Tìm kinh sách
 
        Kinh Sách FULL

Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao

ẤN QUANG PHÁP SƯ VĂN SAO
(Tăng Quảng Chánh Biên)
Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa chuyển ngữ
(trọn bộ - giảo duyệt hoàn tất ngày 26 tháng 11 năm 2006)
QUYỂN THỨ NHẤT

 

Chương 146: [THƯ 146]: Thư trả lời cư sĩ X… ở Dũng Giang[31]

Chuyện sắc dục là bệnh chung của người cả cõi đời, chứ không riêng gì hạng trung hạ căn bị sắc mê hoặc. Dù là người thượng căn nếu chẳng luôn canh cánh giữ gìn, luôn nghĩ kinh sợ thì cũng khó khỏi bị mê hoặc. Thử xem từ xưa đến nay bao nhiêu hào kiệt lỗi lạc, kham làm thánh làm hiền, chỉ do chẳng phá được cửa ải này, đâm ra thành kẻ hạ ngu bất tiếu, lại còn bị vĩnh viễn đọa trong ác đạo, chẳng biết là bao nhiêu! Kinh Lăng Nghiêm nói: “Nếu chúng sanh thuộc sáu đường trong các thế giới tâm chẳng dâm sẽ chẳng bị sống - chết tiếp nối. Ông tu tam-muội vốn để thoát trần lao, dâm tâm không trừ, chẳng thể xuất trần được!”Người học đạo, vốn để thoát lìa sanh tử, nếu chẳng đau đáu dứt trừ bệnh này thì khó thể thoát lìa sanh tử.

Ngay như pháp môn Niệm Phật tuy có thể đới nghiệp vãng sanh, nhưng nếu tập khí dâm cố kết sẽ bị cách ngăn cùng Phật, khó thể cảm ứng đạo giao! Muốn tuyệt cái họa này, không gì bằng trông thấy hết thảy nữ nhân đều khởi thân tưởng, oán tưởng, bất tịnh tưởng:

1) Thân tưởng là thấy người già coi như mẹ, thấy người lớn hơn hơn coi như chị, thấy người trẻ hơn coi như em gái, thấy trẻ nhỏ coi như con. Dục tâm dẫu lừng lẫy chẳng dám khởi ý niệm bất chánh đối với mẹ, chị, em, con. Xem hết thảy nữ nhân đều là mẹ, chị, em, con của mình thì lý bèn chế ngự dục, dục không do đâu phát được!

2) Oán tưởng là phàm thấy gái đẹp bèn khởi tâm ái; do tâm ái đó bèn đọa ác đạo, chịu khổ bao kiếp chẳng thể thoát lìa. Như thế thì những gì gọi là mỹ lệ, kiều mị so ra còn độc hại hơn giặc cướp, cọp, sói, rắn độc, bò cạp độc, phê sương, trầm độc[32] gấp trăm ngàn lần. Với những oan gia cực đại ấy vẫn cứ quyến luyến mơ tưởng, há chẳng phải là kẻ mê gấp bội ư?

3) Bất tịnh là vẻ đẹp lộng lẫy động lòng người chỉ là một lớp da mỏng bên ngoài. Nếu bóc lớp da ấy đi thì chẳng dám nhìn: xương, thịt, máu mủ, phân, tiểu, lông, tóc, đầm đìa, ròng ròng, trọn không có vật gì đáng cho người khác yêu mến được! Nhưng do lớp da mỏng bao bọc, nên lầm sanh ái luyến; bình đẹp đựng phân, người ta chẳng muốn nâng niu. Nay lớp da mỏng của mỹ nhân chẳng khác cái bình đẹp đẽ, những thứ được bọc trong đó còn gớm ghiếc hơn phân nữa! Há nên yêu mến lớp da bên ngoài, quên đi những thứ bẩn thỉu chứa bên trong da, lan man khởi vọng tưởng ư? Nếu chẳng khăng khăng kiêng sợ, đau đáu trừ khử tập khí ấy, sẽ chỉ thấy tư chất mỹ lệ khiến cho mũi tên ái lọt thấu xương chẳng thể nhổ được. Thường luôn như thế, lại muốn chết đi chẳng vào bụng người nữ sẽ chẳng thể được! Vào trong bụng người nữ còn tạm được, chứ vào trong bụng súc sanh cái biết làm sao đây? Thử suy nghĩ đến điều này, tâm thần kinh hãi.

Nhưng muốn thấy cảnh mà chẳng khởi nhiễm tâm thì phải trong lúc chưa thấy cảnh, thường khởi ba thứ tưởng này; khi thấy cảnh sẽ tự có thể chẳng bị cảnh chuyển. Nếu không, dẫu không thấy cảnh, ý vẫn vấn vương, rốt cục vẫn bị tập khí dâm dục ràng buộc. Vì thế, phải nỗ lực gột trừ các tập khí ác nghiệp thì mới có phần được tự do. Mỗi ngày ngoại trừ lúc làm việc ra, chuyên tâm niệm danh hiệu Phật. Sáng chiều đối trước Phật, cạn lòng thành, trọn lòng kính, khẩn thiết sám hối tội nghiệp từ vô thỉ đến nay. Hành như thế lâu ngày sẽ có lợi ích chẳng thể nghĩ bàn mà không hề hay biết. Kinh Pháp Hoa dạy: “Nếu có chúng sanh nhiều dâm dục, thường niệm cung kính Quán Thế Âm Bồ Tát liền được lìa dục”,sân khuể, ngu si cũng thế. Do vậy, ta biết: Chí thành niệm thánh hiệu Di Đà, Quán Thế Âm thì ba Hoặc tham - sân - si sẽ tự tiêu trừ. Thêm nữa, cõi đời nay đang hoạn nạn, ngoại trừ việc niệm Phật ra, cần phải niệm thêm thánh hiệu Quán Thế Âm, trong âm thầm sẽ có sự xoay chuyển chẳng thể nghĩ bàn, ngõ hầu chẳng đến nỗi khi túc nghiệp hiện tiền, không cách gì đối phó. Lại nên thường đọc những sách dạy về kiêng dâm, nhân quả, báo ứng, xa lìa những bạn bè cuồng loạn, phóng đãng, hèn tệ thì trong tâm được chánh, sự dụ hoặc bên ngoài dứt tuyệt, sẽ tự có thể thành tựu tịnh nghiệp vậy! Hãy gắng lên!

 

Nam Mô A Di Đà Phật!
ẤN QUANG PHÁP SƯ VĂN SAO
(Tăng Quảng Chánh Biên)
Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa chuyển ngữ
(trọn bộ - giảo duyệt hoàn tất ngày 26 tháng 11 năm 2006)
QUYỂN THỨ HAI- Phần thứ hai

/199
 

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây