Tìm kinh sách
 
        Kinh Sách FULL

Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao

ẤN QUANG PHÁP SƯ VĂN SAO
(Tăng Quảng Chánh Biên)
Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa chuyển ngữ
(trọn bộ - giảo duyệt hoàn tất ngày 26 tháng 11 năm 2006)
QUYỂN THỨ NHẤT

 

Chương 83: [THƯ 83]: Trả lời thư sư Thịnh Cơ

Hôm qua nhận được thư thầy, khôn ngăn cảm thán. Thầy học Phật, há có nên dùng tri kiến của chính mình để suy lường cảnh giới Phật ư? Suy không thấu bèn nẩy sanh nghi hoặc ư? Phàm chứng Chân Như thì tam tế[41] đều đoạn, mười giới[42] chìm hết. Do có nhân duyên nên cũng có thể trong một niệm hiện vô lượng kiếp, biến vô lượng kiếp thành một niệm, niệm và kiếp viên dung, nhưng hai thứ chẳng lẫn lộn. Thầy nói “mười sáu tiểu kiếp giống như một bữa ăn, năm mươi tiểu kiếp chỉ như nửa ngày”không thể có sự - lý ấy, như vậy những chuyện kinh nói lớn - nhỏ vào trong nhau, niệm và kiếp hiện lẫn nhau đều là nói dối ư? Như Lai lúc mới thành Chánh Giác, hiện tướng Báo Thân viên mãn, vì bốn mươi mốt địa vị Pháp Thân đại sĩ nói kinh Hoa Nghiêm, hàng Nhị Thừa trong hội chẳng thấy chẳng nghe, chỉ thấy đức Phật mang hình tướng một vị lão tỳ-kheo, pháp họ được nghe chính là sanh diệt Tứ Đế. Vì thế, kinh Duy Ma nói: “Phật dùng một tiếng diễn thuyết pháp, chúng sanh tùy mỗi loại đều được hiểu”. Ông nói không có sự - lý ấy hay sao? Phải biết Thời không phải là pháp nhất định, tùy mỗi người thấy khác nhau. Hãy gác cảnh giới của Phật, Bồ Tát lại; chỉ lấy cảnh giới của phàm phu, tiểu trí để bàn. Con của Châu Linh Vương là Tử Tấn[43] học đạo Tiên, qua bảy ngày, xuất hiện tại Hầu Sơn, đã qua đời Tấn. Vì thế có thơ rằng:

Vương tử khứ cầu tiên,

Đan thành nhập cửu thiên,

Động trung phương thất nhật,

Thế thượng kỳ thiên niên.

(Vương tử học đạo tiên,

Đan thành[44]lên trời thẳm,

Trong động vừa bảy bữa,

Ngoài đời gần ngàn năm)

(Chữ Kỷ幾 đọc âm bình thanh, có nghĩa là gần. Từ Châu Linh Vương đến đời Tấn gần một ngàn năm).

Lại như Lữ Thuần Dương[45] gặp Chung Ly Quyền nơi quán trọ Hàm Đan, họ Chung khuyên học đạo Tiên, ông Lữ muốn được phú quý rồi mới học, ông Chung đưa cho một cái gối bảo nằm ngủ. Họ Lữ mộng thấy làm quan chức từ nhỏ đến lớn, làm đến Tể Tướng, năm mươi năm phú quý vinh hoa hiếm có trong đời, con cháu đầy nhà, vui sướng không tai ương. Về sau chỉ do một chuyện không hợp ý bề trên, bèn bị giáng. Tỉnh dậy, thấy lúc mới ngủ, chủ quán trọ nấu nồi cháo kê vàng; ra vào làm tướng, trong giấc mộng bao nhiêu là chuyện suốt cả năm mươi năm, đến lúc tỉnh, nồi cháo kê vàng vẫn chưa chín! Đấy chẳng qua là những cảnh do Tiên hiện, trong một niệm còn hiện được những sự nghiệp cảnh giới trong năm mươi năm, huống chi là cảnh giới của Phật là trời của các vị trời, thánh của các thánh, cảnh giới của các vị Bồ Tát đã chứng Pháp Thân ư?

Vì thế, Thiện Tài vào lầu gác của Di Lặc Bồ Tát, vào trong lỗ chân lông của ngài Phổ Hiền, đều trong mười phương thế giới hành Lục Độ vạn hạnh, trải Phật sát vi trần số kiếp[46]. Ông xem đoạn kinh văn ấy có suy lường được hay không? Phải biết Tam Tế không có thật thể, phận phàm phu chỉ thấy được những cảnh phàm phu có thể thấy, chẳng nên vin vào cảnh được thấy bởi phàm phu rồi cho là Phật, Bồ Tát cũng giống như thế, trọn chẳng khác gì! Nay tôi dùng thí dụ để luận rõ, như tấm gương chiếu mấy mươi tầng nước non, lầu gác, thật không có gần - xa, nhưng lại thấy xa - gần rành rành. Sắc pháp thế gian còn được như thế, huống gì tâm pháp đã chứng duy tâm tự tánh? Bởi thế, nói: “Trong một đầu lông, hiện cõi Bảo Vương[47], ngồi trong vi trần chuyển đại pháp luân”.Mười đời xưa - nay, đầu - cuối chẳng lìa cái niệm hiện tại, vô biên cõi nước, ta - người chẳng cách đầu một sợi lông. Thầy đã phát tâm bế quan, hãy nên khẩn thiết chí thành lễ bái, trì tụng cầu Tam Bảo gia bị khiến cho nghiệp tiêu, trí rạng, chướng tận, phước cao.

Phàm những gì thuộc cảnh giới chẳng thể nghĩ bàn, chỉ nên ngửa tin lời Phật, chớ suy lường xằng. Nếu có thể khẩn thiết đến cùng cực, sẽ tự có thể hiểu rõ, cũng không cần phải hỏi ai khác! Nếu chẳng dốc sức khẩn thiết, chí thành lễ bái, trì tụng, suốt ngày lầm lạc suy lường những cảnh giới mà phàm phu chẳng thể suy lường được sẽ đi vào vết xe đổ của Huyễn Nhân pháp sư[48], muốn chẳng vướng lấy tội báo báng Phật, báng Pháp, báng Tăng, há có được chăng? Mong hãy sáng suốt suy xét thì may mắn lắm.

 

Nam Mô A Di Đà Phật!
ẤN QUANG PHÁP SƯ VĂN SAO
(Tăng Quảng Chánh Biên)
Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa chuyển ngữ
(trọn bộ - giảo duyệt hoàn tất ngày 26 tháng 11 năm 2006)
QUYỂN THỨ NHẤT- Phần thứ tư

/199
 

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây