Tìm kinh sách
 
        Kinh Sách FULL

Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao

ẤN QUANG PHÁP SƯ VĂN SAO
(Tăng Quảng Chánh Biên)
Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa chuyển ngữ
(trọn bộ - giảo duyệt hoàn tất ngày 26 tháng 11 năm 2006)
QUYỂN THỨ NHẤT

 

Chương 182: Luận - Quyển 2 - Phần 4 - Chú thích nghĩa câu

Luận - Quyển 2 - Phần 4 - Chú thích nghĩa câu

[1] Truyền tân: nói gọn của thành ngữ “tân tận hỏa truyền”(củi hết lửa còn) ý nói đạo truyền thừa giữa thầy và trò.

[2] Âu Dương Tu và Hàn Dũ: Hai nhà Nho bài xích Phật giáo mạnh mẽ nhất vào thời Đường - Tống

[3] Nguyên văn là Thiền tượng: Tượng là thợ giỏi, thợ khéo, thường được chỉ những bậc thông đạt pháp môn. Ở đây tạm dịch là Thiền Đức.

[4] Tư lương (sambhāra): Hiểu theo nghĩa hẹp là những thứ cần dùng, cần chuẩn bị. Tư là giúp đỡ, lương là lương thực. Như người đi xa ắt phải nhờ vào lương thực để duy trì cái thân. Cũng vậy, người muốn chứng quả trong tam thừa phải nhờ công đức thiện căn làm lương thực nuôi dưỡng cái thân huệ mạng. Do vậy, Tư Lương hiểu theo nghĩa rộng là hết thảy các thứ góp phần thành tựu đạo Bồ Đề.

[5] Theo Tổ Đình Sự Uyển, quyển 5, nếu bỏ sữa và nước cùng trong một đồ đựng, ngỗng chúa chỉ uống sữa bỏ lại nước. Nước tượng trưng cho chúng sanh, sữa tượng trưng cho Phật. Dùng điển tích “ngỗng chúa chọn sữa” để tỷ dụ bậc giác ngộ sống trong thế gian chẳng bị nhiễm ô. Điển tích này còn dùng để chỉ khả năng phân biệt chân - ngụy, thiện - ác.

[6] Đây là luận điểm chủ yếu của kinh Pháp Hoa: Khai là phá trừ vô minh của chúng sanh, mở toang Như Lai Tạng, thấy được lý Thật Tướng. Thị nghĩa là hiển thị, Hoặc chướng đã trừ thì tri kiến bộc lộ bản thể, pháp giới vạn đức hiển thị phân minh. Ngộ là chứng ngộ, sau khi chướng trừ, bản thể hiện thì sự (hiện tượng), lý (bản thể) dung thông nên có sở ngộ. Nhập nghĩa là chứng nhập, tức là sự lý đã dung thông nên tự tại vô ngại, chứng nhập biển trí huệ. Sách Pháp Hoa Văn Cú quyển 4 còn mở rộng hơn, phối hợp bốn mươi địa vị Pháp Thân đại sĩ như sau:

1. Khai tương ứng địa vị Thập Trụ.

2. Thị tương ứng địa vị Thập Hạnh.

3. Ngộ tương ứng địa vị Thập Hồi Hướng.

4. Nhập tương ứng địa vị Thập Địa.

Nếu phối hợp với Tứ Trí thì Khai là Đạo Huệ, Thị là Đạo Huệ Chủng, Ngộ là Nhất Thiết Trí, Nhập là Nhất Thiết Chủng Trí…

[7] Khai Quyền hiển Thật: Khai trừ những chấp trước của Quyền Giáo, hiển thị nghĩa chân thật. Nói cách khác, khai trừ, gạt bỏ những chấp trước vào những phương tiện quyền biến để hiển thị nghĩa Nhất Thừa chân thật.

[8] Biển Hoa Tạng tức Hoa Tạng Trang Nghiêm Thế Giới Hải (Kusuma-tala Garbha Vyūhā Kāra Lokadhātu Samudra), dịch đủ nghĩa là Liên Hoa Xuất Sanh Thế Giới, hoặc Diệu Hoa Bố Địa Thai Tạng Trang Nghiêm Thế Giới, Liên Hoa Tạng Trang Nghiêm Thế Giới Hải, Thập Liên Hoa Tạng Trang Nghiêm Thế Giới Hải, hoặc chỉ gọi gọn là Hoa Tạng Giới hoặc Thập Hoa Tạng. Đây là thế giới thanh tịnh trang nghiêm do đức Tỳ Lô Giá Na Phật khi tu nhân phát nguyện cảm thành. Thế giới này do Tu-di sơn vi trần số phong luân nâng giữ. Trên tầng phong luân cao nhất có một biển nước thơm. Trong ấy có một hoa sen lớn, tên là Chủng Chủng Quang Minh Nhụy Hương Tràng. Hoa Tạng Thế Giới nằm chính giữa hoa sen ấy, vây quanh bằng Kim Cang Luân Vi Sơn. Đất trong đó do Kim Cang tạo thành, kiên cố không hư hoại, thanh tịnh bằng phẳng, có thế giới hải vi trần số sự trang nghiêm. Trong ấy lại có vi trần số biển nước thơm, mỗi biển rộng bằng bốn thiên hạ và có vi trần số con sông nước thơm. Đất hai bờ sông ấy đều bằng diệu bảo trang nghiêm, xếp đặt khéo léo như lưới Thiên Đế. Trong mỗi một biển nước thơm lại có bất khả thuyết vi trần số thế giới chủng, mỗi một thế giới chủng lại gồm bất khả thuyết vi trần số thế giới. Biển nước thơm chính giữa Hoa Tạng thế giới, có tên là Vô Biên Diệu Hoa Quang. Giữa biển ấy mọc lên một hoa sen, thế giới chủng trong hoa sen ấy tên là Phổ Chiếu Thập Phương. Trong đó có hai mươi thứ bất khả thuyết vi trần số thế giới xếp vòng quanh. Đức Phật xuất hiện trong thế giới này. Sách Hoa Nghiêm Ngũ Giáo Chương giảng thêm: Cứ mười cảnh giới Phật gọi chung là một quốc độ hải hay thế giới hải. Thế giới hải chính là các thế giới thuộc phạm vi nhiếp hóa của mười đức Phật v.v… Nói chung, cảnh giới Hoa Nghiêm Thế Giới Hải rất phức tạp, rộng lớn, hầu như không thể hình dung được nổi! Cảnh giới đã rộng lớn như thế thì dĩ nhiên thánh chúng trong ấy vô lượng vô biên không thể tính đếm được, cho nên dùng chữ “hải chúng”(chúng nhiều như biển) để tạm hình dung.

[9] Nhất xiển đề: Nhất-xiển-đề (Icchantika hoặc Ecchantika): được dịch nghĩa là đoạn thiện căn, lòng tin không đầy đủ, lòng ham muốn cùng cực, tham lam to lớn, hoặc Vô Chủng Tánh, Thiêu Chủng (hạt giống cháy), tức là hạng người không có lòng tin, đoạn sạch thiện căn. Kinh Lăng Già chia Nhất Xiển Đề thành hai loại:

1. Đoạn Thiện Xiển Đề, tức kẻ vốn thiếu nhân giải thoát (đoạn thiện căn).

2. Đại Bi Xiển Đề: Hoặc Bồ Tát Xiển Đề, tức bậc Bồ Tát thị hiện, cố ý không nhập Niết Bàn do bi nguyện.

Đa phần các kinh luận nói Nhất Xiển Đề không thể thành Phật, riêng Đại Bát Niết Bàn kinh khẳng định Nhất Xiển Đề vẫn có khả năng thành Phật.

[10] Có hai cách hiểu chữ “Trí Đoạn”:

1. Dùng trí Bát Nhã đoạn trừ phiền não.

2. Trí Đoạn là Trí Đức và Đoạn Đức. Soi thấu tỏ chân lý thì gọi là Trí Đức, đây chính là Bồ Đề. Đoạn sạch phiền não thì gọi là Đoạn Đức, tức là Niết Bàn.

[11] Gọi đủ là Hoa Nghiêm Kinh Hợp Luận, gồm 120 quyển của cư sĩ Lý Thông Huyền soạn vào đời Đường, tác phẩm này được xếp vào Tục Tạng Kinh quyển 5. Đây là tác phẩm chú giải bản dịch kinh Hoa Nghiêm 80 cuốn (Bát Thập Hoa Nghiêm). Nội dung cuốn luận này chia kinh Hoa Nghiêm làm mười môn để phát minh những ý nghĩa trọng yếu: Y giáo tông phần, y tông giáo biệt, giáo nghĩa sai biệt, thành Phật đồng biệt, thuyết giáo thời phần, Tịnh Độ quyền thật, nhiếp hóa cảnh giới, nhân quả diên súc (nhân quả kéo dài hay rút ngắn), hội giáo thỉ chung. Tác giả Lý Thông Huyền đặc biệt sùng mộ giáo thuyết Thập Huyền Lục Tướng của tông Pháp Tướng nên đã vận dụng những khái niệm này vào trong cách giải thích kinh điển. Tác phẩm Hoa Nghiêm Kinh Hợp Luận này đã ảnh hưởng sâu đậm đến ngài Thanh Lương Trừng Quán, ta có thể thấy rõ điều này qua tác phẩm Hoa Nghiêm Đại Sớ Sao.

[12] Tức Lý Thông Huyền (635-730) là học giả Hoa Nghiêm thời Đường, xuất thân từ hoàng tộc, quê ở Thương Châu (nay thuộc Thương Huyện, tỉnh Hà Bắc), thông minh đĩnh ngộ, tinh thông sách Nho lẫn kinh Phật. Năm Khai Nguyên thứ 7 (719), ông ẩn cư ở Phương Sơn, Thọ Dương, phủ Thái Nguyên để nghiên cứu kinh Hoa Nghiêm bản tân dịch (tức Bát Thập Hoa Nghiêm), chỉ ăn táo, lá tùng bách để sống suốt mấy năm trong núi. Vì vậy, thế gian gọi là Táo Bách (Bá) tiên sinh. Tháng Ba, năm Khai Nguyên thứ 18 (730), ông tọa hóa trong thất, hưởng thọ 96 tuổi. Tống Huy Tông ban hiệu là Hiển Giáo Diệu Nghiêm Trưởng Giả. Do vậy, người ta thường gọi ông là Lý Trưởng Giả. Ông lưu lại những tác phẩm như Hoa Nghiêm Kinh Hội Thích Luận 14 quyển, Tân Hoa Nghiêm Kinh Luận 40 quyển, Lược Thích Tân Hoa Nghiêm Kinh Tu Hành Thứ Đệ Quyết Nghi Luận 4 quyển, Thích Giải Mê Hiển Trí Thành Bi Thập Minh Luận 1 quyển, Thập Huyền Lục Tướng, Bách Môn Nghĩa Hải, Phổ Hiền Hạnh Môn, Hoa Nghiêm Quán… Lý Thông Huyền được coi là một nhân vật tiên phong trong trào lưu nghiên cứu kinh Hoa Nghiêm bản tân dịch.

[13] Ô Trà (Odra), nước cổ ở Đông Ấn Độ, nay là Orissa, thường bị người Hán phiên sai thành Ô Trành. Theo Đại Đường Tây Vực Ký, người dân xứ này khôi ngô, hiếu học, tín phụng Phật pháp, Tăng chúng đông đến hơn vạn người, đều học giáo pháp Đại Thừa.

[14] Đăng Địa Bồ Tát: tức Địa Thượng Bồ Tát, hay nói cách khác, những vị đã chứng từ Sơ Địa cho đến Thập Địa.

[15] Lục đạo cụ phược phàm phu: Phàm phu trong sáu nẻo có đầy đủ các món phiền não, chưa đoạn được một món nào.

[16] Tức ngài Trúc Đạo Sanh (355-434), nhà học giả Niết Bàn thời Đông Tấn. Ngài là người Cự Lộc (nay thuộc Bình Hương, Hà Bắc), họ Ngụy. Sư nổi tiếng thông minh dĩnh ngộ từ nhỏ, xuất gia với ngài Trúc Pháp Thải. Năm 15 tuổi đã lên tòa giảng, bậc túc học danh sĩ cũng không biện luận thắng Sư được. Khi ngài Tăng Già Đề Bà dừng gót tại Lô Sơn, dịch A Tỳ Đàm Tâm Luận, Sư bèn theo học giáo nghĩa Nhất Thiết Hữu Bộ với ngài. Khi ngài Cưu Ma La Thập vào Trung Nguyên, Sư lại quảy tráp theo học. Sư cùng với các vị Đạo Dung, Tăng Duệ, Tăng Triệu trở thành những học trò kiệt xuất của ngài La Thập, được đời gọi bằng mỹ hiệu “Quan Nội Tứ Thánh”. Sư từng thỉnh ngài Phật Đà Thập dịch bộ Ngũ Phần Luật. Sư tinh thông học thuyết của các ngài Long Thọ, Đề Bà v.v… Chính Sư đề xướng thuyết “đốn ngộ thành Phật” và soạn các bộ luận Nhị Đế Luận, Phật Tánh Đương Hữu Luận, Pháp Thân Vô Sắc Luận, Phật Vô Tịnh Độ Luận. Nhân đọc bộ Nê Hoàn Kinh sáu quyển do ngài Pháp Hiển dịch, Sư bèn đề ra thuyết Nhất Xiển Đề vẫn có khả năng thành Phật. Lúc ấy, kinh Đại Bát Niết Bàn chưa truyền đến Trung Hoa, nên thuyết này của Sư bị công kích kịch liệt. Sư bị đại chúng tẫn xuất, phải ẩn cư tại Lô Sơn. Về sau, bản Đại Bát Niết Bàn Kinh của ngài Đàm Vô Sấm truyền đến phương Nam, nội dung hoàn toàn tương đồng với thuyết của ngài Đạo Sanh, đại chúng hết sức khâm phục. Theo truyền thuyết, Sư từng gom đá ở núi Hổ Khâu, tỉnh Giang Tô làm pháp chúng để giảng kinh. Do vậy mới có câu “Sanh công thuyết pháp, ngoan thạch điểm đầu”(ngài Đạo Sanh giảng kinh, đá cũng gật đầu). Ngài mất trong khi đang giảng pháp trên tòa sư tử, thọ tám mươi tuổi.

[17] Triệu Châu Tùng Thẩm (778-897) là Thiền tăng đời Đường, người Tào Châu, Hác Hương (có thuyết nói là Thanh Châu, Lâm Truy), họ Hác, pháp hiệu Tùng Thẩm. Xuất gia từ nhỏ tại Hỗ Thông Viện, Tào Châu. Trước khi thọ Cụ Túc Giới đã từng tham yết ngài Nam Tuyền Phổ Nguyện. Sau khi thọ giới tại Lưu Ly Đàn ở Tung Sơn, quay lại y chỉ với ngài Nam Tuyền hai mươi năm. Sau đó tham học khắp với các đại đức Bảo Thọ, Diêm Quan, Giáp Sơn, Ngũ Đài v.v… Năm Sư tám mươi tuổi, đại chúng thỉnh trụ tích tại Quán Âm Viện thuộc Đông Thành, Triệu Châu. Sư tận lực chấn hưng Nam Tông Thiền suốt bốn mươi năm, thọ 120 tuổi, được vua ban thụy hiệu là Chân Tế Đại Sư.

[18] Đây là một điển tích xuất phát từ sách Ngũ Đăng Hội Nguyên, quyển 11. Nguyên văn: “Nhận lư yên kiều tác a da hạ hàm”. “Yên kiều” tức là cái yên ngựa, do hình trạng của nó giống như cái cầu nên gọi như thế. “Lư yên kiều” có nghĩa là cái xương lừa có hình dạng giống như cái yên ngựa, chứ không phải thật sự là yên ngựa. Trong truyện cổ dân gian Trung Quốc có chuyện đứa trẻ ngu si tưởng lầm cái xương lừa hình yên ngựa là xương hàm của cha. Thiền lâm hay dùng hình ảnh này để ví cho kẻ ngu muội, chẳng phân biệt được thật - giả.

[19] Bách Trượng Hoài Hải (720-814): Cao tăng đời Đường, từ nhỏ đã thích đi thăm chùa viện. Năm 20 tuổi, xuất gia với ngài Huệ Chiếu ở Tây Sơn, sau thọ Cụ Túc Giới với ngài Pháp Triều luật sư. Khi gặp Mã Tổ Đạo Nhất hoằng pháp tại Nam Khang bèn hết sức ngưỡng mộ, y chỉ theo, được ngài Mã Tổ ấn khả. Sư cùng với Tây Đường Trí Tạng, và Nam Tuyền Phổ Nguyện được xưng tụng là “tam đại sĩ”. Về sau, Sư lập thiền viện ở núi Bách Trượng tỉnh Giang Tây, chế định Thanh Quy, hướng dẫn đại chúng tu trì. Thanh Quy tức là quy định sinh hoạt của Tăng đoàn theo chế độ nông thiền. Sư thường nói: “Một ngày không làm là một ngày không ăn”.Sư nhập diệt năm Nguyên Hòa thứ chín, thọ 95 tuổi, được vua ban thụy hiệu là Đại Trí Thiền Sư. Các đệ tử nổi tiếng của Sư là Hoàng Bá Hy Vận, Quy Sơn Linh Hựu v.v… Thanh Quy do Sư lập ra được gọi là Bách Trượng Thanh Quy, được khắp các tùng lâm trong thiên hạ tuân phụng.

[20] Luận Tỳ Bà Sa nói ở đây là bộ Thập Trụ Tỳ Bà Sa Luận do ngài Long Thọ Bồ Tát soạn. Trong quyển năm của luận này, có câu: “Phật pháp có vô lượng môn, như đường đi trên thế gian có khó, có dễ. Đi theo đường bộ thì khó nhọc, đi đường thủy ngồi thuyền thì sung sướng. Bồ Tát đạo cũng giống như thế, có đạo thì khó hành tinh tấn, có đạo chỉ dùng lòng tin làm phương tiện, dễ đi, mau đạt đến địa vị Bất Thoái”. Tỳ Bà Sa (Vibhasa) có nghĩa là Quảng Giải (giảng giải rộng lớn), Quảng Thuyết (nói rộng), Thắng Thuyết, Chủng Chủng Thuyết, tức là những trước tác nhằm chú giải luật hay luận. Ngoài ra, còn một thể loại nhằm giải thích chi tiết kinh luận được gọi Tỳ Bà Sa Luận (Vibhasa-sastra). Hiện trong Đại Tạng có bốn bộ Tỳ Bà Sa Luận: A Tỳ Đạt Ma Đại Tỳ Bà Sa Luận, Tỳ Bà Sa Luận, Ngũ Sự Tỳ Bà Sa Luận và Thập Trụ Tỳ Bà Sa Luận (Dasabhumika-vibhasa-sastra). Thập Trụ Tỳ Bà Sa Luận gồm 17 quyển, do ngài Cưu Ma La Thập dịch sang tiếng Hán, thường gọi tắt là Thập Trụ Luận. Bộ luận này nhằm giải thích phẩm Thập Địa của kinh Hoa Nghiêm (tức biệt bản của kinh Hoa Nghiêm với danh xưng Thập Địa Kinh). Ngài La Thập dịch chữ Thập Địa thành Thập Trụ nên luận này có tên như vậy. Thiên thứ 9 trong phẩm thứ 35 của luận này chính là Dị Hành Phẩm, là một điển tịch trọng yếu của Tịnh Tông.

[21] Phần đoạn sanh tử là sự sanh tử của chúng sanh trong tam giới. Do quả báo sai khác nên có hình mạo, thọ lượng sai khác. Vì vậy gọi là phần đoạn (đoạn diệt theo phần hạn). Theo Duy Thức Học, phần đoạn sanh tử lấy nghiệp thiện ác làm thân nhân (cái nhân gần), lấy phiền não chướng làm trợ duyên để cảm quả trong tam giới. Do tuổi thọ có dài ngắn khác nhau, do sức nhân duyên nên có hạn định khác biệt; do vậy gọi là Phần Đoạn. Sách Đại Thừa Nghĩa Chương lại chia phần đoạn sanh tử thành ác đạo phần đoạn (quả báo trong tam đồ) và thiện đạo phần đoạn (quả báo trong đường trời người).

[22] Chân thuyên: lời giảng về lẽ thật, về chân lý.

[23] Theo Tịnh Độ Thánh Hiền Lục, Hùng Tuấn, họ Châu, người Thành Đô, Tứ Xuyên, tuy thường khuyên người làm lành, nhưng chẳng có giới luật và đức hạnh, từng hoàn tục làm lính. Chẳng lâu sau, lại xuất gia làm Tăng, nhưng cũng biết hổ thẹn, sám hối. Thường ngày thường trì niệm danh hiệu Phật. Trong niên hiệu Đại Lịch thời Đường Đại Tông, đột nhiên chết đi, vào U Minh, bị Diêm Vương quở trách, sai tống vào địa ngục. Hùng Tuấn kêu to: “Trong kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật nói tạo trọng tội Ngũ Nghịch, chỉ cần lâm chung niệm Phật mười tiếng liền được vãng sanh thế giới Cực Lạc. Hùng Tuấn tôi tuy từng tạo ác, nhưng cũng chưa hề phạm trọng tội Ngũ Nghịch. Nếu chiếu theo công đức niệm Phật thường ngày của tôi, đáng lẽ phải vãng sanh Tịnh Độ mới phải. Nếu không, mười phương chư Phật đều thành đại vọng ngữ!”Nói xong, chắp tay cung kính chuyên tâm niệm Phật hiệu, ngay lúc đó, đài sen bảy báu chợt xuất hiện, Hùng Tuấn bèn cỡi đài sen báu ấy bay về Tây.

Duy Cung là người Kinh Châu (nay thuộc tỉnh Hồ Bắc), thường có những ác nghiệp rượu chè, cờ bạc, nhưng nếu không làm chuyện ấy bèn thường tụng kinh, cầu nguyện vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới. Một ngày nọ, Duy Cung sanh bệnh, Linh Quy ra ngoài chùa chơi, thấy một bầy trẻ nhỏ cầm nhạc khí bèn hỏi chúng đi đâu. Chúng đáp đến chuẩn bị tiếp dẫn Duy Cung Thượng Nhân về Tây. Trong đám đó, có một người cầm một đóa sen, búp sen còn chưa nở to như nắm tay. Cánh sen phóng quang minh. Ngày hôm sau, Linh Quy về chùa thấy Duy Cung đã vãng sanh, nhân đó, Linh Quy cảm kích, giác ngộ, từ đấy cải ác tu thiện, sau cũng được tiếng là người đức hạnh.

[24] Chỉ Nguyệt Lục: tác phẩm của Cù Nhữ Tắc soạn vào đời Minh, gồm 32 quyển, còn gọi là Thủy Nguyệt Trai Chỉ Nguyệt Lục. Nội dung chép về quá khứ thất Phật và hành trạng, pháp ngữ của tổ sư Tây Thiên, Đông Độ gồm sáu trăm năm mươi vị từ Sơ Tổ Ca Diếp cho đến ngài Đại Huệ Tông Cảo.

[25] Nghĩa giải: Hiểu rõ ý nghĩa; còn có nghĩa là phân tách chữ nghĩa để giải thích nghĩa lý. Trong Thiền Lâm thường dùng chữ “nghĩa giải thiền hòa tử” để chỉ kẻ chỉ hiểu nghĩa lý theo mặt văn tự bên ngoài, chẳng biết đường lối tu hành, không có thật hạnh.

[26] Đường giải, cửa ngộ: Tạm dịch hai chữ “giải lộ” và “ngộ môn”. Giải lộ ý nói chỉ hiểu biết trên văn tự chứ không chứng ngộ, còn ngộ môn là thật sự chứng nhập.

[27] Tam Chỉ: Chỉ là ngưng dứt. Tam Chỉ là ba thứ Chỉ Hạnh được lập đối ứng ba phép quán Không, Giả, Trung, gồm:

a. Chân Thể Chỉ: đối ứng với Không Quán. Thấu hiểu cái vọng vô minh điên đảo chính là cái chân nơi Thật Tướng, nên gọi là Chân Thể Chỉ. Do thấu triệt các pháp nhân duyên hòa hợp, không có tự tánh nên có thể dứt hết thảy những phan duyên vọng tưởng, chứng nhập lý Không. Đạt đến cảnh giới này sẽ phát định, mở huệ nhãn, thấy được Đệ Nhất Nghĩa, thành tựu Chân Đế tam-muội.

b. Phương Tiện Tùy Duyên Chỉ: Đối ứng với Giả Quán. Bồ Tát tùy duyên trải qua mọi cảnh, ở trong Tục Đế nhưng tâm bất động, chẳng bị ngoại cảnh xoay chuyển. Người đạt cảnh giới này sẽ mở Pháp Nhãn, thành tựu Tục Đế tam-muội.

c. Tức Nhị Biên Phân Biệt Chỉ, còn gọi là Chế Tâm Chỉ: Đối ứng với Trung Quán. Không còn phân biệt hai bên sanh tử, Niết Bàn, tướng có, tướng không. Nếu đạt cảnh giới này sẽ phát Trung Đạo định, mở Phật Nhãn, thành tựu Trung Đạo tam-muội.

[28] Năm Tông của nhà Thiền, tức Quy Ngưỡng, Lâm Tế, Tào Động, Vân Môn và Pháp Nhãn.

[29] Điển Tọa: là chức phụ trách việc quản trị cơm nước cho đại chúng trong Thiền lâm, đảm bảo mọi thứ cúng dường phải tinh khiết, vật liệu sử dụng thích đáng, tiết kiệm. Tuy là chức quản lý tạp dịch ẩm thực, nhưng từ xưa chức này rất được coi trọng, thường cử vị tăng chí hạnh cao khiết giữ chức này. Chức vụ này rất vất vả, nhưng đối với bậc cao tăng thì lại là một phương tiện thù thắng để tu hành.

[30] Trương Tăng Dao (502-549) là một danh họa đời nhà Lương thời Nam Bắc Triều, cùng với Cố Khải Vi, Lục Thám Vi và Ngô Đạo Tử (thuộc đời Đường) được xưng tụng là Họa Gia Tứ Tổ (bốn ông tổ của hội họa). Tăng Dao sở trưòng tài vẽ diện mạo nhân vật. Lương Võ Đế từng sai ông vẽ hình các hoàng tử phải đi trấn nhậm nơi xa cho đỡ nhớ. Ông vẽ tài tình đến nỗi hoàng đế phải khen ngợi nhìn hình giống như thấy người thật. Ông chịu nhiều ảnh hưởng của hội họa Ấn Độ, là người đi tiên phong trong cách vẽ thể hiện không gian ba chiều.

[31] Nam là tên một loại gỗ quý (Phoebe Zhennan), gần giống gỗ chò bên ta. Tiện là một loại danh mộc chỉ được nhắc đến trong cổ thư, thường gọi là Hoàng Tiện, rất cứng.

[32] Đề trì: phương pháp của vị thầy trong nhà Thiền dùng để hướng dẫn học trò, tức là nhằm tiếp độ hàng hậu học, thầy bèn dùng những cử chỉ, hành vi, lời nói để phá sạch những kiến giải, Ngã Kiến sẵn có của trò, chỉ cho đường nẻo hướng thượng.

[33] Áo ca-sa của Tăng gồm những mảnh vải khâu dính lại, nên gọi là “nạp y” (áo chằm), do đó, tăng nhân thường xưng là nạp tử, nạp tăng hay lão nạp.

[34] Ca Lâu La (Garuda), đôi khi còn phiên là Ca Lưu La., Già Lâu La, Yết Lộ Trà, dịch nghĩa là Thực Thổ Bi Khổ Thanh (ăn vào, phát ra tiếng buồn bã đau khổ), hoặc dịch là Kim Xí Điểu (chim cánh vàng), hoặc Diệu Thúy Điểu. Đây là một loại giống như chim đại bàng cực to, thần thoại Ấn Độ thường kể thần Tỳ Thấp Nô (Vishnu) hay cưỡi chim này. Theo kinh Trường A Hàm, quyển 19, Ca Lâu La có bốn loại: Thấp sanh, thai sanh, noãn sanh, hóa sanh. Loài noãn sanh sẽ ăn loại rồng sanh ra từ trứng, loài thai sanh ăn loại rồng sanh ra bằng thai v.v… Kinh Quán Phật Tam Muội Hải, quyển 1, cho biết: Do nghiệp báo chim này bay khắp Diêm Phù Đề, trong một ngày đêm phải ăn một long vương và năm trăm rồng nhỏ. Sải cánh của loài chim này rất lớn có thể quạt mạnh đến tách đôi nước biển cả. Các chùa Miên, Lào, Thái, Miến thường tạc Garuda với hình dạng đầu chim, hình người, có hai cánh to đứng nâng đỡ mái chùa (chữ Garuda bị biến thể theo âm Thái thành Krut). Garuda cũng được dùng làm biểu tượng cho hoàng gia Thái Lan.

[35] Hiếu Kinh có thuyết nói do chính Khổng Tử trước tác, có thuyết nói do Tăng Tử. Tổng Mục của Tứ Khố Toàn Thư ngả về thuyết cho rằng Hiếu Kinh do Tăng Tử hoặc một trong bảy mươi người học trò kiệt xuất của Khổng Tử biên soạn. Sách được hình thành vào thời Tần Hán. Đây là tác phẩm được chú giải mạnh mẽ nhất ngoài Tứ Thư. Bản Hiếu Kinh được lưu hành hiện thời do chính Đường Huyền Tông (Lý Long Cơ) chú giải. Toàn sách chia thành 18 chương, bàn luận xoay quanh chữ Hiếu. Sách này được xếp vào Thập Tam Kinh, tức 13 tác phẩm bắt buộc phải học của người theo đạo Nho.

[36] Ngũ Thường: Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín.

[37] Theo Lý Hồng Nham, trong bài Sử Thuật Thông Quán Kinh Thuật, thì Kinh Thuật chính là nghệ thuật cai trị, nghệ thuật chính trị, hoặc nói rộng hơn là ứng dụng lễ và những lý thuyết vào thực tế.

[38] Quản Tử: Một bộ sách thời cổ gồm 24 quyển, tác giả có thể là Quản Trọng thời Chiến Quốc (theo từ điển Từ Hải)

[39] Theo sách Trang Tử, thiên Đạt Sinh, có câu chuyện: Vào tiết Hạ, Khổng Tử dẫn học trò sang nước Sở, nghỉ chân trong bóng mát tại một khu rừng, trong rừng có một ông lão dùng gậy dính nhựa để bắt ve sầu. Thấy ông ta bắt ve quá dễ dàng, mọi người nhìn say mê. Khổng Tử hỏi: “Sao ông bắt ve khéo thế? Có bí quyết gì không?” Ông lão đáp: “Đương nhiên là có! Loài ve nhỏ này rất tinh ranh, gió thổi động cỏ nó chạy mất ngay, do vậy trước tiên phải luyện sao cho tay cầm cành tre không run rẩy. Tập đến mức ném hai viên bi vào cành tre chẳng rung động, sẽ nhất định bắt được ve…. Cho đến khi ném năm viên bi vào cành tre chẳng run tay, sẽ bắt ve như tiện tay tóm lấy vậy. Tôi đứng dưới gốc cây như cành cây khô, duỗi tay ra như nhánh cây. Cuối cùng, khi tôi bắt ve, bất kể trời đất bao lớn, vạn vật nhiều thế nào, tôi chỉ thấy hai cánh của con ve, chẳng cần biết tình huống chung quanh ra sao, không phân tán được ý lực của tôi”. Do từ câu chuyện này, mới có thành ngữ “khom lưng đón ve”(câu lũ thừa điêu), ý nói tập luyện tinh thục, chuyên nhất, không còn bị phân tâm.

[40] Pháp Hiển là một vị cao tăng đời Tấn (không rõ năm sanh và năm mất), người xứ Vũ Dương (nay là Thiểm Tây). Xuất gia từ ba tuổi, 20 tuổi thọ Cụ Túc Giới, cảm thán tình trạng kinh luật còn thiếu sót, bèn cùng đồng học là Huệ Cảnh, Đạo Chỉnh, Huệ Ứng, Huệ Nguy, rời Trường An vào năm Long An thứ ba (399), sang tận Ấn Độ cầu pháp. Ngài đi hơn 30 nước, đến năm Nghĩa Hy thứ 9 (413) mới về Trung Hoa, đem về rất nhiều bản kinh Phật bằng tiếng Phạn. Tại Trường An, Sư hợp sức cùng Phật Đà Bạt Đà La dịch Ma Ha Tăng Kỳ Luật, Đại Bát Nê Hoàn Kinh, Tạp Tạng Kinh, Tạp A Tỳ Đàm Tâm Luận. Ngài còn soạn bộ Phật Quốc Ký ghi lại cuộc viễn trình cầu pháp của mình.

Đàm Vô Kiệt (Dharmodgata): Cao Tăng đời Đường, người U Châu, họ Lý, siêng tu khổ hạnh, nghe chuyện ngài Pháp Hiển sang Ấn Độ cầu pháp, rất hâm mộ, lập chí noi theo. Ngài đi từ xứ Lưu Sa, qua Quy Tư, Sớ Lặc, đến tận Kế Tân, cầu được kinh Quán Thế Âm Thọ Ký bằng tiếng Phạn. Không rõ năm sanh và năm mất.

[41] Cốc: Một loại cây có tên khoa học là Broussonetia Papyrifera, vỏ thường được dùng để làm giấy (theo Trần Văn Chánh). “Chử” là cây dó (vỏ được dùng để làm giấy bản).

[42] Cách thức quỳ lễ của người Hồ (từ thời cổ Ấn Độ hay những xứ phía Tây Trung Hoa đều gọi là Hồ), có nhiều cách hiểu khác nhau:

a. Chỉ gập gối là hồ quỳ.

b. Hồ quỳ là trường quỳ, tức là đặt sát hai đầu gối sát đất, hai đùi dựng thẳng lên theo thân mình.

c. Gối hữu đặt sát đất, gối trái dựng lên

[43] Đây là phần giải thích của tổ Ấn Quang đối với câu chuyện vừa được sao lục.

[44] Hoa Nghiêm Huyền Đàm: Tác phẩm của ngài Trừng Quán soạn vào đời Đường, gọi đủ là Hoa Nghiêm Kinh Sớ Sao Huyền Đàm, gồm chín quyển. Tác phẩm này trình bày cương yếu của bộ Bát Thập Hoa Nghiêm, hiển dương những ý nghĩa chánh yếu của tông Hoa Nghiêm. Nội dung được chia thành nhiều phần như luận về nhân duyên, tạng giáo, nghĩa lý, căn cơ được hóa độ bởi kinh này, giáo thể, tông, thú, bộ loại, phẩm, hội của kinh, những chuyện cảm ứng… Tác phẩm này thật ra là những phần liên quan đến huyền nghĩa trong bộ Hoa Nghiêm Kinh Tùy Sớ Diễn Nghĩa Sao được trích riêng ra.

[45] Tức là Hoa Nghiêm Sưu Huyền Ký (gọi đủ là Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh Sưu Huyền Phận Tề Thông Trí Phương Quỹ) do ngài Trí Nghiễm soạn vào đời Đường nhằm giải thích kinh Hoa Nghiêm. Nội dung nêu lên cương yếu huyền nghĩa của kinh và giải thích đại lược kinh văn. Bộ thứ hai là Hoa Nghiêm Kinh Thám Huyền Ký do ngài Pháp Tạng (cũng sống vào đời Đường) soạn nhằm đặc biệt phát huy giáo nghĩa thập huyền môn được giảng trong phần huyền nghĩa đã nêu trong bộ Hoa Nghiêm Sưu Huyền Ký.

[46] Bảy xứ chín hội: Kinh Hoa Nghiêm được nói ở bảy nơi, chia thành chín hội. Căn cứ theo kinh Bát Thập Hoa Nghiêm thì:

1) Hội thứ nhất tại Bồ Đề đạo tràng gồm sáu phẩm, mười một quyển. Phổ Hiền Bồ Tát giảng về y báo nhân quả của đức Tỳ Lô Giá Na Phật.

2) Hội thứ hai giảng tại điện Quang Minh, cũng là do Phổ Hiền Bồ Tát nói về chánh báo nhân quả của Phật, gồm ba phẩm. Nửa phần sau hội thứ hai, Văn Thù Bồ Tát giảng Thập Tín, giảng về Sơ Phát Tâm, tổng cộng ba phẩm.

3) Hội thứ ba trên trời Đao Lợi, giảng trên cung trời Đao Lợi do Pháp Hội Bồ Tát chủ giảng. Vì thế, hội thứ ba do Pháp Hội Bồ Tát giảng Thập Trụ, có sáu phẩm, ba quyển.

4) Hội thứ tư tại trời Dạ Ma, do Công Đức Lâm Bồ Tát giảng pháp môn Thập Hạnh, cũng gồm bốn phẩm, ba quyển.

5) Hội thứ năm trên trời Đâu Suất – Di Lặc Bồ Tát sống trên trời Đâu Suất – Hội này do Kim Cang Tạng Bồ Tát giảng pháp môn Thập Hồi Hướng, có ba phẩm, gồm mười hai quyển.

6) Hội thứ sáu tại trời Tha Hóa Tự Tại, do Kim Cang Tạng Bồ Tát làm hội chủ, giảng pháp môn Thập Địa. Hội này chỉ có một phẩm, nhưng là một phẩm rất dài, dài đến cả sáu quyển.

7) Hội thứ bảy lại là điện Phổ Quang Minh, trong hội này, đức Phật làm chủ, giảng về Đẳng Giác, về Diệu Giác. Phần này gồm mười một phẩm, mười ba quyển.

8) Hội thứ tám cũng tại điện Phổ Quang Minh, Phổ Hiền Bồ Tát giảng, chủ yếu nói về các pháp môn tu hành. Phổ Hiền Bồ Tát nói hai ngàn pháp môn tu hành. Phần này chỉ có một phẩm, gồm bảy quyển.

9) Hội thứ chín tại rừng Thệ Đa, tức là vườn Kỳ Thọ Cấp Cô Độc, diễn tả cuộc cầu pháp tham học với năm mươi ba vị thiện tri thức của Thiện Tài Đồng Tử.

[47] Tác phẩm của ngài Đạo Tuyên Luật Sư soạn vào đời Đường, gồm 3 quyển, có tên gọi đầy đủ là Tập Thần Châu Tháp Tự Tam Bảo Cảm Thông Lục; đôi khi còn gọi là Đông Hạ Tam Bảo Cảm Thông Lục. Nội dung chép về sự tích xá-lợi Phật, tượng Phật, chùa Phật, kinh điển và chuyện linh dị của hàng Tăng, tục.

[48] Ôn: bệnh dịch, hoàng: tức nạn cào cào, châu chấu, sâu bọ phá hoại mùa màng.

[49] Quân tử trên kèo nhà (lương thượng quân tử) tức kẻ trộm.

[50] Tương tức tương thông: Tâm ta và tâm người hệt như nhau, cùng một bản thể nên có thể coi như một. Do có cùng bản thể nên thông suốt không trở ngại, người khác khởi lên tâm niệm, ta nhận biết rõ ràng; ta khởi lên tâm niệm, người khác biết ngay.

[51] Liệt Quốc: Tức thời kỳ Xuân Thu Chiến Quốc của Trung Hoa kể từ sau khi Châu Bình Vương (Cơ Nghi Cữu) nghe lời ông ngoại là Thân Hầu, mượn sức Hung Nô diệt phe đảng Bao Tự, lên ngôi, kinh đô bị giặc Hung Nô tàn phá, phải dời đô sang Đông, Sử gọi Đông Châu, cho đến khi Tần Thủy Hoàng diệt sáu nước, thống nhất Trung Hoa. Trong thời này, vua Châu chỉ còn hư vị, chư hầu đánh phá lẫn nhau, xưng bá. Thời kỳ này kéo dài từ năm 770 trước Công Nguyên cho đến 221 trước Công Nguyên, và được chia làm hai giai đoạn: Xuân Thu (770 tr.CN - 476 tr.CN) và Chiến Quốc (475 tr. CN – 221 tr.CN). Thời Xuân Thu có 12 nước chư hầu lớn, nhiều nước nhỏ (phụ dung); thời Chiến Quốc chỉ còn sáu nước. Tần Mục Công, làm vua Tần từ năm 659 tr. CN đến năm 620 tr. CN, là người có công đưa nước Tần lên địa vị bá chủ chư hầu.

[52] Hoàng đế ngồi ở phía Bắc ngoảnh mặt về phía Nam. Trẫm vốn là một đại từ nhân xưng thông dụng thời cổ, có nghĩa là ta, hay tôi. Về sau, Tần Thủy Hoàng hạ lệnh cấm dân chúng dùng chữ này, chỉ mình hoàng đế được quyền xưng là Trẫm.
/199
 

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây