Tìm kinh sách
 
        Kinh Sách FULL

Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao

ẤN QUANG PHÁP SƯ VĂN SAO
(Tăng Quảng Chánh Biên)
Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa chuyển ngữ
(trọn bộ - giảo duyệt hoàn tất ngày 26 tháng 11 năm 2006)
QUYỂN THỨ NHẤT

 

Chương 9: [THƯ 9]: Trả lời thư cư sĩ Tạ Dung Thoát ở Thái Thuận (thư thứ nhất)

“Ngô hữu tri hồ tai! Vô tri dã! Hữu bỉ phu vấn vu ngã, không không như dã. Ngã khấu kỳ lưỡng đoan nhi kiệt yên!” (Tạm dịch: “Ta biết gì đâu! Không biết gì! Có bỉ phu hỏi ta thì là rỗng không như thế; chuyện được hỏi và căn cơ người hỏi phù hợp với nhau vậy[46]”). Đấy là thánh nhân do tâm chính mình không có niệm lự nên tùy cơ thuyết pháp dạy người, trọn chẳng thể coi đó là lời nói khiêm. Tâm thánh nhân giống như gương sáng rỗng rang, trọn chẳng có một vật, nào có biết gì? “Bỉ phu đến hỏi” là như Hồ đến, Hán đến[47], “khấu lưỡng đoan nhi kiệt” là như Hồ hiện, Hán hiện. Chữ “khấu” có nghĩa là “tức” (chính là), “lưỡng đoan” (hai bên) là chuyện được hỏi và căn cơ của người hỏi, “nhi kiệt yên” là vừa vặn phù hợp, không thái quá, không bất cập, tức là như nhà Phật gọi là “khế lý, khế cơ”. Nếu chỉ khế lý mà không khế cơ sẽ không có ích gì cho người ấy, trở thành lời nói thừa thãi. Như ông hỏi về nhân, về hiếu, về chánh v.v… thì câu hỏi giống nhau, nhưng lời đáp khác nhau, tức là thuận theo căn cơ của người hỏi mà đáp cho, như nhìn lỗ tra chốt, đối bệnh phát thuốc vừa vặn thích nghi, trọn chẳng mảy may có lỗi dạy chẳng phù hợp căn cơ. Nếu tâm chẳng trống không như gương, sao có thể được như vậy?

Giải thích “không không” có nghĩa là “bỉ phu” thì có thể nói là uổng công đọc sách thánh hiền. Tâm Khổng Tử chí thành không vọng, nên bảo là “không không như dã”. Nhan Tử kém hơn đức Thánh một bậc, tuy chưa thể rốt ráo không vọng, mà vọng cũng chẳng còn mấy, nên cũng đã mấy lần đạt được cái không. “Ba tháng không trái nghịch” chính là chuyện này. Vì thế, phu tử bảo Nhan Tử “gần như đạt được”. Nếu cho rằng do Nhan Tử dẫu giỏ cơm, bầu nước mấy lần trống rỗng vẫn vui vẻ không thay đổi nên được coi là “gần như đạt” thì là bỏ gốc theo ngọn, đánh mất lời bàn luận chí lý dựa trên căn cơ để phê bình của thánh nhân vậy. Còn như luận về chuyện Tử Cống buôn bán là tùy loại mà luận, há có thể đem hai người ấy sánh đôi với nhau ư? Thánh nhân do người mà luận người, há nên bắt chước người đời sau làm thơ cử nghiệp, phải đối nhau thật chặt chẽ mới là hợp cách ư!

Thế nhưng các hạ chí mộ Phật pháp, nên chẳng ngại đem tâm thánh nhân ra tùy cơ chỉ điểm. Nếu các hạ đến dạy trẻ học vỡ lòng ở Tam Gia Thôn hãy nên tuân theo lời chú giải của Châu Hy. Nếu không bọn chấp chặt vào văn chương sẽ gièm báng tứ tung; chẳng những không thể biết cái tâm thánh nhân, mà trái lại còn hủy báng Phật pháp. Do vậy, họ vĩnh viễn chìm trong biển khổ, đánh mất ý chỉ sâu xa “khấu lưỡng đoan nhi kiệt yên” vậy!

 

Nam Mô A Di Đà Phật!

ẤN QUANG PHÁP SƯ VĂN SAO
Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa chuyển ngữ

/199
 

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây