Tìm kinh sách
 
        Kinh Sách FULL

Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao

ẤN QUANG PHÁP SƯ VĂN SAO
(Tăng Quảng Chánh Biên)
Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa chuyển ngữ
(trọn bộ - giảo duyệt hoàn tất ngày 26 tháng 11 năm 2006)
QUYỂN THỨ NHẤT

 

Chương 26: [THƯ 26]: Trả lời thư anh em cư sĩ X… ở Vĩnh Gia

Giữa Xuân vừa hết, đã sang tiết Hè, quang âm vùn vụt, thật đáng kinh người. Thường nhớ hai vị tín tâm chân thành, khẩn thiết, pháp nhãn chưa tỏ, nên đến nỗi bỏ chỗ cao minh chọn lấy chỗ tối tăm, hèn tệ. Khác nào bỏ vị Phật sống trong nhà đi thờ pho tượng đất ngoài đồng; chẳng những tự đánh mất chánh kiến còn để tiếng chê cười cho thiên hạ. Tuy Quang tôi tiến thoái lưỡng nan, thẹn thùng sâu xa, vẫn gởi thư để sau này quý vị có dịp sẽ tùy thời xem đến. Quang tôi mắt mờ, sức yếu, nếu không có chuyện gì bèn chẳng gần gũi bút mực; ví như có chuyện phải đụng đến thì khác gì gom chữ, chồng giấy, nào có khả quan gì? Nhưng sợ cô phụ lòng mong mỏi, nay bèn đem những cơm thừa, canh cặn trước đây tạm gom thành một hai món. Nếu chẳng hiềm chua hôi cũng có thể coi như là thứ khác thường để nếm vị diệu tuyệt của tự tánh.

Bài Tịnh Độ Quyết Nghi Luận là do vào năm Dân Quốc thứ ba, cư sĩ Địch Sở Thanh vì ông Đoan Phủ trở về quê, số báo thứ mười ba không đủ bài nên mới bảo tôi viết một hai bài cho xôm tụ. Sau này, không người chủ trì bèn ngừng không xuất bản. Bài luận văn ấy tuy dở vụng, nhưng giúp đoạn nghi sanh tín không ít. Phần giải thích về bài Tứ Liệu Giản của tổ Vĩnh Minh nên xem kỹ càng. Nếu không tin tưởng như thế bèn thành hư văn. Đấy là những điều Bất Huệ tôi đau lòng nhức óc phát huy trong mấy mươi năm, muôn vàn chớ vì người đời nay nói này nói nọ mà cô phụ tâm đại từ bi của tổ Vĩnh Minh. Bài luận “Lợi ích của việc trì kinh phải do tâm mà luận” là vì người đời nay thọ trì kinh điển trọn chẳng sanh khởi lòng kiêng dè mà viết. Muốn được lợi ích thật sự nơi Phật pháp, phải cầu nơi kính sợ. Có thể dốc kiệt lòng thành, dốc cạn lòng kính thì dẫu là quả đức rốt ráo còn có thể chứng được, huống chi những thứ kém hơn ư?

Các bài khác đều là tùy sự mà viết, đấy chính là lấy đá nơi núi khác chế biến thành ngọc, chỉ xét đến phần lợi ích – đừng so sánh về hình tích – thì sẽ được lợi ích nhỏ nhoi, nếu đem sánh với trước tác của cổ đức ắt phải đem đốt ngay không chần chừ, huống hồ còn có thể để lọt vào mắt được ư?

Sách Giản Ma Biện Dị Lục văn lý cao sâu, Thiền Giáo dung quán, soạn từ mùa Hạ năm Ung Chánh thứ mười một (1733) đến năm mười ba (1735) mới xong, chưa kịp khắc in, xe rồng đã lên làm khách cõi trời. Đến sau này lúc in, do nguyên bản dùng nhiều chữ Thảo để thay thế[28], kẻ chép lại không xem xét kỹ bèn thay nhiều [chữ Thảo] bằng chữ đủ nét [nhưng không xét đến văn cảnh] khiến tác phẩm bị sai ngoa nhiều không kể xiết. Giả sử Thanh Thế Tông (Ung Chánh) còn sống, chắc chắn chẳng đến nỗi như thế. Mùa Xuân năm nay, tôi giảo chánh tường tận hai lượt, mong hoàn lại bản lai diện mục [của sách], đợi sau này đầy đủ nhân duyên, ngõ hầu chẳng phụ Thế Tông một phen dốc cạn tâm ý.

Thiện Đạo hòa thượng là Di Đà hóa thân, có đại thần thông, có đại trí huệ, xiển dương Tịnh Độ rộng rãi, không chuộng huyền diệu, chỉ trọng chỗ chân thật, thiết thực, bình phàm, thực tiễn dạy người tu trì. Lời dạy của Ngài về hai cách Chuyên Tu và Tạp Tu lợi ích vô cùng.

1) Chuyên Tu nghĩa là thân nghiệp chuyên lễ (phàm những khi đi nhiễu và hết thảy những khi thân chẳng buông lung thì chính là thân nghiệp chuyên lễ), khẩu nghiệp chuyên xưng (phàm tụng kinh chú, có thể chí tâm hồi hướng thì cũng có thể gọi là chuyên xưng), ý nghiệp chuyên niệm. Như thế thì vãng sanh Tây Phương vạn người chẳng sót một.

2) Tạp Tu là kiêm tu các pháp môn, hồi hướng vãng sanh. Do tâm chẳng thuần nhất khó được lợi ích, trong trăm người khó được một, hai; trong ngàn kẻ hiếm được ba bốn người vãng sanh.

Đấy là lời thành thật từ kim khẩu, là lời phán định đanh thép ngàn đời chẳng đổi được. Hai vị nên dùng lời này để tự lợi, lại nên dùng lời này để lợi khắp hết thảy. Còn như pháp trì chú chỉ có thể dùng làm Trợ Hạnh, chẳng được coi pháp Niệm Phật là hạnh tu kèm, coi Trì Chú là Chánh Hạnh. Tuy pháp môn Trì Chú cũng chẳng thể nghĩ bàn, nhưng phàm phu vãng sanh hoàn toàn do tín nguyện chân thành, khẩn thiết, cảm ứng đạo giao với hoằng thệ đại nguyện của Phật A Di Đà, nên được tiếp dẫn. Nếu chẳng biết ý này, thì pháp nào, hạnh nào cũng đều chẳng thể nghĩ bàn, tùy ý tu pháp nào cũng đều thấy là pháp nào cũng được, bèn thành “không Thiền, không Tịnh Độ; giường sắt và cột đồng, vạn kiếp lẫn ngàn đời, không một ai nương tựa!”.

Nếu tự biết mình là phàm phu đầy dẫy phiền não, nghiệp lực đầy thân, không dựa vào hoằng thệ nguyện lực của Như Lai, quyết khó thể trong đời này thoát khỏi luân hồi, mới biết lực dụng của giáo pháp cả một đời [đức Phật] đều chẳng thể sánh với một pháp Tịnh Độ. Trì chú, tụng kinh để trồng phước huệ, tiêu tội nghiệp thì được! Nếu sanh tâm lầm lạc, muốn cầu thần thông thì có thể nói là bỏ gốc theo ngọn, chẳng khéo dụng tâm. Nếu tâm ấy cố kết, lại còn chẳng thông mặt Lý, giới lực không vững, tâm Bồ Đề chẳng sanh, tâm ta - người càng thạnh, ắt sẽ có ngày bị ma dựa phát cuồng. Phàm muốn đắc thần thông, trước hết phải đắc đạo; hễ đắc đạo sẽ tự có thần thông. Nếu chẳng dốc sức nơi đạo, chỉ cầu thần thông, đừng nói chi thần thông chẳng đắc, dẫu có đắc cũng trở thành chướng đạo. Vì thế, chư Phật, chư Tổ đều nghiêm cấm chẳng cho người tu học vậy. Do trong đời thường có hạng người kiến giải như vậy nên phải thuật tỉ mỉ nhiều lượt.

Lệnh thân[29] của hai vị còn tại thế, hãy nên đem pháp môn Tịnh Độ, sự tích, cảm ứng thường giảng giải cho, ngõ hầu họ sanh tâm hoan hỷ, tin nhận, phụng hành. Nếu chẳng coi đó là hiếu, dẫu có thực hiện trọn những điều thế gian gọi là Hiếu rốt cuộc có lợi ích gì cho cha mẹ đâu? Đại Vũ là bậc đại thánh nhân chẳng cứu nổi hồn ông Cổn hóa thành con hoàng nãi[30] chui vào vực Vũ Uyên. Thấy điều đó chẳng đáng kinh sợ ư? Nếu đã tỉnh ngộ, hãy cầu sao dẫn dắt được thần thức của cha mẹ cao dự hải hội, thân cận Di Đà, hòng chứng được vô lượng quang thọ sẵn có nơi tự tâm.

Cư sĩ Chí Liên tuy siêng khổ hạnh, chỉ e tông chỉ Tịnh Độ còn chưa biết, rất có thể lòng bà ta sẽ cầu chuyển được thân nữ, hoặc cầu sanh vào chốn an vui trong cõi trời người, chẳng thể triệt để buông xuống, đến nỗi đánh mất vô biên lợi ích nơi những chuyện vui nhỏ nhặt của thế gian. Cũng nên thường giảng nói cho bà ta biết khiến chí hướng được quyết định. Phàm khuyên một người sanh Tịnh Độ chính là thành tựu cho một chúng sanh làm Phật. Phàm thành Phật ắt độ vô lượng chúng sanh, công ấy do ta khởi đầu, công đức lợi ích há thể nghĩ bàn được ư?

Lại nữa, tự mình đã tu Tịnh Độ, phải nên đem pháp môn này khuyên khắp hết thảy, huống hồ với thê thiếp, con cái há chẳng nên khuyên phát tâm khiến họ bị mất lợi ích lớn lao hay sao? Nếu họ do thiên tánh thân cận pháp này thì còn gì thiện bằng; nếu họ hơi trái nghịch cũng sẽ dần dần tiêm nhiễm, ắt sẽ từ xa thành gần. Đấy mới là yêu thương sâu xa, mới là lòng từ rộng lớn. Bỏ đi điều này mà bảo là từ ái thì chỉ là hữu danh vô thực mà thôi!

Nói xuông chẳng đủ để thuyết phục, tạm chép một hai điều để hai vị thấy đại lược, muốn xem tường tận hãy đọc Tịnh Độ Thập Yếu, Tịnh Độ Thánh Hiền Lục, Lạc Bang Văn Loại[31] v.v… ắt sẽ có căn cứ để bắt chước theo, không còn hoài nghi được nữa. Một bộ Pháp Uyển Châu Lâm[32] thuật rõ nhân quả, lý sự đều cao, có thể đối trị cố tật mù quáng bài bác nhân quả, phóng túng, không e dè gần đây. Phàm ai có tín tâm đọc sách nên thường khuyên họ đọc sách ấy, chẳng những hữu ích cho thân tâm tánh mạng, lại còn thật sự có ích cho chuyện cách vật trí tri[33], văn chương, học vấn. An Sĩ Toàn Thư cũng có tác dụng tương tự, kẻ văn nhân đều chẳng thể không biết. Nỗi khổ Sa Bà nói chẳng thể hết, dẫu nhằm thời thanh bình vẫn thường ngày khổ não, do chúng sanh tiếp xúc lâu ngày thành quen nên chẳng tự biết.

Gần đây, Trung Quốc trải mấy lượt binh biến, đúng là khổ chẳng thể nói. Nhưng các nước bên Âu Tây đại chiến ba năm, người chết gần ngàn vạn, mở đầu cuộc binh kiếp lần thứ nhất, nhưng tình hình chiến tranh vẫn còn dữ dội, chẳng biết rốt cuộc thế nào? Lặng im suy nghĩ, quả thật đáng sợ hãi, bên kia họ đang tận lực tìm cách tàn diệt nước khác. Ác báo do ác nghiệp của chúng sanh trong quá khứ chiêu cảm cũng chưa lúc nào đến nỗi cực độ như thế. Nay nghe lời này, hãy nên phát phẫn đại tâm, mau cầu vãng sanh. Sau đấy, trở vào Sa Bà, phổ độ hết thảy. Kinh dạy: “Bồ Tát sợ nhân, chúng sanh sợ quả”.Bồ Tát sợ chuốc lấy quả ác nên đoạn nhân ác. Nhân ác đã đoạn thì quả ác không sanh từ đâu được. Chúng sanh đua nhau gây nhân ác, đến nỗi thọ quả ác. Khi hứng chịu quả ác, chẳng biết tự sám hối nghiệp cũ, lại gây tạo pháp ác nghiệp để đối trị nên oan oan tương báo bao kiếp chẳng ngơi. Chẳng đáng buồn ư? Chẳng đáng sợ sao? Biết rồi mà chẳng cầu sanh Tịnh Độ thì chẳng phải là người nữa!

 

Nam Mô A Di Đà Phật!

ẤN QUANG PHÁP SƯ VĂN SAO
Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa chuyển ngữ

/199
 

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây