Tìm kinh sách
 
        Kinh Sách FULL

Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao

ẤN QUANG PHÁP SƯ VĂN SAO
(Tăng Quảng Chánh Biên)
Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa chuyển ngữ
(trọn bộ - giảo duyệt hoàn tất ngày 26 tháng 11 năm 2006)
QUYỂN THỨ NHẤT

 

Chương 103: [THƯ 103]: Trả lời thư cư sĩ Châu Quần Tranh (thư thứ nhất)

Ngài Ngẫu Ích sanh vào cuối đời Minh, mất vào đầu đời Thanh[13], một đời hoằng pháp đều ở phương Nam, chưa từng lên đất Bắc. Thêm nữa, trong những năm đầu thời Thuận Trị, phương Nam còn nhiều chỗ chưa quy phục, sau khi vua Sùng Trinh[14] thăng hà, lãnh thổ nhà Minh tan nát, phàm trước thuật gì, đại sư đều chỉ ghi năm tháng, không ghi quốc hiệu và niên hiệu. Đến khi các xứ Ninh Ba, Phước Kiến quy thuận [nhà Thanh], chưa đầy một hai năm sau, đại sư bèn nhập Niết Bàn, nhưng trong tông Thiên Thai có người bắt chước, trước thuật vào thời Khang Hy cũng chẳng ghi quốc hiệu và niên hiệu, có thể nói là vu báng, khinh miệt ngài Ngẫu Ích lẫn quốc gia vậy. Do chẳng khéo học nên mới có chuyện như thế!

Học giả ở phương Nam đa số thiên về giáo pháp Thiên Thai, các học giả phương Bắc đa số chuộng giáo nghĩa Hiền Thủ hoặc Từ Ân. Do không người học tập nên những tác phẩm [của tông Thiên Thai được lưu hành ở phương Bắc] cũng ít. Thanh Thế Tông (Ung Chánh) tuy đề xướng khắc in Đại Tạng, nhưng đầu mùa Hạ năm ấy đã lên làm khách cõi trời. Những kinh sách được đưa vào hay gạt ra khỏi Đại Tạng đời Thanh thường nói là do Thanh Thế Tông định đoạt, nhưng thật ra quá nửa là do vị thân vương đặc phái và vị đại hòa thượng thủ lãnh tổng lý việc in khắc Đại Tạng chủ trì.

Hơn nữa, những vị Tăng sắp đặt việc in khắc đều là người thuộc các tông Hiền Thủ, Từ Ân, Lâm Tế. Tông Thiên Thai chỉ có một vị, nhưng chỉ giữ vai trò giảo duyệt, không có quyền quyết định. Những trước thuật của ngài Ngẫu Ích được nhập tạng chỉ có hai thứ là Tướng Tông Bát Yếu[15] và Thích Đại Thừa Chỉ Quán Pháp Môn[16], những thứ khác ở phương Bắc không có, lấy đâu mà nhập tạng cho được? Đây là chuyện thuộc về cuối đời Ung Chánh, đầu đời Càn Long. Đến cuối đời Càn Long, ở kinh đô, những trước thuật của ngài Ngẫu Ích không còn được bao nhiêu. Triệt Ngộ lão nhân đọc bộ Duyệt Tạng Tri Tân[17], liền muốn khắc in. Ngài mong tìm được một bộ thì chẳng cần phải chép riêng[18] hòng giảm bớt tâm lực nên tìm tòi khắp nơi, chỉ được một bộ. Phàm những trước thuật của đại sư được truyền đến kinh đô thì ngài Triệt Ngộ và môn nhân của ngài Triệt Ngộ đều cho khắc bản, cũng được mười hay hai mươi loại.

Những kẻ không biết thời thế cứ đổ riệt Thanh Thế Tông chẳng chọn lấy những tác phẩm ấy, đúng là đã vu báng vua Thế Tông. Nếu như Thanh Thế Tông được thấy toàn bộ những trước tác của ngài Ngẫu Ích chắc chắn sẽ cho nhập tạng toàn bộ, chẳng sót bộ nào. Phải biết: Đại Tạng kinh đời Thanh do Thanh Thế Tông khởi xướng, đến khi Thanh Thế Tông băng hà, Cao Tông (Càn Long) kế vị, phàm những chuyện khắc in Đại Tạng đều do những người có quyền thế trong giới Tăng - tục thời ấy làm chủ, chẳng qua Cao Tông cũng chỉ chủ trì trên danh nghĩa đó thôi. Vì sao biết như vậy? Bộ Giản Ma Biện Dị Lục[19] do Thế Tông soạn vừa mới hoàn tất bản thảo, còn chưa sửa chữa hoàn chỉnh, vua liền băng hà ngay. Tuy Cao Tông sai người biên chép, khắc bản, nhưng chẳng rảnh rỗi để kiểm điểm. Do vua không sai một bậc đại thông gia chủ trì, nên rốt cuộc sai ngoa không biết bao nhiêu mà kể. Di bút của cha mà còn để như thế, huống gì là Đại Tạng?

Vả nữa, lúc Thế Tông bắt đầu soạn tác phẩm này liền ban lời dụ, trong đó có nhắc đến chuyện nhập tạng lưu thông. Về sau, chỉ khắc bản in sách, rốt cuộc không nhập tạng, chỉ đem lời dụ này in kèm vào sau cuốn Ngữ Lục của Viên Minh cư sĩ[20], há cũng nên bảo là vì Thế Tông tỵ hiềm sách ấy có tập khí nên không được nhập tạng ư? Nguyên nhân chẳng được nhập tạng là vì những kẻ ngoại hộ của con cháu sư Hán Nguyệt Tạng[21] đa phần là những người đang nắm quyền, nên chẳng ai dám đề xướng [nhập tạng sách ấy] mà thôi. Nếu luận về tập khí, có thể nói ngài Ngẫu Ích hoàn toàn không có; thế nhưng những kẻ thiền hòa[22] mù quáng cho là Ngài uổng có văn tự, nhưng chưa đại ngộ, cống cao ngã mạn. Những kẻ như thế ngửa mặt nhổ lên trời, há có nên lấy những lời của họ để làm cơ sở bình luận ư? Những kẻ hủy báng Thanh Thế Tông cũng như hủy báng ngài Ngẫu Ích, đều là những kẻ nghe lỏm nói mò, hùa theo phụ họa mà thôi!

 

Nam Mô A Di Đà Phật!
ẤN QUANG PHÁP SƯ VĂN SAO
(Tăng Quảng Chánh Biên)
Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa chuyển ngữ
(trọn bộ - giảo duyệt hoàn tất ngày 26 tháng 11 năm 2006)
QUYỂN THỨ HAI- Phần thứ nhất

/199
 

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây