ ba mươi điều có một điều bị sai lạc, chỉ có bậc thông gia mới phân biệt được, nếu không rất có thể do đó bị lầm”.

[31] Họ Viên ở đây là ông Viên Tử Tài (1716-1797). Lời tựa cuốn Kỷ Văn Đạt Công Bút Ký Trích Yếu có chép: “Từ đời Thanh đến nay, người bác học đa văn thì tiên sinh Giang Thận Tu là bậc nhất, kế đến là Kỷ Văn Đạt rồi đến là ông Viên Tử Tài… Viên Tử Tài thoạt đầu bài bác Phật, đến tuổi trung niên trở đi, lịch duyệt ngày càng sau, bèn sanh lòng tin chân thật đối với Phật pháp, chỉ vì cuồng vọng, tự đại, lười nhác, biếng trễ, chẳngchịu thân cận cao nhân, lắng lòng nghiên cứu…”.Qua lời nhận định này, có thể đoan chắc họ Viên nói ở đây là ông Viên Tử Tài. Ông tên thật là Viên Mai, tự Tử Tài, hiệu Tùy Viên Lão Nhân, là người Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, đỗ tiến sĩ dưới đời vua Gia Khánh, từng làm tri huyện bốn lần. Về sau, từ quan sống ở Tiểu Thương Sơn tại Nam Kinh, dựng Tùy Viên để hưởng nhàn, chuyên tâm viết lách, nghiên cứu nghệ thuật ẩm thực. Ngoài danh hiệu lý luận gia lừng danh, ông cũng là một nhà văn nổi tiếng biết thưởng thức món ăn ngon. Thi văn của ông trang nhã, bóng bẩy, tình tứ. Bộ Tùy Viên Thực Đơn của ông nổi tiếng đến nỗi được xuất bản ngay trong đời Thanh, và được phiên dịch sang tiếng Nhật. Năm 1983, Quảng Đông Khoa Kỹ Xuất Bản Xã đã tái bản cuốn sách này.

[32] Ông Kỷ ở đây là Kỷ Văn Đạt (1724-1805) tên thật là Kỷ Quân, tự Hiểu Lam, tên thụy là Văn Đạt. Người huyện Hiến, tỉnh Hà Bắc, làm quan đến chức thượng thư bộ Lễ, Hiệp Biện Đại Học Sĩ, từng đảm nhiệm việc biên tập tác phẩm đồ sộ Tứ Khố Toàn Thư dưới thời Càn Long.

[33] Phương ngoại có nghĩa là thế ngoại (ở ngoài cõi đời). Tăng sĩ kết bạn với tục gia đệ tử thường xưng là “phương ngoại hữu”, tức là người bạn ở ngoài cõi đời. Trong Thiền Lâm, khi một vị tăng đảm nhiệm mới đến đảm nhiệm trụ trì một ngôi chùa, các vị thân sĩ viết bài văn chúc mừng, bài văn ấy cũng gọi là Phương Ngoại Sớ.

[34] Hòa quang đồng sự, còn gọi là hòa quang đồng trần: Sống chung với chúng sanh, sanh hoạt, xử sự giống như chúng sanh để dễ bề giáo hóa.

[35] Truy tiến: Làm các pháp sự hoặc thiện sự để hồi hướng cầu cho người đã mất được siêu sanh Tịnh Độ.

[36] Tiên vong: Những người đã mất.

[37] Thời ấy in bằng mộc bản (chữ khắc trực tiếp trên ván) nên nếu khắc chữ nhỏ quá, khi bôi mực lên ván rồi ép xuống giấy in thành sách, bị ép nhiều, chữ sẽ bị vỡ, phải khắc bản gỗ mới.

[38] Đại Minh Nhân Hiếu Hoàng hậu chính là hoàng hậu Từ Nghi Hoa của vua Minh Thành Tổ, bà vốn là con gái của Khai Quốc Công Thần Từ Đạt của nhà Minh, sanh năm 1361. Năm 1376 lấy Châu Lệ, được sách phong Yên Vương Phi, rồi được phong Hoàng Hậu khi Châu Lệ lên ngôi. Bà mất năm 1497, hưởng thọ 46 tuổi. Bản kinh bà mộng thấy mang tên Đại Minh Nhân Hiếu Hoàng Hậu Mộng Cảm Phật Thuyết Đệ Nhất Hy Hữu Đại Công Đức Kinh, là bản kinh số 10, tập X01 của Vạn Tục Tạng.

[39] Nghi ngụy: là kinh bị coi là do người đời bịa đặt ra, không phải là kinh Phật thật sự.

[40] Cáp Nhĩ Tân (Harbin) là thủ phủ của tỉnh Hắc Long Giang, tỉnh cực Bắc của Trung Quốc (Vùng Mãn Châu khi xưa nay được chia thành ba tỉnh Cát Lâm, Liêu Ninh và Hắc Long Giang). Thành phố này nằm ở phía Nam sông Tùng Hoa, ngay giao lộ của đường xe lửa Trường Xuân.

[41] Ý nói tu tập, tác pháp đã được đôi chút cảm ứng, hảo tướng đã hiện.

[42] Trong Mật Tông, khi trì chú, tác pháp thường cầu những hảo tướng như mộng thấy thân mình bay lên hư không, được Bổn Tôn cho ăn sữa và những thức ăn màu trắng, thấy pháp khí tỏa sáng, tràng phan lay động v.v… để cầu ấn chứng pháp mình đang tu đã được hành trì đúng cách. Rất nhiều hành giả Mật Tông thấy những tướng trạng ấy tưởng mình đã thành tựu, dự vào hàng Thánh, nên gọi là “lầm nhận tin tức”.

[43] Gia Tường Đại Sư tức ngài Cát Tạng (549-623), người đời Tùy, họ An, húy là Thế, sanh tại tỉnh An Huy, vốn là người Hồ, sau dời đến Kim Lăng (Nam Kinh), nên còn được gọi là An Cát Tạng hoặc Hồ Cát Tạng. Năm lên bốn tuổi, theo cha mẹ đến yết kiến pháp sư Chân Đế nên được đặt pháp danh là Cát Tạng. Về sau, cha ngài xuất gia, ngài thường theo cha đến chùa Hưng Hoàng nghe ngài Pháp Lãng giảng Tam Luận. Năm bảy tuổi (có thuyết nói là 13 tuổi), xuất gia với ngài Pháp Lãng. Do ngài Pháp Lãng là truyền thừa của ngài La Thập về giáo học Tam Luận Tông, nên ngài Cát Tường chuyên học các bộ Trung Luận, Bách Luận, Thập Nhị Môn Luận. Đến năm 19 tuổi, đại sư lên giảng kinh. Năm 21 tuổi thọ Đại Giới. Năm 581, sư Pháp Lãng thị tịch, Ngài bèn qua Giang Đông, đến chùa Gia Tường ở Cối Kê, tỉnh Chiết Giang, chuyên tâm giảng thuyết trước tác. Phần nhiều những chú sớ Tam Luận được hoàn thành tại chùa này, nên Sư thường được gọi là Gia Tường đại sư. Ngoài Tam Luận, đại sư còn hết sức uyên thâm giáo nghĩa các kinh Pháp Hoa, Niết Bàn. Ngài cũng từng gởi thơ cho đại sư Trí Giả để học thêm về giáo nghĩa Thiên Thai Tông. Ngài chuyên chú phục hưng Tam Luận Tông, nên được coi là một vị tổ sư của Tông này. Đại sư còn tự tay chép được hai ngàn bộ Pháp Hoa. Năm Vũ Đức thứ sáu đời Đường (623), Sư tắm gội thanh tịnh, đốt hương niệm Phật, viết bài luận “Chết Không Sợ Hãi” rồi nhập diệt, thọ 75 tuổi. Bình sinh đại sư giảng kinh thật nhiều, chẳng hạn như giảng Tam Luận hơn trăm lần, giảng kinh Pháp Hoa hơn ba trăm lần, viết rất nhiều chú sớ cho các kinh Đại Thừa. Bản Quán Kinh Nghĩa Sớ này cũng được đưa vào Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh.

[44] Thập Nhất Diện Sớ là bản chú giải kinh Phật Thuyết Thập Nhất Diện Quán Âm Tâm Chú kinh.

[45] Núi Hồng Loa thuộc tỉnh Liêu Ninh, có chùa Tư Phước là đạo tràng tu tập của tổ Triệt Ngộ.

[46] Tức kinh Xuân Thu, đây là một bộ cổ sử do Khổng Tử san định. Khổng Tử được coi như kỳ lân trong loài người (theo truyền thuyết khi sắp sinh ra Ngài, thân mẫu mộng thấy kỳ lân. Khi hiệu đính bộ sử này, Ngài nghe tin ngoài đồng bắt được kỳ lân bèn ngưng không viết tiếp), nên bộ sử do Ngài san định được gọi là Lân Kinh.

[47] Ô Khoa Đạo Lâm (741-824), người đời Đường, thuộc dòng Thiền Ngưu Đầu, họ Phan (có thuyết nói là họ Ông), tên lúc nhỏ là Hương Quang. Xuất gia năm chín tuổi, năm 21 tuổi đến Kinh Châu (tỉnh Hồ Bắc) thọ Cụ Túc Giới ở chùa Quả Nguyện. Sau qua theo học kinh Hoa Nghiêm, Đại Thừa Khởi Tín Luận với Phục Lễ pháp sư ở chùa Tây Minh tại Trường An. Sau Ngài khế ngộ tâm yếu nơi pháp sư Đạo Khâm rồi quay về Nam, thấy núi Tần Vọng có cây tùng mọc um tùm như cái tàn, bèn sống ở đó. Người thời ấy bèn gọi Ngài là Ô Khoa thiền sư (Khoa là cái ổ, sách Thuyết Văn Giải Tự giảng:“Hang ổ gọi là Khoa, tổ chim gọi là Sào”). Do có nhiều loại quạ làm tổ nơi ấy, nên Ngài còn được gọi là Ô Sào thiền sư. Ông Bạch Cư Dị hỏi đạo nơi Ngài, tâm phục khẩu phục, bèn dựng căn gác bằng trúc cho Ngài ở để tiện hỏi đạo, nơi đây về sau thành chùa Quảng Hóa. Còn có truyền thuyết nói lúc Ngài sanh ra bị cha mẹ bỏ rơi, được quạ nuôi nên gọi là Ô Sào thiền sư. Đây có lẽ là lời đồn bịa đặt vì không thấy Cảnh Đức Truyền Đăng Lục chép như vậy.

[48] Bành Hy Tốc, tự Lạc Viên, hiệu Lan Đài, người xứ Nguyên Hòa ở Tô Châu, vốn là cháu ông Bành Tế Thanh. Cùng với Bành Tế Thanh, ông đảm nhiệm việc tu đính bộ Vãng Sanh Tập của ngài Vân Thê, tạo thành bộ Tịnh Độ Thánh Hiền Lục. Năm Càn Long 58, ông vừa bị bệnh sốt rét, vừa bị kiết lỵ, bèn đến chỗ mẹ ở, tuyệt không nhắc đến việc nhà, chỉ tận lực khuyên mẹ niệm Phật, bảo: “Ngày nọ tướng hảo Tây Phương đã hiện”. Trước hôm mất ba bữa, ông thỉnh Trừng Cốc hòa thượng đến trước giường bệnh, lập bàn thờ thọ Tam Quy Ngũ Giới, sám hối phát nguyện, càng thêm khẩn thiết. Sáng ngày Ba Mươi, ông bảo người nhà treo tượng Phật, dời giường hướng về Tây, thưa với hòa thượng: “Phiền thầy niệm Phật cho con!” Đến tối, miệng niệm Phật râm ran, nằm trên hông phải qua đời, mùi hương lạ ngập thất, thọ 33 tuổi. Vợ ông là Cố Thị, cực thông minh, giúp chồng rất lớn trong việc biên tập, trước đó đã niệm Phật qua đời vào năm bà 29 tuổi

[49] Hai mươi bốn bộ sử gồm Sử Ký, Hán Thư, Hậu Hán Thư, Tam Quốc Chí, Tấn Thư, Tống Thư, Nam Tề Thư, Lương Thư, Trần Thư, Ngụy Thư, Bắc Tề Thư, Châu Thư, Nam Sử, Bắc Sử, Tùy Thư, Cựu Đường Thư, Tân Đường Thư, Cựu Ngũ Đại Sử, Tân Ngũ Đại Sử, Tống Sử, Liêu Sử, Kim Sử, Nguyên Sử và Minh Sử. Thời Càn Long, hai mươi bốn bộ sử này được chỉnh lý, nhuận sắc và hợp thành một bộ lớn gọi chung là Nhị Thập Tứ Sử.

[50] Gồm ba mươi sáu quyển, do ngài Viên Cực Cư Đảnh soạn vào đời Minh để tiếp theo bộ Cảnh Đức Truyền Đăng Lục, chép phổ hệ truyền thừa của nhà Thiền từ môn nhân đời thứ 10 của tổ Huệ Năng đến đời thứ 20, chú trọng ghi lại những câu thoại đầu, chỉ chép sơ sài sự tích, tổng cộng gồm 1.203 vị. Sự tích các vị này lấy từ các sách Ngũ Đăng Hội Nguyên, Phật Tổ Huệ Mạng, Tăng Bảo Truyện, Thiền Môn Tông Phái Đồ, Chư Tổ Ngữ Lục v.v...

[51] Phú Trịnh Công là thừa tướng Phú Bật đời Tống, Tư Mã Ôn Công chính là Tư Mã Quang, ông này cũng từng làm tể tướng thời Tống, từng chống đối Vương An Thạch.

[52] Thông công: tức là ngài Thông Trí Tầm Nguyên.

[53] Nguyên văn “khánh khái”. Tiếng đằng hắng là một trong mười thần lực Phật thị hiện trong kinh Pháp Hoa. Khánh khái có nghĩa là trước khi muốn nói, bèn đằng hắng cho cổ họng thông suốt. Theo Pháp Hoa Văn Cú, “khánh khái” có hai nghĩa:

1) Khánh khái để tỏ ý sự việc đã xong, tức là hơn bốn mươi năm thuyết pháp, ẩn giấu sự thật, nay trong hội Pháp Hoa khai Quyền hiển Thật, bèn được diễn tả thông suốt, trọn không ngăn trệ. Vì thế, trước khi cất tiếng diễn bày thông suốt đại sự bèn đằng hắng.

2) Khánh khái phó chúc, nghĩa là Phật muốn đem pháp này giao phó cho các vị Bồ Tát để các Ngài chỉ dạy lại cho chúng sanh đời sau, nên bèn đằng hắng.

Ở đây, Khánh Khái là một cách diễn tả tôn trọng, ý nói may được Hòa Thượng thương tưởng đến ban cho pháp ngữ.

[54] Nguyên văn là “hoa hàn”: Hoa là hoa tiên, một thứ giấy đẹp để viết thư, Hàn là bút mực. Cổ văn hay dùng chữ này để tôn xưng thư từ, giấy tờ viết lách của người khác.

[55] Nguyên văn: “Nhược phù lược huyền hoàng nhi thủ thần tuấn, tu đãi đắc ý vong ngôn chi nhân, ngoạn đồ tượng nhi bố chân long, mỗi đa tầm sổ hàng mặc”(nếu lược bỏ những con ngựa sắc đen vàng xen tạp, chọn lấy con ngựa hay, phải đợi người được ý quên lời, còn kẻ thích chơi tranh ảnh, lại sợ rồng thật, chỉ có thể thường đọc dò theo câu văn). “Tầm sổ hàng mặc” là một thành ngữ, ý nói chỉ biết đọc thông mặt chữ, không lãnh hội được ý nghĩa. Ở đây, Tổ tự khiêm mình tài hèn sức kém, không làm công việc nhuận sắc, biên tập được.

[56] Trọng Ni là tên tự của Khổng Tử, Khổng Tử húy là Khâu (Khưu).

[57] Lý Đại Phật Đảnh: Chỉ những giáo lý của kinh Lăng Nghiêm, kinh Lăng Nghiêm có tên gọi đầy đủ Đại Phật Đảnh Như Lai Mật Nhân Tu Chứng Liễu Nghĩa Chư Bồ Tát Vạn Hạnh Thủ Lăng Nghiêm Kinh.

[58] Phương Sơn chính là Trưởng Giả Lý Thông Huyền, tác giả bộ Hoa Nghiêm Hợp Luận. Ông ẩn cư tại Phương Sơn vào thời Khai Nguyên thời Đường. Còn Vô Vi chính là Dương Kiệt đời Tống, tự Thứ Công, hiệu Vô Vi Tử, đắc pháp với ngài Thiên Y Hoài Nghĩa. Sau do cưu tang mẹ, duyệt Đại Tạng kinh, ngộ pháp môn Tịnh Độ thù thắng, bèn tận lực tu trì dạy người. Lâm chung nói kệ, nghiễm nhiên qua đời.

[59] Nguyên văn là “quốc môn” tức cái cửa chánh nơi đền vua, chúng tôi dịch là Ngọ Môn, theo cách gọi cửa chánh vào cung điện Huế. Ở đây nhắc đến chuyện ngài Huyền Trang khi sang Tây Thiên thỉnh kinh, nhằm năm Ngài 41 tuổi, vua Giới Nhật mở đại hội Vô Giá ở thành Khúc Nữ, mời toàn bộ các luận sư Đại Tiểu Thừa và hàng Bà La Môn ở mười tám tiểu quốc của Ấn Độ đến dự, cùng nhau biện luận về Phật pháp. Đại sư nhận lời vua thỉnh, làm chủ tọa đại hội, xưng dương Đại Thừa, Ngài soạn bản luận Chân Duy Thức Lượng treo ngoài cửa quốc thành suốt cả mười tám ngày. Vua Giới Nhật truyền lệnh ai sửa được một chữ sẽ thưởng ngàn vàng. Không ai bắt bẻ được một chữ nào!

[60] Duy Ma (Vimakirti): Gọi đủ là Duy Ma Cật, dịch nghĩa là Tịnh Danh. Ngài là một vị đại Bồ Tát hiện thân cư sĩ thời đức Phật. Những lời Ngài giảng về pháp môn Bất Nhị được ghi trong kinh Duy Ma Cật Sở Thuyết Kinh.

[61] Tức hòa thượng Tịch Sơn ở chùa Vạn Thọ vừa được nhắc đến trong lá thư trước.

[62] Dương Thứ Công chính là Dương Kiệt, hiệu là Thứ Công, tức Vô Vi Tử trong chú thích ở phần trên.

[63] Tác gia: Chữ “tác gia” thoạt đầu là chỉ người giỏi soạn thơ văn. Do Thiền Giả cũng thường dùng thơ văn để trình bày yếu chỉ nhà Thiền nên nếu ai khéo lãnh hội nghĩa Thiền, khéo độ được người cũng được gọi là tác gia.

[64] Nhất Thừa Bộc: cư sĩ Bộc Đại Phàm, một trong những người biên tập tờ Phật Học Tùng Báo.

[65] Ngũ tộc: năm sắc dân chính của Trung Hoa là Hán, Tây Tạng, Mông Cổ, Hồi, Mãn Châu.

[66] Nguyên văn “Vũ điện”: Điện là lãnh thổ cai trị. Vũ là vua Đại Vũ, khai sáng nhà Hạ.

[67] Ngũ phước phát xuất từ thiên Hồng Phạm trong sách Thượng Thư gồm: thọ, phú, khang ninh, tố hảo đức, khảo mạng chung (sống lâu, giàu có, mạnh khỏe bình yên, làm điều đức hạnh tốt, chết yên lành). Tương truyền tác giả là Cơ Tử.

Tam đa: đa phước, đa thọ, đa tử (phước nhiều, sống lâu, lắm con) Theo sách Hoa Nhạc Chí, quyển 1 đời Thanh, di chỉ Hoa Phong ở phía Đông Bắc Hoa Sơn. Cũng theo sách Hoa Dương Huyện Chí, thiên Cổ Tích, có chép một đoạn đối thoại giữa vua Nghiêu và dân vùng này: “Đào Đường Đế đến Hoa Sơn, dân Hoa Phong thưa: ‘A! Xin chúc thánh nhân lắm phước, lắm thọ, lắm con cái’. Vua nói: ‘Thôi đi! Lắm con thì lo nhiều, lắm phước ắt lắm chuyện, lắm thọ càng lắm nhục”. Vì thế, mới có điển tích “Hoa Phong tam đa”.

[68] Ý nói kể từ đầu triều đại nhà Thanh.

[69] Nguyên văn “thúy hoa nam hạnh”: Nam hạnh là hoàng đế đi tuần sát phương Nam, thúy hoa là một loại cờ hiệu của hoàng đế, phía trên gắn lông đuôi chim phỉ thúy (chim bói cá), nên được gọi là “thúy hoa”.

[70] Một rặng núi lớn ở Tây Nam Trung Quốc, bắt nguồn từ cao nguyên Pamir đến tận tỉnh Tứ Xuyên, toàn bộ rặng núi dài đến 2.500 km. Theo truyền thuyết, đây là nơi cư ngụ của các vị tiên và có nhiều ngọc quý.

[71] Đây là chuyện Biện Hòa thời Chiến Quốc, biết trong tảng đá có ngọc quyết dâng lên vua, bị gièm pha đến nỗi bị chặt chân, cứ ôm tảng đá ngồi khóc ngoài đồng. Sau có người thương tình tâu lên vua, vua sai chẻ tảng đá ra, quả thật có ngọc quý vô giá, thường gọi là “ngọc liên thành”. Sau Tần Thủy Hoàng cướp ngọc ấy, cho khắc thành ấn truyền quốc.

[72] Kim Thang: Chữ Kim chỉ tường thành chế tạo bằng kim loại; Thang chỉ sông hào bảo vệ vây quanh thành. Ý nói phương tiện bảo vệ kiên cố.

[73] Theo quy chế thời ấy, quan võ phẩm trật kém hơn quan văn, không được sử dụng ấn vuông.

[74] Lương Nhậm Công chính là Lương Khải Siêu (1873-1929), tự là Trác Như, hiệu Nhậm Công, còn có biệt hiệu là Băng Thất Chủ Nhân. Người xứ Tân Hội, Quảng Đông, sanh vào thời Đồng Trị. Ông là một nhà tư tưởng lẫy lừng thời cận đại, đồng thời là một nhà nghiên cứu Phật giáo. Cùng với Khang Hữu Vi mưu giúp vua Quang Tự lật đổ Từ Hy Thái Hậu nhưng thất bại, ông phải lưu vong một thời gian.

[75] Kính Trung Kính Hựu Kính: là tác phẩm của Trương Sư Thành thời Minh. Trương Sư Thành tự là Tâm Hữu, hiệu Lan Chử, người Quy An, Hồ Châu. Cha mộng thấy mặt trời chiếu vào cửa sổ, tỉnh dậy thì thấy Sư Thành được sanh ra. Ông thờ cha hiếu có tiếng, đỗ đạt từ lúc nhỏ, đảm nhiệm việc trấn giữ biên cương. Khi làm tuần vũ tỉnh Giang Tô, thấy người địa phương sát nghiệp nên nhiều lần ban cáo thị khuyên kiêng sát sanh, nghiêm cấm bắt cá. Trong dinh ông không tiệc tùng, không sát sanh. Ông trường trai thờ Phật, dốc lòng nơi Tịnh Độ, tự lấy hiệu là Nhất Tây Cư Sĩ. Cuốn Kính Trung Kính Hựu Kính của ông được đưa vào Vạn Tục Tạng kinh, tập 62, đánh số 1185.

[76] Ngũ giáo: Phật Giáo, Khổng Giáo, Đạo Giáo, Thiên Chúa Giáo và Y Tư Lan Giáo (Islam).

[77] Vệ Võ Công, tên là Cơ Hòa, người xứ Triều Ca, là con của Vệ Ly Hầu, ở ngôi vua từ 812 đến 758 trước Công Nguyên. Năm 771 trước Công Nguyên, quân Khuyển Nhung giết Châu U Vương. Vệ Võ Công cùng chư hầu hợp binh giúp nhà Châu dẹp loạn có công, được Châu Bình Vương phong tước Công. Vua chăm lo chánh sự, lo cho dân giàu nước mạnh, rất được dân chúng hai nước Châu, Vệ kính trọng.

[78] Không rõ Giang Thần Đồng ở đây là ai? Nhưng trong thư gởi cho cư sĩ Sái Khế Thành năm 1923, Tổ Ấn Quang có viết:“Giang Thần Đồng là quỷ thần dựa vào thân mà có năng lực ấy, chứ không phải thật sự là thần đồng. Năm trước, bạn tôi là ông Trương Chi Minh đem bài Thư Đình Chiến của Giang Thần Đồng đưa cho Quang xem, nhờ phê bình những chỗ không thích hợp để xem có nên lưu truyền hay không. Đến khi Quang chỉ ra những khuyết điểm, người bạn ấy nhất loạt không đề cập đến nữa. Tôn Giáo Đại Đồng Hội là gì? Thích Ca Hóa Thân là gì? Người có trí thức nghe đến liền biết hắn ta là ma vương hiện chuyện lạ lùng để mê hoặc con người, cần gì phải hỏi ai nữa?”Căn cứ vào đoạn văn trên, Giang Thần Đồng phải là một đứa bé nổi tiếng thần đồng thời ấy.

[79] Kinh Lăng Nghiêm có nhắc đến chàng Diễn Nhã soi gương thấy cái đầu mình đâm ra hoảng sợ, phát cuồng!

[80] Vị thầy độ cho mình đi xuất gia gọi là nghiệp sư.

[81] Tam Đàn Đại Giới: Quy củ truyền thọ giới pháp, chia làm ba giai đoạn: sơ đàn, nhị đàn và tam đàn. Sơ đàn truyền Sa Di, Sa Di Ni giới, nhị đàn truyền Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni giới, tam đàn truyền Bồ Tát giới. Khi Sơ Đàn và Nhị Đàn đã xong, Phật tử tại gia mới được dự Tam Đàn cùng thọ Bồ Tát Giới. Một đàn truyền đại giới phải hội đủ tam sư (Đắc Giới Hòa Thượng, Yết Ma A Xà Lê, Giáo Thọ) và bảy vị tôn chứng A Xà Lê đóng vai trò chứng minh. Thông thường đàn truyền giới được cử hành trong ba ngày liên tiếp.

 

Nam Mô A Di Đà Phật!
ẤN QUANG PHÁP SƯ VĂN SAO
(Tăng Quảng Chánh Biên)
Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa chuyển ngữ
(trọn bộ - giảo duyệt hoàn tất ngày 26 tháng 11 năm 2006)
QUYỂN THỨ HAI- Phần thứ nhất

/199
 

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây