Tìm kinh sách
 
        Kinh Sách FULL

Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao

ẤN QUANG PHÁP SƯ VĂN SAO
(Tăng Quảng Chánh Biên)
Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa chuyển ngữ
(trọn bộ - giảo duyệt hoàn tất ngày 26 tháng 11 năm 2006)
QUYỂN THỨ NHẤT

 

Chương 119: [THƯ 119]: Thư gởi cư sĩ Đinh Phước Bảo

Gần đây, hàng sĩ đại phu đa số có kiến giải hẹp hòi, câu nệ, có người nếu đem chuyện nhân quả báo ứng sanh tử luân hồi nói với họ, sẽ bảo: “Những chuyện do dã sử, tiểu thuyết vụn vặt bịa đặt ra, há đáng tin tưởng được!” Hạng người ấy đã từng đọc kinh, duyệt sử, tuy thấy những sự tích ấy nhưng chẳng hiểu được duyên do, nên mới có cái nhìn hạn hẹp, câu nệ như vậy. Cư sĩ đem những chuyện nhân quả báo ứng sanh tử luân hồi trong lịch sử biên soạn lại, trên là Lân Kinh[46], dưới là Minh Sử, những sự tích rành rành có thể khảo chứng được. Những kẻ câu nệ hẹp hòi kia đọc đến ắt sẽ câm họng chẳng dám bảo là chuyện bịa không có căn cứ được nữa!

Còn như chuyện học Phật thì phải trọn vẹn đạo làm người mới hòng tiến vào được. Nếu đối với những chuyện hiếu, đễ, trung, tín, lễ, nghĩa, liêm, sỉ không thực hiện một điều nào, dẫu có suốt ngày thờ Phật, Phật cũng chẳng thể nào gia hộ được! Ấy là vì Phật pháp bao trùm hết thảy pháp thế gian và xuất thế gian. Do vậy, với cha nói đến từ, với con nói hiếu, thảy đều cho ai nấy tận hết đạo làm người, rồi sau đấy mới tu pháp xuất thế. Ví như muốn xây lầu cao vạn trượng, trước hết phải đắp vững nền móng, khai thông đường nước thì lầu cao vạn trượng mới xây dần lên được, lại còn vĩnh cửu chẳng hư hoại. Nếu như nền móng không chắc, ắt đến nỗi chưa xây xong đã sụp. Sách Luận Ngữ nói: “Tuyển trung thần nơi nhà hiếu tử”,người học Phật cũng phải như thế. Xưa kia, ông Bạch Cư Dị hỏi Ô Khoa thiền sư[47]: “Thế nào là đại ý Phật pháp?”Sư nói: “Đừng làm các điều ác, vâng làm các điều thiện”. Muốn học Phật pháp, trước hết phải khắc kỷ, cẩn thận, dè dặt, sự sự đều phải từ tâm địa chân thật mà làm. Người như thế đáng gọi là đệ tử thật sự của Phật. Nếu tâm gian ác mà muốn nhờ vào Phật pháp để khỏi tội nghiệp thì có khác gì trước hết uống thuốc độc rồi lại uống thuốc tốt lành để thân thể nhẹ nhàng, khỏe mạnh, há có sống thọ được ư?

Bộ sách thực nghiệm quả đã phá được cái tệ ấy, lưu thông trong đời lợi ích lớn lao. Lại nữa, ông Bành Hy Tốc[48] ở Tô Châu từng soạn cuốn Nhị Thập Nhị Sử Cảm Ứng Lục trích tuyển hơn một trăm tám mươi điều liên quan đến sự thật nhân quả trong lịch sử, không biết các hạ đã có cuốn sách ấy hay chưa? Nếu có, hãy nên in ra để mở rộng tầm mắt cho bọn câu nệ, hẹp hòi. Hơn nữa, hai mươi bốn bộ sử[49] ghi chép rất nhiều chuyện lạ, cư sĩ đọc rộng không sót, hãy nên đem những chuyện phàm tình không thể thấu hiểu được, giống như những chuyện đã được nêu lên trong phần sau bộ Dục Hải Hồi Cuồng và những chuyện nhân quả luân hồi chép hết soạn thành một bộ sách để giúp cho việc trị quốc an dân, liễu sanh thoát tử thì công đức ấy lớn lắm. Chẳng biết ông có chịu thỏa mãn ý nguyện ngu muội của tôi hay không?

 

Nam Mô A Di Đà Phật!
ẤN QUANG PHÁP SƯ VĂN SAO
(Tăng Quảng Chánh Biên)
Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa chuyển ngữ
(trọn bộ - giảo duyệt hoàn tất ngày 26 tháng 11 năm 2006)
QUYỂN THỨ HAI- Phần thứ nhất

/199
 

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây