Tìm kinh sách
 
        Kinh Sách FULL

Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao

ẤN QUANG PHÁP SƯ VĂN SAO
(Tăng Quảng Chánh Biên)
Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa chuyển ngữ
(trọn bộ - giảo duyệt hoàn tất ngày 26 tháng 11 năm 2006)
QUYỂN THỨ NHẤT

 

Chương 66: [THƯ 66]: Trả lời thư cư sĩ Thích Trí Châu (thư thứ ba)

Ý Quang muốn cho các hạ ở yên nơi nhà mình, tu chân ngay trong cõi tục, trên có thể cảm phát bậc trưởng thượng phát sanh lòng tin trong sạch, dưới có thể dắt dìu vợ con đồng thấm ơn Phật. Nếu ông cứ muốn sống nhờ ở chùa người ta thì cũng được. Đối với chuyện nghe kinh không cần phải đến chùa Linh Ẩn[5], bởi lẽ Huệ Minh pháp sư thường bỏ bớt, nêu đại lược ý nghĩa kinh văn, chuyên chú trọng dẫn chứng những công án nhà Thiền; có lẽ ích lợi cho bậc đại đạt, chứ kẻ sơ cơ sẽ bị hoang mang, không biết về đâu. Đối với người thông minh đôi chút rất có thể bị xen lạm hỗn độn giữa Tông và Giáo, lỗi ấy quả thật chẳng nhỏ cạn. Mười nguyện Phổ Hiền, một hạnh Văn Thù[6], nếu có thể tinh tu dẫu chẳng quán thông hết thảy kinh luận vẫn có thể thoát nhanh khỏi lồng rọ phiền não, cao dự hải hội. Nếu đối với pháp cậy vào Phật từ lực này lòng tin không chân thật, không dựa chắc vào, dù có thông Tông, thông Giáo cũng chỉ là tam-muội ngoài cửa miệng. Muốn dùng tam-muội ngoài miệng ấy để liễu sanh tử thì đúng là như muốn dùng bánh vẽ để khỏi đói, ắt đến nỗi cùng đường hối hận sâu xa, chẳng được lợi ích mảy may. Đời, đạo hiện thời chẳng biết tương lai sẽ như thế nào, còn toan dùng quang âm sắp hết để làm chuyện không gấp rút nữa ư?

Tuy trước kia, Quang có ý nguyện tu sửa bộ Sơn Chí[7], nhưng nếu không được Đại Sĩ thầm gia hộ khiến cho mục lực được sáng quyết chẳng thể theo đuổi được. Nếu mục lực có thừa, ở đâu mà chẳng soạn tập được, cần gì phải muốn sang Hàng Châu ở nhờ chỗ người ta! Mong hãy chuyên tâm niệm Phật, đấy mới là quyến thuộc thật sự trong pháp môn, chớ đừng đến núi này khiến cho đôi bên đều bị khốn khó. Còn chuyện ông muốn xuất gia hãy nên lễ thỉnh bậc tri thức cao minh khác, trọn chớ vì Quang ngăn ngại mà bèn chẳng lễ các vị thầy khác, đến nỗi mất lợi ích lớn lao! Đế pháp sư (ngài Đế Nhàn) ở chùa Quán Tông, Ninh Ba, bệnh chưa lành, cũng không cần phải qua đó nghe kinh. Cổ nhân nói: “Thật ít hơn dối nhiều, khéo quá chẳng bằng vụng, nói được một trượng không bằng làm được một tấc”. Người thật lòng vì mình phải suy nghĩ những câu ấy.

 

Nam Mô A Di Đà Phật!
ẤN QUANG PHÁP SƯ VĂN SAO
(Tăng Quảng Chánh Biên)
Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa chuyển ngữ
(trọn bộ - giảo duyệt hoàn tất ngày 26 tháng 11 năm 2006)
QUYỂN THỨ NHẤT- Phần thứ tư

/199
 

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây