Tìm kinh sách
 
        Kinh Sách FULL

Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao

ẤN QUANG PHÁP SƯ VĂN SAO
(Tăng Quảng Chánh Biên)
Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa chuyển ngữ
(trọn bộ - giảo duyệt hoàn tất ngày 26 tháng 11 năm 2006)
QUYỂN THỨ NHẤT

 

Chương 163: [THƯ 163]: Thư trả lời cư sĩ Úc Trí Lãng

Chuyện của Phước Tuấn theo như lời ông kể lúc còn sống và sau khi đã mất, nếu mọi điều đều thật thì chắc chắn là vãng sanh! Do lúc sống đã thấy thấu suốt cái vỏ thân xác này, điều này thuộc về sự lợi ích lớn nhất, vì nữ nhân thường hay lưu luyến huyễn chất, hằng ngày lo trang điểm. Đã không có ý niệm ấy, sẽ tự dễ dàng tương ứng với pháp môn Tịnh Độ. Lâm chung gầy còm và bị bệnh khổ chính là do nghiệp chướng nhiều kiếp. Do vì bà ta dốc lòng tu Tịnh nghiệp nên mới chuyển hậu báo nặng nề thành báo nhẹ trong hiện tại. Ông bảo: “Do tu trì tinh tấn đến nỗi thân thể ngày càng yếu ớt’; nói như vậy không hợp lẽ, lại còn mắc lỗi khiến cho kẻ tín tâm nông cạn nhân đó bèn thoái đọa.

Phải biết: Người niệm Phật quyết định tiêu trừ nghiệp chướng. Những người có nghiệp chướng hiện tiền đều là chuyển ác báo tam đồ trong tương lai thành bệnh khổ hiện tại để giải quyết cho hết. Kinh Kim Cang dạy người trì kinh Kim Cang do có nỗi nhục nhỏ là bị người khác khinh rẻ, liền diệt được nỗi khổ nhiều kiếp trong ác đạo. Như vậy Phước Tuấn khi sắp sanh về Tây Phương, do nỗi khổ nhỏ nhặt này sẽ giải quyết sạch các ác báo trong vô lượng kiếp đến nay, quả thật là may mắn lớn lao! Chớ nên học theo kẻ chẳng biết sự việc, bảo là “do tu trì nên thành bệnh, bị chết!”

Người niệm Phật bình thời có lòng tin chân thành, nguyện khẩn thiết thì không ai chẳng được vãng sanh, huống chi Phước Tuấn lâm chung chánh niệm rỡ ràng, hiện các tướng xá bái, đảnh lễ v.v… Mất rồi thân thể vẫn mềm mại, sạch sẽ, vẻ mặt như còn sống, há có nên vì công phu của bà ta còn ít ỏi mà nghi ngờ hay chăng? Đối với Di Đà nguyện vương, mười niệm còn được độ, huống chi bà ta tinh tấn tu trì đã hai ba năm, há còn ngờ ư? Trong đời có hạng người ý chí thấp hèn, tuy thường niệm Phật, nhưng chẳng cầu vãng sanh, chỉ mong cầu phước báo nhân thiên; hạng người như vậy dù có tu hành suốt đời cũng chỉ được hưởng si phước trong đời sau mà thôi! Người có chánh tín tự mình dùng tín nguyện cảm Phật, Phật do lòng từ bi nhiếp thọ, cảm ứng đạo giao, ắt có thể cậy vào Phật từ lực, đới nghiệp vãng sanh, cần gì phải hỏi người ấy có thấy Phật hay chăng rồi mới phán đoán được!

Ngay như trước lúc lâm chung, nếu [người sắp mất] tự tắm rửa, thay áo thì rất hay! Nếu người ấy không thể thì trọn chớ nên tắm rửa thay áo sẵn, khiến cho người ấy đau đớn khó chịu đựng nổi đến nỗi mất chánh niệm. Ông còn tiếc rằng lúc ấy bà ta còn chưa mặc pháp y, chưa ngồi khoanh chân xếp bằng; không biết lúc ấy, tốt nhất chỉ nên đồng thanh niệm Phật, vàn muôn phần chẳng được bày vẽ phô trương (như tắm rửa, thay áo, bắt ngồi lên v.v…) Nếu phô trương, bày vẽ sẽ thành ra như hòn đá rớt xuống giếng, hãy nhớ kỹ! Lệnh từ tuổi đã cao, nếu Quang không nói lên mối tệ này, về sau, ông do tấm lòng tận hiếu sẽ gây trở ngại cho sự vãng sanh của mẹ, khiến mẹ phải lưu chuyển trong sanh tử bao kiếp dài lâu, không thể thoát ra được!

Chúng ta chỉ nên giữ lấy cái thật, chớ chuộng cái danh, bài ký của ông khá hay, chẳng cần phải nhờ người viết văn để lưu truyền. Đấy đều là những chuyện hư huyễn, phù phiếm trong thế gian, chỉ nên chính mình cùng người nhà niệm Phật mong cùng sanh Tây Phương là được rồi. Trong khóa tụng sáng tối mỗi ngày, lúc hồi hướng Quang đều đọc kèm tên của Phước Tuấn, hồi hướng một thất để tận mối tình thầy trò. Hơn nữa, Phước Tuấn sanh tử phen này có thể nói là chẳng sống thừa chết phí, may mắn thay! Còn như chuyện xương cốt làm thành viên bột thì rất tốt, nhưng chẳng được hời hợt làm! Phải đem xương nghiền thành bột mịn, dùng cái lưới kín mắt rây kỹ, không khác gì bột mì thì mới được. Nếu thô tâm nghiền qua loa, khi hòa với bột mì làm thành viên, chỉ sợ loài cá nhỏ ăn vào sẽ bị xương cứng xóc bụng. Quang sợ ông vô tâm, không thể không nói!

 

Nam Mô A Di Đà Phật!
ẤN QUANG PHÁP SƯ VĂN SAO
(Tăng Quảng Chánh Biên)
Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa chuyển ngữ
(trọn bộ - giảo duyệt hoàn tất ngày 26 tháng 11 năm 2006)
QUYỂN THỨ HAI- Phần thứ ba

/199
 

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây