Tìm kinh sách
 
        Kinh Sách FULL

Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao

ẤN QUANG PHÁP SƯ VĂN SAO
(Tăng Quảng Chánh Biên)
Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa chuyển ngữ
(trọn bộ - giảo duyệt hoàn tất ngày 26 tháng 11 năm 2006)
QUYỂN THỨ NHẤT

 

Chương 82: [THƯ 82]: Trả lời thư cư sĩ Uông Vũ Mộc

Đính kèm thư của ông Uông:

Vũ Mộc niệm Phật mười năm, biết đại lược chỉ thú. Trộm nghĩ, phương pháp Niệm Phật dạy bởi các đại sư Linh Phong, Mộng Đông và bộ Văn Sao của thầy tôi đại để đều vì ngu phu, ngu phụ nói chung mà lập thuyết. Nếu bọn chúng tôi là những người thông hiểu văn tự, tâm tư phức tạp mà vẫn dùng phương pháp Niệm Phật của hàng ngu phu, ngu phụ ấy, chắc chắn chẳng thể vãng sanh Tịnh Độ. Ý kẻ hèn này cho rằng người niệm Phật cầu được vãng sanh, trước hết phải biết “người niệm Phật là ai”, có thấy được vị chủ nhân ông thì niệm Phật mới có ích lợi, vãng sanh mới nắm chắc được! Chẳng riêng gì niệm Phật phải như thế, ngay cả niệm kinh, trì chú, cũng không thể không như vậy! Người ta bây giờ cứ động đến bèn nói “thật thà niệm Phật, chết lòng niệm Phật liền được vãng sanh”, không biết rằng nếu không biết “người niệm Phật là ai?” làm sao thật thà niệm Phật cho được, làm sao chết lòng niệm Phật cho được, dù có ngày đêm niệm mười vạn tiếng, đối với sanh tử nào có liên can chi! Có người đem chuyện “cổ nhân đa phần chuyên chú trì danh, chẳng tham cứu người niệm Phật là ai” để cật vấn, Vũ Mộc nói: “Đấy là chuyện của cổ đức sau khi đã tham cứu xong, kẻ sơ tâm chẳng thể bắt chước được!” Vũ Mộc thấy người niệm Phật ngày nay mười người hết chín chẳng hiểu ý chỉ này, thật đáng thương xót, thường luôn luôn rát miệng khuyên người, nhưng trong hàng cư sĩ có người cho tôi là kẻ tà kiến. Chân nghĩa của Phật pháp chìm tối đến như thế, khôn ngăn buồn đau than thở! Nay riêng tỏ bày nỗi ưu hoài, kính cầu ấn chứng, cũng như khai thị cho rõ thêm thì chúng sanh may mắn lắm, nào phải riêng mình Vũ Mộc may mắn mà thôi!

Xem kỹ thư ông gởi đến, khôn ngăn khâm phục. Các hạ muốn cho hết thảy mọi người tự thấy được bổn lai, thẳng lên Thượng Phẩm. Quán kinh nói “đọc tụng Đại Thừa, hiểu Đệ Nhất Nghĩa, phát Bồ Đề tâm, khuyến tấn hành giả”có phải là nói đến các hạ đấy chăng? Tuy nhiên, thuyết pháp phải xét căn cơ. Nếu chẳng xét căn cơ, trao lầm pháp dược, thì chẳng khác gì gã thầy thuốc dốt dùng thuốc giết người. Phải biết hai tông Thiền, Tịnh, quy về gốc là một, nhưng cách tu khác nhau: Thiền lấy thấy thấu triệt bản lai diện mục làm tông, Tịnh lấy tín nguyện niệm Phật cầu sanh làm tông. Nếu cõi đời đều là thượng căn thì những gì các hạ nói quả thật hữu ích. Nhưng thượng căn rất ít, trung căn, hạ căn thật nhiều, chẳng dạy họ lấy tín nguyện cầu sanh mà lại dạy họ tham cứu “người niệm Phật là ai”, tham thấu tỏ được thì may mắn vô cùng, nhưng vẫn phải chú trọng phát nguyện thiết tha cầu được vãng sanh. Nếu tham không thấu, trong tâm giữ hoài ý niệm không biết “người niệm Phật là ai” thì chẳng thể vãng sanh, sẽ trọn chẳng có chuyện cảm ứng đạo giao cùng Phật, đích thân được Phật tiếp dẫn.

Nhưng hiện thời người tham cứu thật sự đạt đến địa vị đại triệt đại ngộ được mấy kẻ? Phàm ai hiểu “người niệm Phật là ai” chính là người đại triệt đại ngộ minh tâm kiến tánh vậy. Đừng nói ai khác, ngay đến các hạ cũng chưa hề đạt đến địa vị ấy! Vì sao biết các hạ chưa đạt? Vì nếu đạt, quyết chẳng dám nói những câu: “Các vị Linh Phong, Mộng Đông vì kẻ ngu phu, ngu phụ mà lập thuyết, không biết người niệm Phật là ai, dù có thật thà niệm Phật, chết lòng niệm Phật, cũng chẳng được gọi là thật thà, chết lòng. Dù ngày đêm niệm mười vạn tiếng, đối với sanh tử chẳng liên can gì!”cũng như bảo: “Cổ nhân chuyên chú trì danh vì đã tham cứu xong. Sơ tâm chẳng thể bắt chước theo”.Do vậy tôi nói rằng: Tâm các hạ quả thật muốn tự lợi, lợi người, nhưng lời các hạ quả thật là mình lầm, làm người khác lầm, xin hãy nín lặng chớ nói. Nếu không một đại pháp môn phổ độ chúng sanh của Như Lai bị các hạ đóng chặt, lấp kín, không cách gì khai thông được! Tội ấy bằng với tội báng Phật, báng Pháp, báng Tăng, há chẳng thận trọng ư!

Các hạ thấy biết như vậy là vì chẳng biết khế lý khế cơ, lầm chấp pháp lợi lạc bậc thượng căn, nên khuyên khắp mọi người đều tu tập, thành ra thiên chấp, thấy lầm; đem pháp chẳng hợp căn cơ lầm lạc khuyên người khác tu, cho đó là chân nghĩa của Phật pháp. Quang tuy tầm thường, hèn kém, nào dám tán thành, chấp nhận cái tội báng Phật, báng Pháp, báng Tăng của các hạ ư? Nếu các hạ cho là không đúng, xin hãy quăng [thư này] vào ngọn lửa, ai theo đường nấy mà thôi! Quang há có thể cưỡng các hạ bỏ cái học của chính ông để theo cái học của mình được sao? Chẳng qua các hạ hỏi đến, chẳng thể không thẳng thắn dâng lòng ngu thành. Mong các hạ thấu hiểu cho thì may mắn lắm!

 

Nam Mô A Di Đà Phật!
ẤN QUANG PHÁP SƯ VĂN SAO
(Tăng Quảng Chánh Biên)
Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa chuyển ngữ
(trọn bộ - giảo duyệt hoàn tất ngày 26 tháng 11 năm 2006)
QUYỂN THỨ NHẤT- Phần thứ tư

/199
 

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây