Tìm kinh sách
 
        Kinh Sách FULL

Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao

ẤN QUANG PHÁP SƯ VĂN SAO
(Tăng Quảng Chánh Biên)
Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa chuyển ngữ
(trọn bộ - giảo duyệt hoàn tất ngày 26 tháng 11 năm 2006)
QUYỂN THỨ NHẤT

 

Chương 102: [THƯ 102]: Trả lời thư cư sĩ Hà Hòe Sanh

Nhận được thư biết cư sĩ có chí hướng thượng, nhưng chưa biết duyên do và thời cơ của pháp môn này. Nếu đã từng đọc Văn Sao của Quang thì ông cũng chưa xét rốt ráo những ý chỉ Quang đã nói. Phàm tu hành dụng công vốn là vì liễu sanh tử. Nếu dụng công nhưng chẳng thể liễu sanh tử là vì chẳng chịu hành theo pháp có thể liễu được sanh tử, há chẳng phải là gánh gai bỏ vàng[11], tự chuốc lấy vạ hay sao? Tham Thiền dù có đại triệt đại ngộ như Ngũ Tổ Giới, Thảo Đường Thanh, Chân Như Triết, Đoạn Nhai Nghĩa[12] còn chẳng thể liễu, hễ thọ sanh lần nữa bèn bị mê mất, kém xa đời trước, huống hồ bọn ta! Vị hòa thượng X… tuy đã biết phương hướng của Thiền Môn, nhưng chưa vượt ra được giới hạn của Thiền Tông nên chẳng thể làm cho các hạ lắng lòng niệm Phật.

Ý ông cho rằng hễ ngộ ắt sẽ không có sanh tử để kết liễu, cũng chẳng có Niết Bàn để chứng, nhưng chẳng biết rằng dẫu có ngộ đến địa vị “thấy không có sanh tử để kết liễu, không có Niết Bàn để chứng đắc” thì vẫn cứ ở trong sanh tử y như cũ, chẳng thoát ra được, chẳng thể chứng được Niết Bàn. Chúng sanh đời Mạt cậy vào Tự Lực để đoạn Hoặc chứng Chân, liễu sanh thoát tử rất ư là khó; huống chi ông đã quán sát nhất niệm rớt vào chốn nào thì phải luôn luôn quán sát niệm ấy đi về đâu. Ngoại trừ chuyện này ra, bất cứ điều gì khác cũng không quan tâm đến, thật giống như truy tầm oan gia, chẳng chịu lãng ý một nháy mắt kẻo nó trốn mất, phải sao cho bắt được nó ngay khi đó, khiến cho nó táng thân mất mạng mới thôi! Nhưng ông nói rằng khi cái niệm ấy khởi lên đủ mọi cảnh giới bèn bỏ toàn thể chuyện quán sát những cảnh giới ấy đi về đâu, cho rằng mọi cảnh giới đã hiện ra chính là do tâm đạt được, tức là chẳng biết những cảnh giới ấy đều do tịnh định mà phát hiện, quả thật là chướng ngại cho sự tham Thiền. Vì sao? Vì quên mất chuyện suy xét đến tận cùng xem cái niệm này đi về đâu, tưởng huyễn cảnh là điều mình đạt được. Vả nữa, cảnh giới ấy còn xen tạp những cảnh giới của bọn luyện đan. Trước đây, các hạ đã từng dùng qua công phu ấy, nên nay do tịnh định, chúng bèn hiện ra. Nếu cho đó là chứng đắc, ắt có mối lo sau này sẽ bị ma dựa. Các hạ chẳng biết vứt bỏ toàn bộ những chuyện ấy, vẫn cứ mong thường giữ được lâu dài. Do chẳng thể đạt được bèn bứt rứt, than thở, há chẳng phải là nhận giặc làm con, giao cho nó giữ gia nghiệp hay sao? Kinh Kim Cang dạy: “Phàm những gì có hình tướng đều là hư vọng”,Tâm Kinh nói: “Soi thấy Ngũ Uẩn đều không, vượt hết thảy khổ ách”.Tướng ấy của các hạ là tướng hay phi tướng vậy? Là Ngũ Uẩn hay không phải Ngũ Uẩn vậy? Nếu là tướng, là Ngũ Uẩn thì đều phải bỏ đi, sao lại trân quý nó? Nếu nó là phi tướng, là phi Ngũ Uẩn thì cái niệm để thấy còn chẳng thể có, những cảnh tướng ấy do đâu mà có?

Cổ nhân nói: “Người học đạo chẳng hiểu lẽ chân đều là vì từ trước chẳng hiểu được thức thần là cái gốc của vô lượng kiếp sanh tử, người ngu cho đó là con người sẵn có của mình”. Câu nói đó chính là món thuốc mầu nhiệm thật thích hợp để trị chứng bệnh của các hạ vậy. Há có nên vọng động đem ý mình để tham Thiền ư? Hãy nên ngay trong lúc một niệm khởi, phải quán xem ý niệm ấy đi về đâu. Chẳng dốc sức vào đó thì sai chỉ hào ly, lạc đi ngàn dặm, lại còn cho đó là đắc, há chẳng quá đáng buồn hay sao? Tuy thế, Quang chẳng phải là Thiền khách, trọn chẳng dùng Thiền học để dạy người. Đây chẳng qua là vì các hạ không biết cảnh nào là tà - chánh, đúng - sai, nên mới khôn ngăn biện luận, phân tích đôi chút. Nếu các hạ muốn dựng cao cờ xí nhà Thiền, lấy đại triệt đại ngộ làm chuyện chánh yếu, hãy nên tham học với những bậc đại lão trong Thiền Tông. Nếu nói “tôi trong một đời này, quyết định phải liễu sanh tử” thì xin hãy đem ý niệm tham Thiền vứt ra ngoài Đông Dương đại hải, y theo pháp môn Tịnh Độ, sanh tín, phát nguyện, niệm Phật cầu sanh Tây Phương, nương vào Phật từ lực, chắc chắn sẽ được mãn nguyện. Nếu chẳng y theo pháp môn Tịnh Độ thì tất cả những gì đã tu trì đều trở thành phước báo nhân thiên và nhân duyên để đắc độ trong tương lai mà thôi, muốn liễu sanh tử khó thể mộng thấy được!

Muốn biết nguyên do của Thiền và Tịnh mà không xem rộng khắp các sách Thiền - Tịnh sẽ không thể nào hiểu được. Dẫu có thể xem rộng khắp, nhưng nếu không có mắt chọn lựa pháp cũng sẽ thành dõi nhìn biển cả thở than, mịt mờ chẳng biết về đâu. Do vậy, hãy nên chuyên đọc các trước thuật Tịnh Độ, nhưng các trước thuật về Tịnh Độ rất nhiều, người chưa nhập môn khó nắm được cương yếu. Tìm lấy một tác phẩm dẫn người tiến vào chỗ thù thắng, phân tích minh bạch giới hạn giữa Thiền và Tịnh, Phật lực và tự lực, không gây nghi ngờ, trệ ngại, ngôn ngữ đơn giản, rõ ràng, nghĩa lý bình thường, thực tế, là hướng dẫn ban đầu để nghiên cứu các trước thuật của cổ đức, thì có lẽ là bộ Ấn Quang Văn Sao chăng? Xin hãy lắng lòng nghiên cứu ắt sẽ tự biết!

 

Nam Mô A Di Đà Phật!
ẤN QUANG PHÁP SƯ VĂN SAO
(Tăng Quảng Chánh Biên)
Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa chuyển ngữ
(trọn bộ - giảo duyệt hoàn tất ngày 26 tháng 11 năm 2006)
QUYỂN THỨ HAI- Phần thứ nhất

/199
 

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây