Tìm kinh sách
 
        Kinh Sách FULL

Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao

ẤN QUANG PHÁP SƯ VĂN SAO
(Tăng Quảng Chánh Biên)
Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa chuyển ngữ
(trọn bộ - giảo duyệt hoàn tất ngày 26 tháng 11 năm 2006)
QUYỂN THỨ NHẤT

 

Chương 32: [THƯ 32]: Thư trả lời cư sĩ X… ở Vĩnh Gia (thư thứ sáu)

Quang đã không có học vấn, lại không có sức lực, nếu nói quá nhiều mắt bèn đỏ au, khó xem được chữ, sao có thể giảng kinh? Huống hồ hiện thời còn bận chuyện in sách, vạn phần chẳng rảnh tay giúp người khác. Dẫu không bận chuyện gì cũng chẳng thể đáp ứng được chuyện này. Lời của ông nói chính là vì hình hài gỗ đất mà thếp vàng, nghe rất hay, còn đối với người hiểu thấu suốt thì chẳng đáng nửa đồng. Từ nay về sau chẳng nên nói như vậy nữa, để Quang tôi khỏi phải hổ thẹn, kẻo người ta biết đâm ra chê cười. Người học đạo nếu đạo niệm nặng một phần thì phàm tình nhẹ được một phần. Đấy là cái thế tất nhiên. Nhưng người chưa đoạn Hoặc thường phải nỗ lực. Nếu vừa phóng túng, bệnh cũ nhất định sẽ lại nổi dậy.

Người đoạn sạch Kiến Tư Hoặc mới có thể khéo tùy ý bay nhảy, không cần bó buộc nhiếp trì. Nhà nào muốn hưng thạnh thì gia quy nhà ấy ắt phải nghiêm nhặt từ đầu. Nhà nào muốn lụn bại, ắt gia quy nhà ấy phải suy đồi, phế bỏ ngay từ đầu. Muốn con em thành người thì phải bắt đầu từ hành vi của chính mình có phép tắc, làm gương cho con em. Đấy là lý nhất định. Nay muốn khởi sự từ chỗ bớt việc, bớt tốn sức nên lấy nhân quả báo ứng làm câu đầu tiên để bắt đầu, khiến cho tập quen thành tánh, ngõ hầu sau này chẳng đến nỗi phạm phải sai sót lớn. Đấy chính là diệu pháp bậc nhất để yên đời, làm cho dân lương thiện, tề gia, dạy con.

Trí Giả đại sư được đời xưng tụng là Thích Ca hóa thân, ai biết được sở chứng của Ngài. Nhưng Phật vì chúng sanh hiện thân làm gương nên tự mang thân phận phàm phu, nói: “Nếu ta không lãnh chúng, ắt tịnh sáu căn”.Dùng chính mình để răn người, hiện thân thuyết pháp vậy. Do đại sư thoạt đầu cầu đoạn Hoặc chứng chân, mong dự vào những bậc Địa, Đẳng (Địa là Thập Địa, Đẳng là Đẳng Giác), do hoằng pháp lợi sanh nên bỏ lỡ công phu Thiền Định của chính mình, vì thế chỉ chứng được địa vị Ngũ Phẩm Quán Hạnh trong Viên Giáo mà thôi. Do vậy, Ngài nói: “Tổn mình lợi người chỉ chứng Ngũ Phẩm”.

Ngũ Phẩm chính là tùy hỷ, đọc tụng, giảng nói, kiêm hành lục độ, chánh hành lục độ, năm thứ như vậy. Địa vị Ngũ Phẩm trong Viên Giáo viên ngộ Tạng tánh (Tạng tánh là diệu lý Thật Tướng. Khi tại triền (còn triền phược) thì gọi là Như Lai Tạng; khi thoát khỏi triền phược thì gọi là Pháp Thân. Triền là vô minh, do vô minh chưa đoạn nên gọi là “tại triền”), sở ngộ trọn không khác gì Phật. Khuất phục trọn vẹn Kiến Tư, Vô Minh, Trần Sa phiền não, nhưng chưa đoạn được Kiến Hoặc. Nếu đoạn được Kiến Hoặc sẽ chứng Sơ Tín. Cho đến Thất Tín, đoạn sạch Tư Hoặc, thật sự chứng sáu căn tùy ý chẳng nhiễm sáu trần; nên gọi là địa vị “lục căn thanh tịnh”.Lại trong mỗi một căn có đủ công đức của sáu căn, sáu căn làm Phật sự, vì thế còn gọi là “lục căn hỗ dụng”(sáu căn dùng lẫn cho nhau) như trong phẩm Pháp Sư Công Đức kinh Pháp Hoa đã nói, ngài Nam Nhạc Tư thị hiện chứng địa vị này. Người thuộc địa vị này chẳng những có đại trí huệ mà còn có đại thần thông, thần thông ấy Tiểu Thừa A La Hán chẳng thể sánh bằng. Vì thế ngài Nam Nhạc lúc sống cũng như sau khi mất, đều có những chuyện chẳng thể nghĩ bàn khiến cho kẻ thấy, người nghe đều phát khởi tín tâm.

Nam Nhạc lẫn Trí Giả đều là Pháp Thân đại sĩ, địa vị các Ngài thật sự chứng không ai dò được mức cao thâm. Chẳng qua là muốn khuyên hậu thế chuyên tinh học đạo nên thị hiện thấp kém như thế, há phải họ thật sự chỉ chứng địa vị Thập Tín Tương Tự hay Ngũ Phẩm Quán Hạnh mà thôi! Hạng phàm phu sát đất chúng ta sao kham bắt chước các Ngài, chúng ta chỉ nên khéo thô trì trọng giới[62], nhất tâm niệm Phật, kiêm tu những điều thiện thế gian để làm Trợ Hạnh, nương theo cách của các vị Vĩnh Minh, Liên Trì mà hành thì không gì chẳng được lợi! Tự mình cải ác tu thiện, nhất tâm niệm Phật.

Phàm với hết thảy những người thân thiết và hữu duyên cũng nên đem pháp này dạy cho. Những ai phản đối nên sanh ý tưởng thương xót, chẳng được cưỡng bức họ phải hành, đè đầu bò bắt gặm cỏ, muôn vàn chẳng nên! Nếu nói ta nhất tâm niệm Phật, mặc kệ mọi việc, chẳng những trở ngại nơi pháp thế gian mà còn chẳng phù hợp Phật pháp. Hành xử theo đúng địa vị mới nên. Khuyên người niệm Phật tu hành, cố nhiên là công đức bậc nhất, dưới là vợ con, anh em, trên là cha mẹ, ông bà đều nên khuyên lơn. Nếu chẳng thể uyển chuyển phương tiện trong gia đình khiến cho thân thuộc của mình cùng được lợi ích liễu sanh thoát tử chẳng thể nghĩ bàn này thì chính là bỏ gốc theo ngọn, lợi cho kẻ sơ chẳng tính lợi cho người thân, há có nên chăng?

Công khuyên người niệm Phật sách Tịnh Độ nói rất nhiều, chỉ sợ phí bút mực, nên chẳng viết cặn kẽ. Ông và Sư Thọ đã tu tịnh nghiệp, chỉ nên tại gia niệm Phật, chẳng nên thường đến Phổ Đà. Còn những danh sơn khác nếu có triều yết, cũng chẳng qua là ngắm phong cảnh núi non mà thôi. Sao không ở nhà tu trì, chẳng phí tiền tài, thời gian, chẳng nhọc thân tâm bôn ba có tốt hơn không? Lại kẻ ngu vô tri lấy tai làm mắt[63], một người bịa chuyện, truyền đến vạn người thành thật, đồn xằng Địa Tạng Bồ Tát chính là thái tử nước Tiêm La (Thái Lan). Đến tháng Bảy nhuận, quốc vương nước ấy đích thân đến mở cửa tháp thờ nhục thân. Đấy toàn là những chuyện không chứng cớ, trọn chẳng nên coi đó là thật. Đợi tới lúc ấy mà đến thì do người đông đất chật, có thể bị xô đẩy, chen lấn, chịu đủ mọi đau khổ. Thật ra, Ngài là vương tộc nước Tân La[64] xuất gia, họ Kim tên Kiều Giác, vào thời Đường Huyền Tông đến núi Cửu Hoa, sống ở đó mấy mươi năm, sau tọa thoát (ngồi mà tịch), nhục thân bất hoại, đem toàn thân nhập tháp, trọn chẳng có chuyện mở cửa tháp.

Trong thời Đường, Cao Ly gồm ba nước: Một là Cao Câu Ly, hai là Tân La, ba là Bách Tế. Sau này Cao Câu Ly thôn tính hai nước kia, nên chỉ gọi là Cao Ly. Cận đại, kẻ ngu không biết đến nước Tân La, bèn ngoa truyền là Tiêm La. Thời Đường cũng chưa có danh xưng Tiêm La. Danh xưng này gồm hai nước: Một là nước Tiêm (Siam), hai là nước La Hộc (Lavo)[65]. Sau này hợp thành một nên mới gọi là Tiêm La. Sự tích của vị Tăng ấy được chép đầy đủ trong Cửu Hoa Chí và Tống Cao Tăng Truyện.

Nếu muốn lễ pháp nhan, nên chọn nhằm lúc vắng vẻ. Nhằm đúng kỳ dâng hương ở Cửu Hoa sơn, khách dâng hương đông đảo gấp trăm lần Phổ Đà, huống chi năm nay lại có lời đồn ấy, người lên núi lễ không biết đông gấp mấy lần thường kỳ. Huống chi tháp xây ở chỗ cao, nếu trước tháp có chừng hai ba trăm người, ắt sẽ có chuyện chen lấn, xô đẩy. Nếu không hiểu chuyện, mang theo phụ nữ, do chen lấn bị táng thân mất mạng, hoặc cũng khó giữ gìn. Há có nên chẳng y theo pháp ngôn, chuyên tin lời đồn, tự chuốc lấy phiền não? Quang thấy hai vị lệnh tôn tuổi đã cao, sợ các vị không biết lợi - hại, cứ cho như vậy mới là tận hiếu, nên khôn ngăn dài dòng, mong hãy xét kỹ thì may mắn thay!

 

Nam Mô A Di Đà Phật!

ẤN QUANG PHÁP SƯ VĂN SAO
Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa chuyển ngữ

/199
 

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây