Tìm kinh sách
 
        Kinh Sách FULL

Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao

ẤN QUANG PHÁP SƯ VĂN SAO
(Tăng Quảng Chánh Biên)
Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa chuyển ngữ
(trọn bộ - giảo duyệt hoàn tất ngày 26 tháng 11 năm 2006)
QUYỂN THỨ NHẤT

 

Chương 62: [THƯ 62]: Trả lời thư ông Ly Ẩn Tẩu

Ngày hôm qua từ chỗ Hải Thi Đạo Nhân[53] ở Gia Hưng chuyển thư các hạ tới, biết ngài dốc sức nơi Đạo học (tu tiên) đã lâu, có sở đắc sâu xa, nay lại muốn hỏi đến ngọn ngành pháp môn Tịnh Độ thành thỉ thành chung trong Phật pháp, có thể nói là đời trước từng gieo thiện căn sâu dầy nơi Phật pháp, không chấp vào kiến giải hẹp hòi của Hà Bá[54], muốn biết những điều trọng yếu nơi biển pháp vậy. Ngài đã biết Hải Thi đạo nhân, sao không hỏi ông ta, lại bỏ bậc cao minh tìm người hèn tệ, đến nỗi phụ lòng mong mỏi. Ông Hải Thi thông suốt cả Tông lẫn Giáo, Thiền - Tịnh song tu, quả thật là thuyền đại nguyện trong biển sanh tử; nhưng do khiêm tốn quá mức nên lấy tên là Thi (xác chết). Nếu trong biển sanh tử gặp được cái xác ấy bảo đảm mau lên được bờ kia, về nhà ngồi yên vậy. Còn Quang là một ông Tăng tầm thường chỉ biết đến cơm cháo, trong pháp môn chẳng biết được chuyện gì. Ngài đã lầm hỏi đến nên chẳng ngại vì ngài trừ bớt đôi chút nghi nan mà thôi!

Trộm nghĩ cội nguồn Thích, Đạo vốn không hai, nhưng nhánh nhóc, chi phái quả thật khác xa một trời, một vực. Phật giáo dạy người trước hết phải tu Tứ Niệm Xứ Quán: quán thân bất tịnh, quán thọ là khổ, quán tâm vô thường, quán pháp vô ngã. Đã biết thân, thọ, tâm, pháp đều là huyễn vọng, khổ, không, vô thường, vô ngã, bất tịnh thì diệu tánh Chân Như tự có thể hiển lộ. Đạo giáo nguyên sơ chánh truyền cũng chẳng coi trọng việc “luyện đan, vận khí, chỉ cầu trường sanh bất tử”; hậu thế hễ tu theo Đạo giáo không một ai chẳng coi chuyện đó là chánh tông. Phật giáo không gì lớn lao chẳng bao gồm, không gì nhỏ nhặt chẳng nêu lên, chẳng những phát huy trọn vẹn cái đạo thân tâm tánh mạng không còn sót, mà ngay cả những sự nhỏ nhặt thuộc Thế Đế như Hiếu, Đễ, Trung, Tín, Lễ, Nghĩa, Liêm, Sỉ v.v…không bỏ sót mảy may điều thiện nào. Chỉ có những chuyện luyện đan, vận khí v.v… là tuyệt đối không nhắc đến một chữ, lại còn ngăn cấm nghiêm nhặt. Bởi lẽ một đằng biết thân tâm là huyễn vọng, một đằng lại khư khư thân tâm là chân thật. Cái tâm vừa nói đó chính là cái tâm sanh diệt tùy duyên, không phải là chân tâm vốn có. Một pháp luyện đan không phải là vô ích, nhưng chỉ có thể kéo dài tuổi thọ, tột bậc là thành tiên sanh lên trời. Nếu bảo là liễu sanh thoát tử khác gì lời nói trong mộng!

Các hạ đã biết kiếp tiên có số, Phật thọ vô lượng, thì ngay trong lúc cao niên này đúng là lúc nên tu pháp môn Niệm Phật, chuyên tinh dốc sức, còn các pháp Thiền, Giáo khác hãy nên giản lược. Bởi lẽ các pháp ấy rộng lớn sâu xa, chẳng dễ nghiên cứu đến cùng tột. Dẫu cho đạt đến chỗ cùng cực, vẫn phải nên quy hướng, đề cao pháp môn Tịnh Độ mới hòng rốt ráo thành tựu được. Phàm với kinh luận Tịnh Độ hãy nên gấp gáp nghiên cứu đến cùng, y giáo phụng hành, chẳng nên vì mình không hiểu bèn sanh chút niệm nghi tâm. Ngửa tin lời thành thật của Phật, Tổ, sanh lòng tin phát nguyện trì danh hiệu Phật, sẽ tự được Phật từ lực tiếp dẫn vãng sanh. Hễ được vãng sanh bèn sẽ siêu phàm nhập thánh, liễu sanh thoát tử, hầu cận Di Đà dài lâu, theo gót hải chúng, rồi sẽ chứng ngộ triệt để Vô Sanh, mau đạt lên Bổ Xứ. Nhìn lại những chuyện thành tiên bị Thiên Đế cai quản, cách xa một trời, một vực!

Những lời các hạ dẫn từ Mộng Đông Ngữ Lục và lời ông Bành Thiệu Thăng tựa hồ đều đã bị bọn luyện đan sao chép sửa đổi xằng bậy, không phải là những lời trích từ tác phẩm gốc. Bởi lẽ, trong số những người luyện đan cũng có kẻ coi tịnh tọa là tham Thiền nên nói “niệm Phật và tham Thiền giống nhau, hơi khác một chút với pháp Đạo giáo”.Câu “hơi khác một chút với pháp Đạo Giáo”là do bọn luyện đan thêm vào. Bỏ câu ấy ra, những đoạn văn trước và sau đó tuy ý nghĩa không sai lầm lớn, nhưng cũng lủng củng, mập mờ. Mộng Đông Ngữ Lục trọn chẳng có đoạn văn ấy. Bọn họ sao lục lấy ý nghĩa ấy, nhưng quả thật chẳng hiểu duyên do, nhưng vẫn cứ sao lục. Nay tôi cũng không cần phải biện luận cặn kẽ, mong ngài hãy lắng lòng xem Mộng Đông Ngữ Lục ắt sẽ tự biết.

Còn như lời cư sĩ Bành Nhị Lâm đã dẫn cũng giống như trên, sai lạc quá mức! Như nói: “A Di Đà Phật bốn chữ dễ niệm, chỉ cần niệm niệm tiếp nối nhất tâm bất loạn thì nhất khí mới có thể tuần hoàn, tinh - khí - thần ngưng tụ một chỗ, lâu ngày sẽ thành xá-lợi tử, lại lâu hơn nữa bèn kết thành Bồ Đề châu, bèn thành Phật!”Lời này biến pháp Niệm Phật thành pháp luyện đan, tuyệt đối Nhị Lâm chẳng nói như vậy! Chánh nhãn chưa mở, kéo chánh thành tà, chuyện như vậy nhiều lắm. Huệ Mạng Kinh, Tiên Phật Hiệp Tông[55] những thứ như vậy càng tệ hơn nữa: Dẫn lời người nhưng chẳng hiểu ý nghĩa, sửa đổi, cắt xén xằng bậy để chứng minh pháp của mình. Cái tội miệt thị lý, vu báng người, dối đời lầm người chẳng thể dùng lời lẽ, bút mực kể hết được! Tham cầu hư danh nhất thời, chẳng sợ họa thật sự bao kiếp dài lâu, Như Lai gọi người như vậy là “kẻ đáng thương xót!”

Còn cái pháp hồi quang phản chiếu như ông nói đó dẫu không gây trở ngại lớn, hai mắt nhìn vào đầu ngón tay chính là “nhìn vào chót mũi” bị ngoa truyền. Có thể cách này do cư sĩ Nhị Lâm lập ra, tuy cũng có ích, nhưng chắp tay một lúc lâu thật rất tốn sức, chẳng an lạc tự tại bằng nhìn xuống ánh sáng trắng nơi chót mũi, thân lẫn tâm đều thảnh thơi. Do sơ tâm tập định, niệm khó thể quy nhất. Nếu có thể thường quán chót mũi thì tâm sẽ chẳng vọng động rong ruổi bên ngoài. Cách này thuộc về pháp quán thiển cận ban đầu. Mộng Đông Ngữ Lục do cư sĩ Tiền Y Am trích lấy những câu nói chuyên dạy về Tịnh Độ từ Mộng Đông Di Tập đem lưu truyền ở phương Nam để thỏa lòng những ai mong đợi đã lâu nhưng không có duyên hội ngộ. Toàn tập ở Bắc Kinh thì có, nhưng phương Nam chỉ có lược bản của Tiền Y Am. Cuốn sách này từ ngữ, nghĩa lý tinh diệu, là trước tác bậc nhất sau thời các vị Ngẫu Ích, Tỉnh Am. Nếu có thể thấu triệt cuốn sách này, tin tưởng chắc chắn không nghi, Quang dám bảo đám búp sen của các hạ sẽ nở tươi trong ao quý, lâm chung gởi thân nơi đó, làm khách quý nơi Tịnh Độ.

Di Đà Yếu Giải là bản chú giải mầu nhiệm từ khi có kinh này đến nay, quả thật là chỉ nam cho người tu Tịnh nghiệp. Cuốn này được chép làm quyển đầu trong bộ Tịnh Độ Thập Yếu. Tịnh Độ Thập Yếu là do đại sư trích lấy những trước thuật Tịnh Độ khế lý khế cơ nhất hợp thành bộ này, tổng cộng gồm mười cuốn, nên gọi là Thập Yếu. Do Yếu Giải chú thích kinh nên được xếp đầu tiên để tỏ ý tôn trọng kinh.

Như nói đến Xá Lợi thì đó là tiếng Phạn, Hán dịch là Thân Cốt (xương nơi thân), hoặc Linh Cốt (xương thiêng), do Giới - Định - Huệ của người tu đạt được, chứ không phải do luyện Tinh - Khí - Thần hợp thành. Đây chỉ là biểu thị tâm hợp với đạo, tâm hợp với Phật, chẳng phải riêng gì chết rồi đem thiêu, thịt, xương, tóc trên thân biến thành xá-lợi. Xưa có vị cao tăng tắm gội bèn được xá-lợi. Lại còn Tuyết Nham Khâm thiền sư[56] cạo đầu, tóc rớt xuống biến thành một chuỗi xá-lợi. Lại có người chí tâm niệm Phật, trong miệng có xá-lợi. Lại có người khắc bản Long Thư Tịnh Độ Văn, từ trong ván in hiện ra xá-lợi. Lại có người thêu hình Phật, thêu kinh, kim đâm xuống bèn được xá-lợi. Lại có người chết đem thiêu xá-lợi vô số, môn nhân ai nấy đều có. Có một người đi xa chưa về, lúc về, cúng tế trước tượng, cảm khái đau buồn, bèn được xá-lợi ngay trước tượng. Ngày thiêu hóa Trường Khánh Nhàn thiền sư trời nổi cơn gió lớn, khói bay xa ba bốn mươi dặm. Chỗ nào khói lan tới đều có xá-lợi, nhặt gom lại được hơn bốn thạch[57].

Nên biết xá-lợi do đạo lực tạo thành, kẻ luyện đan không biết căn do, đoán bừa là do Tinh - Khí - Thần luyện thành, vì những kẻ luyện đan thấy danh tướng trong nhà Phật, chẳng xét đến nguồn gốc chỉ chấp vào hình tích. Vì thế, đem những chuyện thuộc lãnh vực luyện đan của mình ghép bừa vào. Đắc Bồ Đề đạo là thành Phật, chứ chưa hề nghe nói luyện Tinh - Khí - Thần trước hết thành xá-lợi tử, sau đó thành Bồ Đề châu là thành Phật! Kẻ luyện đan khư khư gìn giữ sắc thân, cho là giữ đến mức cùng cực sẽ thành Phật. Lấy đó làm chứng, người mắt sáng trông thấy chẳng bõ một trận cười. Nhà luyện đan nói đến tánh, nói đến mạng đều là những điều biện luận dựa trên sắc thân, lại nói ngược Phật pháp chỉ biết tu tánh, không biết tu mạng, không biết những điều họ đang theo đuổi đều là những điều bị Phật giáo phá trừ. Quán Tứ Niệm Xứ sẽ tự biết rõ.

Huệ Mạng Kinh là do gã ma dân Liễu Hoa Dương soạn vào đầu đời Thanh. Gã xuất gia làm Tăng, nhưng chủng tánh tà vạy, vì thế gã dùng những điều trích dẫn kinh Phật nhất nhất được hiểu theo ý nghĩ sai lầm của chính gã để chứng minh pháp luyện đan. Chỗ nào bất tiện bèn sửa đổi câu chữ, lại còn tự chú thích, ý mong người khác coi mình là cao nhân bậc nhất từ xưa tới nay. Những kẻ vô tri vô thức bèn khắc in, truyền dạy riêng cho nhau, chỉ sợ người mắt sáng biết đến thì họa ương chẳng nhỏ. Phàm ai xem những loại sách ấy đều là hạng tà - chánh chẳng phân. Nếu người có đủ mắt xem đến sẽ quăng ngay vào lửa mạnh, để khỏi làm hại chánh nhãn của thiên hạ hậu thế. Sách Tiên Phật Hiệp Tông vu báng Phật pháp so với Huệ Mạng Kinh còn tệ hơn nữa. Phàm muốn luyện đan thì lấy ngôn luận của chính các nhà luyện đan để đề xướng, hướng dẫn thì được, sao lại biến chánh thành tà, bày kế bịt tai trộm linh[58]? Dẫn lời người nhưng chẳng dựa theo nghĩa của người, đã mộ cái danh nhưng lại ghét cái thật, há chẳng mất trí thành cuồng, cầu thăng hóa đọa ư? Những chuyện này vốn chẳng đáng nhắc đến, sao lại còn bày tỏ cặn kẽ? Chỉ vì các hạ chưa biết cội nguồn của đây và kia (tức Phật và Đạo giáo) tuy đồng, nhưng những gì phát sanh từ bên kia, bên đây lại khác. Nếu chẳng phân biện, vẫn cho phép luyện đan là đủ[59], chẳng thể như Trang Phục Chân[60] bỏ ngay đạo kia, chọn lấy pháp này; há Quang chẳng nên biện luận kỹ hay sao? Thật sợ rằng nếu chỉ nói hàm hồ sẽ khiến cho các hạ đối với cả hai môn đều chẳng được lợi ích.

Quán Thế Âm Bồ Tát trong kiếp xa xưa, thành Phật đã lâu, hiệu là Chánh Pháp Minh. Nhưng do tâm từ bi thiết tha nên tuy an trụ trong cõi Thường Tịch Quang lại thùy tích trong ba cõi Thật Báo, Phương Tiện, Đồng Cư. Tuy thường hiện thân Phật, nhưng lại còn hiện đủ mọi thân Bồ Tát, Duyên Giác, Thanh Văn và thân trong sáu đường trời người lục đạo, tuy thường hầu Di Đà, nhưng lại hiện sắc thân trong khắp mười phương vô tận pháp giới, có thể nói là “chỉ có lợi ích, không ai không ngưỡng mộ, sùng kính”. Nên dùng thân nào để độ bèn hiện thân ấy để thuyết pháp. Phổ Đà Sơn là chỗ Bồ Tát ứng tích, muốn cho chúng sanh có chỗ gởi tấm lòng thành nên bèn thị hiện tại núi này, nào phải Bồ Tát chỉ ở Phổ Đà, không ở nơi khác!

Một vầng trăng vằng vặc giữa trời, vạn con sông đều hiện bóng, dẫu nước nhỏ như một chước[61], một giọt thảy đều hiện trọn vẹn bóng trăng. Nếu nước vừa đục vừa xao động, bóng trăng chẳng thể phân minh. Tâm chúng sanh như nước, nếu nhất tâm chuyên niệm Bồ Tát thì Bồ Tát liền ngay trong lúc niệm ấy bèn khiến cho được lợi ích hiển hiện hoặc thầm kín. Nếu tâm không chí thành, không chuyên nhất, ắt khó được cứu hộ. Nghĩa này rất sâu, hãy xem trong Ấn Quang Văn Sao bài tựa Thạch Ấn Phổ Đà Sơn Chí sẽ tự biết. Ngài có tên là Quán Thế Âm, là vì lúc tu nhân Bồ Tát do quán tánh Nghe chứng được viên thông, lúc đắc quả do quán sát âm thanh xưng danh của chúng sanh để ban bố sự cứu hộ nên có tên là Quán Thế Âm.

Phổ Môn là đạo Bồ Tát lớn lao không ngằn, tùy thuận khắp mọi căn tánh của chúng sanh, khiến cho ai nấy đều theo đường về nhà, chẳng lập riêng một môn. Như trong đời có ngàn căn bệnh nên thuốc có vạn phẩm, chẳng chấp nhất định một pháp nào, tùy theo con người mê chỗ nào và chỗ nào người ấy dễ ngộ, liền chỉ điểm cho. Như nơi sáu căn, sáu trần, sáu thức, bảy đại, mỗi mỗi đều có thể chứng viên thông. Do vậy, pháp gì, chuyện gì cũng đều là cửa để thoát sanh tử thành Chánh Giác, nên gọi là Phổ Môn. Nếu Bồ Tát chỉ ở tại Nam Hải thì chẳng đáng gọi là Phổ vậy! Đối với sự lý chẳng thể nghĩ bàn của Phật, Bồ Tát, các hạ đã chẳng dốc lòng suy xét; vì thế, đối với những sự thiển cận này đều mê muội không rõ.

Những điều vừa nói chính là vì các hạ hỏi nên mới bàn, chứ quả thật chưa phải là chuyện để các hạ rốt ráo được lợi ích nơi pháp môn Tịnh Độ vậy. Nếu muốn trình bày cặn kẽ, quá tốn bút mực, xin hãy đọc Vô Lượng Thọ kinh, Quán Vô Lượng Thọ Phật kinh, Tịnh Độ Thập Yếu, Tịnh Độ Thánh Hiền Lục, Triệt Ngộ Ngữ Lục. Xem rồi sẽ tự biết phải tu như thế nào, chứng như thế nào. Vả nữa, cư sĩ Từ Úy Như gom góp những thư từ trao đổi của Ấn Quang hai lần đem in ở kinh đô, đặt tên là Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao, hai bản, đã gởi đi hết. Mùa Xuân năm nay lại nhờ Thương Vụ Ấn Thư Quán tái bản và giữ lại bản lưu; nhưng nhà in nói chi nhánh các nơi của họ sẽ phân phối giùm, đến nay còn chưa ra sách, có lẽ vào cuối năm sang đầu Xuân sẽ in xong, mong hãy thỉnh về đọc. Tuy không phát huy lớn lao, nhưng hơi có chút lợi ích nhỏ nhoi cho kẻ sơ cơ. Vì thế, Từ Úy Như mới đem in nhiều lần, ngõ hầu được lưu truyền rộng rãi. Xem đến thì giới hạn giữa Thiền và Tịnh sẽ phân minh, lợi ích lớn - nhỏ giữa Tự Lực và Phật Lực rõ ràng như xem ngọn lửa. Chẳng đến nỗi tự mình muốn liễu sanh tử nhưng không biết đường nẻo, trong hết thảy pháp, thấy pháp nào cũng viên diệu nhưng chẳng đến nỗi theo đuổi pháp không thích hợp vậy!

 

Nam Mô A Di Đà Phật!
ẤN QUANG PHÁP SƯ VĂN SAO
(Tăng Quảng Chánh Biên)
Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa chuyển ngữ
(trọn bộ - giảo duyệt hoàn tất ngày 26 tháng 11 năm 2006)
QUYỂN THỨ NHẤT- Phần 3

/199
 

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây