Tìm kinh sách
 
        Kinh Sách FULL

Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao

ẤN QUANG PHÁP SƯ VĂN SAO
(Tăng Quảng Chánh Biên)
Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa chuyển ngữ
(trọn bộ - giảo duyệt hoàn tất ngày 26 tháng 11 năm 2006)
QUYỂN THỨ NHẤT

 

Chương 87: [THƯ 87]: Trả lời thư cư sĩ Viên Văn Thuần

Nhận được thư của Đại Viên cho biết cư sĩ và phu nhân cùng lệnh lang đều muốn quy y với Quang, nhưng Quang là một ông Tăng chỉ biết cơm cháo hủ bại không ra gì, Đại Viên chẳng xét tường tận nên lầm lạc quy y. Sao cư sĩ lại noi theo cái sai lầm ấy, chẳng coi đó là nhơ bẩn vậy? Tuy nhiên, tượng Phật bằng đất nặn, gỗ chạm, kính trọng cũng có thể sanh phước, ông đã phát tâm, bèn đem lầm lạc đáp tạ lầm lạc, một mai ngộ ra đó chẳng phải là Phật thật cũng chẳng ngại gì chuyển sang kính trọng vị Phật thật, cố nhiên chưa hề không thể được!

Nay đặt cho ông pháp danh là Trí Thuần, lệnh phu nhân là Trí Bổn, bởi chúng sanh vốn sẵn có Phật trí, do phiền não xen tạp như vàng trong quặng, chẳng thể thật sự thọ dụng nên cái trí sẵn có ấy biến thành vọng tri. Tuy vọng tri ấy từ Bổn Trí mà khởi, nhưng Thể và Dụng của Bổn Trí hoàn toàn bị mất. Nếu xoay ngược lại, niệm Phật để nhiếp tâm thì trí sẽ dần dần quy về Thuần, đạt được Bổn. Đấy là đại ý đặt tên cho vợ chồng ông vậy, chẳng biết có hợp ý ông hay không? Thêm nữa, Trí Bổn đã có thể một tháng ăn chay mười ngày, một năm ăn chay ba tháng, sao không trường trai? Ăn thịt loài vật để nuôi thân ta, con người ta vốn đã quen nên yên lòng. Hãy thử nghĩ lại, ắt sẽ run sợ chẳng yên, huống gì thật sự giết chúng để ăn hay sao? Mạnh Tử nói: “Nếu biết điều gì là phi nghĩa nó sẽ mau kết thúc”Chồng và con đều trường trai, sao bà nỡ chẳng ăn chay trường? Chánh nhân Tịnh nghiệp lấy từ tâm bất sát, tu Thập Thiện Nghiệp làm điều đầu tiên. Người ăn thịt, dẫu chẳng tự giết, cũng khó tránh khỏi sát nghiệp, bởi không giết sẽ không có thịt, dùng tiền ép người giết thay cho mình.

Phù Cầu nên gọi là Phước Cầu. Cái họa trên hoàn cầu là do không biết sự lý nhân quả báo ứng sanh tử luân hồi, nên tâm mình mặc tình dã man, gây nên thảm sự kẻ mạnh ăn thịt kẻ yếu, tàn hại lẫn nhau. Ông đã quy y Phật pháp, chính mình hãy nên thực hành sự này, do mình tự hành sẽ dần dần thấu đến người khác, khiến cho hết thảy trong là quyến thuộc, ngoài là xóm giềng, làng nước và hết thảy những ai quen biết cùng biết đến lý này, cùng đều chẳng làm các điều ác, cùng vâng làm các điều thiện, kiêng giết, bảo vệ sanh vật, ăn chay, niệm Phật thì sát nghiệp tiêu, phong tục thuần hậu, thần và người hòa thuận, thiên hạ thái bình.

Hai câu “đừng làm các điều ác…”chính là Giới Kinh nói giản lược của tam thế chư Phật, chớ nên coi thường, phải xét kỹ từ nơi khởi tâm động niệm. Nếu có thể thực hiện điều này đến cùng cực sẽ còn có thể thành Phật đạo, huống là những quả vị phước huệ khác! Trong kinh Đại Thừa, Phật đã nói đến nhiều lần, chứ không phải câu này trích từ bài Âm Chất Văn, mà chính là Văn Xương Đế Quân trích dẫn kinh Phật vậy! Còn những thuyết tu trì Tịnh nghiệp khác trong Văn Sao đã nói đủ, không cần phải viết cặn kẽ. Đường đời hiện thời chính là tình thế hoạn nạn, nếu chẳng lấy A Di Đà Phật, Quán Thế Âm Bồ Tát để làm chỗ nương tựa mà thường niệm, khi họa hoạn xảy tới hoặc gặp chuyện bất trắc và những chuyện thình lình xảy tới, kêu xuông ích gì? Nếu trì niệm sẵn ắt sẽ được ngầm chuyển dời, huống khi sanh tử xảy đến, ai cũng phải có ngày này, vì thế phải nên thường nghĩ đến khi lâm chung thì sẽ chẳng phí sức theo đuổi hết thảy những vọng tưởng trái phận và những pháp môn chẳng giúp ích gì cho việc liễu sanh tử, bỏ phế không tu pháp quyết định có thể nương cậy để liễu sanh tử này. Nguyện vợ chồng, cha con ông cùng không cho lời Quang là hủ bại thì may mắn lắm.

Chúng sanh đời Mạt căn cơ hèn kém, chẳng nương theo pháp môn Tịnh Độ, quyết định chẳng nhờ đâu liễu thoát được! Những phường ham cao chuộng xa, đa phần vượt quá phận mình, tự kiêu, biết được sự uyên thâm của lý tánh Thiền, Giáo, bèn chẳng chú trọng Tịnh Độ. Do vậy, bỏ Phật lực cậy vào tự lực, hóa ra đến lúc kết cục đều trở thành gieo cái nhân xa, trọn chẳng được lợi ích thật sự. Trí Bổn đã kết nghĩa vợ chồng cùng ông, nếu ông thật hành, lâu ngày chầy tháng bà ta trông thấy sẽ được cảm hóa, không còn phải lo lắng nữa! Đàm Bích Vân ham gấp [thành tựu], không phải mình ông ta mắc căn bệnh này, hết thảy người học Phật, đa phần phạm phải căn bệnh ấy! Đã có căn bệnh ấy, nếu không chiêu cảm ma cảnh cũng sẽ chưa đắc nói là đã đắc. Phải biết tâm vốn là Phật, do chưa trừ phiền não nên phải oan uổng làm chúng sanh. Hễ tiêu diệt được phiền não, Phật tánh sẵn có sẽ tự nhiên hiển hiện giống như mài kính vậy, chỉ mong trừ sạch chất bẩn, đừng lo không có ánh sáng. Giống như chữa bệnh mắt, trừ được màng mộng, mắt tự sáng lại. Khi chưa trừ sạch cấu uế, chưa khử được màng mộng, muốn cho quang minh sáng tỏ há có được ư? Nếu quang minh có phát thì chỉ là yêu ma hiển hiện, quyết chẳng phải là quang minh thật sự của kính hay mắt vậy! Phàm với những ai mới phát tâm đều nên đem ý này bảo rõ!

 

Nam Mô A Di Đà Phật!
ẤN QUANG PHÁP SƯ VĂN SAO
(Tăng Quảng Chánh Biên)
Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa chuyển ngữ
(trọn bộ - giảo duyệt hoàn tất ngày 26 tháng 11 năm 2006)
QUYỂN THỨ NHẤT- Phần thứ tư

/199
 

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây