Tìm kinh sách
 
        Kinh Sách FULL

Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao

ẤN QUANG PHÁP SƯ VĂN SAO
(Tăng Quảng Chánh Biên)
Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa chuyển ngữ
(trọn bộ - giảo duyệt hoàn tất ngày 26 tháng 11 năm 2006)
QUYỂN THỨ NHẤT

 

Chương 27: [THƯ 27]: Trả lời cư sĩ X… ở Vĩnh Gia (thư thứ nhất)

Nhìn chung, ông chọn lựa học vấn trong hai mươi năm, trải đủ nạn hiểm rồi mới có thể từ Nho học Phật, từ Tục tu Chân, bỏ tự lực, chuyên đề cao Tịnh Độ. Có thể nói là “tam sanh hữu hạnh”,đồng về một đạo vậy. May mắn lắm! An ủi lắm! Phàm con người trong đời trước quả thật đã trồng thiện căn thì đừng nói là vì học cầu đạo nên có thể tạo thành cơ sở tốt đẹp cho đại sự xuất thế, mà ngay cả phiền não Hoặc nghiệp tham - sân - si, tật bệnh dây dưa, đủ mọi ác báo vẫn đều có thể tạo thành nhân duyên xuất sanh tử nhập Phật pháp, tùy thuộc người ấy có thể tự tỉnh ngộ hay không!

Không thể tự phản tỉnh thì đừng nói chi kẻ tầm thường bị cái học thế gian câu thúc, ngay cả Hối Am, Dương Minh, Tĩnh Tiết, Phóng Ông v.v… tuy học vấn, tu dưỡng, kiến giải thảy đều kỳ đặc, trác tuyệt, nhưng rốt cuộc cũng chẳng thể triệt ngộ tự tâm, liễu thoát sanh tử. Học vấn, tu dưỡng, kiến giải của họ có thể dùng làm cơ sở cho vô thượng diệu đạo, nhưng họ không biết tự phản tỉnh, rốt cuộc thành chướng ngại cho việc nhập đạo. Đủ biết nhập đạo khó khăn, đúng là khó hơn lên trời vậy!

Những câu như “chớ chấp trước” về Lý thì đúng, nhưng về Sự lại chẳng phải là chuyện hàng phàm phu sát đất có thể làm được! Suốt ngày mặc áo, ăn cơm, bèn nói khơi khơi chẳng chấp đói lạnh, bảo với kẻ bụng rỗng, suốt ngày chẳng được chén nước hạt cơm, sắp chết đói rằng: “Ta xem gan rồng, tủy phượng giống như vật nhơ, nghĩ đến muốn ói, huống gì nuốt xuống được!” Cùng là một loại nói xuông như vậy thôi. Hiện thời người không rõ giáo lý, ngay những kẻ tham Thiền thường đa phần mắc bệnh giải thoát xuông này. Còn như khi tịnh tọa lắng lòng, không cảnh hiện tiền, bất quá là do ngưng lặng khuất phục vọng tưởng nên ngẫu nhiên huyễn cảnh phát hiện. Nếu tưởng lầm đó là dấu hiệu [chứng tỏ mình chứng ngộ] rồi sanh hoan hỷ lớn ắt sẽ mất trí thành cuồng, Phật cũng khó lòng trị được! Nếu may mắn quan sát kỹ, không chấp trước, vứt bỏ huyễn vọng, chợt quán thông các pháp môn, có thể nói là: “Đi trong gai góc đã lâu, chợt đến chỗ quang đãng”.

Con người đời Mạt căn tánh hèn kém, tri thức hiếm hoi, nếu chẳng cậy vào Phật từ lực, chuyên tu Tịnh nghiệp, chỉ cậy vào tự lực, tham khấu Thiền Tông thì những người đạt được minh tâm kiến tánh, đoạn Hoặc chứng chân, hiếm có một ai; kẻ tưởng huyễn là chân, coi mê là ngộ, ma dựa phát cuồng, thật nhiều vô kể! Do vậy, các vị Vĩnh Minh, Liên Trì v.v… quán xét căn cơ đương thời, cực lực chủ trương pháp môn Tịnh Độ. Nếu như sánh ví thì đấy chính là lý luận xác đáng ngàn phần đúng, vạn phần đúng trong hiện tại. Hưng điều lợi, trừ thói tệ, ắt phải xét đến kết quả rốt ráo trong tương lai thì mới hợp thời. Nếu không lại noi theo vết xe đổ: Chặt bỏ đầu, chân hòng để trị bệnh nơi đầu và chân, há chẳng khiến người khác đau buồn ứa lệ, thở than dài ư?

Còn đối với câu hỏi lời đáp về chuyện tín tâm chân thành, khẩn thiết, hạnh nguyện chuyên nhất, xét về Lý tuy đích xác, nhưng chưa thể khai phát tín tâm cho người, trình bày chủ kiến của chính mình, nay tôi xin đáp thay rằng:

- Tôi đã nghiên cứu khắp giáo lý, xem khắp các thánh, nên mới được như thế, há nào phải là nghiên cứu, thân cận tầm thường ư? Vì sao nói thế? Pháp môn Tịnh Độ do Thích Ca và Di Đà kiến lập, do Văn Thù, Phổ Hiền chỉ bày, hướng dẫn về, do Mã Minh, Long Thọ hoằng dương, do các vị Khuông Lô[34], Thiên Thai, Thanh Lương, Vĩnh Minh, Liên Trì, Ngẫu Ích phát huy, đề xướng, hướng dẫn hòng khuyên khắp dù thánh hay phàm, dù ngu hay trí. Các vị Bồ Tát đại sĩ ấy từ ngàn trăm năm trước, sớm đã vì tôi nghiên cứu khắp Tạng Giáo, đặc biệt chọn ra diệu pháp “chẳng đoạn Hoặc nghiệp mà được dự vào Bổ Xứ, ngay trong một đời này quyết định xổ lồng”chí viên, chí đốn, hết sức giản dị, thống nhiếp Thiền, Giáo, Luật, vượt trỗi Thiền, Giáo, Luật, vừa cạn, vừa sâu, vừa Quyền, vừa Thật, đặc biệt, siêu việt thiên nhiên này. Tôi tin tưởng Phật, Tổ, lấy cổ đức làm thầy, há chẳng bằng thân cận thiện tri thức đời nay hay sao? Kinh Hoa Nghiêm vua trong Tam Tạng, cuối cùng quy trọng nguyện vương. Hoa Tạng hải chúng đều chứng Pháp Thân, đều cầu vãng sanh hòng viên thành Phật quả. Tôi là hạng người nào dám chẳng tuân theo? Hãy bỏ cái tâm cuồng ấy, tận lực hành theo đạo ấy, công đức lợi ích sẽ tự chứng biết, nào phải đợi đến khi tham học rộng khắp mới là biết pháp ư!

 

Nam Mô A Di Đà Phật!

ẤN QUANG PHÁP SƯ VĂN SAO
Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa chuyển ngữ

/199
 

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây