Tìm kinh sách
 
        Kinh Sách FULL

Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao

ẤN QUANG PHÁP SƯ VĂN SAO
(Tăng Quảng Chánh Biên)
Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa chuyển ngữ
(trọn bộ - giảo duyệt hoàn tất ngày 26 tháng 11 năm 2006)
QUYỂN THỨ NHẤT

 

Chương 59: [THƯ 59]: Trả lời thư thầy Hoằng Nhất (thư thứ hai)

Nhận được thư, dạng chữ khéo, chỉnh, có thể y theo đó để chép kinh. Phàm chép kinh là muốn chuyển cái tâm thức phàm phu thành trí huệ Như Lai, giống như chàng tân tiến sĩ vào trường thi trong đền vua, phải nghiêm cung, dè dặt, không giải đãi, coi thường chút nào. Làm được như thế ắt mới có thể biến cái tâm nghiệp thức thành Như Lai Tạng, mới hòng đậu Trạng Nguyên trong trường thi tuyển Phật. Người hiện thời chép kinh, mặc tình ngoáy bút, không phải là chép kinh mà chỉ là nhờ vào việc này để luyện chữ, cũng như muốn lưu lại bút tích cho hậu thế mà thôi! Chép kinh như vậy không phải là hoàn toàn vô ích, bất quá chỉ thành cái nhân đắc độ trong vị lai, nhưng cái tội khinh nhờn cũng chẳng cạn nhỏ!

Tọa hạ gởi thư cho Vưu cư sĩ, mấy hôm trước ông ta cũng gởi thư đến, ông ta nghĩ Quang là hạng người chỉ muốn được người khác cung kính, nên vừa mở đầu thư đã xưng Quang là “sư tôn”, không dùng bốn chữ “Ấn Quang pháp sư” nữa! Quang đã trình bày cặn kẽ duyên do. Đầu thư của tọa hạ cũng nên dùng hai chữ “Ấn Quang”, chẳng nên quá khiêm hư kẻo trở thành khách sáo như thế tục. Như cổ nhân nếu có người ngang hàng với mình dạy cho mình một lời đều làm lễ cảm tạ, ấy là lễ nghi thông thường bất luận Tăng, tục. Nay lễ giáo sa sút, vì thế thường hay tập thành thói quen ngã mạn, tự đại. Dẫu học một tài, một nghề khéo mà không chịu ở dưới người khác còn là chuyện chẳng nên, huống chi học đạo vô thượng Bồ Đề! Đây chính là tấm lòng thành ngu muội dùng đá nơi núi khác làm ngọc cho chính mình của Quang. Chuyện trích máu chép kinh xin hãy thư thả, trước hết hãy lấy chuyện nhất tâm niệm Phật làm trọng, e rằng huyết hao thần suy, đâm ra thành chướng ngại. Thân có an thì đạo mới tăng tấn. Trong địa vị phàm phu, chẳng được học đòi khổ hạnh của địa vị Pháp Thân đại sĩ, như vậy mới có hiệu quả. Hễ được nhất tâm thì pháp nào cũng đều viên dung!

 

Nam Mô A Di Đà Phật!
ẤN QUANG PHÁP SƯ VĂN SAO
(Tăng Quảng Chánh Biên)
Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa chuyển ngữ
(trọn bộ - giảo duyệt hoàn tất ngày 26 tháng 11 năm 2006)
QUYỂN THỨ NHẤT- Phần 3

/199
 

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây