Tìm kinh sách
 
        Kinh Sách FULL

Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao

ẤN QUANG PHÁP SƯ VĂN SAO
(Tăng Quảng Chánh Biên)
Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa chuyển ngữ
(trọn bộ - giảo duyệt hoàn tất ngày 26 tháng 11 năm 2006)
QUYỂN THỨ NHẤT

 

Chương 192: Sớ - Quyển 2 - Phần 5 - 10. Sớ quyên mộ xây bến thuyền cho Phổ Đà Sơn

Quán Âm đại sĩ thệ nguyện hoằng thâm, tế độ không ngằn mé, là chốn nương náu không lường, trọn chẳng phan duyên mà ứng hóa đến với mọi chúng sanh cơ cảm. Như một vầng trăng in bóng khắp ngàn con sông, trụ trong Chân Tế nhưng ứng khắp quần cơ, như ánh nắng Xuân tăng trưởng khắp muôn cây cỏ. Vận lòng Bi đồng thể, khởi lòng Từ vô duyên, theo tiếng cứu khổ, hiện thân ứng hóa mọi chốn, tùy theo từng loài mà hiện hình, nơi nơi làm bậc chỉ đường trong nẻo mê. Ân bủa khắp muôn loài, thấm nhuần muôn dân, mong hàm thức tự thấy được bầu trời chân tánh. Vì thế, không cõi nào Ngài chẳng ứng hiện theo lòng cảm. Bởi muốn cho chúng sanh có chỗ gieo lòng thành nên đặc biệt ứng tích nơi Phổ Đà. Do vậy, bao triều đại khâm kính, cả cõi đời tôn sùng. Điện Phật, lầu kinh cao ngất tầng mây, văn chương trác tuyệt huy hoàng trong chốn biển cả. Theo phẩm Nhập Pháp Giới trong kinh Hoa Nghiêm, Thiện Tài đồng tử đi về Nam tham học [với vị thiện tri thức] thứ hai mươi tám, tham học với Quán Thế Âm Bồ Tát ở Bổ Đát Lạc Ca[35], chính là núi này vậy.

Xưa kia, khi đại giáo chưa truyền sang, đạo tràng chưa mở, tuy phàm tục chưa đích thân thấy được từ dung, nhưng chân tiên cố nhiên thường chiêm ngưỡng Phật nhật. Vì thế, ông An Kỳ Sinh đời Tần, ông Mai Tử Chân đời Hán, ông Cát Trĩ Xuyên đời Tấn[36] đều sống nhờ núi này để tu chân dưỡng đạo. Đến đời Châu Lương[37] khai sơn, tứ chúng mới biết quy hướng. Tâm báo đức thiết tha, chẳng sợ nhọc nhằn trèo núi, vượt biển. Do gieo lòng thành ân cần, cho nên phải thể hiện lòng cung kính bằng cách chiêm ngưỡng thánh tượng, lễ dưới chân Phật. Nhưng do thuyền to chưa có bến, thường phải dùng thuyền nhỏ để đón vào bờ, hễ hơi có chút sóng gió bèn thành ra rất nguy hiểm. Người trẻ mạnh còn được, chứ người già yếu, phụ nữ thật rất đáng lo. Do vậy, không tu bổ bến thuyền thì quả thật là một chuyện đáng tiếc lớn đối với tâm từ bi của Đại Sĩ, mà cũng là chuyện thiếu sót lớn lao trong việc báo đáp thiện tín.

Hễ gió lớn vừa dậy thì sóng dữ ào ạt, đá to mấy vạn cân khác nào viên thuốc bị xoay vần. Nếu chẳng bỏ vốn liếng lớn lao, quyết chẳng thể tồn tại lâu dài, không bị hư hoại được! Do vậy, gần đây nhiều người phát tâm nhưng vẫn chưa thể thực hiện vì phí tổn quá lớn lao, sợ rằng chẳng tồn tại lâu dài thì uổng phí tiền của, uổng công nhọc nhằn tâm lực. Vị đại hộ pháp là ông Chúc Lan Phưởng và con là Y Tài, nhiệt tâm làm chuyện ích lợi chung, lại còn dốc lòng tin nơi Tam Bảo, thấy tình hình này lòng thương xót, phát Bồ Đề tâm, tuy biết chẳng dễ tạo dựng, nhưng cứ muốn thực hiện chuyện này. Nếu không mang lòng tự lợi, lợi tha của đức Như Lai, mang tâm tự lập, lập người của Khổng Tử há có thể dũng mãnh, kiên nghị như vậy ư?

Nhưng công đức này nào phải chỉ có mấy mươi vạn đồng nên sức họ không lo liệu được hết. Không những do sức mình chẳng đủ, mà còn vì muốn cho người khác cùng làm lành nên mới ủy thác cho Quang trình bày duyên khởi. Quang sống ở núi này đã nhiều năm biết rõ việc này khó khăn, lại may là ông Chúc có chí làm lợi cho người, đứng ra đề xướng, ắt sẽ có những người có tâm lực, tài lực giống như ông Chúc đua nhau phụ họa. Mọi người dốc chí sẽ thành, khó gì chẳng thành tựu?

Huống nữa khắp tứ chúng cùng kết tâm báo ân chí thành, khế hợp nguyện lực từ bi của Đại Sĩ, sẽ thấy Hải Nhược, Phong Bá[38] cũng trên là tuân theo thánh ý, dưới là thuận phàm tình nên thường ủng hộ, khiến cho vĩnh viễn không còn phải lo lắng nữa. Ngõ hầu sau này những người đến lễ Đại Sĩ khỏi bị lo lắng không đáng, yên ổn lên được bờ kia. Kinh dạy: “Nếu làm cho chúng sanh sanh tâm hoan hỷ thì chính là làm cho hết thảy Như Lai hoan hỷ”.Vì thế, biết rằng: Dùng một câu, hoặc dùng một đồng tán thành chuyện này, thì hết thảy chư Phật đều cùng hoan hỷ, huống chi còn làm nhiều hơn nữa! Nếu chỉ luận về công đức tối thiểu thì ví như một giọt nước, gieo vào trong biển cả, sẽ rộng sâu, dài lâu hệt như biển cả. Nếu nhiều hơn thì cần gì phải luận nữa! Nay hãy dốc lòng đem tịnh tài gieo vào biển giác thì biển khổ ắt sẽ khô cạn, biển phước rộng sâu, cho đến khi nào biển giác tròn đầy, lặng trong mới thôi. Khẩn cầu những người vào núi báu chớ trở về tay không; người được tắm gội nơi pháp phải dốc lòng báo ân Phật!

/199
 

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây