Tìm kinh sách
 
        Kinh Sách FULL

Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao

ẤN QUANG PHÁP SƯ VĂN SAO
(Tăng Quảng Chánh Biên)
Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa chuyển ngữ
(trọn bộ - giảo duyệt hoàn tất ngày 26 tháng 11 năm 2006)
QUYỂN THỨ NHẤT

 

Chương 124: [THƯ 124]: Trả lời thư cư sĩ Lê Đoan Phủ ở Giang Tây

Phương Đông hết rét, mong xiển dương tông chỉ Hiển Mật dung thông; mặt trời giáo hóa tỏa rạng, nguyện được hưởng ánh sáng Phật Đảnh viên mãn. Ngửa trông Đoan Phủ Lê Công đại cư sĩ, kiếp xưa đã gieo cội đức, thừa nguyện tái lai, rộng xem cùng tột các sách, thâm nhập Kinh Tạng. Thương giáo pháp đời Tượng Pháp suy đồi, làm sáng tỏ cương yếu của pháp tánh, xuất ngôn thành chương, khế cơ, khế lý, lập nguyện cứu đời, giải hạnh đều cao, tiếng sấm phá mộng tỉnh mê vang rền kinh động cái tâm, giúp Giáo hoằng Tông, ban bố cơ duyên tỉnh ngộ, thành tựu điều tốt đẹp cho người chẳng nài nhọc khổ. Khéo léo dẫn dắt kẻ mạt học, hòa quang lợi vật. Nếu chẳng phải là Phổ Môn ứng hiện, ắt phải là hậu thân của Duy Ma[60], có phải là như vậy hay chăng?

Quang tuổi nhỏ thiếu học vấn, lớn lên chẳng biết gì. Cửa Tông Môn cao ngất không thể dấn bước, đành nương Tịnh Độ để ẩn náu. Thiên tư kém hèn; vì thế, không thể tham học với nhiều bậc tri thức, nẻo khách lênh đênh, do vậy đành cam ăn bám Phổ Đà hai mươi năm. Giữa Đông năm Nhâm Tý (1912), được xem Phật Học Tùng Báo, mới biết bậc hoằng pháp đại sĩ phần nhiều hiện thân trong làng Nho, hoan hỷ cảm thán, không lời lẽ nào sánh ví nổi! Đối những trước thuật của các hạ càng thêm khâm phục, chỉ hận mình độn căn, cốt cách ruỗng nát, chẳng thể thường theo hầu nơi trượng thất, hòng lạm dự phần được gọt dũa.

Cuối Thu, Tịch công[61] ở chùa Vạn Thọ do nhân duyên san định bộ Khai Mông, hạ cố đến chỗ Quang, nhân khuyên nên sửa chữa, tu đính, tôi nhắc nhở đến ngài. Lại lo ngài không rảnh rỗi để làm, may sao Tam Bảo gia bị, đã hiện sẵn điềm mộng, đã được hứa khả, may mắn nào hơn? Tịch công bèn gởi thư nêu duyên do, hạn định hai tháng sẽ hoàn thành. Quang sợ rằng ngài chưa đọc kỹ nguyên cảo, ngài Tịch Sơn chưa trình bày rõ cách thức biên tập, chỉ sợ ngài thuận theo ý Sư sửa chữa đại lược. Do vậy, tôi trình bày những điều khó khăn gởi đến Tịch công; chẳng ngờ [thư ấy] được chuyển đến Ngài soi xét, cảm kích, thẹn thùng vô cùng. Đến bữa khác, nhận được thư ngài dạy dỗ, chứng tỏ Ngài tiếp độ mọi loài đọc kinh, đúng như cái chuông lớn treo trên giá hễ gõ bèn kêu, gương báu đặt trên đài, không hình sắc nào chẳng hiện! Cảm kích lắm!

Trộm nghĩ bản thảo Khai Mông tuy do Thông Công (tức ngài Thông Trí Tầm Nguyên) soạn, nhưng phát huy, nhuận sắc hoàn toàn nhờ vào các hạ. Nếu tinh thần không đủ thì chỉ thành ra làm đãi bôi cho xong. Nếu sắc lực mạnh mẽ, chẳng ngại gì ngoài Hiển Giáo ra, ở những chỗ khác, với mỗi chỗ bèn nêu thêm cương yếu của Mật giáo ngõ hầu người đọc đến biết Hiển Mật viên thông, pháp môn vô nhị. Về Sự tu nên thâm nhập một môn, về Lý Tánh cố nhiên hai pháp ấy nhiếp trọn lẫn nhau. Xin đừng tiếc bút lực như rường cột, khiến cho Phật Đảnh phóng quang minh viên mãn, phổ chiếu hết thảy hữu tình tận cùng đời vị lai. Hơn nữa, những nhà giảng giải đời Mạt thường thích luận Thiền, khiến cho thính chúng đa phần bị những câu thoại đầu xoay chuyển. Trộm nghĩ, những câu cơ phong chuyển ngữ của Thiền gia trọn chẳng có ý nghĩa gì, chỉ nhắm vào căn cơ của người đến tham phỏng mà chỉ về lẽ hướng thượng, chỉ nên tham cứu, chớ nên giảng nói! Giảng kinh như thế thì chỉ bậc đại sĩ tư chất thù thắng mới được lợi ích; còn những kẻ trung hạ căn khác thảy đều mắc bệnh. Đối với Tông thì cơ phong chuyển ngữ chẳng biết tận lực tham cứu, tự lầm lạc suy đoán ý nghĩa. Đối với Giáo thì do những lý thật, sự thật chẳng phải là cảnh của mình, bèn cho những điều đó chỉ nhằm ngụ ý biểu thị pháp. Dùng Tông phá Giáo, dùng Giáo phá Tông, gần đây thói tệ ấy không gì tệ bằng. Mong ngài hãy hiện tướng lưỡi rộng dài, cứu vớt những kẻ chết đuối ấy.

Thêm nữa, thầy Ngộ Khai túc căn sâu chắc, tâm hiếu thắng mạnh mẽ, thoạt đầu chuyên chú Thiền Tông, miệt thị Tịnh Độ. Về sau, dự vào pháp hội của ngài Thông Trí, từ đó mới dần dần sanh tín tâm, tuy ấp ủ tánh cuồng vọng, chí nguyện cao chẳng thể đè lấn được, nhưng sắc lực yếu đuối, hành trì thật khó tương ứng, mùa Đông năm ngoái từng bộc lộ bản ý, Quang bèn cực lực quở trách. Hiềm vì tâm chấp quá nặng, chẳng vãn hồi được! Không nhớ [tôi đã kể cho các hạ nghe chưa] nên cũng thưa cùng các hạ: Ngày 21 vào tháng mùa Đông, thầy ấy ôm bệnh về núi, kể cho sư huynh nghe chuyện ngoài núi chưa xong, liền chẳng nói được nữa, đến giờ Mùi hôm sau bèn qua đời, nào có tướng cảm ứng tốt lành nào để nói đâu? Dương Thứ Công[62] nói: “Ái chẳng nặng chẳng sanh Sa Bà; niệm bất nhất, chẳng sanh Cực Lạc”. Thầy Ngộ Khai chẳng phải là không tin có Tây Phương, nhưng do ái căn cố kết, ý niệm bất nhất, những điều bình sinh mong mỏi đều thành bánh vẽ. [Thầy ấy] mong thấy được đạo, mong lâm chung hiện đủ mọi tướng lành đều hé lộ ái căn, “thoạt đầu chẳng gặp tác gia[63], đến già trọn thành đống xương”là nói về thầy Ngộ Khai vậy. Buồn thay!

Lại nữa, tháng Chạp năm Nhâm Tý, do đọc Phật Học Tùng Báo, [thấy] báo in bằng giấy Tây, chẳng để được lâu như giấy Tàu, khiến cho những bài văn, bài luận kỳ vĩ của quý vị vì dùng loại giấy ấy đều bị mất hết, chẳng thể tạo ích lợi rộng rãi, dài lâu! Do vậy, tôi chẳng nề hà mắc tội, trình bày đại lược những điều hèn tệ mình đang ấp ủ, tuy có vài điều, nhưng điều này là chánh! Vào mồng Một tháng Giêng năm Quý Sửu (1913), đã gởi đến ban biên tập, có lẽ ông Nhất Thừa Bộc[64] chê là lẩm cẩm trọn chẳng để mắt tới, Cao cư sĩ (Cao Hạc Niên) đến đây bèn sao lục lại, chuyển đạt tới các vị ngõ hầu các vị biết rõ cái hại của loại giấy Tây, chẳng biết đã lọt vào mắt xanh hay chưa?

Nay tuy Tùng Báo đã đình bản, nhưng vẫn phải ngửa lên thưa trình: Cái hại của loại giấy Tây còn hơn cả nước lũ, mãnh thú, nghèo nước, khốn dân, đoạn diệt Nho Thích thánh giáo, cái họa ấy không có cùng cực! Mong có bậc đại lực dứt trừ thói quen ấy thì phước cho đồng bào, pháp đạo được vĩnh truyền vậy! Ông Sở Thanh Địch có chí lưu thông, có chánh thư cục, gần đây in mấy đầu sách đều dùng giấy Tây. Nếu chẳng thống thiết trình bày lợi hại, tương lai các nơi in khắc Đại Tạng chắc chắn khó lòng không dùng loại giấy ấy; do vậy, lưu thông lại thành ra diệt vong nhanh chóng! Đấy là điều Bất Huệ tôi đau lòng buốt óc, vô phương khẩn cầu. Nay may được ngài rủ lòng dạy dỗ, nên mới dám trình lên.

Sức học của ngài trùm khắp cả nước, đạo cao ngút đời, giao du khắp cả trong nước, ngoài nước, ngôn luận khuất phục lòng người. Khẩn khoản xin ngài bảo cùng khắp những vị hoằng pháp, và soạn thuật một bài văn rộng lớn đăng lâu dài trên báo chí, ngõ hầu đồng bào cả nước đều biết họa hại. Phàm những gì thuộc loại kinh sách thánh hiền lưu truyền trong đời và khế ước, văn bằng, đều nhất loạt chẳng dùng loại giấy ấy, ngõ hầu Tam Giáo chẳng đến nỗi mau diệt vong, ngũ tộc[65] cùng thấm nhuần ơn lớn rộng vậy.

 

Nam Mô A Di Đà Phật!
ẤN QUANG PHÁP SƯ VĂN SAO
(Tăng Quảng Chánh Biên)
Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa chuyển ngữ
(trọn bộ - giảo duyệt hoàn tất ngày 26 tháng 11 năm 2006)
QUYỂN THỨ HAI- Phần thứ nhất

/199
 

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây