Tìm kinh sách
 
        Kinh Sách FULL

Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao

ẤN QUANG PHÁP SƯ VĂN SAO
(Tăng Quảng Chánh Biên)
Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa chuyển ngữ
(trọn bộ - giảo duyệt hoàn tất ngày 26 tháng 11 năm 2006)
QUYỂN THỨ NHẤT

 

Chương 178: Luận - Quyển 2 - Phần 4 - 5. Như Lai Tùy Cơ Lợi Sanh Thiển Cận Luận

5. Như Lai Tùy Cơ Lợi Sanh Thiển Cận Luận

(Lời bàn luận thiển cận về chuyện Như Lai tùy theo căn cơ lợi lạc chúng sanh)

Con người cùng một cái tâm này, tâm cùng một lý này: “Chúng sanh và Phật không hai, phàm và thánh hệt như nhau”.Do mê - ngộ phân cách, đến nỗi thăng - trầm thật khác biệt! Đại Giác Thế Tôn thương xót, thị hiện thành Chánh Giác phổ độ chúng sanh, từ một vị Đề Hồ tùy cơ nghi nói ra sai khác. Vì hàng đại căn bèn nói đốn pháp, khiến cho họ mau chứng Phật đạo. Với hàng tiểu căn bèn trao truyền Tiệm Giáo, khiến họ dần dần thoát khỏi trần lao. Tùy thuận thế gian, khéo dẫn dụ lần lần; dạy giới thiện để vạch ra con đường trời - người bằng phẳng; nêu rõ nhân quả để tỏ bày khuôn mẫu tốt lành nhằm để tiến đến và né tránh. Nói “giới thiện”có nghĩa là trong Ngũ Giới, không giết là Nhân, không trộm là Nghĩa, không tà dâm là Lễ, không nói dối là là Tín, không uống rượu thì tâm thường trong, chí thường lặng, thần chẳng hôn mê nên lý hiện. Ấy chính là Trí. Trì trọn Ngũ Giới sẽ chẳng đọa Tam Đồ, luôn sanh trong Nhân đạo.

Về đại thể, những điều này giống với Ngũ Thường của Nho giáo, nhưng Nho chỉ dạy tận nghĩa, còn Phật giảng thêm về quả báo. Thập Thiện là không giết, không trộm, không tà dâm; đó là ba nghiệp nơi Thân. Không nói dối, không nói thêu dệt, không nói đôi chiều, không ác khẩu, đó gọi là bốn nghiệp của Miệng. Không tham, không sân, không si, gọi là ba nghiệp của Ý. Những điều này gần giống với Ngũ Giới, nhưng Ngũ Giới đa phần ước theo thân, còn Thập Thiện đa phần ước theo tâm. Thập Thiện trọn đủ nhất định sanh trong thiên giới. Còn như gặp cha nói từ, gặp con nói hiếu, đối với anh nói nhường, đối với em nói kính, đủ mọi luân lý răn dạy đều nhằm làm cho con người ai nấy tận hết bổn phận, không bị thiếu khuyết gì, tùy thuận tướng thế gian, tu pháp xuất thế. Lại còn rộng nói nhân quả báo ứng, chẳng sai sót hào ly, đọa địa ngục, sanh thiên, chỉ do con người tự chuốc lấy! Ấy chính là tâm Như Lai từ bi tột bậc muốn cho hết thảy chúng sanh vĩnh viễn thoát khỏi các khổ, chỉ hưởng các sự vui! Vì thế, chẳng tiếc sức thị hiện tướng lưỡi rộng dài, vì các chúng sanh tận tình tuyên diễn.

Kinh dạy: “Bồ Tát sợ nhân, chúng sanh sợ quả”.Nếu muốn chẳng nhận lãnh quả khổ, ắt phải đoạn trước cái nhân ác! Nếu thường tu nhân lành, nhất định thường hưởng quả vui! Ý này chính là như kinh Thư nói: “Làm thiện, giáng điều lành. Làm điều chẳng lành, tai ương giáng xuống”, hoặc như kinh Dịch nói: “Tích thiện ắt điều mừng vui có thừa, tích chứa điều chẳng lành, ắt tai ương có thừa”.Nhưng Nho chỉ ước trên đời này và con cháu mà luận, còn nhà Phật luận trọn tam thế quá khứ, hiện tại, vị lai vô tận; thế nhưng, phàm tình không thể suy lường nổi bèn coi là mịt mờ, chẳng chịu tin nhận. Như kẻ mù không tuân theo người dẫn đường, tự đi vào đường hiểm; muốn chẳng sa hầm xảy hố há có được chăng?

Vì vậy, Phật pháp rộng độ khắp mọi căn cơ trong mười phương pháp giới. Nếu luận trên nhân đạo thì không một ai chẳng thể kham nhận Phật pháp, mà cũng không ai không thể lãnh nhận Phật pháp. Nếu như ai nấy tu trì giới thiện thì phong tục tốt đẹp, con người hòa thuận, nhà yên, nước ổn, phong tục hưng thịnh thuở Đường Ngu sẽ lại được thấy trong đời này nào còn khó chi! Do vậy, pháp khởi đầu từ Tây Càn (Ấn Độ), truyền sang Đông Chấn (Trung Hoa), vua quan các đời thảy đều sùng phụng. Do đạo này ngầm cải hóa nhân tâm, lại ngầm tán trợ trị đạo, khuất phục hung ác ngay khi chưa dấy, tiêu họa hoạn khi chưa chớm! Còn như xuất gia làm Tăng, chính là nhằm chuyên chí nơi Phật thừa và để gìn giữ pháp đạo mà đặt ra; đừng cho là “trong Phật pháp chỉ có Tăng mới có thể tu trì”. Những lời nói nông cạn này chính là [luận trên phương diện] Như Lai tùy thuận thế gian, dần dần dạy cho pháp xuất thế Nhân Thiên Thừa. Còn như những thừa Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát khác đều lấy những điều trên đây làm cơ sở. Nếu ai là bậc đại căn, tiến thẳng về Diệu Giác, triệt chứng Phật tánh sẵn có trong tâm mình, phô diễn cùng cực bản hoài xuất thế của Như Lai. Nghĩa ấy rộng sâu, hãy để lại đó không bàn tới!
/199
 

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây