Tìm kinh sách
 
        Kinh Sách FULL

Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao

ẤN QUANG PHÁP SƯ VĂN SAO
(Tăng Quảng Chánh Biên)
Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa chuyển ngữ
(trọn bộ - giảo duyệt hoàn tất ngày 26 tháng 11 năm 2006)
QUYỂN THỨ NHẤT

 

Chương 145: [THƯ 145]: Thư gởi đốc quân[24] Trần Bá Sanh ở Thiểm Tây

Quang là một gã Tăng tầm thường, trọn không có hành trạng tốt đẹp nào. Tuy xuất gia đã bốn mươi mốt năm, lìa khỏi đất Tần[25] ba mươi sáu năm, nhưng đạo nghiệp vẫn chưa thành, không mặt mũi nào để gặp người cùng quê cũ, còn dám cho phép mình quay về nữa ư? Năm ngoái được lọt mắt xanh của các hạ, khiến cho Định Huệ hòa thượng sai Quang về Tần hoằng dương pháp hóa. Quang tuy cảm cái tâm chẳng chê bỏ, nhưng quả thật chẳng có tài đức đảm đương trách nhiệm ấy. Do vậy, lấy cái nguyện đã lập ban đầu “nếu đạo nghiệp chưa thành, dù chết già nơi đất khách trọn chẳng quay lại đất Tần”để từ tạ. Các hạ gương sáng treo cao, ắt sẽ thể tình lượng thứ cho. Kẻ bất tiếu[26] như Quang còn được từ ái chấp thuận như thế, đủ thấy cái tâm tôn trọng đức hạnh, thích đạo, vì pháp vì dân của các hạ. Mùa Xuân năm nay, Thượng Hải Thương Vụ Ấn Thư Quán có xuất bản bộ Ấn Quang Văn Sao, riêng gởi đến ngài năm bộ để đáp tạ lòng yêu thương nồng hậu.

Người dân đất Tần đáng gọi là lương thiện. Thói đời ngày càng biến đổi, pháp luật bỏ phế, những phường du thủ du thực bại hoại bèn mặc sức hoành hành, cấu kết với những kẻ bại hoại nơi địa phương cướp đoạt hương thôn, thê thảm chẳng nỡ nghe. Trong mấy năm gần đây, có người từ đất Tần đến cho biết tình trạng hiện thời của đất Tần, không thể không ứa lệ nghẹn ngào. Bởi thổ phỉ xông đến gặp ai dư giả đôi chút bèn nung nướng, kềm kẹp, không chuyện gì chẳng làm, miễn sao người ta phải dâng sạch những gì đã tích cóp mới thôi. Người ta không chịu nổi khổ, ắt phải hiến sạch. Nhưng người đã bị hành hạ kiểu ấy, dẫu chưa chết ngay khi ấy cũng khó sống lâu được. Có nhiều nhà giàu đều phải đào sâu ba thước đất, phàm hầm lò tường vách đều bị hủy hoại để tìm chỗ chôn vàng. Thói cướp đoạt hung tàn quá mức ấy quả là từ ngàn xưa chưa từng nghe nói đến. Do quan phủ chẳng ngăn chặn được, trăm họ không biết kêu vào đâu, thật giống như ở mãi trong địa ngục, trọn chẳng có kỳ ra. Đấy là bọn thổ phỉ lớn. Còn bè lũ thổ phỉ nhỏ, tuy ít người hơn, nhưng cũng tàn khốc y hệt như thế. Chúng thường đến cướp vào ban đêm, nên mỗi khi nghe tin tức ấy, lúc trời sắp tối, mọi người đưa phụ nữ ra ngoài thôn trước hoặc cho ẩn vào đồng lúa, rừng cây, hoặc nơi mồ mả, dù mưa gió, tuyết, sương, cũng chẳng dám về. Trẻ con kêu khóc bèn dùng đồ vật nhét vào miệng, thường có đứa bị nghẹt thở chết luôn. Đàn ông thường núp ở trong nhà, thổ phỉ kéo qua như lửa cháy rụi, không còn vật gì sống sót được. Tình trạng khổ sở ấy nói chẳng thể hết nổi, còn chẳng biết rốt cục sẽ ra sao?

Các hạ tuy ở đất Tần, nhưng quả thật chưa nghe [những chuyện ấy], bởi đi thì có quân lính ủng hộ, ở thì có lính bảo vệ, chưa từng đích thân đi thăm hỏi, xem xét; trăm họ cũng khó kêu nài, nên không cách chi biết được! Do vậy, phàm những kẻ có của ăn của để đều bỏ đi nơi khác, đều phải bỏ quê cha đất tổ, trốn tránh sang đất khách quê người. Những người trốn sang Thượng Hải không biết là bao nhiêu, huống chi các xứ khác! Chỉ một nạn thổ phỉ đã khó chịu đựng nổi, lại thêm quân Tĩnh Quốc[27] đánh nhau nhiều năm, đội quân ấy đi đến đâu cướp bóc tràn lan, còn nói gì được nữa! Ô hô! Người xứ Tần do tội gì mà phải mắc hung hiểm đến thế?

Các hạ túc căn sâu dầy, tài thao lược rộng sâu, nên binh lính suy tôn làm đốc soái. Tiếc là trong kiếp xưa, ít kết duyên cùng người nên đa số nhân dân chẳng chịu mến mộ. Do vậy, những kẻ chẳng lo cho nước, cho dân, lén gia nhập Nam Quân, trở thành quân Tĩnh Quốc đối địch cùng các hạ. Tuy đánh nhau mấy năm, chưa phân thắng bại. Quân hai bên đối địch, tiếng đại bác như sấm, tiếng đạn bay như mưa, người bị chết kẻ bị thương đều là đồng bào xứ Tần chúng ta. Binh lính hai đoàn quân đi đến đâu, nhân dân bị cướp đoạt tàn nhẫn cũng đều là đồng bào xứ Tần chúng ta. Thương thay đồng bào, kêu trời không thấu, không lối chui xuống đất, thân làm cá thịt, ai thương xót cho?

Quang trộm nghĩ: Tuy các hạ địa vị tôn quý, quyền oai cao trọng, ai dám khinh thường, nhưng thật ra trăm họ sợ thổ phỉ, không phân thượng hạ, lỡ có kẻ muốn hành thích, sẽ chẳng biết như thế nào? Huống chi quân Tĩnh Quốc đang phất cờ gióng trống để chống cự ngài! May là các hạ túc phước sâu dầy, chưa phải lo điều ấy! Nhưng quân hai bên đánh nhau, cố nhiên nguy hiểm muôn bề! Nếu chẳng lo liệu, thì hai vị cao đường (cha mẹ) và anh em, vợ con nương tựa vào đâu? Huống chi tâm của địch nhân quyết khó thể nghĩ tình hiếu hữu để bảo bọc cả nhà, chẳng chịu ra tay tàn sát một phen ư? Mối hoạn hại cay đắng của trăm họ thảm độc còn cạn, mối hoạn hại cay đắng của các hạ, thảm độc càng sâu. Chánh phủ trung ương thiết tha nghĩ đến dân chúng, cho rằng các hạ tuy tài đức cao sâu, nhưng chưa hợp lòng người, nên mới có quân Tĩnh Quốc dấy lên. Nếu các hạ chịu lui, ắt quân Tĩnh Quốc sẽ tự triệt thoái; vì thế mới đặc phái Diêm đốc tướng thay thế.

Các hạ đã từng trải, hãy nên nghĩ lại mấy năm gần đây, cừu địch như rừng, tuy chưa bị thương, cũng rất nguy hiểm. Dẫu cho quân oai lừng lẫy, quả thật là mộng mị chẳng yên, dẫu muốn rút mình ra khỏi cũng không thể được. Nay may sao có người khác thay thế, tự có thể trút bỏ được trách nhiệm nặng nề, rút lui về vườn rẫy, tiêu dao an lạc, dùng hiếu hữu để cai trị, vui với thiên chân của chính mình, gác ra ngoài chuyện cạnh tranh, khuyến hóa kẻ tham tàn kia. Tuy sống trong thời đại cạnh tranh, nhưng làm người trong thời Hy - Hoàng[28]. Một là chẳng phụ sở học, hai là vĩnh viễn đáp ứng lòng kỳ vọng của dân. Bỏ chuyên chế, hưng khởi cộng hòa, triệt để tương ứng với danh xưng tạo phước cho đồng bào, trọn chẳng trái nghịch. Há có nên nghe lời xúi giục sai trái của những kẻ chẳng biết đại thể, lầm lạc mong mỏi đoạt công danh mà cự tuyệt chẳng nghe lệnh chánh phủ, đem binh chống cự, khiến cho nhân dân lầm than, ngân sách đất nước trống rỗng? Dẫu cho các hạ một trận thắng ngay, vẫn giữ được nguyên chức vị, há có tránh khỏi về sau không bị các đội quân tấn công hay chăng?

Phàm vũ khí là thứ bất tường, thánh nhân bất đắc dĩ mới phải dùng đến! Nay chẳng phải là chuyện bất đắc dĩ, chỉ vì nghe lời kẻ dối trá, dua vạy, mong muốn giữ chắc tước vị của chính mình, chẳng đoái hoài trăm họ thường bị lầm than, nguyên khí quốc gia bị hao hớt. Hành vi như thế khác nào như cái đích để bắn được dựng thẳng để hứng lấy các mũi tên, há có nên hằng ngày đem thân mạng tối trọng và cha mẹ, anh em, vợ con ra đánh đổi lẽ sống trong tay cừu địch? Ấn Quang tuy ngu, cũng chẳng thấy đó là cách hay. Dẫu thủy chung không lo lắng đến chuyện đó, nhưng trong lúc đêm thanh lặng lẽ nghĩ suy, há không hổ thẹn đối với những binh lính chết trận, người dân chết đói ư?

Mạnh Tử nói: “Tuy có trí huệ chẳng bằng nương theo thế. Tuy có phương tiện, chẳng bằng được thời”.Tài trí, thao lược của các hạ chính là trí huệ, phương tiện vậy. Dân không bội phục, đua nhau nổi dậy chống lại, là vì đời trước ít kết duyên cùng người. Nay cai trị chưa hợp lòng người tức là không có cái thế nào để nương vào. Không có thế gì để nương vào mà cứ cưỡng làm tức là chẳng đắc thời vậy. Đại trượng phu muốn tạo đại công, lập đại nghiệp, chưa hề có ai trên chẳng thuận theo thiên lý, dưới chẳng hợp lòng người cả! Vì thế, Khổng Tử thấy ra làm quan được bèn làm quan, nên thôi bèn thôi, cái gì nên lâu thì lâu, cái gì nhanh được thì nhanh, đợi thời cơ thích hợp, không gì chẳng thích đáng. Ngài từng bảo Nhan Uyên: “Dụng chi tắc hành, xả chi tắc tàng. Duy ngã dữ nhĩ hữu thị phù”“Kháng là đức, biết tiến nhưng không biết thoái, biết còn mà chẳng biết mất, biết được nhưng chẳng biết mất. Chỉ mình thánh nhân biết tiến thoái tồn vong, nhưng chẳng đánh mất lẽ chánh, chỉ có mỗi mình thánh nhân ư?”Nhắc lại câu “chỉ mình thánh nhân ư”lần nữa để con người suy nghĩ sâu xa học lấy. Dẫu các hạ chẳng ở vào bậc thánh nhân, nhưng chẳng lẽ không xuôi theo cái tốt, tránh cái xấu hay sao? Mong các hạ trên hãy nghĩ đến chuyện nối tiếp dài lâu đức dầy của tổ tiên, dưới nghĩ để lại hạnh phước cho con cháu, sanh ý tưởng tri túc, mau dứt chiến sự thì nhân dân đất Tần mới còn sống sót được. Cường bạo các nơi không cậy vào đâu hoành hành được nữa! Tuy lui về ruộng rẫy, nhưng quả thật đã ban ân trạch “xương khô được mọc thịt” cho dân Tần không gì lớn lao hơn! (Dùng đến thì ra sức, bỏ đi thì ẩn. Chỉ mình ta với ngươi là được như vậy thôi!) Mong các hạ noi gương Khổng Tử, coi cái địa vị Đốc Quân giống như nguồn tội, chẳng những không khởi chiến sự, mà cũng chẳng sanh tâm tiếc nuối thì không những dân Tần được nhờ mà quốc gia cũng chẳng phải lo âu. Các hạ sẽ thật sự được phước không ngằn mé, phước thừa đượm khắp hậu duệ. Nếu giữ chắc ý kiến ấy, chẳng chịu nghĩ lại, ắt sẽ thành tượng Kháng Long Hữu Hối[29] của quẻ Càn, tuy quý nhưng không có địa vị, cao nhưng không có dân, sau này ắt phải hối hận. Sau này có hối, há còn kịp chăng? Khổng Tử giải thích [quẻ này] như sau:

Ấn Quang tài đức đều thiếu, nào dám mạo phạm oai phong, bất quá muốn báo đáp các hạ một phen yêu thương nồng hậu, ngõ hầu dân xứ Tần ít phải chịu tai nạn binh đao. Do vậy, chẳng nề hà bị giết chóc, dâng lời thẳng lên ngài, nếu ngài rủ lòng xét soi tấm lòng ngu thành thì dân Tần may lắm, quốc gia may mắn lắm. Lại mong các hạ thiết thực nghĩ đến đời sống của nhân dân, ắt sẽ suy xét nguyên do họa phước, kết quả thiện ác. Một là để mở rộng bụng dạ, hai là để hướng dẫn, cảm hóa đồng nhân, nên tự đem một bộ Cảm Ứng Thiên Vựng Biên, Phật Học Tiệp Kính, Phật Học Cơ Sở, Phật Học Khởi Tín Thiên, Phật Học Chỉ Nam, Lục Đạo Luân Hồi Lục[30], mỗi thứ một bản gởi kèm theo thư, mong ngài sẽ đọc vào những lúc nhàn hạ vô sự thì cái đạo thành ý, chánh tâm, cùng lý tận tánh, siêu phàm nhập thánh, liễu sanh thoát tử sẽ tự đạt được nơi tâm.

An Sĩ Toàn Thư là thiện thư đứng đầu thiên hạ từ xưa đến nay. Lưu tỉnh trưởng từng thỉnh bốn trăm bộ kết duyên, sẽ bảo ông ta gởi cho các hạ đọc. Ngoài ra, Cảm Ứng Thiên Vựng Biên cũng thuộc vào bậc nhất. Sách này tuy nghị luận chẳng mười phần thấu triệt bằng An Sĩ Toàn Thư, nhưng so trong các thiện thư, chưa thấy sách nào bằng được, huống gì là hay hơn! Năm bộ sách kia đều từ cạn tiến vào sâu, do nhân quả để liễu sanh tử, không căn cơ nào chẳng kể đến, không pháp nào chẳng bao gồm. Người sâu sắc sẽ thấy sách sâu sắc, tự có thể đoạn Hoặc chứng Chân. Người nông cạn sẽ thấy chúng là nông cạn, cũng kham tiêu tai tăng phước. Pháp không có tướng nhất định, tổn hại hay lợi ích là do mỗi người. Người dốc chí tận tụy nơi đại sự để mình được luôn trường tồn bao kiếp sẽ chẳng cho là Quang lắm chuyện.

Phật pháp một phen nghe đến, lợi ích vô tận. Ông Vương Thiết San ở Bắc Thông Châu, từng làm chức Phiên Đài tỉnh Quảng Tây đời nhà Thanh trước kia. Do cõi ấy thổ phỉ quá đông, ông bèn lập cách tiêu diệt, giết hại không biết bao nhiêu mà kể. Đến năm trước bị bệnh, vừa chợp mắt bèn thấy thân ở trong nhà tối, vô số quỷ muốn đến bức bách khổ não, bèn hoảng hốt tỉnh dậy. Lúc lâu sau chợp mắt, lại thấy y hệt như thế, lại kinh hoảng thức dậy. Suốt ba ngày ba đêm chẳng ngủ yên giấc như thế, người đã suy sụp không kham nổi. Vợ ông ta dạy ông niệm “nam mô A Di Đà Phật”,ông bèn cạn kiệt lòng thành niệm rõ, chưa được một lúc lâu sau bèn ngủ thiếp đi, ngủ được đẫy giấc, bệnh dần khỏi hẳn, mới biết công đức Niệm Phật chẳng thể nghĩ bàn. Mùa Hè năm ngoái, ông Thiết San lên núi, chính ông ta kể cùng Quang chuyện ấy. Quang đem chuyện này tỏ bày cùng các hạ, cũng mong các hạ được lợi ích thật sự nơi Niệm Phật.

 

Nam Mô A Di Đà Phật!
ẤN QUANG PHÁP SƯ VĂN SAO
(Tăng Quảng Chánh Biên)
Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa chuyển ngữ
(trọn bộ - giảo duyệt hoàn tất ngày 26 tháng 11 năm 2006)
QUYỂN THỨ HAI- Phần thứ hai

/199
 

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây