Tìm kinh sách
 
        Kinh Sách FULL

Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao

ẤN QUANG PHÁP SƯ VĂN SAO
(Tăng Quảng Chánh Biên)
Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa chuyển ngữ
(trọn bộ - giảo duyệt hoàn tất ngày 26 tháng 11 năm 2006)
QUYỂN THỨ NHẤT

 

Chương 76: [THƯ 76]: Trả lời thư cư sĩ Hoàng Trí Hải

Nhận được thư biết ông tu trì nghiêm mật, mừng vui vô cùng. Người đã ngoài năm mươi tuổi lại thêm công chuyện đa đoan, chỉ tốt nhất là chuyên tu Tịnh nghiệp. Nếu cứ nghiên cứu tràn lan, sợ rằng chẳng thể thông suốt kinh luận, Tịnh nghiệp đâm ra trở thành chuyện phụ. Nói đến sự phân biệt giữa Tánh, Tâm và Ý, thì Tâm đa phần là ước theo Thể mà nói, Ý chính là niệm lự, tức là Dụng của Tâm. Tánh chính là luận trên phương diện bản thể không biến động của Tâm. Nếu nói chung chung thì Tâm và Tánh có thể dùng lẫn cho nhau, nhưng Ý thì chỉ có thể chỉ cho niệm lự mà thôi. Nhưng Tâm có Chân Tâm và Vọng Tâm. Nếu ước theo Thể thì Tâm chỉ Chân Tâm, Vọng Tâm cũng thuộc về niệm lự, tức là vọng niệm nơi Tâm Thể vậy. Bốn giáo Tạng, Thông, Biệt, Viên chính là Như Lai thuận theo căn cơ của chúng sanh nói ra những pháp phù hợp. Do có những nghĩa ấy nên ngài Trí Giả dựa theo ý nghĩa mà lập ra những tên gọi ấy.

1) Tạng Giáo là vì căn tánh Tiểu Thừa, nói ra ba tạng Kinh, Luật, Luận, do đó gọi là Tạng Giáo. Đại Thừa cũng có ba tạng, ở đây chỉ nói riêng về Tiểu Thừa.

2) Thông Giáo là Đại Thừa sơ môn, do căn tánh bất đồng, độn căn thông với Tạng Giáo ở trên, lợi căn thông với Biệt Giáo, Viên Giáo ở phần sau, nên gọi là Thông Giáo.

3) Biệt là khác biệt, giáo này là pháp để dạy riêng cho Bồ Tát. Tất cả giáo lý, trí đoạn, hạnh, vị, nhân quả, mỗi mỗi đều khác biệt, chưa thể viên dung bao gồm lẫn nhau như Viên Giáo, nên gọi là Biệt Giáo.

4) Viên là viên mãn, viên dung. Do pháp nào cũng viên dung, pháp nào cũng trọn đủ, nên gọi là Viên Giáo. Giáo này là Phật pháp tối thượng, do đức Phật đem những lý chính mình đã ngộ, đã chứng, giảng cho hết thảy đại căn Bồ Tát. Hãy xem Giáo Quán Cương Tông[24] sẽ tự biết được nghĩa ấy. Nếu muốn dùng bút mực để trình bày rõ, chẳng những quá tốn công lại còn chẳng bằng xem sách ấy tự hiểu vậy.

Chúng sanh đời Mạt căn cơ mỏng ít, muốn được lợi ích chân thật nơi giáo nghĩa Thiền Tông hết sức khó khăn, chỉ có pháp môn Tịnh Độ là nương cậy được. Hãy thử xem cái chết của Hiển Ấm[25] kém xa những kẻ ngu phu, ngu phụ, những gì Hiển Ấm biết được, kẻ ngu phu, ngu phụ không sao mong bằng được, nhưng những gì kẻ ngu phu, ngu phụ đạt được, Hiển Ấm lại không sao mong bằng được. Chính là như Quang đã nói: “Tánh thủy lặng trong, do phân biệt bèn xao động, đục ngầu, sóng Thức bủa giăng, nhờ Phật hiệu bèn ngừng lặng”.Do vậy, thượng trí chẳng bằng hạ ngu, khéo quá biến thành vụng to. Xin cư sĩ hãy chuyên chí Tịnh nghiệp, đừng hâm mộ chuyện Tông thông, thuyết thông, ngõ hầu chuyện liễu sanh thoát tử chẳng bị biến thành bánh vẽ.

Ông Châu Đức Quảng ngày mồng Hai tháng Hai, ngồi niệm Phật qua đời, không có tâm tình bi luyến, vẻ mặt vui vẻ, ắt vào thẳng Liên Bang, làm đệ tử Phật Di Đà vậy! Năm ngoái, ông Châu sanh bệnh, phát nguyện dùng một vạn đồng mình đã để dành dùng làm điều thiện. Nhân đó, đem bảy ngàn đồng giao cho Quang, ba ngàn bốn trăm đồng dùng in Đại Sĩ Tụng một vạn bộ, một ngàn sáu trăm đồng in bộ Bất Khả Lục[26], hai ngàn đồng để in bộ Tăng Quảng Văn Sao mới san định xong, còn dư ba ngàn đồng làm những thiện sự khác. Bốn người con ông Châu đều không dư giả lắm, nhưng có thể đem tiền cha đã để dành vì cha làm công đức, chẳng chịu dùng tiền đó để tự mình xài, cũng đáng nói là đã làm được chuyện khó làm vậy!

Mong ông chuyên chí nơi Tịnh tông, đừng bị lay động bởi thuyết “thành Phật ngay nơi thân này”của Mật Tông. Thành Phật ngay trong thân đời này chính là Lý Tánh, chứ không phải là sự thật. Nếu hiểu là sự thật thì Tây Tạng, Đông Dương (Nhật Bản), Phật nhiều vô kể, đừng nói chi là hạng bình dân, ngay cả tâm hạnh, hành vi của Ban Thiền[27] còn chưa có phong thái của Phật, huống gì bảo là thành Phật được ư? Vì ông ta nhằm lúc dân không lẽ sống, vẫn chẳng biết tiếc thương xương máu của bá tánh, mặc tình bày vẽ hao phí, tiền lọt đến tay quý như tánh mạng, chẳng có mảy may ý niệm từ bi hỷ xả. Hiển Ấm tự khoe mình đắc chánh truyền nơi Mật Tông, bảo Phật pháp truyền sang Đông đến Trung Quốc, chỉ có mình giáo lý của Hoằng Pháp đại sư[28] là viên diệu, thường chê bai tổ sư các tông phái Trung Quốc, đều chê họ chẳng được chánh truyền như Hoằng Pháp đại sư, nhưng lúc chết rốt cuộc trở thành kẻ nghiệp thức mịt mờ, không có cội gốc gì để nương cậy. Ông ta đã thành Phật ngay nơi thân này, sao kết quả lại như thế? Mong ông hãy thấu hiểu thì may mắn lắm!

Tâm Bồ Tát ví như thái hư, không gì chẳng bao gồm, muốn lợi ích chúng sanh làm đủ mọi phương tiện, trước hết dùng Dục để lôi kéo, sau dạy họ nhập Phật trí, chớ nên dùng tri kiến phàm phu để suy lường xằng bậy, bởi các ngài đã chứng Pháp Nhẫn, trọn không còn Ta - Người, chỉ muốn nhiếp thọ hết thảy chúng sanh vào trong biển pháp đại giác của Như Lai. Nếu so lường, suy tính sẽ thuộc về tình kiến, chẳng thể ngầm khế hợp với đạo vô nhân ngã cho được! Nói các ngài bố thí đầu, mắt, tủy, não là thật, còn như nói bố thí kỹ nữ, thể nữ v.v… bất quá nhằm diễn tả rộng cái tâm Bồ Tát, chớ vì lời hại ý[29]. Nếu chấp chết vào từ ngữ để hiểu đoạn văn “kỹ nữ đầy khắp A Tăng Kỳ thế giới”thì sẽ an trí họ nơi đâu? Điều này nhằm hiển thị Bồ Tát trong ngoài đều bỏ được, trọn chẳng tham tiếc. Trong là đầu, mắt, tủy, não; ngoài là quốc thành, vợ, con, chẳng sanh tham đắm một pháp nào; vì thế, trong sanh tử riêng Ngài được giải thoát.

Những kẻ nhận bố thí, được nguyện lực của Bồ Tát nhiếp trì sẽ ngay trong lúc ấy hoặc vào đời sau không ai chẳng tự hưởng lợi ích liễu sanh thoát tử. Như vua Ca Lợi[30] cắt chặt thân thể [của Nhẫn Nhục tiên nhân], về sau thành người được độ đầu tiên tức ngài Kiều Trần Như. Tâm đại Bồ Đề lượng như thái hư sao có thể dùng tiểu tri tiểu kiến của phàm phu để dò lường cho được? Phải biết: Phàm phu chưa đắc Pháp Nhẫn trong tâm hãy nên kính mộ đạo Bồ Tát, nhưng hành động nên học theo những lý thông thường của phàm phu . Nếu không, bèn đối với việc trụ trì pháp đạo rất có thể bị phương ngại. Nếu chưa chứng Vô Sanh Pháp Nhẫn tức là chưa trụ trì pháp đạo, cũng chẳng nên học theo những chuyện bỏ đầu, mắt, tủy, não v.v… của Bồ Tát, bởi sức mình chưa đủ, chẳng kham nhẫn chịu được, dù mình hay người đều không ích lợi gì. Phàm phu phải hành theo những gì mình có thể làm thì mới nên!

 

Nam Mô A Di Đà Phật!
ẤN QUANG PHÁP SƯ VĂN SAO
(Tăng Quảng Chánh Biên)
Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa chuyển ngữ
(trọn bộ - giảo duyệt hoàn tất ngày 26 tháng 11 năm 2006)
QUYỂN THỨ NHẤT- Phần thứ tư

/199
 

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây